Sống trên đá
Tác giả: Nguyên Bình
Một hôm bố kể là có gia đình đã bỏ vùng núi cao, hạ sơn xuống thung lũng bằng phẳng. Mẹ hỏi: "Thung lũng đó có xa đây không?" Bố nói: "Không xa đâu, chỗ có đường ô tô mà khi đi chợ ta vẫn qua ấy." Mẹ hỏi: "Đã có nhiều nhà chuyển đi chưa?" Bố nói: "Bản mình có mấy hộ, còn bản bên họ đã đi gần hết." Bà ngồi thêu hoa văn vào kuôk-sêr, nói: "Người Mông ta bao đời nay đều ở trên núi, làm bạn với đá, sống đời ở kiếp với đá. Cái mắt đã quen nhìn, cái chân đã quen bước trên đá, bây giờ bỏ đi nơi khác nghe chừng cái bụng nó không ưng. Tao già rồi, có mời tao cũng không đi đâu hết. Khi chết tao muốn được ở gần tổ tiên." Bố nói: "ở lại, cái nương ngày càng ít bụi bay lên, đất đã cằn lắm rồi, bắp ngô ngày càng bé nhỏ, năm nao cũng thiếu ăn, năm nào cũng đói." Bà nói: "Ngày xưa chúng ta lang thang khắp núi rừng, cái chân đi đã mỏi, tao không còn sống được mấy nữa, tao chán cái cảnh nay ở mai đi rồi, tao chỉ ở nơi này thôi, không ai ở thì tao ở một mình..." Bà đã nói rất nhiều. Bố mẹ không nói gì. Còn tôi, không mấy hứng thú với câu chuyện của bà và bố mẹ nên đã không nghe nữa mà ra đầu nhà, chèo lên cây đào có cái cành chìa ra từ vách núi ngồi ngắm thung lũng đang thả sương vào chiều. Bà nói vậy tôi thấy vừa cái bụng. Phải xa nơi này, chỉ nghĩ đến thôi tôi đã thấy chông chênh nghiêng ngả như đang ngồi trên cành cây sắp gẫy. Nhưng nghĩ như bố mẹ không phải không nghe được, ở lại thấy cái đất nó ít quá, cây ngô trồng xuống không lên được, rồi cái nghèo, cái đói cứ đeo bám ta mãi thì cũng khó mà sống nổi...
Có nhiều thứ gắn bó với cuộc sống của người Mông, nhưng với đá thì hình như có một cái gì đó thật đặc biệt. Từ thời xa xưa, bà nói rằng người Mông chưa biết làm nhà đã ở trong hang đá, lấy tảng đá làm giường, lấy khe đá làm nơi bắc bếp đun nấu. Sau này con người đã biết làm nhà thì đá cũng vẫn gần gũi như ngày nào, đá kê cột dựng nhà, đá bắc kiềng nấu bếp, đá làm ghế ta ngồi...
Cuộc sống quanh năm suốt đời gần gũi với đá, làm bạn với đá. Ra khỏi nhà, đi chợ, đi nương, đi lên rừng, đi gùi nước, đi phơi sợi lanh cũng đều được gần đá. Đá còn cho con người cái ăn nuôi dưỡng sự sống, con người trồng cấy trên đá, hạt lúa hạt bắp nẩy mầm trên đá. Cái nương của người Mông luôn thấp thoáng bóng dáng của đá. Có cái nương ít đất quá hạt bắp không lên được con người lấy đá xếp quây lấy đất, hoặc gùi đất từ chân núi lên thả vào từng hốc đá làm thành nương trồng ngô. Con người cứ như con ong cần mẫn làm lụng, mãi đến khi cây lớn lên xoá dần đi màu xám của đá mới thấy lòng vui lên ít nhiều. Khi cây cho bắp, hạt lép nhiều hơn hạt mẩy lòng người lại thấy buồn nhưng con người vẫn phải sống, vẫn phải vươn lên và công việc của năm sau lại được lặp lại.
Nếu bạn đến quê tôi, bạn sẽ gặp những bức tường đá xếp rất gọn ghẽ và rất đẹp bao quanh ngôi nhà. Mọi người nghĩ rằng khi xếp đá quanh nhà làm hàng rào sẽ được đá bảo vệ không cho con ma ác đến gần, con người không bị đau yếu tật bệnh,... Hàng rào đá còn giúp con người canh giữ tài sản, tạo nét thẩm mĩ cho ngôi nhà. Có hàng rào được xếp cả năm mới xong, đá được chọn lựa rất cẩn thận, giữa hòn nọ với hòn kia không có khe hở, có như vậy hàng rào mới chắc chắn. Họ kị nhất hàng rào được xếp lên mà bị đổ xuống, đó là điềm không tốt, con người không được thần đá bảo vệ nữa. Vì vậy việc làm hàng rào không bao giờ được làm qua loa. Việc xếp đá phải nhờ người khéo tay, hòn đá đầu tiên phải đặt theo hướng thầy mo chỉ, đó là hòn đá quan trọng, là điểm mấu chốt tạo nên bức tường, là nơi thần đá ở và làm công việc bảo vệ cho gia đình sau này.
Khi một người được tổ tiên gọi về, cô giáo bảo là về với đất nhưng cái điều tôi nhìn thấy lại khác. Người chết được mang lên núi, chọn một hốc đá theo hướng mà thầy mo tìm ra và bảo đó là nơi người chết nằm xuống, nếu không có hốc đá thì con cháu phải đào, công việc rất khó nhọc nhưng cái hướng nằm là quan trọng. Đặt người chết vào đó rồi lấy đá xếp lên, là nam thì xếp bảy bậc, là nữ thì xếp chín bậc. Đá sẽ bảo vệ thây ma được vẹn toàn, đá ủ ấm cho tấm thân đã lạnh đi khi ở dương thế.
Trong tâm linh người Mông, so sánh giữa các thần, thần đá chiếm một vị trí khá quan trọng. Vào các ngày lễ, tết con người thường cúng thần đá. Thần đá nằm trong tảng đá to gần nhà ở, hay gần đường đi. Đặc biệt thần đá còn là người cha nuôi kỳ diệu, với những đứa trẻ khi sinh ra khó khăn, nuôi dưỡng vất vả hoặc hay đau yếu. Khi làm lễ để thần đá nhận đứa trẻ làm con nuôi xong, đứa trẻ sẽ lớn lên khoẻ mạnh không bị đau ốm nữa, con ma ác không dám đến gần làm hại đứa trẻ.
Khi chọn được một tảng đá lớn ở vị trí linh thiêng, bố mẹ đem lễ vật và cõng đứa trẻ đến tận nơi, khấn xin thần đá nâng đỡ, che chở cho đứa trẻ, sau đó người bố hoặc người mẹ lấy một đoạn dây rừng buộc vào đứa trẻ rồi quấn dây vào tảng đá. Làm lễ xong họ bện sợi dây lại và đeo vào người đứa trẻ. Từ đây cuộc đời đứa trẻ sẽ được gặp những điều may mắn, tốt đẹp.
Bà nói rằng: "Có ở lâu mới thấy, cái hồn của đá, của núi, của quê nó ăn vào máu rồi. Không dễ mà bỏ đi được đâu. Người Mông ta bao đời nay sống trên đá, làm bạn với đá, chưa thấy ai bị chết đói. Đừng bạc với đất, đừng bạc với quê kẻo không có đường mà về..."
Tôi không hiểu mấy những lời bà nói. Tôi ra sau nhà, trèo lên núi, tìm tới tảng đá, người cha nuôi của tôi từ ngày sinh ra được một tuần đến bây giờ. Tôi nghe trong nắng, trong gió có điều gì đó rất lạ. Tự nhiên tôi cảm thấy rất lạ, những lần trước lên đây không hề có, hay vẫn có nhưng tôi không nhận ra. Cha nuôi của tôi đã già đi nhiều, cũ kỹ meo mốc, gần nơi tiếp giáp mặt đất rêu xanh mọc lấm tấm xung quanh. Tôi trèo lên trên tảng đá bên cạnh, thấy ở cái hố nước vẫn đọng lại sau mỗi trận mưa bỗng dưng nhú lên hai mầm cây, bốn cái lá nho nhỏ xinh xinh vẫy gió. Tôi ngồi xuống cạnh đó, từ nơi này nhìn rất rõ từng ngôi nhà và cái bản nhỏ của tôi.
Bám vào sườn núi đá lởm chởm, từng mái nhà lợp gianh nhìn vừa thấp, vừa bé so với dãy núi vừa dài, vừa cao sừng sững. Trời sắp về chiều, ánh nắng đã bị mây che khuất từ lúc nào. Bao phủ lên cả sườn núi là màu xanh xao của khói sương và màu xám của đá. Và kia, từ những mái nhà, làn khói xanh đang thả vào chiều,... Một vẻ đẹp rất riêng bây giờ tôi mới nhận ra, những xúc cảm tự nhiên cứ trải dài theo gió, theo núi, cao vút lên tận mây.
Ngay gần nơi tôi ngồi, ngay phía dưới kia thôi là ngôi nhà của tôi với cái mái gianh thâm đen, làn khói bếp đang được thả đều đều thung lũng,... những nét thân quen hàng ngày!
Và chính lúc này tôi đã hiểu được vì sao bà không muốn rời xa xóm núi nghèo khó, xa ngôi nhà gianh đơn sơ, xa màu xám thâm u của đá, xa dáng vẻ hùng vĩ của núi...
Trải dài khắp các sườn núi, từng hốc đá đ• được dọn sạch cỏ, màu đất mới được xới lên và đang ủ trong mình những mầm ngô nho nhỏ. Rồi đây, chả mấy nữa, những cây ngô lớn lên, màu xám của đá lại bị khuất dần cho màu xanh vươn dậy.