watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phượng Trắng-Chương 8 - tác giả Nguyễn Đình Bổn Nguyễn Đình Bổn

Nguyễn Đình Bổn

Chương 8

Tác giả: Nguyễn Đình Bổn

TRỜI BỖNG RỢP MÁT, HÌNH NHƯ sắp chuyển mưa. Phượng ngừng kể. Cả hai đứa đều im lặng. Ký ức buồn vừa khơi dậy làm đôi mắt Phượng lại mọng lên. Huấn ái ngại nhìn bạn:
- Mình hiểu! Ngay từ ngày Phượng mới về mình đã nghe dì ấy la mắng nhiều rồi. Rồi lần Huấn bắt gặp Phượng ngồi khóc bên hồ nước, Huấn đã nghi Phượng không phải là con ruột. Sau đó, một người làm chung với Huấn không hiểu vì sao cũng biết Phượng là con riêng của chú Chín và kể cho Huấn nghe.
Bên hàng xóm nhiều người lao xao hối con cái đem quần áo đang phơi vô vì sợ mưa. Phượng đứng lên:
- Phượng về nghen. Hôm nào rảnh Phượng lại đến.
- Trời sắp chuyển mưa mà. Phượng về sợ không kịp.
- Huấn đừng lo. Phượng đạp xe một chút là tới nhà. Chiều nay ba Phượng về, Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn.
Huấn để mặc nhà, tiễn Phượng ra đến đầu hẻm, Phượng cười:
- Phượng chỉ đến làm bận Huấn thôi. Lần sau Phượng sẽ cố gắng đến đúng vào ngày học tổ.
- Phượng nói nghe kỳ ghê. Huấn rất mừng là được bạn tin tưởng mà.
- Thật không? - Đôi mắt của Phượng đã ánh lên niềm vui. Chắc những uẩn ức bao lâu nay trong lòng cô đã vơi đi phần nào...
- Thật mà! Không tin... ngày nào Phượng cũng đến thử coi Huấn có vui không!
- Hôm nào Phượng sẽ rủ Huấn đến nhà. Đúng hơn là tháng sau. Huấn đồng ý trước đi nghen.
- Huấn sẽ đến.
Khi Phượng đã đạp xe khuất sau một khúc quẹo của công viên, Huấn mới trở vào. Những gì mà Phượng vừa kể làm Huấn thấy xót xa. Đúng là dù nhà cao cửa rộng mà một khi con người chưa thông cảm nhau thì hạnh phúc vẫn thật xa vời. Nếu không hiểu về Phượng mà chỉ nhìn bề ngoài, ai có thể tin được Phượng đã phải từng chịu đựng những mất mát hết sức lớn lao trong đời? Nghe Phượng kể, chính Huấn cũng cảm thấy nỗi đau của bạn còn lớn hơn cả mình. Dù gì thì ba Huấn cũng không tục huyền kể từ ngày mẹ mất nên Huấn chưa nếm vị “mẹ ghẻ con chồng” như Phượng. “Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn!” - Phượng đã nói vậy nghĩa là giấu ba mình, không dám thổ lộ sự bất công của người dì ghẻ? Huấn hình dung lại khuôn mặt của người đàn bà ấy. Bà ta chừng trên ba mươi, đúng như lời nhận xét của Thiện: Đẹp thì đẹp nhưng “chằn” lắm! Thực ra, khi đi làm ở chỗ nhà Phượng bây giờ, Huấn cũng ít nhìn thấy bà ta vì bà ta bận nuôi con nhỏ. Nhưng có lần chú Ba chủ thầu nói vui với cánh thợ:
- Căn biệt thự này là của... vợ anh Chín chớ không phải của ảnh đâu nghen. Ráng mà làm cho vừa ý bà chủ.
Lúc ấy Huấn nghĩ chắc là chú Ba nói đùa thôi, bởi thực ra mọi thay đổi trong việc xây cất, sửa chữa đều do ba của Phượng chỉ dẫn. Nhưng giờ thì ý nghĩ ấy không còn tồn tại nữa. Rất có thể chú Ba nói sự thực thông qua một câu đùa?
Nghĩ lan man rồi bỗng chợt nhận thấy mình đã đưa ý nghĩ đi quá xa, Huấn tự mắc cỡ thầm nhưng nó không thể không cảm nhận rằng trong lòng mình đang có những đổi thay rất lạ. Buổi chiều này cũng như mọi buổi chiều, thậm chí bầu trời hơi tối vì đang chuyển mưa nhưng hình như cả không gian đều đang dịu dàng với Huấn. “Cầu trời cho đừng mưa, để Phượng về đến nhà!”. Đứa con trai mới lớn hạnh phúc với sự đổi thay của mình, hạnh phúc với cả cái chuyện lần đầu tiên trong đời hắn biết... cầu trời vì một người bạn gái!
Những ngày sau đó, Bạch Phượng vẫn đến lớp bình thường. Chẳng có đứa nào ngoài hai đứa biết câu chuyện chiều hôm đó. Ngoài sân trường, trong lớp... hai đứa thường bắt gặp họ lén nhìn nhau và mỗi lần như vậy họ lại cùng cười ngượng nghịu. Niềm hạnh phúc của Huấn càng có ý nghĩa hơn khi nó cảm nhận được trong mắt của bạn mình đã bớt dần đi cái buồn ẩn giấu.
Nhưng thêm một dạng tình cảm nữa mà Huấn không hề muốn lại phát sinh trong lòng nó. Huấn cảm thấy bực tức, xấu hổ với chính mình khi nghĩ rằng mình đang... ghen! Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, sự thực là nó rất bực bội mỗi khi thấy đám con trai kè sát Phượng mỗi trưa tan trường. Nhiều lần như vậy, cái bực mình ấy đã làm Huấn mất vui cả với Phượng. Đôi khi nó tránh nhìn mặt Phượng cả một buổi học dù lòng cảm thấy thật khổ sở.
Một buổi trưa, Phượng nấn ná chờ Huấn trước cổng trường nhưng Lâm “ròm” cũng không chịu về vì hắn tuyên bố với bạn bè rằng sẽ chinh phục được “Phượng trắng” bằng chiến dịch... lỳ!?
Thằng Lâm mặc một cái quần xám mới rộng thùng thình, áo sơ mi trắng ngoại có một hàng tiếng Anh vàng chóe thêu nơi túi áo. Khi thấy Phượng dắt xe ra rồi dừng lại trước cổng, Lâm ròm, từ đầu năm đến nay luôn tới trường bằng xe Suzuki “sành điệu” cũng dừng xe lại.
- Sao Phượng chưa về? - Nó cố lấy giọng dịu dàng nhất để hỏi.
- Lâm hỏi chi vậy?
- Chiều nay Phượng có rảnh không? Mình đến nhà chơi nghen!
Câu hỏi ấy hắn đã hỏi cả chục lần rồi và lần nào Phượng cũng trả lời đơn giản:
- Phượng bận!
- Phượng chờ Ngọc phải không? Ngọc về với Hoa rồi.
- Không phải chờ Ngọc. Tui chờ Huấn! - Vừa nói, Phượng vừa nhìn thẳng vào mắt kẻ đã dám tuyên bố sẽ chinh phục được mình để dò xem phản ứng.
- Chờ Huấn? - Đúng là hắn đã bất ngờ cực độ.
- Ừ, thì chờ Huấn. Huấn là tổ trưởng của tui mà. Ngày mai tụi mình học tổ!
Lâm ròm tức cành hông nhưng nó tự an ủi chắc là Phượng chỉ chờ Huấn thuần túy vì chuyện học. Một người như Phượng, đẹp, con nhà giàu lẽ nào lại đi kết một tên vừa nghèo vừa cù lần như Huấn?
Huấn đi ra một mình. Hôm nay nó càng thấy bực hơn và không muốn về chung với thằng Trường lúc nào cũng nheo nhẻo Phượng trắng, Phượng trắng. Đi bộ một mình nhiều khi Huấn tìm được cho mình sự thanh thản, nhất là khi nó cần suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề gì đó.
Ra đến cổng Huấn nhìn thấy ngay chiếc xe đạp của Phượng và bên cạnh đó là chiếc “sành điệu” của thằng Lâm. Không nhìn Phượng, Huấn đi tránh qua bên, dự tính băng qua đường.
- Huấn! Huấn đợi Phượng với!
Phượng cũng hiểu phần nào nỗi lòng của Huấn. Cô vội dắt xe băng qua đường theo Huấn mà không nhìn Lâm.
Huấn đã dừng lại. Nó bỗng thấy lòng dịu hơn khi nhìn Phượng tất tả đuổi theo mình. Thoáng chốc ấy, Huấn hiểu ngay ra sự vô lý đến buồn cười của mình trong những ngày qua. Thật ra Phượng có lỗi gì đâu. Và ngay cả những đứa như Lâm, như Việt... chẳng hạn, tụi nó cũng không có lỗi!
- Sao Phượng chưa về?
Huấn hỏi nhỏ, cùng lúc nó thấy thằng Lâm rồ máy chiếc xe cáu cạnh của mình lao đi. Nó cảm thấy khoan khoái trong lòng, bao nhiều hằn học vô cớ đều như tan biến.
- Huấn, Huấn xấu lắm nghen!
- Xấu về điều gì?
Huấn hỏi, miệng tươi cười để ghẹo bạn.
- Huấn giận Phượng phải không? Giận mà không nói vì sao?
- Ủa, mình giận Phượng lúc nào sao mình không biết?
- Nhưng mà Phượng biết! Vậy mà Huấn đã hứa Huấn sẽ là bạn Phượng.
Giọng của Phượng nửa như trách nửa như buồn.
- Mình xin lỗi! - Huấn nói thật nhỏ.
Phượng cười:
- Huấn còn nhớ là Huấn đã hứa gì nữa không?
- Nhớ!
- Ngày mai tổ mình sẽ học chớ? Phượng sẽ đến sớm nghen.
- Như lần trước hả?
- Không có đâu! Phượng sẽ đến nhưng Huấn không được làm mặt trà đá với người ta nghen.
Trời nắng chang chang, bao nhiêu câu nói định đem ra nói với nhau bỗng nhiên vụt bay hết lên bầu trời như đàn chim câu nhà ai trên kia. Phượng hỏi:
- Hôm nay Huấn lại đi bộ?
- Ừ, Huấn muốn đi một mình.
- Phượng cho “quá giang”, Huấn chịu không?
- Thôi Phượng về đi. Nắng lắm. Nhà Phượng với Huấn nghịch đường mà.
- Thì đến nhà Huấn rồi Phượng về. Đạp xe một lát chớ gì.
Huấn cười:
- Phượng không ngại mấy đứa nhìn thấy hả?
- Huấn ngại?
- Không! Huấn giỡn mà. Huấn mừng là thấy cả tuần nay Phượng vui.
- Nhưng mà Huấn lại không vui!
- Đâu có. - Nó chối - Phượng vui phải không?
- Ừ, cả tuần nay ba ở nhà mà. Ba hứa là sẽ không còn đi nhiều nữa và dì ấy cũng bắt đầu đi làm rồi!
- Huấn mong cho mọi chuyện với Phượng rồi sẽ qua. Mà thôi, Phượng về đi. Nắng lắm.
- Huấn nhất định đi bộ hả?
- Ừ, để Phượng đưa kỳ lắm.
- Vậy thì Phượng về. Nhưng Huấn có gì thì nói với Phượng chớ đừng “tỏ thái độ” như mấy hôm nay nữa nghen. Phượng sợ lắm.

*
* *

Huấn ngồi trên chiếc ghế đá trong vườn nhà Phượng, nơi mà hơn hai tháng trước nó gặp Bạch Phượng lần đầu trong một tình cảnh “kỳ cục”.
Lớp học đã đi dần vào ổn định. Lần học tổ trước, Phượng đã đến đúng hẹn và cả bọn ngớ ra khi phát hiện Phượng học toán không thua bất cứ một học sinh giỏi nào trong lớp, kể cả Huấn. Hôm đó cả sáu đứa đều vui. Ngọc, Hoa và Phượng không hẹn mà cùng đem đến cả “núi” trái cây với đủ chủng loại ưa thích của tụi nó như chôm chôm, cóc, ổi...
Khi ba đứa con gái đã vui vẻ ra về, ba thằng con trai ngồi lại với nhau. Minh nói trước:
- Tao biết vì sao tụi thằng Lâm, thằng Việt dang ra rồi.
- Tại tụi nó biết không đọ sức nổi với thằng Huấn hả?
- Còn khuya! Đúng là tụi nó biết không đọ sức nổi nhưng mà không đọ sức nổi với chính Bạch Phượng!
Thằng Trường đồng ý:
- Tao cũng không ngờ Phượng lại học giỏi quá vậy?
- Người ta là con nhà giáo mấy đời đó! - Huấn lỡ buột miệng.
- Sao mày biết? - Cả hai đứa đều nhìn Huấn - Phượng “tâm sự” với mày nhiều rồi hả?
Huấn cười, giả lả:
- Có gì đâu. Nhưng tại tao... biết vậy thôi!
- Cha! Lên mặt quá ta! Mày tham lam quá. Đã có Hoa rồi còn đòi thêm Phượng mà không thèm... chia cho bạn bè!
... Phượng vừa đi ra, cầm trên tay một số sách vở. Nhìn thấy Huấn cười một mình, Phượng hỏi:
- Huấn đang nghĩ về ai mà vui vậy.
- Về buổi học tổ của tụi mình! Buổi học lần đầu đó!
- Lần đó không có Phượng!
- Không phải. Lần đầu có Phượng kìa. Lần không có Phượng chẳng có ai muốn học!
- Huấn... láu cá ghê!
Phượng cười rất tươi như khi ra đón Huấn ở cổng trước lúc nãy.
Mấy tuần nay, Huấn vừa mừng vừa ngạc nhiên khi thấy Phượng bỗng trở nên vui vẻ và kể từ lần đó, chưa bao giờ Huấn bắt gặp mắt Phượng lại mọng đỏ đến tội như hôm nào.
- Hôm nay Phượng chỉ ở nhà có một mình à?
- Phải! Ba với dì về Nha Trang rồi! Hai ngày nữa mới vô!
Giọng Phượng thoáng buồn.
Huấn im lặng, không dám hỏi thêm vì sợ chạm vào nỗi đau của bạn.
Phượng nói tiếp, giọng vẫn ngậm ngùi:
- Hôm ba ra rước Phượng, vì gấp quá nên không xây mộ cho ngoại được. Lần này ba với dì về là vì việc ấy, đồng thời sửa chữa lại mộ của mẹ! Phải chi mà Phượng cũng về được!
- Nhưng dì ấy đối với Phượng...
Phượng vẫn cười buồn:
- Phượng không biết rõ lắm. Nhưng từ cả tháng nay dì ấy đã thay đổi. Dì không còn la mắng Phượng nữa!
- Mình thật mừng cho Phượng vì điều đó!
- Phượng nghĩ nếu dì có nghĩ lại, không còn đối xử bất công với Phượng là nhờ mẹ!
- ?!!
- Chắc Huấn không hiểu vì sao Phượng nói vậy phải không? Nhưng đúng là như vậy. Nhờ có mẹ, cứ như mẹ vẫn còn ở bên Phượng vậy...
Mắt Phượng đăm đăm nhìn những cánh chuồn chuồn chao lượn trên một bông súng trắng lẻ loi trên hồ nước.
- Thực ra dì chỉ la rầy Phượng gián tiếp qua hai người ở hoặc là những lúc ba không có nhà. Nhưng rồi ba cũng nghi ngờ và một hôm ba đã gặng hỏi Phượng:
- Từ khi về ở đây, con đã giấu ba nhiều điều phải không?
- Dạ... Ba ơi, chẳng có gì quan trọng mà con giấu ba đâu!
Sợ ba buồn, Phượng đã không nói hết tất cả nhưng ba và dì vẫn nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Phượng nghe ba hét lớn từ phòng riêng:
- Được rồi! Tôi sẽ bỏ tất cả để về Nha Trang.
Tiếng của dì cãi lại, rồi tiếng dì khóc...
Đêm đó, ba qua phòng Phượng và bảo:
- Ba biết, con còn giữ một cuốn nhật ký của mẹ. Hãy cho ba mượn.
Phượng đã đưa cho ba cuốn nhật ký của mẹ mà Phượng vẫn giấu ba. Rồi như một chuyện thần kỳ, mọi chuyện đều tốt lên. Phượng thấy ba và dì lại làm hòa. Dì thôi không xét nét để la rầy Phượng nữa. Ba vẫn giữ cuốn nhật ký của mẹ cho đến tuần trước. Ba bảo:
- Vài hôm nữa ba sẽ về Nha Trang sửa sang lại phần mộ của mẹ con và xây mộ cho ngoại. Con ở nhà một mình được chớ?
- Ba! Con có thể xin nghỉ vài hôm để đi cùng ba không?
- Không được đâu con. Ba sợ rằng công việc sẽ tốn không ít thời gian. Ba sẽ đi cùng với dì!
- Đi cùng với dì?
- Phải! Ba trả con cuốn nhật ký của mẹ đây. Nhờ nó mà ba cũng hiểu hơn tấm lòng cao cả của mẹ. Dì con cũng đã đọc và đọc rất nhiều lần. Dì ấy gởi lời xin lỗi con!
Phượng bỗng không kể nữa, nhìn Huấn:
- Huấn khát nước dữ rồi phải không? Ai biểu đòi ra vườn. Thôi vô nhà đi, Phượng sẽ dẫn Huấn đến chơi với thằng Tuấn, em trai Phượng. Nó kháu lắm!
Phượng Trắng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10