Câu 1000 - 1199.
Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu
Nhớ nơi nghèo khổ, quên nơi sang giàu
Ðã ba thứ tóc trên đầu
Gẫm trong sự thể thêm âu cho đời
Vân Tiên thưa đã hết lời
Ngư ông chẳng đã tách rời đưa sang
Dắt Tiên vào trước tiền đàng
Vũ công xem thấy lòng càng hổ ngươi
Chẳng qua sợ thế gian cười
Một lòng gượng gạo chào người ngày xưa
Ngư ông đã có công đưa
Tới ngày sau sẽ lo lừa đền ơn
Ngư rằng lòng lão chẳng sờn
Xin tròn nhân ngãi còn hơn bạc vàng
Nhớ xưa trong núi Lư san
Có ông ngư phủ đưa chàng Ngũ viên
Tới sau đình trưởng đỗ thuyền
Giúp ngươi Hạng Võ qua miền Ô-giang
Xưa còn thương kẻ mắc nàn
Huống nay ai đã quên đàng ngãi nhân
Một lời gắng giúp keo sơn
Ngư ông từ giã lui chân xuống thuyền
Võ công không ngớt lòng phiền
Ân tình, thế lợi khó tuyền đặng vay
Dạy Tiên: Ngươi hãy ngồi đây
Cho ta trở lại sau này lo toan
Công rằng: Hỡi mụ Quỳnh Trang
Dò lòng ái nữ Thể Loan thế nào
Mặc bay toan liệu làm sao
Vốn không ép vợ, nỡ nào ép con
Loan rằng: Gót đỏ như son
Xưa nay ai nỡ đem chôn xuống bùn
Ai cho sen muống một bồn
Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê
Thà không trót chịu một bề
Nỡ đem mình ngọc dựa kề thất phu
Dốc lòng chờ đợi danh nhu
Rễ đâu có rễ đui mù thể nay
Ðã nghe người nói hội này
Rằng Vương Tử Trực đậu rày thủ khoa
Ta dầu muốn kết sui gia
Họ Vương, họ Võ một nhà mới xinh
Công rằng: Muốn trọn việc mình
Phải toan một chước dứt tình mới xong
Nghe rằng trong núi Thương tòng
Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra
Ðông thành ngàn dặm còn xa
Ðem chàng bỏ đó ai mà biết đâu
Phút vừa trăng đã đứng đầu
Vân Tiên ngồi trước nhà cầu thở than
Võ công ra đó dỗ chàng
Xuống thuyền rồi sẽ đưa sang Ðông thành
Ra đi đương lúc tam canh
Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên
Bỏ rồi rón rén bước liền
Xuồng gay chèo quế dời thuyền tách xa
Tiên rằng: Các chú đưa ta
Xin đưa cho tới quê nhà sẽ hay
Ghi lòng dốc trọn thảo ngay
Một phen mà khỏi, ngàn ngày chẳng quên
Lặng nghe văng vẳng hai bên
Tay lần hang tối đá trên chập chờn
Vân Tiên khi ấy hãi hùng
Nghĩ ra mới biết Võ công hại mình
Nực cười con tạo trớ trinh
Chữ duyên tráo chác, chữ tình lãng xao
Nghĩ mình tai nạn xiết bao
Mới lên khỏi biển, lại vào trong hang
Dây sầu ai khéo vương mang
Tránh nơi lưới thỏ gặp đàng bẫy cheo
Trong hang sau trước quạnh hiu
Muốn ra cho khỏi ai dìu dắt đi
Oan gia nợ đã khéo gây
Ôi thôi thân thể còn gì mà toan
Ðã đành xa cõi nhân gian
Dựa mình vào chồn thạch bàn nằm co
Ðêm khuya ngọn gió thổi lò
Sương sa lác đác, mưa tro lạnh lùng
Năm ngày nhịn đói khát ròng
Nhờ ba hườn thuốc đỡ lòng hôm mai
Du thần xem thấy ai hoài
Xét trong mình gã có bài phù tiên
Mới hay là LụcVân Tiên
Cùng nhau dìu dắt đều liền đem ra
Khỏi hang một dặm vừa xa
Ðến nơi đại lộc trời đà hửng đông
Du thần trở lại sơn trung
Vân Tiên còn hãy giấc nồng mê man
Lão tiều cơm gói sẵn sàng
Sớm mai sách búa đi ngang qua rừng
Tới đường đại lộc là chừng
Xẩy nghe có tiếng trong rừng thở than
Hay là yêu quái tà gian
Rung cây nhát lão làm đường hại nhân
Lão tiều liền bước lại gần
Thiệt là một gã văn nhân mắc nàn
Chi bằng lên tiếng hỏi han
Nhân sao mắc việc tai nàn thế nay?
Vân Tiên nghe tiếng mừng thay
Vội vàng gượng dậy trình bày trước sau
Lão tiều nghe nói giờ lâu
Gẫm trong thế sự lắc đầu thở than
ít người trong tuyết đưa than
Khó ngồi giữa chợ, ai màng đoái thương
Vân Tiên nghe nói mới tường
Cũng trang ẩn dật biết đường thảo ngay
Ngửa trông lượng cả cao dày
Cứu trong một thuở ơn đầy tái sinh
Mai sau về tới Ðông thành
Ðền ơn cứu khổ mới đành dạ tôi
Lão tiều mới nói thôi thôi
Làm ơn mà lại trông hồi sao hay
Già hay thương kẻ thảo ngay
Này thôi để lão dắt nay về nhà
Tiên rằng: Trong dạ xót xa
Nay đà sáu bữa không hòa mùi chi
Lại thêm rũ liệt tứ chi
Muốn đi theo đó mà đi khôn rồi
Lão tiều này ngỡ nực cười
Mở cơm trong gói miệng mời Vân Tiên
Gắng mà ăn uống cho yên
Lão ra sức lão cõng Tiên về nhà
Khỏi ra rừng tới ngã ba
May đâu gặp một chàng là Hớn Minh
Lão tiều lật đật bôn trình
Hớn Minh theo hỏi sự tình một khi
Vân Tiên nghe nói cố tri
Vội mừng bạn cũ còn nghi nỗi mình
Minh rằng: Dám hỏi nhân huynh
Cớ sao nên nỗi thân hình thế ni?
Tiên rằng: Chẳng xiết nói chi
Thân này nào có khác gì cây trôi
Lênh đênh gió dập sóng giồi
Rồi đây mai đó, khôn rồi gian nan
Minh rằng: Ðây khó hỏi han
Xin vào chùa sẽ luận bàn cùng nhau
Tiều rằng: Chẳng dám ngồi lâu
Vào rừng đốn củi bán chầu chợ phiên
Hớn Minh quỳ gối lạy liều
Ơn ông cứu đặng Vân Tiên bạn lành
Nay hai lạng bạc trong mình
Tôi xin báo đáp chút tình cho ông
Tiều rằng: Lão vốn tay không
Một mình ngẩn ngơ non tòng hôm mai
Tấm lòng chẳng muốn của ai
Lánh nơi danh lợi chông gai cực lòng
Kìa non nọ nước thong dong
Trăng thanh gió mát, bạn cùng hươu nai
Công hầu phú quí mặc ai
Lộc rừng gánh vác hai vai tháng ngày
Vân Tiên nghe biết người ngay
Hỏi thăm tên họ phòng ngày đền ơn
Lão tiều trở lại lâm sơn
Tiên, Minh vội vã phản hoàn am mây
Tiên rằng: Ðã gặp khoa này
Cớ sao ngọc hữu ở đây làm gì?
Minh rằng: Xưa dốc xuống thi
Gặp nơi miếu võ cùng đi một lần
Anh thì trở lại viếng thân
Tôi thì mang gói trước lần xuống kinh
Ði vừa tới phủ Ô Minh
Gặp con quan huyện Ðặng Sinh là chàng
Giàu sang ỷ thế dọc ngang
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò
Mình làm nỡ để ai lo
Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.
Án đày ra quận Sóc phang
Tôi bèn vượt ngục lánh đàng đến đây
Vừa may lại gặp chùa này
Mai danh ẩn tích bấy chầy náu nương
Vân Tiên nghe nói thảm thương
Lại bày mọi khúc tai ương phận mình
Minh nghe Tiên nói động tình
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng
Tiên rằng: Thương cội thung huyên
Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao
Trông con như hạn trông dào
Mình này trôi nổi phương nào biết đâu
Vầng mây giăng bạc trên đầu
Ba năm chưa trọn một câu sinh thành
Hữu tam bất hiếu đã đành
Tiểu đồng trước đã vì mình thác oan
Tưởng thôi như cắt ruột gan
Quặn đau chín khúc, chứa chan mấy lần.
Minh rằng: Người ở trong trần
Có khi phú quí, có lần gian nan
Thấp cao vàng biết tuổi vàng
Gặp khi lửa đỏ màu càng thêm xuê
Thôi thôi anh chớ vội về
Ở đây nương náu toan bề thuốc thang
Bao giờ hết lúc tai nàn
Ðem nhau ta sẽ lập đàng công danh
Cam La sớm gặp cũng xinh
Muộn mà Khương tử cũng vinh một đời
Nên hư có số ở trời
Bôn chôn sao khỏi, đổi dời sao xong
Vân Tiên khi ấy an lòng
ở nơi am tự bạn cùng Hớn Minh
Võ công làm việc trớ trinh
Chú thích:
1.Ba thứ tóc trên đầu: đầu đã đốm bạc, có ba thứ tóc đen, vàng (dở đen dở trắng) và trắng.
2.Âu: âm chính của chữ "ưu": lo
3.Lo lừa: lo tính , mưu làm một việc gì.
4.Lư-san: một núi có nhiều thắng cảnh ở tỉnh Giang-Tây, Trung-Quốc, đời Ân, Chu, anh em Khuôn Tục làm nhà ở ẩn trên núi này, nên cũng gọi là núi Khuông-Lư.
5. Ngũ viên: tên tự là Tử Tư, một tướng tài đời Xuân Thu, người nước Sở, cha và anh bị Sở Bình Vương giết, Tử Tư chạy trốn sang Ngô. Ðến một dòng sông, gặp ngư phủ, ngư phủ thấy Tử Tư đói, đi kiếm cơm cho ăn, và chở qua cứu thoát nạn. Sau Tử Tư giúp Ngô đánh phá Sở, báo thù cho cha anh.
6.Ðình trưởng: đời Tần, Hán, cứ mười lý đặt làm một đình, có đình trưởng coi giữ trộm cướp, Ðình còn gọi là nhưng quán nghỉ lập dọc đường, năm dặm một "đoản đình", mười dặm một "trường đình" .
7.Hạng Võ (Vũ): một tướng tài có sức mạnh phi thường, đã đánh phá nhà Tần, lập nên cơ nghiệp nước Sở, tự xưng là Tây Sở Bá vương, giành thiên hạ với Lưu Bang tức Cao Hán Tổ, nổi tiếng bách chiến bách thắng trong cuộc "Hán Sở tranh hùng" . Sau cùng, Hạng Vũ lại thua to, chạy đến sông Ô-Giang giáp đất Giang-đông, xứ sở của Vũ. Một người đình trưởng biết Vũ, chào thuyền mời Vũ qua sông để về Giang-Ðông. Vũ nghĩ thẹn với đồng bào và xứ sở của mình, không chịu về và lấy gươm tự tử.
8.Ân tình thế lợi khó tuyền đặng vay: một bên là ân tình, một bên là lợ thế (quyền thế, tài lợi), mâu thuẫn nhau, khó trọn vẹn được cả hai.
9.Ai cho sen muống một bồn: không ai trồng cây sen và rau muống trong một chậu
10.Phồn: tiếng miền Nam, có nghĩa là hạng người, như ta nói quân này, quân kia.
11.Thà không chót chịu một bề: thà không chồng mà ở một mình còn hơn.
12.Danh nhu (nho): người học trò nổi tiếng
13.Thủ khoa: người đậu đầu trong khoa thi hương.
14.Nhà cầu: cái nhà ngang nối nhà trước với nhà sau.
15.Tam canh: Canh ba (một đêm có năm canh)
16.Gay: buộc mái chào vào cọc chào, sửa soạn bơi thuyền đi.
17.Trớ trinh: tráo trở, đành hanh, trêu ngươi.
18.Cheo: tên một con thú, thuộc loài sóc.
19.Oan gia: chính chữ là "oán gia", tục (tiếng tục Trung-quốc), gọi trại là oan gia, chỉ kẻ oán thù với mình hay sự oán thù nói chung. Ðây là Vân Tiên nói có lẽ kiếp trước mình có nợ oán thù gì với Võ công, nên mới bị hãm hại như thế này (nói theo thuyết nhà Phật).
20.Thạch bàn: bàn đá, tảng đá lớn và phẳng.
21.Mưa tro: (tiếng miền Nam) mưa bụi, mưa phùn.
22.Du thần: vị thần đi dạo các nơi để xem xét nhân gian
23.Phù tiên: bùa tiên để giữ mình, tức đạo bùa của thầy Vân Tiên cho khi Vân Tiên đi thi.
24.Ðại lộc: lộc là chân núi, đại lộc tức dưới chân núi lớn (theo Kinh thư).
25.Sơn trung: trong núi.
26.Tới đường đại lộc là chừng: chừng: mức độ ấy, khoảng ấy, nói ông tiều qua rừng tới khoảng đường chân núi thì nghe thấy tiếng Vân Tiên ở quanh nơi đấy. Chữ "đại lộc" ở đây cũng như chữ "đại lộc" trên kia, nhiều bản chép là đại lộ (đường cái), xét ra không đúng nghĩa chỗ này. Du thần chỉ đưa Vân Tiên ra khỏi hang một dặm tới dưới chân núi trong rừng thôi, chứ không đưa ra ngoài đường cái, vì câu dưới nói: "Có tiếng trong rừng thở than", và mãi tới dưới nữa lại có câu: "Khỏi rừng ra tới ngã ba", rõ là Vân Tiên trước còn ở trong rừng, mãi sau ông tiều mới cõng ra đường cái.
27.Nhát (hoặc nát): dọa cho người ta sợ
28.Trong tuyết đưa than (hoặc cho than): do thành ngữ chữ Hán "Tuyết trung tống thán": cho than để sưởi ấm khi trời tuyết. Tống Thái Tông nhân tiết mưa tuyết, trời rét lắm, sai cho những người già yếu nghèo khổ than sưởi và gạo ăn. Nhân đó, người ta thường dùng chữ "Tuyết trung tống thán" để chỉ sự giúp đỡ người khi cần kíp cùng quẫn.
29.Khó ngồi giữa chợ, ai màng đoái thương: do câu thơ chữ Hán: "Bần cư nào thị vô nhân vần. Phú tại thâm sơn hữu khách tầm" nghĩa là người nghèo ở ngay giữa chợ búa nhộn nhịp không ai hỏi han, giàu ở tận trong núi sâu cũng có kẻ tìm đến.
30.Ẩn dật: ở ẩn không theo thế tục.
31.Hồi: trả lại, đền lại. Nói làm ơn mà trông báo đáp lại sao nên.
32.Bôn trình: đi vội trên đường, như nói rảo bước.
33.Còn nghi nỗi mình: Vân Tiên đã bị Trịnh Hâm và Võ công tráo trở hãm hại, nên tuy mừng gặp bạn cũ, nhưng vẫn còn nghi ngại nỗi mình.
34.Nhân huynh: người anh tốt, tiếng xưng hô.
35.Bán chầu: bán vào buổi ấy.
36.Non tòng: núi có nhiều cây thông.
37.Lộc rừng: lộc của rừng cho (đây là củi)
38.Lâm sơn: rừng núi.
39.Phản hoàn: quay trở về. Am mây: chùa trong mây, tức chùa trong núi. Ðây là ngôi chùa ở nơi vắng vẻ.
40.Ngọc hữu: bạn ngọc, bạn quí như ngọc
41.Viếng thân: thăm cha mẹ
42.Cưỡng gian không nghì: lấy sức mạnh mà hãm hiếp phụ nữ
43.Bẻ đi một giò: bẽ gãy một chân
44.Huyện đàng (đường ): dinh quan huyện
45.Sóc phang (phương): cũng như Bắc phương, nói quận ở phương Bắc.
46.Mai danh, ẩn tích: vùi tên, giấu tích, không cho ai biét đến mình.
47.Dào: mưa dào, mưa to.
48.Sinh thành: đẻ ra và nuôi dạy nên người, chỉ công ơn cha mẹ
49.Hữu tam bất hiếu: rút ra ở câu chữ Hán: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" nghĩa là bất hiếu có ba điều, không có con là điều nặng nhất. Ðây nói: mình phải bỏ cuộc thi, chưa lập được công danh, để báo đáp công ơn cha mẹ, lại đeo tật bệnh, chưa lập được gia đình, để nối dõi dòng giống, thật là điều bất hiếu to lớn.
50.Tiểu đồng trước đã vì mình đã thác oan: câu này nối câu trên nói: đã không vẹn đạo con với cha mẹ, lại không vẹn tình thầy với trò, Vân Tiên cảm thấy vô cùng chua xót .
51.Cam La: người nước Tần thời Chiến quốc, sớm có tài mưu lược, mười hai tuổi đã đi sứ sang nước Triệu, vua Triệu thân ra đón tận ngoại thành và phải nhượng đất cho Tần, khi thành công về nước, được phong là chức Thượng Khanh.
52.Khương tử: ông họ Khương ("tử" là tiếng xưng hô chung về nam giới của Trung-quốc, như ta nói ông, chàng, gã v.v...), tức Khương tử Nha, xem chú thích ở câu 515. Hai câu này nói: công danh được sớm như Cam La (mười hai tuổi) càng hay, mà dù muộn như Khương tử (hơn tám mười tuổi) cũy vẫn vẽ vang .
53.Bôn chôn: vội vàng, hấp tấp, nóng ruột.
54.Am tự: am, chùa, chùa chiền.