watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lục Vân Tiên-Câu 400 - 599 - tác giả Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu

Câu 400 - 599

Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu

Thể Loan đứng trước lê đình liễm dung
Thưa rằng: Quân tử phó công
Xin thương bồ liễu chữ tòng ngây thơ
Tấm lòng thương nhớ gió mưa
Ðường xa ngàn dặm xin đưa một lời


Ngày nay thánh chúa trị đời
Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng
Quản bao chút phận má hồng
Phòng khuê vò võ đợi trông khôn lường
Chàng dầu cung quế, xuyên dương


Thiếp xin hai chữ tào khương cho bằng
Xin đừng tham đó bỏ đăng
Chơi lê quân lựu, chơi trăng quên đèn.
Tiên rằng: Như lửa mới nhen
Dễ trông một bếp mà chen mấy lò

May duyên rủi nợ dễ phô
Chớ nghi Ngô Khởi, hãy lo Mãi Thần
Thể Loan vội vã lùi chân
Vân Tiên từ biệt trông chừng Trường An
Xa xa vừa mấy dặm đường

Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
Trải qua thủy tú sơn kỳ
Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay
Người hay lại gặp kiểng hay
Khác nào tiên tử chơi rầy Bồng Lai


Cùng nhau tả chút tình hoài
Năm ba chén rượu một vài câu thơ
Công danh ai chẳng ước mơ
Ba tầng cửa Võ một giờ nhảy qua
Cùng nhau bàn bạc gần xa


Chữ tài chữ mệnh xưa hòa ghét nhau
Trực rằng: Rồng xuống vực sâu
Mặc dầu giỡn sóng mặc dầu chơi mây
Tiên rằng: Hồng hộc đều bay
E khi mỏi cánh lạc bầy về sau


Mảng còn trò chuyện với nhau
Trông chừng kinh địa đã hầu tới nơi.
Chênh lệch vừa xé mặt trời
Hai người tìm quán nghỉ ngơi đợi kỳ
Phút đầy gặp bạn cố tri

Ðều bày tên họ một khi đăng tường.
Một người ở quận Phan-Dương
Tên Hâm họ Trịnh tầm thường nghề văn
Một người ở phủ Dương-Xuân
Họ Bùi tên Kiệm tác chừng đôi mươi.


Hai người kại gặp hai người
Ðều vào một quán vui cười ngả nghiêng,
Kiệm rằng: Nghe tiếng anh Tiên
Nay đà thấy mặt phỉ nguyền ước ao.
Hâm rằng: Chưa biết thấp cao


Làm thơ mới rõ bậc nào tài năng
Bèn kêu ông quán nói rằng:
Khá toan sắm sửa đồ ăn cho bề
Quán rằng: Thịt cá ê hề
Khô lân, chả phụng bộn bề thiếu đâu.


Kìa là thuốc lá ướp ngâu
Trà ve tuyết điểm, rượu bầu cúc hương
Ðể khi đãi khách giàu sang
Ðãi người văn vật, đãi tranh anh hùng.
Bĩ bàng trà rượu đã xong

Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ
Kiệm, Hâm còn hãy ngẩn ngơ
Phút thơ Tiên, Trực, một giờ đều xong.
Kiệm, Hâm xem thấy lạ lùng
Gẫm nghi Tiên, Trực viết tùng cổ thi


Chẳng hay ông quán cười chi
Vỗ tay xuống chiếu một khi cười dài.
Tiên rằng: Ông quán cười ai?
Quán rằng: Cười kẻ bất tài đồ thơ
Cười người Tôn Tẫn không lừa


Trước đà thấy máy, chẳng ngừa Bàng Quyên.
Trực rằng: Lời nói hữu duyên
Thế trông Kinh sử có tuyền cùng chăng?
Quán rằng: Kinh sử đã từng
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa


Hỏi thời ta phải nói ra
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương
Tiên rằng: Trong đục chưa tường
Chẳng hay thương ghét ghét thương lẽ nào?
Quán rằng: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Ghét đời Kiệt, Trụ, mê dâm
Ðể dân đến nỗi sa hầm sảy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.


Ghét đời Ngũ Bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời Thúc Quý phân băc
Sớm đầu, tối đánh, lằng nhằng rối dân.
Thương là thương đức thánh nhân


Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dở dang
Ba mươi mốt tuổi, tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha


Thương thầy Ðổng Tử cao xa
Chí đà có chí, ngôi mà không ngôi
Thương người Nguyên lượng ngùi ngùi
Lỡ bề giúp nước, lại lui về cày
Thương ông Hàn Dũ chẳng may

Sớm dâng lời biểu tối đầy đi xa
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân
Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét nửa phần lại thương.


Trực rằng: Chùa rách phật vàng
Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân
Thương dân sao chẳng lập thân
Ðể khi nắng hạ toan phần làm ma
Quán rằng: Nghiêu Thuấn thủa xưa


Khó khăn Sào Phủ, khôn ngừa Hứa Do
Di, Tề chẳng khứng giúp Châu
Một mình một núi ai hầu chi ai
Ông Y, ông Phó ôm tài
Kẻ cày người cuốc đoái hoài chi đâu


Thái Công xưa một cần câu
Hôm mai sông Vị mặc dầu vui chơi
Nghiêm Lăng đã mấy đua bơi
Cày mây cầu nguyệt tả tơi ao cầu
Trần Ðoàn chẳng phút lo âu

Gió trăng một túi, công hầu chiêm bao
Người nay có khác xưa nào
Muốn ra ai cấm, muốn vào ai ngăn
Hâm rằng: Lão quán nói nhăng
Dẫu cho trải việc cũng thằng bán cơm


Gối rơm theo phận gối rơm
Có đâu ở thảo mà chồm lên cao.
Quán rằng: Sấm chớp mưa rào
Ếnh nằm đáy giếng thấy bao năm trời
Sông trong cá lội thảnh thơi


Xem hai con mắt sáng ngời như châu
Uổng thay đàn gảy tai trâu
Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười.
Tiên rằng: Ông quán chớ cười
Ðây là nhờ đặng bảy người Trước lâm


Cùng nhau kết bạn đồng tâm
Khi cờ, khi rượu, khi cầm, khi thi
Công danh phú quý màng chi
Sao bằng thong thả thả mặc khi vui lòng
Rừng như biển thánh mênh mông

540.Dễ ai lặn lội cho cùng vậy vay
Quán rằng: Ðó biết ý đây
Lời kia đã cạn lời này thưởng cho.
Kiệm, Hân là đứa so đo
Thấy Tiên dường ấy thêm lo trong lòng


Khoa này Tiên ắt đầu công
Hâm dầu có đậu cũng không ra gì.
Mảng còn bàn bạc thị phi
Xảy nghe trống điểm một khi nhập trường
Kẻ hòm, người tráp đầy đường


Lao xao đoàn bảy, chàng ràng lũ ba.
Vân Tiên vừa bước chân ra
Bỗng đâu xẩy gặp tin nhà gửi thư
Khai phong mới tỏ sự cơ
Mình gieo xuống đất dật dờ hồn hoa.


Hai hàng lụy ngọc nhỏ sa
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn tràng
Anh em ai nấy đều thương
Trời ơi! Há nỡ lấp đường công danh
Những lăm công toại thành danh

Nào hay từ mẫu u minh sớm rời
Gắng nào trong quán yên nơi
Tớ thầy than thở liệu lời qui lai
Tiểu đồng thở vắn than dài
Trời ơi trời nỡ phụ tài người ngay


Trực rằng: Ðã đến nỗi này
Tiểu đồng bậu hãy làm khuây chớ phiền
Sớm hôm thang thuốc giữ gìn
Chờ ta vài bữa ra tràng sẽ hay
Bây giờ kíp rước thợ may


Sắm đồ tang phục nội ngày cho xong
Dây rơm mũ bạc áo thùng
Cứ theo trong sách Văn công mà làm.
Tiên rằng; Con Bắc mẹ Nam
Nước non vòi vọi đã cam lỗi nghì


Trong mình không cánh không vi
Lấy chi lướt dặm, lấy chi tách đàng
Nhập tràng phút lại gặp tang
Ngẩn ngơ người ở, ngỡ ngàng kẻ đi.
Việc trong trời đất biết chi

Sao dời, vật đổi còn gì mà trông
Hai hàng lụy ngọc ròng ròng
Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu
Cánh buồm bao quản gió xiêu
Ngàn trùng biển rộng, chín chiều ruột đau.


Thương thay chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
Quán rằng: Trời đất thình lình
Gió mưa đâu phút gãy nhành thiên hương
Ai ai trông thấy cũng thương


Lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân
Dẫu cho chước quỷ mưu thần
Phong trần ai cũng phong trần như ai
Éo le ai khéo đặt bày
Chữ tài liền với chữ tai một vần.


Ðường đi một tháng chẳng gần
Khi qua khi lại mấy lần xông pha
Xảy đâu bạn tác vừa ra
Trực cùng Hâm, Kiệm xúm cùng đưa Tiên.
Hâm rằng: Anh chớ ưu phiền





Chú thích:


1.Lê đình: sân có trồng cây lê

2. Tống tình: tình tiễn biệt

3.Liễm dung: nghiêm chỉnh dáng điệu để tỏ lòng kính trọng

4.Phó công: đi công việc, nói đang việc,

5.Bồ liễu: tức cây thủy dương, nó thuộc giống dương liễu, nên gọi là bồ liễu hay bồ dương (nhiều người giải là cỏ bồ và cây liễu là sai), thể chất yếu ớt, ngày xưa ví với phụ nữ.

6.Linh phụng: chim phượng khôn thiêng

7.Ngô đồng: một loại cây cao lớn đẹp đẽ, thuyết cao cổ, chim phượng thường đậu cây này. "Phượng hoàng đậu cây ngô đồng" tượng trưng người tài giỏi ở một địa vị xứng đáng. Ðây Thể Loan mong Lục Vân Tiên lập được công danh xứng được với tài của mình.

8.Cung quế: cung trăng. Người xưa bảo trên cung trăng có cây đan quế (quế đỏ), và thường ví sự khi thi đỗ như bẻ quế cung trăng. Xuyên dương: bắn thủng lá dương liễu. Dưỡng Do Cơ người nước Sở (đời Xuân Thu), bắn rất giỏi, từng đứng xa trăm bước bắn vào lá cây dương liễu (lá nhỏ lắm) trăm phát trúng cả trăm. Tích Xuyên dương này thường mượn dùng để chỉ sự thi đỗ, vì người học giỏi như người bắn giỏi vậy.

9.Tào khương: là bã rượi và cám gạo, thức ăn xấu, người nghèo thường dùng. Tống Hoằng đời Ðông Hán, làm chức Ðại Tư Không, là người có uy đức trong đám quần thần, vua Quang Vũ muốn ông bỏ vợ để lấy chị gái mình là Hồi Dương công chúa, ông trả lời rằng: "Tào khang chi thê, bất khả hạ dường" (người vợ đã cùng ăn ở kham khổ với mình, không thể ruồng rẫy được). Câu nói này được người sau truyền tụng và nhân gọi vợ là người "tào khang"

10.Ðó, đăng: hai dụng cụ là bằng tre nứa để bắt cá

11.Nhen: nhóm

12.Phô: nói ra, bày ra. nói: may thì gặp duyên, rủi thì gặp nợ, tức như làm hay thì gặp hay, làm dở thì gặp dở, lẽ đó bày ra rành rày

13.Ngô Khởi: người nước Vệ, giỏi binh pháp, khi nước Tề đánh nước Lỗ, Lỗ muốn dùng Khởi là tướng quân chống Tề, nhưng có ý nghi ngại, vì Tề là nước quê của vợ Khởi, Khởi nghe biết, bèn giết chết vợ để tỏ mình không vị gì nước Tề. Người thời ấy bảo Khởi "giết vợ để cầu làm tướng" (sát thê cầu tướng) thật là con người phụ bạc tàn ác .

14.Mãi Thần: họ Chu, người đời Hán, nhà nghèo mà ham học, vừa đi kiếm củi vừa đọc sách nghêu ngao ở dọc đường, vợ lấy làm xấu hổ, và cũng không kham nổi cảnh nghèo khổ của Mãi Thần, bỏ đi lấy người khác, sau Mãi Thần hiển đạt vợ lại xin về, Mãi Thần lấy bát nước đổ xuống đất, bảo vợ hốt đầy lại được thì sẽ xum họp, vợ hổ thẹn thắt cổ chết. Ý nói câu này: chớ ngờ tôi như Ngô Khởi và nàng cũng nên nghĩ đến việc vợ Mãi Thần .

15.Trường An: tên kinh đô đời nhà Hán, về sau kinh đô nói chung

16.Vầy đoàn: họp thành đoàn

17.Thủy tú sơn kỳ: nước đẹp, núi lạ, nói cảnh đẹp.

18.Cá nhảy, rồng bay: cá vượt Vũ-Môn hóa rồng. Rồng bay lên mây làm mưa làm gió. Chỉ sự trổ tài đua sức người thư sinh.

19.Tiên tử: người tiên.

20.Bồng Lai: chỗ tiên ở. Theo thần thoại, ba hòn núi ở ngoài bể Bột (bể phía Ðông) gọi là Bồng Lai. Phương-trượng và Doanh-châu, có các tiên ở và nhiều thuốc trường sinh bất tử.

21.Tình hoài: tình và lòng, cũng như nói tâm tình (Hoài là cái ôm ấp ở trong lòng, chữ này sóng đôi với chữ tình, thuộc nghĩa danh từ chứ không thuộc nghĩa động từ).

22 Cửa Võ: Vũ-môn, tức Long-môn, Long-môn là hai nhỏm núi đá đứng sững hai bên bờ trên một khúc sông Hoàng-Hà (Trung-Quốc), như hình cái cửa, cửa này nguyên trước chật hẹp, khi ông Hạ Vũ trị thủy có đục phá cho rộng thêm ra, nên gọi là Vũ-Môn (cửa ông Vũ). Sách Tam Tần-ký nói: Long-Môn là nơi dữ sóng, cá khó vượt qua, nếu vượt qua được thì sẽ hóa rồng, Sách Thủy-Kinh nói: tiết tháng ba, cá chép vượt qua được Long Môn hóa rồng; người đời Ðường bảo những sĩ tử thi đỗ là "nhảy qua Long-Môn". Theo sách Ðại Nam Nhất Thống Chí thì nước ta cũng có Vũ-Môn, ở dãy núi Khai-Trướng (Giăng-Màn) thuộc huyện Hương-Khê, tỉnh Hà-Tĩnh, là một dòng suối ba bậc, tương truyền: mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng "vượt Vũ-Môn để hóa rồng", ca dao đã nói: "Tháng ba cá đi ăn thề, tháng tư cá về, cá vượt Vũ-Môn". Truyền thuyết này rất phổ biến trong văn thơ, cũng như trong dân gian .


23.Tài, mệnh ghét nhau: thuyết cũ cho rằng người có tài thì không có phận.

24.Giỡn sóng, chơi mây: Nói con rồng khi ở vực sâu thì giỡn sóng, khi lên trời cao thì chơi mây, mặc sức vẫy vùng. Hai câu này đại : dù hiển đạt ra giúp nước hay chưa hiển đạt còn ở nhà, tùy hoàn cảnh mà thi thố chí mình, chỉ cần có tài, bất chấp số mệnh (muốn phản lại thuyết tài mệnh ghét nhau ở trên )

25.Hồng hộc: chim hồng, chim hộc, tức là vịt trời và ngỗng trời, loại chim bay xa và bay cao.

26.Kinh địa: đất kinh đô.

27.Cố tri: người bạn quen biết đã lâu nay, bạn cũ. ở đây nói xa nhau lâu ngày nên quên mặt .

28.Tác chừng: tuổi chừng.

29. Cho bề: cho nhiều, như nghĩa "bề bộn". Bề bề: nhiều lắm, tục ngữ: "Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay " .

30.Khô lân: nem làm bằng thịt con kỳ lân, một loài thú tưởng tượng.

31.Ướp ngâu: ướp hoa ngâu, thứ hoa bé nhỏ như hạt kê, màu vàng rất thơm.

32.Ve: bình nhỏ

33.Tuyết điểm: không rõ nghĩa. Có lẽ chè có lấm tấm trắng, hoặc phơn phớt màu trắng.

34.Cúc hương: hương thơm mùi cúc.

35.Văn vật: có học tức văn hóa, hay có nhiều nhân tài và chế độ hay, như nói: người văn vật, đất văn vật.

36.Bĩ bàng: đầy đủ, sung túc (tiếng miền Nam)

37.Viết tùng cổ thi: viết theo thơ cổ. nói "cóp" của người xưa cổ.

38.Ðồ thư tức đồ thư: sách vở câu này nói: con người chẳng có tài gì về sách vở (chẳng biết sách vở gì cả, vô học). Có người giải: Ðồ thơ tức đồ thi: bôi thơ, nói không biết làm thơ, như người bôi vẽ ra giấy, nhưng theo văm phạm chữ Hán, chưa thấy lối đặt như thế .

39.Tôn Tẫn, Bàng Quyên: hai tướng tài thời Chiến quốc. Hai người cùng học Quỉ Cốc tử, kết nghĩa với nhau, nhưng về sau Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy, lập mưu cắt xương đầu gối của Tôn Tẫn (có sách chép là cắt chân). Không lừa: không chọn lọc, nói không biết chọn bạn. Trước đà thấy máy: máy là máy trời; nói Quỉ Cốc tử đã bảo trước Tôn Tẫn nên phòng ngừa Bàng Quyên, nhưng Tôn Tẫn vẫn hững hờ không lưu , nên bị Bàng Quyên lừa hại. Hai câu này nói: chơi bạn nên để ý tới tình bạn, kẻo xảy ra ta nạn như việc Tôn Tẫn, Bàng Quyên .

40.Tuyền: toàn: trọn vẹn. nói những việc trong kinh sử, có hay có dở, không thể nào toàn được .

41.Tầm phào: không có nghĩa lý, vu vơ, hão huyền, tiếng thường dùng ở miền Nam .

42.Kiệt, Trụ: Vua Kiệt đời Hạ, vua Trụ đời Thương. Hai vua tàn ác có tiếng, bị nhân dân oán ghét mà mất ngôi. Mê dâm: mê là trong lòng mê ám, dâm là việc tà dâm (càn bậy)

43.U, Lệ: U vương và Lệ vương hai vua đời nhà Chu, làm nhiều việc bạo ngược vô đạo.

44.Ða đoan: nhiều mối, lôi thôi, nhiều việc.

45.Ngũ Bá: năm vua Bá. Cuối đời nhà Chu (đời Xuân thu), năm vua chư hầu mạnh lớn, tức Tề Hoàn công. Tấn Văn công, Tống Tương công, Trần Mục công, Sở Trang vương, kế tiếp nhau nổi lên làm bá chủ nhất thời, gọi là "Ngũ bá". Ngũ bá đều dựa trên uy lực, giả dối nhân nghĩa, kéo bè nước này đánh nước kia, gây chiến tranh hại dân.

46.Thúc quí: đời suy loạn nói chung. Bài phú "Bạch lộc động" của Chu Hi đời Tống, trong có chữ "Thúc qui", tuy tác giả dùng chỉ chung đời suy loạn, nhưng cái thời gian xảy ra mà tác giả thuật đó, vẫn là thời gian "Ngũ quí", vậy 'Thúc quí" cũng có thể giải là đời suy loạn "Ngũ quí" được "Ngũ quí" tức "Ngũ đại", năm triều đại khởi lên cuối đời Ðường , hồi ấy nước Trung-Quốc bị chia cắt nghiêng đổ (phân băng), dân rất khổ vì chiến tranh liên miên.

47.Ðầu: đầu hàng

48.Ðức thánh nhân: Tức Khổng Tử, ông đi khắp các nước Tống, Vệ, Trần, Khuông, để tìm cách đạo hành của mình mà không được.

49.Nhan Tử: tức Nhan Uyên, học trò Khổng Tử thông minh và hiếu học, đức hạnh vào bậc nhất, nhưng chết sớm, năm chết mới 32 tuổi (đây nói 31 tuổi, có lẽ chép nhầm), thày và bạn rất thương tiếc.

50.Gia Cát: chữ này chính âm là Chư Cát (họ hai chữ), Chư Cát Lượng tên tự Khổng Minh, người đời Tam quốc, có tài chính trị, nhất là binh pháp làm quân sư cho Lưu Bị, chỉ muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Hán, nhưng khi Khổng Minh chết, nước vẫn còn bị chia ba.

51.Hán mạt: cuối đời Hán, tức đời Tam quốc (Thục, Ngụy , Ngô, ba nước phân tranh)

52.Ðổng Tử: Ðổng Trọng Thư, một nhà đại nho đời Hán, có tài đức hơn người vua Hán cử làm Giang Ðô tướng, nhưng rồi lại giáng chức và có lần bị bắt giam, sau ông cáo quan về.

53.Nguyên Lượng: Ðào Tiêm, tên tự là Nguyên Lượng một nhà cao ẩn đời Tấn. Trước có làm quan Lệnh (tri huyện), huyện Bành Trạch, vì không chịu quỵ lụy quan trên, ông treo ấn bỏ quan về ở ẩn, có làm bài thơ "Quy khứ lai từ" (Về đi thôi) để tỏ chí mình.

54.Hàn Dũ: Người đời Ðường, đỗ tiến sĩ, làm đến chức Lại Bộ Thị Lang. Vì làm biểu can vua Ðường đừng mê tín đạo Phật (vua rước xương Phật vào trong cung để cúng lễ), nên bị giáng chức và đầy đi xa. Ông là người đạo đức văn chương nổi tiếng, có nhiều tác phẩm hay truyền lại, các học giả coi ông như Thái Sơn (ngọn núi cao hơn các núi khác) Bắc đẩu (chòm sao sáng hơn các sao)

55.Liêm, lạc: Chu Ðôn Di ở Liêm Khê và học trò là hai anh em Trinh Hiệu, Trinh Di ở Lạc Dương, ba người là nhà triết học nổi tiếng đời Tống, có ra làm quan nhưng không đắc dụng, lại trở về dạy học.

56.Giáo dân: dạy dỗ chúng dân

57.Chùa rách Phật vàng: Tục ngữ "Chùa đất phật vàng", chùa xấu mà bụng tốt. nói nhân tài sinh ở chỗ nghèo hèn .

58.Kinh luân: khi làm tơ kéo từng mối ra mà chia gọi là kinh, so các sợi mà hợp lại gọi là luân; nghĩa bóng: sự sửa sang xắp đặt khéo. Có tài kinh luân là có tài tổ chức, tài trị nước.

59.Làm mưa: Kinh thư có câu: "Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ" , nghĩa là như năm đại hạn, dùng người là trận mưa rào, nói người hiền tài ra cứu dân giúp nước, cũng như trận mưa giải cơn hạn vậy. nói hai câu này: ông quán thương dân khổ (nắng hạ) sao không ra giúp dân (làm mưa) ?

60.Nghiêu, Thuấn: hai vua đời cổ Trung-Quốc, có đức tính tốt chính hay, dân nước được thái bình thịnh vượng, làm tiêu biểu cho các vua hiền đời sau. Thời ấy, Nghiêu, Thuấn đã có quan niệm: nước là của chung nhân dân, và trị nước phải người có tài đức, nên đều không truyền ngôi cho con mà truyền cho người hiền.

61.Sào phủ, Hứa Do: hai nhà hiền triết thời vua Nghiêu, ở ẩn, cày ruộng tự túc. Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do. Do không nhận trốn lên núi Cơ-Sơn. Sau vua Nghiêu lại sai người đến mời ra làm Cửu Châu Trưởng. Do không muốn nghe, cho lời nói đó làm bẩn tai mình, bèn xuống sông Ðĩnh-Thủy rửa tai. Vừa lúc ấy thì Sào Phủ cho trâu xuống uống nước, Hứa Do kể chuyện cho bạn nghe, Sào Phủ liền dắt trâu lên trên dòng cho trâu uống, vì sợ uống nước ngay chỗ bẩn đó làm bẩn miệng trâu. Câu này nói: giỏi như Nghiêu, Thuấn thuở xưa cũng không thể đem phu quí mà thay đổi hai nhà hiền triết.

62.Di Tề: Bá Di, Thúc Tề, hai con vua nước Cô-Trúc, chư hầu nhà Thương. Bá Di là con cả, Thúc Tề là con thứ ba, khi cha mất dặn lập Thúc Tề lên ngôi, nhưng Thúc Tề nhường ngôi Bá Di, vì Bá Di là trưởng. Bá Di không nghe, bảo phải theo mệnh cha, rồi bỏ trốn đi. Thúc Tề cũng không nhận ngôi mà bỏ đi, người trong nước lập con trai thứ hai làm vua. Khi Vũ Vương đánh Trụ (vua nhà Thương), Di, Tề dằng cương ngựa mà can ngăn, bảo tôi đánh vua là lỗi đạo (Vũ Vương là chư hầu, Trụ là thiên tử). Sau Vũ Vương thắng được Trụ, diệt nhà Thương lập nên nhà Chu. Di, Tề không thèm ăn gạo thóc của nhà Chu, lên ẩn núi Thủ-Dương, kiếm rau vi mà ăn, rồi chết đói ở đó.

63. Châu (nhà Chu): chữ này thường đọc là Chu, nhưng chính âm là Châu, và chữ Do (Hứa Do) ở câu trên cũng chính là âm Dâu, vậy cả hai chữ đều nên đọc là theo âm chính cho có vần.

64.Ai hầu chi ai: nói khổ.Ai hầu chi ai:

65.Y, phó: Y Doãn và Phó Duyệt, hai nhà hiền tướng đời Thương, trước đều ôm tài đi ở ẩn. Y Doãn cày ruộng kiếm ăn, vua Thang ba lần mời ra làm tướng, mãi ông mới chịu ra, giúp Thang gây dựng cơ nghiệp nhà Thương. Phó Duyệt là nghề đắp tường thuê, vua Cao Tông nhà Ân (tức nhà Thương) sai người đi cầu về, lập làm tướng, có chính sự hay, nước trị dân yên.

66. Thái Công: ông chính họ Khương, tên Thượng, tên tự là Tử Nha, tổ tiên đời trước có công được phong đất Lã, nên theo đất phong cũng gọi là Lã Thượng. Bậc đại hiền tài cuối đời Thương, tuổi đã hơn tám mươi, thường ngồi câu cá trên sông Vị. Văn Vương (tổ nhà Chu) đi săn, gặp ông, rước về, nói: "Ngô Thái Công vọng tử cửu hĩ", nghĩa là cha tôi mong ông đã lâu (trước cha Văn Vương thường mong có bậc thánh nhân đến giúp nhà Chu, nay được Thái Công, quả như điều mong muốn đó), nhân gọi ông là Thái Công Vọng (sau chuyển ra Lã Vọng), rồi lập làm Quân Sư, tôn làm Thái Công (cha), làm Thượng Phụ (người kính trọng ngang với cha). Thái Công đã giúp Văn Vương và con là Vũ Vương lập nên nghiệp lớn nhà Chu.

67.Nghiêm Lăng: Nghiêm Quang, tên tử là Tử Lăng, một ẩn sĩ đời Hán, bạn thân với Lưu Tú (dòng dõi vua Hán), Khi Tú dẹp được loạn Vương Mãng (Mãng cướp ngôi nhà Hán), lên làm vua tức là Quang Vũ, Tử Lăng đổi họ tên đi ẩn náu, Quang Vũ sai người tìm kiếm mãi mới thấy ông mặc áo cừu ngồi câu cá trên một cái đầm ở nước Tề. Quang Vũ mời ra làm quan, mấy lần Tử Lăng đều kiên quyết từ chối. Sau cùng, Quang Vũ khẩn khoản mãi, Tử Lăng có ra chuyện trò với Quang Vũ mấy ngày (Tử Lăng nằm cùng giường với vua, gác chân lên bụng vua) rồi lại về, trọn đời cày ruộng nơi Phú Xuân và câu cá ở bến sông Ðồng-Giang gần bên núi. Ðã mấy đua bơi: ý nói đã bao lâu vẫy vùng nơi sông núi mình ở .

68.Cày mây câu nguyệt: cày trong mây (trong núi), câu dưới trăng. Nói cày ruộng câu cá với cảnh mây trăng thanh cao ẩn dật. -Tả tơ áo cầu: cầu (chữ này ta thường đọc là "cừu", nhưng chính âm là "cầu") là áo làm bằng da thú (như dê, cừu, cáo...). nói Tử Lăng ngồi câu lâu năm, áo cừu đã rách náo...).

69.Trần Ðoàn: tên tư là Ðồ Nam, hiệu Hi Di, người đời Tống, ẩn núi Hoa-Sơn, tinh môn học Dịch, tài đoán số mệnh, tu luyện đạo tiên, không ăn cơm gạo, giấc ngủ thường trăm ngày chưa dậy. Vua Thái Tông nhà Tống mấy lần mời ra làm quan, Trần Ðoàn không nhận, có bài tạ biểu lời lẻ rất kiên quyết.

70.Công hầu chiêm bao: coi chừng công hầu như giấc chiêm bao.

71.Ra vào: ra giúp nước hay đi ở ẩn.

72.Ếch nắm dưới đáy giếng thấy bao lăm trời: do chữ Hán "tỉnh đế oa": ếch đáy giếng, và "tọa tỉnh quan thiên": ngồi trong giếng xem trời, dùng chỉ những người kiến thức nhỏ hẹp. Hai câu này nói: Trịnh Hâm là kẻ kiến thức hẹp hòi, như ếch ngồi đáy giếng, chỉ trông thấy một khoảng trời nhỏ bé, còn biết gì đến những trạng thái biến động, sấm chớp mưa rào trên cái bầu trời bao la rộng lớn kia .


73.Xem hai con mắt sáng ngời như châu: mắt chỉ mắt cá, châu là ngọc châu (ngọc trai), do câu chữ Hán "ngu mục hỗn châu" : mắt cá lẫn ngọc châu (cái giả tráo lộn với cái thực). Hai câu này đại ý : người ở đời, tốt xấu hay dở, thường mập mờ hay lừa dối, cũng như cá lội trong nước, hai mắt trông sáng như ngọc châu, nó chỉ là cái mắt cá đó thôi. Ðây chỉ Kiệm, Hâm bề ngoài coi như vẻ người ăn học, thế mà lại là kẻ dốt nát ngu ngốc .

74.Ðàn gảy tai trâu, nước xao đầu vịt: do hai câu tục ngữ (xao là dội), ý nói: người ngu dốt không hiểu lời nói hay, như trâu không biết nghe đàn; người ngoan cố không thu lẽ phải, như đầu vịt truội lông không thấm được nước .

75.Trước lâm: rừng trúc. Do điển cũ: "Trúc lâm thất hiền": bảy người hiền ở rừng trúc, tức Kê Khang, Nguyễn Tịch, Nguyễn Hàm, Sơn Ðào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh) (cùng người đời Tấn). Bảy ông này tính tình phóng đạt, thường họp nhau chơi bời ở rừng trúc, đàm luận học thuyết Lão, Trang, uồng rượu quên đời. Ðây nói ông quán cũng là hạng người ẩn dật như bảy ông Trúc lâm.

76.Khi cầm khi thi: cầm là đàn, thi là thơ.

77.Rừng nhu: rừng nho (chữ "nho" chính là âm "nhu"). Rừng nho biển thánh: nói đạo học cao rộng như Khổng tử.

78.So đo: tâm địa chật hẹp, tén mén.

79.Ðầu công: thành công bực nhất.

80.Thị phi: những lời phải trái trong khi bàn luận.

81.Chàng ràng: dàng dênh, dênh dang.

82.Khai phong: mở thứ gì bọc kín. ở đây là mở thư.

83.Dật dờ: tâm hồn bị xúc động mạnh nên chập chờn như nửa tỉnh nửa mê.

84.Ðoạn tràng: đứt ruột

85.Công toại danh thành: toại là nên, cũng như nghĩa chữ thành. nói vừa nên sự nghiệp vừa có danh vọng .

86.U minh: tối tăm (minh: mờ), đây chỉ cõi chết.

87.Qui lai: Trở lại, quay về.

99. Dây lưng: bằng rơm. Mũ bạc: mũ trắng. áo thùng: áo thụng, áo tộng tay.

88.Sách Văn Công: sách Gia Lễ của Chu Văn Công tức Chu Hy đời Tống, dạy lễ nghi về tang chế, cưới xin v.v...

89.Không cánh không vi: nói mình không mọc được cánh như chim, mọc được vi (vẩy) như cá để bay thẳng hay bơi thẳng về nhà một mạch cho nhanh chóng

90.Sao dời, vật đổi: do câu chữ Hán "vật hoán di tinh": vật đổi sao dời, nói cảnh đổi thay, thời tiết cũng chuyển dời ("sao" là chỉ thời tiết, người xưa thường tính thời tiết theo cái vòng chuyển vần của 28 vì sao trên trời). Một thành ngữ chỉ sự biến đổi nói chung.

91.Chín chiều ruột đau: do câu văn của Tư-Mã Thiên: "Trường nhất nhật nhi cửu hồi": ruột quặn chín trong vòng một ngày, nói người ta mỗi khi có sự đau thương, ruột thường bị quặn lại nhiều vòng (chín vòng chỉ là nói nhiều vòng thôi). Câu "Quặn đau chín khúc" ở phần dưới đây (câu 1-182) cũng nghĩa là quặn đau chín vòng chứ không phải chín đoạn ruột.

92.Chín chữ cù lao (cửu tự cù lao): tức chín chữ: sinh (sinh đẻ ra), cúc (nuôi nấng nói chung), phủ (vỗ về, vuốt ve), xúc (giữ gìn, xem xét), trưởng (chăm nuôi cho lớn), dục (dây dỗ cho nên người), cố (quay lại nhìn con, quyến luyến mỗi khi đi ra), phục (đi ra rồi lại trở lại, quấn quít không nỡ rời bỏ), phúc (bế ẵm, ấp ủ) ở thơ Lục-Nga Kinh Thi nói chín cái công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi con.

93.Ba năm nhũ bộ (tam thiên nhũ bộ): ba năm bú mớm (cho bú sữa, mớm cơm)

94.Thiên hương: hương trời. "Thiên hương" và "quốc sắc" là những danh từ dùng để chỉ người đàn bà có tài sắc, ở đây không rõ nghĩa, có lẽ tác giả định nói mẹ hiền của Lục Vân Tiên.

95.Phong trần: gió bụi, chỉ sự gian khổ ở đời.

96.Bạn tác: bạn cùng lứa cùng tuổi.
Lục Vân Tiên
Câu 1 - 199
Câu 200 - 399
Câu 400 - 599
Câu 600 - 799
Câu 800 - 999
Câu 1000 - 1199.
Câu 1200 - 1399.
Câu 1400 - 1599
Câu 1600 - 1799
Câu 1800 - 2080