Ca ve xóm núi
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
T iên rất sợ cái câu thơ định mệnh Đến khi thác xuống làm ma không chồng nên cô đã phải chọn sẵn cho mình một ngôi mộ đá để khi nằm trong đó mới thực sự cảm thấy vững chãi, thực sự cảm thấy bình yên.
Cái mùa đông đó cách nay đã bốn năm rồi. Khi ấy Hoàng còn được coi là một phóng viên trẻ, cần phải khẳng định mình trước sếp và đồng nghiệp. Tờ báo mười sáu trang “ngốn” bài ghê gớm. Mà báo chí chưa bao giờ lại ra nhiều như bây giờ. Viết mãi thì cũng phải hết. Xã hội muôn màu muôn vẻ, muôn tầng muôn vỉa nhưng cào mãi thì cũng nhạt, đào mãi thì cũng kiệt. Thế nên cánh phóng viên trẻ như Hoàng hễ có cơ hội là mò đi vùng sâu vùng xa, lặn lội tới miền núi hải đảo. Dù sao bài cũng dễ được in hơn, lại không bị coi là “rặt một thứ câu chữ cớm nắng”.
Nhưng đó cũng chưa phải là lý do chính để Hoàng quyết định mò lên cái cổng trời Quán Bù ấy những mười lăm ngày để rồi về toà soạn cũng nộp được cái phóng sự đi ba kỳ, càng đọc càng thấy nhạt hoét. Lý do chính là sự “nhờ vả” của Vi! Em gái Vi đang học năm thứ ba trường Mỹ thuật công nghiệp. Nhà trường tổ chức đi thực tế. Chả hiểu có một ai đó nói rằng Quán Bù có rất nhiều tam giác mạch, thế là đám sinh viên rồ lên, cứ đòi mò lên cổng trời bằng được để vẽ hoa tam giác mạch. Vi bảo Hoàng: “Lần đầu tiên nó đi xa. Mẹ em đứng ngồi không yên. Anh đi với nó ít hôm để mẹ em yên tâm. Nếu anh không đi thì em phải đi. Nhà chỉ có hai chị em gái. Anh lại là nhà báo, đến đâu cũng quan hệ được. Ở nơi núi rừng heo hút ấy, có anh đi cùng nó, em và mẹ đỡ lo hơn nhiều. Anh đi nhé?!” Ừ thì... ý Vi là mệnh lệnh đối với Hoàng lúc này. Mới chớm yêu mà. Tình yêu đòi hỏi con người ta phải “thể hiện”. Thứ tình kỳ lạ ấy lại vừa mới nhen nhóm lên trong Hoàng, tất nhiên, trong cả Vi nữa. Thế là chưa nhờ đã nhận, chưa hỏi đã gật. Đám bạn sinh viên của em gái Vi cũng đều “chất nghệ đầy mình” cả, thế nên có thêm một anh nhà báo đi cùng đối với họ chỉ thêm vui chứ không thêm phiền. Hoàng thực sự thấy thoải mái trong chuyến đi cực bắc này.
Mấy ngày đầu Hoàng còn hăng hái vác bảng gỗ, giấy vẽ, hộp màu, túi bút, palét, xô, thùng đi theo đám sinh viên mỹ thuật mò vào các bản làng, chốn chợ phiên, đến các địa danh lạ tai như Núm Vú Cô Tiên, Hang Gà, Khu mộ cổ, Suối Tầm Gai, Cây Si Bảy Gốc... Sau thấy chán, lại không hiểu gì về bố cục, gam màu, hình khối của các bức ký họa, phong cảnh, chân dung nên bảo em gái Vi: “Mai anh bắt đầu hành nghề của anh, tạm thời chia tay nhau một ngày nhé. Em nhớ đi cẩn thận!”
Khi em gái Vi cùng đám bạn của cô cổ mang, tay xách khuất sau Núm Vú Cô Tiên thì việc đầu tiên là Hoàng vào Phòng giáo dục huyện. Lên vùng cao, cái có thể viết được nhất có lẽ là sự dạy và học. Sau khi nắm qua vài ba số liệu cần thiết, Hoàng gật gù cảm ơn Phó phòng giáo dục huyện rồi thuê xe ôm đi vào các xã, lê la đến các điểm trường. Về đến nhà cũng sẩm tối, người mệt bã ra. Em gái Vi vẫn chưa về. Có lẽ cô bé đã ở lại một bản nào đó. Đám sinh viên này rất mê ở lại qua đêm với một bản người Dao hay người Mông để thực sự được “hết mình” với những nét phác thảo ẩn chứa đầy ý đồ nghệ thuật của họ. Hoàng đã từng đi với những nhóm sinh viên mỹ thuật như thế này đôi ba lần. Có lần đi cả với đám Mỹ thuật Yết Kiêu nữa. Khi họ đã “máu” lên thì dù có bị coi là rồ dại họ vẫn làm theo ý mình.
Buổi tối dường như lạnh thêm. Nhà trọ lại không có phòng tắm nước nóng. Hoàng lang thang ra phố huyện tìm dịch vụ tắm nóng lạnh. Phố núi buồn hiu hắt. Khi chưa lên đến đây thì hai từ “Cổng trời” có sức hấp dẫn ghê gớm. Sau cổng trời sẽ là thiên đình, là nhà trời, là xứ sở của những vua Mông, hoa hậu Mường, của thầy mo, của bùa ngải và vô vàn những điều kỳ bí giấu sau những nếp nhà mái gỗ tường trình ẩn mình bên thung núi. Trước đây Hoàng cũng đã từng run rẩy khi lần đầu tiên được nghe thông báo xe sắp lên cổng trời Quán Bù. Từ cổng trời lại được nghe hướng dẫn rằng xe đang chạy xuống một thung lũng nơi đặt trung tâm huyện lỵ, và trước khi vào thị trấn Quán Bù mọi người sẽ được chứng kiến một kỳ quan của tạo hóa, đó là Núm Vú Cô Tiên. Quả là mọi người đã “ồ” lên thích thú khi nhìn thấy hai trái núi đất vồng lên như hai mâm xôi, đều đặn, cân đối như một “đôi gò bồng đảo” ngay bên cạnh con đường chạy qua thị trấn.
Lần ấy xe chạy qua Quán Bù lên cao nữa chứ không dừng lại ở phố núi này nên Hoàng chưa có dịp được nhìn thật gần Núm Vú Cô Tiên. Còn lần này thì coi như Hoàng đã khám phá xong cái thị trấn dưới chân cổng trời. Nếu theo lối tư duy cổ tích thì “Thiên đình” hay “Nhà trời” có tên là Quán Bù này chẳng có gì đặc biệt, nó giống như bao phố núi khác, chỉ có vài ba dãy phố, một cái chợ vùng cao, một ngôi trường nội trú, đôi dãy nhà trụ sở công cùng số dân cư thưa thớt của nhiều sắc tộc. Thời tiết thì sáng lạnh, tối lạnh, trưa nóng. Không phải một bản làng phình to mà cũng chẳng phải một thành thị thu nhỏ như ở dưới xuôi. Nó có những nét rất riêng của nó. Dường như ở đây cái gì cũng một và chỉ một mà thôi . Một quán cơm phở bình dân. Một cửa hàng kính mắt. Một nhà tắm nóng lạnh. Một quán bánh cuốn. Một cửa hàng sửa xe ngựa. Một nhà thuốc bắc. Một quán thắng dền... Nó là Xóm núi . Cách gọi ấy phù hợp với nó hơn cả. Đúng với nó hơn cả. Nghĩa là với những người như Hoàng thì không thể ở đây lâu được. Ngay cả với những người như cô em gái Vi cũng thế. Họ chỉ đến đây chơi, xem, vẽ vời, làm thơ và viết báo chứ không thể ở đây được. Hiu hắt kinh khủng. Buồn chán kinh khủng. Tẻ nhạt kinh khủng. Và hơn tất cả là một cái gì đó thất vọng kinh khủng. Ngay cả “kỳ quan của tạo hóa”, tức Núm Vú Cô Tiên cũng mất đi vẻ đẹp gợi tình của nó khi bàn chân Hoàng đặt lên tới đỉnh một trong hai núm vú đó. Nhìn xa thì tròn trịa, mịn màng, lạ lẫm, đẹp đẽ là vậy. Nhưng đến gần thì loang lổ những vết cào xước, màu xanh của cỏ lẫn với những đường rãnh, khe nứt, những vùng đất đá lổn nhổn trông thật nhức nhối. Lật xới lớp vỏ cổ tích lên là điều tệ hại nhất đối với loài người. Hoàng đã có lần chiêm nghiệm rằng: Nếu có thể, thì, đừng bao giờ vừa nghe chuyện cổ tích lại vừa làm người lớn.
Vậy mà Hoàng lại lạc vào thế giới cổ tích của Quán Bù ở cái tuổi hai mươi nhăm.
Tuổi ấy nhiều ước mơ nhưng cũng hay thất vọng.
... Đi gần hết dãy phố mà vẫn chưa tìm thấy nhà tắm nóng lạnh đâu. Đang ngó nghiêng thì cái biển hiệu “Gội đầu Xóm Núi” đập vào mắt Hoàng. Chắc chắn đây cũng lại là cái quán duy nhất ở phố núi này. Một tí tiểu tư sản bỗng bốc lên trong Hoàng. Cũng nên thử xem con gái xóm núi gãi đầu, vỗ trán, mát xa mặt ra sao? Hoàng vén tấm mành nhựa buông trước cửa, lách người vào. Trước mắt Hoàng là một thứ dịch vụ hơi có phần... hổ lốn! Gian quán không rộng lắm vừa để ghế gãi, giường xả cho khách gội đầu lại vừa được dùng để bán cà phê; vừa bày bán mấy củ tam thất, nấm linh chi, thảo quả lại vừa cả làm dịch vụ váy áo cô dâu, trang trí đám cưới nữa. Và đèn mờ. Không gian của quán chìm trong ánh đèn mờ pha màu tím ngắt. Quán vắng tanh. Từ sau tấm màn ri đô ngăn quán với góc trong cùng, một cô gái vén rèm bước ra.
- Anh uống nước hay gội đầu?
Trước khi nghe trọn tai câu hỏi ấy Hoàng kịp nhận ra cô chủ quán rất xinh đẹp và... đặc sệt chất miền xuôi.
- Cả hai.
- Quán em có thể phục vụ được cả bốn trong một cơ. Nào, bây giờ anh lên ghế em gãi.
Hoàng thấy thú vị trước cái cách đùa của cô gái. Anh hỏi lại:
- Anh không muốn gội đầu trước thì sao?
- Uống nước với một cái đầu ngứa ngáy thì sẽ không thoải mái đâu. Thôi nào, em biết là anh cần gội đầu trước mà, anh ngồi vào ghế đi.
Cô gái quấn tấm vải quanh cổ Hoàng rồi hỏi: “Anh dùng dầu gì?”. Hoàng không trả lời mà hỏi lại cô ta: “Em giỏi thật. Thế em còn biết gì về anh nữa?”
- Anh là thầy giáo hướng dẫn đoàn sinh viên thực tập phải không?
Hoàng không trả lời, lặng lẽ nhận cái danh vị mà cô gái muốn khoác cho anh. Đúng hơn là anh không muốn thanh minh. Và đó quả là một buổi tối thú vị. Cô chủ quán tên Tiên. Hai mươi ba tuổi. Quê Tuyên Quang. Lên Quán Bù được hai năm rồi. Lý do: Nuôi em ăn học.
Những ngày sau đó, mỗi khi em gái Vi cùng chúng bạn xách bảng vẽ vào bản là Hoàng lại ra quán Tiên ngồi. Bỗng tìm được một người trò chuyện ở cái chỗ chẳng có việc gì mà làm như thế này, đối với Hoàng kể cũng bớt đi phần nhàm chán. Tiên lại là người hay chuyện. “Anh bảo anh ở đường Đê La Thành à? Thế anh có biết quán Mây Chiều gần Ô Chợ Dừa không? Không à? Tại sao em lại biết á? Biết chứ! Trước em xuống làm cho dì em ở gần đấy mà. Sao bây giờ lại chuyển lên xó núi này á? Vì hai đứa em của em học nội trú ở đây. Sao lại chuyển được về đây học á? Chú em làm ở ủy ban mà. Dưới Tuyên Quang không có điều kiện học nên chú xin cho cả hai đứa lên trên này. Em phải đi theo chúng nó. Bố mẹ em á? Buồn lắm. Tai nạn nên mất sớm cả rồi. Em á? Em chỉ được học đến lớp tám thôi. Rồi em theo dì xuống Hà Nội, ở đó vài năm thì lên đây. Có buồn không á? Cũng phải quen thôi. Lấy chồng á? Thôi, còn lấy gì nữa, chỉ mong hai đứa em học xong rồi em bỏ hết mọi thứ lại để đi. Đi đâu á? Không nói được, mà có nói anh cũng chả tin. Có tin á? Thôi, em không nói đâu...”
Cứ thế, mỗi ngày cô gái tên Tiên lại rủ rỉ vào tai Hoàng những chuyện rất quen mà lại rất lạ như thế. Hoàng không phân định nổi trong khối chuyện mà Tiên nói có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng rõ ràng là ít nhiều nó có sức ám ảnh đối với người nghe. Có thể cái khứu giác báo chí trong Hoàng đã gửi thấy mùi “sự kiện” ở chuyện đời của cô gái này, cũng có thể Hoàng quá ngây thơ và ủy mị trước một nhan sắc biết nói dối, nhưng dẫu sao thì cũng phải thừa nhận Tiên và những câu chuyện của cô hấp dẫn Hoàng.
Một lần Tiên hỏi: “Anh có máy ảnh à? Chụp cho em một kiểu được không?”. Hoàng gật đầu: “Ôkê! Em muốn chụp ở đâu?”. “Ở núi Cô Tiên, chỗ giữa hai...”
- Núm vú?
Tiên khẽ gật đầu, miệng tủm tỉm cười. Thế là buổi sáng hôm ấy Tiên nhờ em gái trông hàng rồi diện đẹp, cùng Hoàng đi bộ ra Núm Vú Cô Tiên. Hoàng chụp cho Tiên bốn, năm kiểu liền, sau đó lại còn cao hứng kể cho Tiên nghe sự tích núi Cô Tiên nữa. Tất nhiên câu chuyện hoàn toàn do Hoàng bịa đặt. Câu chuyện ấy trong một phút ngẫu hứng đã được Hoàng nghĩ ra, nội dung của nó đại loại như thế này:
Ngày xửa ngày xưa có một nàng tiên nữ rất thích mây gió trăng hoa. Nàng thường ngao du với các vị nam thần, nhất là các sơn thần ngụ ở hạ giới. Thế rồi nàng tiên nữ ấy mắc một thứ bệnh không thuốc nào giải nổi. Bệnh ấy bắt đầu từ cơ quan sinh dục, cứ thế phát triển lên khắp cơ thể, đầy mình tiên nữ chẳng mấy chốc xuất hiện những vết bầm đỏ, những vết này sưng tấy, làm mủ, vỡ ra và nhiễm trùng. Đến một ngày kia, bệnh nặng quá, tiên nữ bay về trời để tìm thuốc chữa nhưng cô cất mình lên đến cổng trời thì mệt quá rớt xuống thung lũng Quán Bù và chết. Thân xác cô nằm phơi giữa thung sâu, theo năm tháng phân hủy đi nhưng riêng có bộ ngực thì hoá thành hai trái núi đất. Ngọc Hoàng Thượng Đế cho thái y đến khám nghiệm, chỉ thấy bộ ngực của tiên nữ có nhiều vết cào xước, bầm nát mà không phát hiện ra được nguyên nhân cái chết của tiên nữ nọ. Sau khi tiên nữ chết được một thời gian, dưới hạ giới các sơn thần đã từng quan hệ với nàng tiên này cũng lần lượt mắc chứng bệnh lạ. Thân thể họ hao mòn, trí lực họ giảm sút, phép thuật họ mất linh, họ không còn làm được những công việc họ phải đảm nhiệm nữa. Rồi họ đổi chính thành tà, bỏ thánh làm ma, dùng thuốc quỷ thay thuốc tiên. Nhiều vị trong số họ đoản số trước ngày giờ g hi tr ong cuốn sổ đặc biệt của Nam Tào - sổ cai quản các vị nam thần. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy vội sai người điều tra, kết quả cho thấy các nam thần này đều mắc chung một chứng bệnh với tiên nữ nọ, vợ con của họ cũng đang có nguy cơ mắc bệnh theo. Ngọc Hoàng lo lắng vội cho gọi Thái Thượng Lão Quân đến để tìm phương thuốc chữa trị chứng bệnh nan y đang làm điên đảo quân thần Nhà Trời. Lão Quân dùng lò bát quái luyện linh đan thần dược nhưng nghe ra thần dược không trị nổi bệnh quỷ, thuốc tiên không cứu được ma trùng. Lão Quân tâu lên rằng, bệnh này do chuyện sinh hoạt nam nữ mà ra, muốn trị bệnh chỉ còn cách cấm trai gái chung đụng mà thôi. Vì thế Nhà trời sau ba vạn chín nghìn năm thì tuyệt chủng. Bây giờ quân thần nhà trời đều đã tan vào hư vô, chỉ còn hai trái núi đất ở cửa ngõ nhà trời là chứng tích còn lại của giống thần tiên mà thôi. Sau này con người ở dưới hạ giới cũng đã tràn lên trời để ở. Vì thế Quán Bù mới được gọi là Cổng Trời, và hai trái núi đất kia mới được gọi là Núm Vú Cô Tiên...
Câu chuyện kể có dụng ý của Hoàng lập tức gây tác dụng. Mặt Tiên tái đi. Những nét đẹp trên khuôn mặt cô trở nên u ám như có vầng mây đen che phủ. Tiên đòi về. Hoàng cảm thấy áy náy vì mình đã đùa ác với Tiên. Rất có thể những tháng ngày Tiên ở Hà Nội có điều gì đó uẩn khúc, nhưng Hoàng lại đem câu chuyện ẩn dụ trên ra kể cho Tiên nghe thì tàn nhẫn quá. Mặt trời đã lên cao và những đám mù mây không vượt qua nổi cổng trời bắt đầu lẫn vào đám cây tạp, rã ra, tan loãng trong sắc xanh nơi triền núi. Hoàng đưa Tiên về theo lối khu mộ cổ. Có vài ngôi mộ hình thuyền được xây bằng đá đã ngả màu thời gian đen thẫm. Không biết đó là mộ của người Tàu, người Mông, người Dao hay người Kinh nhưng hầu hết chúng đều có bia hình sừng trâu đặt ở đầu mộ, bên trên có khắc chữ tượng hình. Hoàng tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh vì thấy chúng lạ mắt. Bỗng Tiên bảo: “Ngày còn bé mẹ em hay đọc Kiều và có nói đến nấm mộ Đạm Tiên. Không hiểu sao khi lần đầu tiên nhìn thấy những ngôi mộ này em lại nghĩ đến mẹ em và cái nấm mộ của người kỹ nữ sống làm vợ khắp người ta ấy. Em chỉ học đến lớp tám thôi. Có được học Kiều và có nhớ mấy câu thơ ấy. Lần nào đọc đến cái câu Đến khi thác xuống làm ma không chồng em cũng rùng mình. Lên đây ở, thỉnh thoảng em lại ra thắp hương cho mấy ngôi mộ này. Chúng không có chủ đâu anh ạ. Em sống ở đây em biết. Lắm khi em ngồi bên chúng cả buổi. Rồi em cũng nằm xuống một ngôi mộ như thế này thôi. Và chắc gì đã có ai nhang khói cho em?”
Hoàng bảo:
- Sao Tiên lại nói thế? Nay mai các em Tiên học xong cả nhà sẽ chuyển xuống xuôi chứ chắc gì đã ở lại đây?
Tiên cười buồn:
- Em sẽ ở đây. Sẽ tự xây mộ đá cho mình. Không hiểu sao em rất thích mộ đá. Nằm trong đó sẽ thực sự cảm thấy vững chãi, thực sự bình yên...
Nghe Tiên nói Hoàng thấy hoảng. Tại sao một cô gái đẹp như Tiên lại nói toàn những điều quái gở thế nhỉ? Hôm nay Tiên diện một bộ đồ màu trắng. Tóc cô dài, buông chùng xuống bờ vai nhỏ trông đẹp một cách mỏng manh, yếu ớt. Nét mặt Tiên căng mịn, dáng dấp Tiên thanh thoát, nhẹ nhàng không có biểu hiện gì của một sinh thể đang ủ đầy mầm bệnh. Tại Hoàng quá giàu trí tưởng tượng hay tại khung cảnh này đã khiến Hoàng tự gieo vào lòng mình mối hồ nghi không đáng có? Khi hai người ra tới đường cái thì gặp một thanh niên trạc tuổi Hoàng đứng chờ bên vệ đường cùng chiếc xe máy màu mận chín. Anh ta ăn mặc khá lịch sự, sơmi bỏ quần, cổ cài ca vát, mắt đeo kính cận. Thấy Hoàng và Tiên anh ta cười thân thiện và hỏi rất nhã nhặn:
- Hai anh em đi thăm núi về rồi à?
Tiên cũng đáp lại một cách vui vẻ: “Vâng, đây là anh Hoàng mới ở Hà Nội lên, còn đây là anh Tuấn bên Phòng văn hóa huyện”. Thanh niên tên Tuấn gật đầu chào Hoàng xong, quay sang Tiên bảo: “Việc em nhờ anh làm xong rồi, đây là giấy biên nhận thu lệ phí của huyện, em cứ việc lấy đá xếp quanh khoảnh đất ấy lại thôi, khi nào thu xếp được thì chuyển cốt cho các cụ”
Tiên nhận tập giấy tờ từ tay Tuấn, bảo: “Để em gửi tiền anh”. Nhưng Tuấn quay ra xe ngay, nói với lại: “Để khi khác, bây giờ anh phải về cơ quan có tí việc, em với anh Hoàng về sau nhé”
Tuấn đi rồi, Tiên quay sang nói với Hoàng:
- Em nhờ anh ấy xin cho phần đất giữa mấy ngôi mộ cổ. Mai này em chuyển bố mẹ em về nằm đấy.
Hoàng nói vu vơ:
- Ở xóm núi này mà cũng có người đẹp trai nhỉ!
Tiên bảo:
- Anh ấy quê ở thị xã, mới lên đây nhận công tác được vài năm. Anh ấy tốt lắm.
Tiên nói không sai. Hoàng còn được chứng kiến lòng tốt của Tuấn đôi ba lần nữa trước khi rời cổng trời về xuôi. Tuấn đã bỏ ra hai buổi chiều để giúp Tiên xếp đá quanh “sinh phần của các cụ”, và theo yêu cầu của Tiên, Tuấn đã chở Hoàng đi chợ rượu ở bản Lũng Pàn cách cổng trời những bốn mươi cây số. Chợ rượu Lũng Pàn họp phiên theo tháng. Ở đây có đủ các loại rượu của mọi dân tộc. Rượu nấu từ ngũ cốc, rượu chắt từ các loại rễ củ, rượu men gạo, men lá, rượu ngâm các loại, rượu hạ thổ, rượu tự nhiên và nhân tạo... đủ cả! Lần đầu tiên Hoàng hoa mắt vì các chủng loại rượu. Mấy ngày sau đó Hoàng còn được Tiên giúp tìm hiểu thêm nhiều điều về vùng đất dưới chân cổng trời Quán Bù này. Hoàng nhận ra tình cảm của Tuấn dành cho Tiên chính là thứ tình cảm mà anh đã dành cho Vi. Tự sâu thẳm lòng mình Hoàng thấy mừng cho cô gái mồ côi phải lưu lạc từ đất Tuyên Quang lên đây nuôi em ăn học như Tiên. Hóa ra Hoàng nhạy cảm và suy diễn thái quá chứ Tiên đang được cuộc đời trả lãi đấy thôi. Nếu Tiên lấy Tuấn thì đó sẽ là một đôi uyên ương đẹp. Nếu các em Tiên học hành đến nơi đến chốn thì cũng có nghĩa là cô đã trả được hiếu cho bố mẹ mình dưới suối vàng rồi. Và Hoàng còn phải ơn Tiên nữa kia. Loạt phóng sự đi ba kỳ sau này tư liệu chủ yếu do Tiên cung cấp và gợi mở. Và cái mùa đông ấy cũng đã trở thành một ký ức đẹp trong cuộc đời làm báo của Hoàng. Cái mùa đông ấy đã trở thành quá vãng rồi. Bốn năm sau Hoàng mới lại có dịp quay trở lại cổng trời Quán Bù.
Vừa đúng bốn năm, cũng lại vào mùa đông...
Lần này Hoàng lên cổng trời Quán Bù với nhóm phóng viên của một hãng truyền hình Nhật Bản. Họ đã đọc được cái phóng sự ba kỳ của Hoàng ở một xó xỉnh nào đó và họ mê cái đoạn tả về chợ rượu Lũng Pàn. Mùa đông này họ sang Việt Nam nhờ Hoàng đưa đến phiên chợ rượu độc đáo đó để họ làm phim ẩm thực. Bên họ có một kênh truyền hình chuyên phát những loại phim này. Tất nhiên là Hoàng ôkê ngay. Bốn năm qua đủ biến Hoàng trở thành một phóng viên cứng cỏi. Sự chia tay với Vi cũng làm cho con tim Hoàng dường như trưởng thành hơn. Một anh bạn Hoàng từng bảo: “Không nên dùng từ trưởng thành đối với con tim, nghe nó điêu ngoa lắm”. Hoàng cười khẩy: “Người ta còn gọi là trái tim non, là con tim mù lòa được kia mà. Sao lại không thể gọi là con tim trưởng thành?”. Cô em gái Vi cũng đã ra trường và xin được việc làm ở công ty mỹ thuật Thủ đô. Bức tranh vẽ hoa tam giác mạch của cô bây giờ treo trong phòng ngủ của chị gái mình. Vi và người chồng của cô sẽ nhìn ngắm bức tranh ấy vào những lúc tâm hồn họ thanh thản nhất, và Vi sẽ giới thiệu về lịch sử bức tranh cho chồng cô nghe. Trong câu chuyện của cô chắc chắn sẽ không có cái tên Hoàng xuất hiện với tư cách là người hộ tống tác giả bức tranh. Vi đã không thể lấy một anh nhà báo giỏi mà không có nhà ở Hà Nội, đồng lương lại không đảm bảo hạnh phúc gia đình nên Hoàng đành mất đi cơ hội được treo bức tranh tam giác mạch đó nơi phòng ngủ của mình vào đêm tân hôn.
Và sự trở lại cổng trời lần này không phải để tìm một bức tranh tam giác mạch khác thay thế. Điều khiến Hoàng bồi hồi nhất chính là niềm phấn khích được gặp lại Tiên.
Đoàn làm phim được thu xếp nghỉ ở Trung tâm văn hóa huyện. Nhận phòng xong, quay ra Hoàng bỗng nhận thấy dáng Tuấn đang đi ở dưới sân. Vẫn cái dáng cao gầy với sơ mi bỏ quần có thắt cà vạt và đeo kính gọng đen y như bốn năm trước đây. Hoàng liền cất tiếng gọi. Cái người ở dưới sân vội ngước mắt lên nhìn Hoàng. Ánh mắt anh ta tỏ ra hết sức ngỡ ngàng. Hoàng cũng đã ngờ ngợ là mình nhầm người. Cậu thanh niên đeo cà vạt đó tiếp tục đi vào lối dẫn lên cầu thang và chỉ lát sau thì anh ta đã xuất hiện ngay trước mắt Hoàng.
- Anh quen anh Tuấn à? – Cậu ta hỏi Hoàng.
- Ừ, xin lỗi, mình nhầm.
- Anh Tuấn chuyển về sở rồi. Em về thay anh ấy. Trước khi anh ấy đi, hai anh em ở với nhau gần hai tháng. Em là Quân.
Hoàng vội làm thân:
- Mình với Quân ra phố uống cà phê đi. Trước mình có quen Tuấn, nay có dịp lên công tác muốn hỏi thăm cậu ta thôi.
Quân gật đầu:
- Ở đây chỉ có một quán cà phê duy nhất. Tỉnh lẻ mà. Ngon dở thế nào anh dùng tạm nhé?
Hoàng gật đầu: “Ôkê!” rồi khoác vai Quân đi xuống cầu thang gác. Đúng là vẫn quán cà phê của Tiên, vẫn biển hiệu “Gội đầu Xóm Núi”, vẫn tấm mành mành nhựa hai màu xanh, trắng. Khi tấm mành được vén lên thì vẫn là một thứ kinh doang tổng hợp như bốn năm trước đây Tiên đã từng làm. Chỉ có điều, chủ quán không phải là Tiên. Hoàng vội quay sang Quân:
- Quán này mới thay chủ à?
Quân gật đâu:
- Vâng, quán này trước là của chị Tiên. Chị ấy chết rồi.
Hoàng kinh ngạc:
- Chết rồi? Thế Tuấn...?
Quân nhìn thẳng vào Hoàng, đáp:
- Anh cũng biết chuyện giữa chị Tiên và anh Tuấn à? Chị ấy chết được hơn một năm rồi. Chết sau ngày đứa em thứ hai của chị ấy vào đại học. Anh Tuấn buồn lắm. Anh ấy rất yêu chị Tiên. Chẳng hiểu sao chị ấy lại không lấy anh Tuấn. Có người bảo chị ấy chết bệnh, lại có người bảo chị ấy tự tử. Anh Tuấn là người đưa xác chị ấy từ bệnh viện tỉnh về chôn ở khu mộ cổ. Có lẽ anh Tuấn là người biết rõ nhất về chị ấy. Nhưng anh ấy không bao giờ nói với ai về chuyện đó cả. Chỉ có một lần anh ấy bảo với em là: “Tiên đã chuẩn bị trước cho cái chết của mình, cô ấy đã xây sẵn một ngôi mộ đá”
Hoàng uống vội ly cà phê đắng ngắt rồi cùng Quân ra khu mộ cổ. Đúng là Tiên đã về nằm dưới ngôi mộ đá do chính tay cô chuẩn bị từ trước. Những chuyện mà Tiên nói với Hoàng bốn năm về trước như vẫn còn bên tai anh, như văng vẳng đâu đây giữa nghĩa địa hoang vu, bên những nóc mộ cổ in dấu thời gian này. Tiên rất sợ cái câu thơ định mệnh Đến khi thác xuống làm ma không chồng nên cô đã phải chọn sẵn cho mình một ngôi mộ đá để khi nằm trong đó mới thực sự cảm thấy vững chãi, thực sự cảm thấy bình yên. Bây giờ thì em đã bình yên chưa Tiên ơi? Trước ánh mắt đờ đẫn vì xúc cảm của Hoàng, Quân bảo: “Muốn hiểu về chị ấy, anh cứ về sở gặp anh Tuấn là rõ. Anh Tuấn là con trai của bác phó giám đốc sở đấy, cũng dễ tìm thôi mà”
Hoàng mỉm cười chua chát. Quân quên mất Hoàng là nhà báo ư? Việc tìm Tuấn đối với Hoàng có gì là khó đâu. Ngay cả việc xác minh lý lịch của Tiên với cái nhà hàng Mây Chiều đã bị đóng cửa ở gần Ô Chợ Dừa ấy đối với Hoàng cũng chẳng khó gì. Nhưng tìm Tuấn để làm gì? Biết rõ hơn về Tiên cũng để làm gì? Làm sao tìm hiểu cho hết uẩn khúc của mỗi con người trong cái thế gian đầy phức tạp này?! Tiên đã muốn bình yên trong nấm mộ đá kia, những muốn người đời quên mình đi thì cũng chẳng nên xới lật cuộc đời cô thêm một lần nữa. Có chăng là cắm cho cô nén nhang để linh hồn cô khỏi lạnh lẽo nơi lòng đá mà thôi. Hoàng nhìn sang Núm Vú Cô Tiên, thấy câu chuyện tự biên tự diễn của mình sao kinh khủng thế? Nếu ba vạn chín nghìn năm trước đây có một nàng tiên như thế thì bây giờ nàng nằm kia mưa nắng dãi dầu, đắng cay, oan nghiệt quá. Cho nên Tiên mới muốn trốn vào mộ đá để khỏi bị miệng lưỡi người đời nhắc đến chăng?
Ngay sáng hôm sau Hoàng rời Quán Bù lên Lũng Pàn và ở lại đó cho đến khi đoàn làm phim quay xong. Trở lại Hà Nội được một tuần thì Vi điện đến cho Hoàng. Vi bảo: “Nghe nói anh dạo này hay la cà ở các quán gội đầu thẩm mĩ lắm phải không? Cẩn thận không các cô ca ve ấy cho anh tiêu đời luôn đấy. Tốt hơn hết là anh lấy vợ đi. Rồi cố đẻ một cô công chúa để làm thông gia với em”
Hoàng bảo: “Cảm ơn lời nhắc nhở của em. Đừng lo cho anh nữa. Con tim anh trưởng thành lên nhiều rồi mà”
Và Hoàng cúp máy.