Đay gieo mùa thương khó
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
Thế là mấy cây đay giống đã ra hoa!
Hoa đay hơi giống hoa rau muống nhưng to hơn, hình chuông, có màu phơn phớt tím. Thân đay xù xì nhiều gai, lá đay ram ráp xoè ra như bàn tay nhưng hoa đay lại thanh thoát mềm mại, thường rụt rè, e thẹn mở cánh trắng mỗi độ thu về. Mẹ Hằng trồng đay giống ở mảnh vườn sau nhà. Khi cây cao ngang ngực thì mẹ cắt ngọn để đay ra nhánh. Đay ngoài bãi được thu hoạch cũng là lúc đay giống trong vườn nhà trổ hoa. Ngồi bên máy đánh đay, nhìn hoa đay như ngàn bướm vờn nơi góc vườn, Hằng hiểu rằng thế là mùa đay đã hết. Ít ngày nữa đay sẽ tụ quả, mẹ sẽ lấy quả đay chín cho vào bao tải rồi dùng vồ đập để tách hạt cất đi, đợi ra giêng mới lại đem cấy. Mẹ Hằng có kinh nghiệm gi giống tốt nên ruộng đay ngoài bãi năm nào cây cũng lên cao hơn ruộng đay nhà người khác. Việc gặt đay, tước vỏ, cạo gai rồi chẻ đay, vê đay, ra guồng, sổ sợi đã quá quen với Hằng suốt bao nhiêu năm rồi. Nhưng bước sang mùa đay này, tự nhiên Hằng thấy mình rơi vào một tâm trạng lạ lắm.
Mùa đay năm kia cái Nhài lấy chồng. Thế là đứa lắm mồm nhất trong đám bạn bè của Hằng qua sông, sang đò đi làm dâu nhà người. Mùa đay năm ngoái cái Miền dỗi anh Dương, bỏ làng lên tỉnh làm thuê. Đám bạn của Hằng cứ ngày một rã ra, tan đi trước bao nẻo đời cuộn chảy. Mấy đứa trong ca đoàn chơi với nhau bây giờ chỉ còn mình Hằng ở lại làng thôi. Còn một người nữa học cùng với Hằng năm cấp hai, thuộc họ Liễu, đầu năm nay cũng đi xa. Hôm chia tay, Hằng chẳng nói được gì với người ấy. Hai năm không phải là dài nhưng sau hai năm ấy Hằng sẽ bước sang tuổi 20, tuổi mà con gái ở làng không bao giờ muốn bước qua nếu chưa có ai đưa đến nhà thờ làm lễ trao nhẫn cưới. Sau mười ngày, Hằng nhận được thư. Người ấy đóng quân ở trung đoàn Đồng Bằng, bảo rằng rất nhớ mùa đay quê nhà, nhớ dáng Hằng xoã tóc ngồi chẻ đay, nhớ những buổi tối rúc rích vui cười cùng đám ca đoàn họ An Thọ, nhớ những lần hai đứa đi lễ nhà thờ họ Liễu vô tình mà gặp nhau… Ngày người ấy đi cũng là ngày toàn xứ vào mùa đay. Mùa thương khó thường bắt đầu vào mùa xuân, cũng là mùa cấy đay. Buổi lễ cuối cùng mà Hằng và người ấy gặp nhau là lễ vào mùa. Người ấy còn xuống nhà Hằng cấy hộ nửa ruộng đay mới lên đường nhập ngũ. Bây giờ đay đã thu hoạch xong. Hoa đay phơ phất chuẩn bị khép nhụy làm quả. Hằng không đi lễ nhà thờ Liễu nữa mà đi lễ nhà thờ Bái. Hằng thường đi một mình, chẳng thiết mặc áo dài trắng. Năm nay hình như thiên hạ cưới nhiều hơn mọi năm. Ở làng cũng có mấy đứa đang rục rịch chuyện chồng con. Hằng tự nhiên trở nên hay nghĩ ngợi, đôi lúc vẩn vơ, ngồi trước toà xưng tội chẳng biết nói gì, chỉ thấy trong lòng trống rỗng…
Đống đay chẻ vừa vê hết thì Miền sang như đã hẹn. Hằng thu chỗ sợi đay vừa sổ lại rồi vào buồng thay áo dài. Hôm nay Hằng muốn diện một chút vì cũng khá lâu rồi Hằng mới lại đi nhà thờ cùng với Miền và Nhài. Miền ở trên tỉnh về nghỉ đã gần một tuần. Nhài thì mới về hôm qua. Chồng Nhài chết đã hơn một năm. Nhài goá bụa ở tuổi mười bảy. Nhài gầy và xanh lắm, chắc suy sụp sau cái chết của chồng. Miền xanh xao như người mắc bệnh vậy. Hằng hỏi: "ở trên tỉnh về mà như thế này à?". Miền cười gượng: "Thì cũng phải có lúc ốm đau chứ, rồi sẽ khoẻ lại thôi". Hằng dắt xe đạp lên đê rồi đèo Miền tới nhà Nhài. Nhài đứng đợi sẵn ở cổng, từ xa đã nhìn thấy bóng áo trắng lấp ló bên bụi tre già. Cả ba đạp thẳng tới nhà thờ Bái. Hôm qua ba đứa hẹn nhau hôm nay đi nhà thờ sớm để xưng tội. Nhài và Miền dường như có nhiều ẩn ức. Còn Hằng thì chẳng đi đến đâu, chẳng rời khỏi chiếc máy đánh đay nên tự thấy tội lỗi trong mình không nhiều. Nhưng Hằng có một nỗi lo. Nỗi lo ấy đang lớn dần, đang biến Hằng thành người có tội. Lát nữa rồi Hằng cũng sẽ thành tâm xưng tội.
Nhà thờ khá vắng vẻ. Ba đứa Hằng chỉ phải chờ một lúc là đến lượt. Miền nhận vào trước. Toà xưng tội giống như một tấm bình phong hình chữ nhật, phần trên khuôn theo cửa tò vò, đường viền có chạm trổ hoa văn phun nhũ vàng. Bề mặt tấm bình phong có hình Đức Mẹ và các Thiên Sứ. Ở chính giữa là một cửa sổ nhỏ bằng cuốn vở học trò, có ba thanh gỗ chắn dọc. Khung cửa ấy được che bằng một tấm vải màu vàng. Đức Cha tinh thần ngồi nghiêng sau tòa xưng tội, tai ghé vào tấm vải mềm chăm chú lắng nghe. Miền bước đến trước tòa và rì rầm những điều cần xưng vào khoảng trống có ba song gỗ đó. Nhài và Hằng ngồi chờ ở hàng ghế thứ ba, bên phải giáo đường. Cả buổi chiều hôm ấy thời gian xưng tội chỉ đủ để dành cho ba đứa Hằng. Ngoài sân nhà thờ, lá vàng rải kín lối đi. Nắng thu rọi những tia sáng mảnh mai qua nóc tháp chuông, dệt một không gian yên bình.
Câu chuyện xưng tội của Miền:
Sau khi nhà Dương cho người sang đến lần thứ ba mà Miền vẫn dửng dưng thì mẹ Miền đã phải gắt lên: "Mày có định lấy chồng không để tao còn liệu, việc cưới gả cho mày chứ có phải tao đâu mà cứ để tao phải nhiều lời thế?". Miền chẳng biết trả lời thế nào. Chẳng lẽ lại bảo không yêu Dương? Cũng không thể bảo là nhà Dương nghèo. Mà Miền thì đã hẹn với người ta rồi. Miền sẽ lên tỉnh. Từ bé đến giờ Miền có được ở phố ngày nào đâu. Đến trường với chúng bạn được vài ba lớp thì ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng. Chớm bước vào tuổi thiếu nữ đã thấy chúng bạn rủ nhau đi lấy chồng. Có đứa vừa mới biết mặc áo lót được mấy ngày đã có người mang trầu cau đến xin hỏi cưới. Tất bật một thời niên thiếu, đến khi mái tóc vừa kịp xanh, dáng đi vừa kịp uyển chuyển, con mắt vừa kịp đen, đôi má vừa kịp hồng thì đã vội bán tuổi xuân cho cái gọi là làm vợ, làm mẹ. Miền không đẹp lắm nhưng cũng khá tự tin trong đám bạn cùng lứa. Dương hiền lành, nhà ở làng bên, đã ngỏ lời với Miền từ năm ngoái. Miền thấy cảm động trước Dương, đi chơi với anh thấy cũng vui vui, thỉnh thoảng anh không đến thăm cũng thấy nhơ nhớ. Nhưng Miền chưa muốn lấy chồng vào lúc này.
Thế mà Dương lại không hiểu Miền. Dương không thể rời xa được cái cày, cái cuốc. Có lần đi đám qua làng Dương, Miền thấy anh quần ống thấp ống cao đang cùng đứa em gái ì ạch kéo xe phân ra ruộng. Tự dưng Miền thấy buồn quá. Về làm vợ anh thì rồi Miền cũng lại như mấy đứa bạn đã đi lấy chồng thôi. Miền không muốn như những chị những mẹ ở làng, suốt đời chỉ biết có công việc, không sao ngóc đầu lên được, thoát ra được dù chỉ để đứng mà thở, mà hát, mà xem lại mình là ai, mình có quyền hưởng những cái gì ở trên cõi đời này? Miền đã từng động viên Dương đi thoát ly nhưng Dương bảo: "Nhà chỉ có mình anh là trai, anh được hưởng cả cơ ngơi này, vừa nhà, vừa đất vườn, vừa ao, vừa ruộng đi làm đếch gì, ở nhà không sướng hơn sao?". Miền chỉ còn biết thở dài thất vọng. Căn nhà ba gian dột nát kia rồi mai đây Miền lại cùng anh nghe thời tiết mà kèo cột chống đỡ, đất vườn toàn những cây còi cọc kia rồi cũng lại Miền đổ mồ hôi công sức xuống mới hy vọng có cái quả mà ăn, cả ao cá kia nữa có bao giờ được một con trên cân đâu. Dương tưởng rằng những thứ anh được thừa hưởng là thiên đường cho người bạn đời của anh ư? Hôm nọ có người giới thiệu cho Miền một chỗ làm ở trên phố. Ở đó người ta cần một phục vụ thức khuya dậy sớm, mỗi tháng nuôi ăn rồi còn trả 300 ngàn nữa. Vậy mà tối nào Dương cũng sang bàn chuyện cưới sớm cho kịp ra mạ cấy vụ mùa. Sao Dương không chịu hiểu Miền, dù chỉ là chuyện đừng bàn đến việc cưới hỏi vào lúc này?
Sự thể đã thế Miền đành phải trả lời dứt khoát. Miền quyết định rời làng lên tỉnh. Công việc của Miền là nấu bốn chõ xôi, ninh hai nồi thịt mỗi sáng. Buổi chiều thì chuẩn bị ba nồi chè đỗ đen, một nồi chè sen và một nồi chè xanh. Bà chủ là một phụ nữ to béo, phốp pháp, bán hàng rất có duyên, tính tình lại rất xởi lởi, phóng khoáng. Mùa nào thức ấy, bà xoay đủ các món và món nào của bà cũng ngon, cũng vào hạng nhất ở thành phố này. Khách đến đông nườm nượp. Riêng bưng bê, thu dọn, rửa bát đĩa… cũng đã hai người đảm nhiệm. Việc của Miền là ở dưới bếp. Một tí muối của Miền cho vào chõ xôi hay năm lít rưỡi nước của Miền cho vào nồi chè đỗ đen cũng đủ để Miền có uy tín với bà chủ hơn hai người làm công khác. Miền thấy công việc này đáng yêu hơn làm ruộng nhiều. Lại được sống trong cái không khí náo nhiệt của phố xá. Nửa năm trôi qua rất nhanh và Miền đã có tới ba cái nhẫn đeo ở tay. Bây giờ Miền chả lạ gì những đồ dùng văn minh hiện đại. Miền biết sử dụng bếp ga, bếp điện, biết bật đầu video, mở đài đĩa để nghe nhạc. Thỉnh thoảng về thăm quê Miền cũng mua được cho bố mẹ và các em chút quà nhỏ. Miền sang thăm Dương và thấy anh chẳng có gì thay đổi. Anh lại đang đi tìm cho mình một người vợ đủ sức đảm đương cái thiên đường mà ông bà anh để lại. Miền vừa đùa vừa thật: "Chẳng lẽ anh Dương không thể chờ em được sao?" Dương thật thà: "Miền quyết đoán và thực tế hơn tôi tưởng, tôi không phải là đối tượng để Miền chọn". Thế là hết. Cái chớm nở đã vội tàn chỉ vì Miền khát khao được sống khác đi, khác với những cảnh sống đầy rẫy ở xung quanh.
Miền thường về quê bằng xe ôm của một thanh niên điển trai, có khuôn mặt rất thật thà. Anh ta nói chuyện có duyên, thường khen Miền giỏi, bảo Miền là cô gái quê có nghị lực và còn tiên đoán sau này Miền sẽ là một người vợ đảm đang, tháo vát. Quả thật anh chàng làm Miền thấy thú vị. Lần nào về quê Miền cũng tìm đến với chiếc xe Simson của anh ta. Một hôm, sau khi đưa Miền về quê ra, anh chàng rủ Miền tối đi xem ca nhạc. Tối hôm ấy Miền được anh ta chở đi thăm thú nhiều nơi. Chẳng có ca nhạc gì cả, chẳng qua đó chỉ là cái cớ để anh ta được đi chơi cùng Miền thôi. Anh ta kể trước đây đã từng là công nhân ở một nhà máy cơ khí nọ, nhà máy ít việc anh phải nghỉ làm, chuyển sang chạy xe ôm. Miền tin anh và tối hôm ấy anh đưa Miền về khá sớm. Càng ngày Miền càng hay nói dối bà chủ để được đi chơi với anh. Bà chủ chẳng để ý đến sự thay đổi bất thường ở Miền vì Miền vẫn luôn hoàn thành công việc của mình, chẳng bao giờ phải để bà chủ phật ý. Miền đã làm tất cả chỉ để được gặp anh ta. Anh thường đưa Miền đến một căn lều ở bờ sông. Anh bảo anh cùng với một người bạn đang chung vốn buôn tre, luồng. Tre, luồng được tập kết hàng đống ở dưới bến sông. Căn lều thật vắng vẻ, gió sông thổi tới mát rượi. Anh còn bảo anh muốn lấy vợ nhưng tìm được một người vợ như Miền thật khó vì con gái thành phố không chịu thương chịu khó như ở dưới quê. Miền nghe anh nói mà cảm động đến lặng cả người đi. Miền cũng đã nghĩ đến một gia đình nho nhỏ, ở đó có anh và Miền. Anh sẽ chạy xe còn Miền mở quán bán xôi, bán chè. Cuộc sống sẽ tự do và dễ chịu hơn so với công việc đồng áng ở quê nhà. Những lần gặp nhau dấm dúi như thế Miền chẳng kịp đòi về nhà anh chơi. Nhưng Miền đã thuộc về anh thật rồi. Căn lều ở bờ sông vắng vẻ thế, gió sông thổi lên mát rượi thế, da thịt con gái ấm áp run rẩy thế, anh làm sao mà không động tình cho được. Rồi anh bảo anh đang muốn thay chiếc xe để chở được nhiều khách hơn nhưng còn thiếu một chút tiền. Miền đã đưa cả cho anh số vốn liếng dành dụm được của mình. Thì từ đây xe của anh cũng chính là xe của Miền kia mà.
Nhưng sự đời đã chả đơn giản như Miền nghĩ. Anh ta đã cao chạy xa bay rồi bị bắt vì dính líu vào một vụ tiêu thụ của gian gì đó. Miền chết sững người, lòng như xát muối. Sao cuộc đời lại dành cho Miền cú vấp đầu đời đau đến thế?
Miền xin về quê nghỉ để tìm lại cho mình trạng thái cân bằng. Miền đau mà không dám kêu, khổ mà không dám nói, buồn và không dám thổ lộ. Một mình Miền khư khư ôm vết thương lòng. Bên nhà Dương đã lục tục hỏi vợ mới cho anh rồi. Lại một cô bé vừa mới nứt mắt ở xóm dưới. Miền không nuối tiếc gì Dương. Miền chỉ trách mình dại. Dại lắm…
Câu chuyện xưng tội của Nhài:
Qua bến đò Ninh Cơ, cứ theo triền đê đi độ 7 cây số nữa là đến làng An Hoà. Đêm đầu tiên Nhài về làm cư dân An Hoà cũng là đêm cả một miền chăn gối quanh Nhài ướt đẫm nước mắt. Chàng trai ấy vẫn hiền lành và nhút nhát như thế dù bây giờ đã là chồng Nhài. Ánh trăng bàng bạc ngủ gật sau vườn chuối lâu rồi anh ta mới dám vào với Nhài. Chưa bao giờ chồng Nhài uống nhiều như thế, mặt cứ tím lại, mắt thì vằn đỏ lên. Có lẽ một cậu bé 18 tuổi phải uống đến độ như thế thì mới đủ can đảm bước lên giường với… vợ! Nhài co rúm người lại. Không lời nói. Không một cử chỉ ve vuốt. Chỉ có hơi rượu phả vào mặt và mùi đàn ông khét đắng. Lục lọi kiếm tìm trên cơ thể Nhài chán chê, chồng Nhài nhả Nhài ra như nhả một trái cây chát xít sau khi đã hồ hởi ăn vội vàng. Niềm đam mê chưa chín lúc này đã trở thành thứ lạc thú nửa vời bị chồng Nhài vứt bỏ lại để chìm vào giấc ngủ đá vùi gỗ lấp. Nhài như bị cướp trắng mọi thứ trên người, bây giờ được trả về với những tổn thương thực thể cùng sự hoang hoại tinh thần, cứ như thế úp mặt vào gối nấc lên từng hồi oan uổng. Nhưng nào đã hết. Đêm sâu xuống cũng là lúc chồng Nhài lên những cơn co giật, bụng thắt lại, mặt mày tím tái, thốc tháo nôn ra mọi thứ trong người. Nhài chồm dậy đỡ chồng, cuống cuồng lau rửa rồi dọn dẹp kỳ cọ trong tiếng nấc nghẹn ngào cùng những giọt nước mắt lăn dài trên má. Nhài nâng lên đặt xuống cái thân hình mềm nhũn, vô cảm, tự nhiên trong lòng thấy dâng lên một niềm thương cảm pha lẫn nỗi xót xa. Chồng Nhài đấy, bây giờ trần trụi, hồn nhiên với bờ môi trẻ thơ đang chìm trong giấc ngủ ngon lành. Nhài vẩy nước hoa khắp mọi xó xỉnh nhưng đêm động phòng đã đóng đinh vào khứu giác Nhài cái mùi vị không thể gọi tên ấy. Sự cả nghĩ cùng với những ấn tượng phản cảm trong đêm tân hôn đã khiến cho ký ức Nhài trở nên trĩu nặng. Nhưng đêm dù có dài đến mấy đi nữa thì cũng phải kết thúc trước khi ông mặt trời xuất hiện. Sáng hôm sau chồng Nhài lại trở về nguyên vẹn là một cậu bé hiền lành đến tội nghiệp. Chồng Nhài chưa quen uống rượu, cũng không biết nói những lời yêu đương có cánh. Chồng Nhài cũng thích đi chơi, thích được nghe những lời khen, thích kiếm tiền dù là nhặt nhạnh để trang hoàng cho cái tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ. Chồng Nhài thật thà, yêu vợ và kính mẹ. Chính vì phải giữ cả hai niềm yêu và kính đó mà bi kịch đã xảy ra với vợ chồng Nhài.
Ba tuần sau ngày cưới mẹ chồng Nhài gọi Nhài ra một góc để nhỏ to tâm tình. Bà bảo: "Bữa trước mẹ đẻ con có bảo là cho con hai chỉ vàng để làm vốn khi về nhà chồng. Sắp tới mẹ cũng định cho hai vợ chồng con ra ở riêng. Con sẽ làm ruộng còn chồng con mẹ tính cho nó chạy công nông. Mẹ cũng đã lo được một khoản kha khá rồi, cộng cả số vàng của con và vay mượn thêm một ít nữa là đủ để mua được một đầu máy loại vừa. Hai vợ chồng phải bảo ban nhau làm ăn cật lực thì sau này mới có thể khá giả lên được".
Nhài nghe mẹ chồng nói mà mồ hôi cứ túa ra trên mặt. Quả là trước đây mẹ Nhài có nói đến việc cho Nhài hai chỉ vàng, nhưng vì vụ mùa năm ngoái ruộng nhà cấy muộn nên sản kém, thu chẳng được bao nhiêu, đã thế nước sông lại dâng ngập đất bãi nên đay không có chỗ để gieo. Lợn nái nhà lại đẻ vào tháng chạp, tháng giáp Tết. Bí quá mẹ phải bán đôi chỉ vàng ấy đi. Mẹ lại lỡ lời nói với người ta rồi, bây giờ Nhài biết tính sao đây?
Đêm đó Nhài tâm sự với chồng. Chồng Nhài bảo: "Thế thì cứ nói thật với mẹ". Nhài lắc đầu: "Em ngại lắm, em sẽ về bên nhà vay mượn ở đâu đó để đưa cho mẹ rồi tính sau". Chồng Nhài bảo: "Thế cũng được". Hôm sau Nhài về bên mẹ đẻ nhưng chẳng vay ai được số tiền lớn thế. Cắp nón về nhà chồng, Nhài cứ cúi đầu mà đi chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Chồng Nhài thương tình bảo: "Để anh đi biển một thời gian kiếm ít tiền rồi sẽ mua đầu máy công nông, anh sẽ nói khéo với mẹ, em đừng lo". Thế là chồng Nhài đi. Được hai chuyến thì tin xấu ập về. Một cơn bão nhẹ đã cuốn phăng đi chiếc thuyền lưới, nhấn chìm tất cả xuống biển trong đó có chồng Nhài. Nhận được tin, Nhài lăn đùng ra ngất. Mẹ chồng Nhài gào lên những lời thê thảm. Cả hai mẹ con đau đớn nhìn nhau mà chẳng thể nói được lên lời. Bây giờ thì nỗi đau cũng đã dần nguôi ngoai. Nhài sợ ở một mình trong căn buồng cô đơn, lạnh lẽo ấy. Bán lứa lợn vừa rồi mẹ đẻ Nhài đã cho em gái mang hai chỉ vàng sang cho Nhài. Nhưng Nhài còn cần vàng làm gì nữa? Mẹ chồng Nhài bảo nếu Nhài ưng ai thì bà sẽ không ngăn cản, nếu Nhài muốn về nhà với mẹ đẻ thì bà cũng không giữ. Để cô con dâu 17 tuổi héo hon trong nhà chỉ càng làm bà thêm đau lòng mà thôi. Chồng Nhài đã về dưới chân Chúa rồi. Nhài cô đơn quá, tẻ nhạt quá, lỗi lầm quá nhưng Nhài còn rất trẻ, Nhài muốn sống, sống như một người bình thường chứ không phải như một thiếu phụ goá chồng, thủ tiết đến già…
Câu chuyện xưng tội của Hằng:
Cãi lại cha mẹ là có tội. Một trong những điều răn của Chúa là phải kính trọng mẹ cha. Hằng đã cãi lại bố mẹ hai lần. Cả hai lần ấy đều chỉ vì một lý do tưởng chừng như rất đơn giản: Hằng không muốn lấy chồng!
Mẹ Hằng thực ra không đến nỗi quá khắt khe hay cổ hủ trong việc hôn sự của con cái. Chẳng qua mẹ thương Hằng, mỗi mùa đay đi qua là mẹ lại sốt ruột, sợ thời gian lấy đi màu xanh trên mái tóc của con gái mẹ. Bố Hằng đi làm ăn xa, thường rất ít khi về nhà. Mẹ biết Hằng thương người ấy. Nhiều lần mẹ thủ thỉ khuyên can. Mẹ nói như rứt ruột: "Thằng ấy nó đẹp trai quá con ạ. Mà con gái mẹ thì lại xấu xí, quê mùa. Đừng bao giờ trao tuổi xuân mình cho một điều bất trắc như thế. Hai đứa lại ngang tuổi nhau, con chờ nó về con sẽ mất tất cả. Hãy nghe mẹ, con gái ở làng này chưa ai qua tuổi 18 mà lại chưa có chồng. Với lại hai đứa cũng chưa nói điều gì với nhau. Sao lại liều mạng để duyên phận chông chênh như gió bên trời thế? Dại lắm con ạ. Có mấy đám đến hỏi đó, con ưng đám nào thì bảo để mẹ còn có nhời với họ?". Hằng gục đầu lên vai mẹ, rủ rỉ: "Con thấy những điều mẹ nói lớn lao, to tát lắm, cứ nghĩ đến là con thấy sợ, mẹ đừng nói chuyện đó nữa, con muốn ở nhà với mẹ, con chưa muốn lấy chồng".
Vậy là hai lần có mối đến hỏi, cả hai lần Hằng đều từ chối. Bố mẹ nhìn Hằng lo lắng như thóc giống để lâu trong nhà đã nảy mầm mà chưa gieo được. Còn người ấy vẫn rất đều đặn viết thư về cho Hằng. Những lá thư không chỉ là sự bám víu mà còn đem đến cho Hằng một nguồn sinh lực mới. Người ấy động viên Hằng rất nhiều, tâm sự cả những dự định lớn lao sau này nữa. Người ấy bảo thanh niên bây giờ phải biết làm giàu, ở quê mà giàu được thì phải biết tính toán, biết làm kinh tế từ đất vườn, từ hồ ao, sông biển. Tất cả những cái đó ở quê nhà đều sẵn, chỉ thiếu người yêu nó, biến nó thành của cải thôi. Hằng hiểu, Hằng đồng tình, Hằng sẵn sàng chờ đợi với bao niềm ước vọng chỉ sợ người ấy không thuộc về Hằng thôi. Mẹ nói cũng có điều phải. Người ấy đẹp trai thế, lại có chí thế, đặt tình yêu của mình vào người ấy liệu có bất trắc quá không? Hằng đã cãi lại cha mẹ rồi, sau này cuộc đời Hằng có thế nào thì có Chúa chứng giám, Hằng không còn trách ai được nữa. Hằng sợ. Sợ tất cả mà chẳng biết là sợ cái gì. Lúc này Hằng đang cần một điểm tựa.
… Ba đứa Hằng xưng tội xong cũng là lúc nhà thờ chật kín. Đã đến giờ hành lễ. Buổi lễ hôm nay lại được xen kẽ bằng việc Cha chứng hôn cho một cặp nam nữ ở làng bên. Hằng không nhập tâm, đầu óc cứ mải nghĩ đi đâu, ca nhập lễ toàn nhầm. Sau bài đọc của một ca viên là đáp ca "Đến với Người". Rồi cha lên đọc một bài ngắn và giảng về bí tích thương khó và phục sinh. Bài giảng này Hằng nghe nhiều lần rồi. Cuộc thương khó và phục sinh là bí tích hay nhất trong các bí tích về Đức Giê Su. Sau bài giảng của cha là nghi thức dâng mình dâng máu. Cả nhà thờ hát vang khúc "Dâng lễ". Đến khi hát hiệp lễ chúc mừng cho đôi tân hôn thì Hằng bỗng bâng khuâng, thấy trong người tràn ngập một niềm cảm xúc kỳ thú khi nghĩ đến người ấy. Lời ca dâng lên, lượn bay dưới vòm nhà thờ, lúc vút lên trong trẻo, khi dàn trải ấm áp tạo cảm giác thanh khiết và thiêng liêng quá đỗi. …Ngày xưa khi hoa nở miền Ga- na khi hai đứa í a chung tình Chúa đã nâng ly rượu mừng… Nguyện xin Giê Su thương đến cho duyên tình mãi nở hoa… Nguyện xin chúa Giê Su đến trong nhà cho đời hoà tiếng ca…
Tan buổi lễ, ba đứa Hằng vội đạp xe về, sợ trời tối. Qua khóm tre nhà Nhài, Miền hỏi: "Bao giờ mày lại về An Hoà?". Nhài bảo: "Mai tao sang đó xin về ở hẳn bên này, số tao khổ nên lần đầu qua đò đã đứt duyên, thôi thì lại về bến cũ". Miền bảo: "Tuần sau tao lại lên tỉnh đi làm, tao chán ở làng lắm, toàn những mẹ trẻ với các cậu bé già". Hằng im lặng không nói gì. Con đê trước mặt Hằng đã ngập tràn bóng tối…
*
* *
Hằng về đến nhà thì thấy một chú bộ đội và một chị khoảng 25 tuổi đang ngồi trò chuyện cùng với mẹ. Vừa thấy Hằng, mẹ bảo ngay: "Có chú Tính ở trung đoàn Đồng Bằng và chị Thu ở huyện Đoàn muốn gặp con, con ngồi nói chuyện để mẹ xuống bếp nấu ù nồi cơm". Hằng bẽn lẽn nhìn mọi người rồi xin phép vào trong buồng thay áo. Chú Tính vội đưa tay ra bảo: "Cháu cứ ngồi xuống đi, chú có chuyện này muốn nói rồi còn phải đi ngay".
Hằng ngồi xuống chiếc ghế cạnh chị Thu. Chú Tính mở cặp lấy ra một gói giấy bọc ni lông đưa cho Hằng rồi bảo:
- Chú tự giới thiệu nhé. Chú là tiểu đoàn phó chính trị ở đơn vị mà bạn trai cháu đóng quân. Hôm nay chú về đây để hợp đồng với bà con chỗ ăn nghỉ chuẩn bị cho bộ đội về làng làm công tác dân vận. Bạn cháu có nhờ chú chuyển gói quà này nên chú phải chờ cháu về để trao tận tay. Chú đã làm việc với mẹ cháu rồi, sắp tới bộ đội sẽ về, có một tổ ba chiến sĩ đến ở nhờ nhà cháu. Bây giờ cháu sẽ trò chuyện với chị Thu, chú phải về trên chỗ các anh ở huyện đội. Nếu không có gì thay đổi thì đầu tuần sau bộ đội sẽ hành quân về làng, cháu chuẩn bị đón bạn và giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ nhé.
Chú Tính nói xong, đứng phắt dậy bắt tay Hằng rồi ra nổ xe máy đi ngay. Đúng là tác phong quân đội có khác, Hằng thấy thinh thích nhưng lại hơi sợ vì có vẻ gì đó nghiêm quá. Chị Thu quay sang cầm lấy tay Hằng bảo: "Bây giờ chị em mình nói chuyện nhé, đêm nay chị sẽ ở lại đây ngủ với em, em có đồng ý không?"
- Dạ - Hằng lúng túng - Chắc là có chuyện gì hả chị?
- Nhiều chuyện lắm - Chị Thu vừa nói vừa đưa tay vén mái tóc mai - Chị có nhiệm vụ về đây để phục hồi phong trào Đoàn. Chị đã qua xã để nắm số thanh niên còn trong tuổi Đoàn và chọn một số em để bồi dưỡng thành cán bộ Đoàn cốt cán cho xã. Mấy bạn kia là nam, nữ thì chị chọn em.
- Ối chết!- Hằng trợn tròn mắt- Em không làm được đâu, em có biết gì về công tác Đoàn đâu hả chị?
- Thì làm rồi sẽ biết - Chị Thu cười - Trước mắt là phải tập hợp được đội ngũ thanh niên. Sau đó chị xin với xã cho Đoàn toàn bộ bãi bồi ngoài sông Ninh Cơ để Đoàn trồng đay, trồng màu lấy kinh phí gây quỹ. Rồi chị cũng xin với xã cho Đoàn nhận thầu một số đầm nuôi tôm, nuôi vạng. Đấy là hoạt động kinh tế, là chuyện lâu dài, còn phải bàn nhiều. Công việc bây giờ là phải vận động thanh niên chống tảo hôn.
- Là gì hả chị?
- Là không được lấy vợ, lấy chồng trước tuổi quy định của Nhà nước. Việc này phải làm việc với cả chính quyền xã và nhà thờ. Xã sẽ không cấp giấy chứng nhận và nhà thờ sẽ không làm lễ cho các đôi tảo hôn. Nếu thanh niên nào cố tình vi phạm, xã sẽ phạt và không cho hưởng các quyền lợi khác.
- Rồi sao nữa hả chị?
- Đấy là về phía chính quyền, nhưng chị biết việc chống tảo hôn nói thì dễ chứ thực hiện thì khó lắm. Về phía Đoàn sẽ tổ chức tuyên truyền, lôi kéo thanh niên vào các hoạt động văn hoá xã hội, tạo việc làm cho họ để họ không buồn chán, không đòi lấy vợ lấy chồng sớm. Tóm lại là sẽ có rất nhiều việc phải làm, kể cả việc tranh thủ được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, các ban ngành và cả nhà thờ nữa.
- Sao chị giỏi thế? Em chẳng làm được nhiều việc như thế đâu - Hằng thốt lên một cách rất thật thà.
Chị Thu bật cười. Những lúc như thế trông chị rất đẹp. Cả lúc chị vuốt tóc mai nữa, sao mà duyên dáng thế! Ngay cả cách nói chuyện của chị cũng thật hấp dẫn. Chị hiểu biết và giỏi giang quá! Không biết chị đã có chồng chưa nhỉ?
- Chị đã phải suy nghĩ rất nhiều mới chọn thời điểm này để châm ngòi cho phong trào - Chị Thu nói tiếp - Trung đoàn Đồng Bằng đưa bộ đội về xã mình là dịp để phong trào Đoàn sống lại. Nhưng bộ đội chỉ ở đây có một tháng thôi, trong một tháng ấy chúng ta phải làm tất cả để khi bộ đội rút đi thì chúng ta đã đủ mạnh để làm được mọi việc.
- Em hiểu rồi. Em sẽ lôi cả cái Nhài đi nữa. Nhưng chúng em sẽ phải làm những việc gì hả chị?
- Từ từ đã - Chị Thu cười và lại đưa ngón tay lên vuốt tóc mai - Ngày mai chị sẽ mời em và sáu bạn nữa lên Tỉnh Đoàn để tập huấn. Các em mang sách vở đi để ghi chép, ngoài công tác tổ chức, cách vận động thanh niên các em còn được học cả hát, múa và nhiều hình thức giao lưu khác. Chúng ta sẽ làm một đêm lửa trại thật tưng bừng để đón bộ đội về.
… Đêm ấy chị Thu và Hằng rủ nhau ra đê Ninh Cơ ngồi nói chuyện. Trăng nhuộm vàng mặt sông, gió thổi tung tóc hai chị em, chị Thu vừa lấy tay vấn tóc vừa khe khẽ hát. Đó là một bài hát rất hay về dòng sông, về con đò, về một bến bờ nào đó có người đi và người ở. Ngồi bên cạnh chị Thu, Hằng háo hức trước bao điều mới lạ toát ra từ con người chị. Hằng hỏi: "Người yêu chị Thu làm gì?". Chị Thu bảo: "Anh ấy cũng là bộ đội, là sĩ quan, đóng quân ở rất xa". Hằng lại hỏi: "Chị nhiều tuổi thế không sợ ế chồng à?". Chị Thu lắc đầu: "Phải biết tìm niềm vui trong công việc chứ, còn chuyện chồng con mình tự quyết định được mà". "Thế bao giờ thì anh ấy về?", Hằng ôm vai chị Thu hỏi nhỏ. Chị Thu nhìn dòng sông dát bạc đáp: "Nếu không có gì thay đổi thì đầu năm tới bọn chị sẽ tổ chức, yêu nhau cũng khá lâu rồi".
Đầu năm tới cũng là lúc mà mùa gieo đay bắt đầu. Toàn xứ lại làm lễ vào mùa thương khó. Đầu năm tới tính ra người ấy mới đi được có một nửa thời gian. Người ấy trở về thì Hằng đã hai mươi tuổi. Có lẽ Hằng là đứa con gái đầu tiên trong làng đến tuổi ấy mà chưa lấy chồng. Nhưng chị Thu đã mở ra cho Hằng một cánh cửa để Hằng nhìn đời một cách thoáng đãng và tự tin hơn. Người ấy cũng có lần bảo: "Chẳng lẽ con gái quê mình cứ như đời đay ngắn ngủi, chưa kịp xanh đã vội cằn cỗi, tàn úa". Nhưng sao người ấy chẳng nói gì với Hằng cả? Được rồi, để Hằng hỏi chị Thu xem khi yêu nhau người ta có cần nói cái điều ấy với nhau không?
Nhưng sương đã bắt đầu rơi xuống chỗ hai chị em ngồi…