Còn Sống còn yêu
Tác giả: Nguyễn Đông Thức
Còn sống còn yêu
Tác Giã: Nguyễn Đông Thức
Khi sắp chết người ta thường làm gì? Và nghĩ đến điều gì? Đến ai? Tôi suy đoán - chỉ suy đoán thôi, chứ làm sao biết chính xác được, bởi có ai chết rồi mà chịu kể cho người khác nghe mình đã làm gì, đã nghĩ gì trước khi "lên đường"? - Rằng vào lúc đó người ta sẽ làm một hành động gì đó thật thiết thực để chứng tỏ tình cảm cuối cùng đối với những người gần gũi nhất đời mình. Người ta sẽ nói những lời chân thật nhất - đã có câu tổng kết "con chim sắp chết hót câu hay, con người sắp chết nói lời thật" rồi kia mà! Người ta sẽ nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp nhất mà mình từng được hưởng trong đời, nhớ đến những mối tình đã qua, từng gương mặt người đã có lúc yêu thương mình và được mình thương yêu lại nồng nàn như thế nào… Ủa, mà tôi đã có được mối tình nào đâu để mà tưởng nhớ chứ? Tôi còn trẻ quá, lại chưa từng có một mối tình nhỏ vắt vai. Hai mươi sáu tuổi, tôi chưa từng được hôn một cô gái nào, chứ đừng nói là được ôm ấp một ai để có thể biết thế nào là sự mềm mại ấm áp của một tấm thân phụ nữ. Ấy vậy mà trời ơi là trời, tôi lại không còn sống bao lâu nữa!
Chết trẻ dường như đã là số mệnh của tôi. Ngay từ nhỏ tôi đã có cảm giác rất rõ về điều đó. Là đứa con trai thứ ba trong gia đình có năm anh em, ba trai, hai gái, thậm chí có thể nói là xấu trai và ốm yếu quặt quẹo nhất, vậy mà không hiểu sao tôi lại được ba mẹ cưng chiều đặc biệt, hơn hẳn hai ông anh trai tướng tá ngon lành và hai cô em gái xinh tươi yểu điệu. Ba mẹ đối xử với tôi vô cùng gượng nhẹ, không một lần đánh đập, trong khi hai ông anh của tôi cứ hở một chút là bị roi quất vào đít. Hai ông anh và hai đứa em, có thèm ăn gì là lại nịnh để xui tôi nói với ba mẹ, bởi tôi đòi ăn món gì là cũng được. Từ nhỏ tới lớn tôi luôn được không ba thì mẹ đưa đón đi học, chẳng bao giờ được ra đường một mình, trong khi anh em tôi thì tha hồ. Rất thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp ánh mắt ba mẹ nhìn tôi rất lạ, khác hẳn kiểu nhìn mà hai người vẫn dành cho bốn đứa con kia, đôi khi họ lại thì thào với nhau điều gì đấy, mắt kín đáo nhìn tôi. Dần dần tôi cũng hiểu có một điều gì đó không bình thường về mình nên mới được ba mẹ thương như vậy. Chắc chắn không phải vì chỉ có mình tôi là con ruột rồi, bởi nhìn từng người thì bốn người kia coi bộ còn có những nét giống ba mẹ hơn tôi nhiều. Vậy thì vì lý do gì?
Năm mười hai tuổi, thấy ly cà phê của một ông khách bạn ba đi về còn nguyên, tôi nốc thử và thế là mất ngủ suốt đêm. Nhờ vậy tôi đã nghe được một câu chuyện ba mẹ thầm thì trong đêm về mình: "Năm nay nó mười ba, không biết có qua được không". "Suỵt, em đừng nói gì hết. Mình cứ cố gắng hết sức thôi"… Biết ba mẹ có chấm tử vi cho mọi người trong nhà, một hôm cả hai đi vắng, tôi đã lục tủ ra coi, ngỡ ngàng thấy chỉ có bốn cuốn tập dành cho bốn người kia, từng người đều có lời bình về đủ thứ chuyện công danh sự nghiệp tình duyên gia đạo. Còn lá số của tôi đâu? Chờ mãi tôi mới có dịp hỏi câu đó, thì ba mẹ cứ ấp úng đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng mẹ nói số tôi thuộc loại khó coi, thầy nào cũng nói phải qua ba mươi mới giải đoán được.
Cái điều gọi là "phải qua ba mươi mới coi được" ấy, đến giờ đây, tự nghiên cứu tử vi qua một chương trình máy tính, tôi mới hiểu. Cung mệnh và cung giải ách của tôi đầy ngôi sao xấu, bảo đảm không bất đắc kỳ tử thì cũng chết sớm vì tật bệnh! Dĩ nhiên ba mẹ tôi phải giấu biến cuốn tử vi của tôi và cưng chiều tôi đặc biệt. Nhưng, đó là điều tôi chỉ có thể hiểu được sau khi đã ra đi làm, còn trước đó tôi cứ lớn dần, tốt nghiệp phổ thông trung học rồi cử nhân tin học… Có lẽ do được ba mẹ quá cấm cung, nâng trứng hứng hoa nên chính tôi là đứa con nhút nhát nhất trong nhà, chẳng dám nói chuyện với ai, hầu như chẳng có đứa bạn thân nào trong suốt bao năm đi học. Nhìn con gái, tôi chỉ dám nhìn lén, cũng biết thế nào là xấu đẹp nhưng không hề dám làm quen một ai, mà có ai đến nói chuyện với tôi thì hoặc là tôi lắp ba lắp bắp như thằng cà lăm, hoặc đối xử rất lạnh lùng cứ như chẳng thèm quan tâm đến ai. Nhát như cáy vậy mà giờ đây cùng lúc tôi lại để ý đến hai cô gái đấy chứ, và đang khổ sở vì không biết làm sao để được họ để ý lại.
Trong sở làm, tôi rất thích nhìn Vy, cô đồng nghiệp hiền lành cùng phòng, nhỏ hơn tôi hai tuổi, ngồi cách tôi ba bàn. Từ vị trí bàn mình, tôi tha hồ nhìn một nửa mặt bên phải của Vy, và phải nói là mặt Vy nhìn nghiêng trông thật tuyệt, với hàng mi cong vút, cánh mũi dọc dừa và đôi môi chúm chím, đặc biệt là cái tai hồng hồng nhỏ nhắn nấp sau mấy sợi tóc mai loà xoà trông xinh ơi là xinh, thấy chỉ muốn cắn… Thỉnh thoảng có lẽ do linh cảm, Vy lại quay sang thì tôi lập tức cúi mặt xuống bàn phím như đang chăm chú làm việc lắm. Một lần tôi không trốn kịp thì Vy lại tủm tỉm cười, trong khi cái mặt tôi chắc chắn đã đỏ bừng vì tôi thấy rất nóng.
Còn trong lớp Anh văn đàm thoại ban đêm, tôi lại chấm Thảo, cô gái ngồi ngay trước mặt, không biết ban ngày làm nghề gì mà ban đêm đi học với bộ tướng và cách ăn mặc trông rất bốc. Hương thơm kỳ lạ và thay đổi liên tục từ tóc và người của Thảo - sau tôi mới biết ban ngày cô đứng bán hàng mỹ phẩm cho mẹ ngoài chợ - cứ phả vào mũi làm tôi ngây ngất suốt buổi học, có khi thầy gọi đến vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác như người ngoài hành tinh. Tóc Thảo dài và mướt cứ y như là tóc của mẹ tôi, bao nhiêu lần tôi ráng kiềm lắm mới không đưa tay ra trước để vuốt, thói quen mà tôi vẫn thuờng làm với mẹ khi tôi còn nhỏ. Hai vành tai Thảo trắng muốt trông càng hết ý - không hiểu sao tôi lại thích nhìn tai con gái thế không biết? - Còn hôm nào cô buộc tóc phía sau thì cái gáy nõn nà cứ đưa ra ngay trước mắt tôi, có chết không chứ? Có lẽ tôi bị chiếu tướng từ phía sau quá - nghe nói con gái thường có giác quan thứ sáu? - nên thỉnh thoảng Thảo lại kín đáo quay lại nhìn, lúc nào không cúi mặt kịp thì tôi lại nhe răng cười như nhát ma.
Mọi chuyện cứ thế thì cũng đỡ buồn, cho tới cái ngày bỗng dưng sở làm của tôi sinh chuyện tổ chức khám sức khoẻ tổng quát cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Vài ngày sau khi khám, tất cả mọi người đều được đưa giấy chẩn đoán, ồn ào cười nói với nhau về chuyện "sức nhai kém", "kháng thể yếu", "gan bọc mỡ chài", "tim thòng phổi xệ"…, thậm chí có ông không hề uống được ngụm bia lại nhận được lời khuyên "cần kiêng cữ bia, rượu"!. Duy nhất một mình tôi là không được nhận lại giấy! Thế rồi hôm sau nữa, bà y tá cơ quan gọi riêng tôi lên phòng y tế, u buồn chìa ra tờ giấy. Tôi bị viêm gan siêu vi B mức độ cao, không bị nghỉ việc nhưng phải ăn uống tự cách ly bằng thức ăn và chén đũa đem theo từ nhà, không được ngồi căn tin nữa. Bệnh viện nơi khám bệnh sẽ giúp chữa trị cho tôi, nhưng theo kiểu nhìn đầy thương cảm của bà y tá thì có lẽ tôi không có mấy hy vọng được hết bệnh. Tôi hiểu viêm gan siêu vi thì qua ung thư mấy hồi, mà ung thư thì "trời kêu ai nấy dạ" thôi, chữa chi cho tốn.
Ở phòng y tế ra, tôi bỗng thấy gan mình nhức buốt, lê chân không muốn nổi. Tôi vào toa lét, kéo cái áo lên nhìn, thấy bên hông phải rõ ràng sưng to hơn hông trái. "Thôi chết rồi - tôi lẩm bẩm - sao mới đây mà nó đã sưng lên nhanh quá!". Thôi rồi, đã đến lúc lá số tử vi "phát huy tác dụng" rồi sao? Mặt xanh mét, trán đổ mồ hôi hột, tôi lê bước vô phòng làm việc. Vy nhìn tôi, hốt hoảng: "Kìa anh Phương, anh bị sao vậy?". Tôi gượng cười, khẽ lắc đầu, nói không sao. Mình không can đảm chấp nhận số kiếp của mình thôi, tôi nghĩ vậy.
Mặc dù bà y tá đã hứa sẽ giữ bí mật căn bệnh cho tôi, nhưng chỉ sau một ngày thấy tôi ủ rũ ngồi ăn cơm trong phòng làm việc là mọi người trong sở đã biết ngay vì sao. Đến lúc đó tôi mới thấy thương cho những người cùi lở, ho lao…, chứ chưa dám nói đến người bị nhiễm HIV. Ít giao thiệp với ai nhưng có lẽ do tính tôi hiền, ai cần gì về vi tính là tôi sẵn sàng giúp ngay, nên mọi người trong sở đều đối xử với tôi khá tốt, hàng ngày ai gặp tôi cũng thường cười nói, hỏi thăm vài câu. Biết tôi bị bệnh một cái, ai nấy lập tức tránh xa tám thước, chẳng trò chuyện, chẳng hỏi thăm, thậm chí cười cũng không hở miệng, cứ như viêm gan siêu vi có thể lây qua đường hô hấp! Ngay cả đến trưởng phòng tới đưa hồ sơ làm việc cho tôi mà còn đứng tít đằng xa, để hồ sơ tận mí bàn…
Lạ lùng thay, chỉ có Vy tỏ ra tội nghiệp cho tôi. Cô sang ngồi đối diện, trò chuyện hỏi thăm tôi, khuyên tôi đừng buồn, rằng sẽ luôn có bạn bè bên tôi, rằng không phải ai bị viêm gan B cũng chết, tôi hãy ráng điều trị, nên ăn trái cây, gạo lứt muối mè, uống nước khoáng, tập thể dục nhẹ và hít thở bốn thì… Vy còn mua tặng tôi một lô sách y học về bệnh gan, khuyên tôi nên đọc. Tôi thở dài nói đọc làm gì, trước sau cũng chết. Vy rầy tôi, bảo tôi nói gở. Tôi nói không phải nói gở mà là số phận tôi đã như thế, theo tử vi hẳn hoi. Vy càng giận hơn, bảo con người phải tự làm chủ số phận của mình, không được mê tín dị đoan, và trong nghịch cảnh không được xuôi tay đầu hàng. Tôi đánh bạo nhìn Vy, thấy hoá ra mặt cô nhìn thẳng trông cũng thật tuyệt. Điều tôi ngạc nhiên nhất là tôi càng buồn thảm, ủ rũ, đuổi ruồi không bay thì Vy lại càng quan tâm đến tôi hơn. Tôi đã làm gì để được Vy thương như thế? Chẳng lẽ chỉ nhờ cái vụ hay nhìn trộm cô mê mẩn rồi đỏ lừ mặt mà được cô để ý lại hay sao?
Thậm chí Vy còn chủ động rủ tôi đi xem kịch, nghe nhạc, uống nước bằng thái độ rất tự nhiên. Ở đâu cô tìm ra được những chiếc vé mời, tôi hoàn toàn không biết. Chỉ biết là khi đi chơi cô ăn mặc giản dị nhưng rất có gu, trò chuyện với tôi đúng kiểu bạn bè thân thiết chứ không có vẻ gì là đang đóng kịch giúp tôi vui. Dĩ nhiên nếu ở vào vị trí của tôi, chắc bạn chẳng dại gì mà từ chối các ân huệ sau cùng ấy. Chỉ có điều, vì Vy quá tốt, nên bao nhiêu lần tôi cầm lấy tay Vy định tỏ tình thì lại nghẹn ngào buông xuống, bởi tôi sợ nếu có gì đó giữa hai đứa thì sắp tới sẽ chỉ làm Vy buồn hơn. Tốt nhất, với Vy chỉ nên như thế này thôi, tôi nghĩ.
Lớp học thêm hoàn toàn không biết chuyện bệnh tật của tôi, nên tôi thấy dễ chịu hơn. Một hôm, ngồi nhìn cái gáy của Thảo, tôi bỗng tự nghĩ: "Phương ơi, mày sắp chết rồi, sao mày không thử rủ cô gái xinh đẹp này đi uống cà phê một lần trong đời coi? Dù cô ta có từ chối đi nữa thì ít ra mày cũng có an ủi là mình đã làm hết cách…". Đúng lúc tôi vừa nghĩ xong chuyện đó thì hết tiết một và ông thầy xin cáo lỗi vì có việc nhà nên phải cho cả lớp về sớm. Ngoài hành lang, tôi chặn Thảo lại và dõng dạc nói:
- Thảo ơi, được về sớm có đi đâu không?
Thảo ngạc nhiên nhìn tôi:
- Dạ không, có gì không anh?
- Cho tôi mời Thảo đi ăn kem được không? Trời nóng quá mà bây giờ về nhà thì chán lắm! Tôi cũng muốn nhân tiện hỏi Thảo về cái bài hôm trước tôi bị bệnh nghỉ học chả hiểu gì cả.
Đúng là hôm tôi vừa được bà y tá thông báo, tôi chán đời quá nên có nghỉ học hai đêm, sau thấy mình hơi bị hèn nên lại ngồi dậy đi học tiếp, nhưng hỏi bài chỉ là một cái cớ mà tôi chợt nghĩ ra vậy thôi. Thảo lại nhìn tôi có vẻ thăm dò. Tôi căng thẳng đến mức chỉ biết trợn mắt lên nhìn Thảo, chuẩn bị nghe lời từ chối thì bỗng Thảo nói:
- Dạ được, anh ra trước chờ Thảo chút.
Về sau Thảo đã nói với tôi rằng chưa bao giờ cô ấy nhận lời đi ăn kem với ai ngay trong lời mời đầu tiên như vậy. Lý do là tại mặt tôi quá ngầu, làm Thảo sợ nên không dám từ chối. Thảo còn nói là Thảo biết tôi hay nhìn Thảo sát rạt sau lưng, đó là lý do khiến Thảo thường xuyên thay đổi cái nơ kẹp tóc và hai ngày phải gội đầu một lần. Cái kiểu nhe răng cười mà tôi tự khen là đầy nam tính mới chết. Nhưng những lời đó là sau này Thảo mới nói ra, còn đêm đó trong quán kem mờ ảo, lại nghĩ mình sắp chết nên tôi vừa tủi thân vừa "thí mạng cùi", liều mạng đưa tay lên vuốt tóc Thảo nói thẳng ra là tóc cô ấy rất giống tóc mẹ tôi. Thảo cười khanh khách nói tóc cô ấy đã được nhiều người khen nhưng chưa có lời khen nào đầy ấn tượng như vậy. Bỗng dưng trời xui đất khiến tôi choàng tay qua vai Thảo và kéo cô ấy vào sát mình để hôn nhẹ lên mái tóc. Thấy lỗ tai Thảo xinh quá tôi lại mi nhẹ lên đó một cái, không hiểu sao toàn thân cô ấy bỗng co dúm lại và cánh tay cô ấy nổi đầy gai ốc, ngã luôn vào lòng tôi! Hoàn toàn không còn ý thức gì về việc mình có thể lây nhiễm cho người khác, tôi cúi xuống hôn Thảo. Cô mềm hẳn người đi và nhắm mắt đón nhận nụ hôn ấy.
Một thằng chưa hề dám làm quen một cô gái nào vậy mà ngay trong lần đầu tiên đi chơi với nhau đã dám hôn! Đúng là trước cái chết người ta luôn can đảm hơn. Thảo nói thật ra Thảo đã chú ý đến tôi từ lâu. Cứ bước chân vào lớp là cô biết ngay đang được tôi chiếu tướng, có lẽ nhân điện của tôi mạnh lắm (trời đất!) nên đã làm cô phát run, và mấy lần cô thu hết can đảm nhìn thẳng vào mặt tôi thì lại gặp nụ cười đầy tự tin của tôi, một sự tự tin rất đàn ông (trời đất lần thứ hai!).
Thì ra con gái cũng không có gì đáng sợ và khó chinh phục? Họ có thể yêu vì những lý do vớ vẩn không theo một công thức nào và không ai có thể hiểu được? Vy thương tôi vì lòng từ tâm và bản năng của các bà mẹ, còn Thảo thì vì phong cách táo bạo - đẹp trai không bằng chai mặt - của một gã "yêu cuồng sống vội" vì sắp chết? Trong khi tận hưởng sự chăm sóc dịu dàng của Vy và sự đáp ứng nồng nàn của Thảo, tôi cứ tự đặt ra những câu hỏi như thế mà không thể nào giải đáp được. Rồi cũng đôi khi tôi thấy áy náy vì tham lam cùng lúc đón nhận tình cảm của hai cô gái, nhưng nghĩ đến sự "sống nay chết mai" của mình, tôi lại chậc lưỡi cho qua… Vả lại, cũng đã một lần thấy đôi mắt Thảo gần sát mắt tôi đầy vẻ chân thành, tôi ray rứt chịu không nổi phải thú thật với Thảo là tôi đang bị bệnh nan y sắp chết, xin được rút lui khỏi đời của Thảo, Thảo hãy coi tôi như một chiếc bóng bên đường, quên tôi đi để rồi sẽ có người xứng đáng hơn lo cho Thảo suốt con đường dài còn lại (hơi sến phải không các bạn, nhưng tình yêu mà không có chất sến thì đâu còn gì thi vị nữa!). Tôi nhớ lúc đó mình xúc động thật tình, giọng run run muốn khóc, vậy mà Thảo lại lồng lên, giương móng ra, nói rằng tôi đã chán Thảo nên giở trò đóng kịch để bỏ chạy phải không, rằng tôi diễn dở lắm, đừng có hòng Thảo bị mắc lừa, và cũng đừng có hòng đi theo được con đĩ ngựa nào (bạn thông cảm đàn bà con gái ghen tuông hay nói bậy, và riêng Thảo do còn có quá trình mấy năm đứng bán ngoài chợ nữa). Sau vụ nói thất bại đó, tôi đành ngậm miệng ăn tình, còn sống còn yêu chứ biết nói năng chi?
Rốt cuộc bạn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi không? Sau mấy mũi chích và hàng vốc thuốc, bệnh viện cho tôi thử máu lại và ngạc nhiên thấy gan tôi chẳng có bệnh gì cả. Họ rút máu xét nghiệm lần nữa, đối chiếu với lần đầu thì ngay cả nhóm máu cũng không giống! Vậy là đã có một sự nhầm lẫn ngay từ đầu ở đây. Tôi chẳng có bệnh hoạn gì sất. Họ xin lỗi tôi rối rít và trong niềm vui hồi sinh, tôi vui vẻ tha thứ rồi bay bổng ra về, hông bên phải xẹp xuống thấy rõ.
Đến lúc đó tôi mới cảm thấy tốt nhất là mình nên ngay thẳng với Vy. Tôi mời cô đi uống nước và cho biết bệnh viện đã kết luận rằng tôi không hề bị bệnh gì cả, tình thương cô dành cho tôi là trên cơ sở dành cho một người bị bệnh sắp chết, nay tôi không bệnh nữa, xin được rút lui vì vừa qua tôi đã đối xử không công bằng với cô, tôi đã "bắt cá hai tay", hoàn toàn không xứng đáng đón nhận tình cảm thiêng liêng đó. Vy nhìn sững tôi rồi bật khóc, hỏi cô đã làm gì để bị bỏ rơi như vậy, rằng không nên nói dối cô làm gì, tôi thấy trong người mệt lắm rồi phải không, tại sao không cho cô được kề bên chăm sóc trong những ngày ít ỏi còn lại, cô chịu đựng được tất cả mà…
Trời đất! Cả hai lần tôi nói thật đều chẳng được người con gái nào tin. Vậy phải chăng con trai hay nói dối với con gái vì con gái không bao giờ tin những lời nói thật? Bạn gái nào có thể giải đáp được câu hỏi này xin vui lòng liên lạc với tôi. Tôi là…