watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ngọc trong đá-1. - tác giả Nguyễn Đông Thức Nguyễn Đông Thức

Nguyễn Đông Thức

1.

Tác giả: Nguyễn Đông Thức

T ự dưng Hương thấy gương mặt mẹ mình nhoè hẳn. Hương chớp mắt mấy cái, nhìn cảnh vật rõ lại, nhưng hai má đã thấy âm ấm những giọt lệ mới trào ra. Nếu là những ngày trước, thấy Hương ứa nước mắt, chắc chắn mẹ Hương đã cười và nói: «Con nhỏ mít ướt này lại đòi gì phải không?» Nhưng bây giờ, bà chỉ ngồi im lặng thẫn thờ, chưa chắc đã thấy Hương khóc.
Ông Cung, ba Hương, thì nãy giờ cứ thở dài từng hơi, theo thói quen của ông, mỗi khi có sự suy nghĩ, buồn bực. Chốc chốc ông lại đứng lên, bước qua mấy chiếc va-li ngổn ngang giữa nhà, đến cửa sổ ngóng nhìn ra cổng, rồi lại trở vào, vật mình xuống ghế.
Phước, em trai Hương, thì ngồi bó gối buồn hiu ở một góc đi-văng gần đó. Mới mấy hôm thôi, mà trông nó đã như một ông già, với mái tóc rối, cái miệng móm và cặp kính cận xề xệ trên sống mũi, không buồn đẩy lên cho ngay ngắn.
Cả gia đình Hương cùng đang chờ đợi phút ra đi. Tình trạng bồn chồn hiện nay không phải do họ còn do dự, mà chỉ vì tất cả cùng đang mong mỏi một cách tuyệt vọng, trong những phút cuối cùng, sự trở về của Thành, anh Hương.
Nha Trang đã bị mất từ ngày mồng hai. Những người lính ở đó, nếu không chạy thoát bằng đường biển thì cũng đã về tới Sài Gòn, bằng cách nầy hay cách khác. Nhưng Thành vẫn bặt tăm. Mấy hôm nay, ông Cung đã chạy đôn chạy đáo nhiều nơi tìm hỏi tin Thành, nhưng vẫn chưa có một câu trả lời nào rõ ràng.
Từ những ngày 18, tháng trước, lúc Kontum và Pleiku bị mất, và qua báo chí được biết những tin kinh khủng về hỗn loạn trên đường rút lui. Ông Cung đã vội đánh điện cho Thành với nội dung: «Ba mất, con về ngay!». Đây là nội dung trầm trọng nhất so với những bức điện trước, mỗi khi ông muốn gọi Thành về, nhưng đến giờ vẫn chưa được tin gì của anh.
Trong khi ông Cung chạy hỏi tin, thì bà Cung ngày nào cũng bắt Hương chở đi coi bói. Hầu như mọi vị thầy nổi tiếng ở Sài Gòn, dù tận hang cùng ngõ hẻm nào, bà cũng đều tới. Từ ông Minh Triết, chuyên bói bài Tarô ở đường Minh Mạng, ông thầy áo đen Hakim, bói lửa thiêng ở Tân Định, ông thầy Ấn Độ Sađakim, bói quả cầu ở đường Hai Bà Trưng, cho đến ông thầy Kim ở Phú Nhuận, chuyên coi tử vi và bói dịch, ông Ba La, mù mắt, vua bấm độn ở đường Nguyễn Phi Khanh, cô Sáu bói bài ở Hàng Xanh, và cả ông thiếu tá hải quân Kim Hoàng Sơn gì đó, chuyên coi bói bằng quả lắc… Toàn là những thầy bói «thứ thiệt» của Sài Gòn, và không câu trả lời của ai giống ai, vậy mà bà Cung đều tin cả. Chỉ tiếc là không ai làm cho bà an tâm được.
Chiều hôm qua, vì Hương đã đổi chiếc Yamaha lấy ba chỉ vàng để đem theo, bà Cung đành đi xích lô lên ông thầy Tàu nào đó ở Chợ Lớn, biết năm thứ tiếng và đã từng hành nghề khắp Đông Nam Á, chuyên coi cho những người tai to, mặt lớn, và lần nầy chỉ ghé Việt Nam có ba tháng để làm phước, theo như quảng cáo trên báo. Ông ta cũng chỉ nói được bằng tiếng Việt rất rành, là bà cứ yên tâm, chỉ trong vòng một tháng nữa, chắc chắn bà sẽ nhận được tin con.
Tới giờ thì mọi cố gắng của ông bà Cung đều vô ích. Hôm nay đã là ngày 29, Long Khánh đã bị mất từ tuần trước, «họ» đã tới Biên Hoà và chiều hôm qua còn dám cho máy bay A.37 chiếm được ở Đà Nẵng, vào thả bom phi trường Tân Sơn Nhứt… Giờ phút này, gia đình ông Cung đang chờ xe tới rước đến một địa điểm di tản của người Mỹ. Mọi sự chuẩn bị đã xong, giờ chỉ còn chờ đợi, một nỗi chờ đợi mệt nhoài, khủng khiếp.
Cũng may nhờ có Oanh, chứ không thì giờ nầy nhà Hương chắc còn khổ hơn. Từ khi mất Huế và Đà Nẵng, Sài Gòn như lên một cơn sốt. Những người lo xa, và hiểu biết đều thấy là lần nầy, hết hy vọng cứu vãn được rồi. Những ông lớn đã bắt đầu đưa vợ con chuồn dần ra nước ngoài. Ông Cung lo nghĩ tới bạc đầu, vẫn không tìm ra lối thoát. Ông làm công chức hạng A trong ngành thuế, chắc sẽ không sống nổi với Việt Cộng. Từ khi biết được với chức vụ trưởng phòng tài liệu tầm thường của ông, trước giờ vốn đã không giao du với người Mỹ, ông sẽ không trông mong tìm được một chỗ cho mình trên các chuyến bay di tản, ông đã nói ra vẻ bất cần:
- Tôi chết thì không hề gì, chỉ lo cho mẹ con bà không biết bị hành hạ ra sao.
Điều đó càng làm bà Cung khủng hoảng hơn. Ngoài việc đi coi bói, bà còn chạy khắp nơi quen biết, dù có khi không biết đến đó để làm gì, để rồi lại càng hoang mang. Mỗi lần đi đâu về, bà lại mang theo một số tin khủng khiếp, như Việt Cộng vào thì sẽ cho Sài Gòn tắm máu, mọi người làm việc cho Mỹ, cho chính quyền đều sẽ bị đưa ra đấu tố và xử tử, thân nhân những người đó sẽ bị đưa đi tẩy não, và con gái sẽ bị rút thăm làm vợ những phế binh Việt Cộng… Đó là cái tin làm Hương rụng rời nhất. Như nhiều cô bạn, Hương đã mua trữ sẵn trong người một ống thuốc ngủ đầy ắp, phòng khi trường hợp đó xảy ra.
Giữa cơn khủng hoảng đó, buổi tối ngày 26, như sứ giả của một phép lạ, Oanh tới nhà Hương. Oanh là cô bạn thân nhất của Hương. Hai đứa đều là dân Cút (1), cùng học với nhau từ lớp sixième (2) lên đến bây giờ. Suốt bảy năm, hai đứa ngồi cùng bàn, đi chơi chung và thân nhau đến mức nhiều đứa bạn đã gọi họ là hai đứa bê-đê (3).
Sự thật, tính tình Hương và Oanh rất khác nhau. Oanh nhanh nhẹn, ồn ào, sôi nổi, trong khi Hương chậm chạp, ít nói và hay mơ mộng kiểu «tiểu thư Tàu», theo cách nói của Oanh. Cả hai đứa cùng thích đi xinê, nghe nhạc ngoại quốc và đi nhảy, nhưng mỗi đứa một «gu» khác nhau. Oanh thích những phim cao bồi găng-tơ, trinh thám gián điệp, trong khi Hương chỉ thích phim tình cảm nhẹ nhàng. Oanh thích nghe nhạc ồn ào, và thích nhảy các điệu soul, bebop, chachacha, thì Hương thích nhạc êm và các điệu tango, rumba, boston. Cả màu sắc mỗi đứa cũng một tính. Vậy mà hai người lại chơi thân nhau, rất thân, mới kỳ.
Oanh là con gái út trong một gia đình giàu có. Ba Oanh là một trung tá ở ngành chiến tranh chính trị, thường mặc quần áo dân sự, có xe và cận vệ riêng. Má Oanh đã ngoài 40, nhưng coi còn rất trẻ đẹp, từng làm chủ một khách sạn lớn với mấy cái bar ở Sài Gòn và Vũng Tàu, trong thời gian người Mỹ còn đông đảo ở đây. Hiện giờ bà chuyên chạy áp-phe các loại, và cả hai ông bà thường rất ít khi có mặt ở nhà. Hương thường đến chơi, có khi ăn ngủ và học thi ngay ở nhà Oanh. Ngược lại, Oanh cũng thường đến Hương chơi luôn và coi gia đình Hương như của mình.
Mặt lo âu, Oanh lôi Hương ra vườn hỏi nhỏ:
- Sao, ba mày đã tính đường gì chưa?
Hương thở dài, lắc đầu:
- Ông già còn chờ xem có hy vọng gì không…
Oanh bực bội:
- Chờ gì nữa? Liên hiệp hả? Ba tao nói còn lâu Việt Cộng mới chịu liên hiệp! Người ta chạy gần hết rồi, còn ở đó chờ! Cha Thiệu dzọt mất rồi. Tụi Mỹ đã ngưng phát giấy di tản rồi đó.
Hương cúi mặt nói lí nhí:
- Nhưng anh Thành chưa về…
Oanh gắt um lên, theo thói quen mỗi khi bực mình:
- Trời đất! Đợi ổng về rồi cả nhà cùng chết hay sao? Chạy được người nào, đỡ người nấy chứ. Biết đâu ổng cũng dzọt mất rồi. Ở Nha Trang có phi trường, có quân cảng, thiếu gì đường chạy?
Hương im lặng, không muốn nói cho Oanh biết ba mình cũng đã nghĩ đủ cách để đưa gia đình đi. Nếu có đủ giấy tờ, ông đã sẵn sàng chịu khó đứng nối đuôi hàng tuần, giữa nắng tháng Tư trước toà đại sứ Mỹ, để xin cho được tấm phiếu di tản. Nhưng… Ông Cung là người thuộc thế hệ được Pháp đào tạo, dù chỉ tới đíp-lôm (4). Qua thời người Mỹ, ông chỉ là một công chức bình thường. Không biết có phải vì thế hay vì một lý do gì khác mà ông thường chê người Mỹ về đủ mọi mặt. Dĩ nhiên, cuối cùng ông không mong sẽ tìm ra tấm phiếu di tản cứu mệnh, cho phép cả gia đình, có thể lọt qua các hàng rào dầy đặc của quân cảnh và thuỷ quân lục chiến Mỹ, của quân cảnh và lính lôi hổ Việt Nam… trước khi vào được phi trường Tân Sơn Nhất.
Oanh cũng im lặng, suy nghĩ một chút rồi ra về quả quyết, nắm chặt tay Hương:
- Nhà mày còn bốn người thôi phải không? Thôi đi với nhà tao đi.
Hương ngạc nhiên nhìn Oanh. Oanh giải thích:
- Ba tao mạnh lắm! Ổng đã có sẵn giấy ưu tiên số một, đi cả gia đình. Nhà tao chỉ còn có ba người, lại chẳng còn bà con nào ở đây. Hôm qua, tao còn nghe ổng bả bàn nhau coi có bạn bè nào còn kẹt thì kéo theo. Để tao về năn nỉ ổng cho nhà mày đi chung luôn.
Tuy chưa có gì chắc chắn, nhưng cái tin đó cũng làm Hương mừng rỡ đến nghẹn lời. Ba Oanh biết Hương từ những năm đầu học trung học, lúc ông chỉ mới là đại uý vừa đi tu nghịêp ở Mỹ về. Trước đó, viết thư cho ba, Oanh đã nói nhiều về Hương, cũng như đã gởi cho ông coi hình hai đứa chụp chung, nên khi về nước, vừa gặp Hương là ông đã biết ngay. Thỉnh thoảng, ông vẫn thường tự lái xe đưa Oanh và Hương đi Cấp chơi. Ông rất thương Hương, khen Hương xinh, ngoan, và Oanh vẫn nói chưa có đứa bạn nào của mình, được ông thân mật như thế. Má Oanh thì cũng đã mấy lần nhờ ba Hương lo giúp những hồ sơ thuế gì đó. Có lẽ với tất cả những điều đó và với khả năng dễ dàng ra đi của ông, ba Oanh sẽ đồng ý cho gia đình Hương được cùng đi.
Thế là không khí nhà Hương nhộn nhịp hẳn lên, sau khi được ba má Oanh bằng lòng nhận giúp. Rồi trong suốt ngày hôm qua, ông bà Cung tất tả chạy đi bán đổ bán tháo những gì bán được để kiếm tiền đổi thêm đô-la. Giá một đô-la gần đây đã vượt từ một nghìn đồng lên đến hai nghìn rưỡi, mấy hôm nay, đã đến mức bốn năm nghìn mà kiếm cũng chẳng ra. Chiếc Morris của ông Cung bình thường trị giá hơn triệu bạc, vậy mà giờ bán giấy tay chỉ lấy có hai trăm đô-la. Ông Cung cười, nói người ta chịu mua cũng là may. Chẳng là người mua đó tin chắc sẽ có trung lập, mà ông ta trước giờ thân Pháp, chắc kỳ nầy sẽ có một ghế … Mua sẵn chiếc xe để đến lúc đó lấy uy với thiên hạ.
Đến chiều tối, mọi người cùng tụ họp ở nhà, mệt nhoài. Bà Cung, Hương và Phước cứ ngồi tần ngần hàng giờ trước những chiếc va-li, không ai thiết gì ăn uống. Ông Cung phải đích thân đi chiên trứng để ăn bánh mì, vì đã cho chị bếp nghỉ việc. Hương tiếc vô cùng những bộ quần áo phải bỏ lại, vì không đủ chỗ, rồi sách vở, dĩa hát, các thứ. Phước thì ngồi ôm những bộ Spirou (5), sách tem và hàng lô những bộ sưu tập lỉnh kỉnh khác của nó. Bà Cung thì muốn đứt ruột về những chồng chén dĩa kiểu và một vài món chưa kịp bán của bà. Nhưng biết làm sao! Đi di tản chứ đâu có phải dọn nhà. Ông Cung nói vậy, và chỉ có ông là có vẻ dứt khoát nhất. Coi như bỏ. Người làm ra của mà, lo gì? Phải chạy để giữ lấy thân đã.
Tin tức đến liền liền như bão táp. Tối qua, Oanh chạy đến cho biết Việt Cộng đang tiến vào Sài Gòn từ bốn phía, và nội ngày hôm nay sẽ có xe của cơ quan D.A.O. (6) đến từng nhà những người có phiếu ưu tiên của họ, còn kẹt lại để đưa đến những điểm bí mật trong thành phố, chứ không còn kịp vào phi trường nữa, vả lại phi trường cũng đã nằm trong tầm khống chế oanh kích của đối phương. Ba Oanh đã được người Mỹ đưa đi trước theo cơ quan của ông, và chỉ kịp gởi người mang về cho mẹ Oanh cái phiếu di tản nhiệm mầu đã có đề tên cả gia đình ông Cung trong đó.
…. Đã bảy giờ sáng mà vẫn chưa thấy xe đến. Ông bà Cung đứng ngồi không yên. Giữa lúc ông Cung vừa nhấc điện thoại lên, tính gọi đến nhà Oanh lần nữa, thì đã nghe tiếng còi xe vang lên ngoài cổng. Oanh chạy nhanh vào nhà bạn, hết sức tươi tắn và khoẻ mạnh trong chiếc áo pull đỏ và chiếc quần jean nhung bó sát tấm thân cân đối. Cô gái ríu rít như thể sắp đi nghỉ mát:
- Cả nhà xong hết chưa? Mình đi ngay kẻo không kịp.
Rồi Oanh kéo tay Hương:
- Đi mày! Ngày mai là mình đã ở nước ngoài. Khỏi phải sợ gì nữa.
Cả gia đình lẳng lặng chuyển đồ ra xe. Theo thói quen, ông Cung cầm theo sợi dây xích để khoá cổng như mỗi lần cả nhà cùng đi đâu xa. Oanh cười:
- Chi vậy bác? Mình đâu còn trở về nữa.
«Mình đâu còn trở về nữa!» Câu nói dội lên, nhức buốt tim Hương. Nước mắt vòng quanh, Hương quay lại nhìn căn nhà mà gia đình mình đã mười mấy năm chung sống. Lúc mới dọn về đây, Hương còn học tiểu học, căn nhà chưa có lớp rào ngoài và mới có môt tầng trệt, mảnh vườn chung quanh còn xơ xác vài gốc ổi, mận cằn cỗi, cỏ dại mọc um tùm. Bây giờ lớp hàng rào gỗ sơn xanh nhạt bên ngoài đã được một giàn hoa ti-gôn hồng phủ kín. Trong vườn có cỏ nhung xanh mượt mời mọc, có lối đi rắc sỏi trắng reo vui dưới chân, có cây sứ đại nở từng chùm trắng tinh, có chiếc ghế xích đu thong dong dưới tàn trứng cá mát rượi…
Căn nhà tương đối nhỏ so với nhiều căn nhà khác của bạn bè Hương, nhưng Hương yêu thích nó vô cùng. Chính ở nơi đây, đã chứng kiến những ngày lớn lên cùng bao kỷ niệm không thể quên được của đời Hương. Rồi đây, ai sẽ vào làm chủ căn nhà thân yêu này? Họ có biết nâng niu những cánh hồng trong mấy chậu hoa trước cửa sổ phòng Hương, có biết thay màn cửa sổ màu khác vào mỗi sáng chủ nhật, có thay nước cho bể cá Tàu hàng tuần…?
Hương cúi mặt bước vào xe. Bước chân này sẽ đưa Hương đến một chân trời nào và cuộc đời Hương từ nay sẽ thay đổi ra sao?
*
Chiếc xe Ford dài ngoằng sơn màu xanh ô-liu quân đội đưa mọi người đến một biệt thự ở đường Hai Bà Trưng thì dừng lại. Lúc đó đã hai giờ chiều, và ở đây đã có lố nhố hàng trăm người đứng ngồi hỗn độn bên ngoài hai cánh cổng sắt cao có lưới mắt cáo. Điều đó chứng tỏ nơi đây không còn là điểm bí mật nữa. Bốn người thuỷ quân lục chiến Mỹ đeo băng tay có chữ M.P. (7) chặn ngay khoảng hé nơi cổng vừa đủ một người len vào và đang kiểm tra giấy tờ.
Đám đông có đủ vẻ hỗn loạn của một cảnh chen mua vé trước ghi-sê rạp Rex trong những ngày Tết. Người ta dẫm lên nhau, huých vai, thúc cùi chỏ, bỏ cả dép guốc… Những người không có giấy tờ hợp lệ đều không có thì giờ để trình bày hoặc van nài, vì đám đông phía sau sẽ xô ngay họ ra để có đường tiến tới.
Ngay khi bước xuống xe, Hương đã được chứng kiến cảnh một người đàn ông thắt cà-vạt, tay xách một cái vali nhỏ bị hất bật ra khỏi đám đông. Cặp kính ông rơi xuống vỡ nát, và ông mò mẫm một lúc mới nhặt được cái gọng. Khi ông ngẩng bộ mặt thảm hại lên, Hương suýt buột miệng kêu: «Ông Bình!» Đó là vị giáo sư dạy Hội Việt Mỹ lớp 18, lớp chót của chương trình bộ English For Today, và cũng là lớp mà Hương và Oanh đã học qua. Oanh cũng đã thấy. Cô thúc nhẹ vào hông bạn, nói nhỏ:
- Ông Bình kìa! Mày thấy không? Ổng dạy tới lớp chót Hội Việt Mỹ vậy mà còn không qua lọt. Hôm nay là ngày cuối, ổng mà không đi được là kể như rồi.
Rồi Oanh quay qua ông bà Cung:
- Đêm nay là cao điểm di tản đó hai bác. Có đến mười hai điểm ở Sài Gòn. Điểm nầy ở gần nhà riêng của đại sứ Mỹ, chắc họ sẽ rước sớm.
Cô xốc lại cái túi trên vai, đưa tay lên vuốt gọn món tóc loà xoà trên trán rồi giục Khoẻ, anh tài xế của nhà mình:
- Thôi, mình vào. Anh chen trước đi.
Khoẻ thật xứng đáng với cái tên. Anh cao lớn, vạm vỡ, hôm nay được đi Mỹ nên diện luôn một bộ cánh đẹp nhất, trông không ai có thể biết được đó là một anh trung sĩ biệt phái lái xe riêng cho gia đình một ông trung tá. Chỉ có điều mái tóc của Khoẻ được sấy ép cẩn thận quá làm anh có nguyên vẻ đẹp trai của các chàng ca sĩ cải lương thời đại, và đó là điều mà Hương thấy thất bại nhất nơi anh.
Khoẻ vạch đám đông len vào, một tay cầm theo cái vali lớn nhất của nhà Oanh. Nắm chặt một chéo áo của anh là bà Hoàng, mẹ Oanh, rồi đến ba người bạn của bà mà Oanh cho biết đến giờ chót ông bà Hoàng cũng đồng ý cho đi theo, như trường hợp gia đình Hương. Đi sau họ là Oanh, Hương, ông bà Cung và cuối cùng là Phước. Giấy tờ cầm chặt trong tay, họ đâm vào đám đông như một con rắn cố luồn vào bụi rậm để trốn chạy một kẻ thù vô hình đáng sợ. Hương nhớ mình cũng la hét, chưởi rủa, bị dẫm chân và dẫm chân người khác, bị xô qua hất lại và cũng xô hất những người chung quanh, những việc mà trước giờ không bao giờ Hương làm. Nếu là đi xi-nê thì Hương sẵn sàng mua vé chợ đen mắc gấp bốn lần, nhưng ở đây, giá vé được đổi bằng mạng sống của mỗi người, có giá nào mua được?
Tờ giấy mà bà Hoàng cầm có in dấu đến ba ngôi sao đỏ, thuộc loại ưu tiên số một. Nội dung mà Hương đã được đọc bắt đầu bằng một dòng chữ được đánh máy điện IBM của Mỹ: Col. NGUYỄN HUY HOÀNG (D.A.O.) AND HIS FAMILY (TEN PERSONS ONLY) (8).
Sau đó là tên tuổi từng người trong họ. Người quân cảnh Mỹ chỉ liếc qua tờ giấy một chút là đã nhích ra cho Khoẻ lách vào. Có lẽ vì quá gấp và nghĩ là không ai dại gì nhường cho người khác đi, nhất là đối với loại phiếu đặc biệt nầy, hắn không cần kiểm tra giấy tờ từng người mà chỉ bắt đầu đếm nhẩm.
Một rắc rối nhỏ xảy ra sau đó. Phước đi sau cùng, chắc vì thương hại nên đã im lặng để một người nào đó nắm tay đi theo. Người quân cảnh Mỹ giữ lại và hỏi ông Cung xem ai không phải là người trong gia đình cùng đi theo. Hương và Oanh nhìn lại, và sửng sốt một lần nữa. Cũng chính thầy Bình! Ông cũng đã kịp nhận ra hai cô học trò từng ngồi bàn đầu trong một lớp của mình và mắt loé lên một tia hy vọng mừng rỡ.
Oanh hơi do dự. Dù sao thì ông Bình cũng là một ông thầy trẻ khá dễ thương, đã từng đôi lần mời Oanh và Hương vào dùng kem trong cái bar ở Hội Việt Mỹ, cũng như thỉnh thoảng cho hai cô giấy mời đi xem những buổi chiếu phim và hoà nhạc đặc biệt dành riêng cho người Mỹ và các nhân viên có cỡ… Nhưng rồi mặt Oanh đanh lại. Cô gái trả lời với người quân cảnh Mỹ bằng một giọng Mỹ đặc sệt, từng học được từ chính ông Bình:
- The last one is not ours! (9)
Ngay lập tức, hai bàn tay vạm vỡ của hai người quân cảnh đã nắm chặt nhau lại ngăn giữa Phước với ông Bình, và trở thành một vật chướng ngại không thể vượt qua được với ông. Cảnh ông đứng lại phía sau, hai bàn tay nắm chặt theo hình tượng của đôi tay bắt trên các nhãn hàng viện trợ của người Mỹ làm Hương chợt nhớ tới một trò chơi thuở nhỏ, với một điệu hát kỳ lạ bắt đầu bằng câu: «Thiên đàng địa ngục hai bên…». Có phải đây là cánh cổng vào thiên đàng, còn ngoài kia là địa ngục hay không? Hương nhìn lướt qua nét mặt của những người đã lọt qua cổng và chỉ thấy một vẻ mệt mỏi âu lo. Cái gì sẽ chờ đợi tất cả mọi người, trong những ngày sắp tới?
Gương mặt méo mó của ông Bình đã nhanh chóng bị đám đông phía sau nuốt chửng. Hương chỉ còn thấy hai cánh tay vươn lên chới với trong không khí như cố gắng cuối cùng của một người sắp chết đuối. Oanh lôi Hương đi, miệng làu nhàu:
- Thằng cha cà chớn! Làm mình hết hồn cứ tưởng kẹt gì.
Theo sự hướng dẫn của người lính Mỹ đứng phía trong, mọi người lần lượt theo cầu thang lên lầu. Đến tầng chót thì bên cánh cửa sắt trước bậc thang dẫn lên sân thượng đã có sáu người thuỷ quân lục chiến Mỹ, mặt lạnh như tiền đứng sẵn, không cho bất cứ ai lên, kể cả có giấy ưu tiên, trừ những người Mỹ. Một người Mỹ mặc đồ dân sự, tay cầm máy walkie-talkie (10), đứng giải thích bảo mọi người hãy vào các phòng chung quanh đấy để nghỉ tạm, có thể đến chiều tối mới có máy bay đến rước đi. Trong khi chờ đợi, mọi người có thể mang phiếu di tản xuống một căn phòng ở tầng dưới để nhận săng-uých và các lon nước ngọt để ăn uống tạm.
Oanh tỏ rất xốc vác. Sau khi đưa tất cả vào một căn phòng mà mấy ngày trước hẳn là một phòng làm việc của người Mỹ, cô bảo Khoẻ kéo mấy cái bàn lại sát vào nhau để làm chỗ nằm tạm, rồi đi mở máy lạnh, mời các người lớn hãy nghỉ đỡ cho khoẻ, rồi rủ Hương và Khoẻ đi lấy thức ăn uống. Với cái phiếu di tản, Oanh lấy luôn mười khẩu phần. Cô giao tất cả cho Khoẻ cầm, với phong thái tự nhiên sẵn có của một cô chủ.
Không khí chờ đợi thật căng thẳng. Có lẽ vì mọi người đã quá mệt nên các dãy lầu im lặng hẳn. Trong phòng của họ, các người lớn ngồi nói chuyện rì rầm với nhau về những dự tính tương lai, khi qua đến Mỹ, nhất là ba người bạn của bà Hoàng, không ngớt khoe về những người con của họ đang du học bên đó sung sướng như thế nào.
Hương, Oanh và Phước ra ban-công đứng nhìn xuống con đường Hai Bà Trưng quen thuộc mà từ mai họ sẽ vĩnh viễn không còn được đặt chân lên. Nắng tháng Tư gay gắt đổ xuống, nhưng con đường vẫn rộn rịp một cách kỳ lạ, khác hẳn những ngày thường. Xe cộ qua lại như mắc cửi và mọi người có vẻ rất khẩn trương, gấp rút. Có một tai nạn nhỏ ở ngã tư Phan Thanh Giản, nhưng không có người cảnh sát nào đến giải quyết. Hai người lái xe đứng gây gổ với nhau một lúc rồi cũng đành đường ai nấy đi. Một con chó Dobberman trắng đốm đen đẹp tuyệt chạy ngơ ngác ngoài đường, rõ ràng đã mất chủ…
*
Năm giờ chiều, không biết bao nhiêu là trực thăng Mỹ từ đâu nườm nượp bay đến khắp trời Sài Gòn như một đàn chuồn chuồn vỡ tổ. Tiếng động cơ máy bay nghe phành phạch, phành phạch chen lẫn với tiếng súng nhỏ lác đác nổ đâu đó, và tiếng đại bác ầm ĩ hăm doạ ở xa xa. Tít trên trời cao là mấy chiếc phản lực trắng loang loáng bay qua bay lại vun vút…
Mọi người ùa hết ra hành làng, đến lối cầu thang dẫn lên sân thượng. Nơi đó giờ đã kéo hai cánh cửa sắt lại và chỉ còn hai người thuỷ quân lục chiến đứng phía sau. Đó cũng là những người lúc trưa đã đứng soát giấy tờ dưới cổng. Có lẽ họ đã khoá các cổng trong ngoài và rút hết lên đây. Người Mỹ mặc đồ dân sự thỉng thoảng từ trên sân thượng chạy xuống trấn an, bảo mọi người cứ bình tĩnh, máy bay sẽ đến và tất cả mọi người sẽ được đưa đi an toàn.
Mãi cho đến 9 giờ tối, lạ lùng sao vẫn chưa có chiếc trực thăng nào ghé xuống buynh-đinh nầy. Đứng phía dưới, thỉnh thoảng mọi người nghe được tiếng súng bắn pháo hiệu của những người Mỹ trên sân thượng nổ lẹt đẹt.
Lúc gần 10 giờ tối, có tiếng trực thăng nổ lớn trên đầu, nghe đinh tai nhức óc. Mọi người đang ngồi la liệt trước hành lang vội choàng dậy, đổ xổ đến cánh cửa sắt. Người Mỹ mặc đồ dân sự lại chạy xuống, lần nầy có vẻ nhợt nhạt hẳn. Ông ta tiến đến gần cánh cửa sắt và nói với những người đứng đầu mấy câu, mà sau đó mọi người được nghe nói lại, là mới chỉ có một chiếc trực thăng ghé xuống và vì số người ở đây khá đông, phải cần đến khoảng năm, sáu chiếc mới đủ chở. Chuyến đầu xin dành cho những người Mỹ và vợ con của họ trên sân thượng đi trước.
Trong hành lang xôn xao hẳn, nhưng ai nấy cũng còn an tâm khi thấy hai người lính Mỹ vẫn còn đứng lại. Chợt máy bộ đàm trong tay một người kêu lên rè rè. Hắn vội đưa lên tai lắng nghe, xong xoay người ập vội hai cánh cửa sắt vào nhau và hất hàm về phía bạn mình: «Go!» (11). Cả hai cùng quay chạy thật nhanh lên sân thượng.
Mọi người chợt bừng hiểu: «Họ bỏ chúng ta rồi!» Ai nấy kinh hoàng nhìn nhau. Có tiếng kêu rú thất thanh: “Mở cửa! Mở cửa!” Một người đàn ông cao lớn mặc áo montagu màu rượu chát, mất bình tĩnh đến độ đứng lắc hai cánh cửa sắt bằng tất cả sức mạnh của ông ta. Một số người cũng xô vào lay phụ. Khoẻ bình tĩnh hơn. Anh vạch mọi người ra, la lớn:
- Tránh ra! Tôi có chìa khoá!
Khoẻ lấy lưỡi dao trong xâu chìa khoá và nạy cái móc sắt lên. Vì cánh cửa chỉ ập lại chứ không khoá nên sau đó đã được đẩy ra dễ dàng. Tiếng trực thăng vẫn còn nổ trên đầu, và bắt đầu rú lên những tiếng chát chúa.
Mọi người ùa lên cầu thang một cách hỗn loạn chưa từng thấy. Hương và ba má là những người lên sau cùng. Lên hết những bậc thang, Hương còn quay lại nhìn tìm Oanh, nhưng chỉ thấy một bà cụ đang vừa rên rỉ vừa lồm cồm bò dậy, giữa hàng chục đôi dép đắt tiền đủ màu sắc, vứt ngổn ngang trên những bậc thang.
Tất cả chỉ còn kịp nhìn thấy một chiếc trực thăng chở đầy người Mỹ với những tên quân cảnh khi nãy ngồi ngoài, đang từ từ bốc lên khỏi sân thượng, trong khi một chiếc khác đã bay xa xa bên trên. Người đàn ông to lớn vừa rồi đã lắc cửa, bất chấp sức gió của chiếc cánh quạt bay vùn vụt, vứt cả vali, lom khom chạy đến và nhảy vọt lên chụp kịp bậc cửa của chiếc trực thăng, nhưng tên lính Mỹ ngồi gần cửa nhất đã dùng báng súng M.16 dộng lên bàn tay ông ta. Người đàn ông rớt từ khoảng cao gần hai thước xuống sàn sân thượng. Có mấy người khác vừa dợm chạy tới thì đã lật đật thối lui. Họ la lớn:
- Coi chừng! Lựu đạn cay!
Một hộp khói cay từ chiếc trực thăng ném xuống giữa nền sân thượng, bắt đầu xịt khói mù mịt. Mọi người lại xô nhau xuống lầu còn khủng khiếp hơn lúc lên, vì những bậc thang chạy xuống bao giờ cũng dễ ngã hơn. Nước mắt ràn rụa vì khói cay, Hương quay đầu nhìn lại niềm hy vọng cuối cùng của mình đang bốc cao dần. Trong khoảng tối bên trong đó, Hương vẫn còn nhìn thấy nụ cười với hàm răng trắng của người lính Mỹ ngồi sát cửa...
Ở hành lang bên dưới, nhiều người bỗng oà lên khóc. Nhiều người đứng sững sờ chết lặng. Ngừơi đàn ông bị té khi nãy đang ngồi ủ rũ trên một bậc thang. Nét mặt ông trông như khuôn mặc của một người đã chết.
Có tiếng người nói, như để nuôi hy vọng cho chính mình:
- Trực thăng vẫn còn bay nhiều. Có thể họ còn đến rước ta.
Một người khác hưởng ứng:
- Phải đấy! Khói cay bay hết rồi, chúng ta lên lại đi.
Tất cả lại lục tục kéo lên, lần nầy không buồn tranh nhau nữa.
Vẫn còn nghe tiếng động cơ và thấy ánh sáng nhấp nháy của vài chiếc trực thăng trên nền trời đen kịt. Trong một cố gắng tuyệt vọng, có mấy người lấy đèn pin chiếu loạn xạ lên trời. Có người có cả súng báo hiệu của không quân, họ bắn liên tiếp lên không những trái pháo sáng đủ màu rất đẹp mắt, làm loé lên trong mỗi người từng chút hy vọng mong manh và ngắn ngủi.
Cứ như thế, nhiều người trong bọn họ đã đứng trên sân thượng của toà buynh-đinh định mệnh cho đến sáng, mặc dù tiếng trực thăng đã im bặt từ khoảng nửa đêm...
Đến 5 giờ sáng thì tất cả đành tuyệt vọng đi xuống. Bà Hoàng quyết định tạm thời ai về nhà nấy và sẽ liên lạc gặp lại sau. Cánh cổng sắt mà chiều qua mọi người đã phải vất vả lắm mới vượt qua được, giờ đã bị phá tanh banh. Một số người đang đứng túm tụm phía trước, chờ đón những chiếc tắc-xi và xích lô máy chạy sớm để về nhà. Dưới ánh sáng lạnh ngắt của những ngọn đèn huỳnh quang, trông họ như những bóng ma vừa trở về từ một cõi nào xa lắc.
Khi mọi người vừa bước ra ngoài để đón xe, từ đâu có bốn người chở nhau trên hai chiếc Honda SS chạy rề rề tới. Đó là bốn người đàn ông mặc đồ rằn ri của lính nhảy dù hay biệt động quân gì đó. Hai người ngồi sau chợt nhảy xuống đưa hai khẩu súng đen ngòm chỉa vào nhóm Hương. Một người nói:
- Các ông bà xách đồ nhiều quá, cho tụi em cầm đỡ vài cái bán lấy tiền ăn để “tử thủ” Sài Gòn.
Và y giật mạnh cách xách trong tay một bà bạn của mẹ Oanh. Bà nầy giằng lấy và la lên:
- Ăn cướp!
Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Người đàn bà buông cái xách tay, ôm bụng, gục ngay xuống đất. Những người phía sau rú lên, và chạy lui vào trong. Hương đứng chết sững, nhìn tên thứ hai thản nhiên giật lấy cái xách da trong tay bà Cung, rồi nhảy lên xe. Trước khi hai chiếc xe vọt đi, nó còn quay lại chỉa súng vào bụng bà và hô to:
- Bùm!
Chúng đã chạy xa mà tiếng cười ha hả vẫn còn vọng lại.
Trong cái xách da đó, gần như là cả gia tài của gia đình Hương. Bà Cung từ từ xỉu xuống. Hương định chạy đến đỡ mẹ, nhưng tự dưng cảnh vật chung quanh bỗng quay cuồng, mặt đất như hẫng đi dưới chân, rồi không còn biết gì nữa…
Hương tỉnh dậy trong chiếc tắc-xi đưa họ về nhà Oanh. Ở đây, Oanh đã lăng xăng săn sóc cho bà Cung và Hương khá chu đáo, trong khi bà Hoàng vì quá mệt, tuyệt vọng và khiếp đảm, đã rút ngay vào phòng riêng. Oanh chườm nước nóng, giật tóc, pha sữa cho hai người bị ngất. Từ khi tỉnh dậy, bà Cung cứ lảm nhảm như một người điên.
Đến 8 giờ sáng, Oanh nhờ anh Khoẻ lấy xe đưa gia đình Hương về nhà. Thành phố đã bắt đầu hỗn loạn. Nhiều xe quân sự bỏ bừa bãi, quần áo, giầy dép, ba lô của quân đội vứt đầy đường không ai thèm nhặt.
Ở trước cửa nhiều căn nhà đã di tản, có nhiều người xúm lại để nhặt nhạnh, khiêng chở đi tất cả những gì có thể lấy được. Quạt trần, ti-vi, tủ lạnh, những tấm màn cửa đủ màu sắc, và cả những cánh cửa sổ cũng được tháo tung ra chở đi. Giấy tờ, hồ sơ từ những chiếc tủ tuôn ra, đổ tung toé trên đường.
Xe vừa dừng lại ở cổng nhà, Phước ngồi băng trước bỗng la lên:
- Má ơi, có ai dọn đồ nhà mình rồi!
…Hàng rào gỗ trước sân bị phá sập từng đoạn. Bên trong cánh cửa lớn mở toang để lộ căn nhà trống hốc, trống hoắc.
Mọi thứ tương đối tốt còn lại chưa bán kịp điều đã bị dọn sạch, từ cái bếp ga, cái quạt trần và hàng tủ chén bát kiểu, cho đến cả những tấm màn cửa, cái gương soi lớn trong phòng tắm mà Hương thường đứng ngắm mình cũng bị tháo mất.
Phước lại lên tiếng phá vỡ không khí im lặng:
- May mà mình về kịp.
Bà Cung nạt ngang, giọng lạc hẳn:
- May gì! Như vầy mà mày còn nói là may à?
Rồi bà ngồi phịch xuống giữa nhà, ôm mặt khóc oà, bất chấp Khoẻ còn đứng đó.
Ông Cung cũng muốn quỵ xuống, nhưng ông cố trấn tĩnh, đi đi lại lại trong nhà một lúc, rồi lấy cái radio mang theo trong túi xách bật lên nghe đài Sài Gòn. Bà Cung đã đứng dậy được, bắt đầu dọn dẹp lại trong nhà, nhưng câm nín như một cái bóng.
Cuối cùng, tiếng nhạc dừng lại, im lặng một chút, rồi có tiếng người xướng ngôn viên giới thiệu gì đó. Ông Cung thảng thốt kêu lên:
- Nghe kìa!
Cả bốn người đều chết lặng ở vị trí của mình, khi nghe ông Dương Văn Minh cất tiếng kêu gọi binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà hãy buông súng để ông tiếp xúc với đại diện Chính phủ Cách mạng thảo luận việc bàn giao chính quyền. Những lời nói không thể tin được ấy cứ lặp đi, lặp lại. Thế là chuyện đó đã đến! Mới hôm qua, trước khi bỏ đi, ông Cung còn nói đùa với cả nhà:
- Không chừng cái ông mua xe tính đúng. Big Minh (12) lên mà giữ được Sài Gòn và lập được Chính phủ liên hiệp thì ông ta có đường làm chánh văn phòng một bộ nào lắm.
Ông Cung cúi xuống nhìn đồng hồ. Hương cũng xem đồng hồ tay của mình. Mười giờ mười lăm, ngày 30 tháng 4. Hương nghe ba nói nho nhỏ:
- Nhanh quá!
Bà Cung ngẩng phắt lên, mắt đỏ hoe nhưng đã ráo hoảnh. Dường như bà đã sẵn sàng, chấp nhận tất cả. Bà nói với Phước:
- Con ra khoá cổng lại đi.
Rồi bà quay sang Hương:
- Con Hương đi thay quần áo đi. Kiếm bộ nào xấu xấu mà mặc. Nhớ chùi sơn và cắt móng tay cho sạch.
Như chợt nhớ ra, bà nói với theo Phước:
- Còn thằng Phước nữa, lẹ lên rồi vô cho chị mày cắt bớt tóc dùm tao. “Người ta” vô mà thấy tóc mày như vậy là chết nghe con.
Cửa nẻo đã được khoá xong. Bà Cung giục chồng mang những hình ảnh, bằng tưởng lục, giấy khen, huy chương, quân phục của ông và của Thành ra cắt, xé, rồi gom đống sau nhà để đốt. Trong khi họ làm các việc đó như những người máy thì bên ngoài đã nghe tiếng loa tay vang vang:
- Hoan hô Quân giải phóng đã vào Sài Gòn! Hoan hô Quân giải phóng đã vào Sài Gòn! Bà con lao động hãy đứng lên làm chủ chính quyền, ổn định trật tự xã hội, chào mừng Cách mạng thành công! Hoan hô Quân giải phóng …
Tiếng loa xa dần, rồi đến tiếng hò reo của đám trẻ:
- Lẹ lên đi coi mấy “ông” bộ đội tụi bây ơi!
Cả nhà Hương cùng im lặng lắng nghe, rồi lại cúi xuống tiếp tục lục soạn với những tiếng thở dài không ngớt.
Không khí trong nhà nặng nề đến ngột ngạt.

---
1) Tiếng lóng chỉ học sinh trường Marie Curie thời đó.
2) Lớp 6, đầu chương trình trung học Pháp.
3) Tiếng lóng chỉ bệnh đồng tình luyến ái.
4) Bằng trung học Pháp.
5) Tên một hoạ báo thiếu nhi của Pháp.
6) Defense Attack Office: cơ quan tuỳ viên quốc phòng của Mỹ ở Sài Gòn.
7) Military Police: quân cảnh Mỹ
8) Trung tá Nguyễn Huy Hoàng (D.A.O.) và gia đình (tất cả mười người).
9) Người cuối cùng không phải người của chúng tôi!
10) Máy bộ đàm cầm tay của Mỹ, tầm hoạt động ngắn.
11) Đi!
12) Ông Minh lớn.
Ngọc trong đá
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
10.
11.