4.
Tác giả: Nguyễn Đông Thức
“A nh buồn bã tự nghĩ chẳng lẽ Hương quên anh rồi sao? Bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của mình vẫn tranh nhau sống lại trên từng con đường hằng ngày anh đi. Ở đâu cũng có dấu vết những ngày qua của mình. Ngay cả một cơn mưa, một khoảng trời xanh, một vòm lá, một mái hiên nhà ai... cũng nhắc anh nhớ đến Hương. Nhớ không chịu nổi. Nhiều lúc muốn lên xe chạy ngay đến Hương. Nhưng biết lúc đó Hương ở đâu và có thời gian để gặp anh không?
Chủ nhật tới nữa là sinh nhật của anh, chắc Hương chưa quên, phải không? Dù bây giờ có khó khăn hơn, anh vẫn cố gắng tổ chức một tiệc nhỏ mừng ngày mình tròn 25 tuổi, trong vòng vài bạn thân cũ còn lại, chứ không thì tủi thân lắm. Dù gì đi nữa, Hương hãy về với anh. Để dành trọn vẹn ngày chủ nhật cho Hương, anh quyết định sẽ tổ chức tiệc vào tối thứ bảy, và sẽ đón Hương tại nhà vào lúc 6 giờ chiều. Cố gắng về với anh nhé Hương. Không thì sinh nhật này sẽ là ngày buồn nhất đời anh. Nó sẽ không còn ý nghĩa gì nữa...”
Hương xếp lá thư của Dũng lại, thở dài, và nghe mí mắt mình nằng nặng. Dũng vẫn viết thư rất hay, không lần nào đọc thư Dũng mà Hương không xúc động. Những lá thư luôn có một sức mạnh lôi Hương về phía Dũng, nhắc Hương nhớ tới từng chuyện nhỏ nhiều ý nghĩa giữa hai người, mà lúc xảy ra dường như lại rất bình thường. Những lá thư cho thấy Dũng yêu Hương nhiều hơn những gì Hương hiểu được qua tiếp xúc thường ngày. Những lá thư vuốt ve Hương dịu dàng bằng những dòng chữ hơi mềm mại, ẻo lả...
Phước chờ Hương xếp lá thư lại đút vào phong bì xong mới hỏi:
- Anh Dũng dặn em hỏi chị xem có về được không, cho ảnh yên tâm. Có cần thủ tục gì ảnh sẽ lo.
Hương thở dài. Làm sao về được với một lý do như thế này? Ở đây một năm chỉ được 10 ngày phép, phải đi đủ năm mới được hưởng. Vừa qua, thỉnh thoảng Hương cũng được linh động cho về thăm nhà một ngày chủ nhật. Đó là những thời gian quý giá ngắn ngủi. Hôm nay, Phước lên tận đây thăm Hương sau cả tháng cô không về, đồng thời đem theo lá thư của Dũng. Má Hương vẫn nghĩ Hương không thể sống ở môi trường này. Một tháng Hương không về cũng là một tháng bà mất ăn mất ngủ.
Hương trả lời Phước:
- Lúc này khó về lắm. Nói với anh Dũng là chị sẽ cố gắng nhưng chưa dám chắc. Anh cứ tới. Đợi chị đến 7 giờ tối không thấy thì thôi.
Hương sẽ cố gắng. Lá thư của Dũng tự dưng làm Hương yếu đuối hẳn. Nó nhắc Hương nhớ lại cuộc sống hoa gấm ngày xưa, nhớ lại là trên đời vẫn còn một người nồng nàn yêu Hương, trước giờ đối xử với Hương rất tốt đẹp...
Khi nghe Hương xin phép về nhà từ chiều thứ bảy để phụ giúp gia đình làm đám giỗ. Mạnh nheo mắt nhìn Hương như để đánh giá. Bất ngờ Mạnh hỏi:
- Tôi đã có ý định bữa nào cùng đi với đồng chí về thăm hai bác cho biết. Sẵn kỳ này có đám giỗ, đồng chí cho tôi đi theo không?
Hương bối rối không biết trả lời sao. Cuối cùng cô nói liền, kẻo chần chừ sợ anh sinh nghi:
- Nhà tôi lúc này đang gặp khó khăn và có chuyện buồn, anh đến sợ chưa tiện.
Mạnh nhìn Hương chằm chằm. Đôi mắt anh thật đáng sợ. Chúng sâu thăm thẳm, như nhìn suốt tận đáy lòng Hương:
- Được biết gia đình đồng chí đang gặp khó khăn, tôi càng muốn đến thăm hơn. Nhưng thôi, để lần sau vậy... Tuần này, chúng tôi dự định tổ chức ngày lao động Cộng sản chủ nghĩa để dứt điểm công trình kịp thời hạn. Tôi không đi được. Thật tiếc…
Hương cố giấu nét mừng rỡ trên mặt. Như vậy coi như Mạnh đã cho Hương đi và không đi theo. Hương rất tiếc phải nói dối Mạnh. Cô không thích nói dối, nhất là với anh. Nhưng trong trường hợp này… Mối tình Dũng đối với Hương dù sao cũng đã có, và lên đây Hương mới thấy mình cần có một tình yêu như thế nào.
Mạnh tiếp:
- Thôi được, chiều thứ bảy này, đồng chí cứ về. Hôm đó, khoảng trưa sẽ có xe của lực lượng chở hàng lên liên đội mình. Đồng chí chờ đi theo xe về cho tiện.
Anh ngừng một chút:
- Cho tôi gởi lời thăm gia đình. Còn chuỵên khó khăn gì đó, tôi rất mong một ngày nào đó, đồng chí sẽ kể tôi nghe. Đồng chí ít nói quá, tôi không hiểu được nên sợ có khi sai sót trong đối xử. Trong tập thể, chúng ta nên cởi mở và sống thật với nhau. Lúc đó, mới thấy thoải mái và yên tâm hơn.
Hương phản ứng ngay:
- Anh chưa hề nói gì về mình, làm sao tôi nói chuyện tôi cho anh nghe được?
Mạnh nói, giọng buồn buồn:
- Chuyện của tôi à? Có gì đâu! Quê tôi ở miền Trung. Nghèo lắm. Ba tôi làm cách mạng, hy sinh. Mẹ tôi đưa hai anh em tôi vào SàiGòn, kiếm sống nuôi chúng tôi ăn học. Anh tôi 16 tuổi, bỏ vào chiến khu. Mẹ tôi ho lao chết, anh cũng không biết. Một mình tôi, vừa kiếm sống bằng đủ nghề, vừa ráng học theo ý nguyện của mẹ tôi. Đến năm thứ hai Khoa học thì giải phóng, tôi gặp lại anh tôi và tập tành đi theo cách mạng từ đó. Vậy thôi.
Hương lặng lẽ nhìn Mạnh. “Có gì đâu!”, “Vậy thôi.” Thế nhưng cái quãng đời được kể ra chỉ trong vài câu đó, Hương hiểu nó mới gay go, dữ dội như thế nào! Cái quãng đời ấy có lẽ chẳng khác nào một con tàu ra khơi trong bão táp, trong khi cuộc sống của Hương thì chỉ như một chiếc pê-đa-lô xinh xắn ngày tháng dạo chơi trên mặt hồ nhỏ bé, bằng phẳng, êm đềm…
Một lần nữa Hương lại đứng nhìn theo Mạnh khi anh bỏ đi. Vẫn tấm áo bạc màu ấy, nhưng lần này Hương lại thấy bâng khuâng. Cô không còn tự hỏi: “Anh làm đại đội trưởng như vậy thì được gì nhỉ?” Cái điều đang len đến trong lòng cô, nó mới mẻ hơn, lạ lẫm hơn, chính cô, cô cũng chưa tự biết.
*
Bà Cung ra mở cổng cho Hương. Bà thì thào ngay khi Hương chưa kịp bước vào:
- Oanh nó đi mất rồi! Hôm thứ năm…
Hương đứng sững nhìn má. Bà tiếp:
- Nó đi gấp quá. Theo má nó. Không kịp rủ con. Nó có viết thư cho con và chở cả vali những thứ còn lại đến cho con. Tội nghiệp, con nhỏ đi mà mặt mày buồn xo, khác hẳn lần trước.
Hương đi nhanh vào nhà, giục mẹ đưa thư Oanh cho xem. Oanh viết rất tháo trên một trang giấy tập xé vội:
“Adieu mon amie. (1)
Tao đi. Gấp quá, chỉ có hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị, không thể rủ mày kịp. Cuối cùng, tao với mày vĩnh biệt nhau sao?. .. Mày cố gắng đi sau được không? Ở đây sống sao nổi? Tao biết mày đang chịu đựng và khổ nhiều. Carry on that weight. How long? (2) Tao không can đảm như mày. Chúc mày may mắn.
A last kiss (3)
Oanh.
P.S.(4): Tao để lại hết tài sản cho mày. Mày xài để nhớ tao. Tao hứa sẽ nhớ mày hoài. Tao thương mày quá Hương ơi! À quên, nhớ đề phòng thằng Dũng, nếu còn chơi với nó. Mày hiền quá, không hiểu hết nó đâu.”
Có lẽ Oanh đã bối rối lắm khi viết thư, nét chữ rất tháo, không ngay hàng thẳng lối, dùng cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn lộn. Như thế là Oanh đã đi rồi, về một phương trời đầy hấp dẫn, có ba, có Hùng, có một cuộc sống sung sướng… Còn Hương? Hương gần như đã an thân với vùng đất mới. Đã thấy được buổi chiều mặt trời xuống trên dòng kinh, với những cánh cò trắng lượn lờ là đẹp. Đã cười được trong những trò chơi của các buổi sinh hoạt tập thể. Đã nuốt trôi những bữa cơm gạo hẩm với thức ăn đạm bạc… Hay tin Oanh đi, Hương mới nhìn rõ lại mình, và chợt thấy tủi thân, muốn khóc.
Oanh gởi lại Hương một cái vali Samsonite nặng trĩu mà ở nhà còn chờ Hương, chưa mở. Hương mang vào phòng riêng, mở ra. Quả thật là cả một gia tài. Tất cả son phấn, nước hoa đắt tiền nhất và hàng lô đồ trang sức đủ kiểu kỳ dị và hiếm có, một thời ăn chơi của Oanh. Mười mấy bộ quần áo, kể cả quần áo lót, mới tinh. Hơn chục cuộn băng cát-xét. Dưới đáy vali còn một phong bì. Hương mở ra. Một xấp giấy bạc năm chục đồng và nhiều tiền lẻ khác. Có một mảnh giấy nhỏ: “Trước kia cũng như sau này, tiền tao cũng là tiền mày. Tao còn bây nhiêu tiền Việt Nam để lại mày xài chơi. Qua đó làm ra tiền, tao sẽ gởi về mày tiếp.”
Vẫn cái kiểu nói của Oanh. Tiền là chỉ để xài chơi. Nhà Oanh giàu hơn nhà Hương, nên Oanh rất mạnh tay xài. Trước kia, Hương không có tiền bằng bạn, nhưng ông bà Cung cũng không để Hương phải thiếu thốn. Tiền bạc đối với Hương cũng chỉ là một phương tiện để giải trí, và đổi lấy những tiện nghi, thoải mái. Bây giờ mỗi tờ bạc mà Oanh để lại này đều lớn hơn số tiền Hương đang nhận được hàng tháng, số tiền mà để đưa tay cầm, nước mắt Hương đã rơi nhiều trong đêm, hơn cả mồ hôi ban ngày.
Hương nhớ Oanh quá. Oanh thương Hương biết chừng nào. Dù gấp đi vẫn làm tất cả trong khả năng để lo cho Hương. Cầu mong cho người bạn ấy sẽ gặp may mắn trên đường đi, và hạnh phúc suốt đời. Giữa hai đứa, Hương xin nhận phần thua thiệt nhất.
Hương rút vài tờ bạc ra để mai đi mua quà sinh nhật cho Dũng. Số còn lại, cô cất kỹ vào tủ riêng. Cả cái vali của Oanh, cô cũng khoá lại và cất lên nóc tủ.
Tắm xong, Hương đứng trước gương tự ngắm nghía mình. Ba tháng ở một nơi tưởng chừng không chịu nỗi, thân người cô nhờ cô giữ gìn nên cũng chưa có dấu hiệu gì đáng báo động, nếu không nói là thon chắc hơn. Hương sụt mất một kí. Mai cứ thắc mắc về điều đó, vì hầu hết nữ Thanh Niên Xung Phong đều ngày càng mập ra. Cô luôn ép Hương phải ăn no. Da Hương có đen hơn, nhất là ở hai tay, nhưng điều đó làm sao tránh khỏi? Da bàn chân Hương mất hẳn vẻ trơn láng, vì làm sao ngăn nổi tác hại của bùn sình và nước phèn? Hương sẽ mang giầy kín và mặc quần dài phủ gót để Dũng không thấy. Điều quý nhất là tóc Hương cháy rất ít, nhờ được giữ gìn khá kỹ.
Trang điểm xong, Hương ngần ngừ rất lâu trước tủ quần áo. Không hiểu sao cô thấy một bộ xoa-rê không hợp với mình nữa, dù đúng ra kiểu áo này rất thích hợp trong những buổi tiệc ban đêm như tối nay. Cuối cùng, Hương quyết định, chọn một sơ mi vải hoa vàng nhạt và chiếc quần sậm màu.
Tiếng còi xe dưới cổng cho biết Dũng vẫn đi xe hơi đến rước Hương như những dịp quan trọng ngày trước. Hương nhìn ra cửa sổ xuống đường. Bà Cung đã ra đón Dũng. Bà tỏ vẻ thích Dũng nhiều hơn, trong thời gian gần đây. Bà khen Dũng còn trẻ mà đã biết cách sống, thời nào cũng vững vàng, chắc chắn sẽ lo lắng được cho gia đình mai sau.
Dũng nhìn Hương trân trối khi cô xuất hiện ở cuối thang lầu. Đây là lần đầu cô gặp lại anh, từ ngày ra công tác. Anh vẫn trắng trẻo, khoẻ mạnh, ăn mặc vẫn đẹp không chê vào đâu được, và đến gần vẫn nghe thoang thoảng mùi nước hoa Brut dành cho đàn ông, rất dễ chịu. Đó là một ánh mắt mà ba tháng nay Hương không được gặp. Cô bình thản cho Dũng vuốt ve bằng mắt. Nhưng rất bất ngờ, cô chợt nhớ đến ánh mắt của Mạnh hôm cô xin phép về lo đám giỗ, và bỗng dưng thấy hết thoải mái.
Xe chạy được một quãng, Hương hỏi để phá vỡ sự im lặng mà không hiểu vô tình hay cố ý Dũng đã tạo ra:
- Sao khi nãy anh nhìn Hương dữ vậy? Hương thay đổi lắm sao?
Dũng đột ngột cho xe ngừng hẳn lại:
- Hương hơi đen nhưng anh lại thấy Hương đẹp hơn. Đẹp kỳ lạ!
Rồi anh rụt rè:
- Cho anh “mi” Hương một cái được không? Hôm nay sinh nhật anh…
Đây không phải là lần đầu Hương cho Dũng hôn, và trước giờ cô hoàn toàn tự chủ được trong việc này. Hương định từ chối nhưng sợ Dũng mất vui. Những sinh nhật trước của anh, Hương đều cho anh hôn vào má mình, và anh luôn nói đó là món quà quý giá nhất, được anh chờ đợi nhất. Thấy Hương im lặng, Dũng vươn tay kéo cô lại gần. Hương đưa má cho anh hôn, nhưng anh đã nâng mặt cô lên, và đặt đôi môi nóng hổi của anh lên môi cô. Hương nghe rất rõ hơi thở của anh dồn dập. Cơn giận bất ngờ ập tới cho Hương một sức mạnh vừa đủ để xô bật Dũng ra. Cô ngồi lại vuốt tóc và thở. Đôi mắt Dũng loé lên sáng rực trong bóng tối trong xe. Anh hỏi bằng tiếng Pháp:
- Pourquoi? (5)
- Hương không thích.
Dũng nhún vai, cho xe chạy tiếp. Anh nói sau một lúc im lặng:
- Hương làm anh mất vui.
- Tại anh.
- Anh không hiểu nỗi Hương.
Hai người cùng im lặng trong suốt quãng đường còn lại. Dũng có vẻ giận. Anh lái xe ào ào trên đường phố…
Căn phòng nhỏ của Dũng trên lầu ba được đóng cửa kính, kéo kín màn. Ở dưới đường nhìn lên, không ai thấy và nghe được những gì đang xảy ra trong đó. Hương hơi ngần ngại, nhưng khi thấy có vài chiếc xe gắn máy quen của mấy cô bạn cũ thì tự nhiên theo Dũng lên phòng. Phòng anh khá rộng, Hương đã lên chơi vài lần với Oanh. Dĩ nhiên Hương luôn tránh vào đó một mình.
Dũng đã dẹp giường và bày một cái bàn với hơn chục chiếc ghế giữa phòng. Anh vừa mở cửa là đã nghe tiếng nói oang oang của Hoàng râu:
- A! Hoàng tử Dũng đã đưa “người đẹp xung phong” đến. Chúng ta hãy nâng cốc mừng chàng và nàng!
Những tiếng cười khoái trá ồn ào vang lên. Hương nghe hơi tê ở mặt. Hoàng râu còn trẻ hơn Dũng, nhưng từ lâu đã để râu quai nón, có lối nhìn cũng sỗ sàng như cách nói. Cha của anh là một thương gia, nghe nói còn phất to hơn từ sau ngày giải phóng.
Qua màn khói thuốc mù mịt, Hương nhìn thấy gần như đủ cả những khuôn mặt bạn bè cũ còn ở lại của Dũng. Hoàng và Lan, Vương và Đào, Thành và Hằng, Minh và Thuý, cùng mấy người lạ mặt khác đang ngồi riêng chơi bài ở một góc. Trên bàn la liệt ly cốc. Mấy chai rượu nhẹ. Mấy chai nước ngọt. Một cái bánh ga-tô to tướng có cắm hai cây đèn cầy lớn và năm cây nhỏ. Một chai sâm-banh ngâm trong xô nước đá. Máy lạnh vặn hết cỡ, lạnh toát. Hai cuộn băng trên chiếc Akai chầm chậm quay, dẫn ra cặp loa Pioneer, tiếng nhạc kích thích quen thuộc của C.C.R., ban nhạc pop Mỹ mà Dũng thích nhất:
“And I wonder, ’til I wonder
Who’ll stop the rain?...” (6)
Trong một thoáng, Hương có cảm tưởng như tất cả mới là ngày hôm qua. Vẫn là những bạn bè này. Vẫn khung cảnh này. Không một chút thay đổi.
Dũng hỏi:
- Các bạn đợi lâu không?
Một người lạ mặt vừa chia bài vừa nói:
- Đủ để tôi đi đứt mười xấp!
Giọng anh ta nghe lơ lớ như người gốc Hoa. Không biết anh ta đã quen Dũng từ lúc nào, mà trông thái độ khá thân thiết.
Lan chạy ra nắm tay Hương:
- Lâu quá không gặp bồ. Sao càng ngày càng đẹp vậy?
Rồi cô ta mân mê bàn tay Hương một cách khác thường. Hương sực tỉnh. Tuy cô cố giữ, luôn đeo găng dù bị anh em cười, và vẫn thường ngâm nước nóng mỗi đêm, nhưng đào kinh thì làm sao tay không bị cứng hơn trước? Hương thản nhiên để mặc Lan cầm tay và bĩnh tĩnh nhìn vẻ thích thú hiện rõ trên mặt cô tay. Hương biết Lan không ưa mình từ lâu. Trước kia cô ta theo đuổi Dũng mãi không được, mới ngã sang Hoàng. Chắc chắn mối hận đó vẫn còn được ôm ấp.
Hằng cũng có vẻ mừng rỡ ra chào Hương:
- “Toa” đi đâu mà bỏ biệt tụi này? Làm “luỹ” đóng vai người hùng Dăng-gô tội nghiệp hết sức.
Rồi cô ta kề tai Hương nói nhỏ:
- Hôm nay nhớ “đền bù” cho “luỹ” nhé!
Hương cau mày nhìn Hằng. Cô gái nổi tiếng thay kép như thay áo này vẫn tỉnh bơ:
- “Moa” thèm được như “toa” quá. “Moa” nhịn ăn hết sức, mà cứ lên kí đều đều. Bữa nào bày “moa” với.
Hằng mập ra thật. Khuôn mặt đầy thịt của cô càng làm cho đôi mắt nhỏ híp lại. Cô cố chữa khuyết điểm đó bằng cách vẽ mí mắt rộng ra, nhưng trông càng kỳ dị hơn. Hằng mặc quần áo chật cứng như cố bó người lại, nhưng trông cô chỉ càng giống một khoanh chả.
Con Thuý mất dạy hơn. Nó oang oang:
- Sao mày không kêu người đẹp của Dăng-gô bày cho cách… cuốc đất, để mai mốt đỡ tốn tiền mướn người đi thuỷ lợi thay?
Cả bọn cười ồ.
Hương quắc mắt nhìn Thuý. Bọn này mà gặp Oanh là bị đốp cho câm ngay. Nhưng cô ấy đã đi rồi, còn ai bênh Hương? Tính Hương không thích tranh cãi. Vũ khí duy nhất của cô là sự im lặng.
Dũng dàn hoà:
- Thôi, đùa vậy đủ rồi. Mời các bạn ngồi vào bàn.
Khi ai nấy đã ngồi lại đầy đủ. Dũng đứng lên, ra vẻ quan trọng:
- Hôm nay là ngày tôi vừa đúng 25 tuổi. Tôi rất hân hạnh được các bạn đến chung vui, nhất là sự có mặt của Giáng Hương, dù ở xa vẫn cố gắng về với chúng ta. Chúng ta bắt đầu nhé. Mong các bạn thật tình thoải mái với nhau.
Dũng ra hiệu cho Hoàng. Anh ta đứng lên đi lấy máy ảnh. Dũng quẹt một que diêm và nghiêm trang chăm vào các ngọn nến trên mặt chiếc bánh hình quả tim có mấy bông hồng và dòng chữ Happy Birthday bằng kem trắng. Dũng mời Hương:
- Mời Hương cùng thổi nến với anh.
Hương thấy không nên làm Dũng ngượng mặt trước các bạn, mặc dù Hương biết làm hành động đó, tức là gần như đã tự xác nhận mình là bồ của Dũng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Hương cùng thổi nến với Dũng. Hoàng râu cầm máy chụp hình có gắn flash tới. Anh ta nói:
- Khoan, ông bà chờ chút để thợ chụp hình canh máy cho suya đã.
Ánh đèn flash loé lên trong khi hai người cùng chúm môi thổi đèn. Mọi người vỗ tay chúc mừng. Có mấy người cất tiếng hát bài ca quen thuộc mừng sinh nhật:
- Happy Birthday to you…. (7)
Những tiếng hát chợt im bặt khi Dũng tái mặt. Vẫn còn một cây nến chưa tắt. Theo sự tin tưởng của nhiều người, đó là điềm không may cho người tổ chức sinh nhật. Dũng thổi mạnh lần thứ hai cho cây nến tắt hẳn. Anh quay qua Hương. Thật nhanh, cô ôm anh và hôn vào hai bên má, khiến Hoàng không kịp bấm ảnh. Hương nói nhỏ với Dũng:
- Mừng sinh nhật anh.
Dũng có vẻ không hài lòng. Hoàng la lên:
- Làm thủ tục lại đi Hương! Kỹ chút để tôi chụp cho đẹp. Mắc cỡ gì!
Những ngọn nến đã tắt hẳn rồi, chỉ còn vấn vương vài sợi khói mong manh. Hương lắc đầu lui ra:
- Thôi, kỳ lắm.
Dũng gỡ nến, cắt bánh và dành phần chiếc hoa lớn nhất cho Hương. Cũng đã khá lâu Hương mới có dịp nếm lại hương vị thơm ngát mùi kem sữa, vani. Từng miếng bánh nhỏ, mềm, xốp, như tan ra trên lưỡi cô, mới dễ chịu làm sao. Hương nghĩ đến những bữa ăn chánh bằng bột mì luộc chấm nước muối loãng ở đơn vị. Nỗi phiền muộn trong Hương dâng cao; khi từ phút đó, câu chuyện hoàn toàn xoay quanh những vấn đề thời sự, như để tóc dài lúc này đã hết bị xét hỏi, giá cho một chỗ vượt biên bây giờ là bao nhiêu, Elvis Presley vừa bị chết như thế nào, đài VOA vừa phát một bài mới của Phạm Duy do Khánh Ly hát, hay quá…
Hương hoàn toàn không thể tham gia vào các mẩu chuyện ấy. Điều đó càng làm cô cảm thấy xa lạ hơn trong cái không khí này. Cô lại nghĩ tới những buổi họp mỗi tối ở đơn vị. Những người trẻ, trẻ hơn rất nhiều so với những người đang có mặt trong bàn tiệc này, khi ngồi lại với nhau hàng đêm trong ánh đèn dầu tù mù, lại chỉ bàn cách làm sao cho tăng năng suất đào đắp, cho sống được đàng hoàng hơn… Giờ này, trên ấy, có ai thay Hương đứng lớp cho anh em? Phượng đã viết được chữ “khúc khuỷu” cho đúng chưa? Không hiểu sao cô bé lại có ác cảm với chữ K như vậy! Còn Hoa, đã trả lời lá thư tự “vẽ” của Tý chưa? Tình yêu của Dũng dành cho Hương, bằng bao nhiêu phần trăm cái tình của Tý dành cho Hoa, khi mỗi chiều về, anh ta đều tự nguyện tới nhà bếp chẻ hết củi cho cô chị nuôi ấy đỡ cực hơn? Những lá thư bóng bẩy, êm ái viết trên giấy trắng có in hoa chim và tẩm dầu thơm của Dũng, có giá trị cỡ nào so với ba chữ “anh yêu em” giản dị viết như cua bò trên giấy tập vàng ệch của Tý?
Tiếng nút sâm-banh nổ cắt đứt luồng suy nghĩ của Hương. Thuý vuốt Dũng:
- Cha, lúc này mà vẫn có sâm-banh mừng sinh nhật là còn sang quá!
Giọng Thành tiếc rẻ:
- Thuý nhớ sinh nhật năm 74 của Dũng, hắn nổ mấy chai sâm-banh không? Hôm đó Hoàng râu say quá, cầm cả một chai đổ lên người con ca sĩ Rita rồi ôm mà liếm, mình cười muốn chết tới giờ vẫn chưa quên được đó. Nhạc sống thì có đủ hai ban số một Sài Gòn lúc đó, C.B.C. và Blue Jades. Bây giờ vầy mà nghĩa lý gì.
Dũng vờ nhũn nhặn:
- Muốn như trước cũng được thôi, nhưng mình phải cần kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ!
Cả bọn, trừ Hương, bật cười hô hố khoái trá. Những mẩu chuyện bông đùa ấy trước đây Hương vẫn hưởng ứng đấy chứ. Nhưng hôm nay cô không cười được. Có một lần vào bữa cơm trưa ở hiện trường, nồi cơm vừa giở nắp đã bị một cơn lốc ụp tới, hốt thêm một lớp bụi chụp lên mà… Trong khi mọi người bị bất ngờ, còn nhìn nhau lẳng lặng, thì Mạnh đã thản nhiên lấy và hớt lớp cơm mặt và… bỏ vào chén mình, xong tiếp tục xới cơm bên dưới cho các bạn, không nói tiếng nào, Hương nhớ mình đã ngăn:
- Đừng anh!
Nhưng Mạnh cười, nháy mắt với cô:
- Không sao, ăn cát bổ… cát.
Hôm đó mọi người cùng cười, và Hương cũng đã không cười. Giờ cô nhớ lại tất cả những điều đó, nhớ lại cuộc đời cực nhọc được tóm tắt chỉ trong vài câu của Mạnh, với cuộc sống dư thừa phủ phê từ thuở nằm nôi của Dũng. Không hiểu sao cứ nhìn vào chiếc áo soa trắng toát không một nếp nhăn của Dũng, Hương lại cứ nhớ đến những chiếc áo vá của Mạnh. Mắt cô, lòng cô đều thấy xốn xang.
Mãi suy nghĩ, khi mọi người cùng nâng ly mừng sinh nhật Dũng. Hương mới lật đật đưa ly lên như một cái máy. Xong, Hoàng râu xô ghế đứng dậy:
- Thôi, xin mời các bạn, mình dẹp bớt bàn ghế vào một góc, làm vài đường cho giãn gân cốt đi. Lâu quá rồi!
Dường như mọi người đều đang chờ câu nói đó. Trong khi họ nhộn nhịp đứng lên khiêng bàn ghế, Dũng đi lại chiếc Akai thay một cuộn băng mới. Căn phòng đã trống hẳn một khoảng. Cuộn băng bắt đầu bằng một bản pa-sô-đốp, đúng “thủ tục” chính thống của một buổi khiêu vũ. Dũng đến mời Hương. Gần hai năm không nhảy, chân cô hơi cứng, trong khi chân Dũng vẫn bước rất nhẹ nhàng, uyển chuyển, chứng tỏ anh không bỏ trò vui này. Trong tiếng nhạc dào dạt đuổi nhau, từng cặp rồi từng cặp bước ra. Băng nhạc chuyển sang điệu slow. Bài Reflections fo my life (8) của ban Marmalades, một bài hát mà trước kia Hương rất thích. Bây giờ vẫn điệu nhạc quyến rũ đó, vẫn lời hát nồng nàn tha thiết từng có lúc làm Hương muốn chết theo đó, nhưng bây giờ Hương nghe có cảm giác khác.
“…. The world is a bad place, a terrible place to live.
Oh, but I don’t want to die…” (9)
Dù không hề muốn so sánh, Hương vẫn phải nghĩ đến lời của một bài hát sinh hoạt tập thể, dựa theo một quan niệm sống của tác giả Thép đã tôi thế đấy, đã được rất nhiều người trên thế giới noi theo, trong đó có Mạnh với những dòng gạch dưới đậm nét trong cuốn sách đầu tiên anh đã cho Hương mượn đọc. Bài hát có những lời Hương không học, nhưng vẫn nhớ vì phải nghe thường ngày:
“… Đời ta chỉ sống có một lần thôi
Cho nên cuốc sống quý giá vô cùng
Phải sống cho ra sống
Để chết đi không còn oán than gì
Chỉ thấy vui sướng khi đời mình sống hiến cho nhân dân…”
Những lời ca ấy chan chát đối chọi với những lời ca cũ kỹ đang sống lại trong căn phòng đóng rèm kia, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài này, làm Hương thấy tự dưng nhức buốt hai bên thái dương.
“… I can’t live, living without you…
I can’t live anymore….” (10)
Có tiếng bấm công tắc và ánh đèn tắt phụt, cả căn phòng chợt chìm trong bóng tối lạnh ngắt. Đây là một trò mà bọn con trai đi bal thường làm, trong những điệu slow. Đối với những người có tình ý với nhau, họ không phản đối chuyện đùa này. Những tên con trai ưa lợi dụng và những cô gái dễ dãi cũng vậy. Dũng ghì Hương sát vào anh. Cô đẩy anh ra và nói nhỏ:
- Anh đừng làm vậy. Hương không thích. Anh biết chỗ bật đèn, đi mở lại đi.
Vòng tay Dũng sau lưng Hương lỏng ra. Anh im lặng dìu Hương đến góc phòng. Ánh đèn sáng trưng được trả lại. Hương nhìn quanh và thấy những gương mặt còn đờ đẫn ngây ngất… Không hiểu sao Hương thấy choáng váng và thèm được thở khí trời ngoài kia.
Hương về ghế ngồi. Dũng đi theo. Cô nói riêng với anh.
- Hương mệt quá. Xin phép anh Hương về.
Dũng sửng sốt:
- Sao vậy? Mình mới bắt đầu mà!
Hương lắc đầu:
- Hương chịu không nổi nữa. Chắc tại hồi chiều đi xe mệt quá. Anh cứ ở đây chơi với các bạn. Hương đi xích lô về cũng được.
Dũng ngần ngừ một chút rồi nói:
- Thôi, để anh đưa Hương về vậy.
Bản nhạc sau vừa dứt, Hương chào tất cả:
- Các bạn ở chơi, mình mệt quá xin phép về trước.
Một vài người xôn xao, Hoàng râu bô bô:
- À, ông bà lại tính bỏ bạn bè đi “làm ăn” riêng phải không?
Hương không buồn cãi chính, đẩy cửa đi ra. Ở phía ngoài rồi mà cô vẫn còn nghe được tiếng Hoàng hỏi Dũng:
- Mày lấy chìa khoá phòng tao không? Tối nay tao ngủ đây cho…
Dũng đưa Hương đến tận nhà. Đối với Hương, anh vẫn tỏ ra đủ lịch sự và tôn trọng. Anh hẹn Hương sáng mai sẽ đến đón cô đi phố chơi như đã dự định.
*
Hương nghe tiếng Dũng hỏi mẹ ở phòng ngoài:
- Hương dậy chưa bác?
Và tiếng bà Cung trả lời:
- Rồi cháu. Không hiểu sao nó dậy từ bốn, năm giờ sáng lận. Lục đục không cho ai ngủ. Cháu chờ chút, bác đi gọi nó cho.
Dĩ nhiên bà Cung không thể hiểu được là những ngày vừa qua ở đơn vị đã tạo cho Hương một thói quen mới. Nghĩ cũng lạ. Đúng là con người có thể chịu đựng được tất cả, và khi đã trở thành thói quen thì thiếu vắng, lại cảm thấy khó chịu… Hương dậy sớm và vì không biết làm gì, cô đã đem những cuốn album cũ ra coi lại, càng coi càng nhớ những ngày đã qua, nhất là nhớ Oanh, cô bạn thân giờ không biết đã ở tận nơi nào…
Sáng nay, Hương mặc một chiếc áo dài màu vàng tươi rực rỡ. Tự dưng cô muốn diện, muốn mặc đẹp cho bỏ những ngày lam lũ, và muốn thấy, dù sao đi nữa, mình vẫn xinh đẹp. Nhưng Dũng đã hiểu lầm điều đó. Anh biết Hương chỉ mặc áo dài trong những dịp quan trọng, nên có vẻ mừng lắm, xuýt xoa:
- Tiếc quá! Sáng nay ba anh lấy xe đi mất, Hương đẹp như thế này phải đi xe hơi mới đúng.
Bà Cung vẫn còn đứng đó. Bà nhìn con gái có vẻ hài lòng, và Hương thấy mẹ cũng đã hiểu lầm mình. Bà nói nửa đùa nửa thật:
- Thì cậu cứ mua riêng một chiếc mà đi.
Dũng nhìn sang Hương, cũng nửa thật nửa đùa:
- Cái đó là tuỳ Hương thôi bác.
Dũng và Hương đi ra cổng. Bà Cung cũng đi theo để đóng cổng. Nhìn thấy ở lề đường đối diện, phía trước văn phòng Uỷ ban phường, có một đám đông, đang tụ tập, tay cầm cuốc xẻng, Hương hỏi mẹ:
- Xóm mình hôm nay đi thuỷ lợi hả má?
- Ờ, đâu ở Lê Minh Xuân đó.
- Nhà mình có ai đi không?
- Không, ba má lớn tuổi rồi, được miễn. Thằng Phước thì đi theo trường.
Dũng xen vào:
- Đi làm gì cho mệt bác. Ở cơ quan cháu cũng bày đặt tổ chức đi. Cháu nhờ người khác đi thay cho xong.
Bà Cung ngây thơ:
- Ai mà tử tế vậy?
Dũng cười:
- Tử tế gì bác? Kẻ có công, người có của vậy mà… Thời nào cũng vậy. Hồi xưa cái vụ Nhân dân tự vệ, cháu cũng đâu phải gác đêm nào.
Hương im lặng nhìn Dũng, cảm thấy anh có điều gì đó quá xa lạ. Dĩ nhiên anh có thể dùng tiền của mình để đổi lấy những việc làm đó, nhưng khoe khoang như vậy có hay ho gì?
Bà Cung thở dài:
- Bác cũng đã nói thằng Phước như thế, tốn kém là bao nhiêu! Nhưng nó không chịu. Nó nói anh em ai cũng đi hết, mình ở nhà coi sao được? Thằng đó cứng đầu lắm. Mình yếu sức với lại đâu quen cực khổ, sao so bì với người ta được!
Hương nhìn sang mẹ, cười thầm. Nếu bà biết Hương đã ngập mình dưới dòng kinh đục ngầu đang đào, nước lên gần tới ngực như thế nào, chắc bà đã có cái nhìn khác hẳn dành cho cô con gái trước giờ cưng như trứng mỏng, và cũng không phải lo ngại nhiều cho Phước nữa. Có thể là lỗi tại Hương. Để tránh cho cha mẹ khỏi lo âu, cô chỉ nói là mình làm y tá, suốt ngày ở văn phòng, thỉnh thoảng mới ra hiện trường ngồi nhìn anh em…
Và bất chợt Hương lại nhớ đến không khí của hiện trường mỗi ngày. Nhớ những tiếng reo cười, tiếng đập nước, tiếng hò… trên con kinh đang loang lở hiện dần. Sáng nay, trong khi Hương diện áo dài đẹp, xức nước hoa Muguet đi chơi với Dũng, thì ở đó mọi người đã ra đồng từ sớm, và tiếp tục làm công việc mọi ngày, vẫn tiếp tục xúc đất, bắn leng, đào đắp… Chị nuôi vẫn phải gánh cơm ra tận nơi, qua bao bờ vũng bờ thửa gập ghềnh. Mạnh vẫn phơi chiếc lưng trần đen mun ở những đoạn khó ăn nhất, và sẽ là một trong những người rời hiện trường sau cùng…
Trời sáng nay thật đẹp với vài cụm mây trắng nõn, nhàn nhã bay trên nền trời xanh ngắt. Nhưng điều đó cũng có nghĩa ở trên kia sẽ có nắng gay gắt, nắng hun nóng những cán leng nhớp mồ hôi trên tay, nắng đun dòng nước đục dưới kinh tưởng chừng bốc khói, và nắng đổ lửa trên những tấm lưng trần… Hương luôn yêu cầu mọi người phải mặc áo, nhưng hai bộ đồng phục một năm không đủ cho mỗi người chịu nổi hai mùa nắng mưa, đó là chưa kể những chàng đào ngủ bao giờ cũng thường “cầm nhầm” theo vài bộ quần áo của anh em.
Hương liếc sang Dũng. Anh mặc một chiếc sơmi tê-tơ-rông màu hồng thật nhạt, phù hợp với chiếc quần nỉ đen và lan da trắng hồng của anh, làm anh trông càng sáng hơn. Những bắp thịt nở nang của anh, nổi hẳn dưới làn vải mỏng, và toàn bộ con người anh hiện lên đầy vẻ khoẻ mạnh, yêu đời.
Khi xe đã chạy đi, Dũng quay lại hào hứng nói với Hương:
- Anh đề nghị chương trình hôm nay như sau: bây giờ mình đi ăn sáng, sau đó đi phố chơi và mua sắm chút ít, ăn kem, trưa về nhà ăn sinh nhật anh tổ chức riêng trong gia đình, chiều đi xem hát, tối mình đi nhà hàng ăn sinh nhật riêng giữa hai đứa… Chịu không?
Đó là một chương trình nghe qua rất hấp dẫn, nhất là trong thời buổi này. Nhưng Hương không thấy hứng thú lắm.
Hương nói:
- Hương chỉ có thể đi phố với anh sáng nay. Hương còn mệt lắm, mà chiều nay đã phải lên rồi.
Dũng xịu mặt:
- Sao lên sớm vậy? Nếu sợ sáng lên không kịp thì anh sẽ dậy sớm đến đưa Hương lên tận nơi.
Hương tìm cớ từ chối:
- Hương phải lên để tối nay họp.
Dũng bực bội:
- Họp, họp, họp! Chuyện ai thì người nấy làm. Cứ sợ trách nhiệm, chuyện gì cũng đem ra họp!
Hương ngạc nhiên:
- Kìa, anh! Thì mình ở trong tổ chức như vậy, phải chịu chứ sao. Chẳng lẽ anh muốn Hương bị phê bình trước mọi người sao? Và thí dụ như Hương không xin về được thì sao?
Dũng thở dài:
- Nhưng vậy là bể kế hoạch của anh rồi… Thôi, vậy ăn trưa ở nhà anh, rồi anh đưa Hương đi.
Hương lại phải nói dối một lần nữa:
- Hương xin được từ chối anh lần này. Hôm qua tới giờ Hương chưa gặp ba, cũng chưa ăn ở nhà miếng cơm nào. Hồi sáng má đã dặn trưa phải về ăn cơm. Má đã đi chợ và chắc chắn cả nhà sẽ đợi. Hương đã hẹn với má trễ nhất là 12 giờ sẽ về.
Hương đã ăn cơm ở nhà Dũng một lần, và vẫn chưa quên cái khung cảnh ở đó. Nhà Dũng không ăn đũa, chỉ dùng muỗng nĩa. Riêng ba Dũng lần đó không ăn cơm, chỉ ăn thức ăn với một chút bánh mì, và uống rượu vang. Cả nhà Dũng chỉ dùng nước chấm Magi, không ăn nước mắm Việt Nam. Dù cho những món ăn rất ngon do hai người bếp thay nhau phục vụ, dù cho phòng ăn rất sạch sẽ, lịch sự, dưới cánh quạt trần quay tít và trong tiếng nhạc nhẹ êm đềm phát ra từ bộ Sansui hiện đại nhất. Ngay từ lần đó, Hương đã thấy không thoải mái, huống hồ gì bây giờ? Làm sao họ không biết là gia đình Hương đã suy sụp, Hương đã đi Thanh niên xung phong, nghèo túng và cực khổ? Hương không thích bất cứ cặp mắt nào nhìn Hương với vẻ thương hại hay coi thường, dù thực sự cô cũng không muốn cuộc đồi mình phải như hôm nay. Nhưng có ai quyết định được số phận của mình!
Dũng có vẻ tức giận. Anh ngừng xe lại ở một ngã tư dù đèn hiện đang xanh:
- Như vậy là sao? Đêm qua anh đã dặn Hương rồi. Hôm qua và hôm nay là sinh nhật anh mà Hương không làm anh vui gì cả. Anh đã chờ Hương như thế nào, Hương biết không? Thành phố này giờ còn có gì vui, nếu không có Hương?
Suýt chút nữa thì cái giọng nhỏ nhẹ, ngọt ngào của Dũng ở những câu chót đã thuyết phục được Hương, nếu cô không nhớ lại những bước nhảy điêu luyện đêm qua, những ván bài đáng giá hàng trăm đồng, những cô gái rất sẵn sàng ngã vào vòng tay người khác, cái không khí ăn chơi vẫn vui vẻ và cuồng nhiệt trong căn phòng Dũng… Tự dưng Hương thấy mệt mỏi, không buồn cho Dũng biết là để về đi chơi với Dũng đêm qua và sáng nay. Hương đã nói dối và ray rứt về điều đó như thế nào, Hương chỉ nói:
- Anh không hiểu cho Hương, Hương còn nhiều việc khác phải làm nữa. Hương không thể dành hết thời gian cho anh được. Hương hẹn với anh khi khác vậy…
Dũng cho xe chạy đi. Rõ ràng anh đã mất vui…
*
Đường phố Sài Gòn sáng nay vẫn đông đảo, tràn ngập màu sắc và âm thanh của một ngày Chủ nhật tươi hồng. Nhưng lòng Hương bộn bề trăm nỗi, nên đi bên Dũng mà Hương thấy tâm trí mình đang để tận đâu đâu. Mấy lần Hương đã suýt va vào những người bán hàng ngồi hỗn độn trên lề đường. Dũng cũng thấy điều đó. Anh hỏi:
- Sáng nay Hương sao lạ vậy? Nhất là từ lúc ăn sáng. Sao vậy? Hương mệt hay sao?
Không, không phải chỉ từ lúc ăn sáng. Mặc dù chính từ lúc đó, Hương càng có dịp kiểm nghiệm lại mình hơn. Tô phở gà đặc biệt ở Hiền Vương, vẫn giữ nguyên chất lượng như ngày xưa, nhưng Hương nuốt không muốn trôi. Đó không phải là chuyện khẩu vị. Làm sao vị giác Hương lại không biết tô phở này với đầy đủ những hương vị của nó, là ngon hơn hẳn một chén bột hấp ăn với chút nước muối có pha hành mỡ, một chén mì hạt rắc mấy miếng khô cá vụn, hoặc mấy củ khoai cắn với miếng đường đen? Nhưng Hương vẫn không thể quên ở một nơi không xa lắm nơi đây, có những người từ mờ sáng đã xách cuốc ra đồng, sau khi ăn qua loa bữa điểm tâm đạm bạc. Thậm chí ngay trước mặt Hương bây giờ, vẫn có những ông bà già, những đứa bé đứng thèm thuồng nhìn, chờ cô vừa buông bát là xông tới dành nhau chút gì còn thừa để trút vào chiếc lon mang theo bên mình.
Cảm giác ray rứt như có lỗi cứ lớn dần trong Hương. Cô thừ người ra, biết không thể giải thích cho Dũng hiểu được những suy nghĩ của mình, và chỉ nói:
- Hương có hơi mệt. Và còn nhiều chuyện đang lo, chưa giải quyết được.
Hương không nói dối Dũng điều đó. Quả thật Hương chưa giải quyết được cho mình một sự lựa chọn dứt khoát. Hương vừa luyến tiếc cuộc sống êm đềm đầy đủ trước đây, lại vừa thấy như vậy là không hợp lý. Bấy lâu nay Hương cứ sống mãi trogn nỗi dằn vặt đó.
…Hương im lặng đi bên Dũng, rất đẹp đôi, giữa dòng người rực rỡ đủ màu áo trên phố đông.
Bỗng dưng ở phía trước họ, có tiếng kêu “Cướp! Cướp!” Nhiều người dạt ra, nhường đường cho một gã mặc áo carô vội vã chạy, tay cầm một cái xách tay bằng da. Từ khoảng cách độ 10 mét, Dũng và Hương đã thấy hắn. Chỉ cần chạy khoảng 20 mét nữa, hắn đã lọt vào khu vực chợ trời, và lúc đó thì kể như vô phương tìm kiếm. Gã thanh niên nhỏ con hơn Dũng. Hương nhìn anh, chờ đợi. Rất nhanh, Dũng nắm tay Hương, kéo sát vào lề đường. Vòng tay rắn chắc của anh quàng qua vai Hương, che chở. Tên cướp chạy lướt qua hai người. Vừa lúc ấy, hai bóng người từ đâu đã xô tới, lao vào hắn. Hắn té lăn trên lề đường và bị hai người ấy ôm chặt. Hương chỉ dám liếc qua và vội quay mặt đi chỗ khác. Đó là hai cô gái mặc đồng phục Thanh niên xung phong, có lẽ đang đi dạo phố sau lưng Hương và Dũng. Mấy cuốn sách mới mua và bịch xơ-ri đang ăn dở, rơi xuống tung toé…
Tên cướp đấm mạnh vào mặt một cô gái, rồi vùng lên, xô văng cô thứ hai. Hắn toan chạy tiếp thì một thanh niên khác đã bay tới, đá mạnh vào bụng hắn. Nhiều người khác cũng xúm lại và lần này thì hắn đành thúc thủ. Khi đám đông điệu tên cướp đi, hai cô gái vui vẻ nhặt những món đồ của mình bị rơi vãi, Dũng cũng nắm tay Hương tiếp tục đi tới. Anh bình luận:
- Thằng đó ngu thiệt. Giữa phố đông người như vậy mà dám giựt đồ…
Hương rút mạnh tay ra khỏi tay Dũng. Vâng, phố đông người thật, nhưng xem như vắng hoe, nếu mọi người đều như Dũng. Dũng đã từng khoe Hương là anh có võ, dư sức bảo vệ Hương. Anh cao 1 mét 7, nặng gần 60 ký, khoẻ mạnh, lực lưỡng. Một chứ hai tên cướp như vậy, cũng không đáng sợ đối với anh. Tại sao anh lại nép người, nhường đường cho hắn chạy qua?
Hương còn tự thẹn về mình. Tại sao cô quay mặt đi khi thấy đó là hai cô Thanh niên xung phong? Phải chăng tất cả chỉ bắt đầu bằng một lời nói dối xin về, đưa đến ray rứt mãi tới giờ?
Không khi giữa hai người trở nên hết sức nặngt nề, từ phút ấy cho đến lúc chia tay, Dũng lẩn tránh những cái nhìn của Hương. Anh không hiểu sao mắt cô bỗng nhìn anh khác hẳn. Việc gì chẳng liên quan đến mình thì không nên can thiệp. Cách sống đó của anh có gì sai mà Hương có vẻ không bằng lòng? Chung quanh anh, ai cũng sống như vậy kia mà? Liều mình như hai cô gái kia có ích lợi gì, chưa nói là có thể mang hoạ vào thân, hay bị thù oán?
Họ lặng lẽ chia tay nhau ở cổng nhà Hương. Xe Dũng chạy đi, để lại một làn khói mỏng tan dần lên không. Hương đứng nhìn theo Dũng cho đến khi mất hút. Không, không phải cô luyến tiếc anh. Đã thật sự hết rồi. Ngày hôm nay không pảhi là một kết thúc bất ngờ. Đó chỉ là những đương nhiên phải đến, từ khi Hương bắt đầu ra đi sống một cuộc đời mới. Những mẫu số chung vốn rất ít của họ cũng đã tan thành khói mất rồi.
Hương nhìn theo Dũng, như người nhìn lại một dĩ vãng xa xôi. Những chiếc lá khô trên mặt đường trỗi dậy lao xao, như để tiễn anh lần cuối cùng….
---
1) Vĩnh biệt người bạn của tôi.
2) Tiếp tục mang gánh nặng đó. Bao lâu?
3) Một nụ hôn cuối
4) Tái bút (post scriptum)
5) Tại sao?
6) Và tôi muốn biết, mãi muốn biết, ai sẽ làm ngừng cơn mưa?
7) Chúc bạn sinh nhật vui vẻ…
8) Những suy nghĩ về đời tôi.
9) Trái đất là một nơi tồi tệ để sống. Ôi, nhưng tôi không muốn chết.
10) Tôi không thể sống thiếu em. Tôi không thể sống lâu hơn chút nào nữa…