7.
Tác giả: Nguyễn Đông Thức
Đ ầu năm 1978, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhận thực hiện một công trình lớn: đào đắp một con kinh dài 2.500 mét ở khu vực giữa ba xã Trung Mỹ Tây, Đông Thạnh và Tân Thới Hiệp, lấy nước tưới cho 1.900 hecta đất thuộc huyện Hóc Môn. Tuyến kinh này có bề ngang hẹp, đáy rộng chỉ 2 mét rưỡi, nên không thể đào bằng xáng mà phải dùng biện pháp thủ công, thời gian lại chỉ có đúng 15 ngày cho kịp thời vụ, bắt buộc phải huy động một khối lượng lao động rất lớn: 15.000 thanh niên thuộc 17 quận huyện nội ngoại thành đã tình nguyện có mặt lao động ngày đêm ở công trình lịch sử mang tên Trần Quang Cơ, người bí thư đầu tiên của Thành đoàn này. Riêng đoạn S1 khó đào nhất, ở cuối con kinh, sâu đến 5 mét, được giao cho 1.000 Thanh niên xung phong thuộc hai Tổng đội 4 và 7, điều về từ tuyến kinh Ba Gia ở Củ Chi và nông trường Lê Minh Xuân ở Bình Chánh.
Đó là 15 ngày đáng nhớ trong đời Hương.
Cô đã trở về đơn vị và sau một thời gian, lại một lần nữa cùng cả liên đội dời quân về Ba Gia, bắt đầu một tuyến kinh mới cho 3.300 hecta ruộng của hai xã Phú Hòa Đông và Nhuận Đức, để lại sau lưng mình con kinh tưới cấp 1 Tam Tân dài 8.500 mét và 15.000 mét kinh cấp 2, kết quả của suốt 9 tháng lao động cật lực của 5 liên đội Thanh niên xung phong trong đó có Liên đội cơ động 7 của Hương. Ngày nhổ trại, nhiều anh em trong Liên đội đã ra đứng tần ngần nhìn dòng kinh êm đềm dài mút mắt trước mặt. Con kinh thẳng tắp soi chiếu mây trời. Gió gợn sóng lăn tăn. Mấy cánh cò chao liệng. Bao nhọc nhằn ác liệt tưởng không kham nổi đã qua. Mỗi người cảm thấy mình như lớn hơn trong cuộc sống. Có chút gì đó tự hào và hạnh phúc đến cay cay mắt.
Đoàn xe đưa họ chạy qua những con đường làng để ra quốc lộ 1. Mỗi căn nhà dân trong vùng có nhiều nhà trước đây phản đối rất quyết liệt sự có mặt của họ, nay đều có người ra đứng vẫy chào, lưu luyến. Chính cuộc sống quá gian khổ và thái độ lao động hết mình của các đội viên, cuối cùng đã thuyết phục được mọi tấm lòng nhỏ nhen, nghi kỵ. Lẽ gì mà họ chịu cực khổ như vậy, nếu không vì một niềm tin vững chắc là mình đang làm một điều gì đó rất tốt đẹp cho mọi người?
Từ ngày trở lại đơn vị, Hương càng lặng lẽ hơn. Cô lao vào công việc hết mình. Những giờ ở hiện trường, Hương lao động như một đội viên tích cực nhất. Cô cắt tóc ngắn, thản nhiên nhìn da mình nâu dần dưới nắng Củ Chi, lòng tay chai và các sớ thịt săn chắc lại. Cô đã được mọi người nhìn nhận như một đồng đội thực sự, và dưới ánh mắt nhiều người, Hương chỉ càng đẹp hơn. Lao động không hủy hoại nhan sắc. Và lao động lại càng không phải là phương thuốc để trốn chạy một ám ảnh nào đó. Tự bản thân nó, lao động hoàn thiện mọi người... Hương đã dần dần bắt nhịp trở lại với nhịp đời mạnh mẽ quanh cô.
*
Sáng sớm ngày 15 tháng Giêng.
Trên con đường làng số 8 chạy từ đường số 6 ra ngã tư Trung Chánh, đã có mười mấy nghìn con người đứng kín. Họ đang chuẩn bị cho lễ ra quân vào đại công trường thủ công Trần Quang Cơ.
Nắng đã lên nhưng trong không khí vẫn bàng bạc một thư sương mù mong manh như hơi thở nhẹ của đất. Những con người đứng trong lớp sương sáng rực ấy cũng toát ra một vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết. Ánh sáng viền qua thân họ, rực lên một lớp bụi vàng li ti.
Mọi vật thu lại như tranh vẽ. Màu áo xanh dương thẫm của Thanh niên xung phong chợt biến thành tím than, điểm thêm xắc xám của mũ tai bèo, cuốc, leng, và cán xẻng, trên khoảng trời xanh phớt tím. Gốc rạ dưới ruộng cũng ánh lên sắc vàng tươi, trên mặt đất nâu đen làm chấm chồi cỏ xanh non.
Người đàn ông tóc hoa râm, đeo kính trắng, mặc quần áo Thanh niên xung phong màu rêu nhạt, đang đứng trước một chiếc trống lớn. Phía sau ông là hàng loạt những micro dựng đứng, rồi những cán bộ quan trọng của thành phố, bên cạnh ông là một dây pháo dài treo trên đầu một cây leng được cầm chắc, đưa cao. Mười mấy nghìn cặp mắt hưởng thẳng về ông. Hương nhìn ông không chớp mắt. Vịn vai Hương, Mai đang rướn người lên, hét ầm: “Chú Sáu kìa!”. Hương nghe đằng sau mình tiếng reo mừng lao xao. Nhiều người nhón chân tại chỗ hoặc len lên để nhìn cho rõ “chú Sáu” một chút.
Ông đang kết thúc bài diễn văn. Không khí như sôi lên sau mỗi câu ông hỏi:
- Cuộc ra quân này là cuộc ra quân nối tiếp những cuộc ra quân trước với khí thế mới, nhưng không là cuối cùng, mà sẽ còn những lần như thế này và lớn hơn nữa. Lực lượng tuổi trẻ có đồng ý như thế không?
- Lực lượng tuổi trẻ ra quân thì nhất định phải thắng, thắng nhanh, thắng dòn dã, thắng dứt điểm, lần sau thắng mạnh hơn lần trước. Lực lượng tuổi trẻ có đồng ý như thế không?
Cả cánh đồng vang dội hai chữ “Đồng ý” từng chập. Giọng ông thật hùng hồn mà sao vẫn rất ấm, rất thân tình. Hương chỉ mới nhìn thấy hình ảnh ông đang phất cờ, cánh tay khỏe, chắc, trong ngày ra quân Thanh niên xung phong năm 1976. Nhưng Hương “biết” ông nhiều vì ông luôn có mặt trong những câu chuyện hàng ngày của anh em, một đêm đốt lửa tâm tình, một bữa ăn trưa nơi hiện trường, cả khi té nước trêu đùa nhau dưới dòng kinh. “Chú Sáu nói...”, “Phải chi chú Sáu biết...”, “Tôi sẽ viết thư cho chú Sáu...”. Con người có vẻ như có đủ phép thần thông giải quyết được đủ thứ chuyện trên đời ấy, giờ đang đứng cách Hương không tới 5 mét, trong một dáng dấp bình dị, thân thuộc. Mái tóc trắng của ông nhẹ bay trong gió sớm mai, đôi mắt cười, cái miệng cười rất trẻ so với màu tóc trắng, và giọng nói, giọng nói thì thật là gần gũi, thân tình.
Mọi người nín thở theo dõi ông. Kìa, ông đã giơ cao hai dùi trống. Hồi trống bắt đầu bằng những tiếng chắc nịch, đanh thép, rồi từ từ dồn đập như sấm vang, như thác đổ. Trong tiếng vỗ tay, tiếng reo hò tở mở, hồi trống càng lúc càng mạnh mẽ hơn, thôi thúc hơn. Để bắt kịp nhịp trống, những trái tim đập nhanh hơn, đẩy dòng máu nóng chảy cuồn cuộn trong huyết quản mọi người. Những đôi mắt sâu sau một đêm chờ đợi đã sáng rực lên theo tiếng trống gọi. Mũ nón tới tập bay lên trời. Rồi rừng cờ đỏ và rừng người xôn xao chuyển động hẳn, khi tràng pháo lệnh được châm lên, nổ dòn tiếp theo hồi trống. Không biết tự lúc nào, đám đông đã ào lên thành một vòng tròn quanh người vừa đánh trống và châm pháo. Một sức mạnh vô địch đã được truyền vào từng con người có mặt trong buổi ra quân đầy khí thế này. Công trình Trần Quang Cơ chính thức vào trận.
Hương đứng xoạc chân trong bùn, bặm môi chuyền ky đất 30 kí đi qua. Một tuyến giao thông hào ở giữa tim con kinh đã thành hình và đất từ đó chuyền ra mé ngoài, qua tay đồng đội, qua tay Hương... Hai mươi loa phóng thanh mắc khắp hiện trường không ngừng phát ra những hiệu lệnh chiến đấu:
- Hôm nay bước sang ngày thứ hai của chiến dịch, quận đoàn X cần khẩn trương chiếm lĩnh mục tiêu, quận đoàn Y phải thanh toán cho kỳ được khu vực...
Lời nói cứ vang vang và hàng vạn lưỡi leng cứ cắm ngập xuống đất đen. Những cái lưng trần vác bao đất lớn qua lại như con coi, bùn hòa với mồ hôi ướt đẫm người. Hương vẫn bặm môi đón ky đất. Cánh tay, sống lưng, đôi chân cô rời rã. Ba mươi ký. Tới tấp, tới tấp. Tiếng loa lại vang vang:
- Các đồng chí Liên đội cơ động 7 đã quyết tâm hoàn thành kế hoạch trước thời hạn một ngày!
Một người trong đơn vị Hương la lên, tạo nên một tràng cười thoải mái:
- Thôi đi cha, khỏi nói cũng dư sức hoàn thành!
Như nghe được, tiếng nói trên loa chợt im bặt và thay vào đó, một dòng nhạc trong vắt và nhẹ như dấu chân chim đã cất lên. Nhưng khúc nhạc êm đềm mà vui rộn rã ấy chảy tràn trong không gian, lướt đi bồng bềnh qua những cánh tay, đang lao động khẩn trương, gấp rút.
Nắng lên cao hơn. Mảnh bùn trên bả vai những đội viên nam khô đi, nứt ra thành những mảnh li ti bám trên da như vỏ trứng khảm trên một bức sơn mài. Công trình không “dễ ăn” như đã tưởng. Hiện trường lúc đào sâu xuống hai mét đã gặp những vỉa đá ong dày từ một đến hai mét, từng nhát cúp loại cỡ sáu kí bổ xuống thật mạnh chỉ đủ làm văng ra vài viên đá to bằng đầu ngón tay. Mạnh cuốc gãy đến hai cây cúp, phải đổi qua dùng xà beng cỡ 9 kí to bằng bắp tay. Nửa tiếng thử sức với đá, cây xà beng trong tay anh cũng đã cong vòng. Nhiều anh em tay đã bị phồng rộp, rồi tuôn máu ra. Trong khi đó, nước từ các lỗ mội cứ tuôn ra ồng ộc, chậm tay một chút là đã lênh láng hiện trường. Nước bùn sền sệt, trộn với đá ong lổn nhổn, cuốc rất khó mà chuyển đất cũng chậm hẳn lại, từng bước đi dưới làn nước bùn ấy, bàn chân dẫm lên đá ong cứ như bị băm nát.
Hương vẫn bặm môi đón ky đất. Cánh tay, sống lưng, đôi chân cô rời rã. Ba mươi ký. Tới tấp, tới tấp. Tiếng loa vang vang bài hát Dứt điểm của Nguyễn Đức Tập, một đội viên cùng liên đội với Hương, đang được toàn đội văn công Thanh niên xung phong hợp ca phục vụ:
“Quyết thề quyết dứt điểm công trình đào kinh
Kinh dù sâu nhưng lòng ta đâu sá chi
Khi con kinh chưa xong chân tay ta bồn chồn
Khi con kinh chưa xong lòng ta như lửa cháy...”
Cánh tay, sống lưng, đôi chân Hương rời rã. Người cô ướt đẫm. Những sợi tóc mai dính bết vào đôi má đã sạm nắng. Tới tấp, tới tấp, những chiếc ky đầy ắp đất đã vội vã chuyền đến, vội vã chạy đi cho bắt kịp với dòng nhạc dồn dập của tuyến kinh lửa, cũng của Tập:
“Đoàn người dáng kiêu hùng
Về đây bên tuyến kinh lửa
Bàn tay nắm mặt trời.
Bàn chân dẫm nát than hồng.
Mặc lửa bỏng dầu sôi.
Đoàn người thề không bao giờ lùi bước
Tuyến kinh lửa!
Tay ta đã chai vết bầm.
Thì đá cũng phải nát tan
Tay ta vươn cho thật dài.
Xắn cho thẳng độ lài...”
Đến bậc cấp thứ tư thì nước càng ùa lên, trong khi còn phải mười mấy bậc nữa mới tới đáy. Mạnh tập họp ngay các đội trưởng lại hội ý. Họ đào một con rãnh ở giữa dẫn nước vào chỗ trũng “nhân tạo” đầu đoạn kinh và cho máy bơm hút lên. Thế là hiện trường luôn khô ráo. Sâu, sâu xuống nữa, nước càng nhiều. Lại bàn bạc, hội ý. Rồi từng lô đất, các tiểu đội bắt đầu đào một cái giếng sát con rãnh, nước trên bề mặt của hiện trường thoát vào giếng và có một người đứng đó phụ trách tát nước qua rãnh. Cứ thế, bao nhiêu nước đều lần lượt chui vào vòi máy bơm hết.
Những ky đất vẫn cứ tới tấp chạy. Giờ thì nó như không phải chỉ nặng 30 kí mà là 50 kí rồi 100 kí. Hương cong lưng, bặm môi. Dây chuyền không có quyền ngừng lại một giây nào cả. Ào ạt, ào ạt. Bờ đất hai bên cao dần. Bỗng có tiếng Phượng kêu lớn phía trên: - Chị Hương ơi, anh Nghĩa bị cuốc trúng chân. Chị Mai kêu chị về lán gấp!
Như cái máy, Hương giao ky đất, lảo đảo bước lên mấy bậc cấp. Nắng chói chang trước mắt cô. Cô cúi xuống lấy cái túi thuốc dã chiến đặt cạnh mấy can nước uống. Bất chợt cô thấy cả mặt đất quay cuồng và tối sầm lại bước chân mình nhẹ hẫng. Phượng sợ hãi hét:
- Trời ơi! Chị Hương xỉu kìa!
Những người đứng gần lao xao ngừng tay, chạy tới. Từ xa, Mạnh cũng đã thấy Hương ngã chúi. Anh như bay chứ không phải chạy. Phượng và một cô bạn nữa đã khiêng Hương chạy về phía lán dành cho nữ. Mạnh cầm cái túi thuốc đi theo. Trong khi đứng trước lán lo lắng chờ đợi Mai tìm cách làm Hương tỉnh lại, anh tần ngần ngắm nghía cái túi thuốc trên tay. Đó là một chiếc túi xách có quai đeo, có nắp cài, may bằng vải jeans, kiểu thường thấy ở Sài Gòn trước giải phóng. Túi đã bạc màu, mặt trước có thêu một dòng chữ bằng chỉ màu vàng, giờ cũng đã bạc trắng: “What is happiness?”. Hạnh phúc là gì? Đại khái những chiếc túi hồi đó là vậy, không những hình vẽ ngộ nghĩnh thì cũng những câu tiếng Anh, tiếng Pháp lẩm cẩm. “Hạnh phúc là gì?”. Thời đó họ không định nghĩa được sao mà phải đi đánh đố? Và Hương, giờ cô đã tự trả lời được câu hỏi này chưa? Có lần Mạnh đã hỏi Hương như vậy. Hương trả lời bằng một câu mà chỉ sau khi bỏ đi, Mạnh mới bàng hoàng nhận thấy hết vẻ bi thảm của nó:
- Hạnh phúc là cái mà tôi sẽ không bao giờ được có.
Sao vậy? Cuộc sống mới này sẽ không thể cho cô hạnh phúc? Vậy sao cô đã chấp nhận nó, đi vào nó ngày càng tự nhiên hơn? Hay chính cái tự nhiên đó lại là phản ứng của một kẻ đã quá chán chường, “sao cũng được mà đâu cũng vậy”? Không, có một điều gì đó không hợp lý ở đây, điều gì đó mà có thể chưa đến lúc Hương nói ra được.
Mạnh rất quan tâm đến Hương từ khi cô trở lại đơn vị, và suốt cả tháng đầu, anh vô cùng bứt rứt khi thấy cô cố tình tránh mặt anh, không muốn nói chuyện với anh, dù anh đã xin lỗi và đã tìm hết cách. Hương sống lặng lẽ, mặt buồn hiu, lao động thì hết mình như chẳng còn tiếc gì thân. Mạnh không tin chỉ vì những câu phê bình của anh buổi trưa nào, hoặc chỉ vì mặc cảm đào ngũ, mặc cảm bị công an bắt vì một tội lỗi vô tình tiếp tay. Chuyện gì đã xảy ra với cô trong khoảng thời gian chưa tới mười ngày ấy? Mạnh hỏi cô tại sao Hương ra chợ trời nhưng cô không nói. Có lần buổi tối qua phòng Hương xin thuốc, Mạnh thấy cô đang ngồi gục đầu lên tay khóc. Anh lặng lẽ bỏ về, lòng đau như muối xát. Trời ơi, Hương đang gặp chuyện gì đau đớn lắm sao? Mạnh không biết làm sao hơn là dặn Mai ráng theo chăm sóc Hương nhiều hơn. Đáng mừng là sống trong tập thể, Hương đã dần ổn định lại. Cô không còn xa lánh mọi người, không còn khó chịu khi đón nhận những chăm sóc của tập thể, của Mai, của Mạnh. Vâng, những chăm sóc của Mạnh... Làm sao Hương không biết chúng bắt nguồn từ đâu. Nhưng Mạnh càng quan tâm đến Hương, Hương càng thấy khổ tâm. Cô có còn đâu cái quyền được đáp ứng lại tình cảm thiêng liêng ấy.
Ở tuyến kinh này, Mạnh đã biết nhịp độ thi công rất khẩn trương, có thể sẽ có nhiều anh em không chịu đựng nổi. Anh phân công Hương khỏi phải tham gia lao động để chuyên chăm sóc sức khỏe cho anh em, nhưng cô không nghe. Quay qua quay lại, Mạnh đã thấy Hương đang ở giữa một dây chuyền đất nào đó.
Đó là công việc nhẹ nhất, nhưng một phút ít nhất cũng sáu ky đất qua tay, là 180 kí, một giờ cũng cả vạn kí. Mạnh thấy trước Hương sẽ không chịu nổi, nhưng anh nghĩ là Hương sẽ chỉ tham gia cho đến bao giờ thấy vừa sức thì thôi. Không ngờ... Mạnh tự trách mình đã không dám dứt khoát với Hương. Hình như từ lần ấy, anh đã quá gượng nhẹ với cô chăng? Sao vậy?
Phượng từ trong lán chui ra, tươi tỉnh:
- Xong rồi! Chị Hương khỏe lại rồi!
Mạnh lúng túng. Anh muốn vào thăm Hương quá nhưng lại ngại, thì đã thấy Hương đi ra. Cô đã được thay bộ quần áo khô, mặt còn nhợt nhạt, nói vội với Phượng:
- Phượng chạy tìm giùm chị cái túi thuốc đi.
Phượng ranh mãnh chỉ Mạnh:
- Khỏi lo! Có người giữ cho chị rồi.
Con nhỏ chạy biến đi. Hương và Mạnh đứng nhìn nhau. Mắt Mạnh ngập ứ ánh thương xót, nồng nàn. Mắt Hương nặng trĩu một nỗi buồn không sao bày tỏ...
*
Đêm xuống. Trăng non hình lưỡi liềm vừa nhô lên, lại bị mắc trong đám mây, mù mờ. Điện chưa bắt được. Chân người chạy đi chạy lại. Chỉ trong chốc lát đã thấy hai hàng đuốc cắm dọc trên tuyến kinh, hắt xuống lòng kinh, hắt lên thân người một thứ ánh sáng nóng. Nhưng khó mà biết được là lửa thôi thúc người, hay những thao tác say sưa của con người đã giục lửa bùng lên, cao ngọn. Cúp quật xuống, xẻng ủi tới, hắt đất vào những chiếc bao đay đang há miệng, bao ngốn đầy đất nhảy lên một bờ vai lực lưỡng vừa cúi xuống, vượt qua các bậc cấp, biến vào bóng đêm. Lòng kinh ngày càng sâu xuống. Và con kinh khoét sâu vào đêm một vệt sáng khổng lồ lô nhô ngàn đốm lửa đỏ rực. Máy bơm chạy xình xịch hút nước. Đất hiện ra bên dưới tới đâu, lưỡi leng tua tủa cắm ngập xuống tới đó...
Càng về khuya, tiến độ thi công càng khẩn trương. Đêm nay phải là đêm dứt điểm. Loa phóng thanh lúc thì động viên: “Chiến thắng sát nách rồi, các đồng chí ơi!”. Lúc lại vang vang bài ca “Con kinh ta đào” quen thuộc. Rồi một câu khẩu hiệu bật lên:
- Vì công trình Trần Quang Cơ, vì danh dự của đội ngũ, các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!
- Tiến lên!
Từ dưới lòng kinh sâu, tiếng hô đáp lại đồng loạt như một cơn gió xoáy thổi lên, chạy dài trên mặt kinh, mất hút.
Đất chuyển lên hai bên thân kinh đã cao như những ngọn núi nhỏ. Lớp đất sét trắng lẫn với bùn non và nước bít kín những bậc tam cấp trơn như mỡ. Bức tranh bốn màu: đen của bùn, vàng của cát, trắng của đất sét và đỏ của đá ong, giờ trộn vào nhau thành một bức tranh sơn dầu nóng rực.
Đạo trợt té ở bậc cấp thứ năm. Anh đứng dậy bằng hai đầu gối, xốc lại bao đất 50 kí, một tay giữ bao, một tay chống, đứng hẳn dậy, tiếp tục leo lên. Nước lẫn máu đá ong chảy dài xuống tấm lưng trần của anh, đỏ như một dòng máu. Gió thổi mạnh buốt. Thế mà không có người nào trong số họ khô được một phân vuông trên da.
Lên tới giữa ngọn “núi” đất, Đạo lắc vai một cái cho bao đất rơi xuống. Anh chạy ngay xuống lòng kinh để vác một bao khác. Một giờ đều đặn 50 bao. Mỗi bao xấp xỉ 50 kí. Liên tục như thế trong 12 giờ, tám ban ngày và bốn ban đêm. Đó là những con số để Sáng tính. Đạo không cần biết giờ giấc, ngày đêm. Đồng đội còn làm thì anh còn cố gắng.
Đạo đã khỏe lại. Sau vụ trộm thuốc lần đó, dù tỉnh ngộ kịp thời, anh vẫn cảm thấy mình khó mà chuộc tội. Hơn cả Mạnh, nét mặt ủ dột của Hương từ sau ngày lên lại đơn vị, đã làm Đạo mất ăn mất ngủ. Anh mơ hồ cảm thấy chính vì mình mà Hương đã phải chịu đựng một điều gì đó rất nặng nề. Nhưng Hương không nói chuyện nhiều với Đạo như trước. Một phần cũng vì anh đã được biên chế trở lại đội, cũng chẳng có mấy dịp để gặp cô. Mà gặp thì thậm chí có lần Hương đã nhìn đi nơi khác.
Hôm qua, Hương ngất ngay trên bờ kinh. Đạo có nhìn thấy. Anh đang ở bên bờ đối diện, đã buông cuốc xuống nhưng rồi thấy Mạnh chạy tới, và anh mơ hồ hiểu sự quan tâm của Mạnh dành cho Hương có gì đó khác hơn sự quan tâm thông thường Mạnh vẫn dành cho mọi người. Đạo lặng lẽ quay lại với công việc. Những nhát cuốc của anh bập mạnh vào đá, tóe lửa...
Tiếng loa vẫn vang vang, giục giã:
- Bây giờ là 0 giờ. Giờ quyết định đã điểm. Chỉ còn 5 tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa, chúng ta phải dứt điểm đoạn kinh đã nhận. Phải dứt điểm, bằng bất cứ giá nào. Trong giờ phút này, chúng ta không đi nữa, mà là chạy. Cũng không phải chạy nữa, mà là bay...
Lời kêu gọi dội vào lòng mọi người những nhịp điệu thôi thúc mãnh liệt. Tiếng hò, tiếng hét động viên nhau vang trong lòng kinh. Hầu như mọi người đã quên bẵng giờ giấc, không còn để ý ngày hay là đêm. Họ đang đào, đang xúc, đang khiêng đất dưới ánh sáng của lòng họ. Cúp, xẻng... không còn là những vật dụng vô tri. Họ đã thắp tâm hồn mình và truyền tình yêu của mình vào đó. Đất chuyển lên bờ thành núi. Đất lõm xuống thành biển. Đất sợ hãi. Đất đầu hàng. Đá ong phơi cạnh sắc truy cản bước tiến con người. Nhưng vô ích, khi mà hầu như không ai hay máu đang chảy dưới chân. Phải dứt điểm! Lời kêu gọi phát đi trên loa, bay vút lên, lan rộng ra, làm chao đi các ngọn đuốc đang hổn hển cháy. Con kinh mở ra như một thung lũng nở đầy hoa hướng dương vàng rực.
Đến 2 giờ sáng thì đoạn kinh của Tổng đội 4 đã xuống đến bậc cấp thứ 15. Chỉ còn một bậc nữa, cũng là công đoạn cuối cùng, gai góc nhất. Tổng đội quyết định cho tất cả anh em dừng tay, tổ chức lễ kết nạp Đoàn ngay tại hiện trường cho 16 đoàn viên mới. Trên một sợi dây điện bắc ngang hai cây cột tre cắm ngay trên bờ kinh, lá cờ nước và cờ Đoàn được treo ngang, với lá cờ Đoàn hơi thấp hơn một chút. Một tấm panô bằng vải tăng xanh căng thẳng có dán hai dòng chữ cắt bằng giấy trắng: “Tổng đội 4 Thanh niên xung phong – Lễ kết nạp đoàn viên mới” được dựng đứng bên dưới.
Đứng bên bờ kinh, phía dưới hai lá cờ và trước tấm panô là các đồng chí Trí, tổng đội phó chính trị cũng là bí thư đoàn ủy, hai liên đội trưởng Mạnh và Hải và một số cán bộ khác. Mười sáu đoàn viên mới đứng thành hai hàng dọc, ngay trên thành con kinh đang đào dở, mỗi người trên một bậc cấp, mặt hướng về cờ. Ngoài sáu ngọn đuốc lớn cắm trên bờ kinh, còn hai mươi ngọn đuốc khác được hai mươi đoàn viên cũ đứng cầm, rất trang nghiêm. Ánh lửa lấp lánh trên những tấm huy hiệu Đoàn ở trước ngực áo họ. Mấy trăm đội viên còn lại chia đều đứng làm hai bên, mặt quay vào hai dãy đoàn viên mới. Tất cả mấy trăm con người đứng đó, dù là tổng đội phó, liên đội trưởng hay một đội viên bình thường, đều mới buông dụng cụ lao động xuống, lội dưới nước lên, người còn bê bết bùn, thậm chí có người trên mặt còn in những vệt đất sét ngang dọc như vừa chạy xuống từ một vở kịch chưa kịp tẩy trang.
Hương cũng có mặt trong số 16 sáu người được kết nạp Đoàn lúc 2 giờ sáng. Cô đứng gần hàng cuối đăm đăm nhìn lá cờ Đoàn trước mặt. Dưới ánh đuốc, nền cờ rực rỡ một màu đỏ tươi lộng lẫy.
Tối qua, tuy đã biết loáng thoáng trong đêm sẽ có tổ chức lễ kết nạp Đoàn tại hiện trường, Hương vẫn bất ngờ khi Mai đến báo cho cô biết trong danh sách 16 đoàn viên mới có tên cô. Thực ra, khoảng 5 tháng sau khi trở lại đơn vị, Hương đã được Mai hướng dẫn việc làm đơn và lý lịch. Nhưng cô làm mà không tin mình sẽ được kết nạp. Mặc cảm về gia đình, về bản thân, càng đè nặng lên Hương hơn, từ ngày ấy...
Hương bắt đầu được biết về Đoàn khi cô vào học trường Y tế. Đoàn viên trong trường lúc đó chỉ có mấy người. Đó là những người rất nghiêm trang, không hề biết đùa giỡn, thái độ cử chỉ lúc nào cũng như có một vẻ gì đó quan trọng khó hiểu. Họ lên án tóc dài của con trai, quần loe của con gái, đề nghị không được trang điểm khi vào lớp. Họ thầm thì gọi nhau đi họp, những phiên họp hết sức bí mật. Và điều quan trọng nhất là họ làm lớp trưởng, lớp phó, họ có quyền nhận xét về đạo đức, tác phong, tư cách, về ưu khuyết điểm của mọi người trong lớp, kể cả chính họ.
Từ những ngày đó, Hương và những người cùng hoàn cảnh với cô, nghĩa là cùng có “một