watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ly hôn - tác giả Nguyễn Đông Thức Nguyễn Đông Thức

Ly hôn

Tác giả: Nguyễn Đông Thức

Bạn sẽ không tin trên đời này có đôi vợ chồng nào khi ly hôn lại làm tiệc đãi bạn bè.
Sự thật thì tôi đã từng đi nhậu ít nhất là năm lần tiêc chia tay của một đôi bạn – cùng trong giới nghệ sĩ. Họ yêu nhau nhưng vì nhiều lý do đã không thể đến hẳn với nhau được. Mấy lần làm thiệp cưới lại bỏ, rồi lại mấy lần chia tay chia chân…Không hiểu sao tôi cứ được mời làm nhân chứng, mà duy nhất chỉ một mình tôi thôi, chia tay hay tái hồi đều có mặt để cùng nhậu. ( có lẽ do tôi luôn hết sức dễ chịu, chỉ biết ngậm miệng mà nhậu, không bao giờ có ý kiến ý cò, vì nghĩ chuyện tình củm là chuyện riêng tư của mỗi người, đâu thể đứng ngoài mà khuyên bảo hoặc phê phán ai được?).
Cuối cùng thì đôi bạn ấy vẫn xa nhau, cũng như đôi vợ chồng trong câu chuyện này, tôi tin dù có tiếc nuối cách mấy thì rồi cũng sẽ vậy thôi. Nước đổ rồi khó hốt lại được, mọi sự níu kéo nghĩ cho cùng chẳng ích lợi gì.
Truyện này được chọn tặng một người bạn thân – nhà văn Đoàn Thạch Biển – vì anh luôn nhắc đến nó, xem như một thành phẩm hạng top của tôi! Và dĩ nhiên trước anh, là để tặng đôi bạn nghệ sĩ đến giờ vẫn còn thân thiết với tôi. Xin được phép giấu tên cả hai vì nay ai cũng đã có gia đình riêng êm ấm cả rồi!

LY HÔN
Trái với sự lo xa của vài người bạn, bữa tiệc nhỏ chia tay của hai vợ chồng Thạch - Ngọc lại diễn rất thân mật, vui vẻ. Đã khá lâu rồi, hôm nay Ngọc mới trổ tài nội trợ cho một bữa tiệc khoảng mười người, tất cả đều là bạn thân nhất của Thạch và Ngọc. Năm năm trước, họ đều có mặt đầy đủ trong đám cưới hai người. Dĩ nhiên họ cũng, người thì qua một tấm thiệp nhỏ đính kèm món quà, người thì qua lời phát biểu trên micrô, đều thành thât chúc mừng Thạch - Ngọc sẽ sống bên nhau trăm năm hạnh phúc, mặc dù nếu lời chúc đó mà thành hiện thực, thì Thạch sẽ thọ đến 128 tuổi, còn Ngọc 125. Năm năm sau, họ lại cũng có mặt trong bữa tiệc này, và lại cũng rất thành thật chúc mừng Thạch và Ngọc đã chia tay rất đúng lúc, hợp pháp, êm đềm.
Có lẽ tận đấy lòng, họ không vui, nhưng người nào cũng cố tỏ ra tự nhiên, nhiệt tình. Vả lại, tất cả đều đã làm hết cách để mong hàn gắn hai người rồi. Chính bữa tiệc hôm nay, sở dĩ có, cũng do sự đồng lòng đề nghị và nhiệt tình tham gia tổ chức của họ, có thể coi như một cố gắng cuối cùng của đám bạn đáng quý này.
Võ phát biểu sau khi nuốt một miếng lớn bò beefsteak:
- Thú thật tôi chưa hề thấy vợ chồng nào chia tay nhau mà lại làm tiệc đãi bạn bè đàng hoàng như Thạch - Ngọc. Đây là một bài học rất hay mà có thể tôi sẽ bắt chước.
Minh, vợ Võ, lườm chồng:
- Anh muốn lắm phải không? Muốn thì ngày mai tôi đãi trước cũng được, thủ tục còn lại làm sau!
Võ xanh mặt, chắp tay làm bộ vái vợ:
- Trời ơi, tôi giỡn chút không được sao bà? KHông có bà thì làm sao tôi sống được!
Cả bàn tiệc cười ồ. Trọng hỏi, khi tiếng cừơi đã dứt:
- Các bạn có đồng ý với tôi sắp tới, một trong những điều mà Thạch tiếc đầu tiên sẽ là… những bữa ăn ngon như thế này không?
Việt, ngừơi đàu tiên có sáng kiến tổ chức buổi họp mặt hôm nay, mới uống nửa ly mà mặt đã đỏ gay, cãi:
- Tôi nghĩ là ông Thạch sẽ tiếc nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ chuyện ăn uống tầm thường đâu. Thí dụ như…cái này không phải rượu nói đâu nghen. Xin lỗi chị Ngọc chứ, năm năm nay tôi thấy chị chẳng già đi chút nào cả. Vẫn trẻ trung, tươi tắn và…hôm nay thì càng đẹp tuyệt!
Thạch lườm Việt. Thằng này đã thành tật, cứ rượu vô là phát ngôn thoải mái, chẳng nể ai cả. Nhưng lần này, Thạch liếc qua Ngọc. Coi bộ nó nói đúng. Hôm nay Ngọc đẹp thật. Lần đầu tiên sau cả một thời gian dài ít ngắm nhìn vợ, Thạch thấy rất rõ điều đó.
Ngọc hơi đỏ mặt:
- Các anh khen tôi làm gì? Đâu phải cứ nấu ăn ngon và đẹp là giữ được chồng đâu!
Mai, bạn gái của Ngọc, còn độc than và có nhiều hiện tượng đang rất muốn có chồng, tò mò hỏi:
- Vậy cái gì mới giữ được chồng chị?
Trọng bật cười ha hả:
- Hỏi cho nó đàng hoàng! “Giữ được chồng chị” nghĩa là sao? Coi chừng tôi hiểu lầm là cô Mai muốn tiếp tục nhận giữ ông Thạch thay cho Ngọc đấy!
Bữa tiệc vui vẻ quá. Thạch thấy thoải mái lắm. Anh lại liếc sang Ngọc, thấy người mà về mặt nguyên tắc nay chẳng còn gì dính dáng đến mình nữa này cũng đang có vẻ tươi tỉnh lắm, chẳng có chút buồn nản hay cau có, khó ưa như trước đây.
Hữu lại đặt vấn đề:
- Hồi đám cưới Thạch - Ngọc, lúc tặng quà, tôi có nói là bao giờ hai người không ở với nhau nữa thì phải trả lại cho tôi, vì công tôi đi tìm quà cực quá! Anh Thạch cam kết sẽ không bao giờ có chuyện đó, vậy mà bây giờ lại để cho nó xảy ra! Tôi đề nghị hai người phải đền lại món quà cho tôi.
Thạch cười ngượng ngập:
- Được rồi, được rồi! Bao giờ ông có vợ tôi sẽ tặng lại cho ông một món quà y chang như vậy.
Hữu kêu lên:
- Sao lại một món? Hai chứ! Quên rồi à!
Thạch lúng túng nhìn Ngọc cầu cứu. Ngọc làm lơ, quay sang Mai trao đổi chuyện riêng. Hữu vẫn không tha:
- Thấy chưa? Ông có nhớ gì đâu? Tôi có đọc ở đâu đó câu này: “Ngừơi nào có trí nhớ không tốt thì sẽ hiếm khi giữ được hạnh phúc gia đình”. Đúng thật!
Mai hỏi lại:
- Sao vậy?
- Bởi vì ngừơi đó sẽ không nhớ được bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của hai ngừơi, và vì vậy, sẽ không thể dễ thông cảm và tha thứ cho nhau được khi những gì không vừa ý sẽ lần lượt xếp hàng hiện ra trong cuộc sống chung.
Thạch và Ngọc cùng cúi mặt. Thấy vậy, Quang, phóng viên ảnh của một tờ báo, cũng bắt chước Hữu, tuyên bố:
- Sẵn ông Hữu đòi lại quà, tôi cũng có ý xin trình bày ra đây. Tôi là người đã chụp ảnh đám cưới Thạch - Ngọc, cảnh mà tôi chụp đạt nhất tới giờ trong lịch sử chụp đám cưới của tôi, là cảnh hai ông bà đeo nhẫn cho nhau. Năm ấy tôi lấy tấm ảnh gửi dự thi ảnh nghệ thuật, với cái tên “Cuối cùng của một tình yêu”. Ảnh bị loại ngay vòng đầu vì cái tựa không phù hợp, so với vẻ mặt hí hửng của hai người. Bây giờ nghỉ chơi nhau rồi thì trả lại nhẫn cho nhau đi, để tôi chụp lại, chắc hợp hơn. Tôi vẫn còn mê cái tựa đề đó lắm.
Thạch và Ngọc nhìn nhau. Thật ra hai cái nhẫn đều do Ngọc đi mua, có đo tay mỗi người cẩn thận. Bây giờ…Chẳng lẽ lại cởi ra trả nhau trước mặt mọi người? Ngọc lén đưa tay xuống dưới bàn, thử rút nhẫn ra, nhưng không sao làm được chuyện đó. Năm năm với nhiều công việc nội trợ cực nhọc đã làm tay Ngọc to ra rồi. Thạch cũng vậy. Từ ngày lấy vợ, anh mập hơn. Những bữa cơm đúng giờ, ngon miệng. Anh sống điều độ hơn, ít đi nhậu bạt mạng như trước, sáng có điểm tâm đàng hoàng, không sang nhưng có thể đi làm với cái bụng no. Chiếc nhẫn bây giờ có muốn rút ra chắc cũng tốn ít nhiều xà phòng.
Quang tinh mắt tiếp:
- Tháo nhẫn không ra rồi phải không? Dễ gì, thấy chưa? Đâu phải không có lý do khi người ta đã chọn cái nhẫn làm vật ràng buộc đời nhau. Thường thì mang vào bao giờ cũng dễ mà tháo ra thì rất khó.
Thấy Thạch và Ngọc có vẻ buồn buồn, Võ nâng ly:
- Thôi, chuyện gì đến, đã đến. Dù sao chúng ta cũng hãy nâng ly mừng Thạch, Ngọc. Trong khu tập thể này, phòng tôi sát phòng Thạch, Ngọc. Tôi xin xác nhận với các bạn là cả hai đã không sống được với nhau hạnh phúc như chúng mình và chính họ từng mong muốn.. Thật vậy, trong chuyện này chúng ta không thể trách ai cả. Có nhiều điều mâu thuẫn, thậm chí nhiều cá tính trái biệt nhau, chỉ bộc lộ trong quá trình chung sống, không thể lường trước được. Như bà vợ tôi chẳng hạn. Tới giờ thì nội cái chuyện bả thích ăn thịt hay ưa gặm xương, tôi cũng chưa biết được.
Minh trợn mắt nhìn chồng:
- Anh này! Nói năng gì kỳ vậy?
Mai lại hỏi:
- Sao lạ vậy anh Võ?
Võ tỉnh queo:
- Thì hồi chưa cưới, đi đâu ăn tiệc với nhau, tôi gắp thịt cho bả, bả đều…dứt đẹp. Đến khi ở với nhau rồi, nhất là từ lúc có con, vào bữa cơm, bả cứ lén gắp xương ăn. Nhưng rồi đi ăn tiệc ở đâu khác, thí dụ như hôm nay chẳng hạn, bả lại “chơi” toàn là thịt! Kìa trong ché còn nhiều ghê chưa? Vậy bả thích ăn cái gì? Tôi cũng chưa biết. Và ông Thạch thử trả lời coi bà Ngọc thế nào? Có cũng khó hiểu như vậy không?
Mọi ngừơi cùng cười, nhưng Thạch hiểu Võ, cũng như các bạn nãy giờ, đều bằng cách này cách nọ muốn anh suy nghĩ lại. Anh nhớ đúng là Ngọc luôn nhường nhịn anh trong những bữa ăn, trong cuộc sống chung, cho đến một lúc anh coi chuyện đó là bình thường, chẳng để ý đên nữa.
Việt rót đầy một ly bia, bưng hai tay đưa cho Thạch:
- Thôi, dẹp ba chuyện đó đi, giờ này mà còn dễ hiểu, khó hiểu gì nữa! Hai ông bà cùng uống với nhau một ly cuối đi. Mỗi người năm mươi phần trăm!
Thạch và Ngọc đứng lên, không dám nhìn vào mắt nhau. Thạch nói:
- Em uống trước đi. Chạm môi thôi cũng được.
Ngọc cầm ly, tay run làm sóng sánh một ít ra ngoài. Cô nhớ lại trước kia, trong lần đầu uống với nhau như vậy, Thạch lựa ngay chỗ cô chạm môi, uống cạn ly một cách ngon lành và khen chưa bao giờ được uống rượu ngọt và thơm như vậy.
Họ nhìn nhau. Ngọc thấy có vài sợi tóc mai của Thạch đã bạc. Cuộc sống của ngừơi đàn ông là để cho xã hội, cho công việc? Còn Thạch, anh cũng thấy ở đuôi mắt Ngọc đã rạn những nếp nhăn nhỏ hình chân chim. Trong đó, có nếp nhăn nào đã hình thành từ những đêm Ngọc mòn mỏi thức đợi anh đi chơi với bạn bè về quá khuya? Cả hai cùng thấy xót xa, cùng không còn nhớ gì nữa về những muộn phiền, cay đắng mà hai người đã dành cho mình.
Mấy tháng rồi hai người mới đứng gần nhau như vậy. Trong khi chờ đợi hoàn tất thủ tục ly hôn, họ đã sống “ly thân tại chỗ”. Căn phòng bị ngăn đôi ở giữa bằng một tấm màn dày. Họ không còn ăn cơm tối và điểm tâm với nhau nữa. Cơ quan Ngọc có tổ chức nấu ăn trưa. Chiều về, cô ghé phòng Mai cùng ăn tối. Sáng cô đi sớm, chẳng biết có ăn gì không. Cái bếp dầu hôi và bếp điện của hai ngừơi nguội ngắt, lạnh tanh, chỉ còn dùng vào việc nấu nước uống, có khi hai ngày chưa hết một ấm. Tình trạng đó cũng làm bạn bè ngại, không dám đến.
Thạch uống cạn ly, thấy ngừơi lâng lâng một cảm giác vừa sảng khoái, vừa buồn nản. Những người bạn cũng cùng cạn ly. Quang bấm mấy “pô” hình. Miệng ai nấy cùng cười toe toét, chẳng khác gì đây chính là ngày cưới của Thạch và Ngọc. Thạch có cảm tủơng như vậy. Dường như năm năm trời chỉ là một cái chớp mắt. Dường như Ngọc đứng kia, đang chia tay với bạn bè, để rồi sẽ quay vào với anh, sẽ hổ thẹn úp mặt vào vai anh khi anh hấp tấp bế bổng cô lên đi vào phòng trong…
Ngọc đi ra, tiễn khách xuống tận chân cầu thang. Cảm thấy hơi chếnh choáng, Thạch ngồi lại, với chiếc bàn ăn bừa bãi chén đĩa và nhũng chiếc gạt tàn đầy ắp những mẫu thuốc hút dở tắt ngúm. Vừa mới đầy người, đầy tiếng cười nói ồn ào, căn phòng bỗng yên tĩnh trống vắng một cách lạnh lùng. Thạch đốt một điếu thuốc, thấy tay mình run run. Anh đưa mắt nhìn một lượt suốt căn phòng. Tối nay, Ngọc đã tháo tấm màn ngăn đôi nên nó bỗng rộng hơn rất nhiều, và mấy tháng rồi, Thạch mới thấy tấm ảnh mà Quang gọi là “Cuối cùng của một tình yêu” vẫn còn treo y chỗ cũ, phần bên Ngọc ở. Đúng là cả hai gương mặt trong ảnh biểu lộ một hạnh phúc tràn trề. Ai, trong hai ngừơi, có lỗi về cái kết thúc của ngày hôm nay?
Ngọc vào, hai ngừơi ngồi lại ở bộ salông nhỏ, uống trà. Đúng thứ trà Thái Nguyên pha đậm theo “gu” của Thạch, nhưng hương trà vẫn không thơm bằng hương ngừơi Ngọc thoảng sang. Thạch buột miệng:
- Dầu thơm gì có mũi dễ chịu quá!
- Soir de Paris. Em mới mua.
Thạch nhướng mắt nhìn Ngọc như một lời dò hỏi.
Trong cuộc sống chung trước đây, lúc đầu lãnh tiền được bao nhiêu, Thạch đều đưa hết cho Ngọc. Rồi thỉnh thoảng anh lại lấy lại chút ít để uống cà phê, hút thuốc, đi chơi với bạn. Riết rồi anh tự động giữ lại một khoản, chỉ đưa phần gọi là thu nhập chính cho Ngọc, cũng là phần ít nhất. Ngọc chẳng nói gì mà Thạch thì thấy ăn uống trong gia đình vẫn vậy, nên cũng yên tâm. Anh vô tình đâu hiểu Ngọc dường như không còn tiêu xài, may sắm gì cho riêng mình nữa từ ngày về sống với anh. Cũng có lúc anh thấy Ngọc hơi luộm thuộm, không còn “mát mắt” như trước, nhưng anh chỉ cho là tại Ngọc quá lu bu công việc. Vậy thôi!
Mấy tháng qua, Thạch mới ngạc nhiên khi thấy toàn bộ thu nhập của anh chỉ dùng vào việc ăn uống thôi cũng muốn không đủ. Thu nhập của Ngọc chắc chắn không cao hơn anh. Trước kia, cô đã làm thế nào để vẫn lo cho anh được chu đáo đến từng ly cà phê sáng như vậy?
Ngọc hiểu cái nhìn của Thạch, trả lời:
- Em đuợc thửơng sáng kiến và được tăng lương nữa.
Thạch lại chợt phát hiện, trứơc giờ mình quá ít để ý đến công việc của Ngọc, đến nỗi anh hơi bất ngờ khi nghe tin Ngọc được thửơng sáng kiến. Hoá ra có những cố gắng vươn lên bên trong con ngừơi thân thiết nhất với mình, mà sự vô tâm làm cho mình không nhận ra. Kỳ lạ. Đó là sáng kiến gì vậy? Chưa nói là vợ chồng, hai ngừơi ở chung nhà mà còn không biết những chuyện như vậy của nhau thì đáng trách thật!
Thạch băn khoăn:
- Mai mốt em tính sao?
- Đây là nhà ở tập thể của cơ quan anh. Em định ở nhờ anh vài bữa rồi sẽ dọn đến cùng ở tạm với Mai.
Thạch đã biết căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi của Mai. Anh vội nói:
- Về việc đó thì em khỏi lo, cứ ở lại đây đi. Anh sắp đi học hơn một năm, không ai lấy phòng lại đâu.
Ngọc nói nho nhỏ:
- Thôi, ở đây buồn lắm…
Cả hai cùng im lặng một lúc, và ngạc nhiên khi nhận thấy sự lúng túng và nguợng nghịu của chính mình, như thể họ là hai ngừơi chưa hiểu gì về nhau và mới làm quen với nhau trong buổi tối nay.
Thạch lại hỏi một câu…ngoài lề:
- Cái áo này em cũng mới may bằng tiền thưởng à?
- Đâu có, áo này em may hai năm rồi. Kỳ đó em may tính mặc trong ngày sinh nhật, để đi chơi với anh, nhưng hôm đó giờ chót anh lại bị đi công tác xa đột xuất, rồi lu bu hoài không có dịp mặc.
Thạch nhớ lại, lần đó anh lo cho công việc quá, đã quên không mua quà sinh nhật cho Ngọc. Anh biết mình sai, nhưng sau đó, thấy Ngọc không nói gì thì cũng…cho qua, chặc lưỡi nghĩ: “Vợ chồng còn cả đời ở với nhau!”
Anh làm sao hiểu được, dù Ngọc không nói gì, những trong lòng người vợ trẻ ấy đã buồn tủi thế nào, và những vết rạn nứt báo hiệu sự đổ vỡ bắt đầu hiện ra từ dạo ấy. Khi nghĩ “còn cả đời với nhau”, anh cũng không hiểu “cả đời” ấy chính là sự góp nhặt, chắt chiu, vun vén của từng ngày từng giờ. Và sự thờ ơ sẽ giết chết tình yêu cũng dễ dàng không thua gì sự dối trá.
Thạch nghe như Ngọc vừa thở dài. Hay đó là tiếng thở dài của anh?


( 18 -10 – 1985 )

Các tác phẩm khác của Nguyễn Đông Thức

Trái Tim Con Rắn

Nhẹ lòng mà đi

Còn Sống còn yêu

Ngọc trong đá