watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồi ức làng Che-Mùa trái cây - tác giả Nguyễn Đức Thọ Nguyễn Đức Thọ

Nguyễn Đức Thọ

Mùa trái cây

Tác giả: Nguyễn Đức Thọ

" Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"
Chiếc xe đò dừng lại ở lề đường , bên cánh rừng cao su xanh thẫm , vòm lá sà xuống trĩu nước cơn mưa vừa tạnh . Chất bước xuống đất , mấy ngón chân chị vướng phải bụi cỏ ướt lành lạnh . Không khí sau mưa trong lành , thoang thoảng làn hương của hoa dại . Chất hít một hơi thật sâu , thật căng lồng ngực rồi buồn bã thở dài , cố xua đuổi cảm giác bức bối chật chội có từ lúc lên xe . Thật may mắn , chị ngồi bên một bà đi buôn thông thạo đường sá , nên bà chỉ cách cho xuống ngay đường tắt vào xã Phước Thanh luôn , khỏi phải xuôi thị trấn rồi đi ngược trở lên . Chừng giữa trưa , khu rừng đang yên tĩnh bỗng đâu đó cuối đường lô vang lên đĩnh đạc tiếng một con tắc kè điểm từng nhịp rồi đuối dần , những nhịp cuối cùng phát ra chùm âm thanh rời rạc như người ngái ngủ , buộc phải trả lời ai đó đang gặng hỏi ... Lối mòn vươn qua những gốc cao su già đen sẫm , miệng cạo bên dưới có những bát hứng mủ đọng đầy nước mưa trong vắt , nhìn rõ dưới đáy còn sót một ít mủ màu trắng đục . Thấp thoáng trên cao , dây leo chùm gửi và phong lan rủ xuống . Có mấy chùm lan Chất mới thấy lần đầu , thật lạ mắt , lá xòe to giống hình lá cọ . " Trời ,ước gì mình được thấy nó ra hoa , xem thử có đẹp không ?". Chị thầm ước , đưa cặp mắt lướt qua làn hơi nước ẩm ướt quan sát kỹ lưỡng những vòm lá , những chùm quả cao-su ba khía màu xanh với một vẻ háo hức ." Rồi mình cũng đến được nơi anh Hùng đã từng sống . Đây có phải là rừng cao su anh viết trong thư ? " Lòng bâng khuâng , Chất cố lần mò trong ký ức , dòng chữ xa xăm năm nào bỗng dưng hiện ra , đột ngột như chị vừa mới đọc lại . Đó là bức thư duy nhất chị nhận được của người chồng , thư viết thành từng đoạn ngắn trong những khoảng thời gian khác nhau ...

" Anh gửi cho em thư này là cái thứ mười kể từ ngày đi vào . Bốn năm rồi , phải không em yêu quí ? Em chờ đợi anh trở về giữa lứa tuổi đẹp nhất đời con gái .Giá như sau ngày cưới chúng mình được sống với nhau lâu hơn chút nữa . Anh đi , hình ảnh em , anh phải cố giữ thật chặt trong trí nhớ hàng ngày , anh sợ nó trôi tuột mất từng cử chỉ , từng tiếng nói của em . Anh nhớ nhiều nhất mái tóc dài và dày mượt , mỗi lần em gỡ cặp ra , tóc đổ xuống vai , xuống lưng , óng ả như mặt nước suối loáng ánh trăng soi .Có lần anh mơ thấy chúng ta đã có con , thằng bé đẹp như hình in trên lon sữa bò , nếu giấc mơ là sự thật thì chắc nó phải biết chạy đi chơi rồi em nhỉ ... "

" ... Đêm hôm qua bọn anh vừa vượt một chặng đường nguy hiểm để chuyển vùng công tác . Qua cánh rừng cao-su ven lộ lớn , anh sững sờ cả người. Lần đầu tiên anh thấy một khu rừng đẹp như thế . Em đừng cười , trong bóng tối mà anh vẫn nhận ra vẻ đẹp của rừng ư ? Anh tưởng tượng ra chứ . Những thân cây cao vút , tán lá che kín bầu trời , đây sẽ là một cánh rừng xanh mát và tuyệt đẹp dưới ánh nắng ban mai ... "

" ... Hàng ngày anh nằm trong một cái chòi coi vườn của bà má nuôi . Má cũng già như mẹ , nhưng má ít nói lắm . Mỗi lần đem cơm cho anh , má lại dặn : " Sáu nè , con chớ đi lung tung nghen. Hễ có chim bìm bịp kêu ba tiếng một chặp , nhớ xuống hầm kéo nắp thiệt kỹ ."

" Toàn đội anh chờ phối hợp với du kích trinh sát tình hình và chuẩn bị trận địa ngoài mé sông . Má nuôi anh chỉ còn hai người con , anh Năm và cô út cũng là du kích , ba người anh trước đã lần lượt hy sinh ... "

"... Bao giờ để em thấy miệt vườn phương Nam . Nhìn cây nào anh cũng có ý nghĩ cây hiểu được tiếng người , mỗi thứ trái là tiếng nói riêng của mỗi loài cây , trái nào ăn xong cũng làm ta nhớ cả . Hồi đầu , út Mai con má nuôi gặp anh , cô ấy cứ hỏi chuyện miền Bắc mãi , làm như anh vừa ngoài đó vào hôm qua .Con gái Nam bộ không dữ như người ta đồn đại đâu em , út Mai hiền lành và còn hay làm nũng nữa . Nói thật với em , bọn anh rất quý mến cô du kích nhỏ xinh đẹp này . Thấy anh không biết ăn sầu riêng , út Mai giục luôn miệng : " Anh Hùng phải tập ăn đi chớ ! Con trai miền Bắc vô đây anh nào ăn được sầu riêng là thôi , khỏi muốn về luôn ! " Anh bảo : -" Trái ngon , sao tên lại đặt là sầu riêng , nghe buồn quá ?" - " Thì ăn vô nhớ hoài nhớ hủy , không kêu bằng sầu riêng thì kêu bằng gì ! " - " Khó ăn thế ai mà nhớ! " - " Chê nhiều rồi đến lúc thích nhiều đó nghen ! " út dứ tay về phía anh rồi bỏ chạy ... Nằm một mình giữa mênh mang hương trái chín của miệt vườn , anh cứ nghĩ về em như một người mơ mộng . Trong này đang mùa mưa , mưa đổ ào ào sốt cả ruột , ngoài ấy chắc em đang lo chống hạn . Mưa nắng xa cách ở hai đầu đất nước , sao mà giống vợ chồng mình thế , Chất ơi ... "

Hồi nhận được lá thư của chồng, cũng là thời điểm tiếng tăm của Chất đang nổi như sóng cồn khắp tỉnh. Cô gái " Kiện tướng nuôi bèo hoa dâu " được bầu vào Ban chấp hành huyện ủy và trở thành chủ tịch xã trọng điểm lúa cao sản . Mới hai mươi mốt tuổi đời, xuân xanh hơ hớ , cô là điểm chú ý của mấy anh nhà báo phỏng vấn , viết bài ca ngợi .Chất đi tối ngày , hết họp huyện , họp xã , lại ra các cánh đồng nắm tình hình thực tế sản xuất . Trong hội trường , người ta nhận ra cô bởi hai bím tóc dài vắt qua vai trước bầu ngực tròn căng , ở đuôi mỗi bím tóc lóe lên một sợi vải đỏ thắt ngang . ở ngoài đồng , dù đông người đi cày cấy đại trà cũng có thể tìm Chất dễ dàng vì hai bím tóc cô được quấn lên đỉnh đầu , nhưng hai sợi vải đỏ cứ sáng lên như hai giọt nắng .

Dân cả xã rất mến cô chủ tịch đẹp người , đẹp nết , có chồng đi "Bê dài". Các bà mẹ ngoài ruộng về , gặp ngang đường , hay thò tay vuốt tấm lưng ong của Chất mà tấm tắc :

- Khổ , cái thằng Hùng nó đi không gửi lại cho mày đứa con, cho đỡ lạnh lưng . Rõ tội nghiệp !

Cô nghe thấy tủi , muốn khóc , hai má hồng lên, mắt ngấn nước , nhưng vẫn cố cười trừ , đầu giúi vào lưng người bên cạnh .

- Cái nhà bà ăn với nói ! - Một bà khác lên tiếng bênh cô chủ tịch . - Anh ấy ở nhà chưa đầy tháng, vợ chồng vừa quen hơi bén tiếng đã biền biệt trong Nam , thử hỏi làm sao mà con với cái . " Nhạy" được thế có là gà vịt chứ đâu là người ...

- Chẳng bù cho anh cu Mão bên xóm Giếng chúng tôi ! - Một bà khác góp chuyện . - Gớm , cứ "sòn sòn " thằng em đạp đầu thằng anh . Anh Cu về phép năm lần , chị Cu đẻ năm thằng . Đàn ông như anh Cu thật sướng !

- Người ta đi " B ngắn ", mí lại anh Mão là bộ đội đường dây giao liên vào ra như đi chợ ...lần nào về cũng đem , ôi chao, là lương khô phát cho trẻ con cả xóm .

Mỗi đêm khuya trở về nhà , đặt mình nằm xuống bên cạnh mẹ trên chiếc giường tre , Chất lại nhớ đến những lời góp chuyện của các bà , các chị. Chen lẫn trong nỗi lo âu công việc , còn có những nỗi lo âu thật mơ hồ mà cô cắt nghĩa không bao giờ cụ thể trước cơn buồn ngủ đang đến vội vàng sau một ngày mệt mỏi vì bao thứ công việc đã làm , sẽ phải làm ... Chất vẫn ở nhà mình với mẹ đẻ . Hùng vốn chịu tiếng ở rể , anh mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé . Lớn lên anh đi bộ đội rồi yêu Chất , cưới Chất , nhẹ nhàng đến nỗi có đứa độc miệng cứ phát ghen lên :'' Ông trời mù mắt hay sao cho thằng Hùng được con vợ đẹp nhất xã ". Cũng có người tốt thì chép miệng đơn giản : " Hai đứa chúng nó sinh ra để lấy nhau , hồi còn để chỏm đi trâu, đã quấn quít như đôi chim cu ngói ngoài đồng ."

Tính từ lúc Hùng đi B cho đến lúc chính thức có giấy báo tử gửi về , là mười một năn trời Chất chờ đợi khắc khoải . Năm nào cũng có tin đồn anh hy sinh, tin lần này lắng xuống một dạo , lại có tin lần khác ồn lên . Đành là tin đồn đại , nhưng xua đuổi nó ra khỏi tâm tưởng đâu phải dễ dàng ...

Sau hai nhiệm kỳ chủ tịch xã , Chất trúng cử Thường vụ huyện ủy và cô được rút lên huyện giữ chức vụ phó Bí thư thường trực . Dạo ấy người ta rất chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống cấp ủy . Thế là ngoài cái thử thách đời tư phải chịu đựng thường xuyên , cô còn phải đương đầu với những thử thách trong công tác của một huyện làm nông nghiệp .

Sau đợt đi xuống các xã chỉ đạo học nghị quyết Chất ghé qua nhà , vẫn như thuở bé, cô rất thích nhờ mẹ gội đầu cho mình. Do thức trắng nhiều đêm , tóc Chất rụng thưa hẳn , nhìn lớp da đầu lộ ra trắng xanh , mẹ cứ vừa rên rẩm vừa dội nước bồ kết vò tóc cho con gái.

- Chất này , - mẹ thở dài khó nhọc - Hay là ... lấy chồng đi con , chờ thằng Hùng biết bao giờ nó trở về .Đàn bà sinh nở có thì . Lỡ rồi hết thì , không con cái được nữa ...

- Mẹ nói dại ! - Chất cười to át lời của mẹ , nhưng không dám ngẩng đầu lên , nước mắt trào ra nóng hổi ...

*

* *

Qua hết rừng cao-su , con đường mòn đâm ngang một cái sân cỏ mọc um tùm , hoa mắc cỡ điểm những nốt tròn nho nhỏ màu tím nhạt . Mùa mưa không ai chơi bóng đá , nếu không thấy hai trụ cầu môn xiêu vẹo mốc đen thì chắc người lạ sẽ nghĩ đây là bãi đất hoang .Chất nhìn thấy con đường đất về xã Phước Thanh ở ngay trước mặt . Dưới tán mấy cây tràm bông vàng, một cái chợ nhỏ bán trái cây , xe lam nổ máy phành phạch nhả khói trắng mù mịt . Chị thầm thán phục những người bán hàng, họ chào khách mua thật ngọt ngào và bày trái cây đến là khéo : chôm chôm , bưởi , sầu riêng ... được xếp thành từng đống như trái núi con . Hương sầu riêng sực nức lên , làm mọi người cảm thấy ngợp từng hơi thở. Cái mùi hương này có thể thấm hết vào áo quần trên thân thể , vào mọi thứ đồ vật trong chợ .

- Cô Hai vô trỏng chớ ? - Tiếng ông lái xe lam ngay bên tai làm Chất hơi rụt người lại , gần như cảm giác sợ sệt vô cớ .

-Tôi muốn về Phước Thanh bác ạ .

- Thì xe này chạy vô miệt vườn Phước Thanh đây . Cô Hai ở ngoài Hà Nội vô hả ? Thôi , xin mời ngồi đằng trước ! - Ông lái xe niềm nở : - Cô Hai tới nhà ai , hay về xã công tác ?

Nhìn gương mặt có hai hàm râu lốm đốm bạc với một vệt dầu lem trên má , Chất tự nhiên thấy cảm tình với ông ta .

- Tôi thăm nhà bà Ba Cỏn và cô út Mai .

- A , nhà đó thì ở đây ai cũng biết . Bà già có năm con liệt sĩ , anh con nuôi mới được truy tặng Anh hùng . Xã làm cho bà già ngôi nhà tình nghĩa đẹp lắm. Từ ngày bả mất , cô út Mai vẫn ở nhà đó . Ông lái xe nói hồ hởi , như là muốn khoe với Chất sự hiểu biết của ông về một gia đình nổi tiếng có công lao đóng góp cho cách mạng .

Ngực Chất nặng dần, muốn tức thở , vậy là chị không kịp gặp mặt người mẹ nuôi của chồng . Chị quay ra cửa xe vờ ho để giấu sự xúc động . Chiếc xe lao chồm chồm dưới vòm cây rậm rạp như rừng , hình như chủ nó vẫn còn cảm thấy chậm , liên tục nhoài người về phía trước xoắn tay ga hết cỡ .

- Năm nay trúng mùa trái cây , tui chở cho chủ mối hàng từ trỏng ra một ngày tới chín mười chuyến vẫn không kịp . Ông lái thấy chuyện làm ăn không làm người khác chú ý , liền hỏi sang chuyện của Chất trong tiếng máy rồ như súng bắn .

- Hồi bà Ba còn sống , cán bộ trên tỉnh , huyện thường về luôn , có cả một ông nhà văn cũng về nữa. Xe ngoặt vào cua đường quá gấp , khói từ ống xả hất ngược về buồng lái làm mắt Chất cay sè , chị ho sặc sụa và rút khăn lau mặt mũi .

Ông lái xe nói như thanh minh :

- Bây giờ thiếu nhiên liệu , dầu ga-don nó trộn thêm đồ quỷ quái vô , máy lại củ tàng nên chạy khói dữ, có điều tui chạy hoài rồi cũng quen . Bộ cô Hai vô trong này lần đầu phải hôn ?

- Dạ ! - Chất gật đầu lễ phép .

- Bà Ba Cỏn trời thần lắm nghen , cô Hai. Anh con nuôi ở đặc công hy sinh khi đánh chìm một chiếc tàu Mỹ ngoài sông , bả dám nhận làm đám ma, khóc toàn kêu tên thằng Năm Rớt , con ruột . Ai dè về sau thằng Năm Rớt chết thật . Con cái nhà bả đánh giặc giỏi lắm . Thằng Năm trúng ổ phục kích , mìn Mo tiện què hai chân , nó rút súng nằm tại chỗ " lẩy " tới mười một thằng lính phải chết theo .

Chất cố trấn tĩnh gợi chuyện :

- Bây giờ cô Mai sống một mình sao bác ?

- Không , cổ sống với đứa con trai . Thằng nhỏ cũng biết coi vườn rồi . Tội nghiệp ! Ông chép miệng . Nó khoái tui lắm , hễ thấy xe tui vô là la: " Cậu Tư cho con lái thử coi . " Tui giỡn : " Kêu tao bằng ba Tư tao cho liền hà ." Nó lắc đầu : " Vậy thì con hổng thèm." Mới chút xíu mà khôn quá trời .

- Thế bố nó đâu ?

Chất hỏi nhưng đã lờ mờ đoán tới điều không may mắn có thể xảy ra . Chị không lầm, ông lái xe lắc đầu quầy quậy :

-Thằng nhỏ không có cha. Cô út đi du kích trong rừng bị lỡ làng ...Lúc bà già cổ còn sống tui cười giả lả rồi hỏi:"Cha thằng nhỏ là ai vậy má Ba? " Bả rầy tui : " Mày điều tra làm gì hả ? Nó con Việt Cộng, không phải con mấy thằng Bình định nông thôn đâu mà lo . " Tui lại hỏi : " Mấy thằng bạn của tui nhậu say , biểu ba thằng nhỏ là anh Sáu Hùng đặc công , con nuôi má , sao má không kê khai cho thằng nhỏ nó hưởng chế độ ? Giấu hoài làm chi ! "

Chất nghe con tim mình nhói đau, chị đưa vội bàn tay nắm chặt ngực áo như muốn nén nhịp đập đang lồng lên từ trong đó . Ông lái xe vẫn kể như người vô tâm :

- Bà già chửi tui một mạch , vuốt mặt không kịp : " Mày lớn đầu , cái miệng mày ngu vậy Tư ? Mấy thằng say với mấy thằng khùng ăn nói có gì khác nhau , sao mày nghe tụi nó ? " Nửa năm sau bả không thèm nhìn mặt , tui phải năn nỉ xin lỗi quá xá . Ông ta cười khà khà rất sảng khoái và cho xe chạy từ từ , Thôi , đến nơi này cô Hai chịu khó đi bộ , qua chiếc cầu cây , thấy nhà ngói là vô trúng nhà bà Ba Cỏn ...

Chất cảm ơn , đếm tiền trả , vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện của út Mai . Trời ngả sang chiều ,trên mấy tán cây , nắng xiên xiên soi rõ từng chùm chôm chôm phủ bên ngoài vỏ trái một lớp gai óng ánh như sợi nhung . Chị cảm thấy thương Mai , giận Mai lẫn lộn .Trong bức thư gửi ra miền Bắc , Mai không hề viết một dòng nào tới đời riêng . Phải chăng Mai không muốn nói hay là không dám nói với mình ... Bằng ý thức thường trực về thân phận , Chất bỗng liên hệ tới cái thời thanh xuân vất vả cực khổ đã trôi qua . Có lần... chị rùng mình , chút nữa thôi là Chất sẩy chân như út Mai ...

*

* *

Một buổi tối mùa đông , heo may hun hút , lạnh thấu da thấu thịt . Chất xuống đội giống của xã điểm mình phụ trách kiểm tra rồi ở lại ăn cơm với họ luôn . Ngồi nói chuyện gẫu bên bếp lò thúc mầm ấm áp nên ai cũng ngại đứng dậy ra ngoài . Người nổi bật nhất ở đó là Hoán , kỹ sư nông nghiệp trên tỉnh chi viện xuống cho cơ sở . Anh nói về nguyên lý xây lò thúc mầm và liên hệ khá hấp dẫn tới cái nhà tắm hơi bên Nga , bên Tiệp . Hạt lúa giống xử lý ba sôi hai lạnh xong cho vào lò thúc ,ủ đến một thời gian đã định sẽ nảy mầm tỷ lệ rất cao .Hoán quen chị phó Bí thư huyện ủy ngay từ hôm về tới Ban nông nghiệp huyện chờ phân công . Chính Chất chọn cử Hoán xuống xã mình phụ trách . Không hiểu sao trong các cuộc họp ở huyện ,hai người cứ thỉnh thoảng gặp ánh mắt của nhau . Hoán đẹp trai , một vẻ đẹp rất đàn ông . Trai ba mươi tuổi đang xoan , trước khi vào đại học anh là thương binh loại một. Vết thương không làm ảnh hưởng một chút nào tới hình thể , nếu xắn tay áo lên , cái sẹo dài ở khuỷu tay có khi lại làm anh thêm duyên hơn . Một chàng trai thật lý tưởng , có đủ các tấm bằng tiêu chuẩn mà những cô gái kén chọn người yêu thường nêu ra .

Chuyện trò mãi rồi cũng phải ra về . Hoán đề nghị để tiễn chị và trao đổi thêm vài vấn đề kỹ thuật đang nổi lên ở xã . Chất bằng lòng với vẻ rất hãnh diện và hơi kẻ cả trước mấy cô gái đội kỹ thuật giống . Muốn tới nhà ông chủ tịch xã , nơi Chất nghỉ đêm , phải băng qua một đoạn đê trống trải . Trời rét nhiều , họ vô tình đi sát bên nhau cho đỡ gió . Hơi ấm cùng mùi mồ hôi đàn ông len dần dần qua làn áo ấm , chị định bước né ra thì hai cánh tay rắn chắc của Hoán đã ôm chặt lấy tấm thân nóng rừng rực của Chất . Anh hôn tới tấp lên mặt , lên cổ và luồn cả hai bàn tay vào trong ngực áo ...

- Chẳng lẽ em cứ chờ đợi một cách vô vọng thế mãi hay sao ? - Anh nói , hơi thở gấp gáp phả ra mùi thuốc lá .

Chất vùng vằng không trả lời , cổ cứ nghẹn lại . Chợt mở mắt nhìn lên thấy bầu trời đầy sao lạnh lẽo , chợt thấy tay mình chạm vào những lá cỏ cong queo ở vệ đê . Hai mắt Hoán còn lại toàn lòng trắng , anh ta nở nụ cười chiến thắng , hàm răng cũng lóe trắng một cách lạ lùng .

- Đừng ! Anh Hoán ơi ! Chất bủn rủn khắp người , cố chống đỡ , giọng van vỉ . Tôi là đảng viên ! Là gái có chồng ! Đừng ! Đừng ! ...

Chị xô Hoán ra bằng một sức mạnh không ngờ , rồi vùng chạy . Suốt đêm ấy , Chất nằm khóc lặng lẽ , ướt luôn tóc một bên đầu . Mấy ngón tay thon gầy cứ lần trên mặt vải áo khoác , cố nhặt cho bằng hết những bông cỏ may găm vào khi vật lộn trên đê . Sau đó Hoán có tìm gặp Chất xin lỗi . Chị lặng thinh quay mặt , nhưng anh ta cứ nói đi nói lại mãi một câu :

-Lúc ấy tôi quên nghĩ Chất là phó Bí thư huyện ủy ...

-Thôi đủ rồi ! Anh đi đi ! - Chị gắt lên thành tiếng .

Anh chàng kỹ sư lủi thủi ra khỏi phòng .

Hết kỳ gieo mạ xuân , dư luận dưới xã đưa lên : Hoán tằng tịu với mấy cô đội kỹ thuật giống sinh ra ghen tuông , cãi vã nhau . Chất căm giận Hoán thực sự . Có người gọi anh ta là " Kỹ sư gieo giống mới ". Huyện ủy đành phải ra quyết định trả Hoán về Ty Nông nghiệp . Chất ký vào công văn trao cho anh , kèm theo một lời cảnh cáo miệng :

- Phải để anh về trên đó thôi . Người như anh xuống đây chẳng có anh bộ đội nào trong Nam yên tâm chiến đấu !

*

* *

út Mai ở nhà một mình . Thằng con trai đi coi vườn trong chỗ nền nhà cũ . Chất không ngờ Mai trẻ đẹp đến thế . Gương mặt bầu bầu , làn da trắng mịn hơi xanh . Cái làm cho người ta lầm Mai còn con gái là khổ người thon thả và đôi mắt đen dài với hàng mi ươn ướt . Tại sao cô ấy không gặp may mắn đường chồng con nhỉ ? Chất tự hỏi . Trong lòng bỗng thấy dâng lên một chút mặc cảm gần như bực dọc và chị cố kìm chế lại . Hai người sau mấy phút ngỡ ngàng , sau những câu nói thông thường xã giao , đang ngồi bên nhau trên bộ ván gỗ . Chất bưng ly nước nguội uống từng ngụm nhỏ. Mai cầm quạt đan bằng lá dừa quạt hối hả cho khách :

- Em viết đại cái thư nhắn chịù Sáu "dô" , ai dè chị Sáu " dô " thiệt .

Chất đã thấy thư thái dần dần sau chặng đường xa hàng ngàn cây số . Chị nhìn cái miệng út Mai đang nói , ngạc nhiên với sự cởi mở trong giọng nói và cử chỉ của cô . Không ! Không thể ... Có lẽ người ta đồn bậy bạ chọc phá thôi ... Nhưng vì sao út Mai duyên dáng thế , phúc hậu thế , mà người ta vẫn phụ bạc , lãng quên ? Chao ôi , lòng dạ đàn ông thời buổi này đáng sợ quá ! Chị nhớ tới vài người bạn gái cùng trang lứa với mình , chờ đợi đến lúc hết duyên , lúc chớm già , chồng mới trở về . Những ngày âu yếm mặn mà trôi qua mau mắn . Họ bị bỏ lơ lửng như quả bóng bay bơm thiếu khinh khí , vút lên trời xanh không được , rơi xuống đất không rơi .Nếu anh Hùng còn trở về , anh có bỏ mình không nhỉ ? Chất tự cười mình cứ hay nghĩ hồ đồ làm anh ấy thêm tủi vong linh. Chị hỏi út Mai thân mật , nhưng vẫn còn ý thăm dò :

- Nhận được thư cô , tôi bất ngờ là đúng thôi , nhưng chả lẽ tôi vào đây cô út cũng bị bất ngờ ư ?

- Em tưởng chị đã đi bước nữa . út Mai đỏ mặt . Có chồng có con rồi , lo cho người sống đủ mệt , làm sao nghĩ tới người đã khuất được hả chị Sáu ? út ngập ngừng rồi nói tiếp : ừ , mà sao ảnh mất đã mười mấy năm , chị không kiếm lấy một ông cho có bạn ? Cô không dám nhìn thẳng đôi mắt của Chất , nên quay sang hướng khác .

Chất bối rối nhìn ra sân , vô tình họ xoay lưng vào nhau .

- Tôi già rồi ... Chất thì thầm vừa đủ nghe . Ai người ta nhìn ngó nữa mà lấy . Nghĩ cũng nản lắm , người thương không gặp , người gặp không thương . Chị đứng lên ôm choàng hai vai út Mai từ phía sau lưng , mắt đỏ hoe , ngấn lệ . Sao cô út cũng chịu ở vậy ?

Mai rùng mình , từ từ gỡ tay Chất , nói đứt quãng hụt cả hơi thở :

- Em ... Em cũng giống chị Sáu thôi !

Bức thư út Mai gửi ra miền Bắc như một tín hiệu cho Chất biết nhiều về chồng mình , về tình cảm của anh với gia đình má nuôi .

Bà Ba Cỏn coi Hùng như con . Đội anh ra đi đánh tàu ngoài sông , bà tưởng mình ngồi trên lửa, cứ thấp tha thấp thỏm không yên . " Lần này nhìn mặt thằng Hùng thấy thương nó quá.. Đi đánh trận mà giống như đi đánh tôm đánh tép , ăn nói cà giỡn hoài"! Trưa hôm đó , một tiếng nổ kinh thiên động địa từ ngoài sông dội vào , làm sầu riêng trong vườn rụng ào ào . Bà Ba đang nằm võng cũng bị hất té xuống nền nhà . " Thôi rồi , tụi thằng Hùng chuyến này trúng lớn! Bà thầm reo trong bụng, tất tả lo chuẩn bị ăn mừng . Buổi chợ chiều nhốn nháo tin đặc công thủy Việt cộng đánh chìm một tàu chở mấy vạn tấn hàng , xác lính trôi lều bều , váng dầu nổi đầy mặt sông . Bà Ba nghe hởi lòng hởi dạ . ủa , mà sao không thấy tụi nó về kìa ? Hay là ...

Chập tối , lính bắt bà Ba lên quận . Bà hỏi : " Làm sao bắt tui ?" Chúng nó đáp : " Đi rồi biết ! "

Thằng Quận trưởng mặt hầm hầm nhìn săm soi vào mắt bà già :

-Tui nom bà có phước , có đức lắm, vậy mà cây lành sanh trái đắng . Ba thằng trước " Tử vì đạo Việt cộng " chưa đủ sao bà để thằng Năm Rớt chết nữa ?

- Nó chết hồi nào ? Đi đâu mà chết ? Bà vặn lại .

- Hồi sáng thằng con bà ôm trái đánh tàu đồng minh Hoa Kỳ , sóng hất xác giạt vô cù lao đèn đỏ , lính tui lượm được . Giờ bà tính sao ?

Bà ba Cỏn vẫn thản nhiên nhai trầu , nói thủng thẳng :

- Sanh con ra , tui cũng muốn nó quây quần bù bập , chớ đâu muốn trơ trọi để ai muốn ăn hiếp cũng được . Thằng Năm Rớt nó đi đâu làm gì , tui không có hay. Tụi nó làm , tui khiến sao được ?

- Hiếp đáp ! Xui khiến cái con khỉ ! Thằng Quận trưởng đập bàn . Chánh quyền không bắt bà là hên cho bà lắm . Bà đẻ ra một bầy kẻ cướp ! Thôi , mời bà nội sang lãnh xác về lấp đi cho rảnh . Từ nay nhà bà hết nòi làm giặc . Bà liệu nhắn con út về lấy chồng làm ăn chớ có ngu như mấy thằng anh nó .

Chúng nó dẫn bà sang một căn phòng vắng trống trải .

Bà Ba lập cập bước lại bên tử thi , lật tấm đắp lên , người chết bị giập nát hết mặt mũi , không còn nhìn được nữa . Linh cảm người mẹ cho bà hay không phải Năm Rớt ... Trời ơi ! Thằng Hùng ! Thằng Hùng , đứa con nuôi bà yêu quý như con đẻ . Địch đã lầm Hùng với Năm Rớt vì vóc dáng hai anh em rất giống nhau . Đám ma được sự giúp đỡ chu đáo của bà con xóm vườn , bà Ba lập mộ cho Hùng ở ngay dưới gốc sầu riêng già . Hàng năm bà vẫn làm giỗ như những đứa con ruột thịt . Năm Rớt hy sinh sau Hùng hai tháng . Lần này bà đành nuốt nước mắt trở vô bụng , tránh không cho địch biết . Chẳng lẽ một đứa con chết những hai lần ...

Căn nhà bà Ba đã vắng thêm vắng hẳn , chỉ út Mai thỉnh thoảng về thăm má . Bao nhiêu sức lực và tình cảm còn lại bà dồn hết cho út Mai . Nhưng út Mai đã làm bà buồn ... Nỗi buồn chỉ người mẹ mới ngấm hết , thấu tỏ hết hậu quả . Xã Phước Thanh được giải phóng , út Mai trở về , nước da xanh bủng , trên tay bế một thằng cu đỏ hon hỏn như tôm luộc.Bước vô nhà , út quỳ xuống trước mặt má .

- Mô phật ! Kiếp trước tui ăn trộm ăn cắp của chùa để kiếp này hưởng quả ra vầy hả trời đất ! Bà la lên tuyệt vọng .

út vẫn ôm con trước ngực , nói với má trong làn nước mắt :

- Má ơi , con chỉ xin má hai điều : má hãy thương lấy cháu và má đừng hỏi con : Ba thằng nhỏ là ai ...

- Mày nói cái gì nghe kỳ cục ! Bà đỡ con gái đứng lên, hai cánh tay lẩy bẩy bồng đứa trẻ . Cá người nhảy vô đìa ta là cá ta , con à ! Bà nựng thằng nhỏ .

Phía ngoài ấp , tiếng người rộn rịch ới nhau đi dự mít-tinh mừng chính quyền cách mạng . Một tốp du kích , quần áo đen mới láng , khăn rằn quấn cổ , súng ống nai nịt gọn gàng dừng lại ở mé vườn :

- Má Ba ơi ! Có nhà không má ?

- Tao đây ! Tụi bay vô chơi . - Bà ôm cháu bước vội ra sân nhìn hớt hải . Thằng nhỏ giật thột khóc váng lên .

Sau bao nhiêu năm chiến tranh ác liệt , tiếng reo vui đầu tiên chào mừng hòa bình trong căn nhà lá cũ nát là tiếng khóc của một đứa trẻ chưa đầy tháng . Dường như từng chiếc lá trên cây cũng đang lắng nghe cái âm thanh bé bỏng ấy .

*

* *

Trong vườn chỉ có tiếng gió lùa xào xạc lướt qua mặt đất trải đầy lá khô , thỉnh thoảng một con sóc nhỏ từ bộng cây lại thò đầu ra ngó , cặp mắt nhỏ nhìn láo liên bên nọ bên kia . Hai người đàn bà cúi xuống thắp nhang , cắm vào chiếc lư gốm đặt trên mộ Hùng. Chất khóc lặng lẽ , hai vai gầy rung nhẹ dưới làn áo mỏng , dù cố nén , tiếng nấc vẫn cứ trào lên. Chị gục đầu ôm lấy tấm bia bằng đá mát lạnh . Mai đứng phía sau , dựa hẳn vào thân cây sầu riêng già vỏ sần sùi từng mảng lớn , mặc cho nước mắt chảy dài xuống mặt, xuống cằm .

- Trước hôm hy sinh, anh Sáu có nói . Mai nghẹn ngào : " Bao giờ thống nhất nước nhà , anh sẽ đưa má và út ra miền Bắc chơi . Chừng đó lăng Bác Hồ xây xong , ta đi viếng Người luôn thể. " Mai chùi mắt quỳ xuống , tay vịn vai, tay vuốt mái tóc Chất ,nói tiếp , giọng đã bớt nức nở : Em hỏi : " Anh Sáu thương chị Sáu hôn ? " Anh ngồi im lặng , mặt buồn thiu mất một lúc và nói : " Giá Chất lấy người khác chắc bây giờ phải có vài đứa con lớn tướng rồi , út nhỉ ! " Má thấy hai anh em nói chuyện không vui , rầy luôn : " Con nhỏ út bộ không còn cái gì để hỏi hả ? Chồng không thương vợ , vợ không thương chồng lấy nhau để làm gì ? Mai kia tao gả cho nhà người ta mày có dám chờ chồng đi vắng như con Sáu ở ngoải không ? "

Chất rút khăn lau nước mắt , cố thoát khỏi cảm giác mà chị không tài nào phân định rành mạch là mơ hay thực khi ngồi bên mộ chồng giữa khu vườn lạ này . Chị nhìn gương mặt trắng bệch vì xúc động của Mai , nói hơi lạc giọng :

- Cám ơn má , cám ơn Mai và cô bác đã lo cho anh Hùng chu đáo .

Mai xua tay :

- Chị Sáu đừng nói vậy , ảnh là người của miệt vườn này từ lâu rồi .

-Tôi chỉ tiếc không gặp được má thôi , út ạ .

- Suốt đời người cực khổ , ráng sống được như má là thọ rồi đó chị . Hồi xã cho ngôi nhà tình nghĩa , má chối hoài không nhận : " ở vườn thế này cũng được , nhà to đẹp tui ở không quen . " Mấy chú , mấy anh năn nỉ , làm mặt giận má mới chịu . Riêng phần mộ anh Hùng , má không cho chuyển lên nghĩa trang tỉnh . " Nó đánh giặc hy sinh ở đây thì nằm đây cũng đủ yên ấm. Hay mấy người sợ tui không nhang khói được cho nó ? " Má già nên trở tính trở nết , nói khó chuyển lắm . Má chỉ đồng ý đưa mộ anh Hai , anh Ba , anh Tư , anh Năm đi . Trước khi nhắm mắt , má còn trối trăng: " Nếu có đưa được thằng Sáu về ngoài Bắc thì ráng đưa , nếu chuyển lên nghĩa trang phải có ý kiến vợ nó , nghe con !" Chị thấy má em kỳ chưa ? Nhưng em cũng ráng hứa theo lời má dặn để bả yên tâm .

Chất thở dài :

- Người trẻ phải lo cho người đang sống , nhưng người già họ thích lo cho người đã chết là sự thường thôi , cô út ạ .

Từ phía chòi canh vườn có tiếng trẻ gọi:

- Má ơi , má à !...

Hai người dứt ra khỏi sự hồi tưởng về quá khứ , quay lại nhìn . Một thằng bé ốm nhom ,mặc quần đùi áo cộc , khoảng hơn mười tuổi , cầm chùm trái dâu đất chạy ào qua những gốc cây . Nó nhìn Chất ngỡ ngàng , nhìn sang má có ý dò hỏi . Chất cũng ngắm nó trân trân . Chị chú ý từng đường nét một cách kỹ lưỡng. Chao ôi ! Thằng bé thừa hưởng được ở người mẹ nước da trắng hơi xanh và đôi mắt đen thăm thẳm , còn tất cả khuôn mặt nó là của người cha , mà sao ... Cái miệng , cái mũi , cặp chân mày của nó dễ thương lạ lùng . Càng nhìn nó,Chất cứ cảm thấy mình đã gặp nó một lần rồi ... Thằng bé có một khuôn mặt quen thuộc , từng đeo đuổi trong những giấc mơ suốt đời chị ... Phải chăng nó là ... Chị thở dài .

Tiếng Mai nhắc khẽ , nhưng Chất lại mơ hồ nhận thấy giọng cô hơi lạc đi so với lúc nãy :

- Mợ Sáu, vợ cậu Sáu ngoài Bắc mới vô đó , con chào mợ đi !

Thằng bé chợt hiểu ra , khoanh tay trước ngực , đầu hơi cúi xuống :

- Con chào mợ Sáu .

Nó nép vào người mẹ tiếp tục bóc dâu đưa lên miệng ăn . " Má nè. Thằng bé nói thì thào . Vợ cậu Sáu sao già quá hà ? ... "

Mai hốt hoảng quay nhìn sang Chất . Từ lâu, qua câu chuyện của bà ngoại , của má , nó vẫn nghĩ rằng các cậu nó là những người rất trẻ , trẻ như mấy chú bộ đội trong phim và trong cuộc đời thực . Chất hơi mỉm cười không được tự nhiên lắm . Họ nói với nhau bằng mắt chứ không bằng lời về nỗi buồn của những người phụ nữ có cái thời thanh xuân đi qua chiến tranh . Trong bóng chiều chạng vạng ở cuối vườn bỗng vang lên mấy tiếng "xoạc "..." bịch"!"xoạc" ... "bịch "! Chất và Mai bàng hoàng. Thằng bé reo lên hớn hở : " Sầu riêng rớt ! Đó , đó má thấy hôn ? " Nó lao đi như một tia sáng về phía trước .

Mai vụt chạy đuổi theo con , la hốt hoảng :

- Coi chừng té ! Coi chừng té ! ...

Chất đứng nhìn theo hai mẹ con , rồi cũng bước vội về phía họ . Đôi chân chị đặt lên lớp lá khô nhẹ xốp vụng về như người ốm mới dậy , cứ hụt hẫng hoài ... " Trời ơi ! Phải chi thằng bé là con của anh ấy!" ý nghĩ đó bỗng dưng bùng lên trong lòng Chất làm chị thấy nôn nao ...

Mùa trái cây năm nay đang chín rộ .

1985
Hồi ức làng Che
Người của người
Người của ngày xưa
Người trong cổ tích
Người ở miệt vườn
Bóng dáng người yêu nhau
Nỗi buồn Giao Chỉ
Thung lũng xưa
Mùa trái cây
Hồi ức làng Che
Dấu chân tiên
Ốc mượn hồn
Cây sầu riêng tứ thời
Nhị độ mai
Người cùng làng
Đền thờ nước mắt