watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồi ức làng Che-Ốc mượn hồn - tác giả Nguyễn Đức Thọ Nguyễn Đức Thọ

Nguyễn Đức Thọ

Ốc mượn hồn

Tác giả: Nguyễn Đức Thọ

Tôi kém anh Đạt mười tám tuổi đời, mười tám năm tuổi lính , tức là kém anh một cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng giữa chúng tôi đã có một tình thâm giao hơn hai mươi năm trời. Tôi là lính của anh , là em kết nghĩa và lâu nay anh vẫn nói với vài người bằng giọng tự hào : " Thằng Thụ là bạn vong niên của tôi "
Khi tôi là thằng lính mới tò te , anh Đạt là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Hai trung đoàn pháo binh Bến Hải . Sau chiến dịch Khe Sanh , trung đoàn chỉ còn vỏn vẹn hai mươi bốn người rút ra bờ Bắc giới tuyến lập một bộ khung mới để nhận vũ khí , nhận thêm tân binh. Anh Đạt phát hiện ra tôi ở nhà bếp tiểu đoàn :

- Này , thằng vo gạo dưới suối ơi , mày tên là Thụ phải không ?

- Dạ đúng .

- Mày là học sinh chuyên toán ?

- Vâng .

Mặt anh Đạt hớn hở hẳn lên , chìa tay ra bắt tay tôi :

- Mày lên đây . Mẹ cái thằng quân lực gà mờ. Thằng giỏi toán phân đi làm bếp , thằng thủ kho phân đạm Hợp tác xã đưa lên làm kế toán . Mai mốt đánh nhau tính không ra phần tử có mà bắn cái cục cứt. Chiều nay mày lên trung đội chỉ huy nhận nhiệm vụ mới nghe chửa ?

Thủ trưởng Đạt là thần tượng của tôi , ở gần một con người tuyệt vời là may mắn nhưng đôi khi cũng phát mệt . Đơn vị nhận pháo mới ở tận Phú Thọ , hành quân bằng tàu hỏa xuôi về phương Nam . Đến ga Khoa Trường tàu dừng lại chờ thông đường . Đã hơn mười giờ khuya sương xuống lạnh đầm đìa vai áo , hình như mấy khẩu pháo va ứmấy chiếc xe cũng cảm thấy lạnh nên co lại sau làn vải bạt phủ kín nặng nề . Nhà ga cho biết khoảng năm giờ sáng tàu mới có thể chuyển bánh . Anh Đạt lay vai tôi :

- Từ đây về làng tao còn mười cây số . Đánh nhau bao năm trong Nam không thấy nhớ mấy, lúc này về đến đây bỗng nhớ mẹ đĩ và lũ chúng nó ghê quá mày ạ .

- Hay là ... Tôi bàn nho nhỏ . Thủ trưởng bàn giao cho anh Sơn rồi tạt về thăm chị và các cháu một lát .

Anh Đạt thoáng lặng yên rồi đi hội ý với tiểu đoàn phó . Tôi vào phòng trưởng ga ngỏ ý mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng . Tay trưởng ga lắc đầu nguây nguẩy . Tôi gay gắt :

- Người ta đi chiến đấu không tiếc xương máu , mượn cái xe đạp mấy tiếng đồng hồ ông lại tiếc. Thật không biết xấu hổ .

- Mày lên lớp tao đấy hử , thằng lính nhóc bọ. Tay trưởng ga vặc lại tôi . Mày tưởng làm ở cái ga xép này không tốn xương máu sao ?

Anh Đạt phải can ra , nếu không tôi đã gây sự với thằng keo kiệt một trận . Tiểu đoàn phó bảo tôi đi cùng anh Đạt , đề phòng bất trắc : " Nếu ông ấy trúng phòng cũng mặc , bằng mọi giá mày phải cõng lên đây trước giờ tàu chạy , rõ chưa ? " Anh Đạt vẫn hồn nhiên nói : " Rất hay, mày về nhà tao coi thử cái gái lớn có vừa mắt không , mai mốt tao gả cho " . Gà gáy nửa đêm chúng tôi về tới nhà . Anh Đạt bồi hồi bấm đèn pin soi mặt , ngắm từng đứa con đang ngủ quay lơ trong ổ rơm . Chị Đạt bối rối nhìn chồng , chân tay cứ như thừa ra lóng ngóng chẳng biết làm gì . Tôi ý tứ mắc võng ngoài hiên , vừa đặt mình là ngủ thiếp. Gần sáng tôi nghe tiếng người rì rầm :

- Bố nó ạ , con Hoe cứ đòi bỏ học . Thằng Tý anh ở lại lớp Bốn thêm năm nữa . Thằng Tý em học lớp Hai nhưng chỉ viết được mỗi cái tên nó .

Anh Đạt ho khan , mỗi khi nén cười anh thường hay ho khan :

- Mẹ nó lo cho chúng nó ăn no là tốt rồi . Đứa nào học dốt sau tôi cho vào bộ binh . Chiến tranh còn dài lắm .

- Nói như bố nó , thà đừng cho con đi học .

- Quân đội là trường đại học chính quy nhất , mẹ nó yên tâm , vào đó dốt cũng thành giỏi .

Cuộc hội ngộ của vợ chồng anh Đạt diễn ra khi mình ngủ nên lúc chia tay tôi vẫn chưa nhìn rõ mặt chị . Chúng tôi lại lên đường chỉ nghe tiếng chị chào .

- Hai anh em đi chân cứng đá mềm .

Ra ngõ anh Đạt bảo :

- Mày đi trước cho tao bám càng . Cha mẹ ơi, buồn ngủ ríu cả mắt .

Tôi đi như chạy về phía ga Khoa Trường , băng đồng mà đi . Anh Đạt theo sau thở hồng hộc coi bộ mệt tợn .Phải đi nhanh vì còn rất ít thời gian . Thế nhưng anh Đạt vẫn cố nói đùa :

- Mất sức chiến đấu quá mày ạ . Leo lên bụng bà ấy còn mệt hơn đánh căn cứ Mỹ .

-Về gấp gáp thế thủ trưởng có làm ăn được chút nào không ?

- Phải có chứ . Hai phát rưỡi !

- Sao lại hai phát rưỡi mà không tính ba ?

- Mày chưa vợ nên không biết . Dân pháo binh tầm hướng để đâu .Phát đầu vội quá đạn vãi ra ngoài mục tiêu . Hai phát sau trúng đích hoàn toàn !

Tay trưởng ga keo kiệt đứng chờ ngay cửa vào . Tôi lạnh mặt đi qua, hắn níu vai anh Đạt nói nhỏ:

- Xin lỗi đồng chí , tôi rất ân hận . Tôi đã sửa chữa khuyết điểm bằng cách chờ đồng chí có mặt mới báo tín hiệu thông đường và cho tàu chuyển bánh .

Anh Đạt bắt tay hắn :

- Xin cảm ơn , cảm ơn nhiều . Tôi không giận đồng hương đâu . Dân Thanh Hóa quê ta có mượn vợ thì mượn chứ không thể cho mượn xe đạp . Hầy ...

Tàu kéo còi rời ga , mặt trưởng ga méo xẹo như đang ăn phải ớt . Anh Đạt ngồi dựa lưng vào bánh pháo nhìn xa xă0m về phía biển , hừứng đông đang rạng dần những tia rẻ quạt . Ngôi sao Mai vẫn sáng lấp lánh đợi chờ .

- Làng tao ở phía ấy ...

- Ơ hay , thủ trưởng quên là em cũng mới vừa ở phía ấy lên à ?

***

Cuộc sống người lính đã đưa chúng tôi đi nhiều chiến trường khác nhau. Quảng Trị , Nam Lào vào Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ rồi vào tận Sài Gòn mùa xuân năm 1975 . Thủ trưởng Đạt coi tôi như một đứa em thân tình . Khi tôi sốt anh chăm sóc , tự tay nấu cháo . Tôi nghịch ngợm có tiếng , đến đâu thấy gái là tán như chảo chớp . Anh hăm he :

- Mày đừng cậy đẹp mã . Tán cho vui đời , tán để thò đuôi chuột vào con người ta là không xong với tao đâu .

Thứ tài sản quý giá nhất của anh là chiếc kèn Acmonica luôn mang theo bên bao khẩu súng ngắn . Không ai có thể mó tay vào chiếc kèn . Còn mọi thứ quần áo , lương khô , bột trứng , đường sữa tiêu chuẩn anh cho lính dùng ít khi giữ lại để dành riêng cho mình . Mỗi tối liên hoan văn nghệ , tiết mục thổi kèn của thủ trưởng Đạt có hai bài kèn " Vì nhân dân quên mình " và " Tiểu đoàn 307 ". Hình như anh chỉ biết thổi hai bài ấy . Tiếng kèn của anh theo chúng tôi từ những đồi cọ miền trung du vào tận thành phố Sài Gòn hoa lệ . Hễ anh em kêu mệt anh lại lôi kèn thổi say sưa . Ngày đại thắng ngồi trên xe diễu binh anh ngẩn người ngắm đội quân nhạc mặc quân phục trắng chỉnh tề cử những bản hành khúc hùng tráng .

- Mẹ kiếp ! Đời chúng nó thích thật. Nếu cho tao trẻ lại tao xin làm lính thổi kèn . Nhạc như thế mới gọi là nhạc , hay đến mức tóc muốn dựng ngược . Anh hỏi tôi . Mày biết hết tên các loại kèn không ?

- Em chịu .

- Tao chỉ biết hai loại . Cái to kềnh xoắn ruột ốc là Ô-boa cái kia là Trom-pet . Ngày xưa xứ đạo quê tao có hai cái kèn ấy . Hai thằng hòa với nhau nghe sướng tai lắm .

Hôm tôi đi phép ra Bắc , anh lội chợ cả ngày lùng mua mấy bộ đồ thun gửi ra làm quà cho con .Tôi đưa tận nhà , con anh chẳng đứa nào mặc vừa . Anh không thể ngờ các cháu đã lớn đến mức nào . Chị đành đem ra chợ Còng bán , mua gà đãi tôi , mua nếp , thịt nạc làm ruốc bông gửi vào cho anh . Anh không hiểu hoàn cảnh quê nhà nghèo luôn thiếu ăn . Chị cũng không hiểu anh ở trong Nam cuộc sống vật chất đâu đến nỗi không được miếng ngon . Nhận quà gửi vào anh cứ lẩm bẩm .

- Thương mẹ đĩ chu đáo . Nhớ tao lắm rồi đây . Biết ngay thế nào cũng gửi quà quê vào . Cảm ơn mày Thụ ạ . Nếu mày chê không cầm cho tao là tình cảm vợ chồng tao sứt mẻ . Mẹ nó hay ghen lắm .

Tôi chỉ cười thầm trong bụng : Bố này lẩn thẩn bỏ mẹ .

Mỗi đợt đơn vị chọn người đi học đào tạo sĩ quan tên tôi luôn đứng đầu danh sách nhưng anh Đạt gạt ra.

- Mày tướng mạo thư sinh , khỏi chết chỗ bom đạn là may rồi . Đừng theo đường binh nghiệp như anh. Cố gắng ôn thi đại học chuyển ra ngoài làm quan văn hay hơn . Tôi chỉ biết cảm ơn anh . Vâng , tôi không thể làm chỉ huy như anh . Khi cần anh có thể hét ra lửa . Khi vui anh vẫn biết giáo dục lính theo cách nửa đùa nửa thật :

- Mẹ chúng mày . Bộ đội đếch gì ăn nói tục như đom !

Tất cả cười . Cười để biết bỏ tật xấu . Nếu lần sau lỡ mồm coi chừng ăn bạt tai . Tôi là thằng lính láu lỉnh hay cãi lý nhưng chưa bao giờ dám cãi anh . Không phải tôi sợ tính nóng Trương Phi , tôi nể bụng dạ thẳng thắn nhân hậu trong cách sống của anh .

Lúc tôi chuyển ngành đi học đại học báo chí . Anh buồn vì phải chia tay nhưng làm bộ giấu rất khéo: Mày nhớ về đơn vị chơi với anh em nhé . Trong học tập phải khiêm tốn mới mau tiến bộ . Đừng hứng lên là nói linh tinh . ở với anh chín bỏ làm mười , ở trường phải dè mồm kẻo vạ miệng . Làm báo vui nhưng khó đấy . Viết dối thì dễ viết cho hay cho đúng không phải dễ đâu .

Trong thâm tâm chưa baogiờ tôi muốn rời xa anh Đạt . Đã quen có người bảo bọc , thời gian đầu mặc áo sinh viên tôi không khỏi cảm thấy bơ vơ ...

Mùa khô năm 1986 , anh Đạt được phong Đại tá , tôi mừng hơn khi anh nhắn sang Kông Pông Thom theo sư đoàn để viết bài phản ánh cuộc sống chiến đấu của người lính tình nguyện . Anh cưng tôi hơn con cái , đi đâu cũng cho xe chở và lính bảo vệ cẩn thận. Làm như tôi là lãnh tụ không bằng . Hôm ngày lễ thành lập Quân đội , thấy tôi mặc đồ dân sự mang máy ảnh đi dạo phố , anh tức tối , mặt sa sầm :

- Này Thụ , mày có còn là thằng lính không ?

- Thủ trưởng hỏi em chả hiểu . Thì em vẫn là thằng lính em mới mò theo anh sang tận đây viết về lính .

- Thế hôm nay là ngày gì ? Tại sao mày không mặc quân phục ?

Tôi ngớ ra . Anh đưa cho tôi chiếc áo sĩ quan còn thơm mùi vải .Mày phải mặc vào không tao tống cổ đi bây giờ .

Chiến trường Kampuchia lúc đó căng thẳng và rất phức tạp . Anh nghiêm khắc khét tiếng , hơi tý là ký quyết định kỷ luật những người vi phạm quy chế quân tình nguyện . Tôi quen trung úy Lân người thành phố Hồ Chí Minh , chuyên gia dân vận ở huyện xa mới bị gọi về nhà khách sư đoàn làm kiểm điểm . Lân đẹp trai , giỏi tiếng Khơmer nên dân địa phương rất quý gọi là Lục thum ( * ) .Điều đáng lưu ý là Lân yêu một Mêmai (**) .Chị ta tên là Sao phia, chồng bị Pôn pốt giết , hiện là Hội trưởng Hội phụ nữ huyện. Lân bị quy tội quan hệ nam nữ bất chính với bà góa , mặt mũi bơ phờ vì thiếu ngủ, vì lo lắng . Đã vậy tuần nào Sao Phia cũng lên tận nhà khách thăm . Họ gặp nhau , ôm nhau khóc rồi bịn rịn chia tay . Sợi dây tình đã trói chặt hai người rồi có trời mới bắt họ xa nhau được . Tôi nghĩ thế . Có lần Sao Phia rủ thêm cả Bí thư huyện ủy , Chủ tịch huyện và Huyện đội trưởng lên thăm Lân , đòi vào sở chỉ huy yêu cầu Đại tá Đạt trả Lân về lại địa bàn . Gương mặt Sao Phia có vẻ đẹp mặn mòi , dáng đi duyên dáng hơi khép nép. Anh chàng Lân đã chết mê chết mệt đôi mắt to đen thẳm, có cái nhìn hiền dịu, thấp thoáng một nỗi buồn xa vắng, của chị . Sao Phia bàn với Lân, rủ anh bỏ trốn về quê chị , hai đứa sống với nhau làm dân cũng được. Lân thở dài lắc đầu nhưng vẫn khẳng định sẽ lấy chị làm vợ dù bị kỷ luật nặng đến mức nào .Hình như Sao Phia đã có thai được vài tháng , thỉnh thoảng lại thì thầm vào tai Lân rồi kéo tay anh đặt vào bụng mình . Mặt Lân bỗng ngời lên rạng rỡ ...

Tôi rất thông cảm hoàn cảnh nên âm thầm nghĩ cách cứu Lân . Nói thế nào để anh Đạt chịu nghe là điều cực khó khăn . Hồi đơn vị ở bên Lào ,các cô gái hiền lành xinh tươi như trong mộng rất thích múa Lăm vông với bộ đội Việt Nam quanh đống lửa đêm trăng . Tất nhiên lính tráng chúng tôi khoái hơn mèo thấy mỡ , nhưng thằng nào cũng sợ anh Đạt .

- Các đồng chí cứ vui thật thoải mái , múa thật đẹp vào . Cấm chỉ không được sờ vú đấy ! Sờ vào là tao chặt tay ! Còn táy máy cái kia mời ra Toà án binh nhận án tử hình ! Điều đó không cần bàn cãi .

Tôi nghe mấy sĩ quan kháo nhau có thể Lân sẽ bị tước quân tịch áp giải về nước . Đến mức này mình can thiệp làm sao xoay chuyển nổi cơ sự . Chần chừ mãi , nhân hôm liên hoan chia tay , chỉ còn hai anh em ngồi ôn lại chuyện đời bên chai rượu Bayon , tôi nhắc anh Đạt , xin xóa án kỷ luật cho trung úy Lân. Anh trợn mắt lên :

- Không được . Mày tưởng tao không thương nó ư ? Nó là một thằng tao còn mê huống chi mấy bà Mê-mai Kampuchia .Tao cần có nhiều sĩ quan giỏi như nó nhưng tha cho nó , tức là tạo cơ hội cho bọn phản động Pôn-Pốt nói xấu quân tình nguyện , nói xấu chính quyền bạn .

- Chấp gì luận điệu của địch , thủ trưởng ơi . Mình sẽ có cách giải thích thấu tình đạt lý .

- Tao hiểu cái tình của thằng Lân là tình yêu đích thực . Cái lý trong bản kiểm điểm cũng là tình yêu đích thực .Nhưng không thể đem tình yêu nam nữ thường tình ra để thanh minh cho sự nghiệp của quân tình nguyện . Không thể đem một mối tình không biên giới để giải thích với Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Xương máu bao đồng đội đổ xuống để cứu dân tộc này ... Trời ơi , mày đừng bảo tao là thằng quân phiệt .

Có lẽ do hơi rượu hay một sức mạnh tinh thần nào giúp sức tôi đứng dậy vung tay nói oang oang như đang đứng trên một diễn đàn quan trọng :

- Em chưa bao giờ cãi lại anh . Em xin lỗi . Anh vừa nói quân đội ta đã cứu dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng , đem lại hạnh phúc cho họ . Em đồng ý . Một dân tộc bắt đầu từ những con người cụ thể , những Mê-mai cụ thể như chị Sao Phia . Quân tình nguyện giúp nhiều người, trung úy Lân góp phần đem lại hạnh phúc cho một người bằng tình yêu của mình. Làm cho một người đàn bà góa có chồng , cho chị ta những đứa con , tại sao lại gọi là có tội . Nếu cần anh lập Tòa án binh để xử thằng Lân, em xin nán lại , đứng ra bào chữa cho nó .

Đại tá Đạt ngồi yên lặng. Lát sau anh ôm vai tôi , mỉm cười thân thiết :

- Gớm thật . Cái lý của mày hay đấy .Thôi ngày mai em cứ về nước . Anh sẽ gác chuyện thằng Lân lại . Cho nó quá giang xe chở em về lại địa bàn . Hừ hừ ... mày đã cản trở được tao , cái thằng lỏi đáng yêu của anh ạ .

- Anh phải hứa tha cho trung úy Lân đấy .

- Thì hứa . Tiên sư mày . Đi ngủ đi, lấy sức mai còn lên đường .

***

Khá lâu sau, nhận được thư tôi mới biết cuộc sống của anh Đạt đã thay đổi .

....." Rút quân ở Kampuchia về , anh chuyển ngành ra dân sự .Anh đã được cấp nhà , cũng coi được , có trệt , có lầu , có khoảng sân nhỏ treo phong lan đặt bể cá kiểng . Anh thấy mình già thật rồi Thụ ơi . Anh đã đón chị vào. Đứa gái lớn lấy chồng , ba thằng sau không đứa nào ra hồn , vào đây đi làm thuê làm mướn lung tung . May là ngoan , chẳng đứa nào hư . Địa phương quý anh lắm , họ phân vào Ban viết sử chiến tranh .Chắc chú ngạc nhiên phải không ? Một đời thấm đẫm chất Militaire (* ) giờ ngồi làm quan thái sử tỉnh lẻ . Thu xếp lên anh chơi nhé . Lúc rỗi rãi đem cái kèn Acmonica ra thổi dỗ thằng cháu ngoại , bỗng nhớ đơn vị ghê gớm "!...

Tôi cứ nghĩ anh đã yên thân lúc cuối đời . Cũng tình cờ , tôi gặp lại anh chàng Lân đa tình ngày trước . Lân to béo đến phát sợ, chở vợ con bằng xe hơi đời mới đến chào tôi . Chị Sao Phia nói tiếng Việt khá sõi nhưng vẫn ăn mặc theo lối Khơmer . Trông hai người thật hạnh phúc và khá giả .

- Anh là ân nhân của vợ chồng tôi . Khi ta rút quân ,tôi giải ngũ , hai đứa đưa nhau về Phnôm Pênh mở một tiệm vàng. Đang buôn bán làm ăn phát đạt thì bị cái họa kỳ thị . Tôi đã nhập quốc tịch , có thẻ căn cước hẳn hoi , đóng thuế đầy đủ nhưng mấy ông UNTAC đến làm phiền hoài . Họ cho là tôi được cài lại . Sau mấy vụ thảm sát Việt kiều,chúng tôi hoảng quá thu vén trở về thành phố Hồ Chí Minh . Hiện đang ở nhờ nhà má ruột .

Tôi chúc mừng vợ chồng Lân rồi nhắc khéo :

- Anh chị nên đến thăm Đại tá Đạt , ông mới đúng là ân nhân . Tôi chỉ là người chứng kiến thôi .

Lân không nói gì . Xin tôi địa chỉ anh Đạt rồi ra về . Vợ chồng con cái thò tay ra ngoài cửa xe vẫy mãi .

Đi quần đảo Trường Sa về , tôi mang theo một món quà của lính đảo tặng đến thăm anh Đạt . Đó là một chiếc vỏ ốc xà cừ lấp lánh khá to . Theo tài liệu nghiên cứu đây là loài ốc hiếm thời xa xưa . Nó đã chết nhưng bên trong có một loài còng gió tá túc . Con còng lớn lên rồi mắc kẹt luôn không ra được phải mang trên mình chiếc vỏ ốc quá tải , thỉnh thoảng nó lại thò mấy chiếc chân như những que tăm ra cố xoay xở . Chiếc vỏ ốc rung rinh , ánh xà cừ phản quang lấp lánh .

Anh Đạt lấy làm thú vị , ngồi ngắm rồi bật cười ha hả :

- Chí lý ! Thật chí lý ! Tao bây giờ cũng giống con còng trong vỏ ốc . Cả đời tung hoành ngang dọc . Về đây có cái nhà thành con ốc mượn hồn . Muốn đi đâu cũng đành chịu .

Chị Đạt , mái tóc đã bạc trắng có vẻ không vui khi nghe anh nói . Tôi vội gạt đi :

- Tặng anh thả trên hòn non bộ làm cảnh cho vui mắt . Anh còn thèm chiến trận thì xin mời sang Nam Tư đánh thuê . Đúng là người hiếu chiến . Hòa bình , sum họp vợ con dưới một mái nhà ấm cúng thế này anh còn chưa ưng sao ?

Thằng út , đứa con của đêm gặp nhau vội vàng khi tàu dừng ở ga Khoa Trường , giống anh như lột xác , lên tiếng góp vào lời tôi :

- Bố cháu lo những vấn đề mang tính toàn cầu , chú ạ . Hiện nay thế giới có bao nhiêu điểm nóng bố đều theo dõi rất sát .

Anh Đạt lườm yêu nó :

- Mẹ mày , chú mày với cả mày nữa chẳng thông cảm cho tao . Có thể đó là bệnh nghề nghiệp của người viết sử chiến tranh . Ai mà thích đổ máu vì súng đạn , có họa thằng điên .

Tôi biết anh Đạt khó thích ứng với hoàn cảnh cuộc sống dân sự. ở quân đoàn ai cũng nói anh dại . Thà về hưu , đơn vị cấp đất, nhờ anh em người một tay làm nhà rồi nghỉ ngơi có hơn không . Chui đầu về tỉnh lẻ , một vị đại tá chiến công lẫy lừng nhưng ra đường vào công sở có ai biết là ai . Nếu không nhờ mấy anh em lính cũ sư đoàn chạy chọt các cửa dùm chưa chắc anh đã có căn nhà này mà ở . Máu cục bộ địa phương thì nơi nào chẳng có , nên rất khó hòa nhập thoải mái . Suốt bữa rượu , anh Đạt trầm ngâm nhìn tôi ăn uống rồi cuối cùng thốt ra một câu đầy dư vị cay đắng :

- Mình đi khắp xứ Đông Dương , khắp nước Việt Nam, bây giờ mới thấm thía thế nào là dân ngụ cư . Tự nhiên nhớ làng quê , nhớ phiên chợ Còng loe ngoe hàng quán , nhớ bến cá gió lùa lẫn khuất mùi nước mắm ...

***

Thằng út đến nhà tôi lúc mờ sáng , nó òa khóc như mưa gió :

- Chú ơi bố cháu chết rồi !

Tôi bàng hoàng tưởng muốn ngã sụm xuống . Anh khỏe mạnh hăm hở với đời thế sao vội đi hở anh ? Anh hẹn hôm nào ra Bắc chơi một chuyến cho ra chơi . Xuống chợ Còng uống rượu ăn cua nướng , theo thuyền đánh cá ra đảo Hòn Mê bắt hải sâm nhúng tái làm gỏi , đi vào xuống xe Đông Hà lang thang dọc đường số 9 vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mắc võng nghỉ lại thăm mộ cho bằng hết những người trung đoàn cũ nằm lại đó . Hết tiền à , không lo , tao thổi kèn , tao đeo kính đen giả làm xẩm, ngả mũ cối xin , mày làm cò mồi chìa tiền ra cho, thế nào chẳng có người cho theo ...ha ...ha . Anh hẹn sao anh không chờ . Sao anh lỡ hẹn ? Có bao giờ anh lỡ hẹn với ai đâu ...

Nghe kể lại mới biết anh chết vì chuyện hóa giá căn nhà đang ở . Giá sáu mươi triệu , từng ấy năm công tác anh được giảm mười một triệu , còn lại bốn mươi chín triệu. Khổ thế , cứ nghe triệu triệu mà kinh cả người . Anh hoảng , tìm đâu ra từng ấy tiền . Có người nói nếu có bằng liệt sĩ có thẻ thương binh thì được tiêu chuẩn nhà tình nghĩa . Anh đi các nơi xin xác nhận .Bây giờ mới biết vì sao anh xin về đây , ông cụ thân sinh là liệt sĩ thời Nam tiến hiện còn mộ nằm ở Nghĩa trang tỉnh . Hội đồng hóa giá cho anh giảm mười hai triệu. Chạy mờ mắt , bở hơi tai lôi cả ông bố thời Nam tiến dậy , kết quả chỉ được thêm một triệu đồng xấp xỉ giá tiền chai rượu ngoại chưa đủ một bữa đi bia ôm nhà hàng .

Tay cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích rất nhã nhặn :

- Quy định chung không được giảm quá mười hai triệu , bác ạ .

Anh Đạt nổi khùng :

- Người ta liệt sĩ mười hai triệu . Bố tao cũng liệt sĩ có một triệu thôi à ?

- Bác đừng nóng , nếu tính tiêu chuẩn con liệt sĩ thì bác phải thôi tiêu chuẩn Đại tá . Cơ chế thị trường mà . Bác phải thương Nhà nước với chứ . Cộng thành tích cống hiến của cả nước lại thì lấy đâu ra nhà mà cấp hở bác .

- Cơ chế cái con c ...! Anh Đạt văng tục rồi bỏ về nằm ốm liệt giường .

Lúc ấy Lân đến thăm . Lân lo lắng đưa anh đi viện , phụ thêm tiền thuốc men chu đáo . Cả nhà rất cảm động trước tình nghĩa người thuộc cấp cũ . Thằng út chủ động đề nghị Lân mua căn nhà làm chỗ ở và buôn bán . Như thế anh Đạt sẽ có tiền nộp Hội đồng hóa giá , số dôi ra mua một mảnh vườn có ngôi nhà nhỏ ngoại ô để anh chị dưỡng già . Không ngờ anh Đạt đồng ý :

- Anh biết chú tốt . Chú mua tức là chú giúp anh . Anh không muốn để nợ nần lại cho con cháu trả . Anh cũng chẳng ham hố cái nhà to ...

Lân trả tiền sòng phẳng theo giá thị trường, đưa vợ con về ở làm ăn . Bất ngờ thuế nhà đất tăng vọt. Bên mua chịu thuế thì Lân hết vốn. Bên bán chịu thuế thì coi như anh Đạt chẳng còn gì . Cái bí nảy ra cách gỡ bí . Chính chỗ này làm anh Đạt phát bệnh trọng . Luật quy định người thừa kế được miễn giảm thuế . Anh Đạt phải viết giấy làm sao để Lân được sở hữu căn nhà một cách hợp pháp .

Anh buồn suốt một tuần , cả ngày không nói câu nào , bữa ăn chỉ húp lưng chén cháo trắng . Ăn miếng ngon vào là nôn ra thông thốc . Anh không chịu đi nằm viện . Nửa đêm anh lồm cồm bò dậy tìm giấy bút ngồi vào bàn viết ... Tôi đã đọc nhiều bản di chúc . Nói chung người sắp chết thường sáng suốt . Chữ anh viết chân phương rõ ràng trên giấy trắng có kẻ hàng ... Nhưng anh Đạt ơi , có lẽ đây là bản di chúc lạ lùng nhất trên cõi đời .

" Tôi có bốn con đẻ và một con nuôi . Các con đẻ đã được ăn học có nghề nghiệp ,tôi tin các con sẽ vươn tới tương lai bằng nghị lực và hai bàn tay của chính mình . Riêng con nuôi là Nguyễn Lân chưa có nhà . Tôi quyết định cho cháu thừa kế căn nhà được hóa giá , kính mong cơ quan hữu trách xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của cháu .

Hơn bốn mươi năm theo Đảng phục vụ quân đội tôi luôn coi mình là người cộng sản . Tôi yên tâm và tự tin với suy nghĩ ấy . Giờ chết đi tôi hoàn toàn thanh thản . Không băn khoăn oán trách một điều gì và với bất cứ ai .

Phần tang lễ nhờ đơn vị cũ cho tôi được hưởng theo quy cách người lính . Phiền đội quân nhạc cử hai người , một đồng chí Ô-boa , một đồng chí Trom-pet đến thổi hai bài . Bài "Tiểu đoàn 307 " thổi lúc truy điệu , bài " Vì nhân dân quên mình " thổi lúc hạ huyệt . Thế là tôi mãn nguyện .

Các con. Bố là lính, coi như bố hy sinh ở chiến trường . Đừng nhận tiền phúng điếu . Lẽ đời có lúc phải biết từ chối . Mong các con hiểu lòng bố . Chiếc kèn Acmonica bố gửi tặng phòng truyền thống Sư đoàn .Chú Thụ sẽ thay mặt mẹ và các con làm chủ tang.. Bố tin chú hoàn thành nhiệm vụ ".

Tôi đã tiễn đưa nhiều đồng đội hy sinh nhưng tôi gan lì ít khóc . Đọc xong những dòng di chúc của anh Đạt , tôi khóc lã người , khóc hết nước mắt một đời lính gom góp lại . Ôi anh Đạt ơi , anh sẽ được thỏa lòng . Cầu chúc anh yên giấc ngàn thu ...

1993
Hồi ức làng Che
Người của người
Người của ngày xưa
Người trong cổ tích
Người ở miệt vườn
Bóng dáng người yêu nhau
Nỗi buồn Giao Chỉ
Thung lũng xưa
Mùa trái cây
Hồi ức làng Che
Dấu chân tiên
Ốc mượn hồn
Cây sầu riêng tứ thời
Nhị độ mai
Người cùng làng
Đền thờ nước mắt