LỜI MỞ ĐẦU
Tác giả: Nguyễn Duy Chính
Thân tặng những người bạn
Qua e-mail tình thân như ruột thịt,
Gặp trên đường ngơ ngẩn tưởng chưa quen.
N.D.C.
Ngựa nghe nói tím gan tím phổi,
Bèn chạy ra gầm hí vang tai.
Bớ này này ta bảo chúng bay,
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa…
(Lục súc tranh công)
Mấy câu thơ dẫn thượng là phần mở đầu của Con Ngựa trong tác phẩm Lục Súc Tranh Công học hồi đệ Thất (lớp 6) mà nay người viết còn nhớ được. Con ngựa là một sinh vật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển của loài người, chắc chắn phải có nhiều điều đáng nói hơn cái tự hào hết sức lạc quan kia.
Ở nước ta, con ngựa không quan trọng bằng con trâu, con lợn (heo) – và cũng hiếm có – nhưng ở Trung Hoa cũng như trong lịch sử nhân loại, vai trò của nó to lớn hơn nhiều. Có lẽ vì ngựa không phải là một con vật bản địa nên chúng ta ít thấy ngoài những con ngựa ở trường đua và mấy con ngựa còm, đầu có một túm lông gà uể oải kéo xe thổ mộ khá thông dụng ở miền Nam vài chục năm trước.
Trong ngôn ngữ thường ngày người Tàu chúc tụng nhau bằng câu Mã Đáo Thành Công và khi nói tới một nghệ thuật phi phàm ngưòi ta mô tả bằng bốn chữ Thiên Mã Hành Không. Người Trung Hoa cũng thường treo những bức tranh tám con ngựa dưới nhan đề “Bát Tuấn Đồ”.
Ngựa là một con vật ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Trung Hoa. Trong mười hai con giáp, con Ngựa tượng trưng cho năm Ngọ, nằm giữa năm Tị (con Rắn) và năm Mùi (con Cừu theo người Trung Hoa và con Dê theo Việt Nam). Trong văn chương và hội họa, ngựa lại càng quan trọng, nhiều thời kỳ con vật này được coi như một đề tài phổ thông và nhiều danh sĩ nổi danh gắn liền với tài vẽ ngựa như Hàn Cán (Han Gan), Vương Duy (Wang Wei), Lý Công Lân (Li Gonglin) đời Đường, Triệu Mạnh Phủ (Zhao Mengfu), Nhiệm Nhân Phát (Ren Renfa) đời Nguyên. Tuy nhiên nổi tiếng hơn cả có lẽ là họa sĩ Giuseppe Castiglione, một nhà truyền giáo người Ý được giữ lại trong cung nhà Thanh dưới Hán danh Lang Thế Ninh (Lang Shining). Ông vẽ nhiều bức tranh truyền thần màu rất đẹp, trong đó có những bức tranh vẽ người Tây Vực tiến cống ngựa. Ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều điêu khắc, tượng, hình ảnh lịch sử có liên quan đến con vật, đóng góp một phần không nhỏ vào việc tìm hiểu văn hóa cổ thời.
Ngựa trở thành một biểu tượng cho quyền quí và thanh cao từ đời Đông Chu khi người ta đề cập đến “thiên lý mã”, là những con bảo câu có thể chạy nghìn dặm một ngày (khoảng 300 dặm ngày nay). Người nổi tiếng nhất trong những tướng sư chuyên coi tướng ngựa là Tôn Dương (Sun Yang), sống vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước TL. Vì tài của ông, người ta gọi ông là Bá Nhạc (hay Lạc – Bole) là tên chòm sao Scorpio được coi là cai quản các giống thiên mã trên trời. Bá Nhạc xem xét xương và cấu trúc của con ngựa có thể nói đúng các đặc tính của nó, và ông chỉ cần liếc qua con ngựa nào trong chợ là con đó tăng giá ngay.
Người ta còn huyền thoại hóa rằng Bá Nhạc có thần giao với giống ngựa nên một con bảo mã bị bắt phải kéo xe, trông thấy ông liền hí lên khiến ông phải xuống vừa vỗ về con vật vừa khóc. Hàn Dũ đời Hán cũng đã từng viết rằng nếu không có Bá Nhạc thì không có tuấn mã cũng như không có vua hiền thì không có tôi trung để khuyến khích các bậc quân vương trọng dụng người hiền tài.
Ngày nay còn truyền lại một cuốn Mã Kinh (Classic of Judging Horses) tương truyền là do Bá Nhạc viết, trong đó nói rằng thiên lý mã có mười lăm xương sườn thay vì mười như ngựa thường[1]. Chính vì thế nhiều họa sĩ đã vẽ những bức tranh ngựa còm (emaciated horse) với dụng ý nhắc nhở con người là gian khổ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Lịch sử nước Tàu, trong chính sử cũng như trong tiểu thuyết đã nhắc nhở đến tên nhiều con ngựa nổi tiếng chẳng hạn con Xích Thố của Quan Vũ trong Tam Quốc Chí, con Ô Truy của Hạng Vũ trong Tây Hán Chí, hay con Hoàng Phiêu của Tần Quỳnh (Thúc Bảo) trong Thuyết Đường. Trên thực tế những con bảo mã đó không phải là yếu tố quyết định thành bại của chủ tướng như những tiểu thuyết gia thêm mắm dặm muối, mà vai trò của loài ngựa như một phương tiện di chuyển hay dụng cụ chiến tranh mới thực sự quan trọng. Cũng tương tự, cây cung là dụng cụ săn bắn gắn liền với sinh hoạt của loài người không biết từ bao giờ nhưng xuất hiện khắp mọi nơi, từ rừng sâu núi thẳm đến những quốc gia đã văn minh nhưng cũng chỉ là một trong nhiều loại vũ khí khác nhau của con người nguyên thủy.
Tuy nhiên, chỉ khi người du mục ở Trung Á biết kết hợp sức mạnh và lợi điểm của cây cung liên hợp (composite bow) với sức di động (mobility) của giống ngựa vùng mạc bắc, họ mới tạo thành được sức mạnh khủng khiếp để trở thành một đế quốc hùng mạnh vào thế kỷ 13, 14. Đế quốc đó như một vết dầu loang, lan rộng sang khắp vùng Tây Á, tiêu diệt những quốc gia hết sức bạo tợn và dũng mãnh trong thế giới Hồi giáo và Thiên Chúa giáo rồi theo đà tràn xuống miền nam chiếm lĩnh cả một khu vực văn minh bậc nhất thế giới là nước Trung Hoa.
Một điều lạ là sức mạnh tưởng như vô địch đó lại bị chặn đứng bởi những quốc gia nhỏ bé vùng Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Những quốc gia đó có chung một mẫu số là biết khai thác cái sở trường của mình, dựa lưng vào thành lũy thiên nhiên, dùng chiến tranh du kích để tiêu hao, lấy trường kỳ nhàn nhã để chống với nhọc mệt. Phương pháp đó đến gần đây mới được các chiến lược gia quốc tế quan tâm đến khi Mao Trạch Đông đưa ra chiến tranh nhân dân để chống với quân Nhật Bản và chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Hoa lục. Sau đó lý thuyết này được nhiều lãnh tụ áp dụng tại các nước thuộc địa để đấu tranh giành độc lập dưới cái tên chiến tranh dấy loạn. Thế nhưng phải đến cuộc chiến Việt Nam thì những ưu điểm của nó mới được vận dụng đến cùng cực, và nhìn lại người ta mới thấy rằng Cộng Sản Việt Nam đã theo sát những nguyên tắc mà nhà Trần hằng sử dụng 800 năm trước để chống lại quân Mông Cổ.
Đặt ra ngoài những quan điểm chính trị và những ẩn số đằng sau cuộc chiến, trên mặt thực tế, người Mỹ thất bại vì đã sai lầm trên chiến lược, tin rằng sức mạnh của tiền bạc và ưu thắng của vũ khí là yếu tố quyết định mà quên rằng phương tiện không chưa đủ nếu chưa nắm vững sở trường, sở năng và văn hóa của chính dân tộc đang sinh sống nơi bản địa.
Riêng trong bài này, chúng tôi muốn xuyên qua vai trò giống ngựa và cây cung của những bộ tộc du mục để đưa ra cái tương phản của khung cảnh thế giới vào thời đại Nguyên – Mông, cái ưu thắng của người biết vận dụng phương tiện chiến tranh vào việc chinh phục những khu vực khác, đồng thời cũng nhắc đến sự diệu dụng của một dân tộc còn rất sơ khai đã đem cái “đoản” của mình để chống với cái “trường” của địch.