Phần IX
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
(…) Ba bạn thân đầu tiên là Đông Hồ, Hư Chu, Giản Chi. Đông Hồ, Giản Chi lớn hơn tôi, người 5 tuổi, người 6 tuổi, Hư Chu nhỏ hơn tôi mười tuổi. Đông Hồ là người Nam (sinh trưởng ở Hà Tiên) nhưng từ gia phong đến giáo dục, bút pháp đều giống nhà Nho đất Bắc, còn hai bạn kia đều là người Bắc. Cả ba bạn đó đều biết chữ Hán, đều giữ được ít nhiều phong cách nhà Nho. Bốn anh em tôi giao du với nhau, tình “đạm nhực thuỷ” tuy thân mà không vồn vã, ồn ào. Mới quen thì chỉ kính nhau thôi, lần lần càng hiểu nhau thì càng quí mến nhau hơn, mặc dầu có khi vài tháng mới lại thăm nhau một lần. Gặp nhau chúng tôi nói chuyện về văn thơ nhiều nhất, rất ít khi tâm sự về chuyện riêng. Mỗi người có một lối sống riêng, những sở thích riêng, chúng tôi biết tôn trọng những cái đó của nhau. Nếu thấy thật cần phải khuyên nhau một lời thì chỉ nói phớt qua, mà nếu bạn không nghe thôi. Tôi nghĩ miễn thành thực với nhau và giữ được tư cách là đủ, ngoài ra không cần biết tới.
ĐÔNG HỒ
Trong những chương trên tôi đã nhắc nhiều tới ông, đã kể lần đầu tiên tôi gặp ông ở Yiễm Yiễm thư trang, rồi những lần họp cuối năm ở Quỳnh Lâm thư thất. Năm 1960, ông tặng tôi hai gốc hoàng lan khi tôi mua được nhà ở đường Kỳ Đồng. Hai năm sau, một gốc trổ hoa, tôi hái hai đoá chín đầu tiên tặng ông. Ông tặng tôi tập thơ Trinh trắng với bài thơ:
Kỳ sắc nhược cúc chi hoàng, kỳ hương nhược lan
Hoa nở nụ đầu
Niềm trinh ý trắng
Hái hoa phong tặng
Hương lắng tờ mây
Thơm tay người hái, thơm tay người trồng
Nay một bông, mai lại một bông
Yêu hoa xin giữ tấm lòng cho nhau
--------------------------------------- 24-11-1962
Mới lật tờ bìa tập Trinh trắng tôi thấy sực nức hương lan: một bông tôi tặng đã được thi sĩ dán lên trang đầu với 6 chữ nét mực còn óng ánh trên 6 cánh hoa: “Lộc Đình danh sĩ huệ tôn”. Đoá hoa khô đó, thi sĩ mất rồi mà nay vẫn còn thơm. Việc tặng hoa đó, nữ sĩ Mộng Tuyết đã chép lại trong bài Hoa nói (Văn hoá nguyệt san số 5-6 năm 1964). Ông mất ngày 25.3.1969 thọ 63 tuổi. Cái chết của ông thật đẹp: đương ngâm thơ về Trưng vương của Ngân Giang[1] ở giảng đường Văn khoa thì đứt gân máu, té xỉu trong cánh tay sinh viên, hôn mê, đưa lại dưỡng đường rồi về nhà, bảy giờ tối tắt thở. Sáng hôm sau hay tin, Đông Xuyên và tôi tới, thấy nét mặt ông hồng hào và tươi. Xúc động mạnh, về nhà tôi viết ngay bài Khóc bác Đông Hồ. Bài đó đăng kịp trên báo Bách Khoa số 1.4.69.
Sau đó, tôi viết tất cả 4 bài nữa về ông: Thi sĩ Đông Hồ và nhà Ngô [2] (Tin Văn – 1969), tựa Úc viên thi thoại (1969), Hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên (1970), Họ Mạc và họ Lâm (1971). Tất cả những bài đó đều nhắc tới sự nghiệp văn thơ của ông.
Ông coi tất cả gia đình tôi như người trong nhà. Tôi ham viết mà lại thường đau, ông cũng yếu, nhà chúng tôi xa nhau, nên lâu lâu mới gặp nhau. Ông viết được bài nào đắc ý thì lựa hai bản in riêng, đích thân ông sửa lỗi in rồi đóng lại thành tập mỏng, đóng dấu son “Đông Thuỷ cổ nguyệt” (tức Đông Hồ: chữ Hồ gồm ba chữ thuỷ, cổ và nguyệt), rồi gởi cho tôi hai bản, một bản để vào tủ sách ở Long Xuyên, một vào tủ sách Sài Gòn.
Đọc văn tôi thấy cuốn nào, bài nào vừa ý thì ông lại thăm tôi hoặc viết thư khen vài lời chân thành, chẳng hạn bảo “dịch cuốn Sống đẹp như vậy là hay”; nhớ lại bài Hương và sắc của tôi, ông bảo: “Sao và dầu là hai cây ở miền Nam mà trong này không nhà văn nào để ý tới, chỉ có bác và Võ Phiến, người ở Bắc, người ở Trung, là tả cái hương của sao và cảnh hột dầu bay lả tả”; lần khác ông cũng so sánh Võ Phiến và tôi: “Viết tuỳ bút thì Võ Phiến nhất miền Nam này, mà biên khảo thì không ai hơn bác”. Cũng có trường hợp ông làm một bài thơ khá dài để khen một tác phẩm như bộ Đại cương triết học Trung Quốc của Giản Chi và tôi. Bài đó bằng chữ Hán, tôi không chép lại đây.
Ông cho tôi là tri kỷ của ông khi tôi bảo ông có truyền thống nhà Nho, chỉ thích dạy học (lúc đó ông dạy ở Văn khoa Sài Gòn), truyền lòng yêu tiếng Việt cho những thánh niên tuấn tú; tôi cũng nhận ông là tri kỷ của tôi khi ông nghe tin người ta mời dạy đại học Văn khoa Sài Gòn, vội vàng sáng sớm từ trong Gia Định lại nhà tôi để khuyên tôi đừng nhận dạy vì mất thì giờ lắm.
Biết tôi đau bao tử, nên khi nào mời tôi dự tiệc, cũng bảo người nhà làm món xôi cho tôi. Lễ thành hôn cho cháu Yiễm Yiễm, con gái út của ông, trong số bạn văn ông bà chỉ mời vợ chồng tôi đưa dâu; còn tiệc đãi bạn bè, họ hàng ở khách sạn thì biết tôi không ưa náo nhiệt nên không ép.
Ông kính bác ba tôi ở Tân Thạnh cũng như kính bác ruột ông, biết bác tôi ở Đông Kinh nghĩa thục và có hai đứa con, Tân Phương và Việt Châu, là nhà thơ khá có tiếng ở Nam, nên ân hận không có dịp gặp bác tôi.
Ông kính bác Ba tôi ở Tân Thạnh cũng như kính bác ruột ông, biết bác tôi ở trong Đông Kinh nghĩa thục, có hai người con là Tân Phương và Việt Châu là nhà thơ có tiếng ở Nam nên ân hận không được gặp bác tôi. Cảm động nhất là mỗi lần lại thăm tôi, ông đều đốt một cây nhang ở bàn thờ song thân tôi rồi mới ngồi xuống nói chuyện. Ông Nguyễn Hữu Ngư cũng đốt nhang, quì trước bàn thờ cha tôi vì cha tôi và thân phụ ông cùng sinh năm Đinh Hợi (1887) và cùng theo phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
Từ năm 1963, nhất là mấy năm trước khi mất, Đông Hồ và tôi thường thư từ với nhau. Ông là nhà văn tôi giữ được nhiều bức thư quý nhất, có bức cảm động như bức ông sám hối với bá phụ ông, tôi đã cho in trong tập Làm con nên nhớ ; có bức dài mươi trang như bức đề ngày 19.3.64, dùng 5 màu giấy, trong đó ông cho biết cách ông cấu từ bài Trường Xuân hành (Bức thư đó là một tài liệu đáng lưu lại như Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn , coi ở sau).
Ngày 27 Tết năm đó (Giáp Thìn – 1964) ông tặng tôi một cành mai bông trắng rất thơm đem từ núi Tô Châu (Hà Tiên) lên [3] , rồi nghĩ liền hai câu:
Một cành Xuân gởi niềm trân trọng
Sử dịch trao tay mở nẻo đường .
Ông tính làm thêm 6 câu nữa thành một bài thơ luật, nhưng bận dọn dẹp nhà để ăn Tết, không làm được. Tối 30 Tết, ông sực nhớ năm đó Yiễm Yiễm thư trang được đúng 15 tuổi, bèn dùng ý đó nghĩ thêm bốn câu nữa. Sau mồng một Tết, thêm được hai câu nữa thành bài thơ khai bút 8 câu . Rồi ông trở lại ý hoa mai ở đầu, được 4 câu, thành 12 câu. Đã có 12 câu thì phải làm thêm thành một bài hành. Bẵng đi ba tuần mải vẽ hoa mai, ông quên bài thơ dở dang đó. Ngày 24 tháng giêng (8.3.64), ông nhận được thư của tôi cho hay cành mai ông cho tôi đã tàn vào ngày đầu năm rồi lại đăm nụ, nở nữa, thành “nhị độ mai”, ông mừng, làm tiếp 6 câu về nhị độ mai.
Tối hôm đó, người nhà và học sinh cũ làm lễ sinh nhật ông, ông vui, làm thêm 6 câu nữa, thành bốn đoạn, mỗi đoạn 6 câu, với hai câu kết:
Gió lộng non trầm dâng khói hạc
Vương đình trăng dọi chén quỳnh tương.
Hơn một tháng sau, ngày 25.4.64, ông sửa lại bài Trường Xuân hành đó và nhận được một bức thư khác của tôi kể về quê hương tôi ở Bắc. Nhân đọc mấy câu đối bác Ba tôi cho tôi từ 16-17 năm trước, ông làm thêm bài Tục Trường Xuân hành , gồm 4 đoạn, đoạn 1 và 3 đều 6 câu, đoạn 2 và 4 đều 4 câu, (26+20). Tôi chép lại đây phần dưới (20 câu):
Mười trang chữ thảo năm màu giấy
Một mảnh tình quê bốn góc tường
Ước có đâu đây cành gạo đó [4]
Chờ nghe đôi tiếng qua kêu vang [5]
Ôi Hà Tiên đó con Tần lĩnh
Thì Việt Trì kia cũng Thái hàng.
Bướm những chập chờn quanh gối sớm
Chim đâu ríu rít ngọn thuỳ dương [6]
Bàng hoàng nhắc lại lời thơ cổ
Biệt khó thì cho gặp dễ dàng [7]
Thời loạn dám tham nhiều phú quí?
Lòng băng gắng giữ chút thanh lương,
Hỏi xem trong những lầu muôn hộ
Đã viết thành chưa sách nửa trang [8]
Ngõ hẹp thung dung nhà đại ẩn [9]
Thánh hiền lối mới rộng thênh thang.
Thiên thai gần giữa phồn hoa đó
Trần mộng na tri hạc mộng trường
Tiên giữ dòng đời chi thoát tục [10]
Ký đào nguyên có ký táng thương.
Bài Trường Xuân hành (đăng trên Văn hoá nguyệt san năm 1966) ông làm gần trọn một mùa xuân mới xong, hoàn toàn tuỳ hứng, không bố cục trước, nhân một việc gì xảy ra, làm ít câu rồi để đó; ít lâu sau một việc khác xảy ra, hoặc nhớ lại một lời nào, không liên quan gì với việc trước, ông lại làm tiếp, nối vào với những câu trên; trước sau ông chép lại 5-6 việc khác nhau, cảm hứng khác nhau, chỉ có niềm vui này xuân làm sợi dây Ariane trong bài trường thiên 46 câu đó thôi. Lối đó rất đặc biệt, có biết thì mới hiểu được thơ của ông. Nó chỉ đặc biệt thôi chứ không thể coi là kiểu mẫu được, mà những bài thơ ông làm theo lối đó, người ngoài cuộc không sao hiểu nổi, nên không thể gọi là hay được.
Thư cho tôi, ông viết rất tháu, thường nằm mà viết, nên khó đọc, nét tươi như nét vẽ của ông, lời là lời đàm đạo bên chén trà, hoặc tâm sự đêm khuya dưới ánh trăng. Tôi còn giữ tất cả những bức thư của ông. Ông mất được mấy năm, nha Văn hoá tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm và di bút của ông ở mới cất đường Gia Long. Bà quả phụ Đông Hồ mượn tôi những bức thư đó để triển lãm cùng với những bức ông nhận được của tôi. Khi trả lại, bà có nhã ý làm photocoppy tặng tôi những thư tôi gởi cho ông, thành thử trong nhà tôi có đủ những thư của chúng tôi gởi cho nhau, điều đó chắc hiếm thấy. Bà còn bảo: “anh Đông Hồ không hề gởi cho ai nhiều thư, mà cũng không nhận được của ai nhiều thư như vậy”.
Tác phẩm của ông, tôi có gần đủ: Cô gái xuân , Bội lan hành , Hương gây mùi nhớ… Quí nhất là tập thơ Trinh trắng tôi đã nói ở trên, với hai bức hoạ hoa mai, có đề thơ: một bức với một bài thơ chữ Hán, một bức với một bài thơ chữ Việt, tức bài Nhị độ mai ký nói ở trang trên, sau khi ông sửa và thêm nhiều câu. Bức chữ Hán tôi cho cháu tôi, Tô Lệ Hằng, đem qua Pháp tháng 5.1979 cùng với toàn bộ tác phẩm của tôi. Các bạn của cháu ở Paris trầm trồ khen nét vẽ và ý nghĩa bài thơ. Ông có công sao lục và khảo cứu Truyện Song Tinh bằng thơ của Nguyễn Hữu Hào thế kỉ XVIII.
Đông Hồ thật là một nghệ sĩ từ tính tình, lối sống tới tài năng: thơ văn ông chải chuốt trang nhã, bóng bảy, có giọng phong lưu nhưng ít cảm; chữ Hán và chữ Việt, nét tươi như múa, vẽ mai thì ở nước mình chưa thấy ai hơn. Ông trắng trẻo, nhỏ, thấp, nho nhã, vẻ hơi yếu đuối, đúng là một thư sinh thời cổ .
HƯ CHU
Đông Hồ mất năm 1969 thì bốn năm sau Hư Chu mất [11] , mới 50 tuổi. Gia đình ông nhờ nhà xuất bản Mặc Lâm (cháu ông Đông Hồ) báo tin cho tôi hơi trễ; được tin tôi cũng xúc động, viết ngay một bài kể cuộc đời, sự nghiệp văn thơ của ông. Bài đó đăng trên Bách Khoa , ngắn mà đầy đủ, các bạn văn cho là cảm động.
Ông viết văn kỹ, điêu luyện theo một lối riêng; ông chơi thân với Vũ Hoàng Chương, làm thơ, ít thôi, nhưng được các bạn khen là già giặn, hay như bài Duyên Liêu Trai (ở đầu tập Nam Hải truyền kỳ ):
Phòng vắng chưa nằm đẫy giấc mơ,
Vang cười chợt tỉnh có đâu ngờ!
Nửa trang kỳ sử hồ lay gối,
Bốn mặt thu phần quỷ đọc thơ.
Hẹn một đời sau âu cũng vậy,
Tình trăm năm cũ lại bây giờ.
Kia ai dong đuốc xa dần mãi?
Eo óc canh gà những ngẩn ngơ.
Ông thích dạy học, được học trò và bạn bè mến vì tính tình hiền, nhã, thành thực. Đông Hồ là một nghệ sĩ phong lưu theo lối cổ; Hư Chu cũng là một nghệ sĩ lối cổ, nhưng bình dân hơn, kiểu một ông đồ thích uống trà ngon, đánh tổ tôm, trồng cây, nuôi chim, gà.
Chúng tôi tuy quý mến nhau, nhưng từ khi ông dạy học (1956), chúng tôi mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần. Ông ít viết thư, có việc gì thì tìm bạn nói chuyện. Tôi không giữ được bức thư nào của ông cả. Ở một chương trên tôi đã kể duyên văn tự của chúng tôi, ông đã giúp tôi trong việc xuất bản ra sao, nên không có gì để chép thêm. Ông lưu lại tập Nam Hải truyền kỳ , tập tạp bút Thơ, Nghiên, Hoa, Mộng , cuốn Để hiểu thơ Đường luật và một tập trích dịch Tình sử .
GIẢN CHI
Tôi xét không phải là một nghệ sĩ, không có chút nghệ sĩ tính nào mà ba bạn thân của tôi đều là nghệ sĩ. Ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn là một nghệ sĩ nhưng mới hơn Đông Hồ và Hư Chu, hơn tôi 6 tuổi, hơn Đông Hồ 1 tuổi. Tôi quen ông là do ông Đông Xuyên dắt vào một buổi sáng mùa Đông (?) 1958. To lớn, hớt tóc ngắn, ông có vẻ hiên ngang, không ra một thi sĩ. Tính tình tự nhiên, thẳng thắn, dễ thân mật, nhã nhặn, kín đáo. Coi một tấm hình của ông hồi 30-40 mươi tuổi, tôi bảo đùa ông: “Có vẻ Lương Sơn Bạc quá” [12] . Ông quê làng Hạ Yên Quyết (tục gọi là làng Cót) trên đường Parreau từ làng Bưởi (Yên Thái) qua Cầu Giấy, một làng nổi tiếng là làng văn vật trong tỉnh Hà Đông, mà họ Nguyễn của ông từ cuối Lê, đầu Nguyễn, thời nào cũng có người đỗ đạt, về đại khoa thì ngang mà về trung khoa (cử, tú) thì kém họ Hoàng của Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm) cũng ở làng đó. Ông có một người anh hay chữ, hay thơ.
Sinh năm 1905, học chữ Hán, mười lăm tuổi đậu khoá sinh, lúc đó thi Hương đã bỏ, ông chuyển qua học chữ Pháp, ít năm sau đậu bằng Tiểu học rồi vào trường Bưởi, học 4 năm nữa, đậu bằng Thành chung hạng bình. Nhà ở xa nên hồi đó ông phải ở trọ trong đền Ngọc Sơn hay một chùa nào đó. Ông làm sở Bưu điện, tính cương trực, cấp trên không ưa, có thời đổi phải lên Lai Châu, lưu lại bài:
----------- Thu Lai Châu
Hơi may gây gây,
Trời vùng này nhiều mây,
Nắng mưa chập chờn,
Không rượu lòng như say.
Thư nhà đỏ mắt,
Phím đàn không dây!
Lá đồi trận trận vàng lìa cây.
Dăm ba bông đại hương ngây ngất người,
Sông Na núi Síp bồi hồi,
Ngó sông ngó núi, mơ người Mường Keo.
Tính tình ông hào hoa phong nhã, thích hoa, rượu, nhạc. Thơ ông có giọng lãng mạn của thời đó, nhưng không sướt mướt mà hào hùng:
------- Mời rượu (trích một đoạn)
…Uống đi, nào bạn uống đi,
Lênh đênh ngày tháng mấy khi sum vầy!
Uống cho lòng ấm đêm nay,
Tỉnh suông suốt kiếp thà say một giờ.
Có đôi trong cõi mơ hồ,
Hoạ khuây dĩ vãng, bớt ngờ tương lai,
Thời gian hoạ có bớt dài,
Không gian hoạ rút trong vài tấc li
Về sau nhắc lại thời đó, ông ân hận rằng đã phí bỏ tuổi xuân.
Ông theo Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng năm 1945 vì yêu nước nên cũng giúp Việt Minh. Sau cách mạng tháng 8, ông khẳng khái tặng hết ruộng cho cách mạng, lại bỏ tiền rèn khi giới giúp anh em kháng chiến. Lòng trai bốn phương của ông lúc đó tưng bừng phất phới với ngọn cờ đỏ sao vàng:
(…) L. có thấy
Mặt trời đêm nay
Đang lên rỡ ràng?
Rừng cờ mở đỏ,
Ngôi sao bay vàng…
Sao bay cờ mở,
Lòng trai bốn phương…
Nghĩa đời rộng mở,
Tình người lên hương…
-------- (Lòng trai bốn phương).
Những năm kháng chiến, ông ra bưng, lên miền thượng du “kiếm ăn bằng các nghề xe gai, buôn nứa và chăn vịt, từng ngủ đêm phải ngủ nơi bãi tha ma”, sống cuộc đời nay đây mai đó.
----------- V ô định
Ta lại ra đi… đời lang thang,
Những ngày vô định, bước tha hương:
Thuyền bay độc mộc, mơ trăng Cót
Bãi ngủ tha ma, hút thuốc Mường.
Nước cả, vịt tan, trời đổ bão!
Bóng chiều, ngựa thét, núi chia cương
Tỉnh say hoa khói, cười mưa gió,
Ngoảnh lại phù sinh chốc nửa đường!
Rồi ông hồi cư về Hà Nội. Năm 1954, thấy chính sách ruộng đất của Việt Minh không ổn, thấy bạn cách mạng cũ trở mặt với ông, “tố ông”, không còn chút tình người gì cả, ông phải bỏ quê hương mà vô Nam.
---- Trên đường bay vô Nam
“Tâm tư bất năng ngôn,
Trường trung xa luân chuyển”.
------------------------------ (Cổ thi)
Trải mấy thu làm khách bốn phương,
Thu nay lìa xứ, lại lên đường.
Biển leo trời thẳm muôn làn biếc,
Cát giãi cồn xa một sắc vàng.
Cuộc sống đã đành khinh gió bụi,
Lòng người ai chả có quê hương!
“Cỏ tương tư” giục hoàng hôn xuống,
Mây trắng tơi bời, núi ngổn ngang…
Nhờ cuộc di cư đó mà tôi được gặp ông. Hồi đó, tôi đã được đọc tập Cô độc gồm một số truyện ngắn của Lỗ Tấn, ông tuyển rồi dịch, nhà Á châu xuất bản ở Hà Nội năm 1954. Biết cái vốn Hán tự của ông, nhất là Bạch thoại, hơn tôi nhiều, tôi đề nghị với ông cùng viết bộ Đại cương triết học Trung Quốc , ông nhận lời và chúng tôi hợp tác với nhau, vui và có lợi cho cả hai: nhờ có ông tôi mới mạnh bạo bước vào khu vực đó, và nhờ tôi có thúc đẩy từ đó ông mới sáng tác mạnh. Ngoài những tác phẩm viết chung với tôi, ông còn dịch Ả Q. chính truyện của Lỗ Tấn, Tuyển tập Lỗ Tấn , Cái đêm hôm ấy (S. Maugham)… Thực là một duyên tiền định có lẽ chưa hề thấy trong văn học sử nước nhà từ đầu thế kỉ đến nay.
Ông cho tôi là một bạn tương tri của ông, có lần gởi cho tôi hai câu này:
Nhớ đâu thuở ấy “xào” Trung triết,
Đâu chỉ thời xưa mới Thúc Nha
Tôi cũng coi ông là bạn tương tri. Khi có người bàn với ông giới thiệu tôi về giải Tuyên dương sự nghiệp Văn học năm 1973 của Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá, ông gạt đi: “Bác ấy không chịu đâu, đừng giới thiệu”. Theo thể lệ thì ai cũng có thể đứng ra giới thiệu người được tuyên dương rồi hội đồng tuyển trạch sẽ lựa; nhưng trong phiếu giới thiệu phải có chữ ký của người được giới thiệu tỏ ý chấp thuận, như vậy để phòng xa trường hợp người được trao giải mà không chịu lãnh giải, như trường hợp Giản Chi và tôi năm 1966 được giải thưởng biên khảo toàn quốc về cuốn Thượng bộ Đại cương triết học Trung Quốc . Hai bạn ở Bách Khoa, ông Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến lại đề nghị với tôi để các ông ấy giới thiệu, tôi từ chối và không chịu kí tên trên phiếu giới thiệu. Sau, giải Tuyên dương sự nghiệp đó về tay ông Nguyễn Duy Cần, cánh tay mặt của ông Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh Văn hoá. Ký giả Lô Răng trên báo Tiền Tuyến (một tờ của chính quyền), ngày 20.1.73 viết: “Về ngành biên khảo ở Việt Nam hiện tại, người tôi cho là có công nhất, phải kể ông Nguyễn Hiến Lê. Nhưng vì một lẽ nào đó ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc. Nếu không có ông Nguyễn Hiến Lê, ông Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) nhận vinh dự kể trên cũng là một điều ổn thoả”.
Ông Giản Chi vô Nam, làm Thanh tra Quân Bưu đến khi về hưu rồi dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huế về môn Trung triết tới năm 1977 thì thôi.
Chỉ khi nào thực có hứng ông mới làm thơ, nên tới nay ông mới có độ vài trăm bài, một phần là dịch. Thơ ông tôi thích hơn thơ Đông Hồ, Đông Xuyên, Quách Tấn, vì có nhiều thể (cả mới lẫn cũ), nhiều giọng, đa số là cảm khái, khi buồn thì ủ ê, khi thì trầm hùng, lại có lúc thanh thoát. Thường có hình ảnh mới và thỉnh thoảng cũng dùng điển cầu kỳ. Mỗi giai đoạn, mỗi biến cố lớn trong đời ông đều được phản ánh trong tập Tấc lòng mà ông mới đánh máy mươi bản cho bạn hữu (không in) để ghi lại tâm tư của ông từ trẻ tới già.
Trên tôi đã chép ít bài của ông, dưới đây xin thêm bốn bài nữa [13] :
-------- Tản cư (1947)
Mây xám đầu non, gió cửa rừng, [14]
Hoang vu trước mắt, giặc sau lưng.
Câu thơ đêm viết, ngâm rồi xé,
Chén nước mình pha, nhấp lại ngừng.
Năm hết quê người, mưa xuống nặng,
Gươm treo đời loạn, bạn ngồi dưng.
Trông nhau, trông mái đầu chưa bạc,
Gằn giọng cười đau, nuốt lệ mừng.
-------- Rời Thần kinh
------ (Gửi Nguyễn Văn Thư và Phan Du)
Cơn giông đâu nổi? Sóng nào reo?
An Cựu lùi xa, Bạch Mã theo…
Trăng dựng muôn hình mây ngút ngút…
Xanh chìm một vũng, biển thiu thiu…
Hương hoa xứ Huế đôi tình bạn,
Vũ trụ thầy Trang một cánh diều.
Hạt thóc thái thường vòng đại hoá
Chín ngàn cao vỗ mộng lăng tiêu [15] .
---------- Phút giây trên núi
Nắng mai rực bóng anh đào
Gió thông lồng lộng thương vào bút nghiên
Bềnh bồng mây trắng qua hiên…
Nhân gian chợt nhớ chợt quên có mình
Tiếng gà trưa vẳng non xanh
Trâm tùng khô nhẹ, nước mành rơi rơi…
Sương khuya cuối lũng trăng soi,
Hư vô một sắc sáng ngời tâm tư.
Giật mình đợt súng xa đưa,
Niềm quê hương chẳng gió mưa mà buồn.
---------------------- (Gác Tùng Âm, Đà Lạt)
------ Chơi đồi xuân
Xuân về, quên đôi áo ,
Theo cháu lên chơi đồi.
Cỏ xanh ông cháu nằm,
Gốc thông ông cháu ngồi.
Dưới là hồ,
Trên là trời.
Hồ nghiêng lấp lánh,
Trời ngửa chơi vơi.
Xem bướm vàng bay
Xem mây trắng trôi.
Bướm vàng mộng trẻ,
Mây trắng tóc ai.
Mộng lòng nghe vỗ cánh
Vui cái hồn nhiên vui
Mây trắng lâng lâng bay mãi
Bướm vàng phất phới không thôi
Phút giây vũ trụ ngừng trong nôi,
(… Bỏ một đoạn)
Có lẽ lần đó là lần cuối cùng ông được hưởng cái vui hồn nhiên. Rồi G iải phóng miền Nam. Lúc này đây ông đương viết về đời Vương Duy[16] .
Trong số mấy bài thơ chương này, tôi trích thơ ông nhiều hơn cả vì thơ ông chưa in thành tập, ít ai biết.
ĐÔNG XUYÊN
Tức Nguyễn Gia Trụ với Giản Chi quen nhau từ hồi trẻ, tuổi xấp xỉ nhau, gia thế như nhau, đều ở trong những gia đình nhiều đời đỗ đạt, quán ở làng Đông Ngạc (tục gọi là làng Vẽ), một làng nổi tiếng về văn học gần Hà Nội, con cụ mền Tĩnh Trai; hồi nhỏ cũng học chữ Nho đến 16 tuổi rồi mới chuyển qua học chữ Pháp, ba năm đỗ Tiểu học, nhưng không học tiếp hết Cao đẳng tiểu học như Giản Chi, sau làm thơ ký Nha Quan thuế Hải Phòng, di cư vào Sài Gòn năm 1954, cũng vẫn làm ở Quan thuế đến khi về hưu.
Nhưng hai bạn đó trái ngược nhau về nhiều điểm: Đông Xuyên thấp, gầy, mắt sáng, chậm chạp, vẻ mặt khắc khổ, bận áo dài thâm vào thì ai cũng bảo là một thầy đồ; tính tình nghiêm cẩn, hơi câu nệ, sống rất giản dị, ít đọc sách, ít giao du, chỉ mê làm thơ mà thơ ông cũng rất cổ.
Ông tự xét ông: “Trong làng văn, có lẽ tôi là người có nết nhất: không dính tứ đổ tường, nhưng cũng là kẻ lạc hậu nhất: không biết đi xe đạp. Tính hay gắt gỏng, nhưng chân thật, bạn bè yêu”. Đúng. Ông rất chân thật, thật như đếm nữa, mà cũng thật liêm khiết, đó cũng là điểm bạn bè quí, nhưng chắc cũng bị vài kẻ ghét vì có lần ông than: “Nước mà trong quá, cá không ưa”.
Việc nhà ông giao cho vợ hết, trái hẳn với thi sĩ Bàng Bá Lân, một bạn thơ của ông: họ Bàng tháo vát, dạy học bốn chục giờ một tuần, dịch sách, viết sách, chụp ảnh, giúp đài truyền hình…, một mình nuôi gia đình trên 12 người, lại lo tính cả việc nhà; còn Đông Xuyên hết giờ ở công sở, về nhà nghĩ tới thơ.
Ông có thơ đăng trên An Nam tạp chí từ hồi 25 tuổi và được Tản Đà khen; từ đó đến nay non nửa thế kỷ ông đã xuất bản được bốn tập: Thuyền thơ , Gió nồm , Bến chiều , Tuyển tập thơ Hán Việt (dịch); ngoài ra còn vài tập nữa chưa in, tính ra cả sáng tác lẫn dịch được trên 600 bài.
Giản Chi phê bình thơ ông như sau: “Anh say sưa cảnh đẹp thiên nhiên và thường nặng lòng trước những cảnh đời ngang trái. Và đọc thơ anh người ta phảng phất thấy cái tài bộ của một Vương Ma Cật và dạt dào một đồng tình của một Bạch Lạc Thiên”. Mấy năm nay tôi thấy thơ ông có giọng thơ Tú Xương nữa.
Ông ưa dùng thể thơ luật nhất, thỉnh thoảng làm một bài lục bát hay song thất lục bát. Thơ ông chỉnh, có nhạc, bài nào cũng xen cảnh vào tình, nhưng thiếu bề sâu, ý mới. Đặc biệt là ông ít dùng điển, ít dùng cả chữ Hán, rất có giọng Việt. Tình cảm của ông chỉ hiện phơn phớt, như được tiết chế theo đạo Nho rồi (không kể những bài nửa đời gần đây, chưa in). Ông cổ điển mà Giản Chi lãng mạn. Ông có nhược điểm là hồi trẻ ghét phong trào thơ mới, không chịu đọc một nhà nào cả, và cũng ít đọc sách. Về già ông đổi ý nhưng vẫn không chịu nổi thơ tự do.
Ông là sản phẩm cuối cùng của đạo Nho ở Việt Nam. Không thể còn một người nữa như ông. Tôi may mắn được giới thiệu hai tập Thuyền thơ và Tuyển tập thơ Hán Việt , nên ở đây tôi khỏi chép thêm. Tác phẩm của ông tôi giữ được đủ; thư của ông khá nhiều, toàn nói về thơ, bức nào cũng ngắn thôi, tôi giữ được gần đủ cũng gần đủ.
QUÁCH TẤN
Tôi biết danh Quách Tấn từ hồi thế chiến nhưng quen ông thì mới trên mười năm nay. Vào khoảng đầu năm 1967-68, đọc cuốn Nước non Bình Định của ông, tôi viết một bài đăng trên tờ Tân Văn (1968) khen là tác phẩm có giá trị nhất trong loại Địa phương chí vì tài liệu dồi dào mà văn lại hay. Tôi khuyến khích ông viết một cuốn nữa về Nha Trang nơi ông đương ở. Ông viết liền cuốn Xứ Trầm hương , cuốn này còn hay hơn cuốn trên: chép nhiều cảnh lạ ở Khánh Hoà, nhất là cảnh núi mà tôi chắc không ai tả hơn ông được; tôi lại giới thiệu trên tờ Tân Văn năm (1970). Từ đó chúng tôi thường thư từ với nhau và lần nào ở Nha Trang vào Sài Gòn ông cũng lại nói chuyện văn thơ với tôi một vài giờ.
Ông hơn tôi hai tuổi, sinh ở Bình Định, tổ tiên là người Trung Hoa, song thân đều biết chữ Hán, thân phụ có cả tân học, đậu bằng Thành chung, làm công chức. Ông học chữ Hán tới 12 tuổi rồi mới học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp; cũng sớm đậu bằng Thành chung, rồi ra làm thơ ký hành chánh để nuôi các em vì lúc đó song thân đã quy tiên. Nhờ giáo dục gia đình và nhờ tự học, ông biết chữ Hán, chữ Nôm và làm thơ nổi danh từ hồi ngoài hai mươi tuổi, cũng như Đông Xuyên, được Tản Đà khen là “tả cảnh có nhiều vẻ hùng hậu, u ẩn, nhã chí, tinh công”.
Ông nhỏ người, thấp, lưng rất ngay, bước đi vững, đều; tính tự nhiên, thẳng thắn, vui vẻ, nhiều tình cảm, chơi thân với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê; người Bình Định gọi là Bàn thành [17] tứ hữu .
Ông có thể nói chuyện về thơ cả buổi mà không chán. Sự hiểu biết của ông về thơ luật, về điển tích, ở Việt Nam có lẽ không ai bằng.
Ông là nhà thơ siêng năng nhất, sáng tác mạnh nhất. Ngoài bảy chục tuổi mà ngày nào cũng đánh máy suốt buổi được (ông viết bằng máy đánh chữ) cả khi ông giữ cháu nội, ngoại. Trong một bức thư ngày 20.12.79, nhân tôi hỏi, ông cho hay đã có non 1.500 bài thơ, trong số đó có khoảng 900 bài “cận thể”: thất tuyệt, ngũ tuyệt, thất luật, ngũ luật; trên 400 bài lục bát từ bốn câu trở lên; và khoảng 200 bài thơ dịch. Chỉ có một số nhỏ đã được xuất bản trong các tập Mùa cổ điển (1939), Mộng Ngân sơn (1941), Đọng bóng chiều, Tố Như thi …
Quách Tấn chuyên về thơ luật, tôi cho rằng từ đầu thế kỷ đến nay không ai có công với thơ luật bằng ông: ông có trên ngàn bài thơ luật, kể cả thơ dịch; lại chép hồi kí, phê bình hầu hết các nhà thơ luật nổi tiếng ở nước ta trong nửa thế kỷ nay, trước sau mấy chục nhà, gồm cả ngàn trang (vẫn còn bản thảo); sau cùng lại viết một tập dạy cách làm thơ luật (bố cục ra sao, dùng điển ra sao, lựa âm thanh ra sao…), chỉ cho ta thế nào là hay, thế nào là hỏng… Tập đó dày khoảng 200 trang, viết kỷ hơn cuốn Để hiểu thơ Đường luật của Hư Chu nhiều, tiếc rằng không biết bao giờ mới in được.
Thơ luật ở nước ta , theo sử chép thì có từ cuối thế kỉ XIII, tới nay được bảy thế kỉ, tôi đoán nó sẽ chấm dứt ở đầu thế kỉ tới, cũng như thể Sonnet của Pháp ngày nay không còn ai làm nữa. Vậy ta có thể coi Quách Tấn là người cuối cùng có công với nó, người đầu tiên là Hàn Thuyên, người gây phong trào thơ Nôm ở đời Trần Nhân Tôn.
Ngoài ra ông còn có 15 bài văn tế, một bài được khắc lên bia trước đền thờ vua Quang Trung ở Bình Định, nhưng sau ngày giải phóng bia đã bị trát xi măng lên.
Ông lại viết tiểu thuyết Trăng ma lầu Việt , Duyên tiên (loại truyền kỳ), phóng tác bộ truyện Ngàn lẻ một đêm của Ả Rập; viết Địa phương chí: Nước non Bình Định , Xứ Trầm Hương , Danh nhân Bình Định , và mấy ngàn trang thi thoại, hồi kí, nghệ thuật làm thơ, truyện ký về Bích Khê, Đào Tấn. Bản thảo của ông tới nay còn mấy ngàn trang chưa in, đều đó ít ai ngờ nổi! [18]
Thơ ông thỉnh thoảng có cảm xúc mới, ý mới vì ông viết rất nhiều; nồng nàn hơn thơ Đông Xuyên, có lẽ vì ông có Tây học hơn Đông Xuyên, một số bài gợi cảm và rất nổi tiếng như 2 bài thơ dưới đây đều ở trong Mùa cổ điển :
--- Đêm thu nghe quạ kêu
Từ Ô y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng.
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tiếng dội lưng trời đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.
----------- Trơ trọi
Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ!
Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ!
Sầu mong rơi lệ khôn rơi lệ,
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ.
Mưa gió canh dài ngăn lối mộng,
Bèo mây bến cũ quyện lòng tơ.
Hỏi thăm tin tức bao giờ lại,
Con thước qua sông lại ỡm ờ!
Thơ ông về già tự nhiên hơn nhưng vẫn giữ những nét chính thời bốn chục năm trước. Nhiều người trách thơ ông đẽo gọt và dùng nhiều điển quá. Ông bảo: “Thú thật là tôi làm thơ không đến nỗi “khổ công phu” như Giả Đảo (…). Nhiều khi làm rất nhanh. Song sự thai nghén của thơ có phần lâu. Ngoài bài Đêm thu nghe quạ kêu , tôi còn nhiều bài khác mà cảm xúc và tình thơ nằm trong tâm hồn tôi trên dưới 10-15 năm như bài Ấp ủ, Búng chân … trong Mộng Ngân sơn .
Sự dụng điển của tôi ai, cũng tưởng tôi moi đầu moi óc ra để tìm điển. Trên thực tế không phải thế. Chính điển tìm tôi để phò tá…” (thư cho tôi ngày 19.9.80).
Trong bài “Chung quanh bài Đêm thu nghe quạ kêu ” viết ngày 4.8.63 (Bàng Bá Lân in vào tập Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại II , nhà xuất bản Xây dựng), Quách Tấn cho biết ông thai nghén bài thơ đó ra sao. Một buổi tối cuối thu Đinh Mão (1927), trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái, ven bờ sông Côn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, ông nghe thấy một bầy quạ thình lình cất tiếng kêu vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Từ đó tiếng quạ kêu ám ảnh ông. Ba tháng sau, bà thân ông mất, tiếng quạ đó lại thành não nùng, héo hắt. Rồi bẵng đi 12 năm, năm 1939, một đêm trăng, nhân nghe một tiếng dội ở xa ngân dài ra, tiếng quạ năm xưa vụt thức dậy rộn ràng, nhưng dịu dàng chứ không rùng rợn như trước. Đêm đó ông thao thức, nhớ lại nhiều ký ức (…)
Do chữ quạ mà ông liên tưởng đến màu đen, đến chữ ô và ông nhớ bài Ô y hạng của Lưu Vũ Tích; rồi nhớ đến bến đò An Thái ông đã qua năm 1927 mà ông liên tưởng đến bến Phong Kiều của Trương Kế trong bài Phong Kiều dạ bạc ; lại nhớ tới con sông Côn mà liên tưởng đến dòng sông Xích Bích với con thuyền Tô Đông Pha, nhớ bài Tiền Xích Bích phú trong đó có dẫn câu “Minh nguyệt tinh hy, Ô thước Nam phi” của Tào Tháo; cứ hết điển này đến điển khác nối nhau đưa ông vào cõi mộng, và sáng hôm sau nữa ông làm xong bài Đêm thu nghe quạ kêu , như đã chép ở trên, chỉ khác câu 6 là: “Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng” (lúc bấy giờ quân Nhật đóng ở Việt Nam, nhiều người đi lính để lập danh, nhiều bà vợ bị chiếc bóng), và câu 8 là: “Tình lang mang gợi tứ lang mang”.
Năm 1941, khi sắp in vào tập Mùa cổ điển , ông thấy không vừa ý hai câu đó, nên sửa lại là “Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng” và “Tình hoang mang gợi tứ hoang mang”.
Đó, ông thai nghén bài Đêm thu… như vậy, từ 1927 đến năm 1941, 14 năm cả thảy.
Ông “nhiều khi làm thơ rất nhanh”, điều đó tất đúng, có vậy ông mới làm được 1.500 bài; vả lại nhà thơ nào khi hứng tới thì cũng như thế cả. Ông không “khổ công phu” như Giả Đảo trong phái Quái đản đời Đường, điều này tôi chắc cũng đúng; nhưng bài Đêm thu nghe quạ kêu làm xong rồi, hai năm sau mới sửa câu 6 và câu 8, thì ông cũng không khác Giả Đảo mấy: Giả Đảo [19] “Lưỡng cú tam niên đắc”, ông thì lưỡng cú nhị niên đắc. Và tôi nghĩ viết kỹ thì phải vậy. Ông “không moi óc ra để tìm điển” mà điển tự nhiên tới. Điều đó dễ hiểu. Điển thường là do một ý, một vần hoặc một vài chữ trong câu gợi nên, ít ai vô cớ mà đưa điển vào thơ.
“Sự thai nghén có phần lâu”, như bài Đêm thu nghe quạ kêu mất 14 năm. Mà chuyện đó thì rất thường, như bài Hoa đào năm trước của tôi (Lá Bối – trong loại Bông hồng cài áo - 1970) cũng có thể nói là “thai nghén” trong bốn chục năm: từ hồi tôi còn ở trung học, một ngày xuân năm 1929 hay 30 thoáng thấy một thiếu nữ bên một gốc đào mãn khai; rồi năm 1942 hay 43, một đêm trăng qua Đèo Cả, thấy một cảnh đẹp cũng chỉ xuất hiện trong mươi giây như lần trước; rồi sau mười năm nữa (1952) cảnh một thiếu nữ bên một bụi hồng nhung nhắc lại cho tôi cảnh thiếu nữ bên gốc đào năm xưa; sau cùng mãi đến Tết Tân Hợi (1971) nhân nhớ tới câu: “Aimez ce que jamais on ne verra deux fois” (Hãy yêu những gì ta không bao giờ gặp được lần sau) của A. de Vigny, tôi mới viết bài đó nội trong một ngày. Những cảnh đẹp hoặc lạ, có khi chỉ là một lời nói, một hương thơm, một âm thanh làm ta xúc động mạnh bao giờ cũng in sâu vào óc ta, nằm trong tiềm thức của ta, khi nào gặp cơ hội thuận tiện mới tái hiện, đẩy ta ghi chép lại. Nhà văn, nhà thơ nào cũng nghiệm thấy thế.
Tóm lại cách sáng tác, cấu tứ của Quách Tấn là cách chung của mọi người cầm bút, nhưng ông là người đầu tiên tôi được biết, không giấu giếm gì cả, chép lại tỉ mỉ cho độc giả biết. Thường các nhà văn kỵ điều đó, cũng như thiếu nữ không muốn cho ai thấy mình tô điểm. Cho nên bài “Chung quanh bài Đêm thu nghe tiếng quạ kêu” đáng coi là một tài liệu quý. Chính cách làm thơ của Đông Hồ tôi kể ở trên mới là đặc biệt – đặc biệt chứ không có nghĩa là mẫu mực.
Tôi không được đọc các truyền kỳ và bản phóng tác Nghìn lẻ một đêm của Quách Tấn. Văn ký sự, tả cảnh của ông hay như trong hai cuốn Địa phương chí về Bình Định và Nha Trang. Xét chung, văn xuôi của ông cũng dùng nhiều điển, nhiều chữ Hán, và khi nào ông viết tự nhiên thì văn linh động và có duyên. Tôi còn nhớ một bài hồi kí 9-10 trang (chưa in) ông viết về nữ sĩ Tương Phố. Tôi chưa hề gặp nữ sĩ một lần nào mà đọc bài ông, tôi thấy chân dung bà hiện rõ trước mặt tôi, lanh lẹ, vui vẻ, cứng cỏi, tự nhiên, có nhiều nét đàn ông; nghe được cả giọng nói của bà nữa mà tôi đoán là sang sảng, dí dỏm, cầu kỳ mà thân mật; cảm tưởng đó y hệt như tôi đọc thư bà, bức thư duy nhất bà gởi cho tôi, vài năm trước khi bà mất.
Mấy năm nay, Quách Tấn và tôi thường thư từ với nhau, bức nào ông viết cũng dài, nét cũng chân phương, giọng thanh nhã, chân thành. Xấp thư của ông đã dầy hơn xấp thư của Đông Hồ rồi (… Bỏ 3 trang rưỡi) [20] .
VI HUYỀN ĐẮC
Một bạn già nữa, Vi Huyền Đắc, hơn tôi chín mười tuổi, giỏi Pháp văn, biết nhiều chữ Hán, gốc Trung Hoa, quê ở Móng Cái, năm 1954 di cư vào Sài Gòn. Ông không làm thơ, chuyên viết kịch và dịch, nổi tiếng trước thế chiến về kịch Kim tiền , kịch Eternels regrets bằng tiếng Pháp về Dương Quí Phi, được giải thưởng Hàn lâm viện Nice. Sau thế chiến, sáng tác kịch Thành Cát Tư Hãn.
Thời trẻ, có hồi ông làm thầu khoán ở Hải Phòng, rất phong lưu. Từ khi vào Nam (1954), ông bà gần như ở ẩn trong một căn nhà gỗ tại ngã năm Bình Hoà (Gia Định): ông dạy môn kịch vài năm ở Viện Âm nhạc và dịch truyện Trung Hoa của Quách Lương Huệ, Quỳnh Dao, Từ Vu, Vương Lam, Lâm Ngữ Đường, kịch của Marcel Pagnol; còn bà thì dạy trường tiểu học Đa Kao.
Sau khi bà mất, ông sống cô độc, mặc dù có con trai, con dâu, cháu nội ở Sài Gòn; chỉ buổi trưa mới có một đứa cháu đem cơm vào cho ông rồi về; sáng và chiều ông ăn tiệm. Ông rất thích bạn văn, gặp thì mừng lắm, nhưng ông ở xa quá, chúng tôi ít tới được.
Tính tình xuề xoà, cởi mở, ai cũng quý. Vài nhà xuất bản lâu lâu in cho ông một tác phẩm, nhờ vậy tạm đủ sống.
Ông cho hay đã bắt đầu soạn bộ Tự điển Việt Nam rất kỹ, mới tới chữ C được 5.000 trang rồi ngưng luôn, không hiểu tại sao.
Kịch của ông khá; các bản dịch của ông rất công phu, khéo chuyển qua tiếng Việt, nhưng ông lại ưa giữ nhiều danh từ Trung Hoa, mặc dù có tiếng Việt tương đương. Ông bảo như vậy là để làm giàu tiếng Việt.
Sau ngày giải phóng ông còn sống cô độc hơn nữa vì con trai ông ở Sài Gòn đã qua Pháp; hai nhà văn trẻ Triều Linh và Hoàng Hương Trang lại ở với ông cho vui.
Năm 1976, một con trai ông làm bác sĩ ở Hà Nội vào đón ông ra Bắc sống, ông không muốn đi, bảo: “Bạn bè tao ở cả trong này, ra ngoài đó có bạn nào đâu?”. Ông té gãy xương hông, tuổi quá cao, xương không lành được, con ông đưa ông ra Hà Nội bằng máy bay. Được ít lâu sau nghe tin ông mất ngoài đó, bạn văn ai cũng nhớ tiếc.
LÊ NGỌC TRỤ
Bạn trong Nam dễ thương nhất là Lê Ngọc Trụ, hơn tôi một tuổi. Ông thật là một học giả cần cù, rất khiêm tốn. Chưa học hết ban Cao đẳng tiểu học thì thôi; nhờ giáo dục gia đình (ông gốc Minh Hương) mà thông chữ Hán, lại biết tiếng Quảng Đông, nhất là nhờ công tự học, tìm tòi mà soạn được bộ Việt ngữ chánh tả tự vị mà tất cả học giả Việt, Pháp đều nhận là một công trình có giá trị về ngôn ngữ học. Giáo sư Gaspardone ở Paris giới thiệu cuốn đó cùng với bộ Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam trong một tạp chí ở Thuỵ Sĩ tôi đã dẫn ở trên.
Ông rất tốt với bạn. Hồi còn làm thư ký Thư viện cũ ở đường Gia Long, ông thường kiếm giùm tài liệu cho bạn văn. Sau ông thôi giúp việc ở Thư viện, anh em chúng tôi không muốn tới đó nữa. Đúng như Nguyễn Hữu Ngư nói, ông là “linh hồn của Thư viện” vì không sao kiếm được người hiểu rộng, biết sâu về sách báo trong thư viện mà lại sẵn lòng giúp đỡ bạn như ông.
Khi ông soạn xong bộ Chánh tả , tôi giới thiệu tác phẩm với nhà xuất bản Thanh Tân và nhà này vui vẻ nhận, mặc dầu biết công việc ấn loát rất khó khăn. Bộ đó được giải thưởng Văn học toàn quốc (ngành biên khảo) và một hai năm sau ông được mời dạy môn Chánh tả Việt ngữ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông tính soạn tiếp bộ Tự vị ngữ nguyên Việt Nam [21] , cho nên sau ngày Giải phóng, ông thôi dạy Văn khoa, để trọn thì giờ vào công việc đó. Nhưng sức ông suy, chưa kịp hoàn thành thì mất ở Chợ Lớn năm 1979, để lại một tủ thẻ mà tôi ngờ rằng chính quyền không biết nhận định giá trị.
NGUYỄN BẠT TUỴ
Một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng nữa là Nguyễn Bạt Tuỵ, quê ở Bắc, năm nay ngoài sáu mươi tuổi. Cao lớn, khoẻ mạnh, ở độc thân, chỉ tự học mà giỏi về ngữ âm học, được vài cơ quan văn hóa Pháp, Mỹ biết tài, trợ cấp cho mỗi tháng một số tiền để ông đi khảo về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số miền núi từ Pleiku, Kontum vào. Trong mấy chục năm ông gom góp được rất nhiều tài liệu: từ vựng, phim ảnh, băng thu âm về các ngôn ngữ đó. Sau ngày Giải phóng, chính phủ Cách mạng cho ông ở một biệt thự tại Đà Lạt. Ông viết được khá nhiều nhưng in được rất ít, trước sau chỉ được 2 cuốn: Chữ và vần Việt khoa học , xuất bản năm 1950 nghiên cứu về cách phát âm và nguồn gốc tiếng Việt, và Ngôn ngữ học Việt Nam , xuất bản năm 1959 tại Sài Gòn; và ít bài báo, vì công trình của ông có tính bác học, rất khó in và phổ biến. Ông có hùng tâm cải cách Việt ngữ: bao nhiêu danh từ Hán Việt cấu tạo theo ngữ Pháp Trung Hoa, ông đề nghị bỏ hết mà cấu tạo lại theo ngữ pháp Việt.
Mỗi năm ở Đà Lạt, ông xuống Sài Gòn độ một hai lần, thường lại thăm tôi.
Tính tình nhã nhặn, nhưng rất tự tin và nhiều cạnh góc nên ít bạn [22] .
TRƯƠNG VĂN CHÌNH
Trong một chương trên tôi đã nhắc nhiều tới ông, ở đây là nói thêm: ông quê ở Bắc Ninh, học ở trường Bưởi trước tôi ba (?) năm, năm 1926, vì vụ truy điệu Phan Châu Trinh ông thôi học, đậu bằng Thành chung, làm sở Bưu điện, tới chức Thanh tra, năm 1946 di cư vào Nam làm Giám đốc Bưu điện Nam Phần, tự học chữ Hán từ trước, giỏi về Pháp ngữ, nổi tiếng về ngữ pháp; dạy ở Đại học Sư phạm Sài Gòn và Văn khoa Huế. Ông có đức tự trọng, tự tin, hơn tôi 2-3 tuổi.
Năm 1982 ông qua Pháp đoàn tụ với con rồi mất bên đó đầu năm 1983.
VƯƠNG HỒNG SỂN
Sển là chữ Thịnh đọc theo giọng Phúc Kiến. Bạn thân của Lê Ngọc Trụ. Cũng là một học giả nổi tiếng. Ông gốc Minh Hương, quê ở Sóc Trăng, năm nay 79 tuổi, tóc bạc phơ, vẫn còn mạnh. Giỏi tiếng Pháp, làm thơ ký rồi tham tá (commis) ngạch hành chánh, chuyên khảo về đồ cổ Trung Hoa, Việt Nam; về lịch sử miền Nam (Sài Gòn năm xưa ); về ca nhạc miền Nam, đặc biệt là những tuồng cải lương. Mặc dầu gần 80 tuổi, ông vẫn tra cứu các sách để soạn một bộ tự điển địa danh miền Nam, và đã lập được hai ba ngàn thẻ. Công việc rất khó và ông đủ tư cách để làm hơn ai cả vì biết nhiều miền, biết nhiều tên Miên và Trung Hoa lại có nhiều sách cổ. Có hồi ông dạy sử ở Đại học Sài Gòn, Huế. Văn ông chịu ảnh hưởng nhiều của Trương Vĩnh Ký, có giọng hồn nhiên, bình dân của người Nam, dùng nhiều tiếng cổ địa phương, trái hẳn với Đông Hồ.
Biệt thự của ông ở Gia Định, đường Nguyễn Thiện Thuật, là một ngôi nhà cổ của tư nhân, cổ từ kiến trúc đến cánh cửa, cây cột, phiến ngói, cái rui, trong chứa rất nhiều đồ cổ, hầu hết là đồ sứ từ đời Tống, đời Minh; sách quí chứa đầy chín mười tủ, vậy mà hiện nay ông vẫn mỗi tuần một hai lần xách ba toong từ Gia Định ngồi xe lam (Lambretta) ra Sài Gòn, lại chợ sách cũ ở đường Cá Hấp (Bùi Quang Chiêu cũ), góc đường Calmette, để tìm mua những sách hiếm dù giá rất cao. Thấy ông tới, các bạn hàng sách bu lại hỏi han, đưa sách quý cho ông coi, có kẻ gọi ông là cha. Ông đã xuất bản ba cuốn sách dày về đồ cổ, và còn cả ngàn trang hồi ký chưa in.
Ông rất quý thời giờ, nên có người tưởng lầm ông khó tính; thực ra đối với bạn văn đứng đắn thì luôn luôn vui vẻ tiếp, bỏ cả buổi để giảng về đồ cổ, thời đại, giá trị của mỗi món. Mỗi cuốn sách, mỗi món đồ cổ của ông đều đánh số, ghi sổ và có một thẻ riêng. Tới lần nào cũng mê nghe ông kể chuyện cũ hàng giờ. Sức ông còn mạnh, ký tính của ông còn tốt, ông chưa dùng tới một nửa những hiểu biết của ông về miền Nam. Tôi mong ông sống được mươi năm nữa, ghi chép thật nhiều cho đời sau.
Trước ngày Giải phóng, chúng tôi vì mỗi người theo một đường riêng, nên ít gặp nhau. Từ 1976, ông thường ghé tôi những khi ra Sài Gòn kiếm sách cũ, cho nên càng ngày càng thân. Biết tôi thích loại nào, ông chịu khó đem cho tôi đọc. Tôi quý ông, và lâu không gặp thì nhớ [23] .
Một học giả nữa, chuyên về sử miền Nam là giáo sư Lê Thọ Xuân . Ông quê ở Bến Tre, sinh trong một gia đình nho học, nên thông cả chữ Pháp và chữ Hán. Trước thế chiến, viết nhiều bài có giá trị khảo về sử. Trong cuộc kháng Pháp, tài liệu mất hết, từ đó ông chán nản, không viết lách gì nữa. Tôi quen ông từ khi ông coi nhà in Maurice, in sách cho nhà P. Văn Tươi. Ông rất chú trọng đến chánh tả, mất cách đây 2 ba năm. Công trình cuối cùng của ông là hiệu đính truyện Lục Vân Tiên ; học giả nào cũng nhận thấy tập đó có giá trị.
NGUYỄN VĂN HẦU
Nhỏ hơn tôi 7-8 tuổi chưa phải là học giả như mấy nhà trên, nhưng cũng có công với văn hóa. Quê ở Cù Lao Giêng (Long Xuyên), ngang Mỹ Luông, biết chữ Hán, chữ Pháp, theo đạo Hoà Hảo, nhưng không làm chính trị, chỉ nghiên cứu sấm giảng của Huỳnh Phú Sổ, điều khiển tờ Hoa Sen của tín đồ trong đạo, thường đi thuyết giáo ở các làng, quận miền Tây, được tín đồ tiếp đón long trọng, do đó chính quyền địa phương cũng nể. Tính tình hiền lành, nhã nhặn, siêng năng. Vừa dạy học, vừa giúp đạo, vừa khảo về các di tích, danh nhân trong miền Long Xuyên - Châu Đốc để viết sách. Bốn cuốn của ông: Đức Cố Quản (một vụ khởi nghĩa ở Long Xuyên - Châu Đốc thời Pháp thuộc), Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu (một nhà cách mạng ở Cao Lãnh trong những năm giữa hai thế chiến), Thoại Ngọc Hầu , và Nửa tháng trong miền Thất Sơn , giúp cho chúng ta được nhiều tài liệu.
Ông đọc cuốn Đông Kinh nghĩa thục và cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của tôi rồi làm quen với tôi, nhờ tôi đề tựa cho cuốn Nguyễn Quang Diêu, cuốn này được giải nhì Văn chương toàn quốc môn biên khảo. Ông làm việc cẩn thận, thu thập được nhiều tài liệu. Ông thường lại thăm tôi khi tôi về Long Xuyên. Hiện nay ông bị bệnh, tê liệt, không là được gì cả [24] .
Trong bộ Hồi kí tôi còn chép thêm về khoảng một chục nhà văn nữa, và một số được giả tuy không viết văn nhưng cũng là bạn thân của tôi; vì thiếu chỗ nên trong tập này tôi phải bỏ bớt.
Chú thích.
[1] Tức bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang. (Goldfish)
[2] Trong bài này có hai bài thơ rất hay của ông vịnh tượng Hai Bà Trưng (tượng hai hình) bị đập phá sau khi họ Ngô bị lật. Hai bài đó chép lại trong Hồi Kí . [Bản in của Nxb Văn học-1993 không có hai bài thơ này. (Goldfish)]
[3] Giống mai này gọi là Nam mai, thuộc loại mù u, đồn Cây Mai ở Chợ Lớn có mấy gốc, nay không biết còn không. Bà Đông Hồ 8 năm trước cho tôi một gốc nhỏ, trồng ở Long Xuyên nay đã cao non hai thước mà vẫn chưa có hoa).
[4] Có lẽ “đỏ” in sai thánh “đó”. (Goldfish).
[5] Bến đò Việt Trì, có cây gạo cổ thụ, quạ đậu rất nhiều. Mỗi lần về quê tôi thích ngắm cảnh đó.
[6] Trước nhà tôi ở đường Kỳ Đồng có một hàng dương nay đã chết.
[7] Câu này sau ông đổi là: Biệt khó khăn, mong gặp dễ dàng .
[8] Bốn câu này do đôi câu đối bác tôi cho tôi năm 1946 (?): Phú quí mạc cầu, nhất phiến băng tâm cư loạn; Thư hoa chân ái, sổ thiên văn tự lưu phương.
[9] Nhà tôi ở trong hẻm 14 đường Kỳ Đồng, trước goi là ngõ hẻm 12.
[10] Câu này cũng do một câu đối bác tôi cho: Học bản tu thân, thân tức quốc; Nhân năng bạt tục, tục nhi tiên .
[11] Hư Chu mất năm 1973. (Goldfish).
[12] Ông (G.C) đùa bảo: “Bác ấy (NHL) gọi tôi là tướng cướp!” mỗi khi nhắc lại câu nói đùa trên. (BT).
[13] Trong số mấy nhà thơ ở chương này, tôi trích thơ ông nhiều hơn cả vì thơ ông chưa in, ít ai biết.
[14] Trong Hồi kí in là “Mây xám …”. (Goldfish).
[15] Ông dạy ở Huế, trở Sài Gòn bằng máy bay Boing bay cao 9.000 thước.
[16] Đã xuất bản năm 1994, tại Nxb Văn hoá-Thông tin với nhan đề Vương Ma Cật hoạ sư thi Phật (BT).
[17] Thành Đồ Bàn của Chiêm hồi xưa.
[18] Từ đây trở xuống, khi chép lại (tháng 2-1981) tôi đã sửa nhiều.
[19] Tất cả các chữ Giả (Đảo), trong sách đều in là Dã (Đảo). (Goldfish).
[20] Nên coi Văn thi sĩ hiện đại I và II của Bàng Bá Lân (Xây Dựng – 1962, 63) trong đó có những bài phê bình thơ Đông Hồ, Đông Xuyên, Quách Tấn.
[21] Nxb TP.HCM xuất bản, 1993. (BT). [Tên tác phẩm là Tầm nguyên tự điển Việt Nam . (Goldfish)].
[22] Đã mất năm 1995. (Goldfish)
[23] Đã mất năm 1996 (Goldfish)
[24] Đã mất năm 1995, thọ 73 tuổi. (Goldfish)