Phần V
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
TÔI GẶP HOÀN CẢNH THUẬN TIỆN VÀ THỜI CUỘC THÚC ĐẨY
Khi thi sĩ Đông Hồ bảo tôi lên Sài Gòn sẽ không viết được nhiều như ở Long Xuyên và chẳng bao lâu sẽ cạn hứng, tôi không tin như vậy, nhưng cũng chỉ mong viết được vài ba chục cuốn nữa thôi, không ngờ luôn hai chục năm tôi viết mạnh hơn hồi ở Long Xuyên, chẳng những viết sách mà còn viết báo, khiến một bạn văn phải ngạc nhiên: ốm yếu, bệnh tật liên miên như tôi: loét bao tử, viêm khí quản, mất ngủ, lao phổi, trĩ, sao mà viết được nhiều hơn cả Trương Vĩnh Ký nữa. Có người bảo tôi là cái “máy viết”; một thanh niên ở Trung Việt còn ngờ tôi đã “mướn người viết” rồi tôi coi lại và ký tên!
Tôi không mướn người viết mà cũng chẳng mướn người giúp tôi trong việc xuất bản, bán sách, sửa ấn cảo; chẳng nhờ vợ con giữ sổ sách, sắp đặt tủ sách; mà lại còn sửa giùm bảo thảo cho vài bạn thân, đọc rồi đề tựa cho khoảng hai chục tác phẩm của các bạn văn nữa.
Sở dĩ được vậy một phần là vì tôi biết tổ chức công việc, tiết kiệm thì giờ, một phần nữa là nhờ tôi được nhiều thuận tiện hơn đa số các nhà văn khác. Gánh gia đình tôi rất nhẹ; tôi chỉ có mỗi một đứa con, năm 1957 qua Pháp học và mỗi tháng tôi chỉ phải gởi cho nó một số tiền; hai người vợ của tôi đều dạy học và trông nom việc nhà được, tôi khỏi phải bận bịu gì về gia đình cả.
Tôi được trời phú cho tính giản dị, rất ít nhu cầu, mà cũng không có một đam mê gì ngoài sách vở. Tôi lại may mắn có một số độc giả khá đông, nên tác phẩm nào của tôi cũng in được dễ dàng, có một số cuốn “kén độc giả” như Đại cương triết học Trung Quốc , Cổ văn Trung Quốc , Một niềm tin… thì bù lại có rất nhiều cuốn bán rất chạy; mà những cuốn kén độc giả đó, các nhà xuất bản ngại không muốn mua thì tôi có đủ vốn để xuất bản lấy, hoặc để hùn với một nhà xuất bản như Cảo Thơm: họ bỏ công, tôi góp một phần vốn, rốt cuộc không ai lỗ mà còn được lợi ít nhiều về mặt này hay mặt khác. Có một số độc giả tin mình, cuốn nào in ra cũng tiêu thụ được, đó là điều kiện quan trọng nhất để viết được nhiều.
Sau cùng thời cuộc nước nhà bắt buộc tôi phải viết, không nghỉ được. Đầu năm 1971, thi sĩ Bàng Bá Lân có lần hỏi tôi đã tính nghỉ viết chưa, tôi đáp trong một bức thư:
“Mấy năm nay, tôi thấy sức suy, cứ mùa mưa thì cứ ba ngày đau mất một ngày, mùa lạnh chịu cũng không nổi. Anh dư biết nghề viết văn mệt hơn nghề công chức, tư chức nhiều, óc không lúc nào nghỉ được, công việc cứ ám ảnh mình hoài tới khi hoàn thành tác phẩm mới thôi. Mà chưa xong tác phẩm này đã chuẩn bị cho tác phẩm khác rồi”.
“Viết đều đều trên hai chục năm, tôi muốn nghỉ lắm chứ, nhưng còn chiến tranh thì không thể nghỉ được (…) Chẳng những việc nước không yên mà việc nhà của chúng ta cũng không yên, không thể quyết định gì trong tương lai cả, ngay đến đời sống của mình cũng không có gì bảo đảm. Sở dĩ tôi phải cặm cụi viết, một phần lớn là để tạm quên những ưu tư đó đi. Năm Mậu Thân, tôi dịch Chiến tranh và Hoà bình của L. Tolsoi, nhờ vậy mà khỏi phải nghĩ đến những trận đánh đẫm máu ở khắp nước, những trận pháo kích ác liệt vào Sài Gòn”.
“Khi quân Nhật đánh Lạng Sơn, nước mình bắt đầu chịu cái hoạ chiến tranh, con tôi mới hai tuổi; nay con đầu lòng của nó đã năm tuổi; ba chục năm rồi, hơn một thế hệ rồi mà chiến tranh vẫn còn, mỗi ngày mỗi thêm khủng khiếp. Năm nào đêm Giao thừa tôi cũng hy vọng qua năm sau tình hình sẽ sáng sủa hơn, mà năm nào tôi cũng thất vọng. Chỉ khi nào hoà bình vãn hồi rồi, tôi mới có thể nghỉ được”.
Ai cũng biết câu: “Tái ông thất mã, an tri phi phúc?” của Trung Hoa và câu “À quelque chose malheur est bon” [1] của Pháp. Chiến tranh Việt-Pháp, Việt-Mỹ là cái hoạ lớn cho dân tộc ta, là một nỗi đau khổ cho mọi người, nhưng tôi lại nhờ nó mà viết được nhiều. Vì nếu không có nó thì mỗi năm tôi cũng đi thăm các thắng cảnh trong nước một hai tháng, về quê ở Phương Khê sống lại một thời gian tuổi thiếu niên, và chắc tôi sẽ viết ít hơn, chứ tội tình gì mà giam mình trong phòng viết liên tiếp hơn hai chục năm như vậy?
Trong thư cho Bàng Bá Lân tôi bảo khi hoà bình vãn hồi tôi mới có thể nghỉ viết được. Bốn năm sau, hoà bình được vãn hồi, và tôi nghỉ viết gần một năm, nhưng rồi biết bao nhiêu điều khiến tôi phải suy nghĩ, lo lắng, bực mình, lại phải viết nữa cho qua ngày, cho quên những chuyện xảy ra ở chung quanh và tôi lại sống cuộc đời trước năm 1975 với cây bút và trang giấy. Hôm nay tôi lại tự hỏi như năm 1971: bao giờ mới thôi viết đây?
*
LÀM VIỆC ĐỀU ĐỀU, BỀN BỈ - CÓ HƯỚNG RÕ RỆT - TẬP TRUNG NĂNG LỰC
Tự biết có nhiều thuận tiện như trên, tôi tận dụng những thuận tiện đó. Độc giả còn tin mình, thì mình viết được bao nhiêu cứ viết, càng nhiều càng tốt, miễn là cuốn nào cũng phải có ích không cho giới này, tuổi này thì cho giới khác, tuổi khác.
Nhà văn Pháp Jules Renard bảo: “Bậc thiên tài là những người cặm cụi làm việc 18 giờ một ngày”. Lời của ông cũng giống như lời một nhà kinh doanh Mỹ: “Muốn thành công thì cần 5% hứng và 95% toát mồ hôi” (5% d’inspiration et 95% de transpiration). Rất ít người có thể làm việc 18 giờ một ngày năm này qua năm khác. Chỉ cần làm việc đều đều mỗi ngày tám giờ thôi cũng đủ, nhưng phải liên tiếp trong vài ba chục năm.
Điều quan trọng là phải có một hướng rõ rệt, một mục đích để nhắm và phải tập trung tất cả năng lực, thì giờ vào công trình của mình. Trong thế chiến thứ nhì, dầu lửa và đá lửa đều thiếu, bác Ba tôi nhồi bông gòn vào một ống tre, đưa ra chỗ có nắng, lấy một kính hiển vi (loupe) tập trung ánh nắng vào một điểm trên bông gòn, chỉ trong mười giây, bông cháy, bốc khói lên, châm thuốc hút được, lại có thể mồi lửa vào một mảnh giấy. Biết tập trung năng lực và thời giờ của mình thì kết quả gấp hai gấp ba; vì vậy trong hai mươi hai năm liên tiếp; từ khi mở nhà xuất bản, tôi bỏ hết các hoạt động khác để chuyên tâm viết.
Nhiều trường đại học mời tôi dạy Ngữ Pháp Việt Nam , Triết học hoặc Văn học Trung Quốc, tôi đều từ chối. Một lần thi sĩ Đông Hồ lúc đó đương dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn, sáng sớm từ trong Gia Định ra chơi tôi ở đường Kỳ Đồng, bảo tôi:
- Tôi nghe nói người ta mời bác dạy Văn khoa. Tôi vội ra để cản bác. Mất thì giờ lắm. Tôi dạy thì được, bác thì không nên. Thì giờ của bác quí hơn của tôi.
Tôi đáp: Bác thật là tri kỉ của tôi. Vâng, tôi đã từ chối rồi.
Thấy mấy lần mời mà tôi đều từ chối, có người cho tôi là làm cao. Không phải vậy. Tôi thấy dùng thì giờ vào việc viết có lợi cho thanh niên hơn là dạy học. Một vị phó viện trưởng một Đại học tư nọ ở gần nhà tôi hai lần phái người lại nhờ tôi dạy, tôi cũng từ chối. Ông ta phật ý, phê bình tôi ra sao đó, người ta kể lại, tôi nghe rồi gật đầu, mỉm cười.
Chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ba lần mời tôi làm giám khảo trong cuộc thi văn chương toàn quốc, tôi từ chối hết. Một lần tôi hơi ân hận khi người lại mời tôi, một học giả lớn tuổi hơn tôi, khá có tiếng tăm, rầu rầu nét mặt, bảo tôi: “Ông không nhận lời cho, là một điều buồn cho ban tổ chức giải thưởng mà cũng buồn cho chính tôi nữa”.
Tôi đành làm mất lòng ông bạn đó để giữ vững nguyên tắc: Không phí thì giờ vào các công việc khác. Chính phủ Thiệu còn mời tôi vào Uỷ ban dịch thuật, Uỷ ban điển chế văn tự của bộ Văn Hoá; sau lại mời tôi vào Hội đồng giáo dục toàn quốc, tôi cũng từ chối, hội đồng đó chỉ có tính cách tư vấn, không có quyền hành gì cả, mà đề nghị Cải tổ giáo dục của tôi, tôi đã cho đăng trên Bách Khoa từ 1962 (coi loạt bài Cải tổ nền giáo dục trong 5 số Bách Khoa 128-132), tôi có gì đâu để nói thêm? Có họp bàn mấy tháng đi nữa thì cũng cũng chỉ phí thì giờ, không đi tới đâu vì không thể thực hiện được một cải cách nào quan trọng trong hoàn cảnh chiến tranh đương khốc liệt.
*
KHÔNG ĐỂ PHÍ THÌ GIỜ
Cũng vì không muốn mất thì giờ và muốn được độc lập, tôi không vào một hội nhà văn nào cả, cũng không dự các cuộc hội họp, diễn thuyết của các cơ quan Văn hoá. Nhiều người ghét tôi về điều đó, trách tôi sống cách biệt hẳn với anh em, sống ra ngoài xã hội, cho tôi là khinh người. Những bạn văn nào chỉ tiếp xúc với tôi vài lần cũng nhận thấy điều đó sai.
Ngay toà soạn báo Bách Khoa cách nhà tôi không tới một cây số mà cả tháng tôi mới ghé một lần, lần nào cũng vui vẻ trò chuyện với anh em. Bạn nào có việc gì nhờ tôi, tôi giúp được thì sẵn lòng tận tâm giúp. Một số bạn ở xa gởi tác phẩm đầu tiên, nhờ tôi cho ý kiến và nếu có thể được thì đề tựa cho. Tôi thấy đáng giúp thì giúp và tôi đã giúp được nhiều người. Còn những nhà gởi tác phẩm tặng tôi thì bao giờ tôi cũng đọc hết, thành thực đưa ý kiến, rán kiếm một vài chỗ để khen, vì tôi cho đó là một cách nhã nhặn đáp lại lòng kính hay mến của người gởi.
Không, tôi không khinh người. Tôi chỉ quí thì giờ và sức khoẻ của tôi, thế thôi. Và một vài nhà văn cũng nhận rằng tôi có lý mà không dự các cuộc hội họp có tính cách văn hóa vì những buổi đó chỉ để gặp mặt nhau chẳng giải quyết được gì, mất thì giờ lắm. Tôi lại bị bệnh loét bao tử, ăn phải kiêng cữ, phải đúng giờ ăn cũng như giờ ngủ, và ăn xong phải nghỉ ngơi, ngả lưng một giờ nên càng ngại các buổi tiệc tùng. Các bạn văn đều hiểu và miễn thứ cho cả. Nhưng khi có một buổi tiệc long trọng như bạn bè làm lễ thành hôn cho con thì tôi cũng nhận lời tới dự, và các bạn thường có nhã ý cho xe hơi lại đón tôi rồi đưa tôi về nhà. Tôi nhớ trong hai chục năm ở Sài Gòn, chỉ dự độ 4-5 tiệc cưới.
Riêng với thi sĩ Đông Hồ thì khác. Mỗi năm hai ông bà có lệ vào khoảng Tết Táo quân, mời độ bảy tám bạn văn họp cuối năm ở Yiễm Yiễm thư trang hoặc Quỳnh Lâm thư thất. Những buổi họp đó có tính cách rất thân mật, thanh nhã đã được nhà báo Ngu Í khéo tả trong tập Sống và Viết (Ngèi Xanh [2] , 1966), nên năm nào tôi cũng cùng với Giản Chi, Hư Chu tới dự và chủ nhân lần nào cũng tế nhị, cho làm món xôi rất ngon vì biết tôi đau bao tử, kiêng cơm tẻ. Họp từ 9 giờ sáng tới hai giờ chiều. Mệt nhưng vui.
Được các bạn văn hiểu và mến như vậy, tôi cho là một vinh dự lớn hơn được giải thưởng văn chương toàn quốc của chính phủ mà tôi đã từ chối hai lần. Về việc từ chối này, ai trách tôi ra sao tôi cũng nhận. Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho [3] . Suốt đời tôi cầm viết, tôi chỉ mong giữ được lòng quí mến của một số bạn văn và lòng tin cậy của độc giả bốn phương. Viết mấy hàng này tôi bùi ngùi điểm lại những bạn văn đó thì già nửa đã không còn ở trên đất Việt mà những bạn còn lại cũng không ai được vui. Thật là “vạn sự tan như mây khói”.
*
HI SINH VIỆC XUẤT BẢN, ĐỂ CÓ THÌ GIỜ VIẾT
Vào khoảng 1961, khi đã mua được ngôi nhà và khoảnh vườn nhỏ ở đường Kỳ Đồng, tôi hạn chế cả công việc xuất bản để hết thì giờ vào việc trứ tác, thành thử có nhiều cuốn độc giả đòi hỏi mà tôi không in lại. Mấy năm sau nhà xuất bản Khai Trí, rồi nhà xuất bản Thanh Tân thấy vậy, xin tôi để cho họ tái bản. Tôi bằng lòng liền, để cho nhà Khai Trí trên 10 cuốn, nhà Thanh Tân trên 20 cuốn, vài nhà khác mỗi nhà dăm ba cuốn.
Ngay một số tác phẩm mới viết xong tôi cũng không muốn tự xuất bản nữa và bán bản quyền cho các nhà Lá Bối, Cảo Thơm, Tao Đàn, Ca Dao, Trí Đăng… Năm 1974 nhà Lá Bối có trên chục tác phẩm của tôi, nhà Cảo Thơm cũng vào khoảng đó, còn các nhà khác mỗi nhà được 4,5 cuốn. Có hồi trên thị trường có khoảng năm chục tác phẩm của tôi bày bán, khiến ông Vương Hồng Sển phải bảo: “Vào tiệm sách nào cũng chỉ có sách của anh”. Lúc đó có 10-11 nhà xuất bản sách của tôi.
Tôi sẽ nói qua về các nhà xuất bản đó trong một chương sau, ở đây tôi chỉ xin kể lại lời tôi nói với anh bạn Trần Thúc Linh vào khoảng 1969-1970:
“Tôi tri túc theo đạo Nho, cho sống như vầy là quá đủ rồi (ông ấy gật đầu) không cần hơn, chứ nếu muốn thì tôi có thể tăng lợi tức gấp ba một cách rất lương thiện và dễ dàng.
Ông Linh ngạc nhiên, hỏi:
- Bằng cách nào?
Tôi đáp:
- Hiện tôi có trên 50 tác phẩm bán trên thị trường mà trong số đó chỉ có mươi cuốn là do tôi xuất bản, còn thì để cho các nhà khác cả. Nếu tôi lấy về, tự xuất bản lấy, tôi có đủ vốn, thì mỗi ngày chỉ tốn thêm một hai giờ là số lợi tức của tôi tăng lên gấp ba được”.
Như trong cuốn Tương lai ở trong tay ta tôi đã nói, đời tôi chỉ muốn làm một thư sinh, không muốn làm một nhà kinh doanh hay chính khách:
“Tôi không có cao vọng lãnh một trách nhiệm gì lớn lao mà cái đời một thư sinh sống trong một gia đình êm ấm, bên cạnh sách và hoa cũng có cái thú, có lẽ còn thú hơn là được hoan hô nhiệt liệt trong những đám đông hàng vạn người”.
Gần đây tôi được đọc câu này của Cô Hồng Minh, một học giả Trung Hoa đồng thời với Lương Khải Siêu: “Cứ làm một học giả, thân mình được rảnh mà có khi lại hữu dụng hơn”. Lương Khải Siêu hồi trẻ hăng hái làm chính trị, rồi về già làm một giáo sư, một học giả; Lâm Ngữ Đường hồi trẻ cũng muốn làm chính trị, nhưng chỉ nửa năm là chán, tự nhận không phải là “hạng ăn thịt” – thực nhục giả - nên không làm chính trị được và từ đó bỏ luôn chính trị mà chuyên làm một học giả. Tôi không biết đời các nhà đó với đời của Quách Mạc Nhược, đời ai sướng hơn và hữu dụng hơn.
Nhiều bạn cho tôi là sống một cuộc đời khắc khổ, quanh năm chúi đầu vào sách vở. Có lẽ khắc khổ thật, nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn không thấy có cách nào khác để tiêu cho hết 24 giờ một ngày. Những lần về Long Xuyên, ra vườn nhổ cỏ, thay đất, bón phân cho mấy gốc cây, mươi chậu kiểng, tôi cũng thấy thích, nhưng vườn hẹp quá, chỉ đủ công việc cho tôi làm mỗi ngày độ một giờ; rồi thì vẫn phải đọc sách, mà sách cũng không thể có nhiều đọc suốt ngày, quanh năm, lại phải viết. Viết đối với tôi thành môn tiêu khiển rẻ tiền nhất. Nhưng tôi đôi khi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy buồn.
Chú thích:
[1] Nghĩa là: Điều không may cũng có cái hay (theo từ điển Baamboo ). (Goldfish).
[2] Nguyễn Hữu Ngư bút hiệu là Ngu Í muốn cải cách chữ quốc ngữ: Ngày viết là Ngèi.
[3] Tôi không vơ đủa cả nắm mà khinh hết thảy các “ông lớn” trong chính quyền, và có vài ông là bạn thân của tôi. Nhưng ông nào tự cho chức bộ trưởng của mình là lớn lắm, sai nhân viên tới mời tôi lại bộ hoặc lại “tư dinh” nói chuyện riêng thì tôi hỏi sứ giả: “Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền của ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Có lần tôi không thèm trả lời thư riêng của một Bộ trưởng vì ông ta không kí tên mà để viên bí thư kí thay!