Truyện Thứ Ba
Tác giả: Nguyễn Huy Thiệp
"Giang hồ còn lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men..."
Nguyễn Bính
Kể từ ngày tôi rồi xóm đạo bên sông ra đi, thoắt cái thế mà đã mấy năm ròng. Không biết bao nhiều sự việc qua đi, không biết bao nhiêu người tôi gặp gỡ, gặp gỡ rồi lại chia tay..., không biết bao nhiêu vui buồn, đắng cay cũng có, ngọt bùi... - ồ mà sao vị ngọt bùi cũng nhạt vậy à ? - mà ngọt bùi cũng có...
Tôi đã yêu, đã được yêu. Tôi cũng đã chạy trốn nhiều lần.
"Chương này ! Không phải thế, vẫn không phải thế!"
Tôi đã sống nhiều nơi, làm nhiều việc. "Chương này! Không phải thế, vẫn không phải thế !".
Tôi nhớ khi tôi lên mười tuổi, lúc ấy chuyện về Mẹ Cả đang ồn ào cả lên, sáng sớm tôi thường hay đi dọc bãi cát bên sông, thầm ao ước trông thấy hình ảnh siêu phàm. Sương mù giăng giăng trên mặt sông. Khi nắng lên, sương tan ra, sương tan ra rồi bay lên như khói, như mây. Mặt sông lộ rõ, ngái ngủ và thẹn thùng. Sóng vỗ bờ; đảy xác những con phù du, những con vờ đến tận chân tôi. ấy là cảm giác về lẽ thường, lẽ vô thường lần đầu tìm đến rón rén thăm dò tâm hồn tôi. Tôi không biết, tôi không hề để ý đến chúng. Tôi còn quá trẻ! Lúc ấy, sự mất mát, sự vô nghĩa, lẫn ý thức về thời gian biến dịch không khiến tôi phải bận lòng.
Tôi đi dọc bãi cát bên sông. Tôi nhìn thấy một hố cát lõm ngay trên mép nước. Tôi hình dung đêm qua con gái thủy thần đã nghỉ ở đây. Nàng nói chuyện với sóng. Sóng khỏa lấp thân nàng. Nàng nằm nghiêng, co người lại, đầu gối sát cằm. Nàng thủ thỉ với sóng. Nàng nói :"Này sóng! Thôi đừng đùa, đừng ngốc nữa..."".
Tôi đi... Thời tôi đang sống là thời khó khăn gian khổ. Chiến tranh đã qua, mọi người bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới. Những vết thương cũ khép dần miệng lại, lên da non. Người ta rối rít tìm kiếm việc làm, kiếm tìm hy vọng. Làn sóng người từ nông thôn tràn ra thành phố nhiều vô kể, hợp thành một tầng lớp "dân phiêu tán". Tôi đi lẫn trong đám người này, lòng thắc thỏm lo âu cho số phận mình, cũng là số phận của một ít nông dân hoặc cùng quẫn hoặc nhiều khao khát và ảo tưởng nhất.
Con sông quê hương lặng lẽ, rặng tre đầu xóm, bức tường đá ong rêu phủ, bóng mẹ liêu xiêu in trong nắng chiều.
Tôi đi... Tôi muốn xem phía trước có gì.
Tôi đi... Tôi đã khao khát tình yêu đến như thế nào, như thể người đi trong sa mạc khao khát nước! ở đó lẫn lộn rất nhiều mơ ước xen vào : đấy là hạnh phúc, giọt nước mắt, sự ấm êm, những chân trời, chân trời và mặt biển rộng xa vời, một góc nhỏ trong vườn, một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng... ồ, rất nhiều thứ đấy ! Mẹ Cả của tôi, ảnh hình của một điều gì đó hơn cả người con gái, hơn cả người đàn bà. Nó là ảnh hình của một nửa thế giới bên trên hoặc bên dưới tôi, của thượng giới và trần gian. Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng bận việc gì ? Sao nàng không đến cùng tôi mà nàng chỉ gửi những tin sứ của nàng đến như cơn mưa kia bất chợt, như chiếc hôn vội vàng kia bất chợt xót xa tê tái tận đáy lòng...
Thôi thôi... Tôi đã nhục nhã, đê hèn đến như thế nào. ở đâu chứ ? Từ đâu chứ ? Vì cái gì ? Mà Chương ơi, nỗi cô đơn và sự bất lực của mi nào ai thấu được ngoài mi ? Ai đã làm chi ? Mà mi đã làm chi ? Bới cái tình chi ?
Nào ! Tôi phải nhận rằng trong khát vọng tìm kiếm cuộc sống của tôi hẳn có ẩn chứa một con quỷ dữ đã thiếp ngủ có lẽ hàng thế kỷ. Nó ngẫm nghĩ đôi chút về tôn giáo, về bản chất con người chẳng qua cũng chỉ nhằm để đối chiếu và làm sắc nhọn thêm bản lĩnh quỷ dữ của nó mà thôi. Nó vừa ngô nghê, vừa không ngoan, vừa nhanh nhẹn. Nó đa nghi như Tào Tháo. Nó hiểu thời cuộc... A... Nó hiểu những cơ hội ít ỏi của mình. Nó sục sạo, tìm kiếm. Nó phản bội trái tim tôi. Nó giết chết những khát vọng mong muốn cao thượng tử tế trong tôi để duy trì cuộc sống chính nó, trong xác thân phàm tục này. Tôi đã nhiều lần bắt gặp nó trong tiềm thức mơ hồ của tôi. Khi tôi phải che mặt, phải ê chề, khi tôi chạy trốn, nhục nhã, tủi hổ... nó ngồi trong góc tâm hồn và khe khẽ hát bài ca của mình, lạnh lùng, giễu cợt. Nó biết tất cả điều ấy chỉ là ước lệ, không chính xác bao nhiêu, độ bền vững thấp, do ai đó đặt ra trong tình thế bắt buộc, khi không hiểu gì lắm về đời. Kẻ đặt ra nó sẽ rối trí, sẽ xấu hổ khi y chán đời, khi y thất bại, nghĩa là khi ấy y đã không còn nhiều cơ hội nữa trong đời. Tôi biết chắc chắn thế mà. Tôi biết chắc chắn thế...
Tôi đi... Hôm qua mưa. Hôm nay nắng đẹp. Ngày mai nắng. Tôi là Chương. Tôi đi, tôi đang đi...
Cách đây không lâu, tôi đến làm thuê cho một gia đình người ở thành phố. Chủ nhà là một người giàu. Ngôi biệt thự đã xây xong, bây giờ xây thêm một bức tường chắn bên ngoài. Tôi đến nhận việc cùng với năm người khác nữa, trong đó có một cô gái tên là Mây, người Mường Hòa Bình.
Làm được ba ngày, đến buổi trưa thì Mây đến gần bảo tôi: "Anh Chương này, bà chủ nhà bảo tôi mời anh lê nhà".
Tôi bước vào phòng khách. Căn phòng rộng, trải thảm, đồ đạc cầu kỳ. Trên tường treo bức tranh thảm dệt hai con ngựa đang âu yếm nhau. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường sốt ruột và mờ ám. Tôi nghĩ... Nếu là nơi ở của tôi thì sẽ là cửa ra vào nhỏ và cửa sổ rộng, không trang trí gì và ngoài kia là bãi cỏ xanh với cánh rừng.
Tôi chờ một lúc lâu thì có tiếng gọi mời tôi lên gác. Cô chủ trạc 32 tuổi, xinh đẹp, nằm ở trên giường.
Cô chủ bảo tôi :"Anh vào đây...". Tôi bước vào phòng. Cô chủ bảo tôi: "Anh ngồi xuống đi... Tôi tên là Phượng. Còn anh, anh tên là gì?". Tôi bảo: "Tôi là Chương, con ông Hùng". Cô Phượng cười: "Anh ngồi xuống đi, tên anh không có ý nghĩa gì với tôi. Anh hãy nhìn xem. Tôi có đẹp không ?": Tôi bảo: "Ðẹp". Cô Phượng cuời: "Anh vội vàng quá. Anh chưa biết thế nào là đẹp hay xấu nơi người đàn bà. Anh thấy tôi giàu, anh tưởng tôi đẹp. Anh thấy tôi học thức, anh tưởng tôi đẹp. Không phải thế ! Nếu tôi đẹp, tôi phải nhìn thấy trong ánh mắt anh dứt khoát có những khao khát dục vọng". Tôi cười buồn bã, không biết trả lời ra sao. Cô Phượng bảo: "Anh là người làm thuê, anh là dân đen. Phải không nào ?" Tôi bảo: "Phải". Cô Phượng bảo : "Như thế nghĩ là anh không có gì cả. Anh là kẻ yếu". Tôi bảo: "Xin cô dừng sỉ nhục tôi". Cô Phượng bảo: "Tôi không sỉ nhục anh. Tôi chỉ nói ra một sự thật. Anh không có của cải, không có sở hữu cá nhân, anh không có quyền sĩ diện, không nên tự ái, không nên phản kháng".
Tôi im lặng, tôi không hiểu lắm về những người giàu tiền và có học thức. Tôi thấy họ bí hiểm, họ giỏi giang, họ nguy hiểm. Thế thôi ! Cô chủ của tôi muốn sức lao động của tôi ? Muốn gì ? Muốn tâm hồn tôi ? Mãi đến sau này tôi mới biết rằng trong tôi cũng có đôi điều giá trị và cũng không ít rác rưởi thối tha. Tôi phải trả giá cho bài học ấy của mình. Nhưng đấy là về sau, về sau này...
Ròi Phượng và tôi cùng hiểu ý nhau. Tôi lên giường nằm. Cô Phượng bảo: "Anh hấp tấp và vội vàng ! Chẳng qua anh là một con thú yếu. Những con thú yếu hiểu tình yêu như công việc, như đi cày. Thái độ của họ đối với cuộc sống cũng đều như vậy. Hoàn toàn không phải thế ! Cuộc sống là một quá trình suy đòi, quá trình hưởng thụ. Có thế thôi !". Tôi gầm gừ như sư tử. Cô Phượng bảo: "Anh im đi... đừng có gầm gừ. Sư tử cũng chỉ là một con thú đáng thương, nó sợ những con sư tử khác... Anh yên tâm đi, bố chồng tôi chết rồi, chồng tôi không có ở nhà !". Tôi cười như mếu. Tôi tiếc là mình ít học vấn quá, không tranh cãi được, không hiểu tý gì. Tôi xúc động.
Tất cả bí mật của vũ trụ, xã hội, công danh, tiền bạc, nghệ thuật... -Cô Phượng bảo tôi - là ở chuyện này. Bọn đàn ông các anh loanh quanh vì các anh sợ hãi. Các anh không dám đam mê. Trật tự phụ quyền được đặt ra là một thứ trật tự đầy rẫy bạo lực, dối trá, chủ yếu không phải phục vụ con người mà là dùng để ngăn chặn thú tính trong bọn đàn ông với nhau. Anh có hiểu không ?". Tôi bảo : "Không". Phượng bảo: "Anh mặc áo quần vào rồi cút đi !
Tôi xấu hổ bỏ ra ngoài. Tôi không thích làm việc này. Tôi về chỗ ở của tôi trong khu nhà tạm góc vườn. Tôi ngủ. Trong mơ tôi thấy tôi đi lạc vào một lòng suối khô cạn. Tôi đi ngược lên mãi. Hai bên đường đ là vách đá dựng đứng như đường lên trời. Tôi mơ thấy con gái thủy thần. Nàng hiện ra trong ánh sáng mờ mờ huyền ảo. Nàng không hùng biện. Nàng chỉ buồn rầu.
Tôi ở nhà cô Phượng mấy tháng ròng. Chồng cô Phượng vắng nhà, đang ở nước ngoài, mấy đứa con đi học suốt ngày. Cô Phượng có cách nghĩ về tình yêu khá lạ lùng: "Tôi thưởng thức anh, tôi nhắm anh. - Cô Phượng bảo tôi. - Như thể người ta nhắm một món ăn".
Cô Phượng bảo tôi : "Ðàn ông các anh tùy tiện đặt ra luật pháp. Cả chồng tôi nữa. Họ có bà Cả, Bà Hai. Họ hưởng lạc giấu giếm... Anh là ông Hai của tôi, anh có thích không ?". Tôi bảo : "Cũng thích". Cô Phượng bảo: "Tôi thích bản chất hồn nhiên man rợ của anh. Nó vô học, vô đạo nhưng lành mạnh".
Cô Phượng giới thiệu tôi cho các bạn gái của cô. Họ đều xinh đẹp, sồn sồn, có học thức, giàu có. Những điều họ nói trong phòng ngủ khác hẳn những điều tôi vẫn được nghe khi tôi còn ở quê nhà, khi tôi đi học hoặc đi kiếm sống ngoài đời.
Cô Phượng bảo tôi: "Khi ngủ với anh, những người phụ nữ khác có kêu lên không?". Tôi bảo: "Có đôi người". Cô Phượng cười : "Những tiếng kêu ấy chính là ngôn ngữ nguyên thủy, tinh khiết. Nó trong sáng hơn mọi thứ tiếng ru, thơ phú và nhạc nhã. Tôi luôn cảm thấy những tiếng kêu ấy tựa như tiếng kêu của người tiền sử trong hang động...". Tôi ngẫm nghĩ, tôi thấy có lý nhưng tôi không kêu.
Tôi kể cho cô Phượng và những bạn gái của cô nghe về quang cảnh làng tôi bên sông. Nhà tôi nghèo, trông ra làng nước cũng nghèo. Mùa lũ về, tôi hay bơi ra bãi Nổi trên sông vớt củi. Dòng sông đỏ quạnh phù sa. Những cành củi trôi phăng phăng. Những xoáy nước hút chóng mặt. Những con cung quăng chạy nhảy điên cuồng, vô số xác những đàn phù du, xác những đàn vờ chết rất thản nhiên, trắng xóa trên bờ. Chúng không băn khoăn gì về đạo đức. Chúng không hùng biện.
Cô Phượng hỏi: "Anh thích thế à ?". Tôi bảo : "Cũng thích". Cô Phượng bảo: "Tôi thấy không ý nghĩa gì. Anh phải biết rằng cuộc sống là rất rộng lớn".
Tôi không trả lời. Tôi thấy cuộc sống của tôi và những người dân quê tôi đơn giản bình thường không phải đặt ra qua nhiều câu hỏi. Chúng tôi sống, lớn lên, hàng trăm ngàn vạn thế hệ nối nhau, quanh quẩn chuyện làm ăn, gia đình, tôn giáo, nhà cửa, dục vọng.
Tôi bảo: "chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửa". Cô Phượng bảo: "Có thể... nhưng anh đừng khẳng định". Tôi hình dung ra xác những con phù du, những con vờ bị sóng đánh tạt vào bờ. Tôi chợt nhận ra con người phải lùi rất xa mới gạn lọc được đôi chút dấu vết giá trị văn minh, giống như hôm nay ta xúc động bởi một câu Kiều, bởi một pho tượng Chàm, bởi một dấu vân tay trên bình gốm cổ... Hàng tỉ những con phù du, những con vờ chết đi không để lại một dấu vết gì.
"Cảm giác thôi. -Cô Phượng bảo tôi. - Ðàn bà chúng tôi chỉ tin ở cảm giác, mà cảm giác nghĩa là nhầm lẫn và tạm bợ".
Tôi rất ít có thì giờ để nghĩ ngợi những điều khó hiểu như thế. So với mọi người thì tôi chẳng có gì cả. Tôi không có tiền bạc, công danh, không có gia đình để yêu thương lo nghĩ, không có bạn bè... Ngay cả giấy tờ tùy thân cũng không có nốt. Tôi là con số không. Tôi vui một mình, buồn bã một mình, mơ mộng một mình... Tôi chỉ có con gái thủy thần chờ đợi...
"Thế là anh sướng". -Cô Phượng bảo tôi.
Tôi cười thầm... Tôi nhớ lại những gì mình đã trải qua trong đời. Ðám trẻ trần truồng ngồi ở bên sông, nấp trong rặng mía. Chúng tôi nói chuyện cao siêu về người Nga, người Mỹ làm bom nguyên tử, chuyện bà Mạnh Tử dạy con, chuyện người ta câu được một con cá voi, nhưng khi lôi được vào bờ chỉ còn có mỗi bộ xương... Thế đấy, những chuyện trẻ con, những chuyện động trời...
Cô Phượng bảo tôi: "Này Chương ! Anh đang nghĩ gì ?" Tôi bảo: "Trên nền nhà gạch đá hoa thì rất khó đi...". Cô Phượng bảo: "Chồng tôi cũng nói như thế. Anh ta trách tôi không biết đi lại trong nhà, không có cử chỉ linh hoạt và chỉ biết đi từng bước một như đếm...".
Cô Phượng nói năng như trên sân khấu. Tôi nhớ chiếc chòi canh mà khi tôi còn làm bảo vệ ở quê. Ðêm trăng suông, tôi ngồi chống cằm, mắt nhìn lên những ngôi sao xa xăm. Một ánh mắt vô hình từ trong khoảng không sâu thẳm ở giữa bầu trời bao la đang theo dõi theo tôi. Tôi biết chắc chắn có ánh mắt ấy. Ðiều ấy khiến tôi xúc động. Sau này tôi gán cho nàng, cho Mẹ Cả, cho con gái thủy thần, cho người đàn bà vẫn chờ đợi tôi ở nơi xa xăm, mãi tận đâu đâu. Tôi biết, nàng vẫn hy vọng và đấy chính là chỗ dựa cuối cùng cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng tôi. Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường: những lần đánh nhau với bọn phàm phu, làm việc không công cho người nghèo khó, nhả nhớt cợt đùa với lũ du côn... ánh mắt vô hình vẫn theo dõi tôi hoài hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong đêm. Nàng nói: "Này Chương, vẫn không phải đường ra biển...".
Cô Phượng bảo tôi: "Có lẽ ở thế hệ trước thì cha anh tôi cũng giống như anh bây giờ. Họ mang lại đủ thứ cho chúng tôi".
Tôi nằm im. Tôi không biết rõ những điều cô Phượng nói. Ðiều gì làm cho người ta khao khát ham sống ? Tôi hỏi cô Phượng điều này. Cô Phượng trả lời: "Ăn ngon, lời tâng bốc và sex. Anh còn thêm gì nữ thì tuỳ".
Những ngày ờ nhà cô Phượng khiến tôi suy sụp. Tôi kiệt sức. Tôi hoa mắt, chóng mặt. Ngày xưa tôi đi đào đất cũng không vất vả như thế này. Ðiều kinh khủng nhất là những chuyện mà người đàn bà rót vào tâm hồn tôi. Tại sao cuộc sống lại nhiều trói buộc như thế ?
Khi chồng cô Phượng về nhà được mấy hôm thì tôi bị đuổi việc. Tối hôm ấy, tôi nằm trong xó ở khu nhà tạm. Thân thể tôi đau nhừ, lưng đau tưởng như gãy gập, cổ họng rát khô. Nửa đêm, có tiếng kẹt cửa rồi Mây mang vào cho tôi một bát cháo nóng.
Mây hỏi tôi: "Anh Chương ! Anh bị sốt à ?. Tôi bảo. "Không". Mây bảo: "Anh Chương này, tối nay tôi phải lên hầu ông chủ. Tôi không thể từ chối vì món tiền ông ta cho tôi qua lớn.... Tôi không muốn dành sự trong trắng của tôi cho người khác... Tôi muốn anh... Anh giúp tôi đi...". Mây đưa tay cởi cúc áo ngực của tôi. Trong bóng tối mờ mờ, Mây quay người lại, tôi cảm thấy tấm lưng trần quẫy ở trước mặt, ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào trông thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Tôi chợt nhớ đến Mẹ Cả, đến con gái thủy thần. Lòng tôi nhói lên cảm giác đau đớn xót xa.
Tôi nghe như có tiếng khóc từ nơi xa xăm vọng lại, như từ nơi hoang mạc đưa tới. Nước mắt của tôi và Mây hòa quện vào nhau ướt đầm trên hai khuôn mặt.
Mây giằng ra khỏi tôi thất vọng: "Này Chương ! Anh bất lực à ?". Tôi úp mặt khóc thầm, xấu hổ, ê chề. Mây đứng dậy bảo tôi: "Em hiểu, cái số của em nó thế... Anh đừng buồn, đừng khóc nữa... Những người ở trên nhà kia họ được tất cả... Anh Chương, xin anh bảo trọng thân mình, dẫu chỉ để cho em đỡ khổ...".
Sớm hôm sau, tôi bỏ đi rồi khỏi thành phố. Tôi không có ai để chào từ biệt.
Tôi cứ đi, đi mãi... Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển...Tôi chưa biết biển... Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000.
Con gái thủy thần ! Nàng ở đâu ? Nàng ở chỗ nào ? Vì cái gì ? Bởi cái gì ? Ðể tôi mượn màu son phấn ra đi...
Con gái thủy thần ! Nàng ở đâu ? Nàng ở chỗ nào ? Vì cái gì ? Bởi cái gì ? Ðể tôi mượn màu son phấn ra đi...
Nguyễn Huy Thiệp
Hà Nội, tháng 4-1988