Truyện Thứ Hai
Tác giả: Nguyễn Huy Thiệp
Khi chào mẹ để đi ra biển, lúc ấy nào tôi có biết rằng biển ở đâu ?
Mẹ tôi bảo: "Chương ơi, thế con bỏ mẹ đi à ? Bỏ các em con đi à ?" Tôi không trả lời, tôi vụt ra ngõ như chạy. Tôi biết, nếu tôi dừng lại lúc này thì tôi sẽ không bao giờ đi nữa. Tôi sẽ quay lại công việc của mười năm trước; tôi sẽ cứ thế cho đến rốt đời: Sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đan mũ. Tôi sẽ kéo mòn kiếp sống của tôi như thế. Như thể bố tôi, như ông Nhiêu, như ông Hai Thìn, như những người dân hiền lành, lam lũ ở quê hương tôi.
Tôi đi... Tôi nhằm hướng mặt trời mọc mà đi. Tôi không mang theo một thứ đồ đạc nào cả trên người, trừ con dao sắc lịm mà tôi cất công sang tận Ðoài Hạ để thửa. Con dao này rèn từ nhíp ô tô, mũi nhọn, nước thép xanh biếc.
ý nghĩ về Mẹ Cả, về Gianna Ðoàn Thị Phượng ám ảnh tôi. Con gái thuỷ thần, nếu tôi tìm được thấy nàng thì tôi sẽ không hối tiếc gì về cuộc sống. Không hiểu vì sao tôi lại nghĩ rằng nàng ở đấy, ở ngoài xa kia, ở biển...
Tôi đi qua rất nhiều làng mạc, vừa đi vừa làm thuê kiếm ăn. Những làng quê mà tôi đi qua đều buồn tẻ tiêu điều. Quanh quẩn chỉ từng ấy cây: Cây lúa cây ngô, cây khoai lang, vài thứ cây rau quen thuộc. Quanh quẩn từng ấy công việc: Cày ruộng, cấy hái, vun trồng.
Sáng sáng, tôi tìm đến đứng ở đầu thôn xóm mà tôi đi qua. Dưới gốc si hoặc cái quán xiêu vẹo, cũng có khi ở một chợ cóc ven đường. Có nhiều người như tôi, cả đàn ông, cả đang bà. Họ đều là những người dân quê phiêu tán hoặc những người nghèo trong thôn xóm. Những người thuê mướn cầm đuốc soi mặt chúng tôi, nắn chân nắn tay từng người. Họ hỏi: "Có biết làm việc này không ? Làm việc kia không ?" Họ và chúng tôi thỏa thuận giá cả, thường công lao động một ngày rất thấp, nếu làm thợ đấu thì quy ra thóc chỉ độ hai cân rưỡi đến ba cân một ngày, thợ cấy ít hơn: Chỉ độ một cân hai đến một câm tám. Tôi hay nhận những việc ngoài đồng: Cấy, gặt, gieo mạ, bón phân. Tôi không thích nhận việc trong nhà. ở ngoài đồng không khí thoáng đãng hơn, trên đầu tôi là bầu trời tự do, tôi không vướng những mối liên hệ nào đấy đối với con người. Những người thuê mướn tôi cũng chẳng giàu có gì, họ cũng phải làm quần quật, đôi khi họ phải nhịn ăn để dành trả công cho thợ.
Không khí u uất, tù đọng của làng quê làm tôi tái tê cảm giác chua xót. Mọi người rối rít, cuống cuồng để kiếm miếng ăn. Những định kiến, tập tục thật nặng nề. Tôi đã thấy tinh thần gia trưởng hủy hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ. Rất ít thanh niên. Ngoài đồng chỉ có các ông bà già, phụ nữ và trẻ em thất học làm việc.
Sang tháng ba, công việc đồng áng vãn bớt, tôi không có việc làm thường xuyên. Có nhiều ngày tôi phải nhịn đói. Tôi đi trong đám sương mù bàng bạc dọc bờ đê. Những hạt bụi nước li ti giăng ở trước mặt, ở bên phải, ở bên trái, ở sau lưng. Gió hun hút thổi. "Cái đói cái rét bằng nhau". Người xưa nói thật chẳng ngoa chút nào. Một lần tôi nhìn thấy có ông lão ăn mày chết đói ở bên vệ đê. Một nỗi lo sợ mơ hồ thoáng dậy trong tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến cái chết, điều này trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Ðói. Rét. Nỗi cô đơn như gió quất vào mặt. Lòng tôi cồn cào, đau đáu một nỗi khắc khoải hướng về Mẹ Cả, con gái thủy thần. Nàng là ai ? Nàng xấu hay đẹp ? Nàng ở đâu, góc biển chân trời nào ?
Tôi bắt đầu hình dung thấy nàng. Nàng hiện ra rực rỡ. Những đường nét trên khuôn mặt nàng rõ ràng, đôi lông mày thanh tú, quả cảm. Thoạt nhìn, nàng thậm chí đen đúa và lãnh cảm. Nàng không đẹp. Khoảng cách giữa tôi và nàng là khoảng cách của hai vật thể tự do, vừa đối nghịch, vừa bao trùm. Cả tôi và nàng đều cùng tranh đấu tìm cách giải thoát sự bao trùm đó, hướng tới tự do. Khi tự do là lúc nàng mất tôi và tôi mất nàng. Ðể có nàng, tôi buộc phi sống kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đày, tôi buộc phải vắt kiệt tôi cho đến chết. Tâm hồn nàng ăn uống thứ thức ăn thật man rợ: Ðấy là từng miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi. Tôi hình dung nàng xé xác tôi bằng bàn tay thon nhỏ, móng sắc. Nàng nhai từng miếng thịt và thè đầu lưỡi nhọn hoắt liếm những giọt máu ứa ra.
Những ý nghĩ trên không phải đến ngay với tôi khi ấy, khi tôi đói khát lang thang trên đường mà mãi sau này tôi mới hiểu ra. Thời tôi đang kể là thời tôi còn mụ mị, đầy những thành kiến ngộ nhận. Tôi là một thanh niên nông dân ngu độn, trong lòng đầy những tình cảm thương người vụn vặt, vừa duy tâm, vừa siêu hình, lại tầm thường nữa. Tôi chưa biết khinh rẻ bản thân, cũng chưa biết khinh rẻ học vấn. Tôi chưa biết cách thương mình. Những vấn vương của tôi về mái nhà, về tình cảm xóm làng bao bọc dưới những sắc màu lãng mạn huyền thoại cũng là một thứ văn hoá thấp kém, có sức trì kéo. Tôi chưa giác ngộ về lẽ tồn tại cá nhân, cũng như của cả bầy người.
Cuối tháng bảy, tôi nhận đóng gạch cho một bà cụ người Sơn Tây. Bà cụ 80 tuổi, có người con trai đi bộ đội đóng quân ở Cămpuchia. Bà cụ có người con gái năm nay 42 tuổi, lấy chồng ở tận làng xa, tên là Thời, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ được một buổi chiều, sấp ngửa dọn dẹp chốc lát rồi lại ra đi. Bà cụ ở một mình giữa khu vườn hoang rộng hơn sào đất. Ngôi nhà lợp rạ, vách trát đứng, giỏi lắm trụ được qua hai mùa mưa là đổ. Người con trai làm đại đội trưởng công binh, tên là Thế, chưa có vợ. Bà cụ cho tôi xem những bức thư anh viết ở Công Pông Xom, chữ rất thoáng, lời lẽ rõ ràng là của người con có hiếu:
"U ơi, xin U nương nhẹ thân mình, dù chỉ để cho con đỡ khổ. Con xin hứa sang năm con sẽ về phép, con sẽ làm nhà, lấy vợ. U cứ giấm cho con một cô ở làng, mặt rỗ cũng được, goá chồng cũng được, miễn là người ta yêu thương mình. Chỉ mười ngày phép là xong mọi việc, U sẽ mát lòng mát dạ ở nơi suối vàng. Còn con, con khoẻ lắm, được mọi người yêu mến. Con luôn nhớ về U, nỗi nhớ như gai đâm ruột..."
Tôi đào đất, đóng gạch ở ngay trong vườn. Công đóng một viên gạch mộc là năm hào, bà cụ nấu cơm ba bữa cho tôi ăn, trừ tiền gạo với tiền thức ăn, công thực tế chỉ còn ba hào rưỡi. Bà cụ bảo: "Tôi chỉ mong đốt cho nó sáu vạn gạch. Nó xây nhà hết bốn vạn, còn hai vạn thì xây cái bếp. Chú tính, nếu tôi thuê chú cả vào lò, cả ra lò, chú có làm xong trước tiết Ðông chí không ?". Tôi bảo: "Ðược". Bà cụ bảo: "Tôi vụng tính quá. Sao tôi lại đi thuê đóng gạch vào mùa mưa. Thế có khổ không ? Trước tôi cứ nấn ná. Tại con mẹ Thời cả, tôi đã bảo nó bán cho tôi đôi hoa tai, nó cứ nói dối không bán được. Cũng may gặp chú, chú thương tôi, làm thuê như làm cho nhà mình. Cũng là cái số của tôi, để phúc lại được cho con..." Tôi cay xè mắt, tôi muốn gào lên cho thấu cả trời xanh. Tôi muốn làm cho dứt hợp đồng để lại lên đường. Khốn nỗi trời cứ mưa tầm tã, đóng được vài trăm viên gạch lại phải khuôn vác che chắn. Tôi đói. Tôi không có việc nào khác. Tôi bắt buộc phải nhận công việc chết rấp này, công việc có cơ khiến tôi trắng tay.
Tôi sẽ không kể lại công việc tôi làm ra sao. Bà cụ dậy từ gà gáy sáng, đi bòn những lá rau khoai lang, rau dền rau mảnh cộng trong vườn để nấu canh mắn cua. Thức ăn mặn thường là tép rang, muối vừng cua dạm. Cơm nấu trong cái nồi đất. Bà cụ nấu cơm khéo, cơm dẻo, không bao giờ nát, cháy, cơm mềm chứ không khô, không lại gạo. Tất cả tâm lực bà cụ hướng về sáu vạn viên gạch. Tôi cũng ước ao tâm lực của tôi hướng về một thứ vật chất cụ thể như thế. Nếu như thế được, mà nếu được như thế...
Sang tháng mười, tôi đã đóng xong đủ sáu vạn viên, chuẩn bị đốt một lúc hai lò gạch. Trông đống gạch mộc chất cao mà sướng mắt. Bà cụ nhỏ bé, gầy yếu đứng lọt thỏm trong đống gạch tấm tức khóc. Tôi bảo: "Nếu mà đốt lò, mấy cây khế, cây chuối trong vườn đều chết hết cả đấy, cụ ạ". Bà cụ bảo: "Chết thì chết". Tôi bảo: "Nếu hết củi là phi dỡ nhà mà đốt đấy, cụ ạ". Bà cụ bảo: "Thì dỡ đi chứ ! Sang năm con tôi có nhà mới rồi".
Tôi nổi lửa đốt hai lò gạch, đốt kiểu lò dã chiến, đúng trong ngày Ðông chí, rét buốt ruột. Mâm cõ đốt lò có chai rượu trắng với cái chân giò luộc chấm tương. Tôi uống hết nửa chai rượu, chửi tục một câu rồi kéo mái gianh nhen lửa. Bà cụ nằm trên chõng, đắp chiếc chăn dạ cũ. Bà cụ đang ốm. Tôi dỡ nửa cái mái nhà mới nhen được lửa. Hai lò gạch cháybùng, đỏ rực. Nóng như thiêu. Trời rét mà tôi đánh độc một cái quần đùi, mồ hôi túa ra như tắm. Lò đốt ba ngày đêm. Cây cối trong vườn xém trụi hết. Ðến đêm thứ ba thì bà cụ mất. Bà cụ mất rất nhẹ nhàng, không giối giăng gì. Tôi ôm xác bà cụ trên tay đi vòng quanh hai lò gạch như kẻ mộng du. Sáu vạn viên gạch, thế là bà cụ nợ tôi hai trăm mười nghìn đồng.
Sáng hôm sau, chị Thời con gái bà cụ dắt theo đàn con buộc khăn tang trắng chạy về. Chị Thời lần bên xác mẹ, lấy ra đôi hoa tai vàng trả công cho tôi. Tôi giắt đôi hoa tai vàng vào áo bỏ đi khi người ta đóng quan tài cho bà cụ. Tiếng khóc ai oán vọng sau lưng. Tôi đã mất gần nửa năm trời làm việc ở đây. Biển còn xa lắc...
Tôi gõ cửa một tiệm vàng ở thị trấn H. Lúc sáng tinh mơ. Bộ dạng tôi chắc kinh khủng lắm: Một nửa năm trời tôi không cắt tóc, bộ quần áo từ ngày bỏ nhà ra đi đã sờn rách cả, đồ đạc trên người có mỗi con dao nhọn lưỡi.
Tôi xoè đôi hoa tai vàng dạm bán. Chủ tiệm vàng đi chân đất, quỳ xuống lạy như tế sao: "Làm gì có thứ hoa tai thế này hở cậu ? Ðây là thứ đồ chơi con nít bán đày ở chợ. Mới sáng sớm dọn hàng xin cậu thương tôi..."
Tôi ngồi phệt xuống nền gạch đá hoa. Chủ tiệm vàng lấy ra các đồ nữ trang trong tủ giải thích cho tôi thế nào là vàng tây, vàng ta; thế nào là vàng bẩy, vàng mười; thế nào là đồng là bạch kim, là saphia. Tôi nghe như vịt nghe sấm. Chủ tiệm vàng dắt tôi ra quầy hàng xén bên đường. chỉ cho tôi xem những thứ hoa tai, nhẫn vàng dùng làm đồ chơi trẻ con. Ðôi hoa tai bà cụ trả công cho tôi giống y hệt thứ ấy, có thể bẻ vụn ra được.
Tôi chào ông chủ tiệm vàng tốt bụng mà nhút nhát, rồi bỏ đi. Tôi đứng ở ngã ba đường. Sương mù rất dày. Xung quanh tôi vắng ngắt. Tôi rút dao ra và quyết sẽ đâm chết người đầu tiên đi qua ở trước mặt tôi lúc này để lấy môt nghìn đồng đủ ăn bát phở. Tôi đói. Tôi đói như một con hắc tinh tinh. Tôi đói như một con lợn rừng. Tôi đói như một con vật ở địa ngục. Tôi đói đã nửa năm nay. Nửa năm tôi ăn độc một thứ rau khoai lang, rau dền, rau mảnh cộng, toàn thứ rất dễ mất máu.
Tôi đứng một lúc lâu. Sương tan dần, một đám các cô các bà gồng gánh đi đến. Một giọng phụ nữ rất chua khúc khích cười: "Phượng ơi ! Có người chờ để gánh thuê cho mày đi chợ kìa". Ðám người dừng trước mặt tôi. Tôi sững sờ nhận ra khuôn mặt người con gái có tên là Phượng, khuôn mặt đã ám ảnh tôi trong bao giấc mơ. Vẫn khuôn mặt ấy, những đường nét dứt khoát và quả cảm, vừa hồn nhiên vừa lãnh cảm. Cô Phượng bảo: "Này anh kia, có gánh thuê không?" Tôi bảo: "Có !" Cô Phượng trao gánh cho tôi. Cô Phượng bảo: "Anh gánh gạo cho tôi lên chợ rồi tôi cho tiền đi cắt tóc". Mọi người cười, họ vỗ vai, thụi vào ngực tôi. Tôi gánh gạo đi theo họ như việc phải làm. Tôi không hiểu vì sao như thế. Cô Phượng đi bên cạnh tôi, đung đưa cái túi xắc giả da màu đỏ.
Phiên chợ giáp Tết đông như chảy hội. Cô Phượng bán loáng cái đã xong. Cô Phượng bảo tôi: "Tôi với anh đi ăn bún riêu. Ðợi tôi mua ít hàng rồi anh gánh về cho tôi với nhé". Tôi gật đầu rồi đi theo cô Phượng vào quán bún riêu. Tôi húp soạt hai lần xong bát bún. Cô Phượng phì cười, gọi thêm một bát bún nữa. Cô Phượng hỏi tôi: "Anh đói đã mấy ngày rồi ?" Tôi nói, tự dưng nước mắt ứa ra: "Tôi đói đã sáu tháng nay rồi". Mọi người trong quán im bặt, lặng lẽ nhìn tôi. Chắc chẳng ai tin lời tôi nói. Cô Phượng không nói năng gì, bỏ dở bát bún ngồi nhìn tôi ăn. Tôi ăn xong, cô Phượng lại hỏi: "Anh có ăn bánh đúc không ?" Tôi gật đầu. Cô Phượng lại gọi thêm cho tôi nửa mẹt bánh đúc. Cả đời chưa bao giờ tôi được ăn uống ngon lành như thế.
Tôi gánh hàng đi theo cô Phượng về nhà. Hàng toàn vôi với sơn, tôi khong biết mua để làm gì. Nhà cô Phượng ở vùng đất bãi, giống hệt quê tôi, chỉ khác ở đây có nhà thờ đạo Thiên chúa. Cô Phượng ở với bố, một người cô mù không biết tên thật là gì, chỉ thấy mọi người gọi bà là Maria. Cô Phượng có hai em gái, một cô tên Thủy, một cô tên là Liên. Khi đưa tôi về, cô Phượng nói với mọi người: "Tôi nhặt được ông mãnh này ở ngã ba đường. Có vẻ là dân lao động chứ không phải lưu manh giang hồ". Bố cô Phượng hỏi: "Này anh kia, tên là gì ? Có vướng trộm cắp gì không ?". Tôi bảo: "Tôi là Chương. Tôi không trộm vặt". Bố cô Phượng cười: "Tôi biết rồi, tướng anh là tướng người trộm cướp lớn chứ không trộm cắp vặt. Cái dái tai thế kia, cái mũi ống bương thế kia không phải là hạng tầm thường. Chán đời hay sao mà cánh bèo trôi dạt đến đây thế này ?". Tôi bảo: "Phận tôi nó thế". Bà Maria lấy tay sờ mặt tôi, thét lên: "Giêsuma ! Chúa ơi ! Người đâu mà chẳng thấy thịt, chỉ thấy toàn đất là đất thế này ?".
Tôi ở nhà cô Phượng. Người ta hứa nuôi tôi một tháng. Bố cô Phượng là trùm xứ đạo. Công việc của tôi là sơn, quét vôi lại toàn bộ nhà thờ. Công việc khó khăn nhất là phải tô sơn lại bức tượng chúa đứng trên nóc gác chuông, bức tượng cao hai mét, tạc hình Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ giang hai tay ra, chân đứng trên quả cầu tròn. Ðây là điểm cao nhất của nóc gác chuông, hoàn toàn không có mặt bằng để dựng dàn giáo. Muốn tô sơn lại bức tượng, tôi chỉ còn có cách buộc thừng vào người rồi chằng thừng vào thân tượng. Hợp đồng công việc của tôi không có bảo hiểm. Bố cô Phượng bảo: "Xứ đạo chúng tôi nuôi anh ba bữa, anh chết thì chúng tôi chôn. Làm xong anh được hai trăm ngàn đồng". Tôi nhớ đến khoản tiến công đóng gạch cho bà cụ người Sơn Tây mà cười ra nước mắt. Cô Phượng bảo tôi: "Ahh nghĩ lại đi. Bức tượng làm cách đây hai trăm năm rồi, vôi vữa không khéo đã mục, leo lên đấy nhỡ chết thì sao ?" Tôi bảo: "Chúa giúp tôi. Nếu không thì chẳng có Chúa".
Tôi quét vôi nhà thờ gần một tháng. Ðầu tiên, tôi cạo hết lớp vôi cũ rồi phủ lên hai lớp vôi trắng. Ngoài cùng tôi quét vôi vàng. Giúp việc cho tôi là cô Thủy, cô Liên. Bố cô Phượng xem xét công việc. Ông bảo tôi: "Chú em ạ, tôi chỉ tiếc chú em là kẻ vô đạo. Nếu không tôi có ba đứa con gái, tôi gả cho chú cả ba". Tôi đỏ bừng mặt. Tôi cười đau đớn. Tôi đâu phi loại chó dái đi tìm chó cái ? Trái tim tôi đã thuộc về nàng, thuộc về Mẹ Cả, thuộc về con gái thủy thần...
Sau khi quét vôi xong và sơn lại toàn bộ cửa kính nhà thờ, tôi bắt tay vào việc tô tượng Chúa. Trước ngày tôi trèo lên nóc gác chuông, cô Phượng nấu cho tôi một nồi nước hương nhu bảo tôi tắm gội. Mọi người trong nhà cô Phượng đều quan tâm săn sóc đến tôi. Họ biết có thể đến ngày mai tôi không còn ở trên cõi đời này nữa. Ông trùm đạo có vẻ bồn chồn. Nửa đêm ông kéo tôi dậy, pha một ấm trà đặc mời tôi. Ông bảo: "Cậu Chương này, hay thôi đừng tô tượng nữa. Tôi cứ lo lắng thế nào". Tôi bảo: "Bác mặc tôi. Công việc nó thế". Ông cụ thở dài: "ừ ! Phải thế đấy. Nếu mệnh hệ nào, cậu có oán tôi không ?" Tôi bảo: "Không". Ông cụ nghĩ một lúc rồi lưỡng lự hỏi: "Cậu Chương này, cậu có muốn giối giăng gì không ?" Tôi cười: "Nước ta có sáu mươi triệu người thì năm mươi tám triệu cười vào mũi lời giối giăng của tôi". Ông cụ bảo: "Tôi hiểu. Cậu đi ngủ đi".
Tôi đi ngủ. Quả thực tôi chẳng lo lắng gì. Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tôi rất ít khi nghĩ ngợi về mình. Những khao khát của tôi không gắn gì với đời sống và tồn tại của bản thân tôi. Hôm nay tôi sống như một con vật hay một ông hoàng có gì quan trọng ? Trái tim tôi đã khô héo và cằn cỗi. Tôi biết tất cả những thiện cảm mà cô Phượng, con gái ông trùm đạo dành cho tôi, thậm chí cả những thiện cảm của cô Thủy, cô Liên dành cho tôi nữa. Tôi biết hết. Tôi không có quyền gắn sinh mạng của tôi với họ, bởi như thế, rốt cuộc tôi cũng lại sống như ông Nhiêu, như ông Hai Thìn hoặc như những người dân hiền lành lam lũ ở quê hương tôi hay là ở xứ đạo này. Một mái nhà gianh với ba bốn trái tim vàng là hết nước. Cô Phượng tôi gặp ở lớp kế toán dạo nào hay cô Phượng con ông trùm đạo ở đây cũng chỉ là một mảnh của nàng, con gái thủy thần, người tôi ước ao gặp gỡ...
Sáng hôm sau, tôi trèo lên nóc gác chuông. Tôi lấy một sợi dây thừng để buộc lòng thòng rồi tròng lên cổ Chúa Giêsu làm điểm tựa. Tôi buộc sợi dây thừng vào quanh người tôi rồi vừa đu vừa làm việc. Cả xứ đạo đứng tụm ở dưới gác chuông nín thở theo dõi công việc của tôi. Chỉ sơ suất, sợi thừng đứt hoặc tôi bị mất thăng bằng, tôi sẽ rơi trên cao ba mươi mét xuống nền sân đá.
Tôi mê mải làm việc. Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua. Trong ống tay áo Chúa Giêsu có một tổ chim. Những cọng rơm của tổ chim chẳng khác những sợi vàng ròng. Ðến cuối ngày, tôi đã tô xong bức tượng. Một niềm hân hoan khiến tôi nghẹt thở. Phút cuối cùng, không hiểu sao, tôi đã không kìm được ý thích ngông cuồng là ký tên lên vầng trán thanh thản của Chúa. Lần vào mái tóc xoã, tôi dùng con dao nhọn lưỡi vạch tên tôi lên đấy. Về việc này, đến sau này tôi phải trả một giá rất đắt, tôi không lường được.
Tôi đứng trên vai bức tượng mắt nhìn về xa. Mặt biển dâng trước mắt tôi, căng như sợi chỉ. Tôi nghe thấy tiếng sóng như tiếng người thở dốc. Những tia hào quang lấp loáng ở một góc biển và không hiểu sao tôi nghĩ đấy là nơi con gái thủy thần trú ẩn.
Tôi xuống sân nhà thờ trong sự hân hoan của toàn xứ đạo. Tôi thấy xây xẩm, bải hoải toàn thân. Tôi nằm sấp xuống bậc đá ngất đi. Tôi thấy hồn tôi nhẹ như sợi khói. Hồn tôi bay là là trên các bậc thềm nhà thờ, trên các mái gianh, mái rạ, trên các ngõ nhỏ, trên các vườn chuối. Hồn tôi bay trên các cánh đồng khô nẻ... Tôi không biết mọi người đưa tôi về nhà từ khi nào nữa.
Nghỉ ngơi dăm hôm, tôi lại lên đường. Tôi mặc bộ quần áo nâu nhuộm vỏ, giắt bên lưng con dao nhọn lưỡi. Cả nhà cô Phượng lưu luyến tiễn đưa tôi. Ông trùm xứ đạo, bà Maria, cô Thủy, cô Liên tiễn đưa tôi đến cuối vườn chuối thì dừng lại. bà Maria quàng vào cổ tôi sợi dây đeo thánh giá rồi làm dấu trên ngực tôi. Cô Phượng đưa tiễn tôi thêm một quãng ngắn nữa. Cô Phượng bảo tôi: "Anh Chương này, thế anh đi thật à ?". Tôi gật đầu, tôi bảo: "Thôi em về đi. Em nhớ cầu nguyện cho anh". Cô Phượng gục đầu vào ngực tôi nức nở: "Thôi anh đi đi, chân cứng đá mền, em chẳng giữ được... Xin anh nương nhẹ thân mình, dầu chỉ để cho em đỡ khổ".
Tôi vùng đi như bỏ chạy. Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển... Thế mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000...
Tôi cứ đi... Phía trước mặt tôi còn biết bao điều bất ngờ chờ đợi. Nàng là ai ? Con gái thủy thần ? Nàng ở đâu ? Con gái thủy thần ? Là tình chi ? Con gái thủy thần ? Ðể tôi mượn màu son phấn ra đi..