Chương 11
Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng
- Mợ buồn lắm, anh Phúc ạ. Suốt đêm hôm qua, mợ chôn vàng, chẳng cho ai biết, chỉ bảo một mình em thôi. Nhưng em buồn ngủ quá, không sao dậy được. Bây giờ anh có về không? Anh không về thì chúng em cũng không dám về.
- Anh không muốn về nữa. Anh nghĩ cậu thật là lạ. Pháp nó đánh mình đến nơi rồi mà cậu cứ giữ của khư khư. Giữ thế nào được hả Lan? Đêm hôm qua khi anh đưa xẻng cuốc cho anh em, người ta hoan hô cậu đấy. Cậu có nghe thấy không mà còn định đánh anh. Anh buồn ghê lắm. Tuần lễ vàng năm ngoái, cậu mợ chỉ cúng có hai cái nhẫn, nói thì cụ cứ làm ầm ầm lên. Bây giờ chỉ có mấy cái xẻng cái cuốc, cậu cũng tiếc. Cậu cứ sợ Tây nó trù là ủng hộ Việt Minh. Người ta biết cả đấy. Nhiều anh em chẳng lấy cái gì ra mà đào đã phải bỏ về quê. Anh nghe người ta nói mà sượng cả mặt. Bây giờ lấy được mấy xe, anh mới dám nhìn mặt anh em. Cậu mợ đã sắp tản cư chưa?
- Hình như sắp đấy. Các anh ấy đến giục lắm. Cậu mợ cho đi tìm chúng mình.
- Lan, Hương có về thì về chứ anh không về. Anh đang bận. Anh còn phải đến lớp huấn luyện chính trị đây.
- Anh ở đâu, chúng em ở đấy. Chúng em cũng không về đâu. Em sợ bà giáo lắm.
- Kệ bà ấy chứ, việc gì mà sợ.
Phúc làm bộ cứng trước mặt hai em, nhưng lời nói của anh biểu lộ cái hậm hực của anh đối với bà cô hơn là sự cương quyết. Lan nói:
- Anh là cháu trưởng, bà ấy còn nể, chứ như chúng em chẳng sợ cũng chẳng được. Ngày giỗ ngày tết bỏ đi, bây giờ về thì bà ấy chửi chết.
- Lan đi đâu về?
- Ông Sĩ bảo chúng em đi quyên thuốc ở hiệu bào chế “Thao”.
- Sao biết anh ở đây?
- Em hỏi chị Oanh.
Lan nói có vẻ như muốn trêu anh và Phúc mỉm cười nhìn hai em, nửa bằng lòng, nửa trách móc. Chiều hôm qua, Phúc gặp Oanh ở đây trong khi Oanh chờ chị em Đồng Xuân đến họp ở bên chợ để thảo luận về việc bãi thị. Oanh bàn với Phúc vận động ông cụ ủng hộ một số xẻng cuốc. Nhưng Phúc biết là cách làm ấy khó nên rủ anh em làm cái việc đại náo nhà Quảng Xương Long. Sau cái hành động chưa từng có trong cuộc đời phẳng lặng và giàu có của anh, Phúc thấy mình không thể trở về với bố mẹ được nữa. Anh ở lì cái nhà này, một nơi hẻo lánh nhất của phố Hàng Khoai, và tin rằng cậu mợ sẽ không biết đâu mà tìm đến. Cái nhà ở bên đền Huyền Thiên, làm theo lối cổ, lủng củng những kèo và cột, tối tăm, ẩm thấp, phảng phất như ở nhà quê. Có một lối thông sang đằng sau, và đây là cả một xóm nhỏ lụp xụp, lúc nhúc những gian nhà ở bằng gỗ lợp tôn, có cả giếng, chuồng gà, chuồng lợn, vài cây chuối lơ thơ. Nhà trên thì chủ ở, khu trong cho người thuê, phần nhiều là anh em phu phen, thợ thuyền. Chủ nhà đã tản cư, và nhờ Sinh, một anh thợ nguội ở dưới nhà, trông nom hộ. Sinh đã bố trí cho Phúc tạm ở đây. Sáng hôm nay, lần đầu tiên trong đời, Phúc đã ăn một bữa cơm muối vừng với anh em thợ, người nào cũng vào tự vệ. Thấy Sinh nghèo quá, chưa chạy được tiền cho người chị gái tản cư, Phúc vừa vào biếu bà Ngọ là chị Sinh năm trăm đồng, nhưng bà ta không dám nhận. Phúc đang đợi Sinh về để đưa món tiền ấy. Phúc vẫn còn say sưa với việc làm của mình đêm qua; cái ý nghĩ khu Đồng Xuân không đến nỗi thiếu dụng cụ phá hoại nữa làm cho anh tự hào; anh đã gỡ tiếng xấu cho bố anh. Anh mong mỏi được gặp Oanh, chắc chắn Oanh sẽ không trách anh là do dự nữa.
Những tiếng đục tường ình ình thỉnh thoảng làm lấp câu chuyện thầm thì của anh em Phúc, Lan và Hương. Phúc ngồi trên một tấm ghế ngựa, trên có giải một chiếc chiếu thủng giữa. Đầu giường là một cái chăn bông không có mền, mỏng và nát, gập lại do một cái gối gỗ đè lên. Gian nhà tối mò mò, ánh sáng lọt xuống qua một cái lỗ lồng kính trổ trên mái. Một bên tường đã đục một lỗ sát đất, một người chui lọt. Vôi và gạch vung vãi. Có những vết giày trắng trắng đi khắp cái nền đất mịn. Thấy hai cô em cứ đứng nhìn trừng trừng cái chăn rách bướp, Phúc bỗng thấy ái ngại cho hai đứa em gái chưa quen với cuộc sống lăn lộn. Anh lo cho trách nhiệm của anh. Cả hai cô đều tin và phục anh, không muốn rời anh một bước. Anh bảo Lan và Hương ngồi xuống giường, chỉ cái chăn và nói:
- Đêm hôm qua rất rét, nhưng ở đây, đắp chung chăn với anh Sinh, anh rất ấm. Đừng tưởng là họ nghèo mà bẩn đâu. Rất sạch. Nhưng anh thì chịu được chứ các cô thì anh rất lo.
Họ vẫn chưa dám ngồi, theo cái thói nhà con gái không được ngồi chung với bố và anh. Phúc là một thanh niên trạc hăm bốn, hăm nhăm, nhỏ nhắn và gầy. Anh đang ở trong trạng thái kích thích của con một nhà giàu đã chán sự ăn mặc và muốn sống một cách bình thường. Anh mặc một cái áo bờ-lu-dông cũ, cái phu-la len xanh dọc vàng vắt trễ tràng nửa trước ngực nửa sau lưng để lộ cái cổ trắng nõn của một con nhà giàu. Anh không đi bít tất. Quần dạ xắn lên. Đôi giày da của anh phủ đầy vôi cát. Thỉnh thoảng anh cúi xuống nhìn chân như muốn khoe với hai em cách sống mới rất xuềnh xoàng của mình. Với cái trịnh trọng của người anh, Phúc nói:
- Ở lại thì nguy hiểm lắm, các em ạ. Bây giờ chưa đánh nhau mà còn thế này, đến khi đánh nhau thật thì chắc là còn ghê lắm. Có lẽ các cô nên theo cậu mợ tản cư, chứ ở lại rồi đến lúc ấy khóc cũng chẳng được cho mà xem. Lại trách anh Phúc không bảo.
- Thế anh ở được thì sao?
Vừa nói, Hương vừa nguẩy đi, nũng nịu với anh, và nói tiếp:
- Anh không cho em ở lại thì em khóc bây giờ.
Hương rụt đầu lại, như sợ có ai đánh, nhoẻn miệng cười với Lan. Lan khẽ đặt bàn tay mũm mĩm lên đầu em gái. Không ai có thể ngờ đây là hai chị em ruột. Họ không giống nhau ở một nét nào. Hương trạc mười sáu mười bảy, mặt bừng như hơ lửa, đôi mắt bồ câu lấp loáng cái sáng hồn nhiên của tuổi thơ và cái e thẹn của tuổi dậy thì. Tóc loà xoà trên hai vai mảnh khảnh, khuôn lấy cái mặt trái xoan hơi gầy, nhưng cái gầy ấy chỉ làm sắc sảo thêm, gãy gọn thêm những đường nét trong sáng sinh động dưới làn da tươi mát như nhung. Chân tay chưa nảy nở hết còn lọng khọng, vụng về, luôn luôn cử động. Hương như con chim nhỏ bỡ ngỡ trước cuộc đời lúc nào cũng như giật mình muốn vỗ cánh bay. Khác với Hương, Lan tuy mới ngoài hai mươi đã có cái dáng nặng nề xộc xệch của một người đứng bóng. Nước da trắng, mai mái, xoa phấn nhẹ, không còn cái nhuỵ ánh lên của những người đương độ. Đôi mắt nhỏ buồn buồn, mặt vô vị và không chuyển động như Phật, phản ánh một cuộc sống cấm cung, cách biệt với cuộc đời , khép nép và giả dối, âm thầm và lạnh lẽo. Đôi vú lép, do bà giáo bắt phải ép dẹp xuống, làm cho thân hình Lan thẳng tuột, cứng đờ. Những nốt trứng cá mọc dày trên hai má bì bì, càng tăng cái vẻ vô duyên, đồng thời cũng để lộ ra, ngoài ý muốn của Lan, một đời sống quạnh hiu đầy khát khao và thèm muốn. Qua những buổi sinh hoạt trong phố mà gần đây Lan được dự, con người nặng nề ấy đã có ít nhiều đổi khác. Cử chỉ đã bắt đầu nhanh nhẹn; môi đã nhếch cười, điều mà bà giáo thường nghiêm cấm. Những buổi sinh hoạt ấy đã mở cho Lan một cuộc đời mới. Như một chén rượu nhỏ cũng đã làm cho những người không quen uống say ngay, cuộc tiếp xúc với một thế giới khác lạ có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với Lan. Ở đây, không có cái bóng của bà giáo trùm lên. Ở đây không có những buồn tẻ hàng ngày. Ở đây có một cái gì mà Lan sờ sợ nhưng nó vẫn đẩy Lan đi, ấy là sự gần gũi những anh em thanh niên, những cặp mắt nhìn Lan, những lời nói ý nhị có duyên, nó kìm Lan hơn nữa trong thế giữ mình, đồng thời nó làm rạo rực xác thịt, và làm nảy lên trong đầu nóng hổi của Lan những ước vọng vấn vương.
Lan cúi xuống, nhìn đôi giày da bụi bậm của Phúc, mỉm cười:
- Giày của anh thế kia kìa?
Phúc nói, hãnh diện:
- Còn đi đất nữa kia.
- Khiếp. Anh cứ nói.
- Còn các cô, nếu ở đây thì không được mặc áo dài nữa đâu.
- Con gái lại không mặc áo dài? Em biết rồi. Anh doạ chúng em. Nhưng chúng em chẳng sợ. Anh đi đâu chúng em đi đấy.
- Thế không về nữa à?
- Chúng em đợi cho cậu mợ và bà giáo tản cư rồi mới về nhà.
Một con chuột cống chạy vụt sát chân Lan. Chị rú lên, ôm chặt lấy em gái. Hương cười đắc chí, tiếng cười trong vắt. Hương ngửa mặt nhìn chị, vênh cái cằm hơi nhọn:
- Chị Lan ơi, có thế mà cũng sợ ư? Anh Phúc này, em đã xem chị Lan học tiêm rồi. Chị ấy cứ rờ rờ, cầm ống tiêm lên rồi lại bỏ xuống, rồi lại cầm lên, rồi rùng mình, nhắm mắt, nhắm mũi lại. Mấy hôm rồi cơ.
Lan quàng hai tay sang hai vai Hương, khẽ nói bên tai nó:
- Hương hẵng cứ làm được như chị.
Phúc nói:
- Không nói đùa nữa. Bây giờ hai cô nhất định phải đi. Anh nói thật. Hai cô không chịu đựng được như anh đâu.
Hương bĩu môi, rung rung:
- Em chịu được.
- Cậu mợ mắng anh chết.
- Đi đi chị Lan, không anh Phúc anh ấy lại bắt chúng mình tản cư. Chị Oanh chị ấy cười chết. Chị ấy đã hứa cho em dự lớp tuyên truyền xung phong rồi cơ.
Hương kéo tay Lan, định luồn qua cái lỗ tường, tà áo len dài của Hương quét cả xuống đất. Lan ngần ngại quay ra. Hương cười khanh khách. Phúc nói:
- Phải mặc gọn vào. Súng sính áo dài không được đâu.
- Thế là anh Phúc đồng ý cho chúng em ở lại Hà Nội rồi mới nói thế đấy nhé.
- Ra ngoài cửa mà đi. Lúc nào cần chui hẵng chui.
Hai chị em đứng bên cái lỗ quay lại nhìn Phúc. Người anh nói, nhân nhượng với hai em:
- Khổ thì đừng có trách ai, các cô nhớ đấy.
Bỗng Lan và Hương kêu lên, lùi lại. Một bóng đàn ông thấp thoáng đằng sau lỗ. Hai chị em né sang một bên. Một thanh niên đã lách mình chui qua lỗ. Cái mũ cát két, bộ quần áo vải tím của anh ta lấm tấm vôi cát, đôi giày da thuộc trắng xoá như bị vùi bột. Anh ta trạc tuổi Phúc, người cao cao, xương xương, nước da ngăm ngăm đen, mắt một mí, không nhỏ lắm, ẩn dưới bộ lông mày rậm. Anh định phủi bụi, nhưng thấy có hai cô gái sang trọng đứng đấy, anh lại thôi.
Phúc đứng dậy giới thiệu:
- Lan và Hương, em tôi. Các cô biết anh Sinh chứ?
Lan và Hương không nói, và Sinh khẽ gật đầu. Trước đây, anh quan niệm họ là những tiểu thư kiêu kì, thâm nghiêm kín cổng đối với anh xa vời vợi. Nhưng trong lời giới thiệu thân mật, Phúc lại coi Sinh như cùng ở trong một hoàn cảnh xã hội với anh. Sinh ngượng như người bị mắc cỡ. Vốn là một người nhát đàn bà, anh càng lúng túng, không dám nhìn hai cô tân thời. Phúc nói với hai em:
- Bây giờ thì anh đi với anh Sinh đến lớp. Anh không về nhà nữa đâu. Nếu cậu mợ tản cư thì anh mới về.
Anh quay sang nói với Sinh:
- Lan, Hương cứ đòi ở lại, không chịu về với cậu mợ tôi.
Sinh vẫn không nhìn hai người con gái:
- Các cô các cậu rất đáng quý…
Anh vẫn gọi những con nhà giàu sang là cô và cậu, với cái giọng lễ phép của một người dưới họ về phương diện tiền của, địa vị và học thức. Trong thâm tâm anh không có cảm tình với những người buôn bán, sang trọng, mà anh cho toàn là bọn lừa lọc. Nhưng anh rất mừng khi thấy một số công tử và tiểu thư trong phố ở lại để kháng chiến. Những người như anh thì kháng chiến đã đành. Nhưng còn họ là những người ăn trắng mặc trơn mà cũng ở lại thì thật anh không sao hiểu được. Trong cái ngạc nhiên có lẫn cả tình thương. Những người khổ thường thương người hơn chính thương mình. Hình như họ cho cái khổ là phần riêng của họ, và họ phải gánh lấy hết. Từ khi Phúc vào tự vệ, Sinh không muốn giao những công tác nặng nhọc cho anh ta. Anh nghĩ: “Họ vào tự vệ với mình là tốt rồi, họ làm được việc gì hay việc ấy”.
Sinh quay sang chuyện khác để được thoải mái hơn:
- Sáng nay Dân về chơi thật là vừa may. Đúng như anh ấy nhận xét. Tôi đi xem lại một lượt thì thấy quả nhiên chỗ nào ta cũng chỉ đục nhỏ như cái lỗ này thôi. Bây giờ phải làm to gấp rưỡi mới được. Khi đánh nhau thì đây là những đường giao thông chính. Tải thương rồi cũng phải qua đây. Cậu có thấy lỗ bé quá không? Nhưng cũng rày rà, to quá thì Pháp nó lại chui vào được. Làm thế nào cho vừa phải, thế mới khó.
Anh uốn lưỡi những chữ r nghe lạ tai. Hương không nhịn được cười, cái cười vô ý tứ của những con nhà giàu trước một người không giống họ về cách ăn mặc và không ăn nói như họ. Lan khẽ bấm cái vai mảnh khảnh của Hương, và Phúc cau trán lườm cô em gái nhỏ xinh tươi, gắt:
- Cái gì mà cười?
Hương nói:
- Không ạ.
- Các em đi nhé. Lôi thôi, anh xin với cậu mợ không cho ở lại đâu. Đừng chui bẩn hết quần áo.
Lan lễ phép:
- Chúng em đi, anh nhé.
Và chị cúi đầu chào Sinh, khép nép bước theo Hương. Hương kéo chị chạy. Lan chúi vào lưng em gái, thu mình lại như muốn được nhỏ nhắn và trẻ trung như em, nhưng cái cử chỉ ấy chỉ làm nặng nề thêm cái thân hình của chị. Hai chị em đi rồi, Sinh nói:
- Cô ấy vui quá.
Phúc cầm lấy tay Sinh và nói:
- Anh Sinh này, anh đừng gọi chúng tôi là cô, là cậu nữa nhé. Tôi có cảm tưởng rằng các anh vẫn dè dặt với tôi, vẫn phân biệt, vẫn xa cách, vẫn coi tôi là con một nhà giàu. Nhưng có phải thế đâu. Đã lâu lắm, tôi muốn sống một cuộc đời tự lập, không phải ăn bám vào gia đình. Tôi muốn làm được một việc gì có ích. Nếu phải chết vì Tổ quốc, tôi cũng sẵn sàng. Tôi muốn nhân dịp này gỡ tiếng cho nhà tôi. Chính là như thế đấy, anh Sinh ạ. Tôi không dám về nhà, tôi trốn cậu mợ tôi ở đây là tôi đã quyết lánh xa gia đình.
Sinh nắm cái bàn tay mềm nhũn của Phúc trong bàn tay cứng và đầy chai của mình. Từ đêm hôm qua, anh có thêm nhiều cảm tình với Phúc. Sinh nói:
- Chúng tôi quen gọi như thế, nhưng không có ý gì là phân biệt cả.
- Các anh nên hiểu cho tôi. Tôi ngồi trên đống của thật đấy, nhưng tôi không muốn nối cái nghiệp làm giàu của cậu tôi. Cái dịp ấy bây giờ đã đến với tôi.
Phúc chán gia đình không vì một sự uất ức gì lớn. Anh rất được bố me cưng chiều. Nhưng càng lớn anh càng không vui. Mới đầu, Phúc chỉ không bằng lòng bố vì bố hay nghe cô mắng mẹ. Dần dần, Phúc biết một vài thủ đoạn làm giàu của bố mà anh thấy không chính đáng. Một người chú họ làm ở Hồng Kông mua được nhiều hàng quý như gương, thảm, giường Hồng Kông, len, dạ, tơ lụa, đồng hồ, bút máy, v.v… tháng tháng gửi về nhờ bố anh giữ hộ. Có hàng chục năm như vậy. Nhưng bố anh đã bội tín, chiếm hẳn những của ấy làm của mình, và từ một người buôn chè nhỏ, bố cứ phất mãi lên. Ông chú tiếc của phát điên lên rồi tự tử. Một việc nữa cũng làm cho anh đau đớn. Bố anh có một ông bạn người Tàu. Ông này muốn tậu một cái đồn điền ở Bắc Ninh, nhưng người ngoại quốc không có quyền mua đất ở Việt Nam. Bố anh nhận đứng tên thay, bên trong đồn điền vẫn là của người bạn. Giấy má làm xong, bố anh lật mặt, nghiễm nhiên là chủ cái đồn điền. Những mánh khoé làm ăn tương tự nhiều không kể hết. Phúc cho rằng cái gia tài gây dựng trên những sự ám muội ấy không sao bền được. Đã có lần anh nói với bố nên bỏ ra ít tiền để cúng vào các quỹ cứu tế hoặc để giúp đỡ bà con. Nhưng ông Cự Lâm đã không nghe còn gọi Phúc là một thằng ngu. Phúc không thấy hứng thú đi vào con đường giàu sang mà bố muốn hướng anh đi. Anh đã đỗ tú tài, bố muốn cho anh học luật để ra làm quan, anh xin đi học thuốc. Anh tưởng tượng khi làm thầy thuốc rồi, anh sẽ chữa bệnh không lấy tiền. Gia đình bó buộc, anh thường làm những việc trái với ý gia đình. Thấy nhà bo bo ích kỉ, Phúc đi hoạt động xã hội. Anh đã vào làm giáo viên hội Truyền bá quốc ngữ, mặc dầu nhà cấm vì sợ mật thám theo dõi. Đã có những lúc, anh đóng cửa buồng lại, đứng trước gương tập diễn thuyết để sau này ra làm việc xã hội. Sau ngày Cách mạng, gia đình đỡ nghiệt hơn. Anh làm huynh trưởng thiếu nhi khu phố, cho cả con nhà nghèo vào buồng mình. Việc làm này đã xúc phạm đến kỉ cương của nhà anh. Bà giáo dỗi, nhịn ăn để phản đối, và doạ bỏ nhà lên ở với Bao. Anh thường cãi nhau với bà giáo vì bà cứ giữ Lan trong nhà như cây cảnh. Bà giáo quan niệm con gái đi học hư người, chỉ cốt sao lấy được chồng giàu sang là được. Vì thế Lan đã không được đi học. Suýt nữa, nếu anh không làm mạnh, thì Hương cũng phải ở nhà. Anh rất thương mấy đứa em gái, nhất là Lan, nạn nhân của bà giáo. Nhờ có anh nên năm thì mười hoạ Lan mới được ra ngoài. Lan và Hương đều rất quấn anh. Đi phố hoặc đi xem xi-nê, bao giờ ba anh em cũng đi cùng. Bà giáo bắt thế và cái đó đã thành lệ. Vả lại, về điểm này, Phúc không phản đối bà cô…
Phúc chợt hỏi Sinh:
- Bà Ngọ vẫn chưa tản cư ư anh? Bà ấy đẻ đến nơi rồi. Chỗ tôi với anh, tôi nói thực. Tôi muốn giúp anh một số tiền để bà Ngọ tản cư. Có được không anh?
Phúc lay lay mạnh cánh tay trái chắc nịch của Sinh, và lừa lúc Sinh không để ý, anh đút hai tờ giấy năm trăm vào túi áo Sinh. Anh tưởng như Sinh nhận và anh cười hồn nhiên. Sinh nắm chặt tay Phúc, đôi mắt một mí dưới đôi lông mày rậm nhìn Phúc hồi lâu, đôi mắt thẳng thắn và có một vẻ gì buồn buồn. Sinh nói:
- Cảm ơn cậu. Chúng tôi đã lo được cho chị chúng tôi rồi.
Sinh đặt lại món tiền vào lòng bàn tay của Phúc và nói tiếp:
- Cậu cứ để cho như thế thì tiện hơn. Thật tình là chúng tôi rất quý những người tốt như các cậu. Quý ở chỗ các cậu cũng xung phong ở lại để chiến đấu như chúng tôi. Thế là đủ rồi. Chúng tôi không dám phiền cậu hơn nữa. Điều cần nhất là chúng ta cùng sống chết với thủ đô.
Phúc ngây người ra nhìn Sinh, bực mình vì sự từ chối không được lịch sự lắm của anh thợ nghèo túng. Anh tưởng họ sẽ vồ vập lấy anh ngay. Cái khí khái của bà Ngọ lúc nãy, của Sinh lúc này làm cho anh phật ý. Không phải người nghèo nào cũng dễ dàng để cho ta thương hại. Anh chạnh lòng tự ái và giận Sinh chưa thật với mình.
Sinh nói, giọng trầm trầm, gọn ghẽ, nhưng quê mùa:
- Ta đến lớp, anh Phúc nhỉ. Hôm nay đồng chí Quốc Vinh giảng bài cuối cùng về trường kì kháng chiến…
Vừa lúc ấy thì xảy ra vụ lính mũ đỏ vào bắt người ở chợ Đồng Xuân.