Chương 13
Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng
Cửa chính của chợ Đồng Xuân mở toang. Người dân khu phố Đồng Xuân chen chúc nhau vào. Cái ngõ ở phố Hàng Chiếu dẫn vào chợ cũng lúc nhúc những người kéo sang. Phố Hàng Khoai cũng đổ tới. Trừ những người hoang mang đóng cửa ở nhà và anh chị em thanh niên đang gấp rút chuẩn bị phòng thủ, còn khá nhiều bà con chưa kịp tản cư, đều có mặt ở đây. Trong giây phút, họ quên những lo âu, sợ hãi đang đè nặng xuống người họ. Họ tới mừng cuộc đấu tranh thắng lợi của chị em chợ Đồng Xuân. Họ tới để gặp nhau sau một cuộc ném bom kinh khủng không ngờ. Và họ tới cũng để khuây khoả cái nỗi niềm nhớ chợ. Bởi vì đây là trái tim của Hà Nội, là nơi tập trung những hàng tinh xảo của các phố phường, những món ăn vật lạ, những kì hoa dị thảo ở khắp các tỉnh đường ngược cũng như đường xuôi. Trong những ngày áp tết, cái tên Đồng Xuân càng vang động trong lòng mọi người. Đi chơi chợ tết trở nên một sự cần thiết như ăn và mặc. Người ta đi không phải chỉ để sắm sửa những thức ngon lành nhất, để thoả mãn cái đua đòi cầu kì sang đẹp của người thủ đô, mà còn để đón trước, và hưởng sâu cái hương vị của tết nhất đang thấm dần vào cảnh vật, vào người, vào những dãy hàng cam đỏ sáng, những rừng hoa cúc, hoa lan, hoa lay-ơn, hoa hải đường muôn hồng nghìn tía, những cành đào Nhật Tân tươi thắm như còn ở dinh đào, những cây quất của Quảng Bá, Tây Hồ, những chậu cảnh công phu của Nghi Tàm, những hàng su hào, cải bắp, súp-lơ, đua tranh màu sắc với hoa quả. Tất cả hoà hợp trong cái vui rối rít mà vẫn nhịp nhàng của những tranh, những câu đối, những bao hương, bao nến, bao chè, những bánh pháo, những hộp kẹo, hộp mứt, những chậu cá vàng. Tất cả reo lên trong tiếng ồn ào của năm chợ, trong những quần áo đủ màu của hàng trăm hàng nghìn người, từ những tơ len lịch sự của người phụ nữ Hà Nội tô điểm thêm cho hoa tết đến những vải nâu chắc nịch của người nhà quê rụt rè trước những cô hàng kiểu cách lóng lánh hoa tai, phô trương xuyến nhẫn đứng lút sau đống hàng, hoặc khinh khỉnh ngồi xem báo tết. Tất cả như cuốn đi với dòng người trong một không khí vừa tưng bừng, vừa ấm cúng, nhiều màu sắc hơn là ánh sáng, nhiều hương thơm hơn là hơi thở nồng nặc, đông đúc mà vẫn có cái gì trật tự, nhã nhặn và sạch sẽ của thủ đô. Người ta bận rộn, tíu tít, nhưng người ta cũng lâng lâng, phơi phới, mải miết không muốn trở ra, quẩn quanh mãi trên những lối đi chật chội, mỗi lúc một thêm ướt át, cái ướt át đặc biệt của những buổi cuối năm. Thủ đô có những nơi sang trọng như Tràng Tiền, xinh đẹp như Hồ Gươm, nhưng đông vui nhất vẫn là cái chợ ở vào trung tâm của ba mươi sáu phố phường này, mà cái tên đã đi liền với tên Hà Nội, mà người tứ xứ kéo về thủ đô đều phải tới thăm nếu không muốn để cho lòng phải ân hận khi trở ra về. Đối với người Hà Nội, và nhất là đối với những người dân phố ở đây, chợ Đồng Xuân là một điểm tự hào.
Nhưng đã hơn một tuần lễ nay, lại vào đúng tháng áp tết, cái nơi đông vui ấy bỗng trở nên tẻ ngắt, suốt ngày hôm nay nó hiu quạnh như một ngôi chùa. Bây giờ nó ủ rũ sau một cơn tàn phá.
Đèn điện thắp sáng trưng trong buổi chiều tối sớm này. Người ta rầm rập kéo vào. Có người kêu lên một cách vừa vui mừng vừa rùng rợn:
- Không có việc gì cả. Chợ lại họp rồi!
Ba anh em Phúc cũng có mặt trong buổi họp chợ lạ lùng này. Đối với họ, ngày thường chợ chả có gì đáng hấp dẫn cả. Bây giờ nó lại có cái nguy hiểm của một nơi vừa bị bắn phá. Nghe thấy mọi người sang thì họ cũng sang. Chẳng còn ai ngăn cấm họ nữa. Cái gia đình vẫn ràng buộc họ đã tản cư rồi. Phúc nhẹ nhàng, chơi vơi trong một không gian mênh mông mà anh mặc sức đi lại. Khi anh vào đến chợ, nhiều thanh niên vác xẻng cuốc đang đứng ở cổng, reo mừng như khi ta chia vui với một người vừa gặp một điều gì may mắn: “Bây giờ thì Phúc tha hồ nhé”. Anh cùng họ bước vào giữa chợ. Cái ý nghĩ sắp được gặp Oanh, mà không phải bị bó buộc như trước nữa, làm cho anh say sưa, ngây ngất. Lan và Hương thì náo nức muốn được biết mặt cô Nhân. Tên cô ta mới nổi lên trong mấy ngày hôm nay, nhưng còn cô ta thì cũng như trăm nghìn chị em Đồng Xuân lúc nhúc chẳng được Lan và Hương để ý đến bao giờ.
Người vào khá đông, nhưng vẫn lọt thỏm giữa cái chợ rộng thênh thang và lạnh lẽo, chơ chỏng những cái cột sắt của năm gian, những cái khung xiêu vẹo của các gian hàng. Những cái bàn dài chạy dọc theo lòng chợ, phản chiếu mập mờ ánh sáng của những ngọn đèn ngơ ngác. Lạc lõng những xâu dài thịt quay treo san sát trên những bàn xi măng nhẵn bóng; những đống su hào, cải bắp, cà chua, những sọt trứng, măng khô, trầu, vỏ… Xào xạc như sợ hãi, tiếng gà, tiếng vịt nổi lên từ trong những lồng ngoài góc chợ. Một cái gì hiu quạnh, xác xơ trùm lên các hàng hóa còn để lại. Không có màu sắc, chợ giống như một cái nhà kho vô vị. Tiêu điều hơn nữa, là khắp nơi trong chợ, bụi cát bám đầy. Trên các bàn, trên các lối, gạch vụn, vôi vữa, lổn nhốn như ở một nơi đang xây dựng. Mươi quả moóc-chi-ê của Pháp bắn vào chợ đã làm lũng hai vòm giữa. Trần bên trong long lở. Trong không khí nặng nề của một buổi chiều mà lòng mọi người đều rối mù, bỗng nổi lên một hồi kẻng buồn buồn của cụ từ bên đền bà Chúa chợ. Người ta tập trung dưới các vòm chính. Có đến hàng trăm người, phần lớn là phụ nữ. Rải rác có những tốp thanh niên, tự vệ. Sù sụ trong một chiếc áo bông the, cụ Vĩnh Phát, bán hàng chiếu ở phố Mới, một người thích nói chữ, thích làm thơ đang nói với một số bà con xúm quanh cụ:
- Sao các vị lại hỏi tôi thế? Đàn bà trẻ con tản cư, chứ mình cũng theo họ thì hỏng cả. Nó bắn phá mặc nó. Trong một đời người dễ mà đã có những ngày như thế này. Nhà tôi mấy đời ở cái đất Hà Nội từ khi chợ Đồng Xuân chỉ lơ thơ có mấy cái cầu lá. Sống nhiều nhục nhiều các vị ạ. Cứ cái tên phố Mới chúng tôi cũng đủ nhục rồi. Ta làm gì có phố Mới. Phố Mới là thằng Giăng Đuy-puy nó đặt khi nó đổ bộ lên, ở cái chỗ Ô Quan Chưởng, rồi nó lập phố lập phường. Nhục mà có được nói ra như bây giờ đâu. Cho nên thấy anh em đục nhà để đánh Tây là tôi mừng lắm. Các chị ở đây bãi thị tôi lại càng mừng. Chi có một đêm họ bảo nhau mà hôm nay không một người nào bán rau, bán thịt cho thằng Pháp, tôi cho thế là thần tình. Cụ Hồ là chí thánh mới bảo được dân như vậy. Tôi đã sai thằng nhỏ pha mấy ấm chè sen đem sang đây mừng các chị. Giỏi, giỏi lắm. Hồi còn cái thằng Việc-gi-ti làm đốc lí, chị em Đồng Xuân dám kéo đến sở đốc lí biểu tình đòi giảm thuế chợ, đòi đổi thằng Tây gác cổng Ti-bua. Thằng Việc-gi-ti nó phun vòi rồng vào các bà ướt tuột luột mà vẫn cứ đứng trơ trơ không chịu về. Cũng như hôm nay các bà kéo vào thành đây thôi. Con cháu bà Trưng bà Triệu có khác chứ. Nó không thả mà được à?
Cụ vuốt râu ngâm một câu thơ:
- Chẳng những trai hay gái cũng tài!
Một chị khăn nhung đen, mặc hàng bom-bay màu hạt cau, ngoài khoác một cái áo bông cộc, đứng ở trên một cái bàn, vẻ quan trọng của một người đương cuộc, nói giọng đanh đanh, xoe xoé như đang cãi nhau với khách hàng:
- Nó không trả cũng không được với mình kia mà. Bãi thị cho nó một buổi là nó nháo lên rồi kia mà. Cái giống thực dân không ăn một ngày là tiu nghỉu như chó cụp đuôi ngay ạ. Xà lách, cà chua, cà rốt, thịt lợn, thịt gà, là ở mình cả, mình không bán cho nó thì nó lấy đâu ra mà ăn, lại không cào bụng ra mà chết à. Ta không cần đánh chúng nó bằng súng đạn. Không cần đào hầm đào hố gì cả. Ta chỉ cần đánh nó bằng rau thôi. Ngần ấy thằng chết giẫm một ngày không có rau thì chỉ giỏ rãi ra chứ đánh chác gì. Cứ để cho chúng tôi bãi thị vài hôm là nó chết hết. Chúng nó hèn, chúng nó báo thù, chúng nó định phá chợ. Nhưng chúng nó dọa được ai. Bắn cứ bắn. Bãi thị cứ bãi thị. Chúng tôi không bán được rau cũng vẫn vui lòng. Nó các vàng chị em chúng tôi cũng không thèm đem ra cho nó. Dân ta không có rau không chết. Thằng Pháp không có rau thì thằng Pháp chết.
Cụ Vĩnh Phát cười ha hả:
- Được lắm! Đánh bằng mọi thứ thì chúng nó chóng hàng.
Một bà đứng ngay dưới chân chị kia ngoái cổ lên, bĩu môi:
- Mình thì hứa với nhau như đinh đóng cột như thế. Nhưng lại có đứa lén lút đem rau, đem lợn vào bán cho nó kia kìa.
Chị khăn nhung đen chồm lên, hai bàn tay tát đen đét vào nhau:
- Tôi mà bắt được thì tôi xé xác những đứa mất dạy ấy. Lúc này mà còn mở miệng me-xừ, bà đầm. Chúng nó làm mất giá trị cái chợ Đồng Xuân này. Hồi nào còn chẳng sợ nữa là bây giờ. Thật đấy. Một con mẹ mua cá không trả tiền. Tôi theo lên tận nhà tôi chửi. Tôi chửi bà đầm a-sơ-tê không của moa. Bà đầm măng-giê , me-xừ măng-giê, tí nhau măng-giê, bà đầm phe-mò, me-xừ phe-mò, tí nhau phe-mò, phe-mò tú…
Cả chợ cười ầm lên.
- Nó có dám nói gì không?
- Nói thì còn chết với tôi. Thế mà có đứa bây giờ còn me-xừ, bà đầm, có tức không chứ.
Cụ Vĩnh Phát nói:
- Cái thằng Tây nó ngu, nó giãy chết rồi, mà bà con vẫn cứ có người dại. Còn thế nào mới là ngu nữa. Nó làm ra cái vụ Yên Ninh thì lộ quá người ta biết người ta đề phòng. Nó bắn vào chợ Đồng Xuân thì chợ Đồng Xuân không đổ. Thế là ta biết cái đạn nó kém. Nó bắt người, mình làm ầm thì lại phải thả ra. Còn thế nào mới là yếu nữa. Khu ta hôm nay thế mà cứng. Tôi mừng lắm. Năm cái lời thề độc lập, ta không cần làm tất cả, ta chỉ làm lấy một là không tiếp tế cho giặc là cũng đủ chơi với nó rồi. Chị em Đồng Xuân giỏi. Thảo nào mà có cả nhà báo tới phỏng vấn chị em.
Lan không dám xen vào đám đông, theo cái nếp dạy dỗ của bà cô từ bé. Chị lánh hết mọi người đang xô đẩy nhau trong cái lối đi giữa các hàng bỏ trống. Tay chị nắm chặt lấy tay Hương. Hương nghển cổ nhìn lên cái bàn, mắt hau háu, hỏi Lan:
- Cô Nhân đấy, phải không chị?
Lan khẽ nói :
- Không biết.
- Không phải đâu.
Một người đàn ông cao lớn vừa tới đấy, trả lời thay cho Lan, và cười hì hì. Anh ta mặc một bộ dạ tím, cổ áo nhồi một phu-la, người trạc ngót ba mươi, nước da đen, mặt rỗ hoa, mắt đeo kính cận thị. Lan nhận ra ông Sĩ, y tá trên khu. Sĩ cười hồn nhiên, cái miệng rộng há ra:
- Vui chứ, chị Lan?
Nghe một người đàn ông gọi tên mình giữa đám đông, Lan ngượng và đỏ mặt, chỉ sợ mọi người quay lại nhìn mình. Nhưng người y tá vô ý vô tứ, lại vỗ khẽ một cái vào vai Lan mà nói:
- Cố lên. Chị em người ta hăng như thế. Mình cũng phải quyên thuốc cho nhiều vào. Có phải không nào? Hừ cái ngành của ta chưa được chú ý. Chưa ai nhận ra rằng thuốc cũng là vấn đề chính trị. Nhưng mình không làm thì cũng không ai làm đâu.
Lan cúi đầu xuống vai Hương để giấu mặt. Hương rũ ra cười. Lan cau trán, giục Hương:
- Đi đi, Hương. Sao có người sỗ sàng thế!
Lan muốn trở ra vì chị xấu hổ quá. Chị cũng không chịu được đám đông chen chúc.
Nhưng Sĩ lại nói bô bô:
- Họ về rồi kia kìa.
Bên ngoài có những tiếng reo hò. Người ngoài cổng dẹp cả ra hai bên để nhường lối cho một đoàn phụ nữ lẹp kẹp guốc và dép lộn xộn tiến vào trong chợ. Hương bỗng rú lên:
- Chị Oanh, anh Phúc ơi!
Lan bấm nhẹ vào cánh tay em một cái kín đáo để bảo em đừng nói. Phúc khẽ gật đầu. Anh muốn làm ra vẻ đứng đắn trước mặt hai em. Nhưng trống ngực anh đập mạnh. Anh không bỏ sót một cử chì nào của Oanh. Một anh xe chìa tay ra không phải để xin tiền Oanh mà để trả lại tiền.
- Không, cô giữ lấy. Cháu ủng hộ các cô.
Anh ta lẽo đẽo theo sau Oanh nằn nì, và nói váng lên:
- Các cô không thiếu gì tiền. Nhưng việc ủng hộ thì chúng cháu cứ ủng hộ. Cháu nhận thì cháu không phải là cháu nữa.
Giữa lúc ấy thì tiếng hoan hô nổi lên làm cho cái chợ ồn ào hơn cả mọi ngày thường. Người ta chỉ chỉ trỏ trỏ một thiếu nữ. Người ta kháo nhau: “Cô Nhân! Cô Nhân!”. Lan đăm đăm nhìn người thiếu nữ, mang máng như đã gặp ở đâu. Chị thủ thỉ bên tai Hương:
- Trông xinh quá, như Liên ngồi hái cúc.
Vừa nhìn Nhân, Lan vừa nhớ lại một bức tranh hồi xưa đã phải xem vụng vì bà giáo cấm. Chị khăn nhung đã nhảy tới dắt Nhân lại gần cái bàn chị ta đứng lúc nãy. Người ta xúm xít hỏi mấy chị bị bắt sáng ngày và cũng vừa mới vào cùng với Nhân. Cụ Vĩnh Phát và nhiều bà con trong phố đi tới từng người mời uống nước chè và ăn bánh ngọt. Một bà chủ hiệu bánh ngọt ở Hàng Đường nói:
- Chúng tôi xin ủng hộ các chị một hòm bích quy!
Sĩ hoa chân múa tay, hô át cả tiếng mọi người:
- Hoan hô tinh thần của chị em chợ Đồng Xuân!
Chị khăn nhung đen đã đẩy được Nhân đứng lên bàn. Mọi tiếng động đều im bặt. Người ta chăm chú đợi người thiếu nữ nói chuyện. Nhân có vẻ mệt mỏi. Cảm động vì sự đón tiếp niềm nở của nhân dân, Nhân ứa nước mắt. Đôi mắt Nhân đen nhánh và mơ màng. Nhân ấp úng mấy câu:
- Chúng em chẳng biết nói gì, chỉ xin có lời cảm ơn các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị…
Nhân ngẩn người, nhìn chị khăn nhung đen, lườm một cách tinh nghịch và nũng nịu, nhoẻn một nụ cười trên cái miệng xinh tươi, để lộ hàm răng đen rưng rức. Chị đưa bàn tay lên che cái mặt đỏ hồng, thẹn thò nhảy xuống đất, chúi đầu vào đám chị em và chạy. Người ta đẩy Nhân lại. Nhân đã len tới gần Lan, nói một mình: “Ngượng quá, chả biết nói thế nào”. Lan thấy cô ta thật dễ yêu, và lấy làm lạ sao cô ta dút dát như thế mà dám cả gan vào tận trong thành. Oanh cũng vừa bước tới. Chị trông thấy Phúc và Lan, Hương, nhưng chỉ mỉm cười. Chị khẽ bảo Nhân:
- Thôi Nhân mệt, về nghỉ nhé. Việc gì mà sợ.
Tay Oanh hất cái búi tóc đang mắc vào trong cái cổ áo măng-tô tím, và nắn lại cho nó gọn ghẽ. Oanh thuộc về loại phụ nữ có cái thân hình cân đối đền bù cho một vẻ mặt bình thường. Oanh không đứng lên bàn, nhưng tiếng nói của chị gãy gọn mọi người đều nghe rõ;
- Chúng tôi xin báo cáo với các cụ, các ông, các bà rằng cuộc bãi thị thế là có kết quả. Không phải chỉ chợ Đồng Xuân mà tất cả các chợ Hà Nội đều bãi thị. Bọn Pháp nó rất sợ. Nó bắt người để nó phá. Nó bắn vào chợ cũng là để phá. Nhưng nó không phá nổi. Vì chúng ta đã quyết tâm. Chị Nhân đã làm thế nào? Chị đã xung phong vào trong trại giặc, đòi gặp thằng chỉ huy, đòi nó phải thả mấy chị em của chúng ta ra. Nó đuổi chị ra, chị cứ đứng lại. Nó bắt chị đem giam cùng với mấy chị em kia. Đến trưa nó cho ăn để lấy lòng, nhưng Nhân đã nhịn đói để phản đối chúng. Nhiều anh chị em bị bắt cũng nhịn đói để hưởng ứng cuộc đấu tranh của chúng ta. Nhờ cái tinh thần ấy, nhờ có các bà, các chị trong chợ và trong phố tập trung ở ngoài cổng thành, cương quyết không chịu về, nên cuối cùng chúng ta đòi được người của chúng ta về.
Chị chập hai bàn tay lại, đưa lên sát cằm, với một điệu riêng dung dị như một phụ nữ phương tây, nhìn mọi người đang lắng tai nghe, và nói tiếp, giọng đã pha cái cách phân tích, kết luận, động, viên của cán bộ:
- Chúng nó đã phải thả người của chúng ta ra. Đó là một thắng lợi to. Cái đó chứng tỏ rằng chúng ta đoàn kết thì việc gì cũng làm được. Nó cũng chứng tỏ rằng cái truyền thống đấu tranh của chị em chợ Đồng Xuân từ trước đến nay rất là đáng quý . Hiện nay quân Pháp vẫn tiếp tục đi khiêu khích và khủng bố. Chợ của chúng ta đã bị chúng bắn phá rồi. Nhiều anh chị em chúng bắt vào thành vẫn còn bị giam giữ đánh đập. Chúng ta sẽ tiếp tục bãi thị, bao giờ chúng nó chấm dút những hành động kia thì chúng ta mới thôi.
Nhân như nhớ ra một điều gì, chạy đến rỉ tai Oanh. Người nữ cán bộ gật đầu, đẩy Nhân lên trước mặt mình và nói:
- Chị Nhân xin nói thêm.
Mặc dầu người ta ầm ầm giục Nhân đứng lên bàn, nhất là đám thanh niên đang còn muốn ngắm cái vẻ đẹp ngây thơ của cô thiếu nữ Ngọc Hà, Nhân vẫn đứng dưới đất. Nhân nói:
- Chúng em bãi thị với giặc, chứ không bãi thị với nhân dân. Chúng em xin hứa là tiếp tế chu tất.
- Nếu tác chiến thì có tiếp tế hoa không?
Một thanh niên hỏi nửa đùa nửa thực.
- Nếu các anh cần thì khó khăn đến mấy chúng em cũng xin đem hoa vào. Về phía các anh thì chúng em mong sẽ giết cho được nhiều giặc.
Những tiếng vỗ tay hoan nghênh người thiếu nữ nổi lên mạnh mẽ hơn cả lúc các chị mới vào. Lan và Hương mắt không rời Nhân. Lan nói khẽ với Hương:
- Nếu cô ấy mặc tân thời thì đẹp lắm, Hương nhỉ.
Hương nói:
- Em thấy ai cũng yêu cô ta, vui chị nhỉ.
Cuộc họp giải tán. Người ta nhường cho chị em đi trước. Khi Phúc ra khỏi chợ, thì Oanh đã ở đầu phố Hàng Đường và sắp lên xe đạp. Sĩ dắt xe đạp đứng bên Oanh. Phúc không tiện gọi, cắm đầu chạy tới. Trong cái say sưa của một người mới bước vào công tác trong phố, Phúc vui sướng thấy người vợ chưa cưới của mình hoạt bát, lanh lợi.
Oanh dừng xe lại đợi Phúc, và hỏi:
- Lúc nãy nó bắn vào chợ, Lan và Hương có sợ không anh?
Phúc chưa kịp trả lời, thì Sĩ đã giục Oanh:
- Chị phải giúp ngay cho. Thuốc men chưa đâu vào đâu cả. Các bác sĩ thì lừng khừng, chẳng biết làm thế nào cả. Tụi bào chế chẳng bỏ ra một tí gì. Họ khinh khỉnh, coi mình như thằng ăn xin, khổ lắm. Nếu không phải là vấn đề chính trị thì đánh nhau rồi. Anh Quốc Vinh thì chưa muốn đặt vấn đề trưng dụng. Đi, chị nhỉ. Tôi rất lo. Lo về chính trị chứ không phải về chuyên môn thôi đâu.
Sĩ quay hỏi Phúc:
- Xin lỗi ông. Khi khác có được không ạ? Ông có việc gì gấp hỏi đồng chí Oanh không? Thuốc men là việc lớn nhất bây giờ đấy.
Oanh cười suýt đánh đổ cái xe đạp giữ trong tay. Chị nói với Phúc:
- Em đi nhé. Rồi em lại sau.
Oanh lên xe, phóng nhanh về phía Hàng Đào, cái khăn quàng cổ màu xanh nhạt bay phấp phới hai bên vai. Sương mù làm mờ mờ con đường vắng, để nổi lên những cái vành chụp đèn treo như bát úp, trắng như sữa đặc bên trong. Phúc đứng nhìn theo hai cái xe sóng nhau đi. Anh thấy áy náy không yên. Oanh có nhiều bạn trai và lúc nào cũng bận rộn họp hành…