watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồn Ma Trong Biển Máu-Chương 2 - tác giả Nguyễn Lê Quan Nguyễn Lê Quan

Nguyễn Lê Quan

Chương 2

Tác giả: Nguyễn Lê Quan

Nhóm sáu người đi tìm kho báu của Ngọc Duy đã đến chợ Tùng Nghĩa theo đúng như lời thư bà Mã Yến viết. Đây là khu chợ nhỏ nằm bên đường, là nơi giao lưu buôn bán giữa người Kinh vàThượng.


Theo lời pháp sư Năm Kiểng, người Việt tuy sống ở đây rất đông nhưng lại sợ người Thượng, họ cho rằng những người đóng khố mặc váy thổ cẩm kia có nhiều thứ bùa ngải từ thầy mo trong bản sóc cho trước khi xuống núi để buôn bán.

Loại bùa đáng sợ nhất là kêu ma lai đi rút ruột người, cho nên mỗi khi đi tiêu tiện phải gói gọn trong tấm lá hay bịch giấy rồi chôn sâu xuống đất.

Có một loại thuốc thư cũng do thầy mo cho, tuy không ác như thứ bùa chú kêu ma lai đến rút ruột nhưng kinh hoàng cũng không kém, khi đó bộ phận tiểu tiện sẽ sưng vù và nếu không kịp đến tạ tội với người dùng thuốc thư đó, căn bệnh trở thành mãn tính hết thuốc chữa.

Sau khi nghe kể mấy chuyện về bùa ngải của dân tộc Thượng, bấy giờ Ngọc Duy mới nói:

– Đường đi đến bản Ma Nôi ở đâu chúng ta không biết được, lại thêm thứ ma lai và thuốc thư của bọn Thượng dùng bảo vệ buôn sóc, có lẽ chúng ta phải tìm người dẫn đường để đi đến đó.

Thầy Năm Kiểng lên tiếng:

– Chú Duy nói đúng đó, mặc dù tôi hành nghề thầy pháp nhưng không phải thứ gì cũng biết hết.

May mắn cho nhóm người đi tìm kho báu của Ngọc Duy, nhưng hắn không nói thẳng với bọn họ về chuyện có kho cổ vật mà bọn Nhật cất giấu, mà chỉ nói trong rừng Quảng Sơn gần buôn sóc Ma Nôi có rất nhiều trầm hương quý hiếm, đến đây đào lên rồi sẽ giàu to.

Nên khi cả nhóm đồng tình tìm người dẫn đường. Cẩm Nhung chợt nhìn thấy một thanh niên Thượng đang đứng bán một con thú vừa săn được, nàng đi đến và lên tiếng hỏi:

– Mày có biết đường đi đến bản Ma Nôi bên kia sông không? Bọn tao cần người dẫn đường đây!

Gã thanh niên Thượng liền đáp:

– Thằng S'tiêng tuy không ở bản Ma Nôi nhưng con mắt thằng S'tiêng biết nó ở đâu rồi.

– Vậy mày đi cùng bọn tao, tao sẽ trả cho nhiều tờ tiền mới mà đem mua gạo, mua muối về nuôi vợ nuôi con. Chịu không?

Cẩm Nhung tuy làm vũ nữ nhưng nàng được những ông khách sộp đưa đi chơi nhiều nơi, nên hiểu cá tính và một số tập quán của người Thượng, là họ rất thích xài những tờ tiền mới, còn những tờ tiền cũ thường không làm họ động lòng ham muốn mà bán rẻ rúng hàng hóa tại chợ.

Gã S'tiêng, một tay cầm nỏ còn một tay vịn vào con mễnh bị tên ghim đang giẫy giụa yếu ớt, có lẽ mới vừa săn được. Nghe Cẩm Nhung hỏi gã liền lắc đầu trả lời:

– Ông lớn bà lớn đổi con thú này đi, nó còn sống đó, nướng ngon cả bụng lắm, thang S'tiêng còn lo bán nó nên cái chân không đi được.

Cả sáu người trong nhóm Ngọc Duy bèn cười với giọng nói ngây ngô của gã thanh niên Thượng. Tuy vậy Cẩm Nhung đã nháy mắt cho biết nàng để Ngọc Duy trực tiếp nói chuyện:

– Này S'tiêng, tao sẽ cho mày hai gùi gạo, một gùi muối cùng nhiều tờ tiền mới nữa, nếu mày chỉ đường cho bọn tao đến bản Ma Nôi. Như bọn tao đã mua con thú của mày rồi.

Nói xong Ngọc Duy lấy từ trong túi áo ra hơn chục tờ tiền mới đưa cho gã S'tiêng. Còn gã thanh niên Thượng trong bụng đã thấy vui vì được bọn người Kinh hứa trả công cho nhiều gạo muối và tiền mới, đã vui mừng mà gật đầu nói:

– Thằng S'tiêng cám ơn các ông các bà, có tiền mới nhà thằng S'tiên mua được nhiều gùi gạo nhiều gùi muối rồi. Thằng S'tiêng chịu đưa cái chân dẫn các ông các bà đến bản Ma Nôi thôi.

Trong lúc này Cẩm Nhung đang đi cùng Vân Hùng, Thạch Xiêng và Kông Sang ba tên giang hồ cùng nhóm đi rảo quanh chợ để tham quan, chợt nàng thấy trong quán nước có một nhóm người đang ăn uống, qua ngôn từ trò chuyện, nàng biết đây là những người Nhật, và bọn người này đang theo dõi nhóm Ngọc Duy không chớp mắt.

Cẩm Nhung chỉ mở miệng cười thầm, không phải do nàng khinh mạn bọn Nhật, mà nụ cười của nàng đang bao hàm thứ ý nghĩ tự mãn.

Cẩm Nhung chỉ nói cho tên Vân Hùng biết, anh ta vội tách nhóm đi đến chỗ Ngọc Duy và thầy Năm Kiểng đang đứng với gã S'tiêng, rồi nói nhỏ vào bên tai hắn:

– Hình như có bọn Nhật theo dõi chúng ta.

Ngọc Duy vội liếc nhanh về phía quán nước, hắn nhận ra lời cảnh báo của tên Vân Hùng là đúng. Bọn người Nhật đang đưa mắt nhìn hắn chằm chằm, nên hắn lại nói thầm với mọi người:

– Có phải bọn Nhật đang theo dõi bọn mình không, hay chỉ nghỉ chân để đến Đà Lạt nghỉ mát. Mà chúng cần gì đi tìm trầm hương như bọn mình?!

Nghe Ngọc Duy nói xong làm tên Vân Hùng không suy nghĩ thêm nữa.

Nhưng với Ngọc Duy tuy vừa nói trấn an mọi người, nhưng hắn đang liên tưởng đến kho báu trước đây được bọn lính Nhật cất giấu trong rừng. Phảí chăng bọn Nhật cũng đang đi tìm như nhóm người của hắn?

Và Ngọc Duy cũng đâu biết được, cô nhân tình CẩmNhung đangđi theo hắn chỉ có cái xác, còn phần hồn do hồn ma Trâm Anh đã cưỡng chế.

Trong ba mạng người bị Ngọc Duy giết chết oan ức, linh hồn họ không thể siêu thoát nên luôn theo đuổi Ngọc Duy chờ ngày đòi nợ, máu phải trả bằng máu mới cân xứng công bằng. Ác lai phải gặp ác báo, phải gặp quả báo nhãn tiền.

Biết kho tàng trong rừng Quảng Sơn là của bọn Nhật và của cả chị em bà Mã Yến, Mã Thành. Ba âm hồn ma quái đã bàn bạc phân công nhau, hồn ma Trâm Anh đi theo nhóm người của Ngọc Duy, còn hồn ma lão Triệu và lão Trương Dìn, mỗi người đến dẫn dụ bọn Nhật và chị em bà Mã Yến cùng về đây tranh chấp kho báu.

Nụ cười thầm của Cẩm Nhung khi thấy bọn Nhật xuất hiện nơi chợ Tùng Nghĩa, là nụ cười của hồn ma Trâm Anh, nàng thỏa mãn vì biết lão Triệu đã tìm ra bọn người Nhật năm xưa từng đến khu rừng Quảng Sơn cất giấu của cải cướp bóc được.

Còn hồn ma lão Trương Dìn có tìm được chị em bà Mã Yến hay không? Đến giờ Trâm Anh cũng chưa thấy tin tức, nhưng nàng biết cả hai người này hãy còn sống. Mà những hồn ma bóng quế như nàng, việc đi lại và thu thập tin tức không phải là điều khó. Có lẽ hồn ma lão Trương Dìn cũng như lão Triệu, sẽ đưa chị em bà Mã Yến đến đây không sớm thì muộn.

Sau khi cả nhóm đông đủ đứng bên đường cùng ba lô, túi xách lỉnh kỉnh.

Ngọc Duy liền phát hiệu cho nhóm người bắt đầu cuộc hành trình đi về khu rừng Quảng Sơn.

Gã S'tiêng dẫn đường, chàng thanh niên người Thượng đưa cả nhóm đi vào một khu rừng thông, và chỉ chừng mười lăm phút sau đã phải vượt một con suối lớn đang đổ dốc về hạ lưu.

Tuy qua con suối có nguy hiểm nhưng mọi người đều cảm thấy thích thú với việc vui đùa cùng thiên nhiên. Đến bên kia bờ, Ngọc Duy lên tiếng:

– Trưa rồi, chúng ta nghỉ chân để ăn trưa.

Rồi Ngọc Duy nói với gã S'tiêng làm thịt ngay con mễnh, bởi hắn thấy gã ta đang mệt nhọc khi phải mang vác một con thú nặng nề trên vai. Gã S'tiêng nghe theo lời hắn, vì gã rất thật thà và chịu nghe lời mọi người trong nhóm.

Là thợ săn nên gã S'tiêng cũng rành việc nướng con thú, lấy dao ra làm thịt và lấy cây làm thành máng để nướng. Vừa nướng gã vừa chỉ vào con thú đang chảy mỡ xuống ngọn lửa làm văng từng tia lửa nhỏ, gã thanh niên Thượng nói:

– Cái con này sống được mười cái trăng của Giàng rồi, cái con này làm cái răng cái lưỡi các ông các bà thích lắm đó.

Đúng như gã S'tiêng khoe, mùi mỡ mùi thịt nướng làm dậy lên một mùi thơm khó diễn tả. Khi đó Ngọc Duy chỉ vào tấm bản đồ.

Chúng ta đi về hướng Đông sẽ đến khu rừng Quảng Sơn, từ đấy đi tìm một cây sồi cổ thụ, là nơi có nhiều trầm hương lẫn kỳ nam.

Nói xong Ngọc Duy lên tiếng hỏi lại gã S'tiêng:

– Này S'tiêng, mày có biết khu rừng Quảng Sơn ở đâu không?

Gã S'tiêng đang nướng con mễnh, gã suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời:

– Cái chân thằng S'tiêng dẫn các ông các bà đến bản Ma Nôi phải đi qua rừng Hòn Dồ thôi, ở đấy có con sông to phải đi bằng cái cây to mới qua được các ông các bà ơi!

– Chớ không có khu rừng tên Quảng Sơn sao?

S'tiêng lại lắc đầu quầy quậy, gã ta lại đáp:

– Ở đây đâu cũng có nhiều cái cây đụng đến Giàng, nhiều người gọi nó bằng nhiều tên lắm các ông các bà ơi, còn cái buôn làng của thằng S'tiêng ở bên bản Chơ-ro, chỉ kêu bằng Hòn Dồ thôi.

Lúc này thầy Năm Kiểng tỏ ra hiểu biết, chỉ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói cho mọi người biết:

– Có thể như thằng S'tiêng nói, mọi người gọi khu rừng bằng một cái tên riêng, vì nhà nước Pháp chưa quản ý đến nên chưa có cái tên gọi nào là chính thức. Chú Duy gọi tên là rừng Quảng Sơn có lẽ có một sơn thôn, còn người Thượng gọi bằng tên Hòn Dồ khi nhìn thấy hình dáng của khu rừng cũng nên.

Nghe lời giải thích của thầy Năm Kiểng, làm Ngọc Duy mới thấy yên tâm.

Sau buổi cơm dã chiến ngoài trời cùng không khí mát mẻ, làm mọi người đã thấy sảng khoái nên cả nhóm tiếp tục cất bước theo chân gã S'tiêng.

Anh chàng người Chơ-ro cho biết, nếu muốn đến tận bản Ma Nôi nhóm người còn phải đi rất xa, đi không ngủ cho đến lúc mặt trời bắt đầu ló mặt trên núi thì sẽ đến.

Cẩm Nhung vừa đi vừa hỏi chuyện gã S'tiêng:

– Thằng S'tiêng cũng ở bản làng Ma Nôi chứ?

Gã thanh niên Thượng lạ lắc đầu đáp:

– Bản làng của thằng S'tiêng ở bên này con sông, còn bản làng Ma Nôi ở bên kia sông, nghe nói ở đó có nhiều con ma con quỷ hiện hình lắm. Nhiều người không biết đã phải đi theo Giàng rồi.

– Tại sao biết với không biết?

– Người khác bản Ma Nôi làm sao biết có cái con ma con quỷ ở đây. Chúng là bọn ma sói, ma trành đôi khi còn là lũ rắn độc nữa.

– Vậy thằng S'tiêng có sợ gặp con ma con quỷ đó không?

Mặt gã S'tiêng ra dáng kinh hãi, gã đáp:

– Sợ chứ, cả bọn thú có nanh lắm, nó vồ là về với Giàng ngay, nhưng thằng S'tiêng có bạn săn ở bản Ma Nôi rồi, nên mới dám đưa cái chân của các ông các bà đến đó!

Nhóm người của Ngọc Duy cứ tiếp bước theo sự dẫn đường của gã S'tiêng, vừa đi vừa phát quang cây cối cho người theo bước được dễ dàng, hơn nữa để tránh những con vật rừng thường ẩn mình trong những bụi rậm sẵn sàng đeo bám vào thân thể mọi người để hút máu.

Khi bóng tối sắp tràn về, Ngọc Duy mới ra dấu cho mọi người dừng chân nghỉ qua đêm, bên một con suối nhỏ.

Gã S'tiêng nhìn mọi người, đoạn gã nói:

– Các ông các bà phải đốt lửa to, phải cho con có nanh chạy xa đám lửa. Tối rồi con có nanh hay ra tìm con nai con mễnh lắm ...

Như lời gã S'tiêng, rừng già về đêm khiến mọi ngườì nghe những tiếng động lạ thường làm cho kinh hoàng, tiếng chạy rầm rập của các thú rừng như đang đuổi bắt nhau, rồi những tiếng kêu thảm thiết của những con vật đang làm mồi cho thú dữ, đến những tiếng gầm rú của loài cọp beo hay lũ voi rừng.

Gã S'tiêng lại lên tiếng nói:

– Khi Giàng thức, thằng S'tiêng dẫn các ông các bà đến con sông qua rừng Hòn Dồ, thằng S'tiêng mới đưa cái chân các ông các bà đến bản Ma Nôi được.

Tên Thạch Xiêng một tay anh chị người Miên rất ít nói, nhưng lâu lâu lại phát biểu làm mọi người chợt suy nghĩ ra nhiều thứ:

– Không biết đêm nay bọn mình có ngủ được yên không, nghe thằng S'tiêng nói ở rừng không những chỉ có thú dữ mà còn có lũ ma xó ma trành lẫn khuất thường hiện ra trêu ghẹo mọi người!

Ngọc Duy cũng đâm suy tư rồi hắn hình dung đến hai bức tranh khảm xà cừ mang hai quẻ Lôi Địa Dự và Địa Sơn Khiêm. Nhưng lời lão Trương Dìn khi còn sống đã diễn nghĩa, quẻ đầu có lời tượng cho hay, sấm sẽ nổ đất sẽ vang rền bởi hai chữ Lôi Địa được hòa vui ở chữ Dự. Là một quẻ trung bình có hung có kiết.

Còn quẻ Khiêm ám chỉ hãy nên nhũn nhặn, ý nói nên nhường nhịn nếu không sẽ nhận hậu quả khôn lường.

Hồi sáng Ngọc Duy có linh tính như báo cho hắn biết sẽ gặp chuyện dữ khi giáp mặt với số người Nhật, rồi những gì thằng S'tiêng nói ra, hắn thấy chuyến đi tìm kho báu này đang thật sự nguy hiểm.

Nhưng qua một đêm không xảy ra chuyện gì như câu nói cảnh báo của tên Thạch Xiêng, nên khi ánh mặt trời vừa chiếu qua những khe lá rừng, mọi người đã tỉnh giấc. Ngọc Duy mới cất khẩu súng vào người, và sau buổi điểm tâm, mọi người lại tiếp tục cất bước.

Đến trưa cả nhóm nghe được tiếng nước chảy và những ngọn gió từ sông ập vào người đã thấy mát lạnh. Gã S'tiêng liền đưa tay ra chỉ về phía trước:

– Sông lớn kia rồi các ông các bà ơi.

Đúng như lời của gã S'tiêng, mọi người chỉ đi hơn vài mươi bước nữa đã thấy một con sông hiện ra trước mắt. Con sông có dòng nước chảy xiết, vì nước từ những con suối trên cao đang đổ xuống hòa chung với nó chảy vào nguồn.

Nhìn con sông chỉ rộng hơn một trăm thước ngang nhưng gã S'tiêng nói nó rất sâu, không thể bơi qua dễ dàng. Gã nói:

– Người Chơ-ro, người Ba-na đi qua bằng thân cây to, thằng S'tiêng ngồi lên đó rồi lấy cây nhỏ mà gạt nước đi qua bờ bên kia.

Ngọc Duy hỏi:

– Bộ trong buôn sóc không có xuồng ghe à?

Gã S'tiêng lắc đầu đáp:

– Các buôn sóc ít đi lại nên không làm cái ghe cái xuồng, chỉ có người Kinh đi buôn bán với các buôn làng mới làm cái ghe cái xuồng để đi thôi.

Ra đến bờ sông nhìn thấy dòng nước đang cuồn cuộn chảy, thầy Năm Kiểng liền chép miệng than:

– Chà ơi! Khó có thể qua được, con sông nước chảy siết quá, biết bơi cũng không xong!

Ba tên giang hồ Vân Hùng, Thạch Xiêng và Kông Sang có lẽ biết bơi, nên bọn chúng nói:

– Chúng ta bơi qua vậy.

Gã S'tiêng nghe xong liền khoát tay nói:

– Không được các ông các bà ơi, ở đây có ông vua nước dữ lắm, hay kéo cái chân cái tay lắm. Không qua bằng cái chân bằng cái tay được đâu. Chỉ có thằng như thằng S'tiêng mới dùng cái chân cái tay qua được thôi.

Ngọc Duy nhìn vào con sông, hăn lên tiếng:

– Chúng ta phải kết bè thôi, đến bảy người qua sông phải làm một cái bè thật lớn mới đủ sức.

Mọi người đồng ý với hắn, là kết một cái bè lớn để qua sông, Sáu người đàn ông cùng nhau vào rừng tìm những thân cây có đường kính trên dưới một tấc hạ xuống, lấy mây leo trong rừng được gọi bằng cây sót chặt và đưa đi ngâm nước cho dẻo làm đây buột thân bè cho chắc chắn. Chỉ trừ Cẩm Nhung lo việc cơm nước cho mọi người.

Việc kết bè phải mất hơn hai ngày mới hoàn thành, từng thân cây được kết lại bằng những sợi cây sót. Chiếc bè được kết khá lớn có cả tay lái dùng để rẽ nước. Nhưng còn thiếu mấy cây chèo nên thầy Năm Kiểng nói:

– Mấy chú thanh niên đi tìm cây làm chèo, còn dùng để đẩy bè sang ngang qua con nước mới được, nếu không bè sẽ trôi theo con nước đưa chúng ta đi xa rồi lạc hướng đó.

Mọi thứ đã đầy đủ, Ngọc Duy đứng cầm lái còn thầy Năm Kiểng đứng đằng mũi nhìn con nước để hò hét vận động đám giang hồ ra tay chèo chống. Chiếc bè không thể đâm ngang dòng sông để qua, mỗi khi qua được một ít thì bè lại trôi ra xa. Lâu lâu lại nghe thầy Năm Kiểng la hét:

– Mạnh tay chèo lên, nước đang đẩy bè về bên bến cũ. Được rồi, cứ thế mà chèo chống.

Từ bến sông này qua bờ bên kia, nhóm người của Ngọc Duy cho lái cật lực cũng đưa được chiếc bè đến nơi an toàn.

Ngọc Duy thấy mọi người đều mệt lả chống chọi với dòng nước, hắn nói:

– Chúng ta tấp bè vào bãi đất rồi giấu đi.

Sau khi giấu xong chiếc bè vào bụi rậm, nhóm người lại theo chân S'tiêng đi đến bản Ma Nôi. S'tiêng gọi đây là rừng Hòn Dồ, bởi khu rừng này cây cao to hơn những khu rừng khác.

Mọi người đi thẳngvề hướng đông, bỗng S'tiêng ra dấu cho mọi người dừng lại, gã người Thượng nói:

– Có người đi đến, các ông các bà coi chừng dùm thằng S'tiêng.

Nói xong gã leo lên một thân cây thật cao nhìn ra bốn phía, rồi liền tuột người xuống đất, mặt gã bỗng tái xanh lại, miệng ú ớ nói:

– Có quỷ nhập tràng các ông các bà ơi!

Mọi người bắt đầu run sợ bởi lời cảnh báo của gã S'tiêng, cả nhóm chỉ trừ Cẩm Nhung, từng nghe nói nhưng chưa ai nhìn thấy bóng dáng của quỷ nhập tràng ra sao. Còn hồn ma Trâm Anh trong xác Cẩm Nhung đang muốn trêu ghẹo mọi người, nàng biết đó là hồn ma của lão Triệu hay lão Trương Dìn đã đến, nên cũng ra dáng sợ hãi hỏi gã S'tiêng:

– Quỷ nhập tràng như thế nào?

– Ghê lắm! Nó không đi mà chỉ nhảy cà tưng bằng hai chân, còn tay giang thẳng về phía trước, hai mắt nó đỏ ngầu như máu và cái lưỡi thè dài đến giữa ngực, các ông các bà ơi!

Gã S'tiêng vừa nói xong, mọi người đã nhìn thấy bóng dáng con quỷ nhập tràng như gã Thượng vừa miêu tả. Con quỷ đang nhảy cà tưng trước mặt nhóm người của Ngọc Duy, và hình như nó không biết nói mà chỉ nhìn mọi người không chớp mắt, còn trên khuôn mặt đang từ màu xanh chuyển sang màu đỏ như đang giận dữ một điều gì đó.

Hai tên Thạch Xiêng và Kông Sang đều dân gốc Miên, chúng làm thứ mặc rô đầu gấu chuyên đi đâm thêu chém mướn nên trong người đeo rất nhiều bùa phép, bởi vậy chúng nghĩ không sợ gì con quỷ nhập tràng đang đứng trước mặt.

Tên Kông Sang mới chỉ mặt con quỷ mà thét:

– Bọn ma quỷ như bay mà hại chết được ai, chỉ biết hiện ra trêu ghẹo mọi người, vậy hãy mau cút đi nếu không bọn tao sẽ hóa kiếp bay thêm lần nữa?!

Hồn ma Trâm Anh tuy rất giận câu rủa mắng của tên Kông Sang, nhưng nàng đang mượn xác Cẩm Nhung nên chỉ nói:

– Theo em biết ở rừng mà có quỷ nhập tràng chắc có cả ma cà rồng, anh Kông Sang đừng nói vậy có ngày chúng sẽ đến tìm anh hút máu đó!

Ngọc Duy còn đang đứng chết trân trước con ác quỷ, hắn chưa biết phải làm gì để đuổi đi, đang định nhờ thầy Năm Kiểng ra dấu cho thầy ra tay trừ tà bắt quỷ, nhưng đã nghe thầy Năm Kiểng đang thét giục:

– Chú Duy dùng súng bắn nát thây con quỷ dữ đó đi, không để chúng được tồn tại nữa!

Bấy giờ Ngọc Duy như một người máy, hắn bèn nâng khẩu tiểu liên lên ngang tầm tay rồi vội vã bóp cò. Một tràng đạn nổ lên, và những đầu đạn đều xuyên qua thân con ác quỷ, nhưng con quỷ nhập tràng vẫn tỉnh bơ đứng đó như không hề bị trúng đạn.

Hồn ma Trâm Anh cũng chỉ kịp thốt:

– Anh Duy bắn làm gì cho phí đạn, thứ quỷ nhập tràng là hồn ma mượn xác chết mà thành hình, nên cho dù anh có bắn hết đạn chúng chẳng hề bị gì đâu!

Thầy Năm Kiểng vừa nghe Cẩm Nhung nói, trong nhóm thầy mang danh nghĩa là một pháp sư tài giỏi đi theo để trừ tà ếm quỷ, nhưng bây giờ thầy đang thật sự sợ hãi trước con ác quỷ đang đứng trước mặt. Nhưng dù có sợ thầy cũng không muốn làm lộ chân tướng là đang run sợ, phải tỏ uy danh của một người thầy pháp chuyên trị bọn tà ma quỷ dữ lộng hành trừ hại cho mọi người.

Thầy Năm Kiểng liền rút trong túi vải ra một lá bùa dài gần hai tấc, rồi phóng người đến trước con ác quỷ chốn rừng sâu, thầy định dán lá bùa trấn yêu vào trán nó, không ngờ đôi tay con quỷ đã gạt phăng làm thầy phải té ngả nhào xuống đất.

Lúc đó con quỷ nhập tràng mới chịu quay lưng đi, chân nó cứ nhảy cà tưng tưng bước rồi khuất dần sau những đám cây rừng. Bấy giờ mọi người mới kịp thở phào ra nhẹ nõm.

Hồn ma Trâm Anh mới nói theo tên Thạch Xiêng như đêm qua hắn từng nói:

– Nghe thằng S'tiêng nói ở rừng không những chỉ có thú dữ mà còn có ma xó ma trành lẫn khuất, bây giờ mình vừa gặp quỷ nhập tràng, không biết sẽ còn gặp thêm thứ ma quỷ gì nữa đây!?

Thầy Năm Kiểng bèn chữa thẹn:

– Hồi nãy tại tôi trượt chân té xuống đất, nếu không lá bùa này làm con quỷ đó phải tiêu đời rồi.

Nói đến đây cả nhóm người của Ngọc Duy lại thấy hai người Thượng đang đi đến, làm gã S'tiêng phải buộc miệng hỏi ngay:

– Hai người Ba-na ở bản Ma Nôi đi săn thú. Không phải quỷ nhập tràng đâu các ông các bà ơi!

Gã S'tiêng nói xong có hai người Ba-na đóng khố như gã chỉ khác trên đầu quấn thêm băng vải dệt thổ cẩm màu xanh viền đỏ đi đến. Một người cầm lao còn một người cầm nỏ. Khi gặp gã S'tiêng cả hai đã reo lên mừng rỡ.

– Ối! Thằng S'tiêng đây mà, cái chân nào đưa người Chơ-ro đến với người Ba-na đây?!

Cái chân thằng S'tiêng không muốn, nhưng vì vợ thằng S'tiêng chờ đem muối đem gạo về, lũ con thằng S'tiêng sắp đói rồi những người Kinh có nhiều tiền tới bắt cái chân thằng S'tiêng dẫn đường đến với bản Ma Nôi của thằng Đam Sang, Đam Sỉnh đây.

Hai gã thợ săn người Ba-na nhìn vào nhóm người, thấy ai cũng đeo ba lô, có người còn cầm cây “thần sấm” nên ngạc nhiên hỏi gã S'tiêng:

– Hồi nãy “thần sấm”, bắn gì mà thằng Đam Sang nghe một tràng dài làm động cả khu rừng Hòn Dồ, làm chim bay thú chạy như trốn lũ săn mồi?

Gã S'tiêng hiểu ý hai người bạn rừng, gã đáp:

– Hồi nãy có con quỷ nhập tràng xuất hiện, người Kinh dùng thần sấm bắn mà nó không chết!

Hai gã người Ba-na bèn thè lưỡi như cũng sợ hãi như mọi người, vì thế gã tên Đam Sang lại nói:

– Lâu lắm rừng Hòn Dồ không thấy có ma quỷ hiện hình, tại sao bây giờ lại có, hay là hang đá tử thần đã bị động rồi?

Nhóm người đi theo Ngọc Duy không ai hiểu hang đá tử thần ra sao, vì trước khi nhận lời cùng hắn đến đây chỉ cốt tìm trầm hương hay kỳ nam, tìm được đem về thành phố bán kiếm tiền để đổi đời.

Tên Vân Hùng mới hỏi:

– Hang đá tử thần vì sao mà bị động?

Gã Đam Sinh mới lên tiếng trả lời:

– Hồi xưa nơi hang đá tử thần có nhiều người lính Nhật chết, chúng trở thành những oan hồn uổng tử thường hiện ra đi trêu ghẹo người của bản Ma Nôi, may có thầy mo và một bà người Kinh ra tay trừ yểm, đến nay không còn thấy chúng xuất hiện nữa.

Ngọc Duy không muốn mấy tên đàn em hỏi tiếp chuyện hang đá tử thần bởi hắn đang cố giấu giếm ở đó có giấu kho báu, nên cố nói lái sang chuyện khác, liền át giọng hỏi lại gã Đam Sinh:

– Đây về bản Ma Nôi có còn xa không?

Gã S'tiêng cũng lên tiếng nói tiếp:

– Này thằng Đam Sinh, thằng Đam Sang, cái chân người Kinh muốn đến bản Ma Nôi, còn cái chân thằng S'tiêng đưa họ đến rồi. Thằng Đam Sinh, thằng Đam Sang hỏi người Kinh tìm bản Ma Nôi của người Ba-na làm gì. Cái đầu của thằng S'tiêng không hiểu.

Hai thanh niên người Ba-na khi nghe gã S'tiêng nói về nhóm người Kinh muốn đến buôn sóc, cho nên gã Đam Sinh mới cất tiếng hỏi lại mọi người:

– Các ông các bà đến bản Ma Nôi tìm gì, hay trao đổi gì với người Ba-na?

Lúc này tên Ngọc Duy không thể giấu giếm chuyện hắn tìm đến bản Ma Nôi với mục đích tìm kho báu do bọn Nhật để lại. Hắn mới đáp:

– Ngày trước có người đàn bà người Kinh đã đến đây và ở lại bản Ma Nôi, nay chỉ đường cho chúng tôi đến khu hang đá tử thần.

Nghe có người đàn bà người Kinh chỉ đường, hai thanh niên Ba-na đã hiểu ra, gã Đam Sang liền kêu lên mừng rỡ:

– À cái bà người Kinh tên Mã Yến đã đưa cái chân các ông các bà đến với bản Ma Nô rồi!

Tên Ngọc Duy gật đầu, hắn đã nhanh trí tìm cách trả lời cho anh em nhà Đam Sang hiểu, nhóm người của hắn đây là theo lời bà Mã Yến chỉ dẫn.

Ngọc Duy nhớ trong thư, bà Mã Yến có viết về bản Ma Nôi và đã ở tại đây, bà không nói đến sự nguy hiểm sẽ gặp nơi bản làng này, tức nhóm của hắn là bạn với người Ba-na chứ không phải là thù.

Lúc ấy mọi người mới tay bắt mặt mừng, riêng gã S'tiêng nói:

– Cái chân thằng S'tiêng dẫn các ông các bà đến gặp người bản Ma Nôi rồi, thằng S'tiêng phải về đây, thằng S'tiêng nhớ người Chơ-ro, nhớ vợ thằng S'tiêng, nhớ con thằng S'tiêng lắm!

Hồn ma Trâm Anh thấy gã người Thượng thật thà cở mở nên không muốn xa, nàng nói qua xác của Cẩm Nhung:

– Thằng S'tiêng ở lại đi, đến bản Ma Nôi còn gặp già làng chứ. Bọn tao quý cái chân, cái miệng của thằng S'tiêng lắm.

Người Thượng rất hiếu khách và cả tin, khi đã có cảm tình với ai cái bụng họ đã ưng thì ai nói cái gì cũng đều nghe theo cho khách không buồn cái bụng, thằng S'tiêng cũng thích khi nghe Cârm Nhung kêu ở lại, gã gật đầu bằng lòng dù trong lòng rất muốn qua sông trở về với buôn sóc của mình.

Khi hai bên Kinh Thượng đã vui vẻ tên Ngọc Duy mới bắt đầu hỏi đến kho báu của bọn Nhật:

– Chúng tôi đang đi tìm một cây sồi đụng đến Giàng, hai chú Đam Sinh, Đam Sang biết nó mọc ở đâu không?

Đam Sinh chỉ tay về phía trước rồi đáp:

– Cái cây cao đụng đến Giàng nằm phía trước, ngày trước bà Mã Yến cũng đã đến đó.

Ngọc Duy mừng rỡ vì không phải cất công đi tìm cây sồi nữa, hai anh em nhà Đam Sang nói bà Mã Yến đã đến đây, nhưng vừa nói xong mặt gã Đam Sinh đã trĩu buồn, gã lại nói tiếp:

– Ở đấy thầy mo Đam B'lăng không cho đến, thầy mo nói có con ma xó có con ma lai ở đó đông lắm, bây giờ còn có quỷ nhập tràng. Ai đến sẽ bị lũ ma lũ quỷ làm cho bệnh mà đi về với Giàng, không có thuốc chữa đâu. Thằng Đam Sinh, Đam Sang không dám đưa cái chân các ông các bà đến đó được.

Gã S'tiêng cũng đã nói thêm:

– Người Ba-na nói không đưa cái chân đi là họ dứt khoát rồi các ông các bà ơi!

Tên Ngọc Duy lại nghĩ hai thanh niên Ba-na muốn có tiền trước khi tiết lộ ra điều bí mật, hắn liền móc ra một nắm tiền mới đưa cho anh em Đam Sang, nhưng gã vẫn lắc đầu từ chối.

Gã S'tiêng lại lên tiếng:

– Thằng Đam Sinh đưa cái chân dẫn các ông các bà về bản Ma Nôi thôi, để chào thầy mo trước đã.

Lúc này Cẩm Nhung mới nói với Ngọc Duy:

– Có anh em nhà Đam Sang, Đam Sinh đây, anh đừng tự tiện đến địa điểm cây sồi. Người Thượng có nhiều phong tục hay tín ngưỡng riêng mà mình chưa hiểu, có thể họ bỏ thuốc thư dọc đường hay sử dụng ma thuật để cản lối, nếu không biết cách giải trừ thì tính mạng chúng ta thật nguy hiểm, mình nên đi về bản Ma Nôi trước rồi tính sau đi anh Duy.

Tên Ngọc Duy dù có nôn nóng muốn đến ngay kho báu, nhưng hắn thấy lời Cẩm Nhung nói rất đúng, nên đành nói với mọi người:

– Bọn mình đến bản Ma Nôi trước đi, ở đấy sẽ tìm hiểu thêm về vùng rừng núi này hẳn cũng không thừa. Còn về trị ma bắt quỷ, có thầy mo hướng dẫn cho thầy Năm Kiểng ra tay thì thật tốt đẹp ...

Hồn ma Trâm Anh đang trong xác Cẩm Nhung, nàng nhận ra chỉ có lão Triệu đang dẫn bọn Nhật đi đến khu rừng Quảng Sơn tức Hòn Dồ này. Còn hồn ma của lão Trương Dìn nàng vẫn thấy bặt tăm.

Nhưng Trâm Anh đâu ngờ được, từ quốc lộ 27 theo dòng sông Tân Mỹ, ba chiếc ca-nô đang rẻ sóng nước tiến vào bờ khu Hòn Dồ.

Chiếc đầu tiên chở hai người đã lớn tuổi đang bị một tên có dáng hung dữ đang chỉa mũi súng vào người, còn một tên ngồi cầm lái. Hai người đó không ai khác là chị em bà Mã Yến, Mã Thành.

Chiếc ca-nô thứ hai có ba người, có lẽ chở tên thủ lĩnh vì tướng người hắn trông đạo mạo, mắt đeo kính cận, oai phong với cây ba-toon cầm trên tay. Còn chiếc cuối cùng chở ba tên có bộ mặt bậm trợn là bọn thủ hạ đi theo tên thủ lĩnh.

Tất cả bọn này gồm tám tên cùng chị em bà Mã Yến đang bị bắt làm con tin.

Đây là nhóm người mà hồn ma lão Trương Dìn sau bao ngày nhờ bọn cô hồn tìm kiếm khắp nơi mới truy ra tông tích. Bởi những hồn ma có cái hay cái ưu điểm, chúng nhìn ra người còn người lại không nhìn được chúng, và hồn ma còn có thể xâm nhập vào các nơi mà con người đôi khi không thể đến được.

Thì ra Mã Thành bị băng cướp có tên Đại Bàng Xanh bắt cóc, Tên thủ lĩnh Ba Kim Anh đánh hơi từ một khu buôn bán đồ cổ trên đường Ca-ti-na, khi hắn biết một người Lào mang đến bán hai cái khánh bằng ngọc thạch. Hai mặt khánh được cẩn khắc những họa tiết rất sắc xảo có một không hai, thuộc thứ đồ cổ có niên đại vào thế kỷ thứ l6, tức trên dưới 400 năm thật vô giá.

Tên Ba Kim Anh mới bắt người Lào này về sào huyệt khai thác, được nghe người Lào nói, ông ta được một người đàn bà người Việt tên Mã Yến tặng cho khi nhờ đem một chiếc hộp khảm xà cừ về Việt Nam trao cho người có tên Mã Thành ở khu Đại Thế Giới. Người Lào còn cho tên Ba Kim Anh biết, chiếc hộp hình như đang ẩn chứa một bí mật, có thể là tấm bản đồ vẽ đường đến một kho báu cổ vật quý giá như hai cái khánh bằng ngọc ấy.

Trí óc tên thủ lĩnh Đại Bàng Xanh rất nhạy bén, hắn đã nghi ngờ ngay vua xí ngầu Mã Thành sắp thụ hưởng một kho báu kếch xù.

Ở Sài Gòn từ dân thượng lưu đến trung lưu, ai đã từng đặt chân đến khu cờ bạc Đại Thế Giới cũng đều biết tiếng tăm về hai chị em họ Mã trong số “Tứ đại Thiên Vương” của làng đổ bác.

Nên tên Ba Kim Anh đi bắt cóc Mã Thành thật dễ như trở bàn tay, lúc đó mới hay ông ta không biết gì về chiếc hộp khảm xà cừ. Tên Ba Kim Anh mới hỏi lại người Lào, lúc đó ông ta mới khai thật đã cho một gia đình ở miền Trung để tạ ơn cứu mạng.

Bấy giờ tên Ba Kim Anh nghĩ chỉ còn cách đi tìm bà Mã Yến về để nắm rõ nguồn gốc về kho báu. Nhưng lại nghe tin một cặp vợ chồng trẻ thường vào khu Đại Thế Giới hỏi thăm tin tức về Mã Thành.

Tên Ba Kim Anh đánh hơi có thể cặp vợ chồng trẻ này đang giữ chiếc hộp khảm xà cừ, cho nên hắn mới sai hai tên đàn em đi theo dõí, không ngờ chúng hấp tấp lại bị bỏ rơi mất dấu.

Biết rằng kho báu là có thật, tên Ba Kim Anh tức tốc cho người lên Sơn La tìm bà Mã Yến đưa về Sài Gòn, bởi trong làng đổ bác ai cũng biết bà lên Sơn La lập điện thờ Mẫu rời xa nghề cũ.

Có hai chị em họ Mã trong tay, nhưng bà Mã Yến luôn nhất quyết không nói ra địa điểm nơi chứa báu vật, bà từng nói với tên Ba Kim Anh:

– Tôi đã khôngmàn đến vật chất nên mới để lại kho tàng cho Mã Thành thụ hưởng. Cho nên tôi như không còn biết gì đến kho tàng đó nữa. Và dù có chết tôi cũng không khai ra.

Tên Ba Kim Anh từng biết tiếng tăm bà Mã Yến, một người đàn bà đã trong tuổi năm mươi mà sắc diện vẫn làm cho bao người đàn ông phải thèm muốn, sẵn sàng dâng hiến sản nghiệp nếu lấy được bà làm vợ. Tuy vậy không ai được toại ý, bởi bà Mã Yến nhất quyết đi tu lấy chuyện cứu nhân độ thế làm lẽ sống hơn là lấy của cải vật chất để hưởng thụ.

Tên Ba Kim Anh không thể tra tấn bà Mã Yến, bởi hắn cũng biết tính bà rất cương trực, nói một là một không hề thay đổi. Nên tên thủ lĩnh chỉ biết gây áp lực lên bà bằng cách hành hạ Mã Thành, để bà đau xót đứa em trai bị đánh đập mà chấp nhận tiết lộ ra địa điểm kho tàng chứa báu vật.

Hồn ma Trương Dìn sau bao ngày tìm kiếm Mã Thành, biết ông ta chưa chết nên đã tìm đến sào huyệt bọn Đại Bàng Xanh. Lão Trương Dìn nhìn thấy có cả bà Mã Yến đang bị chúng giam cầm ở đây. Hồn ma lão thầy bói mới nhập mộng mà nói với bà:

– Bà Mã Yến ơi, bà đừng giữ kín mãi chuyện địa điểm kho tàng của bọn Nhật với tên Ba Kim Anh nữa, đừng để cho Mã Thành phải chịu đau đớn vì bị chúng đánh đập hành hạ nữa.

Bà đừng lo bởi kho tàng này không phải là của hắn, hiện giờ trên đường đi đến rừng Quảng Sơn còn có hai nhóm người, một nhóm từ bọn Nhật từng đến nơi đó cất giấu số cổ vật, và một nhóm là người có chiếc hộp khảm xà cừ mà người Lào vì nghĩa tình đem tặng làm sai ý bà muốn trao đến tay Mã Thành.

Không đợi hồn ma lão Trương Dìn nói hết, bà Mã Yến liền cắt ngang câu để lên tiếng hỏi:

– Nhưng lão là ai? Sao lão lại biết quá nhiều về kho tàng giấu trong rừng vùng Quảng Sơn?

Hồn ma lão Trương Dìn mới rưng rưng nước mắt trả lời câu hỏi của bà Mã Yến:

– Tôi là người đã giải ra mã khóa mà bà để trong chiếc hộp khảm xà cừ, rồi bị tên lưu manh Ngọc Duy trong nhóm giết chết những ai biết đến địa điểm kho báu đó. Chúng tôi gồm ba oan hồn đang đi theo tên thủ ác Ngọc Duy để đòi mạng. Chúng ta sẽ ủng hộ chị em bà, tiêu diệt bọn cướp khát máu Đại Bàng Xanh, cũng như bọn Nhật từng đi cướp số bảo vật đó. Những ai gieo gió gặp bão, người như chị em bà có công đức, Trời Phật sẽ chứng giám, mọi chuyện sẽ hóa lành.

Bà Mã Yến sau giấc chiêm bao được lão Trương Dìn hiện về báo mộng, nên bà đã thay đổi thái độ trước tên Ba Kim Anh, hứa sẽ cộng tác nếu hai chị em bà được bình an vô sự được sống như đời thường.

Vì thế mà bọn Đại Bàng Xanh mới biết đến khu rừng Hòn Dồ, đưa chị em bà Mã Yến cùng đi trên ba chiếc ca nô đến đây, và nghĩ rằng chúng là nhóm người độc nhất biết đến kho tàng do bọn Nhật để lại.

Khi ba chiếc canô vừa đậu vào bên sông, tên Ba Kim Anh tay cầm ba-toon chỉ vào rừng ra lệnh:

– Giấu canô vào bụi!

Những tên thủ hạ liền kéo canô đưa vào một bụi rậm, đột nhiên một tên la to:

– Ở đây có một chiếc bè to.

Tên Ba Kim Anh nghe thủ hạ báo, hắn thấy một chiếc bè đang được giấu kín ở đấy, hắn buột miệng:

– Có lẽ bọn đi tìm Mã Thành ở khu Đại Thế Giới đã đến đây trước bọn mình rồi?

Bà Mã Yến từng được hồn ma lão Trương Dìn hiện về báo mộng, biết chiếc bè này là của tên lưu manh Ngọc Duy, nên bà đã mở miệng nói:

– Ông Ba Kim Anh thấy chưa, trời đất đâu để ai được hưởng riêng số của cải phi nghĩa ấy.

Tên Ba Kim Anh nghe xong mới nói đám thủ hạ:

– Mấy đứa bay nên đề phòng cẩn mật.

Ra lệnh cho bọn thủ hạ xong, bấy giờ tên Ba Kim Anh nhìn về bà Mã Yến rồi gằn giọng hỏi:

– Còn kho tàng nằm ở đâu?

Bà Mã Yếnvẫn tươi tỉnh trả lời như không hề sợ áp lực trước những tên cướp như tên Ba Kim Anh:

– Tôi đã nói với ông, từ lâu tôi không còn nhớ đến kho cổ vật nên bỏ lên Sơn La tu hành. Bây giờ chỉ còn nhớ là nó nằm trong khu rừng này mà thôi.

Thật ra bà Mã Yến nhớ rất rõ địa điểm mà bọn Nhật đã cất giấu số cổ vật, Trước đây một tên lính dưới quyền tên sĩ quan Nhật Yamashito, đã đưa bà đến đây, hắn còn kể lại toàn bộ sự việc xung quanh kho tàng.

Bà Mã Yến nhớ lại, khi bà vừa đến Sơn La lập đền thờ Mẫu và chữa bệnh cho bá tánh nhằm cứu nhân độ thế. Đền vừa lập không lâu, một hôm khi bà đang tìm tòi thuốc để trị một căn bệnh lạ đang xuất hiện tại địa phương, bỗng gặp một tên lính Nhật quần áo rách rưới tả tơi, người dính đầy máu, do trong người mang nhiều thương tích, đến xin chữa trị.

Mặc dù nói tiếng Việt không sõi, nhưng bà Mã Yến đủ hiểu tên lính Nhật muốn nói gì về căn bệnh lạ mà bà đang chữa cho mọi người, nhưng không tìm ra phương thuốc trị cho những người đang vướng phải:

– Căn bệnh ở vùng này là do chất phóng xạ từ dưới lòng đất gây ra. Trước đây tôi đóng quân trên vùng núi Trường Sơn, các thầy thuốc Nhật cũng đã gặp những người lính mang chứng bệnh kỳ lạ như thế, các thầy thuốc nói, một là do uống phải nguồn nước, hai là khi đào bới quặng mỏ gặp phải khí độc nên nhiễm bệnh, thành thứ bệnh hiểm nghèo.

Lúc bấy giờ bà Mã Yến mới hỏi tên lính Nhật:

– Thế thầy thuốc Nhật chữa trị họ như thế nào?

Tên lính Nhật thật thà đáp:

– Bệnh này không thể chữa khỏí, nhưng có cách khống chế lại căn bệnh không cho phát tán thêm.

Lúc đó bà Mã Yến mới thấy nôn nóng, khi nghe tên lính kéo dài câu trả lời, nên bà thúc giục:

– Thầy thuốc khống chế bệnh này ra sao?

– Mấy ông thầy thuốc trong quân đội Thiên Hoàng cho họ uống nước lạnh!

– Sao? - bà Mã Yến đi từ nôn nóng đến ngạc nhiên -Chỉ chữa bệnh này bằng nước lạnh thôi sao?

Tên lính Nhật lắc đầu, hắn nhìn bà rồi trả lời:

– Không phải thứ nước lạnh thông thường, nước này được chế từ một thỏi kim loại có tên gọi “đồng đen”. Các thầy thuốc nấu một nồi nước cho thật sôi, rồi bỏ thanh đồng đen vào nồi, chỉ trong giây lát cả nồi nước đang nóng đến cực độ đã thành thứ nước lạnh ngắt chỉ trong ít phút.

Bà Mã Yến từng thấy có những tượng thờ trong các đền chùa từ miền Trung du Bắc Việt xuống tận phía Nam, được chế tác bằng thứ kim loại đồng đen đó.

Tượng thờ thấy tuy nhỏ nhắn nhưng lại nặng hơn sắt thép, có một màu đen tuyền bóng bẫy.

Thấy có thứ “nước lạnh” dùng chữa được bệnh cho những người dân tộc, nhưng bà Mã Yến vẫn cảm thấy buồn và khổ tâm:

– Ở Sơn La làm gì có thứ đồng đen đó!

Qua lời than thở của bà Mã Yến làm tên lính Nhật phải buột miệng mà lên tiếng đáp:

– Tôi biết một nơi có nhiều tượng đồng đen lắm, và chính nó mà tôi mới bị thương như thế này đây.

Rồi tên lính Nhật có tên Hoshinako mới kể cho bà Mã Yến nghe về một đơn vị quân Nhật đang đóng tại một huyện nằm trên lâm viên Luang Biang.

Một hôm tên Yamashito viên sĩ quan chỉ huy, đến kêu gần hai mươi tên lính trong đó có cả tên Hoshinako, chất lên xe hai cái rương thật nặng đi về hướng Phan Rang, ông ta nói chờ tàu ở Cam Ranh đưa về Nhật Bổn.

Khi xe đến gần thị trấn Tân My, tên Yamashito kêu ngừng rồi bắt cả bọn di chuyển hai cái rương đi vào rừng. Đi xa đến hơn một ngày rừng cả bọn lính mới đến trước một hang đá. Lúc này tên Yamashito mới cho bọn lính nghỉ ngơi, còn ông ta đi sâu vào bên trong hang xem xét cái gì đó.

Lúc đó Hoshinako mới biết tên chỉ huy Yamashito đã từng đến đây, và hang đá này dùng để cất giấu hai cái rương nặng nề kia. Đồng thời tình cờ hắn biết trong rương chứa toàn vàng bạc châu báu, một số cổ vật là những pho tượng bằng kim loại có màu đen tuyền. Tên Hoshinako từng thấy các thầy thuốc Nhật gọi tên chúng bằng “đồng đen”.

Theo Hoshinako đoán, tên Yamashito đã cướp bóc hay lấy cắp từ trong nhà dân, đền chùa, các dinh thự mà ông ta trong các cuộc hành quân đã đi qua.

Còn tên sĩ quan Yamashito rất xảo quyệt, ông ta bắt bọn lính đi đào những cái bẫy từ cây sồi cho đến tận hang đá, và từ cửa hang đi vào bên trong, lắp toàn những cơ quan gây chết người để giữ cửa.

Sau khi hoàn thành việc lắp đặt cạm bẫy tên Yamashito mới đãi bọn lính ăn một bữa cơm thịnh soạn nói là để thưởng công, rồi cũng thành thật tiết lộ về hai cái rương vừa cất giấu. Cuối cùng tên Yamashito hứa thưởng công mọi người khi hòa bình lập lại, sẽ cùng họ về đây tải đi số của cải đem về nước.

Nhưng đó chỉ là những lời xảo trá của một tên mưu sĩ khát máu. Bởi buổi cơm hôm đó là buổi cuối cùng của một đời người. Khi mọi người đã ngủ say vì trong rượu có cả thuốc ngủ, trừ tên Yamashito còn tỉnh táo. Ông ta cầm khẩu tiểu liên lia từng tràng đạn vào thân những người đã từng phục vụ hắn cho đến chết.

Sở dĩ Hoshinako còn sống sót, là nhờ tên đồng đội khi ngủ đã ôm lấy hắn làm gối hứng hết loạt đạn từ khẩu tiểu liên, hắn chỉ trúng đạn vào tay chân nên bị thương tích và hôn mê mà thôi.

Tên Yamashito sau khi giết hết bọn thuộc hạ để diệt khẩu ông ta liền rời hang đá khi thấy không còn một người lính nào sống sót, mới trở ra Tân My rồi về lại đơn vị đóng quân.

Còn tên Hoshinako nằm bất động đến hơn một ngày bên xác các đồng đội, khi tỉnh dậy hắn tự tay dùng dao gắp đạn ra khỏi những nơi bị trúng thương, xé áo đồng đội băng vào vết thương, rồi tìm đường đi ra khỏi khu rừng già Quảng Sơn.

Tên Hoshinako không dám về đơn vị nơi tên Yamashito còn ở đó do sợ tên chỉ huy phát hiện sẽ giết hắn bịt đầu mối tiếp. Nên khi tên Hoshihako ra khỏi rừng, mới đón xe đi về sân bay Liên Khương mong tìm người bạn đang đóng quân ở đây, nhờ y tìm cho hắn một con đường trốn thoát khỏi tay tên sĩ quan chỉ huy độc ác.

Người bạn giấu hắn trong một chiếc máy bay vận tải đang sửa soạn cất cánh, và chiếc máy bay sau nhiều chặng đường đã hạ cánh tại sân bay Lai Châu.

Sau ngày xuống sân bay, tên Hoshinako định đi tìm một thôn bản dân cư người dân tộc xin ở tạm, nhưng vì vết thương cứ hành hạ, khiến hắn như người mất tri giác, chỉ đi theo quán tính hơn nửa tháng lạc trong rừng, sau đó đến Sơn La, ở đây Hoshinako gặp bà Mã Yến đang chữa bệnh cho người dân tộc gặp chứng bệnh kỳ lạ, mà các thầy mo trong các buôn sóc bản làng phải chịu bó tay, còn bà thì ăn ngủ không yên vì chưa tìm ra thứ thuốc chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này.

Dứt lời kể của tên lính Nhật bà Mã Yến muốn đi ngay đến khu rừng Quảng Sơn nơi tên Yamashito cất giấu kho báu, bà muốn lấy một pho tượng đồng đen về để chế ra thứ nước lạnh nhằm chữa bệnh cho mọi người.

Tên Hoshinako dù đang bi thương nhưng trước những lời lẽ nhiệt thành của bà Mã Yến đã thuyết phục được hắn đi cùng bà đến rừng Qủang Sơn.

Nhưng vết thương cứ hoành hành và tri giác như người nửa tỉnh nửa mê vì thế tên Hoshinako một lần nữa đã lạc đường, đưa hai người đến bản Ma Nôi.

Bà Mã Yến và tên Hoshinako được già làng và dân bản tiếp đón, còn thầy mo Đam B'lăng ra sức chữa bệnh cho hắn. Khi hiểu chuyến đi của bà Mã Yến đến rừng Hòn Dồ tìm tượng đồng đen dùng để cứu người, mọi người trong bản Ma Nôi sẵn sàng phục vụ đưa hai người đi về hướng “hang tử thần”.

Khi đến hang đá, tên Hoshinako chỉ cho bà Mã Yến biết đến những cạm bẫy cần tránh và cách khóa mở các cơ quan nơi tên Yamashito đang cất giấu số của cải cướp bóc được.

Quả như lời tên lính Hoshinako nói, trong hai cái rương có rất nhiều đồ vật quý, những tượng được làm từ đồng đen, những đồ trang sức bằng vàng bạc hay cả bằng ngọc thạch quý giá, chỉ có nơi cung đình hay những nhà quan lại mới có.

Bà Mã Yến lấy ra một pho tượng được chế tác từ đồng đen có hình dạng như Phật Chuẩn Đề hay thần Silva. Bà cũng lấy đi vài cái ngọc bội cùng một ít vàng bạc, dùng làm lộ phí về lại Sơma.

Có hai cái khánh ngọc sau này bà Mã Yến đưa cho một người Lào, trả công ông ta đưa dùm bà một chiếc hộp về Sài Gòn cho Mã Thành, trong đó bà đã viết về kho cổ vật được giấu tại đây.

Về phần tên Hoshinako, sau khi đưa được bà Mã Yến đến hang tử thần, hắn như người mất trí điên loạn, luôn thét nói những câu tiếng Nhật không ai trong bản Ma Nôi hay cả bà Mã Yến hiểu nổi.

Nhưng lão thầy mo Đam B'lăng thì hiểu hết, lão thầy mo nói:

– Những oan hồn uổng tử chết trong hang đá tử thần khi thấy hắn đến muốn kéo hắn cùng về cõi âm ty cùng với chúng nó đó.

Mặc dù bà Mã Yến theo đạo Mẫu, hàng ngày bà tiếp cận với thần linh thường đội khăn xin “cầu Thần nhập xác”, nhưng bà không tin thứ oan hồn khi thấy bạn lại muốn kéo bạn cùng chết đi về chốn âm ty.

Thầy mo Đam B'lăng giải thích:

– Bà người Kinh ơi, thầy mo Đam B'lăng tôi thấy mười mấy con ma hiện ra muốn kéo thằng lính này đi theo chúng, trong cái đầu muốn thằng lính cùng đi trả thù người đã giết chết chúng nó. Thầy mo không cản được đâu!

Mà quả thật chỉ mấy ngày sau tên Hoshinako đã chết vì bị rắn độc cắn, hắn chết thật êm thắm, mắt nhăm lại và trên môi còn nở nụ cười.

Nhớ công lao của tên Hosinako và những người lính Nhật đã chết dưới tay tên Yamashito. Bà Mã Yến cùng thầy mo Đam B'lăng lập đàn tràng dùng những oan hồn uổng tử này làm “thần giữ cửa” chờ ngày Mã Thành đến lấy theo lời bà đã viết trong chiếc hộp.

Bà Mã Yến cùng thầy mo còn lập ra một trận trấn giữ bốn hướng tám phương, nếu không cúng giải oan cho các vong hồn và giải trừ bùa chú được ếm trong ma trận, dù là bà có biết địa điểm của ma trận đi nữa cĩng không thể tránh được chính những cạm bẫy do bà và thầy mo Đam B'lăng tạo ra.

Đó là những gì bà Mã Yến biết về kho báu của bọn Nhật để lại, về các ma trận, các cạm bẫy còn lẫn khuất trong khu rừng già Quảng Sơn này.

Nên tên Ba Kim Anh sau khi nghe bà Mã Yến sẵn giọng nói, hắn lại lớn tiếng nạt lớn khiến bà trở về với thực tại:

– Bọn này đối xử với hai chị em bà rất tử tế, mong bà nể tình mà đền đáp lại chân tình đó chứ.

Lúc này Mã Thành mới nhìn sang chị, rồi nhìn tên Ba Kim Anh, ông đã quắc mắt mà nói:

– Các ông không thương xót một bà già như chị tôi hay sao, đi suốt từ sáng đến giờ chưa được nghỉ ngơi ăn uốmg mà các ông bảo là đối xử tử tế à?

Bọn Đại Bàng Xanh cũng như tên Ngọ Duy đâu biết, hồn ma lão thầy bói Trương Dìn đã mượn xác Mã Thành để quấy đảo tinh thần bọn này.

Tên thủ lĩnh Ba Kim Anh cũng đâu biết trong thế giới tâm linh có rất nhiều bất ngờ, người trần tục như hắn làm sao biết được. Nên tên Ba Kim Anh trước đây đâu nể nang gì Mã Thành, vì ông chỉ là cái bóng của bà chị ruột. Hắn đã nạt lớn:

– Ông là cái thá gì mà đòi hỏi bọn này, không vì bà Mã Yến bọn này đã cho ông ăn một phát đạn nơi rừng sâu này rồi.

Mã Thành vẫn còn quắc mắt nhìn tên Ba Kim Anh rồi ông nói tiếp như một lời tiên tri:

– Máu sắp chảy rồi, bọn Nhật đã đến nơi, bây giờ trong rừng đang có đến ba con cọp đang rình giết lẫn nhau mong chiếm đoạt kho tàng làm của riêng. Vậy con cọp nào còn sống sót đây, mà ông đã muốn đến ngay kho tàng?

Trước lời cảnh báo như câu sấm truyền làm tên Ba Kim Anh cảm thấy lạnh mình. Hắn biết bọn Ngọc Duy đã có mặt trong rừng, giờ đây có thêm bọn Nhật.

Đúng là trong rừng đang có ba con cọp dữ, con nào cũng muốn làm chúa sơn lâm, vậy nhóm người nào sẽ bị tiêu diệt?

Tên Ba Kim Anh chưa kịp nạt tiếp Mã Thành, hắn đã nghe có tiếng súng nổ, rồi từng đàn chim trong rừng vội vỗ cánh bay cao, tiếp theo là tiếng chân muôn thú đang rầm rập bỏ chạy. Rừng Quảng Sơn bắt đầu biến động như lời Mã Thành vừa nói.

Hồn ma lão thầy bói Trương Dìn trong xác Mã Thành, lão nào sợ gì một tên cướp như tên Ba Kim Anh, lão muốn giết hắn lúc nào không được nhưng muốn giết phải để cho hắn không nói là bị chết oan.

Bọn quỷ vương trông coi bốn phương tám hướng mới lôi kéo được hồn ma tên cướp xuống âm ty nhận tội.

Nên khi nghe được tiếng súng nổ, tên Ba Kim Anh hiểu bọn Nhật đã đến, và có thể bọn Ngọc Duy cũng đã đến khu hang đá kho báu rồi, làm hắn càng thấy nôn nóng muốn đi cho mau đến hang đá.

Tên Ba Kim Anh mới nhìn chị em bà Mã Yến với ánh mắt như van nài:

– Thật tình bọn này muốn sớm đi đến kho tàng, vì tình hình bây giờ ở rừng đâu chỉ có chúng ta, như lời ông Mã Thành còn có bọn Nhật và nhóm người có chiếc hộp khảm xà cừ kia nữa.

Bà Mã Yên chỉ đáp:

– Tôi cũng thật tình mà mà nói, nơi này có rất nhiều cạm bẫy do bọn Nhật cài đặt, đã lâu lắm rồi nên tôi không còn nhớ rõ ở đâu. Các ông phải cẩn thận tránh né để khỏi bị sa chân vào bẫy.

Rồi bà Mã Yến cứ tiến bước, nơi bọn lính Nhật đặt hầm chông được phủ bằng dây gai rừng bên trên có lớp cỏ mà bà biết, để Mã Thành không bị vướng cạm bẫy, bà mới nắm tay đứa em trai dẫn đường, nhưng không hé răng báo cho thủ hạ tên Ba Kim Anh hay biết.

Bà Mã Yến muốn chúng một phen kinh sợ, nên khi đi đến gần hầm chông, bà đi sát vào mép hố cho bọn đi sau vô tình rơi xuống.

Đúng theo ý đồ của bà, một tên thủ hạ Đại Bàng Xanh đã rơi tỏm xuống hầm chông, những mũi chông có khía tự chế được găm từ bên dưới, ghim trọn vào thân thể tên này. Hắn chỉ kịp kêu rú lên vài tiếng đau đớn rồi tắt lịm.

Tên Ba Kim Anh nghe thấy tiếng kêu khủng khiếp của tên thủ hạ, hắn vội vàng chạy đến thấy xác một tên bị chông ghim xuyên qua người, máu đang tuông tràn ra đất. Những tên đồng bọn thấy bạn vừa rơi xuống hầm chông và nhận ngay một cái chết tức tưởi dù là dân anh chị trong giới giang hồ tay từng vấy máu, tên nào cũng xanh xám mặt mày không dám nhìn thêm đến lần thứ hai. Vẻ mặt bọn chúng dần lộ ra sự lo sợ, vì không biết trong số chúng còn ai sẽ sa chân vào những cạm bẫy như thế.

Kinh hãi bởi cái chết bất ngờ của tên thủ hạ, tên Ba Kim Anh lại nhìn bà Mã Yến bằng đôi mắt đỏ ngầu qua tròng kính cận vì giận. Hắn nghiến răng nói:

– Bà thấy chưa, một người chết như vậy bà đã thấy hài lòng chưa?! Bà đừng để tôi phải dùng đến biện pháp mạnh.

Chị em bà Mã Yến cũng nhìn hắn không chớp mắt, như muốn thách thức hắn nên Mã Thành nói:

– Ông dùng biện pháp mạnh đi, chị em tôi già rồi có chết cũng mãn nguyện!
Hồn Ma Trong Biển Máu
LỜI DẪN TRUYỆN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4