watch sexy videos at nza-vids!
Truyện MIỀN ĐÔNG - tác giả Nguyễn Một Nguyễn Một

MIỀN ĐÔNG

Tác giả: Nguyễn Một

.... "Gặp cô Yếm thắm, đội gạo lên chùa, anh đưa tay bóp .....

T hằng Thải khùng vừa bóc quả chôm chôm, vừa nghêu ngao bài đồng dao đã đã cải biến khá tục . Mấy cô gái rúc rích cười. Hai gã bốc vác lạnh lùng ném từng sọt trái cây trên xe máy xới xuống vệ đường . Nhiều sọt bị rách miệng để lộ những trái chôm chôm chín đỏ, phủ bên ngoài lớp lông dài mơn mởn, còn vương màu xanh lá cây.
- Cẩn thận nhẹ tay một tí - Bà Béo vung vẩy chỉ đạo, rồi quay qua nói với tôi:
- Anh về bảo bà Bảy cắt cho tôi bốn tấn, đóng sọt đàng hoàng, ngày mai tôi chở đi Hà Nội.
Tôi ậm ừ, nghiến răng nâng mấy sọt trái cây đưa lên xe tải, thằng Thải sà lại giỏ chôm chôm nhãn bốc mấy trái . Bà béo hất tay nó ra, nó ngờ nghệch cười và nghêu ngao hát .... "Gặp cô yếm thắm...". Bà béo chửi: "Đồ chết bầm". Hoành nổ máy xới, kéo ga tôi nhảy lên rờ moọc, chiếc xe gập ghềnh lao qua mấy ổ gà, bùn đỏ văng tung tóe... Vườn trái cây loáng thoáng qua mắt, chôm chôm sà xuống đường, tôi đưa tay bứt một chùm, chọn trái chín nhất, bóc vỏ bỏ vào miệng, ngọt lịm, tôi đã đến no, cái thứ trái cây hấp dẫn này, đêm ngủ dậy, sáng ra ghèn đóng cứng mi mắt .
Ở quê tôi, ít có trái ngọt thứ gì cũng chua chua, chát chát. Từ ngày xa xứ đến nay đã gần năm nay. Nhớ hôm lên đường Hương tiễn tôi bên bờ sông Giao Thủy, khóc rấm rứt, Chín Cọp cười giễu cợt. Đoạn khá xa tôi quay đầu lại, anh ta vỗ vai tôi và bảo: "Cái giống đàn bà nó vậy, chứ vài bữa là quên béng đi ngay, tót theo thằng khác, mày đừng có mà ủy mị quá".
Tôi biết Chín Cọp chẳng thuộc tạng người như tôi, nên không tranh cãi. Tôi không thích cái kiểu anh ta nắm tóc vợ lôi xềnh xệch và quát tháo như Trương Phi. Nhưng tôi khâm phục sự can đảm của anh. Chín Cọp đã từng lên rừng xuống biển, chỗ nào cũng dám, làm đủ mọi nghề, chỉ phải tội uống rượu như hũ chìm, nên vợ con cứ nheo nhóc đói khổ. Chín Cọp rủ tôi đi Nam một chuyến để đổi đời. Tôi nặng nợ quê nhà dùng dũng mãi gần cả tháng mới rứt ra được .
Ba ngày ngời rã lưng trên xe đò, chúng tôi xuống vùng Bình Long - Sông Bé, đất trắng, rừng âm u, hiu quạnh. Chúng tôi ở tạm trong nhà ọp ẹp của người đồng hương . Chín Cọp bàn với tôi về việc phá rừng làm rẫy. Tôi đưa tay sờ vào lưng quần đùi, chỉ vàng bà tôi đã may vào đây rút vẫn còn nguyên, cồm cộm.
Đêm tĩnh lặng, lâu lâu rộ lên vài tiếng chó sủa, tiếng chân người bước gấp gáp. Ông chủ nhà bảo tôi :
- Mấy người bị sốt rét ác tính đang được khiêng đi chữa bệnh, ở đây rừng thiêng nước độc, mỗi ngày "đứt" vài mạng là chuyện thường.
Nghe ông nói tôi sợ phát khiếp. Nhớ bà bảo tôi, ngày xưa ông ngoại tôi cũng chết vì căn bệnh quái ác này, trong lần vào Buôn Mê Thuột làm đồn điền cho Pháp .
Sáng hôm sau, tôi từ giã Chín Cọp bỏ Sông Bé đi chỗ khác. Anh ta chẳng thèm giữ tôi, chỉ nói :
- Mày lớn rồi, tùy mày liệu, tao không cản nhưng ráng mà giữ thân, có gì về đây tìm tao, nhớ liên lạc để tao biết tình hình làm ăn.
Tôi ngược về hướng Bắc, tôi nhớ có thấy vùng đất đỏ màu mở, cây trái xanh tốt, trên đường vào đây. Chiếc xe đò xọc xạch chạy gần sáu tiếng đồng hồ. Người phụ nữ bên cạnh hỏi tôi :
- Chú đi về đâu?
- Dạ chưa biết nữa.
Nghe câu trả lời kỳ cục của tôi, người phụ nữ khẽ xích ra và nhìn tôi bằng đôi mắt cảnh giác.
Đến bến xe Long Khánh lúc bảy giờ tối, tôi ngơ ngác giữa Thị trấn tấp nập. Lúc ấy, tôi muốn khóc, chưa bao giờ tôi thấy cô đơn và lạc lõng như vậy. Bác tài xe lam ló đầu hỏi:
- Có đi Hàng Gòn không?. Tôi bước lên xe như cái máy.
Đêm trăng sáng, lấp lánh như vảy cá trên tàng lá cây. Hàng Gòn vắng lặng không một bóng người. Bên kia quốc lộ, rừng cây cao thẳng tắp, rộng ngút ngàn, sau này tôi mới biết đó là cây cao su. Đang loanh quanh, tôi phát hiện ngôi miếu cổ núp dưới tàng đại thụ um tùm, an tâm tôi chui vào để ngả lưng qua đêm. Giữa khuya nghe có tiếng hát khàn khàn:
".... Gặp đàn vịt trời, anh gương cung bắn, gặp cô yếm thắm ... và bóng người đi vào miếu . Tôi bật dậy, nắm khúc cây thủ sẵn. Gã đàn ông chẳng thèm để ý đến tôi, hắn huyên thuyên những câu chuyện không đầu, không đuôi rồi lăn ra ngủ. Tôi bật cười "Một thằng khùng".
Ngày đầu tiên đến miền đất đỏ, tôi gặp thằng Thải khùng trong hoàn cảnh như vậy, trông tôi cũng nhếch nhác không kém gì nó. Sáng ra tôi lang thang đi kiếm việc làm. Những khu vườn rộng lớn rào kín bằng cây xương rồng và kẽm gai, ngoài cổng nhà nào cũng đề bảng: "Coi chừng chó dữ". Hễ thấy bộ dạng của tôi là họ đóng ập cửa lại. Đến trưa, bụng đói chân run, tôi thấy ngôi chùa nhỏ có lối kiến trúc nửa đông nửa tây khá cầu kỳ, nằm giữa vườn cây rộng mênh mông, tôi lần vào xin cơm chay, mới hay ngôi chùa của bà chủ vườn dựng lên để tu tại gia. Tại đây tôi gặp ông Tám Hoành, biết hoàn cảnh của tôi ông đã xin với gia chủ nhận tôi vào làm công tháng cùng với gần ba mươi công nhân khác...
"Anh đang nghĩ gì vậy?" - Cô gái hái trái cây mướn người miền Tây bất chợt hỏi tôi . Tôi cười. Cô khác lại nói: "Anh nhớ người yêu rồi".
Ừ nhỉ, đã lâu lắm rồi tôi không nhớ Hương như hồi mới vào đây. Lúc ấy, tôi thơ thẫn nhặt hoa sầu riêng và nhớ cháy lòng mùi hoa dú dẻ mà Hương thường giắt lên tóc. Hoa sầu riêng gần giống loài hoa dân dã ở quê tôi, màu hoa trắng pha tí vàng, khi rụng ngả hẳn qua màu vàng chứ không tím ngắt như bài tập đọc tả loài hoa này trong sách giáo khoa tiểu học.? Đến mùa trái chín, hiếm hoi lắm mới có vài bông nở muộn, có lần tìm hoa trái mùa, tôi suýt chết vì trái sầu riêng rụng ngay trên đầu. Nghe tiếng la hoảng của ông Hoành, tôi vội nép người vào gốc, soạt, trái sầu riêng to như đầu người, gai tua tủa sượt qua vai, tôi phải nghỉ làm mấy ngày . Thứ trái cây này lạ thật, hễ chín là khắc tự rụng không cần hái. Mùi vị của nó đến là khó chịu, có lần ông Hoành khui một trái, múi to bằng nắm tay trẻ con, vàng ươm. Tôi bịt mũi hỏi: "Mùi này nó khó ngửi quá vậy, ăn làm sao được?". Ông Hoành nói: "Mày chưa quen đó thôi, chứ ăn được rồi ghiền lắm, ngon phải biết"
Bà Bảy băng bó vết thương cho tôi trợn mắt chửi: Đồ điên, bộ muốn chết hả, dặn rồi không nghe? Lượm chi ba thứ hoa rụng đó, giống thằng Thái khùng quá.
Tối đến, tôi ôm cánh tay bị đau nằm co quắp trong căn chòi giữ vườn, canh kẻ trộm, lạnh thấu xương, sầu riêng rụng lịch bịch cả đêm, vẩn vơ thân phận con người, buồn nẫu ruột . Biết vậy ở nhà đi cày cho xong.
Dành dụm bốn năm trời mua được sào đất bên bờ suối, chẳng có thời gian làm, cỏ mọc um tùm. Bao nhiêu sức lực lo kiếm cái bỏ vào miệng. Ngày đi mới mười tám bây giờ đã gần hai mươi ba tuổi, chắc Hương đã lấy chồng rồi .
Xe về tới vườn, tôi nói với bà Bảy:
- Bà Béo biểu cắt cho bốn tấn nữa, mai chở.
Bà Bảy phẩy bàn tay nặng trĩu vàng vòng, bảo:
- Lo ba miếng rồi đi làm.
Gần ba mươi con người rầm rập như tầm, chỉ một loáng, nồi cơm to tướng hết nhẵn. Ông tám Hoành vừa bẻ chôm chôm vừa ngâm nga câu cao dao quen thuộc "Cây khô xuống nước cũng khô, phận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo". Nắng lên cao, tiếng hát lan trong vườn cây âm vọng, khiến bầy chim kéc bay vút lên trời .
Tôi ngước mắt nói với ông Hoành:
- Thời nào cũng có người giàu chú Tám nhỉ!
- Ư! "Con vua được làm vua, con sãi ở chùa quét lá đa" Hồi xưa nhà này là chủ vườn giàu có khét tiếng miền Đông Nam bộ. Cà phê cao su cả ngàn mẫu, chó chạy ngay đuôi. Sau giải phóng còn lại hai chục mẫu vườn, mỗi năm thu nhập cả tỉ bạc. Cha tao ở Quảng vô làm thuê từ hồi tao còn ở truồng tắm mưa, tới đời tao cũng bám nhà này để sống .
- Họ có ác không chú ?
- Vi nhân bất phú mà mày, có điều mỗi thời mỗi cách ác khác nhau. Bây giờ bà chủ đêm nào cũng tụng kinh gõ mõ. Có lẽ nhờ tu nhân tích đức mà nhà nước trả cho gần năm chục mẫu đất nữa để trồng cao su, tha hồ giàu.
Ông Tám Hoành có lối nói giàu hình ảnh và cay cú, bà Bảy không ưa, nhưng ông Tám làm quản gia lâu đời nên không thay thế được. Người thương thì phục, người ghét bảo ông bị "mát" dây . Tám Hoành có tính hay thương người, hồi trước thằng Thải còn ở đây ông thương nó như con. Nhiều người độc miệng bảo thằng Thải là con rơi của ông chủ lúc nó chừng bốn tuổi có người đàn bà mang nó đến bỏ lại trong vườn, thấy nó xấu xí lại bị ngớ ngẩn bà Bảy giao cho ông Hoành nhốt ngoài vườn nuôi, riết rồi thành khùng. Khổ nỗi khùng cũng thích đàn bà, thấy mấy cô hái chôm chôm, nó ra vườn nhìn chũm chũm vào mảng da trắng hếu ló ra bên hông, nhìn như lột truồng người ta. Hồi nmới đến đây, tôi nghe nó bóp vú mấy cô gái trong nhà, bà Bảy nổi giận đuổi đi, thằng Thải ra ngoài miễu hoang ở. Ông Tám Hoành cho nó cơm hàng ngày. Nghĩ đời như nó cũng sướng.
- Tết này tôi về quê ông Tám à.!
- Mầy về chi? cưới vợ hả? Cưới đại con nào ở đây làm cho khỏe, về ngoài đó gặm đất để sống sao?
Không để ý lời can ngăn của ông, tôi nói như tâm sự:
- Từ hồi bà tôi mất tới giờ, chẳng có người thân nào chờ đợi cả, mà sao nhớ quá.
Đêm. Mệt lả người, không ngủ được, lại nghĩ đến chuyện về quê. Nói là nói vậy chứ lần lữa mấy năm rồi, tôi có về được đâu. Muốn về quê phải có tí tiền rủng rỉnh chứ đi Nam mấy năm mà vẫn cứ "khố rách áo ôm" coi sao được. Mấy lần viết thư cho Hương nhưng lại thôi.
Những cơn mưa miền đông kéo đến mờ mịt đất trời, ngồi trong chòi nhìn ra ngoài sân, nhớ hồi ở quê, cứ tới mùa mưa thế này, nước tràn đồng, cá giếc bơi sàn sạt cả trong sân nhà. Hương thường xách nơm qua nhà rủ tôi đi nơm cá. Môi tím tái vì lạnh hai đứa chộp được con cá bằng bàn chân, cười như nắc nẻ. Hôm bà tôi mất, Hương lo ma chay, khi tôi hay tin đã qua tuần bốn mươi chín ngày. Đang giữa mùa trái cây, bỏ việc chạy về được mươi hôm lại không gặp Hương . Nghe đâu cha mẹ ép lấy chồng, Hương bỏ lên Dùi Chiêng sống với bà dì. Lặn lội đi tìm ba ngày, xứ sở toàn núi đá chập chùng, lâu lâu trồi lên dăm nóc nhà, chẳng biết đường đâu mà lần, buồn quá, lại phải ra đi.
Đang nghĩ vẫn vơ, có tiếng ông Tám Hoành í ới ngoài vườn, tôi nhóng mắt ra màn mưa mờ đục, há hốc kinh ngạc. Hương đứng với Chín Cọp, ướt sũng, run cầm cập. Tôi không tin vào mắt mình, đứng lên không nổi. Ông Tám Hoành đưa hai người vào chòi. Tôi lắp bắp:
- Làm sao... làm sao em biết anh ở đây?
Chín Cọp trừng mắt nhìn tôi:
- Tao dẫn nó đi tìm mày muốn chết, biểu mày liên lạc với tao mà mày im bặt mấy năm trời, tệ quá!
Ông Hoành vỗ vai Chín Cọp.
- Thôi anh qua chỗ tôi làm mấy ly cho ấm, để tụi nhỏ tâm sự.
Chín Cọp theo ông Hoành, Hương ôm chầm tôi, khóc nức nở. Chúng tôi ngồi bên nhau, Hương thổn thức kể lại hành trình vất vả trên đường tìm tôi. Một con rắn trườn vào chòi, Hương hốt hoảng rút vào lòng tôi, con rắn thản nhiên bò qua chân chúng tôi rồi chui vào bụi chuối sau hè. Thân thể hừng hực của Hương làm tim tôi đập rộn rã, đất trời bềnh bồng... Một dòng máu nóng, nôn nao cuồn cuộn trong người, Hương khẽ rên và tôi biết một sinh linh đã được hình thành trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ này. Trời đã tạnh mưa, ngoài vườn sầu riêng rụng lịch bịch. Tiếng tụng kinh của bà Bảy quyện với bài đồng ca rả rích của côn trùng. Hương nằm cạnh tôi thở đều gương mặt buồn rầu, thánh thiện dưới ánh trăng nhàn nhạt. Tôi nghĩ: "May mà có được miếng đất bên bờ suối" và cúi xuống nhẹ nhàng đặt nụ hôn trên đôi môi nhợt nhạt của em. Trong niềm hạnh phúc vô bờ tôi chợt thấy thương thằng Thải khùng đang nằm co ro trong ngôi miếu hoang hiu quạnh, nơi tôi đã ngủ đầu tiên khi đặt chân đến vùng này .
Sáng hôm sau, Chín Cọp từ giã tôi đi về lại Sông Bé. Anh cho tôi biết anh đã bỏ nghề làm rẫy để đi buôn thuốc lá lậu qua biên giới, bây giờ khấm khá lắm rồi. Chín Cọp còn bảo tôi: Khi nào mày chán làm mướn hai vợ chồng mày lên biên giới đi với tao. Tôi nói: "Tôi không đủ can đảm . Anh chửi "Đồ nhát gan, bộ tính suốt đời làm thuê sao?". Đến trưa ông Hoành báo cho tôi biết bà Bảy sẽ tổ chức lễ cưới cho chúng tôi và nhận Hương vào làm công trong nhà. Hương rạng rỡ hỏi tôi "Bà chủ tốt lắm phải không anh?". Tôi cười: "Ừ tốt lắm. Vậy anh đưa em vào ra mắt bà chủ đi anh!". Tôi miễn cưỡng gật đầu rồi lầm lũi dẫn Hương đi theo ông Hoành, đầu óc mông lung với niềm mơ ước về một vườn cây trái xanh tốt của riêng chúng tôi. Lúc ấy, tôi sẽ về quê xây mộ cho bà và cha mẹ tôi, chắc chắn như vậy, tôi sẽ làm được điều ấy.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Một

NHỮNG DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG

TRƯỚC MẶT LÀ DÒNG SÔNG

Trung Quân

TIẾNG CHIM SẺ TRONG THÁNH ĐƯỜNG

TẤM DA CỌP

SÓNG NGẦM

NHƯ LÀ CỔ TÍCH

Lửa bên sông

Linh Chi

KẺ VÔ HỌC

Huyền Thoại Biển

GIẾNG TIÊN

Đoạn Kết Một Mối Tình