TIẾNG CHIM SẺ TRONG THÁNH ĐƯỜNG
Tác giả: Nguyễn Một
1- Những cơn mưa miền Đông, làm cho ban ngày trở nên ngắn lại. Đất đỏ như hút mất chút ánh sáng mờ ảo, không gian nặng nề đến nghẹt thở. Đoàn người bịt khăn tăng trắng ủ rũ kéo đến nhà thờ, càng tăng thêm vẻ u ám của một buổi chiều buồn ...
Bọn chim sẻ ở đâu kéo về, đông nghịt trên nóc nhà thờ, chúng đậu từ trên tháp chuông cho đến pho tượng Chúa Giêsu chịu nạn gục đầu nhẫn nhục. Tiếng chim sẻ ríu ra ríu rít như muốn át cả giọng trầm buồn của vị Linh Mục đang cầu nguyện cho linh hồn cụ bà Anê sớm được bình an bên nước Chúa.
Quỳ hàng ghế trên cùng, cụ ông gục đầu buồn bã, ông vừa từ giã người phụ nữ gắn bó cùng ông trên sáu mươi năm qua . “Tại sao bà lặng lẽ ra đi, mà không nói với tôi lời nào?” Ông đã khóc bên linh cữu của bà như vậy .
Người già khóc rất ít nước mắt, nhưng dễ làm mủi lòng người khác . Nhớ hôm bà còn sống, mỗi lần bà kể lại chuyện gì ông thường nạt “Sao bà nói nhiều quá” Bây giờ ông mới cảm thấy cần những lời nói của bà biết bao .
Pho tượng Chúa Giêsu vẫn cúi đầu nhẫn nhục, lời rao giảng của vị Linh Mục chìm trong tiếng mưa rơi, tự dưng tôi liên tưởng lời rao giảng của thánh Phê-rô trong nghĩa địa ngoại thành Rô-Ma từ hai ngàn năm trước. Khi cơn mưa ngớt hạt, tiếng chim sẻ lại ríu ran như bản hòa tấu thiếu nhạc trưởng. Bản hòa tấu rộng ràng và hồn nhiên đã từng tràn ngập trong tuổi thơ của tôi, ở một miền quê cát trắng ...
2- Quê tôi có ngôi nhà thờ nhỏ nằm cạnh nghĩa địa Phú Lộc, sau này lớn lên đi nhiều nơi, tôi mới biết nó không lớn lắm, chứ lúc ấy, đối với tôi đó là ngôi nhà kỳ vĩ nhất mà tôi được chứng kiến . Ở đó chim sẻ nhiều vô kể, chúng sinh sôi nảy nở, làm tổ dày đặc trên nóc nhà thờ. Mỗi trưa trốn ngủ tôi rủ Hương băng qua bãi cát nóng bỏng để trèo lên nhà thờ bắt tổ chim. Vị linh mục già nua, luôn ngước nhìn chúng tôi với đôi mắt buồn bã . Có lần tôi đánh rơi một con chim non từ nóc tháp chuông xuống đất . Con chim bị vỡ đầu, ngực còn thoi thóp thở. Hương nâng con chim nhỏ trên bàn tay bé bỏng, khóc nấc. Vị Linh Mục cúi xuống vuốt đầu Hương tỏ vẻ thông cảm. Hết bắt chim, chúng tôi thơ thẩn xung quanh nhà thờ. Có khi tôi theo Hương vào bên trong, quỳ trước mặt tượng Đức Mẹ Maria Tôi len lén nhìn vẻ mặt thành kính của Hương, tôi thấy Hương thật đẹp. Tôi nhận ra nét đẹp của con gái khi còn quá nhỏ . Lúc ấy, tôi mới mười ba tuổi. Một buổi sáng mùa đông mưa phùn xám trời, Hương rủ tôi đi theo một đám ma vào trong nhà thờ, thấy mọi người khóc, Hương cũng khóc theo. Còn tôi tỏ ra ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao người ta lại khóc nhiều đến thế ?
Lúc mọi người thành kính đọc kinh cầu nguyện, tôi ngước nhìn bọn chim sẻ rỉa lông trên nóc Thánh Đường. Hương khẽ hích vào hông tôi”Đọc kinh đi” . Tôi cúi đầu lẩm bẩm “Kính mừng Maria đầy ơn phước ...” Tôi chỉ biết mỗi bài kinh này, nhờ đọc cuốn truyện “Ông già và biển cả” trên giá sách của gia đình .
3- “Mẹ ơi. Là Mẹ .....” Tiếng khóc rấm rứt của cô Sáu ngồi trước mặt kéo tôi về thực tại . Tôi vốn là người lơ đễnh và mông lung .Chẳng khi nào tôi đủ kiên nhẫn ngồi hết buổi lễ trong nhà thờ mà không nghĩ ngợi xa xăm về một điều gì đó. Hết miên man với quá khứ, tôi lại nhớ những chuyện đầy kịch tính trong đám ma của cụ bà . Có lẽ tôi là cháu họ xa nên tình cảm đối với cái chết của cụ bà không đủ làm tôi mất hết tỉnh táo. Tôi lặng lẽ quan sát kẻ cười, người khóc trong đám ma như một khán giả xem hát bội. Cô Sáu là người khóc lớn nhất, tiếng khóc rền rỉ kèm theo những câu kể lể rất bài bản như một bài hát và cũng hay như khi cô chửi rủa xóm giềng của mình . Mỗi lần nghe cô khóc, những người đàn bà khóc theo, nghe rất ai oán, nhưng tôi lại thấy nó giả giả làm sao? Dượng tôi ngồi bên cô không khóc, mắt ráo hoảnh, đầy vẻ hối hận . Vì ông đã có lỗi với mẹ vợ của mình, khi bà còn sống. Đôi mắt của Dượng, tôi đã từng thấy nó loé lên tia nhìn độc ác và nham hiểu nhiều lần, nên tôi không tin vẻ hối hận ấy. Các chú khóc ít hơn, lặng lẽ hơn, họ khóc mà nét mặt như cười. Dù sao thì trông họ có vẻ thành khẩn nhất. Đàn ông khóc được như vậy là tốt rồi. Có một người mà lần đầu tôi thấy anh khóc, đó là anh chàng Tiệm, con trai cô Sáu, cháu ngoại bà cụ, cái anh chàng mập quá sớm, nên trông bề bộn và xôi thịt. Vậy mà lạ thay ! khi khóc và khi quỳ trong nhà thờ thì khuôn mặt trông lại rất nghiêm trang và thành khẩn . Quả thật chẳng có ai hiểu nổi tính “Muôn mặt” của con người.
Tôi cũng có một lần khóc. Nói ra phải tội. Nhưng thật sự tôi khóc vì trường liên tưởng của cuộc sống chứ không phải vì thương xót người chết .
4- Bỗng dưng một bầy chim sẻ bạo dạn sà xuống nắp quan tài, Hương hất hàm nhìn tôi trong lúc tôi cố nhớ đoạn chót của bài kinh Kính mừng . Người đàn ông đưa tay xua, bầy chim bay vút lên ríu ra, ríu rít như chỗ không người . Lễ xong, chiếc quan tài đưa ra khỏi nhà thờ. Tôi nắm tay Hương, chúng tôi theo sau đoàn người đưa đám. Hương ghé tai tôi thì thầm :
-Người chết là một cô gái trẻ .
Tôi hững hờ hỏi .
- Sao vậy nhỉ ?
- Tự tử.
- Sao lại tự tử ? tôi thắc mắc .
Hương ra vẻ khôn ngoan bấm tay tôi :
- Thất tình ?
Ở tuổi mười ba tôi chẳng biết tại sao người ta lại thất tình ? Tại sao người ta lại chết ?
Hương thường kể cho tôi nghe về một thế giới bên kia cực kỳ tốt đẹp, có dòng suối toàn sữa, có những chú bé nhỏ xíu, gọi tên là Thiên Thần, suốt ngày bay lượn trên những cánh đồng đầy hoa trắng, với đôi cánh bằng thủy tinh trong suốt. Hương chỉ cho tôi trò chơi”Thiên đàng, địa ngục hai bên ai khôn thì dại, ai dại thì khôn ....”
Thuở ấy, tôi rất tin vào thế giới Thiên đường kỳ ảo của Hương tôi mơ ước ngày nào đó tôi cùng em đặt chân đến những cánh đồng hoa trắng .
Nhưng rồi những ước mơ bay bổng và cái thế giới lạ lẫm ấy càng ngày mờ dần theo năm tháng, trôi tuột đi cùng với tuổi thơ dại khờ. Ngôi nhà thờ, đầy tiếng chim bên nghĩa địa chỉ còn là hoài niệm xa xăm trong tôi.
5- Bệ thờ phía dưới tượng Chúa được xây dựng bằng xi măng có gắn mấy hòn đá to bằng đầu người, ước lệ ngọn núi Sọ Golgatha, nơi Chúa Giêsu tử nạn . Một cặp chim sẻ vô tư hạ cánh xuống “ đỉnh núi” đứng rỉa lông cho nhau . Đôi mắt buồn thảm của Chúa như nhìn xuống đôi chim như muốn nói “Đây là một trong những sinh vật do cha ta sáng tạo mà chưa hề biết phản bội và giả dối. Vì chúng chẳng tham gia vào việc đóng đinh ta lên Thập giá, nên chúng chẳng cần phải quì gối mà cầu nguyện ta” . Đôi chim thản nhiên chạm hai cái mỏ xinh xắn vào nhau với vẻ âu yếm . Tôi chợt nhớ, lúc cụ bà trút hơi thở cuối cùng, cụ ông đã đặt nụ hôn run rẩy trên trán cụ bà.
Hình ảnh ấy, tôi thấy quen thuộc, cứ như mình đã gặp đâu đó trong cuộc đời, mà tôi không nhớ ra .
Bây giờ , trong bối cảnh nhà thờ đầy tiếng chim sẻ và những giòng hồi ức về cô bạn nhỏ chợt hiện về, tôi mới giật mình. Đúng rồi. Ngày xưa, tôi đã từng có lần hôn như vậy .... Hương nằm như đang ngủ. Một viên đạn vô tình xuyên qua lồng ngực tuổi dậy thì của em . Chiến tranh! Tôi nghe mẹ Hương kể rằng “Trước lúc hấp hối con Hương muốn được quàng trong Thánh đường nhỏ bên nghĩa địa”
Tôi ngồi bên xác Hương, suốt đêm hôm ấy, khi mọi người đã thiếp đi vì mệt, tôi đã nhẹ nhàng đặt môi hôn trên gò má mịn màng của Hương. Tôi như thấy khuôn mặt thánh thiện của em sáng lên, đôi môi cười hé. Lúc ấy, tôi nghĩ Hương đang bay lên Thiên đàng với đôi cánh thủy tinh trong suốt .
Hơn hai mươi năm qua rồi, mọi thứ đều thay đổi, chỉ còn tiếng chim sẻ vẫn như ngày nào, Hương ơi !