Trung Quân
Tác giả: Nguyễn Một
N ắng hừng hực đổ lửa trên cánh rừng, nắng tràn qua các tàn lá cây rọi lổ đổ lên cánh võng mắc giữa hai cây sao lớn. Thái mỉm cười khi nhớ lời K'Rin nói với anh: "Những đốm nắng ấy là mắt của lá rừng!". Thái dõi theo những mắt lá đung đưa trên cơ thể của cặp vượn đang âu yếm nhau trên ngọn cây. Hình ảnh ấy tạo ra không gian bình yên như chưa có chuyện máy bay Mỹ gầm rú quanh bầu trời chiến khu Đ, một giờ trước đó. Hai con vượn càng lúc càng táo tợn, Thái nghe người nóng hừng hực, anh xấu hổ bởi đòi hỏi khó chịu của thể xác. Dù cố xua đuổi, nhưng hình ảnh bộ ngực trần của cô gái người Chơ ro trên dòng suối, tình cờ anh bắt gặp trong một buổi chiều đẹp trời, cứ mãi ám ảnh anh. Thái sững người trước cơ thể trinh nữ săn chắc của cô gái. K'Rin té nước lên bộ ngực trần hồn nhiên hát bài "tapớt" quen thuộc của dân tộc cô, bài hát ca ngợi núi rừng và tổ tiên của người Chơ Ro. Bất chợt nhìn thấy anh bộ đội xuất hiện, K'Rin đưa tay ôm mặt. Thái ngạc nhiên trước hành động kỳ lạ của cô gái, theo thói thường cô phải che các bộ phận khác của cơ thể, đàng này cô lại che mặt? Anh quay lưng vội vã bỏ đi, chỉ một thoáng thôi, bộ ngực tràn đầy sức sống cứ bám theo anh mãi...
Thái không phải người miền đông, anh sinh ra trên một vùng đất nghèo miền trung. Tuổi thơ của anh chứng kiến nhiều cảnh hãi hùng. Năm Thái mười lăm tuổi, quân đội Ngô Đình Diệm xâu tay hàng trăm người mà họ gọi là "cộng sản" ném xuống đập Vĩnh Trinh, trong đoàn nguời ấy có cha của anh. Anh luôn mơ thấy cảnh hàng chục con người chìm trong nước, vùng vẫy tuyệt vọng. Từ khi bất ngờ gặp K' Rin những giấc mơ trở nên dịu dàng hơn, hình ảnh chết chóc thay bằng đôi bầu vú màu nâu sậm... Giấc mơ làm anh thấy dễ chịu hơn, sau những giờ vật lộn mệt mỏi với những quả bom nổ chậm. Anh không thể chia xẻ cùng bạn bè, đó là giấc mơ làm nhụt ý chí chiến đấu!
Ngày cha anh mất, ông ngoại ôm anh khóc như mưa, ông cõng anh trên lưng và xỉa cho bọn lính hàng đống tiền để đưa anh ra thành phố ăn học. Xong tú tài, anh quay về quê trốn quân dịch, ông đã động viên anh nhảy núi theo cách mạng. Bằng kiến thức đã học anh tự chế hàng chục quả mìn từ bom nổ chậm của Mỹ, diệt hàng trăm tên giặc. Những đêm ôm bộc phá chờ đột nhập vào đồn địch, giữa lằn ranh của sự sống chết, đôi mắt hiền từ và cương nghị của ông đã giúp anh bình thản nằm ngữa trên bãi cỏ, thả hồn lên các vì sao và mơ ước một ngày đất nước thanh bình để về sống cùng ông.
Cuối năm bảy mươi, anh gặp Đại tá Hai Xê trên đường vào miền nam chiến đấu, không hiểu sao ông biết anh có khả năng chế tạo mìn, ông làm việc với đơn vị du kích địa phương, tuyển anh vào quân chủ lực.Gương mặt rắn rỏi, giọng nam bộ, ông vỗ vai anh bảo:
- Chú có muốn theo anh vào chiến trường miền nam không? Có tài như chú, trong ấy rất cần.
Quá vui sướng và bất ngờ anh lí nhí:
- Dạ sao thủ trưởng biết em?
Ông bật cười ha ha, nụ cười vang khắp núi rừng, như thế hèn gì ông không làm lớn, ông ngoại anh bảo "nam thanh nữ sắc" mà. Người có giọng nói nhỏ nhẹ như anh có đức tính thủy chung, chứ không nên quan, nên tướng được. Cười xong, tư lệnh vỗ vai anh:
- Cứ đi theo anh rồi sẽ biết!
Thái cùng ông băng rừng hơn một tháng mới vào được chiến khu Đ, anh được điều về xưởng công binh cùng anh em chế tạo mìn. Trên đường hành quân hai thầy trò thương nhau như cha con. Hoá ra ông là người quen cũ của ông ngoại anh.
- Ngày trước ông của chú vào Ban Mê Thuột làm đường ray cho Pháp, có lần cứu anh thoát chết. Nhà anh dưới chân núi, nơi có đường tàu chạy qua, ngày đầu tiên khi chuyến tàu chạy thử, anh ra đứng dang tay chặn đoàn tàu chơi, con nít thời bấy giờ khờ lắm! May ông ngoại của chú lao ra nhấc anh khỏi đường tàu.
Ngày đầu vào chiến khu Đ, ông ra lệnh cho quân lính dùng loại lá dây leo dài như lá dong quê anh, để lợp nhà. Loại lá này rất lạ, nó không hề bắt lửa như tranh hay dừa nước, hễ pháo trúng chỗ nào chỉ cháy chỗ ấy không lan ra. Chúng mọc đầy trong rừng chiến khu Đ, dân địa phương gọi là lá Trung Quân. Anh khâm phục kiến thức của ông, sống bên ông anh mới thấy cái "tú tài một" của mình chẳng là gì so với ông. Sĩ quan "cộng sản" mà ông rành kinh thánh lẫn kinh dịch và cả thuật phong thủy . Ông chỉ huy quân đào hàng chục km địa đạo và hầm trú ẩn, dù trời mưa hàng tháng vẫn không ngập nước, mùa nào ở trong hang cũng mát rười rượi.
Không phụ lòng ông, anh đã nảy ra sáng kiến dùng thuốc nổ từ mìn nổ chậm của bọn Mỹ để chế loại mìn chống tăng trang bị cho bộ đội địa phương vùng Định Quán, Tân Phú. Nhờ loại mìn này bộ đội địa phương ngăn chặn được những cuộc càn quét bằng xe tăng của bọn Mỹ...
***
Ở chiến khu Đ thịt rừng nhiều vô kể, ngày mới vào anh săn bắn say sưa, những chú thỏ mập ú lột da nướng tại chỗ chấm muối ớt ăn ngọt tận chân răng. Bây giờ thịt rừng chẳng còn hấp dẫn đám lính trẻ, nỗi khao khát đàn bà cháy bỏng cơ thể. Đó là sự đớn hèn mà ai cũng cố giấu. Thời chiến tranh, tội hủ hoá ngang tội phản quốc! Chị Năm đầu bếp có lần cởi áo chạy khắp rừng, tư lệnh bảo chị bị bệnh cà hước, căn bệnh thiếu đàn ông! Tội nghiệp ở nơi nhan nhản đàn ông mà "thiếu "mới khổ! Mùa khô năm trước giặc bao vây chiến khu hơn một tháng, nhân dân không tiếp tế được, cả đơn vị thiếu muối vàng mắt, khổ nhất là anh em thương binh, người họ cứ phù lên, vết thương không chịu lành miệng. Chị Năm đã lặn lội hàng trăm cây số đường rừng về tận Xuyên Mộc vượt qua bao hiểm nguy cõng muối về cho anh em. Giặc rút đi, chị mò về làng, đêm trở lại rừng, chị say khướt nằm sóng soài bên bờ suối. Thấy chị hớ hênh một anh lính trẻ sàm sỡ với chị. Lúc tỉnh dậy chị nắm cổ áo anh ta vặn hỏi, anh này sợ chị nên chối đây đẩy. Biết chuyện, Tư Lệnh kỷ luật nặng anh lính trẻ, chị chạy đến vừa khóc vừa xin, lời can xin rất thật tình của chị khiến mọi người cười mà ràn rụa nước mắt: "Báo cáo thủ trưởng xin thủ trưởng tha cho chú ấy, em giận là vì chú ấy thiếu can đảm dám làm mà không dám chịu. Chứ đối với em chuyện ấy nhằm nhò gì!". Anh lính trẻ lạy chị như tế sao.
Thái nhớ K'Rin cồn cào, sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, Thái có dịp gặp lại K'Rin trong lần anh đi nhổ mì cho đơn vị. Rẫy mì bên bờ suối, rộng bạt ngàn. Khi vừa đến anh bắt gặp K'Rin đang nhổ mì, cô nhìn anh cười tự nhiên như chưa hề có lần gặp gỡ oái ăm ấy. Nhổ đầy gùi, K'Rin bẻ cây tro lại vùng đất trống. Ở đây, có qui định ai nhổ mì cũng được, nhưng phải tro lại để người đến sau có cái ăn, vì vậy mà rẫy mì ngày càng rộng. Cô giúp Thái nhổ mì và tro lại. K'Rin nói tiếng kinh rất sõi. Anh và cô nhanh chóng thân nhau. Từ đó, rẫy mì là nơi hò hẹn của hai người. Hơn một tuần nay, đơn vị giao cho anh nghiên cứu hạn chế tác hại của loại mìn mới mà bọn Mỹ rải xuống rừng chiến khu Đ, nên anh không có dịp gặp K'Rin. Loại mìn nhỏ, khi được rải xuống đất nó xoè ra như cánh bướm, bung ra hết cỡ, khi bộ đội và nhân dân vướng phải, kích nổ ngay. Loại mìn này gây thương vong rất lớn, anh vò đầu bứt tai gần mười ngày mà chưa nghĩ ra cách phá giải.
Gần cả năm trời yêu nhau, chưa lần nào anh được nhìn lại bầu ngực trinh nữ của K'Rin. Anh cũng không đủ can đảm chạm vào người cô. Anh mong cho trời mau tối để đến với cô. K' Rin sống với cha giữa rừng bên cạnh rẫy mì của bộ đội, K' Rin bảo anh: "Cha em là người đặt ra qui định ai nhổ mì xong phải tro lại, không kể dân hay bộ đội". Chưa bao giờ anh dám tiếp cận ông già thượng ấy. Trên tay ông lúc nào cũng có cây chà gạc sắc lạnh người. Chưa thấy ông mở miệng ra với ai, ngoài con gái mình. Trời sụp tối chị Năm lại gặp anh nói nhỏ:
- Cậu biến đi một bữa cho đầu óc sáng suốt rồi sẽ có cách trị loại mìn này, suốt ngày ngồi trong xưởng ích gì, có chuyện gì chị lo cho!
- Cám ơn chị.- Thái lí nhí rồi vọt chạy. Chị Năm nhìn theo chép miệng: - Tội nghiệp ! Nếu không có chiến tranh thì đâu đến nỗi!
Trăng sáng như ban ngày, đám lá mì lấp lánh như muôn ngàn con mắt lúng liếng dưới trăng. Nghe tiếng động bầy chim chiền chiện đang ngũ vụt bay lên rợp cả cánh rừng. K'Rin chờ anh bên bờ suối; ngã đầu vào vai anh, cô nũng nịu:
- Em chờ anh cả tuần nay!
Anh yên lặng ôm cô vào lòng, mùi thơm núi rừng toát ra từ cơ thể trinh nữ của cô, làm anh ngây ngất. Khác với sự ngộ nhận của nhiều người. K'Rin không có vẻ gì là người dân tộc thiểu số.Nếu không có đôi mắt đẹp một cách man dại và bộ trang phục dân tộc trên người hẳn anh đã nghĩ cô là người kinh. Anh thổ lộ ý nghĩ của mình, cô cười và bảo:
- Anh đừng nghĩ người dân tộc chúng em ai cũng ngây ngô. Lúc ở làng em đã được đi học như người kinh. Từ ngày mẹ em bị giặc hãm hại, ba em đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài đưa em vào rừng, buồn muốn chết, may mà gặp anh.
- Hết chiến tranh anh sẽ cưới em.
- Anh nói thật không?
- Anh thề!
K'Rin đưa tay lên bịt miệng Thái:
-Đừng anh, núi rừng linh thiêng lắm! Mắt lá đang nhìn...
Bục ...hú..h...ú...a..Một loạt pháo bắn vào rừng, đám rẫy mì bị cày tung, Thái ôm K'Rin lăn tròn xuống chiến hào bên bờ suối, hai cơ thể trẻ trung gắn chặt vào nhau. Đạn pháo vẫn ì ầm nổ. Bóng trăng vẩn đục bởi bụi và khói, miểng bay rào rào. Dưới lòng đất họ tan vào nhau.... Khi trận pháo kích ngưng, trả sự bình yên cho núi rừng, mặt mũi lấm lem bùn đất, họ ngồi ôm nhau cười.....Mãi sau này mỗi khi nhớ lại Thái vẫn không thể tin được là họ đã thuộc về nhau trong cái khung cảnh lạ lùng ấy...Thái tháo sợi dây xà tích đeo vào cổ tay tròn lẳn của K' Rin...
Ba tháng sau, ông Điểu Mân đến tìm tư lệnh ,cắm phập lưỡi dao rừng trứơc mặt vị chỉ huy:
- Lính của mày đã làm cho con K'Rin có mang, mày phải cho nó nghỉ làm bộ đội về sống với con K' Rin.
Nói xong ông rút lưỡi dao và bỏ đi, lời của ông như một mệnh lệnh không thể thay đổi được. Dù rất thương Thái, ông cũng buộc phải kỷ luật cậu. Thái đã kể cho ông nghe chuyện này, chính ông cũng không tin điều ấy đã xảy ra ngay trong lúc ông ngồi trong hang nhìn về phía rẫy mì, lo cho tính mạng của người lính mà ông thương như con ruột. Ông gọi Thái về ban chỉ huy và bảo:
- Cậu hãy rời khỏi đơn vị về sống với K'Rin, dám làm, dám chịu, không khóc lóc gì cả. Tôi sẽ không cho ông ngoại cậu biết chuyện này đâu. Thái lầm lũi đi khỏi rừng, chị Năm chạy theo dúi vào tay Thái gói quần áo trẻ con. Ngân ngấn nước mắt chị nói:
- Sau cái đêm say rượu bên bờ suối chị tưởng mình đã có diễm phúc làm mẹ, nào ngờ... cậu lính trẻ ấy nhát quá...! Hãy cố lo cho mẹ con cô ấy.
* * *
Câu chuyện được chị Năm đầu bếp kể lại cho tôi nghe bên lề cuộc họp mặt các doanh nghiệp thành đạt trên địa bàn thành phố. Sau giải phóng chị về làm cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống, bây giờ chị là giám đốc công ty tư nhân chuyên sản xuất bánh ngọt nổi tiếng.
Tất nhiên tôi dễ dàng tưởng tượng ra cảnh vợ cho Thái sống hạnh phúc trong khu rừng xinh đẹp ấy. Theo lời chị Năm thì lúc Thái bị đuổi khỏi đơn vị, đêm hôm ấy, chị bị thương được đưa về hậu phương chữa trị, vài năm sau, đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong không khí hồ hởi, ít ai nhớ người lính yếu đuối bị trục xuất khỏi quân ngũ vì tội "quan hệ bất chính". Bây giờ người ta dễ thông cảm cho chuyện vụng dại ấy, thậm chí người ta nói về chuyện trai gái như một chuyện vui. Tôi nghĩ con của Thái cũng đã lớn và Thái có thể trở thành ông già Thượng như bao ông già khác, ban ngày đi săn, đêm đêm uống rượu cần và kể khan cho con cháu nghe. Biết đâu ông còn sáng tác ra bài Khan về câu chuyện có một người con của núi rừng được thụ thai dưới lằn đạn của quân xâm lăng.
Còn một thắc mắc mà tôi không thể không hỏi chị Năm:
- Nè chị Năm vì sao mà các cô gái dân tộc bị bắt gặp lúc họ tắm, họ lại che mặt mà không che chỗ khác, họ khờ quá chị nhỉ?
Chị Năm cười ha hả, nụ cười sảng khoái của người đàn bà thành đạt:
- Có mình mới khờ chú ạ, chú nghĩ thử xem đàn bà thì "chỗ ấy" ai mà chả giống nhau, chỉ có cái mặt là khác thôi, nên các cô che mặt để đàn ông không nhận ra, nếu có gặp lại khỏi mắc cỡ.
-À ra thế!
Sau lần gặp gỡ chị Năm, tôi lao vào viết những bài báo ca ngợi chiến công trong quá khứ của các chiến sĩ hết lòng vì tổ quốc, tôi không có ý định viết lại chuyện này vì nó chẳng vẻ vang gì; nếu không có lần tôi về dự lễ kỷ niệm năm mươi năm thành lập chiến khu Đ.
Giữa rừng cờ hoa và nườm nượp người, tôi chú ý đến vị tướng già lẳng lặng tách khỏi đám đông đi về phía bờ suối. Tôi đi theo ông vì máu nghề nghiệp, may ra có thể gặp riêng ông để làm bài "phỏng vấn tướng lĩnh"cho đặc san của Hội cựu chiến binh. Vị tướng già dừng lại bên bờ suối, rút thẻ hương cắm lên ngôi mộ giữa rừng và lầm rầm khấn:
- Thái ơi chú đã về thăm cháu đây!
Tôi giật mình đánh thót khi nghe ông nhắc đến tên Thái. Hoá ra sự tưởng tượng của tôi sai bét. Tôi lân la trò chuyện cùng ông và ông đã kể lại chuyện của Thái như sau:
Thái sống với K'Rin thật hạnh phúc, ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá Trung Quân bên bờ suối đã tạo ra cảm giác thanh bình giữa những ngày bom đạn. Tuy vậy người lính trẻ vẫn ray rứt khôn nguôi bởi tội lỗi của mình. Suốt ngày anh mày mò nghiên cứu phương pháp chế tạo bom mìn. Không được phục vụ cho đơn vị, anh chế mìn cài quanh vành đai bảo vệ chiến khu. Gần ngày giải phóng chiến sự càng ác liệt, biết được Sở chỉ huy chiến dịch nằm trong rừng, Mỹ tung thám báo lùng sục. Không hiểu cách nào mà bọn thám báo đặc biệt của quân chư hầu lẻn vào tận mật khu. Thái kịp phát hiện bọn này lúc chúng vướng mìn do Thái cài bên bờ suối. Biết không thể báo kịp cho sở chỉ huy, Thái ôm khẩu súng săn và quả lựu đạn, để chặn đánh. Nghe tiếng mìn nổ và tiếng súng, bộ đội kịp thời xuất hiện tiêu diệt bọn thám báo. Xong việc, người Thái nát không còn nhận diện được bởi hàng chục họng súng tiểu liên cực nhanh trút lên người anh. K'Rin ôm xác chồng khóc không thành tiếng. Bỗng có tiếng máy bay gầm rú hướng về bầu trời chiến khu Đ, kịp thời nhận định tình hình diễn biến xấu, ông ra lệnh rút quân ngay trong đêm. Bất ngờ K' Rin hú một tiếng dài như điên dại và vác xác chồng trên vai chạy biến vào khu rừng âm u. Chỉ hơn mười phút sau, bọn Mỹ đem bom cày xới khu Bà Hào, nơi bọn thám báo bị tiêu diệt. Điều ân hận nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là đã không kịp buộc K' Rin cùng đơn vị rời nơi cư trú. Đất nước thống nhất ông quay lại đây tìm họ, sau nhiều ngày đào bới, quân lính của ông tìm được sợi dây xà tích bằng vàng của Thái. Sợi dây này ông rất quen thuộc, có lần ông phê bình Thái chuyện đeo vàng trong hoàn cảnh chiến tranh là không phù hợp. Thái giải thích đây là kỷ vật của ông ngoại tặng cho anh, ngày anh nhảy núi, ông dặn sau này hoà bình mà ông không còn sống thì có cái mà cưới vợ. Khi K' Rin trao thân cho anh, anh đã dùng nó làm lễ vật cầu hôn.
Mặt trời khuất dần sau những tàng cây đại thụ, bầy chim bohao tìm chỗ ngũ cãi nhau inh ỏi. Trong khung cảnh không mấy thơ mộng ấy ông nhìn ngôi mộ và nói với tôi:
- Ngôi mộ này là nơi chôn cất kỷ vật tình yêu của hai người trẻ tuổi! Thái đã được công nhận liệt sĩ, nhưng Thái đã không còn hài cốt để mang về nghĩa trang, thôi để chúng nó nằm đây vậy, nằm đây cùng nhiều đồng đội chưa tìm được hài cốt trong khu rừng này.
Hoàng hôn trong rừng buồn quá! Ánh chiều vàng vọt xuyên qua kẽ lá như hàng trăm con mắt rọi lên ngôi mộ.
Câu chuyện đến đây có thể kết thúc được rồi dù đó là một kết thúc buồn nhưng biết làm sao, chiến tranh mang lại cho dân tộc Việt Nam hàng triệu triệu nỗi bất hạnh chứ đâu riêng gì Thái! Nhưng vợ tôi vô tình đọc được bản thảo cứ mãi băn khoăn về số phận đứa bé con của "Chú Thái và cô K'Rin". Với linh cảm của phụ nữ, nàng tin chắc đứa bé còn sống. Nghe lời vợ, tôi lặn lội vếp Lý Lịch ven rừng chiến khu Đ để tìm kiếm đứa con đã được "thụ thai dưới lằn đạn của quân xâm lăng". May mắn, tôi gặp già làng Điểu Mân, ông già sống hơn thế kỷ mà vẫn còn rắn chắc sừng sững như cây gỗ lim. Nghe tôi hỏi chuyện, ông già chậm rãi nâng tẩu rít một hơi thuốc dài, nhả khói mờ mịt, trong làn khói ông đưa mắt nhìn tấm hình chàng trai trẻ oai vệ trong bộ trang phục kiểm lâm, anh bo súng đứng trên tảng đá lớn, hiên ngang nhìn về phía thượng nguồn dòng sông Đo Nai, rồi ông từ tốn nói:
- Nó đấy, thằng Trần Trung Quân đấy, đêm ấy ông Tướng giằng thằng bé khỏi tay tôi và buộc tôi đi theo đoàn quân của ông. Tôi cho nó mang họ cha nó để nối dõi tông đường theo tục lệ người kinh, nó lớn lên từ núi rừng nên mạnh mẽ lắm, không yếu đuối như cha nó. Bây giờ nó là sỹ quan kiểm lâm bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên đấy. Lâu lâu nó lại băng rừng về thăm tôi. Nó không cho tôi bẫy thú nữa, chỉ ở nhà thôi. Ở nhà kể khan cho con cháu trong làng nghe.
Đêm ấy, tôi ở lại cùng ông, ông đưa tôi ra rừng đốt lửa mời tôi uống rượu cần. Ông già nhìn đăm đăm vào đống lửa. Rừng âm u, lâu lâu rộ lên vài tiếng chim lạ, xen lẫn trong bản hoà tấu của bầy côn trùng và tiếng reo rào rạt của lá cây nghe rợn cả người. Trên cái nền nhạc rừng rú ấy, lời khan bay lên, dường như nó phát ra từ lồng ngực vạm vỡ, chứ không phải từ cái miệng được che kín bằng bộ râu trắng như cước của ông già:
Yang K'Bôông đi tìm phía bên kia mặt đất, nơi ấy bị tối tăm mặt trời bị che lấp.
Yang K'Bôông đem về đây một trái ba một chiếc gùi nhỏ, cho trẻ em đi hái nấm, một chiếc gùi dài cho đàn bà đi lấy nước...
....Hỡi các con yêu quý của ta hãy cà hàm răng để đừng giống răng con cọp trong rừng, răng con cá sấu dưới suối. Các con chỉ nên ăn cơm gạo của Yang Kô- ê, ăn cá suối của Yang K' Yết , đừng bao giờ ăn thịt con người... (*)
Tôi đưa tay kéo cần rượu, nhắm mắt rít một hơi dài, chưa bao giờ tôi phấn khích đến vậy, tôi uống say khướt, rồi leo lên cái võng dù treo giữa rừng ngũ một giấc dài...
Về đến nhà, nhìn nét mặt rạng rỡ của vợ lúc tôi báo tin cho nàng biết về người con trai của họ, nên tôi không thể không viết thêm đoạn kết rất "có hậu" này. Kính mong bạn đọc lượng thứ cho tôi cái tội dông dài.
Chiến khu Đ 1997- Biên Hoà 2001
N.M
-------------
(*) Lời khan do cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ sưu tầm