Chương 3
Tác giả: Nguyễn nhật Ánh
Tôi gửi thơ cho tuần báo Bạn Trẻ là gửi cho vui, không mong gì được đăng.
Sau ba tuần đọc "cọp" báo Bạn Trẻ ở hiệu sách gần trường, chẳng thấy bài thơ của mình đâu, tôi chán nản không màng theo dõi nữa.
Tôi thất vọng hiểu rằng mộng ước trở thành thi sĩ của tôi thế là đã tan thành mây khói.
Nhưng cuộc đời không hoàn toàn tệ bạc với tôi. Những ngày đó, tôi phấn khởi nhận ra tụi học sinh chuyển qua từ lycée Pascal không siêu đẳng như tôi tưởng.
Tụi nó nói tiếng Pháp như gió nhưng khi làm bài tập grammaire, chúng thường ít điểm hơn tôi. Và khi làm rédaction, tức môn luận văn, chúng càng thua tôi rõ rệt. Thua cả thằng Hồng Hà.
Tụi lycée Pascal viết tiếng Pháp như viết tiếng mẹ đẻ, dùng temps dùng mode chính xác cực kỳ, nhưng ý tưởng lại đơn giản.
Trong khi tôi và Hồng Hà được trui rèn trong văn chương tiếng Việt từ bé, bốn năm học phân tích bình giảng văn thơ đến chóng mặt, do đó khi làm luận văn, ý tưởng của hai đứa tôi luôn luôn phong phú hơn. Đó cũng là nhận xét của thầy Xuân Thu. Bao giờ chấm bài tập rédaction của tôi, thầy cũng hào phóng phê "ý dồi dào, văn gãy gọn".
Hôm bài rédaction đầu tiên được phát ra, thấy bài làm của tôi cao điểm nhất, tụi Pascal ngạc nhiên lắm. Chúng không tin một tên học sinh tỉnh lẻ lù khù, lần nào bị thầy Xuân Thu kêu lên cũng đứng ngay cán cuốc lại có "tài" đến thế.
Chúng cứ nhìn về phía tôi, xì xào bàn tán. Thằng Đông Anh ngồi gần tôi nhất. Ngập ngừng một lát, nó chìa tay ra:
- Ê, Khoa! Cho tao mượn bài làm của mày coi chút nào!
Tôi rụt rè đưa tờ giấy cho nó, bụng thấp thỏm không biết tụi này định khiếu nại, kiện cáo gì về bài làm của tôi với thầy Xuân Thu đây.
Thằng Đông Anh coi bài của tôi lâu thật lâu, xong chuyền qua cho thằng Diên bên cạnh. Một lát, thằng Diên chuyền cho thằng Bội. Thằng Bội chuyền cho thằng Minh Khôi.
Sau khi tụi Pascal chuyền lòng vòng một hồi, thằng Đông Anh đưa trả bài lại cho tôi, miệng xuýt xoa thán phục:
- Đứa nào cũng khen mày viết văn hay! Tụi tao không bắt chước cách viết bay bướm của mày được.
Tôi thở phào. Hóa ra tụi Pascal không nhỏ mọn như tôi nghĩ. Chúng mượn bài làm của tôi để xem cho biết, để "học hỏi", chứ không phải để "vạch lá tìm sâu" như những kẻ đố kỵ.
Tự nhiên tôi thấy khoảng cách giữa một học sinh tỉnh lẻ như tôi với tụi học sinh trường Tây được thu ngắn đáng kể.
Tôi nói với Đông Anh:
- Tao viết chả có gì đặc biệt. Tụi mày thừa sức viết như tao.
Đông Anh cười hiền lành:
- Mày khiêm tốn đấy hở?
Tôi cũng cười:
- Đâu có.
Tôi nói "đâu có" và tôi tiếp tục đạt điểm cao nhất ở môn rédaction lần thứ hai, lần thứ ba và không lần nào chịu tụt xuống hạng nhì từ đó cho đến cuối năm.
Nói cho đúng ra, sở dĩ tôi toàn thắng ở môn rédaction phần lớn nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Hồng Hà.
Làm luận văn, văn phạm vững vàng, ý tưởng phong phú chưa đủ. Cần phải có vốn từ dồi dào để thể hiện những ý tưởng đó. Mà ở môn từ vựng, tôi không phải là một học sinh xuất sắc.
Nhưng tôi đã có Hồng Hà. Nó là một cây từ vựng. Trong giờ luận văn, mỗi khi nghĩ ra được một ý hay hay nhưng không nhớ từ tương đương bên tiếng Pháp, tôi chỉ việc quay sang Hồng Hà:
- "Cảm hứng" là gì hở mày?
- L'enthousiasme.
- "Trong khoảng xa xăm" viết sao hở mày?
- Dans le lointain.
- Còn "cứu rỗi" là gì?
- La rédemption.
Hồng Hà đáp như máy, không cần suy nghĩ. Khi trả lời những câu hỏi của tôi, nó vẫn tiếp tục làm bài của nó, không buồn ngẩng đầu lên. Tất nhiên là nó không nói trôi chảy được như thế. Chữ "L'enthousiasme bao giờ cũng phải là "L'en... L'enthousi... siasme".
Nhưng chính nhờ nó mà trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Tôi không sợ thiếu từ để diễn tả. Tôi chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là làm sao nghĩ ra được càng nhiều ý hay càng tốt, sao cho tụi thằng Đông Anh phải luôn luôn tâm phục khẩu phục "tụi tao không bắt chước mày được".
Ở môn rédaction, tôi lúc nào cũng đứng nhất, Hồng Hà lúc nào cũng đứng nhì. Nhưng Hồng Hà không bao giờ ghen tị với tôi. Mặc dù nó thừa hiểu, khi tôi hỏi, nếu nó không thèm đáp hoặc vờ bảo "không biết", tôi sẽ không thể nào đứng vững trên đỉnh cao chót vót của môn rédaction lâu như thế.
Nhưng Hồng Hà là đứa bạn tốt. Nó không thèm cạnh tranh với tôi. Nó chấp nhận đứng thứ hai, miễn là trên tụi thằng Đông Anh, thằng Diên, thằng Bội...
Hồng Hà là chúa "cục bộ trường Tây - trường ta". Mỗi lần thầy Xuân Thu phát bài tập rédaction, Hồng Hà bao giờ cũng sung sướng thì thầm vào tai tôi:
- Tụi... tụi Pascal học không bằng tụi trường... trường Việt mình đâu!
Và để bảo vệ sự hơn hẳn của "tụi trường Việt mình", Hồng Hà sẵn lòng làm cuốn từ điển sống cho tôi "tra cứu" bất kỳ lúc nào.
Hồng Hà là một cuốn tự điển sống hiểu theo nghĩa đen. Vì nó thuộc lòng nguyên cả cuốn từ điển Pháp Việt dày cộm, không sót một từ.
Phát hiện đó làm tôi vô cùng kinh hãi.
Thoạt đầu, mỗi khi bí từ vựng, tôi thường quay sang hỏi nó. Mặc dù tôi hỏi đâu, nó đáp đó, không bao giờ bí, cũng không bao giờ ngập ngừng, nhưng tôi chẳng chú tâm lắm. Tôi chỉ nghĩ tại tôi kém từ vựng. Tôi nghĩ vốn liếng của Hồng Hà chắc chỉ hơn tôi chút đỉnh và dĩ nhiên là không thể nào sánh bằng tụi Pascal.
Nhưng càng ngày tôi càng ngạc nhiên, khi nhận ra nhiều lúc tôi hỏi những từ vô cùng khó, nó vẫn chẳng thèm lúng túng mảy may.
- "Sự chiếu lệ" là gì hở mày?
- La routine.
- "Chim gõ kiến" là gì?
- Le pic.
- "Vong hồn"?
- Les mânes.
Tôi trố mắt khâm phục:
- Sao mày biết nhiều từ quá vậy?
- Ừ.
Hồng Hà trả lời chán phèo.
Tôi lại hỏi:
- Có từ nào mày không biết không?
- Chắc là có.
Tôi thăm dò:
- "Người bán thuốc Tây" gọi là gì?
- Le droguiste.
Tôi nhíu mày cố nghĩ một từ thật hóc hiểm:
- "Nền quân chủ lập hiến"?
Hồng Hà vẫn tỉnh khô:
- La monarchie constitutionnelle.
Đầu tôi xoay tít:
- "Bạch huyết cầu"?
- Le leucocyte.
Hồng Hà đối đáp như gió làm tôi đâm nghi:
- Đúng không đó mày?
- Đúng chứ.
Tôi chớp mắt:
- Tao nghi mày bịa ra quá.
Hồng Hà mỉm cười:
- Không tin thì mày giở từ điển ra coi lại đi.
Không cần Hồng Hà nhắc đến lần thứ hai, tôi lật đật lôi cuốn từ điển Việt Pháp trong ngăn bàn ra, lật vần B, dò chữ "bạch huyết cầu".
Chữ "leucocyte" đập vào mắt khiến tôi xanh mặt.
- Có... có chữ đó không?
Tôi xụi lơ:
- Có.
Rồi tôi huơ cuốn từ điển trên tay:
- Bây giờ tao nhìn vào đây để hỏi mày nghe?
Tôi hỏi một câu cho có lệ rồi chúi đầu vào từ điển dò dẫm, không để Hồng Hà kịp từ chối. Tôi tin chắc lần này tôi sẽ bắt bí được thằng cà lăm này. Để tự tôi nghĩ ra, có thể tôi sẽ không nghĩ được những từ hóc búa đến mức "hạ gục" được nó, chứ nếu cho tôi nhìn vào từ điển để hỏi, chắc chắn tôi sẽ khiến nó khóc thét.
Tôi hí hửng nghĩ bụng và hăm hở "dò bài", tất nhiên tôi cố tâm lục toàn những từ "độc chiêu", khi học tiếng Việt còn chưa chắc gặp nữa là học tiếng Pháp:
- "Con kỳ nhông"?
- La salamandre.
- "Khí tượng học"?
- La météorologie.
Tôi bặm môi lật tới lật lui cuốn sách trên tay:
- "Lạc đà một bướu"?
- Le dromadaire.
- "Chứng liệt thần kinh"?
- L'anévrose.
Tôi bắt đầu thở dốc:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy"?
- Le vibrion.
Tới đây thì tôi hoàn toàn chán nản, không buồn kiểm tra vốn từ của Hồng Hà nữa. Tôi quay sang kiểm tra kiến thức y học của nó:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy" là gì, mày có biết không?
Hồng Hà bối rối:
- Tao... tao không biết.
Tôi nhếch mép:
- Không biết sao mày còn học từ đó làm chi?
Hồng Hà khụt khịt mũi:
- Trong... trong từ điển có từ gì tao học từ nấy. Tao... tao học từ trên xuống dưới mà.
Tôi há hốc mồm:
- Học từ trên xuống dưới?
- Ừ, từ... từ trên xuống dưới.
- Tức là học từ trước ra sau?
- Ừ, từ... từ trước ra sau.
- Tức là mày học thuộc nguyên cả cuốn từ điển?
- Ừ.
Hồng Hà "ừ" nghe nhẹ tưng. Trong khi tôi choáng váng đầu óc. Trước đây tôi có nghe chuyện một nhà cách mạng học thuộc cả cuốn từ điển. Bị bắt vô tù, ông không mang theo gì ngoài cuốn từ điển Pháp Việt. Mỗi lần đi ị, ông xé một tờ cầm theo và học thuộc lòng ngay trên hố xí, trước khi dùng nó làm vệ sinh. Ngày này qua ngày khác, cuốn từ điển mỏng dần và vốn từ của ông cũng dày dặn dần. Đến khi ông xé tới trang cuối cùng, mấy chục ngàn từ đã vào cả bụng ông. Nghe nói, sau khi ra tù, ông trở thành một nhà dịch thuật siêu hạng.
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, chẳng rõ thật hư. Cũng có thể câu chuyện đó được truyền tụng nhằm đề cao cái chí của người hoạt động cách mạng hơn là nói về sự hiếu học.
Khi nghe chuyện, tôi thích tưởng tượng ra cảnh nhà cách mạng đang ngồi học bài để tủm tỉm cười hơn là nghĩ đến chuyện noi gương học tập. Tôi không tin con người ta có thể học thuộc nguyên cả cuốn từ điển. Vì tôi tin sức người có hạn.
Nhưng Hồng Hà đã phá vỡ định kiến của tôi. Nó chứng minh ngược lại: sức người là vô hạn. Nó không làm cách mạng, không đi tù, không ngồi trên hố xí, nhưng vẫn thuộc lòng mấy chục ngàn từ, kể cả những từ có lẽ suốt đời nó không bao giờ dùng đến.
Tôi ngẩn ngơ nhìn nó:
- Làm sao mày có thể học thuộc cả cuốn từ điển dày cộm như vậy?
Hồng Hà gãi đầu:
- Có... có gì đâu! Đi... đi đâu tao cũng cầm theo cuốn từ điển, hễ... hễ rảnh là giở ra học!
Tôi thắc mắc:
- Nhưng cuốn từ điển dày như thế...
- Thoạt đầu tao... tao học vần A trước. Học hết vần A, tao lật sách tiếng Pháp, thấy từ nào bắt đầu bằng chữ A là tao xem thử mình có nhớ không...
Tôi trố mắt nghe Hồng Hà trình bày phương pháp học tập của nó. Phương pháp của nó không có sách nào bày, chỉ do nó tự nghĩ ra. Vì vậy nghe kỳ quái vô cùng: Sau khi cắm đầu học thuộc ba mẫu tự tiếp theo, nó vỗ ngực tự hào: Ông học tiếng Pháp, bí từ nào thì bí, nhưng những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ B, chữ C, chữ D thì dứt khoát là ông bỏ túi!
Cứ như thế, Hồng Hà lần lượt học hết chữ cái này đến chữ cái khác. Nó học theo kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", kiên nhẫn tha từng từ vào trí nhớ. Khi tôi gặp nó, Hồng Hà đã là cuốn từ điển sống lừng danh ở trường Trần Quý Cáp mấy năm nay, ngay cả thầy cô mỗi lần gặp từ khó đều phải "hạ mình" hỏi nó.
May làm sao, cái giỏi của nó chính là cái hên của tôi. Không có nó ngồi cạnh, suốt đời tôi vẫn "rét" tụi Pascal.
*****
Niềm vui của tôi không dừng lại ở môn rédaction.
Những ngày buồn bã vừa qua, tôi gửi liên tiếp ba lá thư cho "giáo sư" Bá, than vắn thở dài.
Sợ tôi buồn tình nhảy xuống sông Hàn, Bá nhanh chóng hồi âm. Trong thư, bằng một giọng ân cần rất mực, nó khuyên tôi cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới và hứa nếu có cơ hội nó sẽ ra thăm tôi.
Rồi dường như biết chắc mình sẽ nuốt lời hứa, nó nhiệt tình giới thiệu cho tôi nhỏ Minh Hoa đang học trường Trưng Vương ở Đà Nẵng.
Nhỏ Minh Hoa là người Đại Lộc, quê Bá. Hồi cấp hai, Bá với Minh Hoa học cùng lớp. Bá mê con nhỏ này như điếu đổ nhưng nhát gan không dám nói. Lên cấp ba, Bá vô Tam Kỳ, Minh Hoa ra Đà Nẵng và cho đến nay hai đứa vẫn chỉ là bạn.
Tất nhiên Bá căm ghét cái tình bạn bất đắc dĩ này vô hạn. Nó thề sẽ có một ngày nó ra tay phá vỡ cái tình bạn đó không thương tiếc để thay thế bằng một thứ tình cảm khác, đậm đà hơn.
Bá bộc bạch điều đó trong thư và ghi cho tôi địa chỉ nhà trọ của Minh Hoa.
Phía dưới địa chỉ là một lời đe dọa mang tính chất khủng bố: "Biết mày ở ngoài đó không có bạn, tao giới thiệu Minh Hoa để mày có người trò chuyện. Và chỉ trò chuyện thôi. Chớ dại dột đi xa hơn! Ký tên: Sát thủ hoa hồng".
"Sát thủ hoa hồng" là biệt danh mới của Bá. Nó nghĩ ra cái biệt danh chết chóc này chắc để hù tôi.
Nhưng Bá đã quá lo xa. Bá không biết tình cảm của tôi hiện nay đang dồn hết vào ô cửa sổ nhà nàng Stéphanette và trái tim tôi đêm đêm vẫn phập phồng đập trên vỉa hè đường Nguyễn Du.
Tôi nhét lá thư của Bá vào túi và mỉm cười. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao năm ngoái Bá thờ ơ với người đẹp Gia Khanh trong khi Ngữ, Nghị, Hòa và tôi chen lấn nhau để mong chộp được đuôi sao chổi Halley. Hồi đó, tôi hỏi, Bá vênh vênh "Tao khác tụi mày. Tao không thích chạy theo bọn con gái, chỉ thích làm giáo sư". Hóa ra lúc đó, trái tim Bá đã thuộc về Minh Hoa.
Trưa, ăn cơm xong, tôi lò dò đến chỗ ở của Minh Hoa với một gói kẹo trên tay. Tôi làm theo lời dặn dò của Bá: Hãy mua một gói kẹo và nói với nàng đó là quà tao gửi từ Tam Kỳ ra!
Minh Hoa là một con nhỏ xinh xắn và cởi mở. Biết tôi là bạn thân của Bá, nó tiếp chuyện tôi rất thân tình:
- Khoa mới ra Đà Nẵng hở?
- Ừ.
- Sao Khoa không học tiếp ở trường Trần Cao Vân?
- Trần Cao Vân năm nay chưa mở lớp mười hai ban C.
- Thế Bá thì sao? Bá vẫn học ở đó mà!
- Bá phải chuyển qua học ban B.
Minh Hoa ở trọ với một đứa em trai. Nó sai em rót nước mời tôi rồi hỏi tiếp:
- Ra đây Khoa ở đâu?
- Ở đường Bạch Đằng, với ông bác.
- Từ đường Bạch Đằng lên chỗ Minh Hoa hơi xa. Khoa đến đây bằng gì?
- Tôi đi bộ.
- Đi bộ?
Minh Hoa tròn xoe mắt. Nó đâu có biết khoảng cách từ chỗ tôi ở với nhà nó đâu có thấm tháp gì so với quãng đường tôi lang thang hằng đêm trên phố vắng.
Tôi cười:
- Tôi đi bộ quen rồi.
Và như để chứng minh câu nói của mình, tôi tuyên bố:
- Cứ vài ba ngày tôi sẽ ghé đây chơi.
Minh Hoa vui vẻ:
- Ừ, khi nào buồn Khoa cứ ghé. Bá viết thư cho Minh Hoa bảo Khoa mới ra đây nên chưa có bạn.
Tôi giữ đúng lời hứa. Từ hôm đó, cứ khoảng vài ba ngày tôi ghé chơi với chị em Minh Hoa một lần. Tình bạn đã giúp tôi đỡ trống trải.
Tôi bớt thấy lẻ loi. Tôi không còn cô độc, mặc dù đêm đêm tôi vẫn đắm mình trong tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ nhà nàng Stéphanette để thấy hồn mình phiêu phưởng tận đâu đâu.
Bác Đán thấy tôi dạo này đã thôi bỏ quên chìa khóa trong phòng, không khỏi ngạc nhiên:
- Con đã thôi quên trước quên sau?
- Dạ.
- Bác thấy dạo này con vui hẳn?
- Dạ.
Bác Đán nhìn tôi lom lom:
- Hình như gần đây con thường đến nhà bạn gái?
Câu hỏi đột ngột của bác Đán khiến tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng rồi tôi hiểu ngay: Chắc thấy tôi dạo này ăn trưa xong thường tếch ra khỏi nhà nên bác nghi ngờ. Tôi đành chép miệng:
- Dạ.
- Chuyện đó không có gì sai! - Bác Đán thở dài - Nhưng dẫu sao cũng đừng quên chuyện bài vở nghe con. ánh mắt mỹ nhân xưa nay đã đánh đắm bao nhiêu anh hùng.
Rồi bác cảm khái ngâm nga:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Tôi vội vàng cải chính:
- Nhỏ này chỉ là bạn, bác ạ. Bạn bè bình thường thôi. Nó quê ở Đại Lộc, người yêu của bạn con.
Bác Đán giật mình:
- Con bé đó là người yêu của bạn con?
- Dạ.
Mắt bác Đán trố lên:
- Thế sao con lại làm thơ đòi thương nhớ nó?
Bác Đán ôm đầu:
- Ôi, con làm vậy là không được nghe con!
Tôi đỏ mặt:
- Bác ơi, làm gì có chuyện đó.
- Con đừng chối! - Bác Đán nhún vai - Chính bác đã đọc bài thơ con làm cho con bé đó...
Đến đây thì tôi chợt vỡ lẽ.
- Bác lầm rồi! - Tôi quýnh quíu thanh minh - Bài thơ đó con viết cho đứa khác.
- Đứa khác? - Bác Đán giật mình lần thứ hai - Còn đứa nào nữa? Con mới ra đây chưa được một tháng sao quen nhiều con bé vậy?
Câu nói hàm ý trách móc của bác Đán khiến tôi dở khóc dở cười. Cuối cùng, để bác Đán khỏi hiểu sai về mình, tôi đành rụt rè thú nhận:
- Con bé này cháu không quen, bác ạ.
- Không quen sao con lại thương nhớ nó? - Bác Đán nhìn tôi đăm đăm - Chắc con nhìn thấy nó từ xa?
Tôi cắn môi:
- Con cũng chưa nhìn thấy nó.
Bác Đán vò đầu:
- Thế thì lạ thật!
Tôi lí nhí giải thích:
- Con nghe tiếng đàn của nó và con thấy... bóng nó in trên rèm cửa.
- Chỉ vậy mà con đã thương, đã làm thơ cho nó? - Giọng bác Đán đượm lo lắng - Như vậy con quá lãng mạn. Người lãng mạn khi ra đời khó sống lắm con ơi. Con cố quên con bé đó đi!
Bác Đán nói đúng. Không cần đợi đến lúc ra đời, ngay từ bây giờ tôi đã thấy khó sống. Tôi cứ nghĩ mãi về nàng Stéphanette trong khi nàng không biết tôi là ai. Đầu óc tôi chứa đầy những mơ ước vẩn vơ. Tôi sung sướng với những hình ảnh do tôi nắn nót vẽ ra trong tâm trí rồi đau khổ khi sực nhớ chúng chỉ là tưởng tượng. Tôi đã thức ròng rã đêm này qua đêm khác. Chỉ để làm thơ cho nàng Stéphanette. Đến nay tôi đã viết được gần chục bài.
Tôi biết bác Đán lo cho tôi. Nhưng tôi không đủ dũng cảm làm theo lời bác. tôi biết mình khó lòng "quên con bé đó đi".
Nghe bác khuyên, tôi ngoan ngoãn "dạ, thưa bác" và hôm sau tôi lại chôn chân trên lề đường Nguyễn Du để rồi về nhà chong đèn thức khuya lắc khuya lơ.
Sáng dậy, thấy mắt tôi đỏ kè, bác Đán chỉ biết lắc đầu.
*****
Tôi làm hàng đống thơ tình. Làm rồi để đó. Sau khi gửi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho tuần báo Bạn Trẻ, thấy bặt vô âm tín, tôi không màng gửi thơ đăng báo nữa.
Tất nhiên tôi cũng không đủ can đảm xếp những bài thơ thành tàu lượn để ném vào cửa sổ nhà nàng Stéphanette. Nếu muốn, tôi cũng không có cơ hội. Rèm cửa nhà nàng luôn luôn buông kín.
Rốt cuộc, chỉ có tôi đọc thơ tôi. Tôi soi nỗi lòng mình vào những vần thơ, thấy sao mà buồn da diết. Chị em Minh Hoa giúp tôi bớt quạnh hiu nhưng không thể giúp tôi nguôi sầu muộn.
Tôi là chàng chăn cừu cô đơn. Và tôi cũng là chàng thi sĩ cô đơn, yêu trong bóng tối, làm thơ trong nóng tối và tên tuổi cũng suốt đời chìm trong bóng tối.
Nhưng Hồng Hà đã chứng minh ngược lại. Nó luôn luôn phá vỡ định kiến của tôi.
Một buổi sáng, tôi lò dò vào lớp, thấy tụi bạn dồn mắt vào tôi, reo ỏm tỏi:
- Ê, nhà thơ tới kìa!
Tôi ngơ ngác nhìn quanh, chẳng hiểu gì.
Thằng Bội huơ tờ báo Bạn Trẻ trên tay:
- Bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" hay quá!
Đến lúc đó tôi mới thấy tờ báo trên tay thằng Bội. Và câu nói của nó làm tôi nghe như có một luồng điện chạy dọc sống lưng:
- Mày nói gì?
- Mày đừng giả vờ! - Bội chìa tờ báo ra trước mặt tôi, toét miệng cười - Hồi nãy chính thằng Hồng Hà đem tờ báo này vô lớp, nó bảo mày in thơ trong này!
Tôi cầm tờ báo, nôn nóng lật từng trang, hồi hộp dò tìm.
Khi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" đập vào mắt, tôi phải chớp lia chớp lịa để tin rằng mình không nhìn lầm.
Đến khi biết chắc đó chính là bài thơ của mình, tôi bỗng rơi vào một trạng thái kỳ lạ, một cảm giác đê mê trước đây tôi chưa từng trải qua.
Tôi cầm tờ báo trên tay, ngất ngây sung sướng. Và tôi sẽ còn thừ mặt ra như thế hằng giờ nếu Hồng Hà không bước lại vỗ vai tôi:
- Mày... mày là thi sĩ mà giấu bạn bè hả?
Tôi nói như người trong mơ:
- Tao là thi sĩ?
- Còn gì nữa! - Hồng Hà cười rạng rỡ - Bài thơ của mày làm tụi Pascal lác mắt!
Hồng Hà không bỏ lỡ cơ hội để đề cao "tụi trường Việt mình". Nhưng lần này tôi biết nó không cố tình bốc tôi lên mây. Bởi vì ngay lúc đó thằng Đông Anh mon men lại gần tôi:
- Chiều nay mày ghé nhà tao chơi đi!
- Chi vậy?
Đông Anh nói với vẻ trang trọng:
- Tao sẽ giới thiệu mày với gia đình tao.
- Giới thiệu tao? - Tôi chỉ tay vào ngực, mặt ngẩn tò te - Tao có gì đâu mà giới thiệu?
- Sao lại không có gì! - Mặt Đông Anh nghiêm trang - Mày là nhà thơ. Mày là một thiên tài, là Rimbaud của Việt Nam.
Arthur Rimbaud là thiên tài thi ca vĩ đại không chỉ của nước Pháp mà của toàn thế giới. Trong giờ học văn chương Pháp, những bài thơ "Voyelles" và "Fêtes de la faim" của ông khiến tôi ngẩn ngơ thán phục. Tôi không tin ngoài Rimbaud ra, còn ai trên trái đất này có được những ý tưởng dị thường và rạng rỡ như vậy.
Với tôi, Rimbaud luôn luôn là ngôi sao Bắc Đẩu trong vòm trời thi ca nhân loại. Thế mà bây giờ thằng Đông Anh đem một ngọn đèn hạt đỗ lập lòe không biết tắt lúc nào là tôi so sánh với vì sao sáng chói đó, bảo tôi không sững sờ sao được.
Tôi ngượng nghịu:
- Thôi đi! Mày nói quá!
Đông Anh vẫn khăng khăng:
- Tao nói thật đó. Trong mắt tao, mày là Rimbaud.
Lần này thì tôi không phản đối. Nó nói "trong mắt nó" có nghĩa trong trần gian nhung nhúc sáu tỉ người này, chỉ có nó mới khờ khạo nghĩ thế. Vậy cũng chẳng sao! Tôi nhủ bụng và vui vẻ gật đầu:
- Ừ, chiều nay tao sẽ ghé.
Đông Anh không bịp tôi. Chiều tôi đến nhà nó, nó giới thiệu tôi với ba mẹ nó một cách trân trọng:
- Bạn Khoa học cùng lớp với con. Ba mẹ biết không, Khoa còn là một nhà thơ, thường xuyên in bài trên các báo.
Chỗ này thì Đông Anh bốc phét. Tôi chỉ in thơ có mỗi một lần trên tờ Bạn Trẻ, nó lại ba hoa là "thường xuyên trên các báo". Nhưng tôi không đính chính, chỉ mỉm cười bẽn lẽn.
Ba của Đông Anh gật gù khen:
- Con còn nhỏ mà đã in thơ trên báo rồi. Giỏi quá!
Đông Anh thừa dịp ca ngợi tôi:
- Bạn Khoa có tài văn chương bẩm sinh đó ba. Khoa làm rédaction bao giờ cũng được thầy Xuân Thu khen nức nở.
Đông Anh làm tôi đỏ mặt, vì ngượng ngùng cũng có, vì sung sướng cũng có.
Để cám ơn nó về những lời khen nó dành cho tôi, tôi lập tức đứng dậy đi theo nó khi nó ngoắt tôi ra trước hiên.
Tôi lại gần Đông Anh:
- Có chuyện gì vậy?
- Có chuyện gì đâu! Ra đây ngồi chơi cho mát!
Hai đứa ngồi trên chiếc ghế xích đu đằng trước nhà.
Đông Anh lôi từ trong túi áo ra hai bịch đậu phộng da cá chia cho mỗi đứa một bịch.
Tôi vừa nhai đậu phộng vừa trầm trồ:
- Nhà mày đẹp quá há?
- Ừ.
- Ba mẹ mày hiền quá há?
- Ừ.
- Mày là con một hở?
- Không. Tao còn một đứa em gái. Nó học lớp mười một.
Đông Anh hí hửng khoe:
- Em tao dễ thương lắm. Người đẹp mà tên cũng đẹp. Tên nó là Đinh Lăng.
Tôi liếc vào trong nhà:
- Em mày ở đằng sau hở?
- Không. Nó đi mua đồ, lát về.
Rồi chừng như sợ tôi không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của em gái nó, Đông Anh vỗ vai tôi:
- Mày ngồi chơi thêm một lát đi. Để tao giới thiệu mày với em gái tao.
Đông Anh làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Xưa nay tôi ít thấy đứa nào hồn nhiên như nó. Xưa nay lũ bạn tôi đứa nào cũng sợ bạn bè chọc ghẹo em gái mình, mỗi lần dẫn bạn về nhà là mắt láo liên cảnh giác.
Đông Anh ngược lại. Nó sợ tôi không gặp được em gái nó. Cho nên thấy tôi sốt ruột nhìn ra đường, nó cứ nhấp nha nhấp nhổm. Xem ra nó còn sốt ruột hơn tôi gấp bội.
Cứ chốc chốc nó lại trấn an tôi:
- Em tao sắp về rồi đó.
- Tối đa là năm phút nữa em tao sẽ về tới.
Tôi dán mắt ra đường, vì tò mò hơn là vì háo hức. Trái tim tôi đã thuộc về nàng Stéphanette vô hình vô ảnh trên đường Nguyễn Du. Nàng Đinh Lăng dẫu đẹp như tiên giáng thế vẫn chỉ là người đến sau. Người đến sau hẳn sẽ không có chỗ trong trái tim tôi, dù tôi rất yêu một loài hoa có tên là đinh lăng.
Cuối cùng, Đinh Lăng cũng về tới, tất nhiên không phải sau năm phút như thằng Đông Anh nói mà sau năm mươi phút ngóng chờ đằng đẵng.
Đinh Lăng dắt xe vào trong sân, thấy khách lạ nó cúi đầu lầm lũi bước.
Tôi đinh ninh Đông Anh sẽ kêu em gái lại để giới thiệu hai bên với nhau. Nhưng nó vẫn ngồi trơ, chỉ thì thào:
- Em tao đó. Đẹp không?
Tôi không chờ đợi cái kiểu giới thiệu lén lút như thế. Lại trông có vẻ "đầu trộm đuôi cướp" nữa. Y như hai tên trộm vặt đang rình người có của: "Gã đó. Giàu không?".
Rimbaud của Việt Nam chẳng lẽ không đáng xuất hiện trước mặt người đẹp Đinh Lăng đường đường chính chính? Nghĩ vậy nên tôi giận dỗi:
- Mày không kêu lại, nó cúi gằm như thế tao có thấy gì đâu!
Tôi nói cho bõ tức. Chứ thật ra dù em gái thằng Đông Anh không ngẩng đầu lên, tôi vẫn thầm công nhận nó là một con nhỏ xinh đẹp. Nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, mái tóc óng ả, một người con gái đã hội tụ được ba yếu tố đó thì khuôn mặt chắc chắn phải đẹp.
Đông Anh xoa dịu sự hờn giận trong lòng tôi:
- Em tao nhút nhát lắm. Mó mới trông thấy mày lần đầu, còn mắc cỡ.
Rồi e giải thích như thế vẫn không khiến tôi nguôi ngoai, nó lật đật hứa hẹn:
- Từ từ rồi tao sẽ giới thiệu hai đứa với nhau.
Chữ "hai đứa" làm tôi mát lòng mát dạ. Tôi không còn ấm ức nữa. Mà nhe răng cười:
- Nhớ nhé!
Đông Anh gật đầu.
Và ngày hôm sau vừa gặp tôi trên lớp, nó ngoắt tôi ra trước hành lang, long trọng thông báo:
- Hôm qua lúc mày về rồi, em gái tao hỏi thăm mày tíu tít.
- Nó hỏi sao?
- Nó hỏi mày là ai, quê ở đâu?
- Mày nói sao?
- Còn nói sao nữa! - Đông Anh cuời - Tao nói mày là thằng Khoa quê ở Thăng Bình, học chung lớp với tao.
Tôi tò mò:
- Nó còn hỏi gì nữa không?
- Còn. Nó hỏi mày học giỏi không?
Tôi nín thở:
- Mày trả lời sao?
- Tao bảo mày làm rédaction hay nhất lớp.
Đông Anh làm tôi cảm động quá chừng. Tôi sợ nó khai huỵch toẹt chuyện tôi đứng trơ như phỗng trong giờ vấn đáp. Nhưng nó không đả động gì đến điểm yếu của tôi. Nó đã "xấu che tốt khoe" giùm tôi.
Như để làm tôi cảm động hơn nữa, Đông Anh nói:
- Tao còn khoe mày làm thơ hay tuyệt. Rồi tao đọc bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho nó nghe. Nó nghe và nó trầm trồ mãi. Nó bảo chưa bao giờ nó được biết một bài thơ hay như vậy.
Đông Anh nói tới đâu, người tôi lâng lâng tới đó. Tôi làm thơ cho nàng Stéphanette, không ngờ lại khiến nàng Đinh Lăng xao xuyến đến thế.
Nàng Đinh Lăng có lẽ xao xuyến tận tâm can nên sau khi khen thơ tôi, nàng nhờ anh trai nàng năn nỉ tôi làm một bài thơ tặng nàng. Đông Anh bảo tôi như vậy nhưng tôi không tin. Tôi ngẩn ngơ hỏi lại:
- Mày nói thật không đấy?
- Sao lại không thật! - Đông Anh hoa tay - Em gái tao sẽ vô cùng cảm động nếu một ngày nào đó tao cầm về cho nó bài thơ mày làm tặng nó. Nó bảo từ nay trở đi, nó sẽ đợi từng ngày.
Viễn ảnh Đông Anh vẽ ra khiến tôi bâng khuâng quá đỗi. Trong một thoáng, tôi tin tôi là thi sĩ lớn. Tôi đích thị là Rimbaud, nếu không tại sao mới xuất hiện lần đầu đã có người nồng nàn ái mộ.
Tôi nhìn Đông Anh, ngất ngây đáp:
- Được rồi. Đêm nay tao sẽ làm.
Tối đó, tôi gò mình trên trang giấy, tưởng tượng Đinh Lăng là nàng Stéphanette và nắn nót viết những vần thơ tình tứ và sầu muộn:
Tôi là hòn sỏi buồn
Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh
Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân.
Người con gái tóc dài che mặt
Em đến từ đâu và em sẽ về đâu
Tôi ở lại với lần đầu gặp gỡ
Xin chiều đừng qua mau.
Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới
Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi?
Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt
Chiêm bao sao chỉ một người?
Tôi gửi thơ cho tuần báo Bạn Trẻ là gửi cho vui, không mong gì được đăng.
Sau ba tuần đọc "cọp" báo Bạn Trẻ ở hiệu sách gần trường, chẳng thấy bài thơ của mình đâu, tôi chán nản không màng theo dõi nữa.
Tôi thất vọng hiểu rằng mộng ước trở thành thi sĩ của tôi thế là đã tan thành mây khói.
Nhưng cuộc đời không hoàn toàn tệ bạc với tôi. Những ngày đó, tôi phấn khởi nhận ra tụi học sinh chuyển qua từ lycée Pascal không siêu đẳng như tôi tưởng.
Tụi nó nói tiếng Pháp như gió nhưng khi làm bài tập grammaire, chúng thường ít điểm hơn tôi. Và khi làm rédaction, tức môn luận văn, chúng càng thua tôi rõ rệt. Thua cả thằng Hồng Hà.
Tụi lycée Pascal viết tiếng Pháp như viết tiếng mẹ đẻ, dùng temps dùng mode chính xác cực kỳ, nhưng ý tưởng lại đơn giản.
Trong khi tôi và Hồng Hà được trui rèn trong văn chương tiếng Việt từ bé, bốn năm học phân tích bình giảng văn thơ đến chóng mặt, do đó khi làm luận văn, ý tưởng của hai đứa tôi luôn luôn phong phú hơn. Đó cũng là nhận xét của thầy Xuân Thu. Bao giờ chấm bài tập rédaction của tôi, thầy cũng hào phóng phê "ý dồi dào, văn gãy gọn".
Hôm bài rédaction đầu tiên được phát ra, thấy bài làm của tôi cao điểm nhất, tụi Pascal ngạc nhiên lắm. Chúng không tin một tên học sinh tỉnh lẻ lù khù, lần nào bị thầy Xuân Thu kêu lên cũng đứng ngay cán cuốc lại có "tài" đến thế.
Chúng cứ nhìn về phía tôi, xì xào bàn tán. Thằng Đông Anh ngồi gần tôi nhất. Ngập ngừng một lát, nó chìa tay ra:
- Ê, Khoa! Cho tao mượn bài làm của mày coi chút nào!
Tôi rụt rè đưa tờ giấy cho nó, bụng thấp thỏm không biết tụi này định khiếu nại, kiện cáo gì về bài làm của tôi với thầy Xuân Thu đây.
Thằng Đông Anh coi bài của tôi lâu thật lâu, xong chuyền qua cho thằng Diên bên cạnh. Một lát, thằng Diên chuyền cho thằng Bội. Thằng Bội chuyền cho thằng Minh Khôi.
Sau khi tụi Pascal chuyền lòng vòng một hồi, thằng Đông Anh đưa trả bài lại cho tôi, miệng xuýt xoa thán phục:
- Đứa nào cũng khen mày viết văn hay! Tụi tao không bắt chước cách viết bay bướm của mày được.
Tôi thở phào. Hóa ra tụi Pascal không nhỏ mọn như tôi nghĩ. Chúng mượn bài làm của tôi để xem cho biết, để "học hỏi", chứ không phải để "vạch lá tìm sâu" như những kẻ đố kỵ.
Tự nhiên tôi thấy khoảng cách giữa một học sinh tỉnh lẻ như tôi với tụi học sinh trường Tây được thu ngắn đáng kể.
Tôi nói với Đông Anh:
- Tao viết chả có gì đặc biệt. Tụi mày thừa sức viết như tao.
Đông Anh cười hiền lành:
- Mày khiêm tốn đấy hở?
Tôi cũng cười:
- Đâu có.
Tôi nói "đâu có" và tôi tiếp tục đạt điểm cao nhất ở môn rédaction lần thứ hai, lần thứ ba và không lần nào chịu tụt xuống hạng nhì từ đó cho đến cuối năm.
Nói cho đúng ra, sở dĩ tôi toàn thắng ở môn rédaction phần lớn nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Hồng Hà.
Làm luận văn, văn phạm vững vàng, ý tưởng phong phú chưa đủ. Cần phải có vốn từ dồi dào để thể hiện những ý tưởng đó. Mà ở môn từ vựng, tôi không phải là một học sinh xuất sắc.
Nhưng tôi đã có Hồng Hà. Nó là một cây từ vựng. Trong giờ luận văn, mỗi khi nghĩ ra được một ý hay hay nhưng không nhớ từ tương đương bên tiếng Pháp, tôi chỉ việc quay sang Hồng Hà:
- "Cảm hứng" là gì hở mày?
- L'enthousiasme.
- "Trong khoảng xa xăm" viết sao hở mày?
- Dans le lointain.
- Còn "cứu rỗi" là gì?
- La rédemption.
Hồng Hà đáp như máy, không cần suy nghĩ. Khi trả lời những câu hỏi của tôi, nó vẫn tiếp tục làm bài của nó, không buồn ngẩng đầu lên. Tất nhiên là nó không nói trôi chảy được như thế. Chữ "L'enthousiasme bao giờ cũng phải là "L'en... L'enthousi... siasme".
Nhưng chính nhờ nó mà trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Tôi không sợ thiếu từ để diễn tả. Tôi chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là làm sao nghĩ ra được càng nhiều ý hay càng tốt, sao cho tụi thằng Đông Anh phải luôn luôn tâm phục khẩu phục "tụi tao không bắt chước mày được".
Ở môn rédaction, tôi lúc nào cũng đứng nhất, Hồng Hà lúc nào cũng đứng nhì. Nhưng Hồng Hà không bao giờ ghen tị với tôi. Mặc dù nó thừa hiểu, khi tôi hỏi, nếu nó không thèm đáp hoặc vờ bảo "không biết", tôi sẽ không thể nào đứng vững trên đỉnh cao chót vót của môn rédaction lâu như thế.
Nhưng Hồng Hà là đứa bạn tốt. Nó không thèm cạnh tranh với tôi. Nó chấp nhận đứng thứ hai, miễn là trên tụi thằng Đông Anh, thằng Diên, thằng Bội...
Hồng Hà là chúa "cục bộ trường Tây - trường ta". Mỗi lần thầy Xuân Thu phát bài tập rédaction, Hồng Hà bao giờ cũng sung sướng thì thầm vào tai tôi:
- Tụi... tụi Pascal học không bằng tụi trường... trường Việt mình đâu!
Và để bảo vệ sự hơn hẳn của "tụi trường Việt mình", Hồng Hà sẵn lòng làm cuốn từ điển sống cho tôi "tra cứu" bất kỳ lúc nào.
Hồng Hà là một cuốn tự điển sống hiểu theo nghĩa đen. Vì nó thuộc lòng nguyên cả cuốn từ điển Pháp Việt dày cộm, không sót một từ.
Phát hiện đó làm tôi vô cùng kinh hãi.
Thoạt đầu, mỗi khi bí từ vựng, tôi thường quay sang hỏi nó. Mặc dù tôi hỏi đâu, nó đáp đó, không bao giờ bí, cũng không bao giờ ngập ngừng, nhưng tôi chẳng chú tâm lắm. Tôi chỉ nghĩ tại tôi kém từ vựng. Tôi nghĩ vốn liếng của Hồng Hà chắc chỉ hơn tôi chút đỉnh và dĩ nhiên là không thể nào sánh bằng tụi Pascal.
Nhưng càng ngày tôi càng ngạc nhiên, khi nhận ra nhiều lúc tôi hỏi những từ vô cùng khó, nó vẫn chẳng thèm lúng túng mảy may.
- "Sự chiếu lệ" là gì hở mày?
- La routine.
- "Chim gõ kiến" là gì?
- Le pic.
- "Vong hồn"?
- Les mânes.
Tôi trố mắt khâm phục:
- Sao mày biết nhiều từ quá vậy?
- Ừ.
Hồng Hà trả lời chán phèo.
Tôi lại hỏi:
- Có từ nào mày không biết không?
- Chắc là có.
Tôi thăm dò:
- "Người bán thuốc Tây" gọi là gì?
- Le droguiste.
Tôi nhíu mày cố nghĩ một từ thật hóc hiểm:
- "Nền quân chủ lập hiến"?
Hồng Hà vẫn tỉnh khô:
- La monarchie constitutionnelle.
Đầu tôi xoay tít:
- "Bạch huyết cầu"?
- Le leucocyte.
Hồng Hà đối đáp như gió làm tôi đâm nghi:
- Đúng không đó mày?
- Đúng chứ.
Tôi chớp mắt:
- Tao nghi mày bịa ra quá.
Hồng Hà mỉm cười:
- Không tin thì mày giở từ điển ra coi lại đi.
Không cần Hồng Hà nhắc đến lần thứ hai, tôi lật đật lôi cuốn từ điển Việt Pháp trong ngăn bàn ra, lật vần B, dò chữ "bạch huyết cầu".
Chữ "leucocyte" đập vào mắt khiến tôi xanh mặt.
- Có... có chữ đó không?
Tôi xụi lơ:
- Có.
Rồi tôi huơ cuốn từ điển trên tay:
- Bây giờ tao nhìn vào đây để hỏi mày nghe?
Tôi hỏi một câu cho có lệ rồi chúi đầu vào từ điển dò dẫm, không để Hồng Hà kịp từ chối. Tôi tin chắc lần này tôi sẽ bắt bí được thằng cà lăm này. Để tự tôi nghĩ ra, có thể tôi sẽ không nghĩ được những từ hóc búa đến mức "hạ gục" được nó, chứ nếu cho tôi nhìn vào từ điển để hỏi, chắc chắn tôi sẽ khiến nó khóc thét.
Tôi hí hửng nghĩ bụng và hăm hở "dò bài", tất nhiên tôi cố tâm lục toàn những từ "độc chiêu", khi học tiếng Việt còn chưa chắc gặp nữa là học tiếng Pháp:
- "Con kỳ nhông"?
- La salamandre.
- "Khí tượng học"?
- La météorologie.
Tôi bặm môi lật tới lật lui cuốn sách trên tay:
- "Lạc đà một bướu"?
- Le dromadaire.
- "Chứng liệt thần kinh"?
- L'anévrose.
Tôi bắt đầu thở dốc:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy"?
- Le vibrion.
Tới đây thì tôi hoàn toàn chán nản, không buồn kiểm tra vốn từ của Hồng Hà nữa. Tôi quay sang kiểm tra kiến thức y học của nó:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy" là gì, mày có biết không?
Hồng Hà bối rối:
- Tao... tao không biết.
Tôi nhếch mép:
- Không biết sao mày còn học từ đó làm chi?
Hồng Hà khụt khịt mũi:
- Trong... trong từ điển có từ gì tao học từ nấy. Tao... tao học từ trên xuống dưới mà.
Tôi há hốc mồm:
- Học từ trên xuống dưới?
- Ừ, từ... từ trên xuống dưới.
- Tức là học từ trước ra sau?
- Ừ, từ... từ trước ra sau.
- Tức là mày học thuộc nguyên cả cuốn từ điển?
- Ừ.
Hồng Hà "ừ" nghe nhẹ tưng. Trong khi tôi choáng váng đầu óc. Trước đây tôi có nghe chuyện một nhà cách mạng học thuộc cả cuốn từ điển. Bị bắt vô tù, ông không mang theo gì ngoài cuốn từ điển Pháp Việt. Mỗi lần đi ị, ông xé một tờ cầm theo và học thuộc lòng ngay trên hố xí, trước khi dùng nó làm vệ sinh. Ngày này qua ngày khác, cuốn từ điển mỏng dần và vốn từ của ông cũng dày dặn dần. Đến khi ông xé tới trang cuối cùng, mấy chục ngàn từ đã vào cả bụng ông. Nghe nói, sau khi ra tù, ông trở thành một nhà dịch thuật siêu hạng.
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, chẳng rõ thật hư. Cũng có thể câu chuyện đó được truyền tụng nhằm đề cao cái chí của người hoạt động cách mạng hơn là nói về sự hiếu học.
Khi nghe chuyện, tôi thích tưởng tượng ra cảnh nhà cách mạng đang ngồi học bài để tủm tỉm cười hơn là nghĩ đến chuyện noi gương học tập. Tôi không tin con người ta có thể học thuộc nguyên cả cuốn từ điển. Vì tôi tin sức người có hạn.
Nhưng Hồng Hà đã phá vỡ định kiến của tôi. Nó chứng minh ngược lại: sức người là vô hạn. Nó không làm cách mạng, không đi tù, không ngồi trên hố xí, nhưng vẫn thuộc lòng mấy chục ngàn từ, kể cả những từ có lẽ suốt đời nó không bao giờ dùng đến.
Tôi ngẩn ngơ nhìn nó:
- Làm sao mày có thể học thuộc cả cuốn từ điển dày cộm như vậy?
Hồng Hà gãi đầu:
- Có... có gì đâu! Đi... đi đâu tao cũng cầm theo cuốn từ điển, hễ... hễ rảnh là giở ra học!
Tôi thắc mắc:
- Nhưng cuốn từ điển dày như thế...
- Thoạt đầu tao... tao học vần A trước. Học hết vần A, tao lật sách tiếng Pháp, thấy từ nào bắt đầu bằng chữ A là tao xem thử mình có nhớ không...
Tôi trố mắt nghe Hồng Hà trình bày phương pháp học tập của nó. Phương pháp của nó không có sách nào bày, chỉ do nó tự nghĩ ra. Vì vậy nghe kỳ quái vô cùng: Sau khi cắm đầu học thuộc ba mẫu tự tiếp theo, nó vỗ ngực tự hào: Ông học tiếng Pháp, bí từ nào thì bí, nhưng những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ B, chữ C, chữ D thì dứt khoát là ông bỏ túi!
Cứ như thế, Hồng Hà lần lượt học hết chữ cái này đến chữ cái khác. Nó học theo kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", kiên nhẫn tha từng từ vào trí nhớ. Khi tôi gặp nó, Hồng Hà đã là cuốn từ điển sống lừng danh ở trường Trần Quý Cáp mấy năm nay, ngay cả thầy cô mỗi lần gặp từ khó đều phải "hạ mình" hỏi nó.
May làm sao, cái giỏi của nó chính là cái hên của tôi. Không có nó ngồi cạnh, suốt đời tôi vẫn "rét" tụi Pascal.
*****
Niềm vui của tôi không dừng lại ở môn rédaction.
Những ngày buồn bã vừa qua, tôi gửi liên tiếp ba lá thư cho "giáo sư" Bá, than vắn thở dài.
Sợ tôi buồn tình nhảy xuống sông Hàn, Bá nhanh chóng hồi âm. Trong thư, bằng một giọng ân cần rất mực, nó khuyên tôi cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới và hứa nếu có cơ hội nó sẽ ra thăm tôi.
Rồi dường như biết chắc mình sẽ nuốt lời hứa, nó nhiệt tình giới thiệu cho tôi nhỏ Minh Hoa đang học trường Trưng Vương ở Đà Nẵng.
Nhỏ Minh Hoa là người Đại Lộc, quê Bá. Hồi cấp hai, Bá với Minh Hoa học cùng lớp. Bá mê con nhỏ này như điếu đổ nhưng nhát gan không dám nói. Lên cấp ba, Bá vô Tam Kỳ, Minh Hoa ra Đà Nẵng và cho đến nay hai đứa vẫn chỉ là bạn.
Tất nhiên Bá căm ghét cái tình bạn bất đắc dĩ này vô hạn. Nó thề sẽ có một ngày nó ra tay phá vỡ cái tình bạn đó không thương tiếc để thay thế bằng một thứ tình cảm khác, đậm đà hơn.
Bá bộc bạch điều đó trong thư và ghi cho tôi địa chỉ nhà trọ của Minh Hoa.
Phía dưới địa chỉ là một lời đe dọa mang tính chất khủng bố: "Biết mày ở ngoài đó không có bạn, tao giới thiệu Minh Hoa để mày có người trò chuyện. Và chỉ trò chuyện thôi. Chớ dại dột đi xa hơn! Ký tên: Sát thủ hoa hồng".
"Sát thủ hoa hồng" là biệt danh mới của Bá. Nó nghĩ ra cái biệt danh chết chóc này chắc để hù tôi.
Nhưng Bá đã quá lo xa. Bá không biết tình cảm của tôi hiện nay đang dồn hết vào ô cửa sổ nhà nàng Stéphanette và trái tim tôi đêm đêm vẫn phập phồng đập trên vỉa hè đường Nguyễn Du.
Tôi nhét lá thư của Bá vào túi và mỉm cười. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao năm ngoái Bá thờ ơ với người đẹp Gia Khanh trong khi Ngữ, Nghị, Hòa và tôi chen lấn nhau để mong chộp được đuôi sao chổi Halley. Hồi đó, tôi hỏi, Bá vênh vênh "Tao khác tụi mày. Tao không thích chạy theo bọn con gái, chỉ thích làm giáo sư". Hóa ra lúc đó, trái tim Bá đã thuộc về Minh Hoa.
Trưa, ăn cơm xong, tôi lò dò đến chỗ ở của Minh Hoa với một gói kẹo trên tay. Tôi làm theo lời dặn dò của Bá: Hãy mua một gói kẹo và nói với nàng đó là quà tao gửi từ Tam Kỳ ra!
Minh Hoa là một con nhỏ xinh xắn và cởi mở. Biết tôi là bạn thân của Bá, nó tiếp chuyện tôi rất thân tình:
- Khoa mới ra Đà Nẵng hở?
- Ừ.
- Sao Khoa không học tiếp ở trường Trần Cao Vân?
- Trần Cao Vân năm nay chưa mở lớp mười hai ban C.
- Thế Bá thì sao? Bá vẫn học ở đó mà!
- Bá phải chuyển qua học ban B.
Minh Hoa ở trọ với một đứa em trai. Nó sai em rót nước mời tôi rồi hỏi tiếp:
- Ra đây Khoa ở đâu?
- Ở đường Bạch Đằng, với ông bác.
- Từ đường Bạch Đằng lên chỗ Minh Hoa hơi xa. Khoa đến đây bằng gì?
- Tôi đi bộ.
- Đi bộ?
Minh Hoa tròn xoe mắt. Nó đâu có biết khoảng cách từ chỗ tôi ở với nhà nó đâu có thấm tháp gì so với quãng đường tôi lang thang hằng đêm trên phố vắng.
Tôi cười:
- Tôi đi bộ quen rồi.
Và như để chứng minh câu nói của mình, tôi tuyên bố:
- Cứ vài ba ngày tôi sẽ ghé đây chơi.
Minh Hoa vui vẻ:
- Ừ, khi nào buồn Khoa cứ ghé. Bá viết thư cho Minh Hoa bảo Khoa mới ra đây nên chưa có bạn.
Tôi giữ đúng lời hứa. Từ hôm đó, cứ khoảng vài ba ngày tôi ghé chơi với chị em Minh Hoa một lần. Tình bạn đã giúp tôi đỡ trống trải.
Tôi bớt thấy lẻ loi. Tôi không còn cô độc, mặc dù đêm đêm tôi vẫn đắm mình trong tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ nhà nàng Stéphanette để thấy hồn mình phiêu phưởng tận đâu đâu.
Bác Đán thấy tôi dạo này đã thôi bỏ quên chìa khóa trong phòng, không khỏi ngạc nhiên:
- Con đã thôi quên trước quên sau?
- Dạ.
- Bác thấy dạo này con vui hẳn?
- Dạ.
Bác Đán nhìn tôi lom lom:
- Hình như gần đây con thường đến nhà bạn gái?
Câu hỏi đột ngột của bác Đán khiến tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng rồi tôi hiểu ngay: Chắc thấy tôi dạo này ăn trưa xong thường tếch ra khỏi nhà nên bác nghi ngờ. Tôi đành chép miệng:
- Dạ.
- Chuyện đó không có gì sai! - Bác Đán thở dài - Nhưng dẫu sao cũng đừng quên chuyện bài vở nghe con. ánh mắt mỹ nhân xưa nay đã đánh đắm bao nhiêu anh hùng.
Rồi bác cảm khái ngâm nga:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Tôi vội vàng cải chính:
- Nhỏ này chỉ là bạn, bác ạ. Bạn bè bình thường thôi. Nó quê ở Đại Lộc, người yêu của bạn con.
Bác Đán giật mình:
- Con bé đó là người yêu của bạn con?
- Dạ.
Mắt bác Đán trố lên:
- Thế sao con lại làm thơ đòi thương nhớ nó?
Bác Đán ôm đầu:
- Ôi, con làm vậy là không được nghe con!
Tôi đỏ mặt:
- Bác ơi, làm gì có chuyện đó.
- Con đừng chối! - Bác Đán nhún vai - Chính bác đã đọc bài thơ con làm cho con bé đó...
Đến đây thì tôi chợt vỡ lẽ.
- Bác lầm rồi! - Tôi quýnh quíu thanh minh - Bài thơ đó con viết cho đứa khác.
- Đứa khác? - Bác Đán giật mình lần thứ hai - Còn đứa nào nữa? Con mới ra đây chưa được một tháng sao quen nhiều con bé vậy?
Câu nói hàm ý trách móc của bác Đán khiến tôi dở khóc dở cười. Cuối cùng, để bác Đán khỏi hiểu sai về mình, tôi đành rụt rè thú nhận:
- Con bé này cháu không quen, bác ạ.
- Không quen sao con lại thương nhớ nó? - Bác Đán nhìn tôi đăm đăm - Chắc con nhìn thấy nó từ xa?
Tôi cắn môi:
- Con cũng chưa nhìn thấy nó.
Bác Đán vò đầu:
- Thế thì lạ thật!
Tôi lí nhí giải thích:
- Con nghe tiếng đàn của nó và con thấy... bóng nó in trên rèm cửa.
- Chỉ vậy mà con đã thương, đã làm thơ cho nó? - Giọng bác Đán đượm lo lắng - Như vậy con quá lãng mạn. Người lãng mạn khi ra đời khó sống lắm con ơi. Con cố quên con bé đó đi!
Bác Đán nói đúng. Không cần đợi đến lúc ra đời, ngay từ bây giờ tôi đã thấy khó sống. Tôi cứ nghĩ mãi về nàng Stéphanette trong khi nàng không biết tôi là ai. Đầu óc tôi chứa đầy những mơ ước vẩn vơ. Tôi sung sướng với những hình ảnh do tôi nắn nót vẽ ra trong tâm trí rồi đau khổ khi sực nhớ chúng chỉ là tưởng tượng. Tôi đã thức ròng rã đêm này qua đêm khác. Chỉ để làm thơ cho nàng Stéphanette. Đến nay tôi đã viết được gần chục bài.
Tôi biết bác Đán lo cho tôi. Nhưng tôi không đủ dũng cảm làm theo lời bác. tôi biết mình khó lòng "quên con bé đó đi".
Nghe bác khuyên, tôi ngoan ngoãn "dạ, thưa bác" và hôm sau tôi lại chôn chân trên lề đường Nguyễn Du để rồi về nhà chong đèn thức khuya lắc khuya lơ.
Sáng dậy, thấy mắt tôi đỏ kè, bác Đán chỉ biết lắc đầu.
*****
Tôi làm hàng đống thơ tình. Làm rồi để đó. Sau khi gửi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho tuần báo Bạn Trẻ, thấy bặt vô âm tín, tôi không màng gửi thơ đăng báo nữa.
Tất nhiên tôi cũng không đủ can đảm xếp những bài thơ thành tàu lượn để ném vào cửa sổ nhà nàng Stéphanette. Nếu muốn, tôi cũng không có cơ hội. Rèm cửa nhà nàng luôn luôn buông kín.
Rốt cuộc, chỉ có tôi đọc thơ tôi. Tôi soi nỗi lòng mình vào những vần thơ, thấy sao mà buồn da diết. Chị em Minh Hoa giúp tôi bớt quạnh hiu nhưng không thể giúp tôi nguôi sầu muộn.
Tôi là chàng chăn cừu cô đơn. Và tôi cũng là chàng thi sĩ cô đơn, yêu trong bóng tối, làm thơ trong nóng tối và tên tuổi cũng suốt đời chìm trong bóng tối.
Nhưng Hồng Hà đã chứng minh ngược lại. Nó luôn luôn phá vỡ định kiến của tôi.
Một buổi sáng, tôi lò dò vào lớp, thấy tụi bạn dồn mắt vào tôi, reo ỏm tỏi:
- Ê, nhà thơ tới kìa!
Tôi ngơ ngác nhìn quanh, chẳng hiểu gì.
Thằng Bội huơ tờ báo Bạn Trẻ trên tay:
- Bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" hay quá!
Đến lúc đó tôi mới thấy tờ báo trên tay thằng Bội. Và câu nói của nó làm tôi nghe như có một luồng điện chạy dọc sống lưng:
- Mày nói gì?
- Mày đừng giả vờ! - Bội chìa tờ báo ra trước mặt tôi, toét miệng cười - Hồi nãy chính thằng Hồng Hà đem tờ báo này vô lớp, nó bảo mày in thơ trong này!
Tôi cầm tờ báo, nôn nóng lật từng trang, hồi hộp dò tìm.
Khi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" đập vào mắt, tôi phải chớp lia chớp lịa để tin rằng mình không nhìn lầm.
Đến khi biết chắc đó chính là bài thơ của mình, tôi bỗng rơi vào một trạng thái kỳ lạ, một cảm giác đê mê trước đây tôi chưa từng trải qua.
Tôi cầm tờ báo trên tay, ngất ngây sung sướng. Và tôi sẽ còn thừ mặt ra như thế hằng giờ nếu Hồng Hà không bước lại vỗ vai tôi:
- Mày... mày là thi sĩ mà giấu bạn bè hả?
Tôi nói như người trong mơ:
- Tao là thi sĩ?
- Còn gì nữa! - Hồng Hà cười rạng rỡ - Bài thơ của mày làm tụi Pascal lác mắt!
Hồng Hà không bỏ lỡ cơ hội để đề cao "tụi trường Việt mình". Nhưng lần này tôi biết nó không cố tình bốc tôi lên mây. Bởi vì ngay lúc đó thằng Đông Anh mon men lại gần tôi:
- Chiều nay mày ghé nhà tao chơi đi!
- Chi vậy?
Đông Anh nói với vẻ trang trọng:
- Tao sẽ giới thiệu mày với gia đình tao.
- Giới thiệu tao? - Tôi chỉ tay vào ngực, mặt ngẩn tò te - Tao có gì đâu mà giới thiệu?
- Sao lại không có gì! - Mặt Đông Anh nghiêm trang - Mày là nhà thơ. Mày là một thiên tài, là Rimbaud của Việt Nam.
Arthur Rimbaud là thiên tài thi ca vĩ đại không chỉ của nước Pháp mà của toàn thế giới. Trong giờ học văn chương Pháp, những bài thơ "Voyelles" và "Fêtes de la faim" của ông khiến tôi ngẩn ngơ thán phục. Tôi không tin ngoài Rimbaud ra, còn ai trên trái đất này có được những ý tưởng dị thường và rạng rỡ như vậy.
Với tôi, Rimbaud luôn luôn là ngôi sao Bắc Đẩu trong vòm trời thi ca nhân loại. Thế mà bây giờ thằng Đông Anh đem một ngọn đèn hạt đỗ lập lòe không biết tắt lúc nào là tôi so sánh với vì sao sáng chói đó, bảo tôi không sững sờ sao được.
Tôi ngượng nghịu:
- Thôi đi! Mày nói quá!
Đông Anh vẫn khăng khăng:
- Tao nói thật đó. Trong mắt tao, mày là Rimbaud.
Lần này thì tôi không phản đối. Nó nói "trong mắt nó" có nghĩa trong trần gian nhung nhúc sáu tỉ người này, chỉ có nó mới khờ khạo nghĩ thế. Vậy cũng chẳng sao! Tôi nhủ bụng và vui vẻ gật đầu:
- Ừ, chiều nay tao sẽ ghé.
Đông Anh không bịp tôi. Chiều tôi đến nhà nó, nó giới thiệu tôi với ba mẹ nó một cách trân trọng:
- Bạn Khoa học cùng lớp với con. Ba mẹ biết không, Khoa còn là một nhà thơ, thường xuyên in bài trên các báo.
Chỗ này thì Đông Anh bốc phét. Tôi chỉ in thơ có mỗi một lần trên tờ Bạn Trẻ, nó lại ba hoa là "thường xuyên trên các báo". Nhưng tôi không đính chính, chỉ mỉm cười bẽn lẽn.
Ba của Đông Anh gật gù khen:
- Con còn nhỏ mà đã in thơ trên báo rồi. Giỏi quá!
Đông Anh thừa dịp ca ngợi tôi:
- Bạn Khoa có tài văn chương bẩm sinh đó ba. Khoa làm rédaction bao giờ cũng được thầy Xuân Thu khen nức nở.
Đông Anh làm tôi đỏ mặt, vì ngượng ngùng cũng có, vì sung sướng cũng có.
Để cám ơn nó về những lời khen nó dành cho tôi, tôi lập tức đứng dậy đi theo nó khi nó ngoắt tôi ra trước hiên.
Tôi lại gần Đông Anh:
- Có chuyện gì vậy?
- Có chuyện gì đâu! Ra đây ngồi chơi cho mát!
Hai đứa ngồi trên chiếc ghế xích đu đằng trước nhà.
Đông Anh lôi từ trong túi áo ra hai bịch đậu phộng da cá chia cho mỗi đứa một bịch.
Tôi vừa nhai đậu phộng vừa trầm trồ:
- Nhà mày đẹp quá há?
- Ừ.
- Ba mẹ mày hiền quá há?
- Ừ.
- Mày là con một hở?
- Không. Tao còn một đứa em gái. Nó học lớp mười một.
Đông Anh hí hửng khoe:
- Em tao dễ thương lắm. Người đẹp mà tên cũng đẹp. Tên nó là Đinh Lăng.
Tôi liếc vào trong nhà:
- Em mày ở đằng sau hở?
- Không. Nó đi mua đồ, lát về.
Rồi chừng như sợ tôi không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của em gái nó, Đông Anh vỗ vai tôi:
- Mày ngồi chơi thêm một lát đi. Để tao giới thiệu mày với em gái tao.
Đông Anh làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Xưa nay tôi ít thấy đứa nào hồn nhiên như nó. Xưa nay lũ bạn tôi đứa nào cũng sợ bạn bè chọc ghẹo em gái mình, mỗi lần dẫn bạn về nhà là mắt láo liên cảnh giác.
Đông Anh ngược lại. Nó sợ tôi không gặp được em gái nó. Cho nên thấy tôi sốt ruột nhìn ra đường, nó cứ nhấp nha nhấp nhổm. Xem ra nó còn sốt ruột hơn tôi gấp bội.
Cứ chốc chốc nó lại trấn an tôi:
- Em tao sắp về rồi đó.
- Tối đa là năm phút nữa em tao sẽ về tới.
Tôi dán mắt ra đường, vì tò mò hơn là vì háo hức. Trái tim tôi đã thuộc về nàng Stéphanette vô hình vô ảnh trên đường Nguyễn Du. Nàng Đinh Lăng dẫu đẹp như tiên giáng thế vẫn chỉ là người đến sau. Người đến sau hẳn sẽ không có chỗ trong trái tim tôi, dù tôi rất yêu một loài hoa có tên là đinh lăng.
Cuối cùng, Đinh Lăng cũng về tới, tất nhiên không phải sau năm phút như thằng Đông Anh nói mà sau năm mươi phút ngóng chờ đằng đẵng.
Đinh Lăng dắt xe vào trong sân, thấy khách lạ nó cúi đầu lầm lũi bước.
Tôi đinh ninh Đông Anh sẽ kêu em gái lại để giới thiệu hai bên với nhau. Nhưng nó vẫn ngồi trơ, chỉ thì thào:
- Em tao đó. Đẹp không?
Tôi không chờ đợi cái kiểu giới thiệu lén lút như thế. Lại trông có vẻ "đầu trộm đuôi cướp" nữa. Y như hai tên trộm vặt đang rình người có của: "Gã đó. Giàu không?".
Rimbaud của Việt Nam chẳng lẽ không đáng xuất hiện trước mặt người đẹp Đinh Lăng đường đường chính chính? Nghĩ vậy nên tôi giận dỗi:
- Mày không kêu lại, nó cúi gằm như thế tao có thấy gì đâu!
Tôi nói cho bõ tức. Chứ thật ra dù em gái thằng Đông Anh không ngẩng đầu lên, tôi vẫn thầm công nhận nó là một con nhỏ xinh đẹp. Nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, mái tóc óng ả, một người con gái đã hội tụ được ba yếu tố đó thì khuôn mặt chắc chắn phải đẹp.
Đông Anh xoa dịu sự hờn giận trong lòng tôi:
- Em tao nhút nhát lắm. Mó mới trông thấy mày lần đầu, còn mắc cỡ.
Rồi e giải thích như thế vẫn không khiến tôi nguôi ngoai, nó lật đật hứa hẹn:
- Từ từ rồi tao sẽ giới thiệu hai đứa với nhau.
Chữ "hai đứa" làm tôi mát lòng mát dạ. Tôi không còn ấm ức nữa. Mà nhe răng cười:
- Nhớ nhé!
Đông Anh gật đầu.
Và ngày hôm sau vừa gặp tôi trên lớp, nó ngoắt tôi ra trước hành lang, long trọng thông báo:
- Hôm qua lúc mày về rồi, em gái tao hỏi thăm mày tíu tít.
- Nó hỏi sao?
- Nó hỏi mày là ai, quê ở đâu?
- Mày nói sao?
- Còn nói sao nữa! - Đông Anh cuời - Tao nói mày là thằng Khoa quê ở Thăng Bình, học chung lớp với tao.
Tôi tò mò:
- Nó còn hỏi gì nữa không?
- Còn. Nó hỏi mày học giỏi không?
Tôi nín thở:
- Mày trả lời sao?
- Tao bảo mày làm rédaction hay nhất lớp.
Đông Anh làm tôi cảm động quá chừng. Tôi sợ nó khai huỵch toẹt chuyện tôi đứng trơ như phỗng trong giờ vấn đáp. Nhưng nó không đả động gì đến điểm yếu của tôi. Nó đã "xấu che tốt khoe" giùm tôi.
Như để làm tôi cảm động hơn nữa, Đông Anh nói:
- Tao còn khoe mày làm thơ hay tuyệt. Rồi tao đọc bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho nó nghe. Nó nghe và nó trầm trồ mãi. Nó bảo chưa bao giờ nó được biết một bài thơ hay như vậy.
Đông Anh nói tới đâu, người tôi lâng lâng tới đó. Tôi làm thơ cho nàng Stéphanette, không ngờ lại khiến nàng Đinh Lăng xao xuyến đến thế.
Nàng Đinh Lăng có lẽ xao xuyến tận tâm can nên sau khi khen thơ tôi, nàng nhờ anh trai nàng năn nỉ tôi làm một bài thơ tặng nàng. Đông Anh bảo tôi như vậy nhưng tôi không tin. Tôi ngẩn ngơ hỏi lại:
- Mày nói thật không đấy?
- Sao lại không thật! - Đông Anh hoa tay - Em gái tao sẽ vô cùng cảm động nếu một ngày nào đó tao cầm về cho nó bài thơ mày làm tặng nó. Nó bảo từ nay trở đi, nó sẽ đợi từng ngày.
Viễn ảnh Đông Anh vẽ ra khiến tôi bâng khuâng quá đỗi. Trong một thoáng, tôi tin tôi là thi sĩ lớn. Tôi đích thị là Rimbaud, nếu không tại sao mới xuất hiện lần đầu đã có người nồng nàn ái mộ.
Tôi nhìn Đông Anh, ngất ngây đáp:
- Được rồi. Đêm nay tao sẽ làm.
Tối đó, tôi gò mình trên trang giấy, tưởng tượng Đinh Lăng là nàng Stéphanette và nắn nót viết những vần thơ tình tứ và sầu muộn:
Tôi là hòn sỏi buồn
Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh
Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân.
Người con gái tóc dài che mặt
Em đến từ đâu và em sẽ về đâu
Tôi ở lại với lần đầu gặp gỡ
Xin chiều đừng qua mau.
Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới
Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi?
Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt
Chiêm bao sao chỉ một người?