P2 - Chương 5
Tác giả: Nguyễn Như Phong
Chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị các thủ tục, Công ty Dịch vụ - Tư vấn - Thiết kế nhà Thành Công thuộc Tổng công ty Thành Đạt đã ra đời với số vốn pháp định là một tỉ đồng. Trong tổng số tiền này thì Minh “hói” chỉ có hơn hai trăm triệu, còn lại là từ Thành Đạt. Minh thừa biết công ty này cũng chỉ là một thứ công ty ma và dĩ nhiên, hắn cũng chỉ là một cái bóng của Tiến không hơn không kém. Minh “hói” cũng không thích gì kiểu làm ăn này nhưng dù sao thì làm giám đốc một công ty con trong Thành Đạt cũng là quá tốt so với hoàn cảnh hiện nay của hắn. Minh “hói” nhớ như in vẻ mặt của ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh khi mà Tiến đưa Minh đến làm thủ tục lập công ty và mở rộng ngành nghề cho Thành Đạt. Ông ta nhìn Minh từ đầu đến chân bắng ánh mắt khinh bỉ xen lẫn sự khó chịu rồi thẳng thừng hỏi Tiến:”Thế anh không tìm ra người nữa hay sao mà lại chọn tay này”. Nghe cái giọng ấy, Minh suýt nổi khùng và nếu không có Tiến kéo tay lại thì có lẽ Minh đã đấm vào cái bộ mặt tròn xoe, nung núc thịt đó. Tiến cười lành lạnh và nói bằng giọng kẻ cả:”Thế anh tưởng thời buổi này tìm ra một người có năng lực thật sự là dễ à? tôi bỏ ba phần tư số tiền vốn pháp định ra để lập công ty, tôi phải cân nhắc kỹ hơn anh. Anh chưa rõ đấy thôi, anh Minh đây là người được đào tạo rất bài bản ở Liên Xô từ thời bao cấp. Anh ấy học thật, có bằng thật, chứ không như khối vị cán bộ bây giờ học giả lĩnh bằng thật”. ông Giám đốc sầm mặt xuống vì chạnh lòng bởi ông cũng học giả, đơn tố cáo ông không đi học mà có bằng Đại học kinh tế được gửi lên tận Chủ tịch tỉnh. Mặc dù ông không muốn ký một chút nào cho Thành Đạt mở rộng ngành nghề nhưng ông biết nếu gây sự với Tiến thì chưa biết chừng tai họa sẽ giáng xuống đầu ngay tức khắc. Minh “hói” cũng biết Tiến là người rất có thế lực ở tỉnh và cả trên Trung ương, nhưng việc anh ta nói vỗ mặt ông Giám đốc Sở, trong khi mình đang phải lụy họ thì khâm phục Tiến thực sự. Quả đó phải là con người ghê gớm lắm mới dám như vậy. Công ty được thành lập nhưng không tổ chức rùm beng mà chỉ làm một bữa tiệc ra mắt trong nội bộ Tổng công ty.
Quan chức duy nhất của tỉnh được mời chính là Phó chủ tịch Chi. Trụ sở công ty đặt ngay tại nhà Minh “hói”.
Buổi sáng, Minh “hói” đứng ngắm nghía tấm biển: Tổng công ty Thành Đạt - Công ty Dịch vụ – Tư vấn - Thiết kế nhà Thành Công, và suýt bật cười vì bỗng dưng mình lại được gọi là Giám đốc.
Mấy hôm trước, Minh đã cho in hai trăm chiếc cácvidít bằng loại giấy thơm hảo hạng và không ngấm nước rồi phát cho bà con hàng xóm. Cuộc đời kể cũng lạ. Nhiều người mấy ngày trước còn coi Minh bằng nửa con mắt thì nay bỗng thay đổi hẳn.
Họ cứ tưởng đã là Giám đốc thì có nghĩa đó là người lương thiện.
Bùi Thị Minh Lệ, vợ Minh, thấy chồng ngắm nghía tấm biển cũng chạy ra dòm dòm:
- Thế là mình thành Giám đốc thật à?
-Ối dào, Giám đốc đểu, có gì quan trọng.
- Đểu là thế nào? Thế làm Giám đốc, có cần phải chọn thư ký, trợ lý không?
Minh lườm vợ:
- Lại chuẩn bị ghen đấy phải không? Cứ yên tâm đi, tôi không chọn bọn thư ký có ngoại hình ưa nhìn. Mình sẽ là thư ký cho tôi. Trên đời này xem ra chỉ có vợ, mà lại là vợ có dung nhan vừa phải là trung thành với chồng mà thôi.
Vợ Minh được nịnh, cười tít mắt:
- Nếu mình không chê, em làm thư ký cho.
Chữ của em đẹp lắm. Nhưng anh phải kiếm một đứa đánh máy vi tính giỏi, soạn văn bản tài.
Minh cười sằng sặc:
- Chữ của em đẹp lắm? Ối giời ơi, gà bới còn gọi bằng cụ.
Một chiếc xe Mercedes E280 đen bóng lao tới.
Minh nhận ra đó là xe của Tiến và vội đến mở cửa xe. Tiến xách chiếc cặp khá to, xuống xe và vui vẻ:
Chào Giám đốc. Chà, tấm biển đồng sang quá!
Chào Tổng giám đốc. Sao đến sớm thế này, mời anh vào nhà. Chắc có việc gì phải không?
Ta vào nhà rồi bàn.
Hai người đi vào. Tiến nhìn căn nhà của Minh “hói” gật gù:
Nhà anh còn sang hơn nhà tôi nhiều. Bố tôi bảo ngày xưa, hồi anh đánh xe tô khung gầm về lắp, tiền nhiều như lá rừng.
Đúng là có lúc lắm tiền thật. Mỗi chiếc xe lãi ba, bốn chục triệu, mà có tháng ăn năm chục xe.
Nhưng rồi cũng chỉ vì không biết giừ, chỉ hai quả sập cầu, suýt khuynh gia bại sản. Hồi đó, riêng tiền cho bọn cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế và bọn kiểm nghiệm đi gần một triệu đô.
Tiến chợt nghiêm giọng:
- Anh đã chuẩn bị người theo như chương trình mình đã bàn chưa?
-Ngày mai chúng đến nhận việc. Năm đứa, trong đó có hai thằng là sinh viên đại học kiến trúc.
-Chúng mù chữ cũng được, nhưng phải là những đứa biết vâng lời tuyệt đối. Anh hãy trả cho chúng mức lương mà có nằm mơ chúng cũng không thấy.
-Anh yên tâm. Bọn cũ toàn là đệ tử ruột của tôi.
Tiến giơ cặp lấy ra một tấm bản đồ quy hoạch đất:
- Khu vực này là đất thổ canh, hơn ba mươi héc ta. Anh nghiên cứu kỹ đi, làm thế nào để cho toàn dân xung quanh hoa mắt lên là được. Tôi nói thế, anh hiểu chứ?
- Tôi hiểu. Nhưng ba mươi héc ta này không đụng đến chứ?
Tất nhiên. Hiện nay, nếu đem biếu, chưa chắc đã có người dám nhận. Nhưng tôi tin là anh sẽ biến nó thành vàng.
Năm ngày sau Minh “hói” dẫn một tốp “công nhân” đo đạc đến khu đất nằm ở ven thành phố.
Minh “hói” cho dựng máy trắc đạc, cắm cọc chuẩn, và một gã ôm bó cọc tô sơn đỏ đi cắm tuyến.
-Sang phải... sang phải - Minh “hói” dán mắt vào ống kính, tay vẫn ra hiệu, miệng hò hét chỉ bảo.
- Được rồi... Cốt bao nhiêu? Thằng kia, ghi lại cẩn thận.
Thấy tốp công nhân làm việc, những người dân xúm đến. Một người hỏi:
-Các anh đo làm gì đấy?
-À lệnh của tỉnh thì cứ làm thôi. Chả hiểu các ông ấy làm gì? Có lẽ là quây khu này lại, làm trại nuôi dê - Minh nói ngất ngưởng.
-Làm gì có chuyện nuôi dê ở đây. Xây đô thị mới à?
-Chúng tôi không được phép tiết lộ.
Một người ra hỏi “công nhân”:
-Làm đường qua đây hả chú?
-Không, làm đường chỉ là chuyện nhỏ.
-Xây đô thị mới à?
-Ai lại điên xây đô thị mới ở đây, chỉ vài tháng dân đổ rác là hỏng cảnh quan ngay. Môi trường tốt, cảnh đẹp, tỉnh sẽ cho tập đoàn thương mại của Pháp đầu tư. Dự định nơi đây sẽ là trung tâm triển lãm thương mại, khu du lịch - dịch vụ chất lượng cao, lại có hai khu siêu thị ôtô, xe máy...nhưng mà còn lâu.
-Bao giờ dự án tiến hành - Một phụ nữ gánh cỏ, quần xắn đến đầu gối chen vào hỏi.
-Còn lâu, phải ăn tết xong.
-Thế chỗ ao rau muống, và cái đầm lầy kia thì tính sao? - Chị ta chỉ ra cánh đồng.
-Thì quyết định của tỉnh là san lấp rồi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chả nhẽ giữa khu công nghệ cao lại để cái đầm nuôi muỗi.
Vừa lúc đó, có một chiếc xe 12 chỗ ngồi phóng đến. Các “phóng viên truyền hình” lấy máy quay ra quay đủ các góc độ. Một chị “phóng viên” ra phỏng vấn Minh “hói”.
-Chúng tôi là phóng viên truyền hình của tỉnh. Được biết tỉnh đã có quyết định quy hoạch khu dân cư này, các anh đang đi khảo sát đo đạc, chúng tôi muốn phỏng vấn mấy câu được không?
- Không? - Minh xua tay - Chúng tôi chưa thể nói gì bởi còn phải tiến hành đo đạc, khảo sát và tính toán rất nhiều.
Một “công nhân của Minh vác thước lội ra giữa một khu ao để làm mốc cho máy lấy vị trì. Các phóng viên đổ xô ra quay phim. Chị phóng viên van năn nì:
- Anh cho chúng tôi hỏi chút ít về công việc của các anh thôi.
Minh miễn cưỡng đồng ý. Chị phóng viên mời mấy người dân làng đứng cạnh Minh:
Mời các chị, các bác đứng làm nền cho tí chút.
-Có bồi dưỡng không đấy? - Một người hỏi.
- Truyền hình nghèo lắm, không có tiền bồi dưỡng đâu.
Máy quay được đặt lên chân máy cẩn thận.
Một nhân viên ánh sáng lấy tấm phản quang điều chỉnh rọi vào tóc Minh.
- Xong chưa? Nào chuẩn bị... bắt đầu - Chị “phóng viên” đứng trước ống kính quay lưng vào Minh - Thưa bạn xem truyền hình. Chúng tôi xin thông báo một quyết định quan trọng của UBND tỉnh - đó là việc đầu tư xây dựng khu đầm lầy, thuộc xã Vân Cảnh thành khu du lịch thương mại, trung tâm triển lãm hàng nông sản thực phẩm. Tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Pháp là Ancaten đã được chính phủ cấp phép đầu tư. Tổng trị giá của dự án là một trăm hai chục triệu euro. Tuy nhiên, việc khảo sát thiết kế mới chỉ là bắt đầu. Tại khu vực quy hoạch, chúng tôi đã phỏng vấn đội đo đạc... Thưa anh, anh có thể bé mở đôi chút về khu thương mại dịch vụ này được không ạ?
Minh “hói” lúng túng, gãi đầu, gãi tai:
Tổng... tổng thể dự án đang tiếp tục đàm phán, tôi chưa được phép tiết lộ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định là nơi đây chắc chắn sẽ trở thành một khu dịch vụ thương mại hiện đại nhất cả nước. Hiện nay công việc của chúng tôi rất nhiều và khá vất vả như các bạn đã thấy - Mình chỉ vào một công nhân cởi trần, lội giữa ao. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành công việc vào quý tư năm nay, để lập thành tích mừng Xuân mới, mừng thắng lợi của năm qua.
Nghe Minh nói, một đệ tử của hắn nói với người bên cạnh:
- Lão ấy thành diễn viên hồi nào vậy?
Tại nhà Minh, cả tốp “phóng viên” và “công nhân” ngồi uống bia. Ả phóng viên khi nãy bây giờ lộ nguyên là một gái điếm khi cứ lăn vào vòng tay của một “công nhân”.
-Màn kịch quá hay - Minh “hói” cao hứng Chúng ta đều là những diễn viên hạng nhất.
Gã “công nhân” phải lội ao cắm cọc cằn nhằn:
-Kinh bỏ mẹ, nước ao thối khắm. Đỉa bò vào bộ “tam sự”, sợ vãi linh hồn.
-Anh thưởng cho chú thêm. Ngày mai, và cả chủ nhật, chúng mày tiếp tục làm giả... y như thật - Minh nói rồi nâng cốc bia - Nào chúc mừng thành công ban đầu. Mà này, nhớ kín mồm kín miệng đấy.
Cả bọn uống hết thùng bia thì giải tán. Minh nằm trên chiếc ghế xích đu, nửa mặt nhìn lên trần nhà và thấy một cảm giác thỏa mãn nhè nhẹ dâng lên khắp người. Hồi đi chợ về, thấy cảnh vỏ lon bia vứt lung tung, cô có vẻ khó chịu, liền ném phịch cái làn đựng cá thịt xuống, gọi đứa ở:
-Con Síu đâu rồi? Mày không có mắt hay sao mà để các thứ bừa bãi thế này?
Nghe giọng nói xóc ấy, Minh chợt thấy tức lộn ruột:
-Im cái mồm đi. Anh em vừa uống mấy lon bia, chưa kịp dọn, làm gì mà cong cớn lên thế.
Quá biết chồng là kẻ cục tính, nếu già mồm thêm không khéo ăn đòn, nên Hồi vội xách làn thức ăn chuồn vào bếp.
Có tiếng chuông gọi cửa. Lệ vội chạy ra mở cửa. Một người đàn ông cao lớn, đội mũ sùm sụp, đeo cặp kính râm to như mu bàn tay úp lên mặt, anh ta nói bằng giọng khẽ khàng hoàn toàn không hợp với vẻ mặt dữ tợn của mình:
- Chào chị, chị cho em hỏi anh Minh có nhà không ạ?
- Xin lỗi, anh là ai ạ? Nhà tôi đang mệt.
- Chị nói với anh là em trên Phú Thọ xuống.Anh mới gọi em mấy hôm trước.
Nghe nói vậy, Lệ mở rộng cổng. Minh ngồi phắt dậy khi nhìn thấy người mới vào, đó chính là Chu, người đang thuê Hoàng Ngọc Quả lái xe cho mình. Minh vồn vã:
- Chú mới xuống đấy à. Đi bằng cái gì đấy?
- Em đi xe ôm. Gớm, chờ ông anh lâu quá. Lúc nãy, thấy đông người, thằng em không dám vào.Ông anh bây giờ lên làm Giám đốc rồi, có cửa nào sống, cho em núp với.
Minh lấy chai rượu mơ mật ong rót ra chén:
-Mời chú. Chúc chú may mắn - Ngửa cổ uống hết chén rượu, Minh nói - Chú cứ đùa anh. Anh nghe anh em nói, trên Việt Trì, chú là vua một vùng. Anh chẳng qua cũng hết đường làm ăn nên mới phải núp về làm cái thứ công ty “hết hạn, hết trách nhiệm” này.
-Em biết là ông anh núp bóng Thành Đạt. Nhưng mà thôi, ta vào việc luôn. Thằng Qua mà anh cần tìm, đang ở chỗ em. Em không dám giấu anh. Hôm nọ anh cho người hỏi, chẳng qua là em chưa tin, phải gặp trực tiếp anh. Anh đừng nghĩ là em có ý gì. Nhưng mà nó đắc tội gì với ông anh vậy?
- Chú hiểu lầm anh rồi - Minh tỏ ra rộng lượng - Anh chưa bao giờ nghi ngờ chú. Anh muốn hỏi chú là để biết vậy thôi, chứ thực ra anh lạ gì chuyện nó làm cho chú. Nó chẳng làm gì nên tội với anh cả, mà với người khác. Anh sẽ bảo người lên đó đưa nó về.
Minh nói đến đó thì ngừng lại như thể muốn dò phản ứng của Chu, chứ thực ra. hắn hoàn toàn không biết chuyện Quả trốn lên Việt Trì. Nếu biết thì hắn đã chẳng phải cho người lên nhờ Chu tìm giúp. Chu ngày xưa cũng có một thời là đệ tử dưới trướng của Minh. Sau này, khi phát hiện ra Chu có vẻ chán kiểu làm ăn giang hồ, Minh đã cho Chu năm chục triệu và giúp Chu mua một chiếc ôtô, chính vì thế mà Chu vẫn chịu ơn Minh.
- Nó bảo em là vì nợ nần chồng chất, sợ bị đòi nên trốn lên chỗ em.
-Nó nói dối - Minh quắc mắt - Nó không chỉ nợ tiền mà thôi, nó còn làm nhiều trò lừa thầy phản bạn khác. Anh muốn đưa nó về đây, dạy cho nó một bài học.
- Anh đưa nó về bằng cách nào? Em thấy nó cảnh giác lắm.
Minh mở tủ lấy ra một phong bì tiền toàn đô la:
- Chú cầm lấy chỗ này. Còn mọi việc sẽ có người khác lo.
Sau một chuyến đi Lạng Sơn chở hàng về, Quả lái xe vào bãi, nét mặt lộ vẻ mỏi mệt. Phụng “vải dúi cho Quả ít tiền:
- Anh chạy xe hay thật đấy, nhanh hơn thằng lái cũ gần ba giờ. Anh về nghỉ ngơi đi, tối nay, anh em mình đi ăn cơm nhé.
-Anh hơi mệt - Quả thoái thác.
- Cứ đi với em, khắc hết mệt ngay. Đừng có từ chồi nhé. Phụng “vải” này đã phải cất giọng mời ai thì là không dễ đâu - Nói rồi Phụng liếc mắt đong đưa.
Hai người ăn cơm trong một nhà hàng sát bờ sông. Họ ngồi riêng một phòng có máy lạnh và Phụng ân cần mời mọc. Rượu vào, Quả ngả ngớn ôm Phụng?
- Tối nay, mình đến khách sạn nhé.
-Thích thì chiều. Sao lúc nãy kêu mệt... trên bảo dưới không nghe?
-Hí hí, bây giờ thì không đợi trên bảo dưới cũng xung phong...
Được nửa chừng, Quả đứng dậy đi ra toa lét.
Quả vừa khép cửa phòng vệ sinh thì Phụng vội mở xắc lấy ra gói thuốc nhỏ, đổ vào ly rượu.
Lát sau, Quả vào, Phụng bá vai Qua:
- Thôi, em Và anh uống chung ly này rồi chấm dứt. Kẻo say quá lại... lại phí rượu.
Phụng uống trước hớp nhỏ và lén nhổ ra sau lưng Quả. Còn Quả ngửa cổ nốc cạn ly rượu.
Mấy phút sau, Quả lờ đờ:
- Say quá, em đưa anh về khách sạn nhé.
- Ờ. Em cũng say. Say lắm rồi. Ai bảo uống cho lắm.
Quả gục xuống bàn. Phụng ra mở cửa. Ba thanh niên lừ lừ vào, đó chính là hai tên đệ tử của Minh “hói” đã để sổng mất Quả từ lần trước.
Chúng dìu Quả ra ôtô đợi sẵn và đi mất hút.
Đến một đoạn đường vắng, chúng dừng xe và trùm bao tải vào Quả, trói chặt lại, rồi cho xe chạy.
Trời bỗng đổ mưa sầm sập. Chúng dừng xe tại một nắp cống rồi khiêng Quả ra chúng ném xuống cống, đậy tấm đan lại và lên xe phóng đi luôn.
Một buổi sáng, khi Thành và Đức vừa đến Phòng Cảnh sát Điều tra thì có trực ban gọi:
- Alô, ông Thành à, ra cổng có khách chờ đấy nhé.
-Ai vậy? Này, anh tên là gì... Chí à. Anh Thành ơi, khách tên là Chí. Có một cô nửa đi cùng, anh mời anh ta lên phòng của tôi ngay.
Mấy phút sau, Chí và một cô gái vào phòng.
Chí giới thiệu: - Đây là chị Thúy, vợ sắp cưới của anh Quả.
Chị ấy có việc muốn báo cáo các anh.
Thành gọi Đức, nhưng họ chưa kịp hỏi gì Thúy òa lên khóc. Thành đưa nước cho chị rồi an ủi:
- Chị cứ bình tĩnh lại đi. Chúng tôi đang đi lùng tay Quả toét cả mắt mà chưa thấy đây.
- Các anh ơi, chắc nhà em bị chúng nó thủ tiêu rồi.
Thôi được rồi, căn cứ vào đâu mà chị đoán như vậy. Chị cứ thong thả kể cho chúng tôi nghe từ đầu Giá như chị nói với chúng tôi từ tuần trước thì có thể đã tìm thấy anh ấy rồi.
Hôm ấy các anh hỏi nhưng em sợ... Vả lại, nhà em có dặn là không được tin ai, nghe ai, ai hỏi gì cũng cứ nói là không biết.
- Thế sao hôm nay chị lại định kể cho chúng tôi?
- Anh ấy có dặn em rằng sau khi anh ấy đi được từ một tuần đến mười ngày thì thế nào cũng có tin về và nếu quá ngày đó, chắc có chuyện chẳng lành thì hãy đến báo công an - Nói rồi Thúy lại khóc nức nở
- Đêm hôm qua, em nằm mơ thấy anh ấy về. Em bảo vào nhà, anh ấy không chịu vào mà nói là người bẩn quá, vào bẩn nhà, rồi lại kêu rét.
-Nhớ thương nhiều quá sinh ra mộng mị cũng chẳng phải là chuyện lạ. Chị cố gắng nhớ và kể hết cho chúng tôi nghe.
Thúy lau nước mắt rồi uống một ngụm nước và chậm rãi kể lại bắt đầu từ buổi sáng hôm Quả đi thành phố Hồ Chí Minh.
“ Buổi sáng, Quả đang xếp hàng vải cho Thúy ngoài chợ thì có chuông điện thoại. Thúy nghe điện:
- Alô, ai gọi đấy ạ!
Em đây, Hà “lác” đây? Cho em gặp anh Quả với. Thúy đưa máy cho Quả:
- Có việc gì mà phải gọi điện thoại, sao mày không đến đây?
- Anh đi ra ngay quán cà phê bà Khỏa, ông cần gặp anh gấp...
- Ông à? Bảo chờ anh mười phút, dọn hàng cho chị ấy xong, anh ra.
- Không được, sớm phút nào hay phút đó. Anh tới ngay đi.
Quả cằn nhằn:
-Cứ như cháy nhà đến nơi. Chắc lại gọi đi chạy hàng chứ đếch gì. Em chịu khó dọn một mình. Anh ra một lát rồi về ngay.
Nói rồi Quả vội vã phóng xe máy đi. Khoảng nửa giờ sau, khi Thúy dọn xong hàng và bắt đầu ngồi kẻ mắt, bôi son thì Quả về, nét mặt đầy sự căng thẳng.
- Có chuyện gì thế anh?
- Em gửi hàng, ta về nhà, có chuyện quan trọng anh nói với em.
Thúy vội nhờ cô bán hàng bên cạnh trông hộ hàng rồi họ chạy xe máy về nhà.
Quả đóng sập cửa lại:
- Em ạ, anh phải trốn ngay thôi.
- Trốn cái gì? Vì sao mà trốn? - Thúy tròn mắt hỏi lại.
- Em nghe đây, thời gian gấp lắm rồi. Ngày xưa, anh thỉnh thoảng có chở hàng trắng từ Nậm Cắn về. Thằng Tám là người giao hàng cho anh.Sau này nó bị bắt và phải chịu án tử hình.Nhưng hôm qua, trước lúc ra pháp trường, nó xin khai lại và đã được tạm tha chết. Nó đã khai ra anh, vì vậy chỉ hôm nay thôi là công an tỉnh sẽ lùng ra được anh. Ông già bắt anh phải trốn vào Đắk Lắk và đến nông trường cà phê Eaba. Tại đấy có thằng lo nuôi và kiếm việc mới cho anh.
-Nhưng anh không tin lão ta được đâu. Vào trong đấy không khéo nó cho giết mình để diệt khẩu.
-Anh sẽ lừa chúng nó...
Nghe Quả nói mà Thúy sợ run bần bật. Cô biết Quả ngày xưa có chở ma túy từ biên giới về, nhưng từ năm ngoái, cô đã thấy Quả thề độc là nếu còn dính đến ma túy thì sẽ chết đường chết chợ.
Quả bảo Thúy:
- Họ đưa cho anh hơn chục triệu để làm lộ phí, vào trong đó sẽ có tiền gửi vào sau. Em còn tiền đưa cho anh thêm chút ít.
Thúy khóc sùi sụt rồi mở tủ lấy ra một bọc tiền dúi cả cho Quả. Quả mở ra, thấy nhiều bèn lấy một xấp rồi đưa cho Thúy bọc tiền còn lại:
- Anh cần cầm thêm ngần này thôi. Anh đi, chậm nhất là một tuần hoặc chục ngày sẽ có tin về. Nếu quá ngày ấy, không thấy tin gì thì coi như có chuyện chẳng lành. Trong lúc anh đi, nếu có ai hỏi, bất luận đó là công an hay bạn bè chiến hữu, em cũng bảo là không biết.
- Nói dại mồm, nếu anh không về, em phải làm gì.
- Thì lấy ngày anh đi mà làm giỗ cho anh.
- Còn em hãy đến công an và bảo họ người biết anh ở đâu là thằng Hà “lác”.
Nói rồi Quả ôm chặt Thúy vào lòng rồi xách chiếc túi du lịch cũ kỹ vội vã ra đi.
Có một chiếc xe chạy tới đón Quả... “.
Thúy kể tiếp:
- Em chờ mấy ngày mà không thấy tin gì bèn đì tìm gặp thằng Hà “lác”. Em biết nó là lái xe công nông đầu ngang chở đá, sỏi ngoài bến sông Hồng.
-Nhưng khi em ra tìm thì người ta bảo nó nghỉ đã hơn năm ngày, nghe nói nó đã bán xe rồi đi vào bãi Đá đỏ ở Quỳ Hợp - Nghệ An.
- Chị có chắc người gọi điện thoại là Hà “lác” không? Chắc, thằng này hay qua lại chơi với anh Quả. Em lạ gì nó. Em không thích anh Quả quan hệ với nó vì nó nghiện hút.Ngày nào cũng phải hai, ba bi.
Đức hỏi chen vào:
- Ngoài Hà, cô có biệt Quả quan hệ với những ai nữa không? Mà ai là người mà Quả gọi là “ông”?
Em không rõ lắm nhưng hình như là ông Túy - Túy “đen”, chủ trang trại Thiên Sơn.
- Sao lại là “hình như”? - Đức hỏi.
- Cũng có vài lần em được nghe anh ấy nói chuyện với bạn bè và khi nhắc đến ông Túy thì ai cũng sợ. Anh Quả cũng vậy, có lần anh ấy bảo em “ông này cho ai sống thì được sống, bắt chết là phải chết”.
- Sao người ta đồn là ông ấy sợ vợ như cọp?
- Thì khối người đàn ông trên đời chỉ sợ mỗi vợ.
Thúy nói ráo hoảnh và hơi nhếch mép cười.
Chợt cô ta nhìn đồng hồ, thấy đã hơn chín giờ sáng, Thúy nói:
- Bây giờ em xin phép các anh, em phải đi hầu đồng, xem anh ấy có bị gì không.
Câu chuyện mà Thúy kể càng làm cho các thành viên của Ban Chuyên án thấy việc Quả đã trốn đi đâu mất tích và cũng không loại trừ khả năng bị đồng bọn thủ tiêu là có lôgic. Hàng loạt trinh sát được Ban Chuyên án tung đi những nơi nghi tên Quả ẩn náu. Một ngày sau khi Thúy đến công an trình báo, Vũ Mạnh Tường gọi Thành, Đức, Tâm, Lưu và một nữ trung úy lên là Lê Thị Miên làm nhiệm vụ thư ký đến họp. Tường có một thói quen là mở đầu cuộc họp bao giờ anh cũng nói rất ngắn và nhiều khi yêu cầu các điều tra viên báo cáo ngay kết quả công việc làm được rồi sau đó mới đặt yêu cầu khác. Cách làm việc của Tường đã gây cho cán bộ chiến sĩ dưới quyền một cảm giác luôn phải chuẩn bị sẵn sàng trả lời những câu hỏi của anh. Tường cũng là người rất ghét sự lươn lẹo trong báo cáo và tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, chính vì vậy, khi bàn công việc với anh, không mấy ai dám nói dối.
Mở đầu cuộc họp, Đức báo cáo về kết quả xác minh tên Hà “lác” và Hoàng Ngọc Quả:
- Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát hình sự của Công an Nghệ An đề nghị giúp đỡ tìm tên Hà “lác” ở bãi Đá đỏ Quỳ Hợp. Tuy nhiên, theo các đồng chí ấy cho biết thì bãi Đá đỏ gần như đòng cứa từ hơn một năm rồi, bây giờ không còn ai vào khai thác nữa, ngoài một số người địa phương. Nhưng các anh vẫn cử người vào tìm. Một cơ sở của tôi cho biết là anh ta mới thấy tên Quả ba ngày trước ở trên Lạng Sơn.
-Quả lái một chiếc xe IFA và đi cùng một cô gái khá xinh đẹp. Họ nhận hàng ở Hang Dơi, nhưng là hàng gì, và đi đâu thì không biết.
-Thế thì cũng không khó khăn lắm để tìm cho ra anh chàng này - Tường nói và giao nhiệm vụ luôn - Đồng chí Thành đi Lạng Sơn, nhưng có lẽ nên đi bằng xe máy vì trên đường có thể xác minh ở một số địa điểm mà cánh lái xe hay nghỉ. Đồng chí Đức cung cấp tên cơ sở cho đồng chí Thành và tiếp tục vận động anh Chí và cô Thúy giúp chúng ta làm rõ mối quan hệ của Quả với một số đối tượng khác. Nếu thấy có thể được thì tìm cách đưa anh ta vào trang trại Thiên Sơn.
Tường nói xong rồi bỗng im lặng, thái độ của anh làm mọi người ngạc nhiên. Lưu hỏi:
- Thế còn em làm việc gì?
- Này, tôi có linh cảm linh cảm là tay Quả đã chết? Mà đây là cái chết chắc chắn không bình thường.
Nghe Tường nói vậy, tất cả đều tỏ thái độ đồng tình bởi họ biết rõ hơn ai hết Tường là một cán bộ điều tra có kinh nghiệm và rất có năng khiếu và anh là người có linh cảm đặc biệt trong phán đoán tình huống ngẫu nhiên của vụ án. Linh cảm nghề nghiệp đó chỉ có được ở những người rất giỏi nghề, có bản lĩnh và được rèn luyện qua nhiều vụ án. Tường đứng dậy đi vòng quanh:
- Nếu đúng như vậy thì tên thủ lĩnh của đường dây này là cực kỳ ghê gớm và hết sức quyết đoán trong hành động. Và như thế nó đặt cho chúng ta thêm những câu hỏi cần phải được giải. đáp thỏa đáng trước khi quyết định đưa đồng chí Tâm vào hang ồ của chúng.
Tâm cười:
- Anh Tường bây giờ cũng lo xa hệt như Giám đốc. Làm công an mà quá cầu toàn, đôi khi hỏng việc. Theo tôi, có lẽ chúng ta đánh giá đối thủ quá cao. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, đề nghị Ban chuyên án cho sớm thực hiện.
Tường bỗng nhìn chòng chọc vào mái tóc cắt cao theo đúng điều lệnh công an của Tâm và anh khẽ giật mình:
- Với mái tóc này của cậu, liệu vào đó, nó có tin đây là một kỹ sư nông nghiệp đang bất đắc chí phải đi khỏi cơ quan và được Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh giới thiệu không? Nếu trang trại Thiên Sơn không phải là một nơi buôn bán ma túy thì sau này chúng ta có cái mà kể cho phóng viên báo Công an viết trinh sát kể chuyện, còn nếu đúng như chúng ta dự đoán thì tên chủ của nó là kẻ không đùa được. Bây giờ thế này, đang có mốt đầu Rô-nan-đô, có lẽ cậu nên học anh ta. Mà theo tôi, cậu nên trao đổi với ông cụ. Thế nào ông cũng giúp được nhiều điều. Khôn không đến trẻ, khỏe không đến già... Câu ngạn ngữ đó vẫn đúng lắm đấy
Nghe nói đến bố, Tâm cười ngặt nghẽo:
- Ngày xưa, bố em chắc độc đoán, gia trưởng làm.Đến bây giờ về hưu rồi mà sinh hoạt trong nhà vẫn cứ như trại lính. Em đi về muộn là hỏi căn hỏi vặn. Khổ nhất là hôm nào đi nhậu tý chút với bạn bè, nhỡ có say rượu là ông mắng cho như tát nước vào mặt. Có ông bố nào thời buổi này lại ra lệnh cho con trai phải lấy vợ mà không cần biết chúng có yêu nhau hay không. Hôm nọ ông còn bắt em nói về kinh nghiệm đấu tranh với bọn tội phạm có tổ chức. Đến khi em nói về các thủ đoạn làm quen, mua chuộc cán bộ của chúng, ông cứ tròn mắt ra và bảo:”Chúng nó nham hiểm như thế, mày phải tránh thật xa đấy?”.
Đức lắc đầu:
- Ai bảo ông cụ nhà cậu độc đoán. Tất nhiên là những người có tính quyết đoán thì hay bị chụp cho cái mũ là độc đoán. Tớ chỉ được biết rằng ông cụ là người đa cảm. Nghe kể lại hồi ông là lính cảnh khuyển, nuôi dạy con chó Misen, khi nó ốm chết, ông cũng ốm mất gần nửa tháng.
Cô trung úy thư ký bỗng xen vào:
- Báo cáo anh Tường, em xin có ý kiến thế này.
- Cô nói di!
- Em có bà cô ruột bán hàng tạp hóa và may đo quần áo đối diện với cổng trang trại Thiên Sơn.Anh cho em đến đấy, vừa là giữ liên lạc, vừa có thể ứng phó kịp thời khi có sự bất trắc xảy ra.
Tường vỗ tay:
- Hoan hô trung úy Miên. Thế này thì tôi yên tâm được một phần rồi. Nhưng mà quanh khu vực ấy, có ai biết Miên không?
- Không ạ. Mỗi năm em xuống thăm cô vài lần, ai mà biết được.
- Vậy thì rất tốt, nhưng Miên cứ phải kiểm tra trước đã, và tốt nhất là nói nhiệm vụ của mình cho cô biết.
- Anh yên tâm đi, cô em ngày trước làm ở Ban bảo vệ chính trị của Tỉnh ủy. Nghỉ hưu rồi mới mở hiệu may kiếm thêm.
Tâm ra hiệu cắt tóc ven đường. Khi anh thợ quàng chiếc khăn lên vai Tâm xong liền hỏi: - Ông anh thích kiểu gì nào? Mà tóc anh đang ngắn thế này, cắt làm gì.
Tâm giừ tay kéo anh ta lại, lưỡng lự, rồi bỗng anh nói dứt khoát:
- Cạo trọc?
- Cái gì, cạo trọc?
- Thì sao nào?
- Em nói thật, ông anh bỏ quá cho. Trông ông anh mặt mũi hiền lành và rất công chức thế này, cắt trọc nom gai mắt lắm. Cái mất đầu ấy dành cho bọn choai choai... Em xin ông anh nghĩ lại.
Vậy cậu thử nghi xem, cần cắt một cái tóc như thế nào mà không ai nhận ra tớ.
- Cũng khó thật, nhưng thôi, có lẽ phải cắt cua.
Loáng cái, tay kéo anh ta đã lia ngay một lọn tóc của Tâm.
Tâm về nhà thì thấy mẹ đang ngồi nói chuyện gì đó với Kim ở hè và xem ra có vẻ vui lắm. Thấy Tâm, bà nói như reo lên:
- Nó về kia rồi? Bác nói sai đâu.
- Mẹ? Chào Kim, em đến lâu chưa?
- Em tới lâu rồi. Có cái đơn bà con ở khu xóm hếu ngoài bãi tố cáo mấy đứa nghiện hút, chuyên bắt trộm gà, chó của dân... Bố em bảo mang tới anh. Anh xem rồi giúp cho.
Chỗ nào mà có bọn nghiện là khổ rồi. Được rồi, em đưa đơn cho anh, mai anh báo cáo lãnh đạo phòng. Đang có chiến dịch truy quét bọn nghiện đưa đi trại cai nghiện bắt buộc.
Kim lấy trong túi ra lá thư đưa cho Tâm.
Đúng lúc đó, bà mẹ thấy mái tóc của Tâm khác lạ, bà nói như ra lệnh: “Tâm, anh bỏ mũ ra! “
Tâm lúng túng chưa biết nói thế nào thì bà lại bảo Kim:
- Cháu lột chiếc mũ trên đầu nó ra hộ bác.
Kim cười tinh quái và đến bên Tâm:
- Em là cũng phải làm theo lệnh cấp trên thôi đấy nhé.
Chiếc mũ được nhấc xuống. Bà mẹ giật nảy người khi nhìn thấy mái tóc húi cua lấc cấc của Tâm. Còn Kim, cô cũng trố mắt nhìn, không nói được nên lời:
-Tâm, thế này là thế nào? Công an... công an cũng... cũng cho để đầu mô- đen à? Mà kiểu gì nom như lưu manh thế
- Mẹ, con có việc nên... nên cấp trên yêu cầu đấy.
Vốn cũng là cán bộ công an nên bà hiểu ngay.
Bà dịu giọng:
- Lại đánh án mới à?
- Vâng - Tâm nói li nhí.
Bà khẽ thở dài rồi quay vào nhà để cho hai người nói chuyện.
Tâm lúng túng một lúc lâu mà không biết mở đầu thế nào. Kim biết Tâm khó nói nên cô càng
- Có chuyện gì mà anh cứ ngại không dám nói thế. Chuyện đánh án thì em mặc kệ, nhưng chuyện khác thì em phải truy cho ra nhẽ đấy.
- Tới đây anh phải đi công tác một thời gian.
- Đi bao lâu?
- Không biết được, nhưng chắc cũng cả tháng.
- Anh đi truy bắt bọn cướp à?
Không, nhưng cũng là việc phức tạp.
- Đánh án ma túy à?
- Em nói hệt như công an ấy “đánh án” - Tâm nói kéo dài.
Kim bật cười:
- Thì là con công an mà lại. Bố em cứ nắc nỏm khen các anh phá được vụ án Lê Minh. Cụ bảo thời buổi này mà lật được mặt nạ bọn “cổ cồn trắng” là khó hơn nhiều so với bọn hình sự bạo lực khác. Bao giờ anh lên đường?
- Có thể sáng thứ hai.
- Bố em bảo chủ nhật, nếu anh rỗi sang kể cho ông nghe về vụ Lê Minh. ông bây giờ tham gia công việc với phường, làm chân chuyên đi hòa giải, vì thế cũng cần phải biết nhiều thông tin.
Đúng lúc ấy, ông bố Tâm đi xe máy về, trong giỏ xe có mấy mớ rau và con cá chép khá to. Thấy hai người, ông nói tự nhiên:
- Kim, giúp bố làm con cá này rồi ở đây ăn cơm. Lát nữa bố con cũng sang đây uống rượu đấy. Tao vừa hẹn ông ấy rồi.
Kim ngượng ngùng xách cá đi vào bếp.
Lúc này ông mới nhìn thấy mái tóc cua của Tâm. ông khẽ hỏi:
- Đi trinh sát à?
- Vâng ạ. Mà này, bố cứ làm như Kim là con dâu rồi, gọi “con” cứ ngọt sớt.
- Mày tưởng bây giờ tao mới gọi nó là con à? Khi nó mới ba tuổi, ông ấy đi chiến trường, tao thi thoảng bế hộ, vẫn gọi là con. Còn mẹ nó, khi bế mày, cũng cứ nựng “con rể tương lai của mẹ”, mày vào hỏi mẹ mà xem. Nhưng mà thôi, tao thấy chúng bay được đấy. Cưới rồi yêu, còn khối thời gian để tìm hiểu. Nghe bố đi, tao nhìn người là tinh lắm. Hình như mẹ mày đi xem tuổi rồi. Mệnh mày khắc nó, thế là khắc đúng, chồng dạy được vợ, là hợp lẽ giời.
Ông ngừng lại nhìn Tâm bằng ánh mắt ấm áp lạ thường:
- Mày ra đây bố hỏi.
Hai bố con ra đứng dưới gốc cây bưởi. ông hỏi Tâm:
- Làm án gì mà phải hóa trang?
- Án ma túy bố ạ.
- Thế trinh sát của phòng cảnh sát chống ma túy đâu?
- Đây là chuyên án do Giám đốc làm Trưởng ban, anh Tường làm Phó Thường trực.
- Bao giờ đi?
- Chờ Giám đốc duyệt kế hoạch xong là lên đường. Tuy vậy, anh Phúc còn băn khoăn lắm.
- Sao lại băn khoăn?
- Anh ấy đòi phải khẳng định là đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Làm gì có được cái sự tuyệt đối trong đánh án. Có điều là phải lường hết mọi tình huống và có phương án đối phó cụ thể. Mày thâm nhập vào khu vực nào?
Tâm lúng túng, chưa biết trả lời sao bởi vì anh không muốn cho bổ biết quá cụ thể. ông gắt:
- Mày sợ tao làm lộ à?
- Không phải, nhưng... nhưng?
- Thôi được, tao tôn trọng nguyên tắc. Và mày cũng phải tôn trọng tao chứ?
- Tất nhiên rồi, mà sao bỗng dưng bố lại hỏi như vậy?
- Tao muốn mày cưới vợ càng sớm càng tốt.
- Mày cũng phải hiểu tấm lòng người làm cha làm mẹ chứ.
Sau hai ngày lang thang trên tuyến đường Lạng Sơn và khi vào khu vực buôn lậu ở Hàng Dơi, đi tìm cơ sở của Đức nhưng không gặp, Thành tìm được một tay chỉ huy mấy chục gã cừu vạn, là người làng. Thành rủ anh ta vào trong một quán bia. Sau khi uống hết một cốc bia, Thành hỏi:
- Chú mày làm ăn thế nào, lâu nay có về làng không?
- Em được ông chủ tin cậy, giao cho quản lý một đội cứu vạn ba chục thằng nên thu nhập cũng được Mỗi tháng gửi về cho vợ được bao nhiêu?
Anh ta gãi đầu:
- Tháng nào khá, được dăm trăm.
- Cài gì, được “dăm trăm”, thế tiền đi đâu hết.
- Mày cai quản mấy chục thằng cửu vạn, mỗi tháng phải kiếm được hơn chục triệu.
- Được, tao về quê, bảo cho vợ mày nó biết.
- Em lạy anh, tha cho em. Thu nhập thì cũng có khá, nhưng em chót dại... chót dại... ?
- Nghiện hút à?
- Không, em thề. Em không dám dính vào thứ của nợ đó..
- Thế ngồi xới à?
- Cũng không, em không biết đánh bạc?
- Thế thì chỉ còn có nuôi gái thôi!
- Vâng, đúng thế. Em chót dại với một đứa ở gần đây, nó vừa sinh con trai. Làm được đồng nào, nó thu sạch vì thằng anh nó lại là chủ bãi hàng.
Thành cười sằng sặc:
- Ngu chưa. ở quê thì hai thằng con trai, lên đây lại thêm thằng nứa... Đời mày còn là khổ. Bây giờ anh có chuyện này, mày giúp anh. Mày có thấy cách đây dăm ngày, có tay lái xe IFA nào đi cùng một con bé khá đẹp lấy hàng ở đây không?
- Tên lái xe là gì?
- Là Quả, Hoàng Ngọc Quả. Còn con bé chủ hàng lại không biết tên.
- Khó gì, chờ em mười phút.
Nói rồi anh ta quay ra gọi một gã đang đứng cạnh đấy là bảo đi gọi đám “tổ trưởng” về. Chỉ vài phút sau, có bốn tay “tổ trưởng” đến:
- Chúng bay có thấy cách đây dăm hôm, có thằng lái IFA lạ mặt mới đến nhận hàng không? Đi cùng nó là một đứa con gái khá đẹp.
Một “tổ trưởng” nói ngay:
- Đẹp và “ngon” chỉ có con Phụng “vải” ở Vĩnh Phú. Đúng rồi, hôm thứ năm, nó nhận hàng ở đây, có tay lái xe mới. Thằng cha đó nom đẹp trai, người gầy Bọn em có hỏi thì nó bảo là người của sệp.
- Cậu có biết ai là sệp không?
- Nếu là sệp của con Phụng “vải” có lẽ chỉ là thằng Chu hay gọi là Chu “dê” - vì thằng này máu gái - tay này buôn hàng Tàu nổi tiếng ở Phú Thọ.
Một tay khác giở sổ theo dõi và đọc dõng dạc:
- Đây, Phụng “vải”, xe IFA 38-06. Vải nhung kẻ tăm: 20 kiện, vải tuột xi pha len 5 kiện, vải ka ki 15 kiện.
Thành tươi nét mặt:
- Tốt rồi. Cám ơn các bạn?
- Ông anh tìm nó có việc gì đấy?
- Ân oán giang hồ - Thành nói rồi chụp chiếc mũ cối lên đầu và gọi người đồng hương ra một chỗ:
- Đây là số điện thoại của anh. Nếu thấy nó, phôn cho anh ngay. Bằng không, mày cứ gây sự, làm sao để công an nhốt cả vào trại là mày được thưởng đấy.
- Thôi, thôi, em chả dại. Các ông công an ở đây ghét bọn em, như... như chó. Yêu quý dân buôn lậu, chỉ có mấy ông hải quan, biên phòng vì... vì sống cộng sinh mà lại. Nhưng mà thôi được, em giúp anh. Đổi lại, anh cũng đừng để vợ em ở quê nó biết nhé.
- Mày yên tâm đi. Mấy hôm nữa tao lên, mày. Đưa tao nói chuyện với anh con vợ bé của mày, nó phải biết dạy em nó chứ. Phải đưa về cho vợ con mày ở quê tháng vài ba triệu.
- Nếu anh quen các các anh hình sự, kinh tế của tỉnh, anh giúp cho em tý chút, gọi là lấy cái oai của ông anh thôi. Chúng nó nể thì mình cũng mát mặt.
- Cái đấy thì dễ thôi, nhưng mà lại lấy tao làm bóng thì không khéo có ngày tao vào tù trước mày đấy.
Thành trở về báo cáo với Tường và anh đề nghị:
-Hiện nay thì chiếc xe IFA 38-06 lại có lái xe mới. Qua bí mật theo dõi thì Phụng “vải” vẫn có thái độ bình thường. Có lẽ ta cứ cho gọi hỏi Phụng và Chu.
Tường suy nghi một lát rồi lắc đầu:
- Nếu gọi hỏi, không khéo dứt dây động rừng.
-Ta thử đặt giả thiết thế này: Liệu có khả năng Chu giúp Quả trốn tiếp không hoặc Chu cùng đồng bọn giết Quả không? Cậu tiếp tục di Vĩnh Phú, cùng cảnh sát hình sự trên ấy xác minh toàn bộ mối quan hệ của Chu, sau đó ta sẽ quyết định. - Nhưng nếu đúng là Chu có liên quan đến Quả, và hắn trốn mất thì sao?
Tường bặm môi suy nghĩ một lát rồi anh quả quyết:
- Tôi sẽ báo cáo anh Phúc để Giám đốc đề nghị Công an tỉnh Vểnh Phú bố trí người giám sát chặt chẽ di biến động của tên Chu. Bằng mọi biện pháp, không để cho hắn ra khỏi địa bàn tỉnh.
Sáng sớm, trời còn mờ sượng, nhưng trên con đường mới mở chạy vòng qua thị xã Việt Trì đã có nhưng người dân đi tập thể dục. Mà kể cũng lạ, người đi tập thể dục sáng bây giờ hầu hết là ông già, bà cả hay nhưng người ở lứa tuổi trung mến, còn thanh niên, học sinh thì lại rất ít.
Có một người đàn ông đã đứng tuổi nhưng nom còn quắc thước lắm dắt theo con chó bécgiê chạy trên hè. Đó là ông Khang, một cán bộ công an từng làm ở Cục Cảnh vệ và chuyên đi bảo vệ tiếp cận lãnh tụ và đeo hàm đại tá trước khi về hưu.
Tuy ông đã ngoài bảy mươi nhưng nghe nói ông vẫn bơi được qua sông Hồng, vẫn chạy bộ được chục cây số và mới đây nhất, ông đánh cho ba thằng lưu manh một trận thừa sống thiếu chết.
Khi tới chỗ nắp cống mà bọn chúng ném Quả xuống, con chó bỗng dừng lại và chạy quanh, hít khin khịt. Ông Khang ngạc nhiên vì thái độ của nó, cũng dừng lại bên cống. Bỗng ông ngửi thấy một mùi thối khó chịu tử cống bốc lên. Vừa lúc đó, có một chị công nhân đi thu rác buổi sớm tới ông bảo:
- Này chị ơi, dưới cống này có con gì chết... Thối lắm.
- Ối giời, có cống nào mà thơm bao giờ đâu - Nói rồi chị ta bỏ đi ngay.
Ông Khang lắc đầu và tiếp tục dắt con chó đi. ông lại gặp một cảnh sát đi xe máy, đó là một cảnh sát hình sự mà ông quen:
- Chào chú, đi làm sớm thết Chào bác, cháu phải trực ban. Cháu nghe nói bác định thành lập công ty bảo vệ tư nhân
- Đúng, mấy tay công an già chúng tôi thành lập công ty bảo vệ. Nhưng mình già chỉ làm cố vấn và giúp khâu đào tạo nghiệp vụ thôi. Còn điều hành là phải do cánh trẻ.
Hay quá, được các cụ làm cố vấn thì còn gì bằng. Có việc gì, cho cháu tham gia với nhé.
- Chú cứ đùa, làm hình sự như các chú, thời gian đâu mà làm thêm.
- Cháu nói đùa cho vui. Nhưng bác cứ giữ cho một chỗ, phòng khi về nghỉ sớm. Chào bác nhé.
- Chào chú - Rồi bỗng như nhớ ra chuyện chiếc cống, ông giừ anh cảnh sát lại, chỉ vào nắp cống - Dưới cái cống kia, có mùi gì lạ lắm, như mùi... mùi tử thi ấy.
- Cháu gọi điện cho công ty môi trường ngay để họ kiểm tra. Chắc lại nhà nào có chó chết, lợn chết... đem tống xuống cống. Cháu đi bác nhé Nói rồi anh cảnh sát hình sự phóng xe đi.
Nhưng mới đi được năm chục mét, anh bỗng quay xe lại. Anh bảo ông Khang:
- Nghe bác nói, cháu bỗng giật mình. Đêm qua, mới thông báo là có một tay lái xe, liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy đang nghi là bị mất tích ở địa bàn thành phố này. Không khéo lại nằm dưới này cũng nên... Bác giúp cháu một tay xem sao.
Ông Khang khen:
- Chú mày khá lắm. Làm công an là phải thế. Công an và nhà báo là phải giống nhau. Phải thính mũi như chó ấy. Phải biết bảo vệ chủ, phải biết chống kẻ gian, phải biết phát hiện ra mùi độc hại...
- Bố già ví hay thật. Ai lại ví công an như chó?
- Chú mày lại... suy diễn rồi. Có con vật nào trung thành như chó không. Có loài vật nào được tin tưởng như chó không? Nào, giúp tao một tay
Hai người hì hục nâng tấm đan. Khi tấm đan được nâng lên, hai người suýt ngã vì mùi thối bốc ra. Anh cảnh sát hình sự tay bịt mũi, dòm xuống cống:
- Có cái bọc màu trắng to lắm. Có lẽ đúng là người rồi. Con ở đây giữ hiện trường. Bác phóng xe của con đến công an tỉnh báo cho anh Huy, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra.