watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chị Nhung - tác giả Nguyễn Quang Sáng Nguyễn Quang Sáng

Chị Nhung

Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

C hờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ sông vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc trời tắt nắng mới rì rào chuyển động, khiến cho ta có cảm tưởng như gió chiều không phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ trong những ngọn lá lao xao.

Tiếng bom pháo, tiếng gầm rú của máy bay, tiếng cánh quạt rầm rộ và nặng nề của các loại trực thăng trong suốt một ngày nắng gắt như phải tắt lặng đi, khi trên nền trời vừa bật lên những vì sao đầu tiên. Chỉ còn có những tiếng pháo nổ cầm canh vẳng lại từ những nơi xa.

Nhân lúc yên tĩnh và rỗi rãi, anh Tám Sơn, chánh trị viên tiểu đoàn, rủ tôi đi thăm một chị trong đơn vị biệt động quân của Sài Gòn, Chợ Lớn- chị Nhung. Trong trận đánh vừa qua, chị được trên phái xuống để đưa đơn vị anh đến vị trí chiến đấu; chị vốn là người quen cũ của anh. Còn tôi, tôi chưa quen cũng như chưa biết chị. Nhưng tôi cũng muốn gặp chị và nghe nói chị có dự trận đêm tết, tôi được nghe loáng thoáng một vài chuyện của trận đánh ấy. Người ta kể cho nhau nghe chuyện của một anh hùng B.40. Súng B.40, theo tôi được biết, với sức khỏe bình thường của con người, và theo sách vở đã dạy, mỗi chiến sĩ chỉ có thể bắn đến viên đạn thứ sáu là nhiều nhất. Nhưng với lòng dũng cảm của quân đội ta, có nhiều chiến sĩ đã bắn vượt mức quy định. Như trong trận đánh đoàn tầu giặc trên sông của tỉnh Long Châu Sa, có một chiến sĩ đã bắn đến viên đạn thứ chín diệt chín ổ đề kháng của địch. Tôi chưa được nghe ai bắn đến viên đạn thứ mười. Nhưng trong trận đánh vào Bộ tổng tham mưu của Mỹ- Ngụy, lúc đánh trả lại các đợt phản kích của xe tăng địch, có một chiến sĩ bắn B.40 thọc họng súng qua các cửa sổ bắn đến viên đạn thứ mười sáu. Thấy hai bên tai anh rỉ máu, một chị chạy đến không cho anh bắn nữa. Chị giật súng trên tay anh và bắn tiếp. Nghe nói chị ấy cũng tên Nhung. Tôi muốn gặp chị để hỏi lại những chuyện ấy cho rõ hơn và do tính tò mò, tôi muốn gặp tận mắt một cô gái người Sài Gòn.

Đêm tuy yên tĩnh, tôi vẫn dè dặt không dám cho xuồng bung ra giữa dòng, tôi chèo cặp theo rặng lá. Dòng sông cuồn cuộn và chảy xiết nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.

Anh Tám Sơn ngồi trước mũi xuồng đối mặt với tôi, anh khoảng hơn bốn mươi tuổi, mặt xương, người gầy nhỏ trong bộ quân phục màu cỏ úa.

Đêm sáng mà tôi không nhìn rõ mặt anh, qua cái dáng lặng lẽ của anh, tôi đoán chắc anh cũng như tôi đang muốn ngồi yên lặng nghe tiếng gió, tiếng sóng và đeo đuổi những ý nghĩ riêng. Tôi không hỏi gì cũng không gợi chuyện. Nhưng sau đó một lúc, anh lại kể cho tôi nghe câu chuyện của chị Nhung.

*
* *

Tôi quen cô Nhung từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi. Cái ngày đầu tôi quen cũng là ngày tôi chia tay với cô, đã tám năm. Suốt trong tám năm không phải lúc nào tôi cũng nhớ, nhưng cũng có thể nói chẳng lúc nào tôi quên cô ấy. Trong những chuyến công tác, hễ gặp ai quen tôi cũng hỏi thăm cô. Tôi thường mong ngày gặp lại, nhưng khi tôi gặp lại cô thì tôi không nhận ra cô nữa. Đó là một buổi chiều tháng năm giữa trận đánh trên đường Trần Quốc Toản, cánh quân của chúng tôi thọc mạnh vào Sài Gòn, trụ lại quãng đường ấy từ mờ sáng. Bọn giặc dùng " chiến thuật ruồi bu" có phi pháo, có trực thăng, có cơ giới yểm hộ, chúng tấn công ta bằng nhiều mũi, chẳng khác gì những mũi tên lao vào một điểm. Mãi đến xế chiều chúng tôi mới đánh bật tất cả các đợt phản kích của địch. Tiếng súng nhỏ chỉ nổ thưa thớt trên các góc phố và trên những tầng nhà cao. Nhân lúc ngưng tiếng súng, chúng tôi phân công cho một đơn vị chia nhau giúp dân ra khỏi tầm súng. Chúng tôi đoán biết sau lúc im lặng, trận đánh sẽ xảy ra ác liệt hơn. Người trong khu phố lần lượt đổ ra đường, người đi xe hơi, người đi xe Honda, xe Suzuki, người đi bộ.

Đứng trong một góc phố, nhìn những đoàn người đang nối nhau, dắt díu nhau đi trong làn khói của những nơi nhà bị pháo giặc bắn cháy, tôi thấy có một cô gái cỡi xe Honda màu đỏ chạy ngược lại dòng người, lao thẳng vào trận địa. Chiếc xe bị đội tự vệ đường phố đưa tay chận lại. Mãi lúc sau, không lâu lắm, tôi nhớ khoảng chừng năm hay ba phút gì đó, anh đội trưởng tự vệ báo cho tôi biết có người lạ muốn gặp ban chỉ huy. Lúc đó tôi đã trở vào nhà, xem lại bản đồ của đường phố. Trong chỉ huy sở có một mình tôi với ba đồng chí trinh sát trẻ. Chỉ huy trưởng và chỉ huy phó đang ở trên đài quan sát, tôi mời vào. Người muốn gặp ban chỉ huy là cô gái cỡi xe Honda lúc nãy. Cô khoảng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, ăn mặc theo thời trang của người Sài Gòn, quần ống hẹp, áo bà ba màu hột gà bó sát lấy thân, người thon thả với dáng nhanh nhẹn, tôi không nhìn rõ được mặt cô. Tóc uốn cao, nhưng mái tóc lại rủ xuống che mất cả vầng trán và cô lại mang kính mắt đen. Tôi đoán là cô cố ý diện như vậy để người khác không nhận ra mình. Cô khẽ cúi đầu chào tôi với vẻ lịch sự và kính cẩn, rồi đặt chiếc giỏ mây bên bàn cạnh chiếc bản đồ quân sự, lấy ra chiếc bánh mì, bẻ làm đôi, đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ. Đó là thư của ban chỉ huy trung đoàn lệnh cho các cánh quân của chúng tôi phải chuyển đến vị trí X, vào giờ G để hợp đồng chiến đấu với đơn vị bạn và cô là người dẫn đường.

- Cô thứ mấy ? - Tôi hỏi.

- Dạ thưa út!

Sau khi xem xong thư, ngước nhìn cô giao liên, tôi thấy cô đã gỡ kính mắt đen và không hiểu sao cô lại nhìn tôi với cặp mắt mở to, vẻ kinh ngạc và như có gì xúc động đến xao xuyến. Sao cô lại nhìn mình quá đỗi lạ lùng như vậy? Tôi thầm hỏi.

Có lẽ đây là lần đầu tiên cô gặp một người chỉ huy giải phóng quân. Tôi thầm nghĩ như vậy, chẳng hiểu sao tôi muốn tránh cái nhìn lại tôi, xem cách ăn mặc của mình có đúng với tư thế của người chỉ huy quân giải phóng hay không. Tôi cảm thấy ngượng mà tự hào với bộ quân phục đầy bụi. Tuy thế, tôi vẫn đưa tay phủi nhẹ. Tôi muốn hỏi cô nhiều điều, nhưng lúc đó một đàn trực thăng đang kéo tới. Tôi chỉ còn thì giờ ra lệnh cho tổ trinh sát phải bảo vệ cô. Có lẽ vì giọng ra lệnh của tôi quá nghiêm trang, một đồng chí trinh sát trẻ liền bước vào đưa cô xuống hầm trú ẩn. Cô cầm chiếc giỏ mây đi theo anh trinh sát mà vẫn quay mặt lại nhìn tôi, tôi không còn thì giờ để xét đoán những cử chỉ lạ lùng của cô nữa. Tôi vụt chạy thẳng lên đài quan sát. Đài quan sát của chúng tôi là tầng thứ tám của một cao ốc. Nhìn qua những ô vuông cửa sổ của tòa nhà ấy, chúng tôi có thể nhìn thấy những mái nhà chen khít nhau của khu phố, có thể phát hiện được những ụ súng của địch và những đoạn đường xa.

Tôi báo cáo lại ban chỉ huy mệnh lệnh của cấp trên và bàn kế hoạch chiến đấu, kế hoạch tiến quân.

Một bầy trực thăng chín chiếc xếp thành ba tầng quần đảo qua khu phố. Tôi thấy rõ những tên lính Mỹ ngồi trong trực thăng, tay cầm súng, nhìn xuống khu phố qua cửa mở, đầu của nó như cái gáo dừa. Chúng bắn hỏa tiễn xuống từng mái ngói, chẳng mấy chốc mà chúng đã tạo thành một vòng lửa lớn vây lấy chúng tôi. Những mũi quân ở xa mỗi lúc mỗi thu gần lại, gần như gom dần về một điểm. Muốn bảo toàn được lực lượng, đó là điều phải tránh. Hỏa lực phòng không của ta đã bắn rơi hai chiếc, chúng bay rạt đi một lúc, rồi một bầy khác lại kéo tới. Vòng vây của ngọn lửa mỗi lúc một cao ngọn và thu nhỏ lại. Có lúc tôi có cảm tưởng như mình đang đứng giữa ngọn lửa. Không khí như cũng bị cháy. Gió thổi hơi lửa táp vào người nóng hầm hập. Không thể nhìn thấy được gì rõ ràng nữa. Những mái ngói đỏ, những bờ tường màu sữa, những vuông cửa xanh, những con đường và cả khu phố đã bị vùi sâu trong đám khói. Một vài chiến thương đang bị ngộp vì khói.

Phải phá vây! Chúng tôi quyết định, nhưng không thể điều quân vượt qua vòng lửa đang bốc cháy. Phải điều quân tiến thẳng trên con đường lớn, đánh vỗ mặt vào quân địch, rồi từ đó, sẽ chuyển quân vào vị trí đã định. Có thể nói đó là cánh cửa mở của vòng lửa. Thế nhưng thằng Mỹ đã đóng cánh cửa ấy bằng một chiếc xe M.41, chiếc xe đang cắm ngay ngã ba, bắn dọc theo đường. Chúng tôi tập trung hỏa lực cho các đội đánh tăng. Vì vòng lửa đang xiết chặt, muốn đánh chiếc xe tăng ấy, chẳng còn con đường nào khác hơn là tiến men theo con đường lớn. Mấy tổ đánh tăng- mỗi tổ ba người- đều không vượt lên được. Chiếc xe ấy ở quá xa tầm súng. Chúng tôi không hề nghi ngờ gì lòng dũng cảm của các chiến sĩ. Quả là chúng ta không thể nào tiến gần nó được. Nếu chiến đấu tại một vị trí có thể chiếm được, sau khi diệt được nó mà phải hy sinh, tôi tin chắc trong đơn vị của tôi sẽ có hàng trăm chiến sĩ sẵn sàng ra đi. Cái khó khăn không thể vượt được là các chiến sĩ ta đã phải hy sinh ở những vị trí hãy còn xa nó quá. Nhưng cũng không thể vì thế mà chịu bó tay. Bằng mọi cách phải diệt cho được chiếc xe tăng ấy. Ban chỉ huy chúng tôi hạ quyết tâm. Trong khi chúng tôi đang họp bàn kế hoạch, cô giao liên ấy đứng cạnh bên chúng tôi lúc nào không biết.

- Em sẽ đưa các anh đến chỗ đó, không cần phải men theo đường lớn.

Cả ban chỉ huy chúng tôi như giật mình nhìn lại cô. Căn nhà đầy khói, tôi không nhìn rõ mặt cô. Qua làn khói lảng vảng tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt mở tròn của cô.

- Đồng chí đi bằng đường nào? - Tôi hỏi.

- Tôi... - Cô lắp bắp rồi xưng cháu -... Cháu sẽ đưa các anh luồn theo các ngõ trong khu phố.

- Chúng tôi sẽ đi! - Một chiến sĩ đã đánh tăng nhiều lần liền chạy tới nói với tôi và nhìn cô gái giao liên với đôi mắt dò hỏi:

- Chắc chớ đồng chí?

- Chắc ! Tôi biết đường - Cô giao liên đáp.

- Vậy thì ta đi thôi!- Anh chiến sĩ đánh tăng giục chúng tôi hạ mệnh lệnh. Chúng tôi tổ chức ngay một tổ ba người, cô giao liên hỏi xin một trái pháo dù, cô để vào giỏ mây.

Ba chiến sĩ đánh tăng ôm súng, đeo đạn, lao ra cửa. Còn cô giao liên có vẻ như trù trừ. Cô cầm chiếc giỏ mây đựng trái pháo dù, đứng lặng môt lúc rồi bất thần quay nhìn tôi:

- Chú Tám, chú không nhớ cháu sao? Cháu là Nhung!

- Sao? - Tôi kinh ngạc và buột miệng kêu lên như vậy. Tôi chưa kịp hỏi gì thì Nhung đã lao đi rồi. Trong khoảnh khắc đó, tôi đứng ngây người, nhìn theo cháu qua làn khói và nói thầm với mình: " Nhung à"?

*
* *

Anh Tám Sơn kể đến đây thì phải dừng lại vì một đoàn xuồng máy đuôi tôm đang chạy ngược qua xuồng chúng tôi. Anh Tám Sơn dù có say chuyện, nếu anh có muốn kể tiếp, tôi cũng không thể nào nghe. Tiếng máy đuôi tôm nổ vang, chiếc này nối theo chiếc kia quẫy lên từng đợt sóng lớn. Đó là đoàn xuồng dân công chở lương thực và đạn dược cho các chiến trường. Những người chèo thuyền chở khẳm vừa la ó vừa bấm đèn pin làm hiệu cho những chiếc xuồng đuôi tôm nhỏ máy lại. Đoàn xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng máy nổ mỗi lúc mỗi xa, tiếng la ó của người đi trên sông im đi, những đợt sóng đuối sức lặng an dần, dòng sông vừa trở lai yên tĩnh, anh Tám Sơn vừa định kể tiếp câu chuyện thì tiếng hát của một chiếc xuồng nào đó lại vang tới:

ở tận sông Hồng em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết

Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông (1)

Bài hát mang theo một âm điệu tha thiết của dân ca, đúng ra người ta phải đơn ca, nhưng người trên xuồng đi giữa dòng sông ngược qua chúng tôi lại đồng ca. Tôi không biết rõ trên chiếc xuồng ấy có mấy người, nhưng nghe qua những giọng trầm đục và khàn khàn tôi đoán là bốn, năm người đàn ông đang hát. Tôi bật cười vì bản đồng ca ồ ồ ấy, bài hát với những giọng trầm đục như đang là là trên mặt nước, bỗng có một giọng nữ cất cao lên: " Ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông".

Bài hát bỗng như khác hẳn đi khiến tôi phải dừng chèo lắng nghe. Những giọng trầm đục của những người đàn ông đã trở thành cái bè trầm, làm nền cho giọng nữ cao đang bay chơi vơi trên dòng sông:

Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng
Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong
.........................
Ơ Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông...

Giọng nữ cao ngân dài như rung trong không gian. Đi xuồng trên Vàm Cỏ Đông trong đêm sao, nghe tiếng hát "Vàm Cỏ Đông" của một cô gái, tôi bỗng thấy bâng khuâng.

*
* *

Khi cháu đi rồi, tôi vẫn cứ ân hận sao mình lại có thể vô tình quá mức đến như vậy.

Anh Tám Sơn kể tiếp câu chuyện khi tiếng hát trên chiếc xuồng đã trôi xa. Anh tiếp : Nhưng lúc đó, tiếng súng của trận đánh không cho tôi được nghĩ ngợi nhiều. Tôi phải lao vào trận đánh. Thật là đáng trách !

Hồi đó, trong những ngày "điều lắng", tôi từ tỉnh nhà lên Sài Gòn vừa dạy học vừa hoạt động. Tôi ở trên một cái lầu tồi tàn của một người công chức nhỏ có bà con xa. Cạnh bên nhà là tiệm bán thuốc. Cái lầu tồi tàn và trống trải ấy chỉ có một mình tôi thôi.

Cả gia đình của chủ nhà đều ở tầng dưới. Trên lầu chỉ có một cái giường ngủ, một cái tủ nhỏ vừa đựng sách vừa để quần áo. Tài liệu mật tôi thường nhét dưới mái ngói. Hôm ấy, tôi được lệnh trên điều về chiến khu để nhận công tác mới. Ơở nhà trường trở về, sau khi cơm trưa xong, tôi bắt đầu thu xếp đồ đạc. Tôi thò tay vào mái ngói thì tôi giật mình, xấp tài liệu của tôi đã biến mất rồi. Tôi cho tay vào những mái ngói khác cũng không tìm thấy. Lúc tôi mới bước vào cửa, người chú cho tôi biết sáng nay có một lũ cảnh sát vây lấy khu phố, lục xét một số nhà, và bắt đi một người. Bọn cảnh sát không leo lên lầu nhà tôi, thế thì sao tài liệu lại biến mất ? Tôi toát mồ hôi, tôi tưởng bọn cảnh sát đang đứng chật dưới đường, đang ùa vào nhà. Tôi chạy ra cửa sổ, nhìn xuống, không thấy gì đáng nghi ngờ, tôi lại cho tay vào mái ngói khác... Đầu ngón tay tôi rớm máu. Mất thật rồi, tôi nhớ chắc là tôi không giấu chỗ nào khác hơn. Biết vậy, nhưng tôi vẫn cứ giũ chiếu, mở tủ, lôi tất cả quần áo, sách vở ra lục soát lại từng món. Tôi đang bối rối thì bỗng có tiếng cười tinh nghịch cất vang lên. Tôi ngước mắt nhìn quanh quất, tiếng cười lại tắt, tôi chẳng thấy ai. Tôi lại giũ chiếu, giũ từng chiếc áo, sờ bóp và thò tay vào từng cái túi. Tiếng cười lại cất lên như trêu chọc tôi, ngó quanh quẩn, nhìn lên những lỗ thông hơi trên tường, ở phía bên kia, gần bên lỗ thông hơi hiện ra một đôi mắt lung linh, đôi mắt đang nhìn xoáy vào tôi. Khi thấy cái nhìn của tôi, đôi mắt ấy bỗng biến đi nhanh như cắt. Rồi đôi mắt ấy lại hiện ra và nhấp nháy.

Tôi định hỏi thì một giọng nói từ bên ấy hỏi vọng qua :

- Chú tìm cái gì đó ?

Tôi nhận ra giọng nói trong trẻo của cô bé giúp việc nhà bên. Tôi chưa kịp trả lời, đôi mắt nhỏ ấy lại biến mất. Trong lúc đó, cháu luồn theo máng xối, leo sang phòng tôi. Một cô bé độ mười bốn mười lăm tuổi, tóc cắt ngang vai, gầy yếu trong bộ bà ba đen quá cỡ, mặt xanh xao, tay cầm gói tài liệu, vừa mỉm cười, vừa bước đến gần tôi. Nhìn thấy gói tài liệu trong tay cháu, tôi nhẹ cả người, chợt hiểu, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm động.

- Sao cháu biết ?

Tôi hỏi và tò mò nhìn những cử chỉ nhỏ của cháu.

Cháu bé vẫn ranh mãnh mỉm cười và khe khẽ lắc đầu. Cháu dừng lại, ngước mắt nhìn tôi:

- Chú không giống người ta ở đây. Cháu để ý, cháu thấy cháu biết.

- Chú không giống người ta cái gì ? Tôi hỏi lại trong lúc hãy còn đang ngạc nhiên.

- Mấy đứa bạn của cháu nói, chú làm thầy giáo mà chú không đánh - Cô bé lại nhìn tôi và toét cái miệng sún cười với vẻ ngây thơ.

- Thôi, đưa lại cho chú ! - Tôi dịu giọng nói với cháu.

Cô bé như giật mình, rụt tay, và lùi lại một bước mặt nghiêm lại:

- Cháu sẽ trả lại cho chú nhưng chú phải hứa với cháu một điều.

- Cháu muốn gì cũng được ! - Tôi nói cho qua chuyện. Vẻ mặt xanh xao của cháu rạng rỡ hẳn lên:

- Thiệt nghen chú, chú phải hứa là chú sẽ giao cho cháu một công tác !

Tôi tưởng cháu bé muốn đòi tôi một món quà gì, thật không ngờ. Tôi đứng ngây ra, nhìn cô gái nhỏ với đôi mắt dò hỏi. Cháu cũng đứng lặng nhìn tôi, chờ đợi, có lẽ cháu thất vọng qua thái độ thờ ơ lạnh nhạt của tôi, những nét rạng rỡ trên vẻ mặt xanh xao của cháu lặn mất dần, đôi mắt lung linh của cháu bỗng đầy nước mắt, cháu cắn chặt răng cố ghìm tiếng khóc nhưng ngực lại phập phồng, cháu nói trong nước mắt nghẹn ngào:

- Ba cháu cũng như chú vậy, ba cháu đi tập kết rồi, còn má cháu thì...

Cháu bỗng quay lưng, đưa tay ôm mặt, đôi vai gầy nhỏ của cháu rung lên, cháu khóc nức nở. Tôi xúc động đến xốn xang. Bây giờ tôi thấy mình như một người cha đứng trước một đứa con. Tôi bước gần lại cháu, đưa tay vỗ nhẹ vai cháu:

- Cháu đừng khóc nữa, chú sẽ nói chuyện nhiều với cháu. Còn má cháu thì sao? Cháu vừa tức tưởi khóc vừa nói:

- Má cháu thì... Cháu không phải là người ở đây, cháu là người Tân Phú Đông tỉnh Long Châu Sa, má cháu là Hai Trâm, trong làng ai cũng biết, bây giờ cháu phải đi ở để nuôi má, em...

Phía bên kia nhà bỗng có tiếng kêu. Cháu giật mình, vội vàng lấy vạt áo lau nước mắt, để gói tài liệu lên giường tôi, vụt chạy đi.

Ngay buổi chiều hôm đó, tôi rời khỏi Sài Gòn. Trước khi đi, tôi gởi gắm cháu cho một đồng chí còn ở lại.

Trở về chiến khu, trong một cuộc họp đại biểu phong trào dân quân toàn miền, tôi tìm các đồng chí ở Long Châu Sa để hỏi thăm chị Hai Trâm, má của cháu. Các đồng chí ấy cho tôi biết:

... Chị là cơ sở mật của xã. Bọn địch phát hiện được trong nhà chị có một hầm bí mật. Chúng bắt chị tra hỏi, chị không khai. Nửa đêm, chúng đưa chị ra bờ sông, lũ khát máu ấy, chúng dùng dao chém xả qua ót chị, rồi thả chị trôi theo sông. Chị nhờ cái mái tóc dày, lưỡi dao của kẻ thù không phạt qua cổ chị được. Chị nương theo lục bình, lộn trở về. Chị vẫn còn sống và vẫn đang hoạt động. Cũng từ đó, tôi không có dịp trở lại Sài Gòn. Tám năm qua, tám năm, cái tuổi trưởng thành của cháu đã xóa hết những gì quen thuộc của cháu trong trí nhớ của tôi. Cái nét quen thuộc, tôi có thể nhớ và từ đó mà lần ra hình ảnh ngày xưa của cháu là cái ánh lung linh trong đôi mắt.

Gặp lại và nhận ra cô bé láng giềng ấy rồi, nhưng như anh biết, lúc đó tôi không thể gợi lại, cũng không thể hỏi han gì thêm. Tôi cố nén xúc động bất ngờ đó và quay lại công việc.

Ban chỉ huy chúng tôi quyết định mở thêm nhiều mũi quân. Cả ban chỉ huy tiểu đoàn, các ban chỉ huy đại đội đều phân tán trực tiếp chỉ huy từng mũi để yểm trợ và đề phòng khó khăn, chúng tôi cho thêm một mũi quân cùng đi với cô giao liên dẫn đường. Nhung đi đầu và mở đường. Nhung dẫn mũi quân của tôi luồn trong cái hẻm ngợp khói đến sặc sụa phải thối ngược lại tìm một chỗ khoảng khoát để thở rồi mới đuổi theo. Đến những hẻm cùng, phải thay nhau kê lưng lên vượt qua tường. Có lúc phải bò trên mái ngói nhà này chuyền qua mái ngói nhà khác, rồi từ trên cao, ôm ống nước tụt dần xuống. Nhờ theo các con đường đặc khói, quanh co, lên xuống mà cả mũi quân của ta đều tránh được đạn của trực thăng.

Đến nơi, cái khu nhà và những góc phố mà Nhung định lấy làm vị trí chiến đấu lại bị sụp đổ. Rõ ràng là bọn giặc cố ý san bằng khu phố để tạo thành một bãi trống cho chiếc xe tăng. Đứng trong một ngôi nhà chúng tôi nhìn thấy chiếc xe tăng đang lù lù án giữa đường. Vẫn còn quá xa tầm súng, chưa đánh được, nhưng không thể quay về nếu chưa diệt được nó. Các chiến sĩ đang phân tán và đang tìm cách chiến đấu. Còn tôi, mọi ý nghĩ của tôi đều tập trng vào một câu hỏi gay gắt: Có nên tổ chức một đợt xung phong để yểm trợ cho tổ đánh tăng không? Trong óc tôi nảy ra nhiều câu trả lời, và dự kiến nhiều tình huống khó khăn.

Trên trời, trực thăng vẫn lượn qua bãi trống ấy.

Tôi đứng trong căn nhà nhỏ mù mịt khói, hé cánh cửa màu gụ nhìn chiếc xe. Chiếc xe vẫn nổ súng, lúc dồn dập, lúc thưa thớt. Lúc ấy, Nhung đứng bên cạnh tôi, cũng ghé mắt nhìn qua khe hở của cánh cửa.

- Làm sao bây giờ chú - Với giọng lo âu, Nhung cứ lặp đi lặp lại câu hỏi ấy, nhưng tôi không đáp. Đầu óc tôi đang căng thẳng.

- Hồi nãy, lúc cháu đi ngang qua đây, khu nhà này vẫn còn nguyên, còn người đông. Nó ác quá ! - Nhung tắc lưỡi.

- Nếu như lúc nãy thì cháu sẽ đưa chú đứng sát bên nó rồi. Nó ác quá ! Làm sao bây giờ chú ? - Nhung cứ thì thầm hỏi tôi. Nhung bỗng nói như reo lên :

- Trời ! Nếu mình đứng được trên đó mình bắn xuống ! - Nhung chỉ cho tôi ngôi nhà ba tầng phía bên kia đường sát bên chiếc xe. Nhìn kỹ, tôi thấy trên những tầng nhà màu sữa đục ấy loáng thoáng có mấy tên lính. Sau một lúc quan sát, tôi khẳng định đó không phải là một cái đồn một cái bót cảnh sát, đó là ngôi nhà của thường dân mà chúng đang chiếm. Biết vậy, nhưng đâu có thể bỗng dưng mà đứng trên những nhà tầng đó được.

Nhung đưa tay khẽ đẩy cánh cửa, nhìn ra xa. Nhung bỗng kêu lên:

- Chú nhìn kìa! Chú có thấy không ? - Nhung như phát hiện được điều gì, giọng mừng rỡ.

Tôi cúi nhìn theo hướng mắt của Nhung. Tôi thấy sau chiếc xe là con đường bắc ngang, dãy phố bên đường hãy còn đông người, chỗ ngã ba đường người vẫn tới lui và xe cộ vẫn qua lại. Người Sài Gòn sống dũng cảm như vậy đó anh ạ ! Ơở bên cạnh bom đạn, khói lửa, cuộc sống của con người và dãy phố ấy vẫn giữ được vẻ nhộn nhịp bình thường. Tôi đã nhìn thấy cảnh sống của con đường sau tuyến lửa, nhưng không đoán được ý nghĩ của Nhung. Nhung ngước nhìn tôi rồi như buột miệng mà nói:

- Chú hứa với cháu một điều mà chú quên. Tôi hỏi lại Nhung bằng một cái nhìn dò hỏi ngạc nhiên.

- Chú hứa... giao công tác cho cháu. Bây giờ chú giao chiếc xe đó cho cháu đi!.

- Sao ? Cháu nói sao? - Câu hỏi của tôi như một phản ứng tự nhiên.

Tôi thấy rõ những ý nghĩ táo bạo đang cháy lên trong đôi mắt của Nhung. Đôi mày đen mịn của Nhung như dựng lên. Và những đường nét trên vẻ mặt của Nhung như khắc sâu thêm, đậm thêm, bén và sắc sảo lạ thường.

- Cháu định bắn bằng cách nào?

- Chú coi chừng cho cháu mấy thằng lính ở trên lầu đó, cháu đi được !

Tôi muốn hỏi kỹ ý định của Nhung để trao đổi và quyết định, nhưng tôi chưa kịp hỏi Nhung đã cầm cái giỏ mây đựng chiếc pháo dù vụt ra cửa sau. Tôi kêu theo, không kịp. Nhung chạy băng qua đám gạch đổ nát, xông thẳng vào đám khói mù rồi như tan mất trong đám khói. Tôi đoán là Nhung sẽ tìm đường đến dãy phố bên đường dẫn đến ngã ba sau chiếc xe. Tôi liền ra lệnh cho tất cả chiến sĩ hướng mũi súng vào những tầng lầu có quân giặc, chuẩn bị xung phong.

Tôi hé cửa, nhìn mãi vào ngã ba đường, nơi có người và xe cộ đang qua lại.

Trong đời có lẽ chưa có giờ phút nào nặng nề bằng lúc ấy, tôi cứ đưa tay, liếc nhìn đồng hồ. Đồng hồ vẫn chạy bình thường nhưng tôi lại lên dây. Lúc bấy giờ, trên trời trực thăng vẫn bay lượn trong khói, bắn đại liên, bắn hỏa tiễn, vòng lửa bốc cao ngọn. Tám năm mới gặp lại cháu, gặp nhau như vậy chẳng hỏi han được gì, trong người như có gì lấn cấn không yên.

Qua làn khói mỏng lảng vảng trên bãi trống của khu nhà đổ nát, tôi chợt thấy có một bóng người nho nhỏ. Đúng là Nhung. Nhung đã đến ngã ba sau chiếc xe tăng khổng lồ ấy rồi ! Tôi sung sướng, tôi phập phồng, người tôi như run lên. Bóng Nhung đang đi lẫn trong một nhóm người áo hồng, áo trắng, áo đen, bóng của Nhung bỗng lao tới thẳng vào chiếc xe. Một tiếng nổ lớn. Rồi một bựng khói bốc lên, phủ mờ cả chiếc xe, tiếng súng hùng hổ của nó bị tắt.

Tôi đạp tung cửa, vọt ra, tay cầm súng ngắn bắn vào những tầng nhà có bọn lính. Mũi quân của tôi hơn ba mươi tay súng liền vọt qua bãi gạch đổ, hét dậy lên.

Như đang sống lại cảnh ấy, anh Tám Sơn vừa kể vừa ra bộ móc súng, người chồm dậy. Còn tôi thì dang tay đập mạnh vào mái chèo, mũi xuồng cất lên, lướt tới như con thoi.

Anh Tám Sơn bỗng kêu to:

- Quá rồi, quay lại !

Tôi vừa rà một mái chèo cho mũi xuồng quay lại vừa hỏi:

- Còn chị Nhung thì sao anh?

- Hãy khoan ! Để cho tôi tìm cái bến vô đã.

Anh nắm be xuồng, ngồi hơn nghiêng một bên, nhìn vào rặng lá.

- Quẹo vô ! Tới rồi !

Tôi cho xuồng rẽ vào một bến nhỏ, mũi xuồng vừa cỡi lên bãi đất lài, anh bước lên bờ, bảo tôi :

- Ơở đây chờ tôi nhé ! Tôi sẽ gọi cháu xuống. Cô ấy kể cho anh nghe rõ hơn.Tôi vẫn đứng trên lái xuồng, nhìn theo ánh đèn pin sáng xanh của anh xa dần vào những ngôi nhà trong khu vườn.

Thấy ánh đèn pin xanh quay trở lại, tôi bỗng hồi hộp khi nghĩ đến lúc gặp mặt chị Nhung. Sắp gặp chị rồi mà tôi vẫn cố hình dung hình dáng và con người của chị. Nhìn theo ánh đèn, tôi cố lắng nghe bước chân của anh Tám, tôi sốt ruột hỏi :

- Sao anh ?

- Rủi quá !

- Sao ? - Tôi hỏi lại.

- Cô ấy đi rồi !

- Đi rồi à? Đi đâu, đi lúc nào?

Anh Tám Sơn bước xuống xuồng, đáp lại với giọng uể oải:

- Cô ấy được phái về đơn vị khác rồi. Đi trên chiếc xuồng hò hát hồi nãy đó.

Tiếc thật ! Chẳng biết đến lúc nào mới gặp được chị. Chưa quen biết gì với chị mà chẳng hiểu sao tôi thấy buồn như thất vọng. Nhớ lại giọng hát tha thiết và diệu vợi của cô gái đi trên chiếc xuồng giữa dòng sông, tôi thẫn thờ và nhìn trời. Gió vẫn lao xao, vẫn rì rào qua rặng lá. Đêm mênh mông và đầy sao, những vì sao nhấp nháy như những con mắt sáng lung linh.

Các tác phẩm khác của Nguyễn Quang Sáng

Vểnh râu

Về lại bức tranh xưa

Quán rượu người câm

Người đàn bà đức hạnh

Người Bạn Lính

Một chuyện vui

Gà sanh đôi

Đổi nghề

Đạo tưởng

Dân chơi

Con mèo của Foujita

Con ma da

Con khướu sổ lồng

Con chim vàng

Con Chim Quên Tiếng Hót

Chiếc lược ngà

Cái gáo mù u

Bài học tuổi thơ