watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Về lại bức tranh xưa - tác giả Nguyễn Quang Sáng Nguyễn Quang Sáng

Về lại bức tranh xưa

Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

C ái nết nhậu của thằng bạn tôi thật dễ thương: không quậy, không khích bác, không nổi nóng trước những lời cà khịa, không nói xấu người vắng mặt, càng uống càng có duyên, nó được khen "càng uống càng có lập trường". Đó là lời khen của dân nhậu, xin đừng bắt bẻ. Rất lạ, bữa nhậu nào mà có hai đứa tôi, bữa nhậu đó trở nên rôm rả, hào hứng, nếu vì lẽ gì đó mà vắng đi một đứa, đứa có mặt dù rượu ngon cũng cản thấy cô đơn, bữa nhậu uống cứ uống, nhưng cứ xìu. Tôi với nó kẻ tung người hứng, luôn luôn gây dựng "phong trào". Từ đó tôi với nó được bạn bè tặng cho danh hiệu "cặp đánh đôi trên sân nhậu".

- Mười Biện! Có lần nào mày say không?

- Không! - Mười Biện trả lời dứt khoát - Nghề tao mà say thì chết người.

Nghề của Mười Biện là nghề công an. Mười Biện làm công an từ lúc hai đứa rời khỏi ghế nhà trường. ở cái tuổi học trường làng, hai đứa không biết nhau, bởi vì tôi ở Long Xuyên, Mười Biện ở Cà Mau, xa lắc xa lơ, nhưng đến năm 1948, sau ba năm chống Pháp, Sở Giáo Dục kháng chiến Nam Bộ mở một loạt trường trung học ven theo các con kênh rạch bên kia bìa rừng U Minh. Vậy là, chúng tôi từ các chiến trường, lên xuồng theo sông nước đổ về.

Tôi với Mười Biện cùng ngồi một bàn. Hai đứa cùng tuổi hai mươi. Âấn tượng đầu tiên của tôi, Mười Biện là một anh chàng cục mịch, người thâm thấp, chắc nịch với nước da đậm đà. Khi nó mặc quần cụt, nhìn cái đùi của nó chúng tôi bảo hai cái bộ trụ của thằng này vững như hai cột đình. Đặc biệt nhất là đôi mắt, đôi mắt vừa to, vừa sâu, vừa đen thăm thẳm.

Con người cục mịch như vậy mà tiếng đàn ghi-ta thật lả lướt, lại có tài vẽ tranh nữa kia. Bức tranh nó vẽ thầy khen hết lời, là bức tranh người chiến sĩ canh giữ bầu trời Tổ quốc dưới ánh sao nhìn từ phía sau.

Thầy giảng:

Trò Biện vẽ cái lưng chứ không vẽ cái mặt, vì sao? Tâm trạng của con người thường thể hiện qua gương mặt của mình nhưng phía sau của con người thể hiện tâm trạng của mình nhiều lúc có phần trung thực hơn. Trò Biện chọn cái góc nhìn thật thông minh. Đáng lẽ thầy cho trò Biện 10 điểm nhưng thầy cho 9,5 điểm để không có gì tuyệt đối, để còn phát triển.

Tôi hỏi Mười Biện:

- Thầy nói vậy đúng không?

Mười Biện cười:

- Tao vẽ mặt người chưa nổi, mặt người luôn thay đổi, tao bắt không kịp, đành vẽ cái lưng.

- Mày có biết cái lưng trong bức tranh là cái lưng của ai không?

- Lưng tao - Nó trả lời dứt khoát đến mức tôi phải ngạc nhiên, đúng là cái lưng của nó!

- Lưng mày làm sao mày thấy?

Mười Biện cười:

- Mày ngu! Không thấy bằng mắt thì thấy bằng tai. Tao nghe tụi mày nói tao là thằng vai u thịt bắp. Mà tao cũng lấy làm lạ là tao vẽ ai rồi cũng có tao trong đó. Nghệ thuật mà mậy !

Té ra nghệ thuật là vậy, tôi không hiểu.

Ngồi cùng một bàn, cùng chơi trong dàn nhạc của nhà trường, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là hai đứa ngủ chung, áo quần cũng mặc chung. Không biết ai lây ai, hai đứa đều bị ghẻ ngứa đầy mình, gãi sồn sột suốt đêm. Hai đứa trị ghẻ ngứa bằng cách lọc máu. Lấy máu trong gân của cánh tay rồi tiêm vào mông. Một hôm, hứng vì lẽ gì chẳng biết, nó bảo:

- Tao với mày đổi máu chơi, dám không?

Bất ngờ nhưng tôi vẫn đáp ứng không một chút đắn đo:

- Cái gì mày dám tao cũng dám!

Vậy là máu của nó tiêm vào mông tôi, máu của tôi tiêm vào mông nó (Cho đến bây giờ nhớ lại, tôi không hiểu sao anh y tá nhà trường không ngăn cản mà đồng tình với giọng cười khoái trá).

Gài xong nút quần, nó bảo:

- Vậy là trong máu tao có máu mày, trong mày có máu của tao.

Rồi bất thình lình nó hét "Xung phong", hai tay đưa lên theo động tác cầm súng như hình ảnh một người chiến sĩ trong bức tranh vọt ra cửa. Nó như con ngựa bị chồn chân được xuất chuồng, vừa cất vó, vừa hí cho hả.

Năm 1950 chúng tôi ra trường. Trong những ngày chờ phân công công tác, nó về nhà lấy vợ. Nó là đứa lấy vợ sớm nhất trong chúng tôi, tuổi hai mươi hai.

Từ Chắc Băng về Rạch Rán, tôi chèo xuồng suốt đêm.

- Mày yêu hồi nào sao tao không biết? - Tôi hỏi.

- Tao có yêu đâu! - Nó đáp, mặt tỉnh bơ.

- Không yêu sao cưới?

- Ông bà già cưới!

- Cha mẹ đặt đâu ngồi đó à?

Nghe nó lấy vợ, tôi có cảm tưởng như mình bị mất một người bạn, tôi hỏi theo cái giọng chất vấn hơi gay gắt.

Mười Biện vẻ gượng ngập:

- Ông bà già tao cháu ngoại có đến một tiểu đội, hai ông bà thèm một đứa cháu nội. Tao biết tâm lý ông già tao. Mỗi lần nhâm nhi ổng đều ngâm:

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

(Xưa nay chinh chiến mấy ai về!)

Ôổng bả sợ tao chết, muốn có một đưa cháu nội làm vốn, lúc đầu tao cũng cự nự, nhưng khi tao gặp cô ta, chỉ mới thấy cái lưng thì tao đã mê. Nhìn thấy cái mặt, tao càng mê hơn. Ông nội vợ là người Tiều lai Miên, bà nội vợ là người Việt. Nếu làm một bài toán về máu huyết thì vợ tao bảy mươi phần trăm là người Việt.

- Vợ mày làm gì?

- Cô giáo!

Ngày cưới, tôi mới nhìn thấy mặt vợ nó. Cô gái mười tám, cô gái có ba dòng máu, một cô gái thon thả, mái tóc dài, vẻ mặt thật là khó tả, chỉ biết nói là đẹp! Cái vẻ đẹp lạ lùng làm sao! Hạnh - tên của vợ Biện, cái vẻ đẹp của Hạnh mờ mờ ảo ảo, như người con gái đi đứng trong sương mờ.

Nó cưới vợ là phải, tôi thầm nghĩ.

Hớp rượu đầu tiên trong đời tôi là hớp rượu đế ngày cưới của nó. Trong hơi men nó bảo tôi:

- Tao có vợ mày cũng sướng!

Tôi nhìn nó, hỏi vẻ ngạc nhiên.

- Mày không biết à. Trong tao có máu của mày, quên à? Hai đứa ngửa mặt cười, cười trong hơi men, giọng cười mở hết "vôlum"

*
* *

Tôi về Bộ Tư lệnh Quân khu, vì trước khi đi học, tôi là tiểu đội phó Vệ quốc đoàn, Mười Biện về Sở Công An Nam Bộ vì trước khi đi học Mười Biện là thư ký đánh máy của Công an huyện, coi như ngành nào trở về ngành đó. Tôi không là nhạc sĩ, Mười Biện cũng không là họa sĩ.

Cả hai cơ quan đều đóng dọc theo kênh rạch, theo bìa rừng U Minh, muốn gặp lại nhau phải mất một hai ngày bằng xuồng, thỉnh thoảng gặp nhau là tình cờ. Mỗi lần gặp nhau, phần lớn câu chuyện của nó là khoe con.

- Mày đặt con tên gì?

- Minh.

- Sao là Minh?

- Minh có nghĩa là minh mẫn, là sáng suốt.

- Cha tên Biện, con tên Minh. Biện Minh à? Biện Minh cái gì?

Nó ngồi đực ra một lúc:

- Biết đâu đời mình cũng có lúc phải biện minh cái gì đó.

Tưởng là chuyện đùa, không ngờ sau này nó phải tự biện minh cho mình.

Năm 1954, tập kết ra Bắc. Ơở Hà Nội, hai đứa thường gặp nhau. Một hôm nó đến tìm tôi. Nơi tôi ở là cái gara ôtô được cải tạo thành một căn phòng trên đường Nguyễn Du trong đêm đẫm mùi hoa sữa. Nó bảo:

- Tao chuẩn bị đi học.

- Đi đâu?

- Liên Xô.

- Học gì?

- Làm công an thì học về công an, hỏi vô duyên. Còn mày?

- Viết văn.

- Nó trợn mắt nhìn tôi như nhìn một động vật lạ:

- Nói thiệt hay nói chơi vậy mầy.

- Tao xạo với mày làm gì?

Thấy nó không tin, tôi bèn rút tờ báo Văn Nghệ, đưa ngón tay trỏ chỉ thẳng vào cái tên truyện ngắn của tôi trên trang đầu:

- Mày thấy cái gì không?

Mặt nó vẫn tỉnh bơ:

- Tao đọc rồi, hay lắm, nhưng tao tưởng của ai đó trùng tên với mày.

- Mày không tin tao?

- Bán tín bán nghi cho nên đêm nay tao đến mày. Mày nhớ cái bài văn của mày không?

Bài luận văn mà Mười Biện nhắc là bài luận văn nhục nhã của tôi. Đề luận văn thầy cho viết về kỷ niệm của nhà trường. Nhà trường ở đây là nhà trường tôi đang theo học. Nhưng tôi lại viết về ngôi trường làng năm tôi lên mười. Tôi nhớ một chiều giông gió, con trốt xoáy qua trường, tôi tả: "Ngói rơi xuống nằm sải tay!". Thầy tôi giận dữ:

- Trường ta mái lá giữa rừng làm gì có ngói. Mà ngói thì sao lại nằm sải tay!

Bài luận văn ấy của tôi thầy cho nửa điểm trên hai mươi. Mười Biện nói:

- Ơở trường, tao thấy mày có khiếu nhạc, năng khiếu văn chương thì có gì đâu, luận văn thi dở ẹc!

- Tao có năng khiếu, nhưng lúc đó năng khiếu của tao ngủ quên. Bây giờ cuộc đời đánh thức nó dậy.

Nó gật gù đăm chiêu.

- Có lẽ đúng! Vậy thì không còn gì bằng! Aà, hôm rồi, Bác Hồ đến thăm cán bộ công an, Bác nói, đại ý một câu ngắn gọn như vầy: "Muốn nổi tiếng thì làm văn nghệ sĩ. Làm công an thì phải là chiến sĩ vô danh". Chí lý!

Nó cầm ly rượu đưa lên:

- Cạn!

Vui, tôi quá chén lăn ra ngủ lúc nào không biết. Giữa đêm tỉnh giấc, khát nước tôi mò dậy, Mười Biện về lúc nào chẳng hay, thấy trên bàn có tờ giấy nó để lại: "Chúc mày ngủ ngon. Tao là thằng phải chìm, mày là thằng phải nổi. Thôi! Tao đi!".

Nó đi biền biệt. Mãi đến năm 1965, cũng mùa thu nó trở về. Năm ấy máy bay Mỹ đang dồn dập đánh cầu Hàm Rồng. Với tư cách là phóng viên của tờ báo Văn Nghệ, tôi từ một ụ pháo bảo vệ cầu Long Biên trở vào lúc đường phố vừa lên đèn, thấy nó đứng đợi ngoài cửa. Nó ôm tôi, hôn theo kiểu Tây. Người Mười Biện mập mạp hồng hào, trẻ ra nhưng giọng không vui:

- Nếu đêm nay không gặp mày, tao chẳng biết đi đâu. Có vợ chưa?

- Chưa!

- Vậy thì mày đi với tao.

Bằng chiếc xe gắn máy của Liên Xô, chiếc xe màu đỏ, tiếng nổ giòn tan, nó đưa tôi lên Nghi Tàm, vào nhà thằng bạn cùng một lớp nay là kỹ sư chăn nuôi, thằng Bình, thằng có giọng hát hay nhất trường.

Thằng Bình hầm con gà công nghiệp nặng đến bốn ký. Da gà dày như da heo, nhai nghe rào rạo, thật ngon.

Mùa thu bên bờ sông Hồng, lành lạnh mát, ba chúng tôi đốt lửa, đàn hát như hồi còn ở trường.

Ơở Liên Xô, Mười Biện chắc vẫn chơi đàn, tiếng đàn của nó bây giờ cảm hơn, sâu hơn. Thằng Bình có giọng nam cao, Mười Biện giọng nam trung, tôi thì giọng nam trầm. Cả ba đều hát bài hát Tình ca của Hoàng Việt. Trong bài hát, lời nào là "em" thì Mười Biện đổi chỗ lại là "con". Như câu đầu, cả ba đều hát đúng lời: Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Đến câu thứ ba: Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra. Mười biện hát: Con ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra... Lời cuối cùng: là một bài tình ca của đôi lứa ta... Mười biện hát: Là một bài tình ca của ba chúng ta không thể xóa nhòa. "Ba chúng ta..." của Mười biện không phải là ba chúng tôi mà của nó, vợ nó và con nó.

Đêm thu, ngọn gió sông Hồng đưa chúng tôi trở về với những ngọn gió xôn xao trong rừng tràm, xôn xao trong rặng lá ven sông nước đất U Minh. Chúng tôi ngồi với nhau bên đống lửa, bên đĩa thịt gà, bên ly rượu cùng tiếng đàn hát cho đến sáng.

Trước khi ra về, Mười Biện nói giọng tâm sự:

- Bây giờ đến lúc tao phải tự biện minh.

- Biện minh cái gì ? - Chúng tôi hỏi.

Thức suốt một đêm, râu ria đứa nào cũng dài ra, mắt trũng sâu, như thêm một tuổi. Mười Biện nói:

- Tao học trong thời kỳ Liên Xô đang xét lại. Bây giờ tao muốn biện minh cho cấp trên hiểu rằng "xét lại" không chạm đến cái lông chân của tao. Tao biện minh bằng cách xin về Nam đánh Mỹ. Đêm nay là đêm tao chia tay với tụi mày!

Một chút ngậm ngùi khi nó nổ máy đưa tôi về.

Mười Biện về Nam, tôi cũng về Nam. Tôi về cùng đoàn văn nghệ sĩ, lên đường vào ngày mùng ba Tết năm 1966. Mười Biện đi lúc nào tôi cũng không biết, nhưng cũng xuất phát từ ga Hàng Cỏ và chắc lên tàu vào đêm tối.

Trên đường Trường Sơn, một hôm từ trong bệnh xá ra trạm thì tôi gặp Mười Biện. Nó vẫn khỏe mạnh, còn tôi thì sau những cơn sốt, người xanh xao ốm yếu, chân như hai cọng nhang không đủ sức đỡ lấy thân, cây gậy trong tay mà bước đi cứ run run. Nhận ra tôi từ xa, Mười biện chạy tới vừa ôm tôi vừa đỡ cái ba-lô trên vai tôi:

- Mày sốt ?

- ừ...

- Đoàn mày đâu?

- Tao rớt, đoàn tao đi trước rồi.

- Thôi, nhập vào đoàn của tao.

Trên đường Trường Sơn, có thể nói không đơn vị nào giữ nguyên quân số từ đầu đến cuối. Người nào sốt thì tấp vô trạm, đoàn cứ đi, khỏe rồi thì nhập vào đoàn khác, tiếp tục lên đường. Vậy thì tôi đi với Mười Biện, đỡ quá, mọi thứ trang bị trên người tôi, nào quần, nào áo, nào gạo... Mười Biện chia ra trong đoàn nó mỗi người một ít, tôi chỉ đi mình không với cây gậy. Tôi khỏe dần.

Đi đã gần hai tháng mà con đường mòn Trường Sơn cứ lên lên xuống xuống và dài ra hun hút.

Rồi một buổi chiều đến cái trạm đổ xuống đồng bằng gọi là trạm Vườn Chuối. Trạm này có chỗ mua rượu và thịt nai do giao liên của trại cung cấp. Trước khi lên đường, mỗi người được lãnh mười ngàn đồng tiền của Sài Gòn để phòng thân, về đến nơi mà còn nạp cho cơ quan, cũng là cách chuyển tiền về chiến trường.

Đoàn của Mười Biện mua cả một con nai, mỗi người một "toong" rượu.

Tôi với Mười Biện ngồi trên một phiến đá bằng phẳng như một cái bàn lai rai với thịt có một cậu bé mười lăm, mười sáu tuổi đi qua. Thấy cậu mặc áo bà ba đen, đội mũ tai bèo, quấn khắn rằn, biết cậu là cậu giao liên.

Mười Biện đưa tay ngoắc cậu giao liên:

- Này cháu, cho chú hỏi cái này một chút.

Cậu bé giao liên quay mặt lại, mặt câng câng:

- Xin lỗi, ở đây chỉ có đồng chí chớ không có chú cháu.

Mặt Mười Biện xạm lại.

Cậu giao liên nói vậy rồi bỏ đi, hai đứa uống rượu bớt hào hứng. Vừa lúc đó thì trạm trưởng đi qua, Mười Biện gọi:

- Đồng chí trạm trưởng!

Người trạm trưởng tuổi độ ba mươi, vạm vỡ trong bộ quân phục màu cứt ngựa:

- Có gì không đồng chí?

- Mời đồng chí uống với tôi một hớp.

Trạm trưởng sà xuống, chúng tôi mời rượu bằng cái chén sắt.

Mười Biện hỏi:

- Cái cậu giao liên hồi nãy dân ở đâu, con nhà ai mà căng quá?

- Nó không cho anh gọi bằng cháu chứ gì?

- Đúng!

- Sao?

- Mấy đoàn trước hễ người nào gọi nó bằng cháu là nhờ nó đủ thứ việc, nào cho chú cho bác một bó củi, cho một bình nước sôi pha trà, nó chạy tăm tắp, vất vả quá, nó đành bày ra cái trò ai ai cũng đồng chí.

Suốt hai tháng trên đường Trường Sơn, lần đầu tiên tôi mới nghe giọng nói Nam Bộ, tôi muốn làm quen với cháu.

- Được, để tôi gọi nó.

Anh trạm trưởng uống xong hớp rượu, bước vào con đường mòn.

Cậu giao liên đứng trước mặt chúng tôi, vẫn câng câng. Mười Biện dè dặt, đưa tay lên phiến đá, vẻ ân cần:

- Mời đồng chí ngồi?

Cậu bé không ngồi, cứ tròn mắt quan sát. Mười Biện hỏi tiếp:

- Đồng chí ở tỉnh nào?

Cậu bé giao liên trả lời cộc lốc:

- Bạc Liêu!

- Bạc Liêu mà ở đâu?

- Rạch Rán.

- Má đồng chí tên gì?

- Đồng chí hỏi làm chi?

- Hồi trước tôi có đóng quân ở Rạch Rán, hỏi xem có quen không?

- Má tôi tên Hạnh!

- Còn ba?

- Ba đi tập kết.

- Biết tên ba không?

- Tên ba mà sao không biết!

- Tên gì?

- Mười Biện?

Đang ngồi, Mười Biện bỗng vùng dậy ôm thằng bé, hét lên:

- Đ.m ! Tao là ba của mày! Minh! Ba là Mười Biện đây con!

Tôi thấy hai vai nó run lên, thằng nhỏ đứng như trời trồng, mặt nó sững sờ, còn tôi thì ứa nước mắt.

Sáng hôm sau, đoàn lên đường, Mười Biện xin ở lại với thằng con vài hôm. Trước khi chia tay, Mười Biện cho tôi biết:

Vợ tao bị đày ra Côn Đảo. Thằng nhỏ bị nó truy lùng, nó theo anh em, vượt sông Tiền, sông Hậu, vượt rừng xa đến đây.

Một câu vắn tắt nhưng chứa đựng bao đau khổ gian nan của vợ con nó. Mười hai năm, sau một đêm gặp lại cha, nó như một người khác, trông mặt nó hiền lành, nó đứng khoanh tay cúi chào từng người trong đoàn. Tôi ôm hôn cậu giao liên đồng chí trước khi lên đường.

*
* *

Suốt chín năm ở R, hai đứa không gặp nhau nhưng biết là hai đứa vẫn sống, mỗi đứa một chiến trường. Tôi về chiến trường Đồng Tháp Mười, Mười Biện thì về chiến trường Củ Chi, lấy đó làm bàn đạp vọt vào nội thành Sài Gòn gây dựng cơ sở. Cái nghĩa nào đó thì tôi nổi lềnh đềnh trên chiếc xuồng ba lá, Mười Biện sống trong lòng Củ Chi thì như chìm sâu trong lòng đất. Sau 30-4-1975, về Sài Gòn, Mười Biện được lên cấp tá, làm trưởng gì đó của Sở Công an.

Gặp nhau, câu đầu tiên tôi hỏi:

- Vợ con mày sao?

- Vợ tao được trao đổi sau Hiệp định Paris. Nhưng trớ trêu, tao về Nam, nó lại trao trả vợ tao ra Sầm Sơn. Tụi nó chơi tao tới cùng. Tao muốn có thêm một đứa con gái nhưng vợ tao bị triệt sản rồi.

- Còn thằng con đồng chí.

- Đang học trường Công an, cha nào con nấy.

Tôi đến thăm nhà cô giáo Hạnh. Ba mươi lăm năm, người đàn bà bị tù đày, với mái tóc hoa râm, thân hình gầy gò, tôi chỉ nhận ra cô giáo Hạnh qua ánh mắt và nụ cười. Cô giáo Hạnh kể lại đoạn đời mình qua giọng nói nhỏ nhẹ, đều đều, bình thản chau mày:

Aảnh xuống tàu tập kết ra Bắc, tôi bồng thằng nhỏ về Sài Gòn, mượn nghề may làm trạm giao liên. Tôi bị bắt vào buổi trưa. Thật may lúc đó thằng Minh đi học chưa về.

Cũng là tù nhưng tôi là người tù đặc biệt, vừa đánh, nó vừa hét: "Vợ thằng công an! Vợ thằng công an! Tao đánh cho thằng chồng công an của mày ở Miền Bắc cũng phải đau!". Khi gặp lại nhau tôi nói: "Anh làm công an làm chi cho em bị đánh quá trời!" Anh biết ảnh trả lời sao không, ảnh đưa tay vuốt ngực vừa cười, tôi cũng cười. Trong tù, tôi nhớ ảnh mà không lo cho ảnh, còn thằng con vừa nhớ vừa lo, chẳng biết nó ra sao. Sau ngày trao trả, ở Hà Nội, tôi nhận được thư của hai cha con. Tôi được biết, khi tôi bị bắt thì người bạn cùng cơ sở đến tận trường đón con tôi đi thẳng ra bến xe, lên xe đò về Cà Mau, đó là năm 1960, thằng Minh vừa mười tuổi. Đọc thư nó, nghe đứt ruột, nó theo anh em vào rừng. Bốn năm sau, nó lên R xin làm giao liên, rồi gặp ba nó trên đường Trường Sơn. Gian nan nhưng nhiều lúc, ngẫm lại, đời mình vẫn còn may hơn nhiều anh chị em khác. Một lần khác Mười Biện tâm sự:

- Đêm đầu gặp nhau, mày biết vợ tao nói gì không? Ơở trong tù bọn giặc nó đánh em tan nát, bây giờ gặp anh, anh hôn nát cái mặt em! Là nhà văn mày có sáng tạo nổi tình yêu qua ba tiếng "hôn nát mặt" hay không?

*
* *

Còn nhớ, một chiều cuối năm 1979, Mười Biện tìm tôi:

- Tao muốn nhờ mày một chuyện.

- Tao là thằng viết lách có gì mà mày nhờ, có gì nói đi!

- Mày có chơi với một họa sĩ tên là Đức Quỳnh phải không?

- Có, hay uống bia ở Hội Văn nghệ, nó làm sao?

- Đang ở tù!

Tôi ngạc nhiên:

- Sao vậy.

- Vượt biên bị bắt. Trường hợp này xét ra không có gì nghiêm trọng, tao muốn cho về. Nhưng trước khi cho về, tao muốn mày lấy danh nghĩa là văn nghệ sĩ với nhau mày bảo lãnh để anh ta còn nghĩ đến cái tình người cùng giới. Mày hiểu ý tao.

- Hiểu!

Ba hôm sau hoạ sĩ Đức Quỳnh đến thăm tôi với chai rượu khó kiếm (lúc bấy giờ), chai Hennessy. Người uống chai rượu ơn nghĩa này đúng ra không phải là tôi!

*
* *

Có việc gì rắc rối tôi thường tìm đến Mười Biện. Anh bạn văn nghệ của tôi có một đứa con vượt biên đang ngồi tù. Hai vợ chồng chạy lo khắp các cửa, bị bọn gian lừa mất mấy cây vàng mà không tiếp cận được người có quyền. Đêm, tôi gọi điện thoại đến Mười Biện kể lại sự tình, giọng Mười Biện từ đầu dây bên kia:

- Chuyện gì cũng phải xét cho kỹ, nhưng mày nhờ thì tao làm. Biết sao không?

- Sao?

- Mày là thằng nhà văn, là thằng có tâm. Tao là thằng có quyền. Cái quyền làm theo cái tâm. Ê! Nhưng mà nói vậy thì đừng có hiểu là anh em tao không có tâm đâu nghe mậy! Này, không phải chuyện gì tao cũng làm được đâu nhá! Người ta tin mày, mày tin tao, tao tin bạn bè tao. Yên tâm!

Chiều hôm sau, chiều hai mươi tám Tết, anh bạn nghệ sĩ mang đến cho tôi hai cây quất chở trên chiếc xe ba gác, mặt mày hớn hở:

- Trưa nay hai vợ chồng đang ngồi ăn cơm, Tết đến nơi mà vắng nó, đang rầu rĩ thì nó ló đầu về. Vợ tôi nhìn sững nó, mày hả con, tưởng như chiêm bao!

Tôi gọi điện thoại lại Mười Biện:

- Sao mà nhanh vậy?

- Trẻ người non dạ ! Như con của mình, cho nó kịp về ăn Tết. Tôi lại được mang ơn, được hai cây quất chơi ngày Tết. Hè năm 1989, trong chuyến sang Mỹ theo lời mời của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ, tôi có gặp một người phụ nữ Việt Nam hơn bốn mươi tuổi vượt biên cùng đứa con gái đã gần mười năm, chồng là đại úy của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn còn ở lại Việt nam; người phụ nữ ốm yếu ấy kể với tôi, chị ra đi không vì lý do chính trị, mà vì bế tắc, vì kế sinh nhai, do đó chị không hòa nhập vào nhóm người chống đối cực đoan, chị không tham gia bất cứ cuộc họp hành nào, không theo một đoàn biểu tình nào hô hào chống Cộng, chị bị bọn chúng cô lập, ngày ngày lầm lũi đến nhà trường. Chị là cô giáo dạy Anh văn, chị có một vị trí xã hội nhất định. Không làm gì được chị, chúng đánh vào đứa con gái mười sáu tuổi của chị bằng một đòn ác nghiệt, chúng dụ đứa con gái của chị vào con đường ma túy.

Chồng chị nằm trong diện ODP, chị nhờ mãi mà chưa được sum họp. Chị ăn tiêu tằn tiện, góp nhóp được đồng nào hay đồng ấy gửi về cho chồng để lo chạy vạy cho chuyến đi.

- Nhà tôi là đại úy Bộ Tổng tham mưu nhưng là lính kiểng. Ghé thăm nhà tôi anh sẽ thấy ảnh hiền khô, khờ lắm. Con bé không có tình người cha tôi không biết nó sẽ đi đến đâu...

Tôi nói với Mười Biện:

- Nghe cổ nhờ mình chỉ cho chồng cổ cái đường dây đút lót hối lộ, tao xấu hổ quá, chẳng biết có hay không, tao không dám hứa điều gì, nhưng khi nghe cổ kể, tao nhớ đến mày. Mày làm sao giúp cho họ đoàn tụ đúng chính sách, không tốn một đồng xu, làm một cái lấy uy tín.

Mười Biện đốp lại tôi:

- Không! Không phải là một cái mà hàng trăm hàng chục hàng ngàn tỷ cái.

Đang sôi nổi, Mười Biện bỗng trầm xuống nói giọng tâm sự:

- Trong cuộc đời công an của tao, tao tâm đắc một điều: Bất cứ thời nào, chế độ nào, người dân yêu hay ghét chế độ ấy là qua gương mặt người công an. Người có chức năng về việc này là thằng bạn cùng lứa với tao, cùng học ở Liên Xô, tao tin nó, nó tin tao, việc này mày để tao lo.

Độ tháng sau, tôi nhận được một sấp vải đủ may hai cái quần của người phụ nữ Việt Nam từ Mỹ gửi về, gọi là quà nhớ ơn.

Nhiều lúc nghĩ, cái số của Mười Biện cực khổ vì tôi. Trong bạn bè và cả bà con dòng họ người nào cũng gặp chuyện rắc rối hay oan ức nhờ đến tôi, tôi đều nhớ đến Mười Biện, chưa một lần thất bại. Với tôi, Mười Biện còn là một bạn đọc tri kỷ. Có thể nói Mười Biện đọc không sót một câu nào của tôi kể cả những bào phỏng vấn, bài phát biểu trên báo đến chuyện ngắn hay tiểu thuyết.

Đọc xong bao giờ anh cũng điện cho tôi, vừa cho biết cảm tưởng, vừa nhận xét, có lúc anh hỏi tôi đã đọc của một tác giả nào đó chưa, tôi trả lời chưa thì anh la rầy rất dữ: "Sao không đọc, mày chỉ biết đọc của mày thôi à, đọc ngay rồi cho tao biết ý kiến".

Có một buổi sáng vừa đến cơ quan, Mười Biện đã điện thoại cho tôi:

- Tao mới đọc cái chuyện về người lính của mày. Thích lắm! Lãnh nhuận bút chưa?

- Trưa nay nhậu chơi!

- Cái thằng! Chơi lâu mà không biết! Tao có nhậu trong giờ làm việc bao giờ đâu mậy! Chiều tao mang theo chai rượu bù tiền nhuận bút cho mày.

Sau buổi chiều mừng cái chuyện ngắn của tôi hôm ấy, bẵng đi rất lâu, hai đứa không gặp nhau.

Một hôm bỗng thấy nhơ nhớ, thuận đường tôi rẽ vào nhà Mười Biện gặp cô giáo Hạnh đang tưới kiểng:

- Aảnh vừa về, suýt chết đó anh!

Mười Biện xuất hiện với gương mặt của người khác, nếu gặp ở ngoài đường, không thể nhận ra, râu tóc bờm xờm che kín cả mặt.

Chuyện lạ, Mười Biện bưng ra một bình rượu cần đặt lên bàn:

- Thứ thiệt! - Mười Biện xoay chiếc cần qua tôi: Nút một hơi đầy.

- Sao?

Nghe mùi rượu nếp than, ngon! Chán đời hay sao mà râu ria dữ vậy.Vô hang hùm bắt cọp - Râu ria để vào sào huyệt của bọn Fulrô. Khi nào mày thấy tao cạo râu ria hớt tóc như cũ coi như tao làm xong nhiệm vụ.

Mười Biện xoay cái cần qua nút một hơi dài, thở khè một tiếng, bắt đầu hào hứng:

- Có một chuyện ly kỳ. Một cán bộ bị Fulrô bắt. Nó đem anh ta ra bắn. Sắp bắn, bọn chúng thấy tiếc cái bộ quần áo của cán bộ. Cởi áo thì phải mở trói. Vừa mở trói xong, thừa cơ, anh cán bộ dùng võ thuật quật một thằng, cướp luôn súng, nổ liền mấy phát rồi lao vào rừng rậm trầm mình dưới con suối. Mày thấy lên phim được không?

- Anh cán bộ tên gì? Mười Biện trả lời tên người cán bộ giọng ấp úng.

Tôi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của Mười Biện. Mười Biện cười, hai hàm răng lóe lên trong " bụi râu".

*
* *

Năm 1995, đến tuổi sáu mươi bảy, Mười Biện về hưu, cấp đại tá.

Mười Biện mời tôi đến nhà ăn cơm chiều. Nhà Mười Biện nằm trong một con hẻm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một biệt thự nho nhỏ có một cây xoài, một cây vú sữa, che mát mảnh sân trước nhà. Hai đứa đã già rồi, vẫn mày tao không khách sáo.

Mười Biện nói:

- Chiều nay vợ tao mời mày một bữa ăn đặc biệt, nhà hàng khách sạn ở Sài Gòn không một nơi nào có.

- Món gì mà đặc biệt dữ vậy?

- Cá rô nhưng không phải kho tộ, món đó bây giờ lên trời đâu cũng có. Cá rô này là cá rô kho bầu.

Nghe nói mà giật mình, cá rô kho bầu tôi được ăn lúc còn ở làng đã hơn năm mươi năm. Ngồi vào bàn ăn tôi hỏi:

- Đứa con đồng chí đâu?

- Nó đi vắng, cũng lận đận như tao. An ninh kinh tế, đã lên cấp tá, đi suốt, nhưng bữa nay nghe nói mày đến, chắc nó tránh. Biết sao không, gặp mày là nó nhớ nó bắt tao phải gọi là đồng chí, nó mắc cỡ. Dù lớn mấy cũng là con cháu. Nó đi vắng, tụi mình thoải mái.

Trước khi vào bữa ăn, tôi nói:

- Vừa rồi tao có nghe mày phát biểu một câu nổi tiếng chẳng biết có phải như vậy hay là người ta bịa đặt cho vui?

- Câu gì mà nổi tiếng?

Tôi kể, tôi nghe trong cuộc họp của cấp ủy có một câu hỏi đặt ra, nếu thành phố ta có bạo loạn hoặc có một lực lượng phản động nào đó đánh vào thành phố thì ta bảo vệ cơ quan nào trước nhất. Một giả thiết đặt ra làm đầu óc mọi người căng thẳng. Thành viên hội nghị lần lượt phát biểu với lý lẽ riêng. Người thứ nhất bảo, nơi bảo vệ trước nhất là cơ quan Thành ủy, vì đây là Trung tâm lãnh đạo của Đảng. Người thứ hai thì bảo vệ trụ sở Uủy ban vì đây là trụ sở của Trung tâm chánh quyền. Người thứ ba thì phải bảo vệ Đài truyền thanh truyền hình, vì đây là cái loa, là hình ảnh của chế độ. Người thứ tư thì bảo vệ ngân hàng vì muốn làm gì cũng phải có tiền. Đến người thứ năm, Mười Biện, Đại tá Công an với sắc phục của ông, ai cũng chú ý, ông Đại tá Công an Mười Biện đứng lên trịnh trọng:

Với tôi nơi cần bảo vệ đầu tiên - nói đến đây ông dừng lại cho mọi người chú ý- nơi bảo vệ đầu tiên là nhà máy bia!

Tôi kể xong, Mười Biện, cô giáo Hạnh, đứa con dâu và cả hai đứa cháu nội đều cười rộ lên, tôi hỏi:

- Ông có phát biểu như vậy không?

Mười Biện tắt tiếng cười:

- Hội nghị chuyên đề về an ninh lần nào cũng căng đầu, mình phát biểu giải trí. Sau khi phát biểu, một đồng chí trong cấp ủy bảo: "Thấy mặt ông ngầu quá, tôi tưởng ông không biết đùa".

*
* *

Bữa ăn không thịnh soạn nhưng trang trọng và ngon miệng. Bàn phủ vải trắng dọn giữa phòng khách. Vào bàn chỉ có hai người đàn ông, Mười Biện và tôi, cô giáo Hạnh, con dâu và hai đứa cháu nội thì ngồi bàn dưới trong một góc vừa ăn, vừa kể chuyện. Món cá rô kho bầu là món vừa là canh vừa là kho không lạt không mặn, nước kho có thể chan cơm như nước canh, bầu thấm vào cá, thịt cá vừa làm mồi nhậu vừa là món ăn cơm.

Mười Biện chỉ con cá rô to bằng bốn ngón tay được sớt ra đĩa, hỏi:

- Xứ Long Xuyên mày gọi con cá này là con cá rô gì?

- Cá rô ăn đũa nằm!

- Sao ăn đũa nằm, không phải là ăn đũa đứng?

Tôi giải thích bằng cách cầm đôi đũa dài theo tay, lạn hết cái lưng cá. Xong tôi cầm đôi đũa đứng:

- Cá rô li ti thì đũa đứng mới dẻ được.

Mười Biện bành miệng cười:

- Giỏi ! Còn một câu nữa, cá rô này mày nghe mùi gì?

- Thịt cá rất thơm nhưng chưa đoán được mùi gì - Tôi xoay qua cô giáo Hạnh - Chị có để khoai sọ trong nồi không?

Mười Biện đưa tay vỗ tay xuống bàn vẻ thích thú:

- Cái mũi của mày vẫn còn thính, nhưng ai lại đi kho cá với khoai sọ. Đó là mùi củ co. Có biết củ co không?

- Không biết củ co thì còn gì là dân Nam Bộ. Tao còn nhớ, tháng mươì là tháng mùa củ co - Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ con nít vẫn còn bán. Củ tròn tròn bằng đầu ngón tay ngón chân cái sần sùi đen như bùn, nướng hoặc luộc ăn bùi bùi béo béo nhân nhẩn thơm thơm. Ăn vui miệng!

Mười Biện thích chí:

- Nhà văn tả vậy là đúng. Ăn thêm một miếng nữa đi, nghiệm xem có phải mùi củ co không?

Tôi vừa ăn vừa ngẫm, sành lắm mới nhận ra mùi củ co thật đặc biệt này. Phải là con cá rô mùa khô. Trên đồng không còn nước, con cá rô phải chui xuống tận bùn. Từ dưới đáy bùn là đất của củ co. Con cá rô long lóc trong bùn như được ướp bằng củ co và như được tẩm bằng củ co vì nó phải ăn củ co để sống. Muốn bắt nó, tay phải thọc sâu xuống bùn, vừa lặt củ co vừa bắt cá.

Tôi quay sang vợ Mười Biện:

- Chị làm sao biết được con cá nào là con cá có mùi củ co mà chọn?

Cô giáo Hạnh ngồi bên kia góc nhà nói với sang:

- Cũng là tình cờ, sáng tôi đi chợ sớm, thấy thằng cháu mười hai mười ba đội một rổ cá, chân cẳng còn lấm bùn, tôi hỏi: "Cá này cháu câu hay giăng lưới?" Nó bảo: "Cháu mò dười sình" "Cháu có hái củ co không" "Củ co nhiều lắm nhưng cháu để ăn". Nghe vậy tôi không trả giá, thằng cháu nói bao nhiêu tôi mua bấy nhiêu, mua hết. Về, tôi khoe với ổng, ổng liền điện thoại cho anh.

Sau vài ly rượu, Mười Biện hào hứng hẳn lên, nhìn nó tôi đoán biết theo thói quen, nó bắt đầu triết lý, và đúng như vậy, Mười Biện nói:

Ăn con cá rô đồng mùi củ co chiều nay tôi bỗng nghĩ đến chuyện đời. Có lẽ cái ý nghĩ này bốc lên từ men rượu Xuân Thạnh. Mình muốn so sánh nhưng thấy khập khiễng đến độ không chấp nhận được, cho nên có lẽ Liên nghĩ là đúng nhất, Liên nghĩ tới cái đời của tụi mình, con cá rô đồng nó chui nó lách tận dưới bùn sâu, nhờ có củ co nó mới trở thành con cá ngon cá quý, còn tao với mày dù chìm hay nổi nếu mình cũng như con cá rô đồng này, mình sống sâu trong lòng của xã hội thì mình..., phần kết luận xin dành cho nhà văn.

Hai đứa tôi, gặp nhau chuyện nọ xọ chuyện kia, đủ thứ chuyện đời.

Rượu Xuân Thạnh một lít, chỉ còn có hai ly cuối cùng. Bất ngờ tôi hỏi:

- Về hưu mày tính làm gì?

Mười Biện không trả lời mà bước ra khỏi bàn, vào phòng trong khệ nệ bưng ra cái giá vẽ, được vợ giúp cho một tay. Nhìn bức tranh, nói không quá đáng, tôi giật mình. Bức tranh cách đây 45 năm, Mười Biện vẽ bằng bút chì trên trang giấy học trò.

Bây giờ bức tranh được phóng to lên, được vẽ bằng sơn dầu. Mặt trăng mờ trong tranh là mặt trăng qua lớp sương rừng U Minh. Trong tôi bỗng bừng lên bao kỷ niệm, bao hình ảnh chiến trường xưa. Những người lính, lưng đeo nóp, vai vác súng, xuồng hành quân nối dài theo kênh rạch... hình ảnh những người lính vượt đồng lầy với chân trần.

Tôi đứng lặng trước bức tranh.

Mười Biện quay lại nhìn tôi.

- Hội hoạ với tao như mối tình đầu. Tao trở lại với mối tình đầu này, vợ tao không ghen, phải không cưng?

Cô giáo Hạnh đứng bên chồng:

- Đêm nào ảnh cũng vẽ anh à.

Mười Biện được đà:

- Còn một bức nữa, bức ảnh của vợ tao ngày cưới!

Cô giáo Hạnh ôm hai vai chồng, hai mái tóc bạc kề nhau, giọng âu yếm:

- Ông xỉn rồi, đừng khoe nữa.

Mười Biện càng hào hứng:

- Mày có biết không, tao đang học. Ai dạy tao? Họa sĩ Đức Quỳnh. Chắc là mày nói ổng biết tao giúp ổng, biết tao góp một tiếng nói cho ổng đem tranh đi triển lãm nước ngoài. Thấy tao mê thích hội họa, ổng hứa dạy tao một tuần vài tiếng không lấy tiền, vải và màu ổng cũng cho tao đó. Tuổi già cũng có niềm an ủi.

Mười Biện rời giá vẽ trở lại bàn, tướng đi nghênh ngang, miệng cười cười, cầm ly rượu, sảng khoái:

- Hoạ sĩ Đức Quỳnh hỏi tao: "anh muốn vẽ lại bức tranh xưa phải không?". Tao cười, đúng là vẽ lại, nhưng nói cho đúng hơn là "Về lại bức tranh xưa". Họa sĩ Đức Quỳnh vỗ vai tao: "Anh vừa là họa sĩ vừa là nhà văn". Tao đáp: "Không, mình có thằng bạn nhà văn rồi. Mình là một cán bộ công an già, một họa sĩ trẻ".

Hai cái ly nâng lên. "Cốp". Hai thằng bạn cùng ngửa mặt: Cạn!

Hết

Các tác phẩm khác của Nguyễn Quang Sáng

Vểnh râu

Quán rượu người câm

Người đàn bà đức hạnh

Người Bạn Lính

Một chuyện vui

Gà sanh đôi

Đổi nghề

Đạo tưởng

Dân chơi

Con mèo của Foujita

Con ma da

Con khướu sổ lồng

Con chim vàng

Con Chim Quên Tiếng Hót

Chiếc lược ngà

Chị Nhung

Cái gáo mù u

Bài học tuổi thơ