watch sexy videos at nza-vids!
Truyện ĐẤT VUÔNG TRÒN-Lão Nhân Nghĩa - tác giả Nguyễn Quốc Văn Nguyễn Quốc Văn

Nguyễn Quốc Văn

Lão Nhân Nghĩa

Tác giả: Nguyễn Quốc Văn

Lão Nhân Nghĩa

C ái tên Công Tôn Nhân Nghĩa được được kẻ rõ đến từng nét, trang trọng ngự trên tấm biển màu vàng cam treo ở phía trước cửa ra vào trại. Thế mà, bọn người làm công lười biếng và rỗi miệng cứ thở ra với nhau rằng ông chủ là Lưỡi Hái. Láo khoét thật! Nhưng mặc xác chúng! Những kẻ hôi mồm hôi miệng ở đời này nhiều nhan nhản! Chấp với chúng thì suốt ngày phải đi mà đôi co sao?
Riêng tôi, thấy lão tuổi đã cao, lại rất biết điều, tôi coi lão thuộc hàng như cha như chú và bao giờ cũng một điều thưa chú Công Tôn, hai điều thưa ông Nhân Nghĩa đàng hoàng.
- Hay lắm! Ông bạn trẻ đúng là người có học! Giọng nói, dáng đi trí thức lắm lắm!
Lão nheo nheo mắt nhìn tôi, đưa ra lời khen rồi từ tốn bộc lộ:
- Tôi rất thích cách xưng hô lịch thiệp của người Bắc ta! Nhưng biết tạ ơn ông bằng cái gì cho xứng đây?
Tôi bảo chẳng phải khách khí thế.
- Ông không muốn tôi tạ ơn, nhưng tôi thì không thể thất lễ, tôi sẽ ban cho ông một ân huệ.
Tôi chưa kịp từ chối cái ân huệ mà một chủ trại hòm như lão Công Tôn Nhân Nghĩa có thể ban cho thì lão đã tiếp:
- Ông sẽ được làm bạn tôi! Đơn giản vì y phục của ông rất giống tôi!
Từ hôm ấy, thi thoảng lão lại tới thăm nhà tôi và nhỏ to tâm sự với tôi.
Chuyện của lão không có mở đầu, cũng chẳng bao giờ có kết thúc, đoạn sau có thể mâu thuẫn với đoạn trước. Lão bảo lão thành tâm thuật hết mọi sự rồi đấy, còn tin hay không, thì tùy. Lão chẳng ép. Rằng, ở đời, lão chỉ có thể làm bạn được với ba loại người. Đó là trẻ con, những tên tội phạm và người già.
- Tôi coi trẻ con hư hỗn là những thiên thần, ông ạ. Thời trẻ, lấy xong bằng đíp lôm ở Nam Định, tôi giã quê vào Nam làm thầy giáo. Tôi là một công chức ưa làm những việc khó. Nhưng nghề dạy học là một nghề đơn điệu. Để trổ tài, tôi thường chọn bài thật khó để giao về nhà cho học trò, lên lớp tôi cứ nhè vào những chỗ bữa trước mình giảng sơ sài nhất mà hỏi chúng. Cho tới khi trò cảm thấy mình không hơn gì những đứa dốt nát nhất, tôi sẽ đưa tay ra. Nào, cố lên các con, thầy trò ta phải chạy như ngựa lồng mới mong đạt được học lực trung bình. Chúng chạy vã mồ hôi. Dĩ nhiên, những đứa trò dốt nào chịu nổi những trò nhiêu khê của tôi về sau đều nên người cả; ông nghe và thấy chuyện có kì không?
Một lần khác, nhân xem trên ti vi, thấy tường thuật toà xử một vụ tham ô công quỹ lớn, lão tỏ ra rất bất bình, chê các vị trong hội đồng xử án nghiêm khắc qúa. Lão nói thời lão còn giữ ghế chủ toạ các phiên toà, lão chưa bao giờ làm như thế cả. Thấy tôi lộ vẻ ngạc nhiên, lão bảo:
- Ông chưa biết tôi đã từng làm ở toà án ư? Cũng đúng thôi. Vì tôi đã kể duyên cớ gì đã khiến tôi bỏ nghề gõ đầu trẻ để đi học luật cho ông nghe đâu. Thôi, đại loại có hai sự kiện. Thứ nhất là sự học càng ngày càng mạt. Lão hiệu trưởng của tôi thủ đoạn lắm. Dạy thêm cho học trò, lão thu tiền đủ cả “ cua” ba tháng. Thầy dạy buổi nào ăn tiền theo tỉ lệ thầy sáu chủ trường ba. Nhưng lão cứ cho trò nghỉ khi hứng lên, cũng chẳng cần dạy bù. Trò được nghỉ học thì sướng quá trời rồi. Còn lão hiệu trưởng, hưởng trọn tiền những ngày nghỉ đó. Có một khóa luyện thi, lão bảo tôi dạy bốn buổi cấp tốc. Tôi lại được giao soạn ngay một đề thi kiểm tra như thế nào đấy để trò đi học thêm được thỏa mãn với kết quả của mình. Dĩ nhiên là người khác gác thi nhưng tôi vẫn phải làm việc chót là chấm bài. Khốn khổ, đề tôi ra dễ như chơi mà chỉ có một nửa lớp làm được. Làm thế nào bây giờ? Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ ngay ra cách sửa lại thang điểm, câu nào khó thì cho thật ít điểm, câu dễ thì nâng nhiều điểm lên. Kết quả chín mươi chín phần trăm thí sinh dự thi đạt khá giỏi. Phụ huynh học sinh nghe tiếng cho con đến học ùn ùn. Rồi cũng chẳng rõ bằng cách nào đám học trò ấy đỗ ở các kì thi tiếp theo cũng rất cao. Về sau tôi mới vỡ lẽ ra rằng lão hiệu trưởng trường tôi đã thậm thụt mua đề của mấy người làm khảo thí. Thứ hai là lúc Mỹ vào đất này, tôi rất ghét cái lũ mũi lõ. Tôi muốn học luật để bênh người Việt. Nhưng tôi đã vỡ mộng...
Tôi hỏi:
- Vậy là ông phản kháng Mỹ - ngụy bằng cách bênh tội phạm chống lại chế độ ấy?
Lão Nhân Nghĩa cười mỉm:
- Không hoàn toàn như vậy. Nếu tôi làm được như ông nói, có thể tôi đã là người của các ông...
- Có nghĩa là ông không bênh những người lương thiện?
- Tôi chỉ bênh tiền! Những kẻ buôn ma túy, trộm cắp, ma cô...đều có tiền. Dĩ nhiên còn có cả các quan chức nặng túi nữa. Lũ học trò tôi dạy trước đây khi ấy đã có rất nhiều đứa thành ông này bà nọ. Chúng có thế lực và giàu có. Nhưng lá mặt lá trái, giả nhân giả nghĩa, lừa thầy phản bạn, tham nhũng, dối trên lừa dưới thì trên cả cơ lão hiệu trưởng của tôi. Nhờ bênh vực chạy tội cho chúng, tôi đã có rất nhiều tiền, nhiều xe cộ và nhà cửa. Rồi khi các ông vào tới đây, tôi đã phải bỏ hết, tôi phải giấu tung tích. Nên tôi chọn cái nghề hòm. Nghĩa tử là nghĩa tận, chẳng ai thèm để ý tới một người chuyên lo cho những người chết. Và, tôi hi vọng cái nghề hèn này sẽ tạo cho tôi cơ hội làm bạn với người già...
Quả thật, lão Nhân Nghĩa là bạn tốt của tất cả những người già trong khu phố tôi. Được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, lão có nhiều dịp đi đến từng nhà. Khi thì thu tiền dân phòng, ủng hộ đồng bào các vùng gặp thiên tai, hoả hoạn, lúc thì tới mời họp tổ, vận động đi bầu cử... Những lần như thế, lão thường dừng lại ở những gia đình có ông già bà cả để hỏi thăm con cháu cụ làm ăn ra sao, sức khoẻ cụ thế nào, hiện nay cụ quan tâm đến chuyện gì nhất. Lâu lâu không thấy lão ghé chơi, có những ông già đã lần ra quán cà phê gần trại hòm, nơi lão hay ngồi đọc báo, để tìm và nghe lão triết lí cái chết chính là mầm mống của sự sống...
Việc làm ăn của trại khá suôn sẻ nên lão Nhân Nghĩa tỏ ra hài lòng lắm. Lão công khai nói, tuổi tác đã làm cho những bậc cao tuổi một đời bon chen kia trở nên khoan dung, đại lượng. Họ ít ghen ghét, thù oán do những thành công hay thất bại chẳng còn là mối quan tâm nữa. Điều họ muốn chia sẻ nhất là sự cảm thông và kinh nghiệm. Con cái họ, do mải lao vào các cuộc làm ăn, cảm thấy cha mẹ mình vừa khó tính vừa lắm đòi hỏi nhiêu khê. Họ ít khi trò chuyện tâm tình với thế hệ mà họ cho là đã lạc thời. Chúng quên mất rằng người già là một kho báu! Nhờ họ, người ta có thể biết trước nhiều thứ mà vào tuổi này tuổi kia chưa biết được. Lão Nhân Nghĩa thì khác hẳn. Lão bảo trong cái khu phố này có bao nhiêu người già thì lão có bấy nhiêu bài học. Nhưng chơi với người già cũng rờn rợn. Họ như nhìn thấu hết những gì mình đang dự tính trong đầu. Lại nữa, lòng hay có cảm giác bâng khuâng, nhất là những lúc nghe báo người này người kia tạ thế. Trong các đám tang, ví như lúc người ta thống thiết đọc điếu văn chẳng hạn, lão Nhân Nghĩa thường ứa nước mắt. Người già thấy thế dạy con cháu là ông Nghĩa giàu lòng nhân. Chỉ có bọn làm công cho trại hòm là bậy bạ, chúng rỉ tai nhau nước mắt của lão chẳng qua chỉ là thứ nước để người ta mài những chiếc lưỡi hái mà thôi.
***
Lão Nhân Nghĩa nhẩm tính, đã mười hai vòng tua rồi lão chỉ cắt việc cho những kẻ làm công. Mười hai tua nhân với mười hai phu kiệu, vị chi đã có một trăm bốn tư cái hòm được dùng vào việc. Một trăm bốn tư chia đều cho ba mươi ngày, là bốn tháng, tám ngày. Trong vòng nửa năm, có tới ngần ấy ngày tất bật, lúc mới mở trại hòm, lão có nằm mơ cũng không thể thấy được. Quả là chơi với ngươi già, được người ta chỉ vẽ cho chóng khôn thật! Dĩ nhiên phải cộng thêm máu liều lĩnh của bọn trẻ nữa mới có thể thành công được.
Sau đám bà lão Cò, lão Nhân Nghĩa đãi đám đám phu đòn một bữa nhậu. Cuối bữa, lão kêu thằng Bụi ra ngoài, ghé sát tai hắn, nói khẽ:
- Bữa nay tới phiên chú mày coi trại đó!
Bụi giãy nảy người:
- Con vợ con đương bịnh. Xin thầy cắt người khác!
- Hừ! Chú mày sợ, hay kiếm cớ lẩn việc?
- Con sợ! Con van thầy! Thầy cắt việc trâu bò con cũng ráng gánh. Nhưng việc ấy, quả thật con không dám!
Lão Nghĩa dọa:
- Chú mày không dám thì mai chú mày phải nghỉ việc!
Câu cuối cùng của lão làm tay chân thằng Bụi bủn rủn. Như bị chích một liều thuốc cực mạnh, hắn lắp bắp:
- Thôi thì con xin vâng. Anh em làm được, con cũng làm được.
Buổi tối, lão Nghĩa đưa Bụi đến trại hòm. Ngơ ngác nhìn những cái hòm ánh lên màu vàng chói, sực nức mùi vẹc ni và cồn, Bụi hỏi:
- Thưa, không có giường nệm, chăn chiếu, con ngủ ở đâu ạ?
Lão Nghĩa nheo mắt, chỉ tay vào một cái hòm đã mở nắp sẵn, nói như giỡn:
- Thử vào trong đó nằm vài lần xem.
Rồi dặn:
- Nhớ vận hồn nghĩ đến một ai đó, nghe!
- Muỗi nhiều quá ! Không vào đó cũng chết!
Nói xong, Bụi chui tọt vào cái hòm, đưa hai tay lên, tự hạ nắp xuống.
- Được đấy!
Lão Nghĩa tỏ vẻ hài lòng, dặn tiếp:
- Lấy cái dép kê cho kênh nắp lên. Nghe rõ chưa? Hay là chú mày muốn chết ngạt?
Mấy ngày sau, chẳng hiểu vì lẽ gì, Bụi bị lão Nghĩa phạt phải coi trại tiếp. Sợ bị đuổi việc, tối tối Bụi đến nằm trong chiếc quan tài rỗng, sau một hồi oán trách lão chủ trại nhẫn tâm “cấm vận”vợ chồng hắn, mắt díu lại, hắn đánh một giấc tới sáng.
Tới ngày thứ tám, lão Nghĩa gọi Bụi lại, thở dài :
- Chú mày cao số qúa! Cao số thật vô tích sự, chẳng gọi được ma nào. Thôi, bắt đầu từ tối hôm nay, ta sẽ thế chỗ thay nhà ngươi...
Buổi chiều, lão ghé thăm mẹ tôi, tiện thể rủ tôi đi uống rượu thịt chó ở chân cầu Thị Nghè. Lãng đãng trong hơi men, lão lại lấy triết lí về cuộc đời ra để làm chuyện vãn. Lão bảo:
- Tôi rất khoái những hình chữ nhật, những khối hình hộp. Ông có muốn biết vì sao tôi lại mê chúng đến như thế không? Theo thiển ý của tôi, chúng là tượng của tiền, của vàng khối và nhà cửa, đất đai. Nói rộng ra chúng là trời và đất, và...
Lão Nhân Nghĩa nói nhiều điều lạ quá, tôi không hiểu và cũng không thể nhớ hết được. Tôi đã say mềm. May còn kêu được xích lô về nhà.
Sáng sớm, tôi tỉnh dậy, đầu vẫn còn nhức như bị buá bổ. Tuy vậy, khi đến gần phòng mẹ tôi, tai tôi vẫn đủ thính để nghe rõ câu chuyện mà bà đang thì thầm với một người bạn già. Họ sợ hãi nói với nhau rằng đêm qua lão Nhân Nghĩa đã đi về cõi mơ rồi.
- Khổ, ông ấy nằm duỗi thẳng chân trong một cái hòm bà ạ...
- Tôi còn nghe kể miệng ông ấy hơi há ra! Có lẽ lúc ấy ông đang lẩm bẩm cầu nguyện cho các chúng sinh đang ở thời lão bệnh như chúng ta được yên ổn chăng?
- Ôi, sự việc đã ba năm rõ mười như vậy mà sao mấy anh công an cứ nhiêu khê mãi thế nhỉ?
- Bà bảo mấy anh công an nhiêu khê cái gì? Có phải chuyện họ yêu cầu tang chủ phải giữ nguyên đôi dép mà ông lão đã xếp rất ngay ngắn ở dưới sàn, mũi hướng về phía tây không?
- Phải! Họ bảo đó là vật chứng gì gì đó. Chả hiểu ra làm sao nữa!
- A di đà Phật!
Mẹ tôi nhắm nghiền mắt, chắp hai tay hướng lên trời cầu nguyện.
Lúc ấy tôi bất chợt nhìn xuống và thấy một cái dép lạ trong đôi dép mà mình đang đi. Trời ơi, nó chính là cái dép bên trái của lão Nhân Nghĩa ! Mắt tôi hoa lên. Chân tôi khuỵu xuống...
Trong cõi bồng bềnh, tai tôi vẫn nghe thấy tiếng ai đó văng vẳng từ một nơi rất xa vọng về: “ Xin các anh hiểu cho! Tôi xin cam đoan đây là một người bạn tốt. Xin các anh đừng bắt oan anh ấy!”.
ĐẤT VUÔNG TRÒN
Lão Mạc
Đất vuông tròn
Chuyện ở Tràm Chim
Lễ bế giảng
Cặp song sinh
Miếng bánh
Giấy trắng
Lão Nhân Nghĩa
Món nợ
Nếp nhà
Gương trăng
Xí Mèn
Nụ cười
Trúng số
Tên cướp
Mười Khoan
Bà nội
Ông Quang