Nếp nhà
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
Nếp nhà
C ả nhà nhốn nháo. Bà Tư và hai cô con dâu khóc như ri vỡ tổ.
Cậu hai nhấc máy điện thoại, quát vô ống nghe, gọi bác sĩ.
Cậu ba lạnh lùng chạy ra cửa, móc mô bai, chẳng rõ đang gọi đến cơ quan hay ngoắc tắc xi ngoài đường.
Riêng cậu út ấm đầu thì ngồi bên cạnh ông Tư, tay khẽ day day lên ngực người bệnh, miệng mếu máo :
- Ba ơi ư ư ...Ba đừng bỏ chúng con...ư ư...
Khi út lần tới túi áo ba, cậu bỗng kêu lên: “Cái gì thế này?” và móc ra một cái nhẫn.
- Bằng đồng đuôi các tút đạn súng trường! Cậu hai nghiêng ngó nhìn, rồi tỏ ra thông hiểu về các loại nhẫn, nói.
Cậu ba đoán:
- Chắc ba làm để cho tụi con nít chơi...
Lúc ấy, ông bác sĩ ở cuối phố đã lạch bạch chạy tới, phều phào nói:
- Tránh hê...hết r..ra. Bộ các người không muốn cho ổng thở nữa sao?
Mọi người dạt ra một chút. Vẫn đủ để nghe thấy ông bác sĩ lẩm bẩm:
- Hê...hết cách! Ổng thất lộc rồi! Nhưng...
Cậu hai hét vô tai ông bác sĩ già:
- Nhưng làm sao, hả? Ông nói nhanh lên! Để chúng tôi còn liệu, nào!
- Nhưng ... Còn nước còn tát! Chở ông ấy đi cấp cứu ngay!
- Đồ rởm! Cậu ba văng tục.
Một người đàn bà hùa theo:
- Vậy mà cứ há mồm ra tự khen giỏi, giỏi...
Cậu hai cắt ngang:
- Trách cứ bây giờ chưa phải lúc! Ô, đã có ai kêu xe chưa?
- Rồi! Nào, xúm tay đưa ba ra xe, nghe!
- Thằng út ở lại trông nhà. Dạo này lắm bọn chôm vặt lắm đó út à!
Út nghe không rõ, hoạnh:
- Ai biểu tui chôm vặt? Tui giựt công khai chớ sá kẻ nào mà phải lén?
Ba cái tắc xi cùng lúc trờ tới, thắng kít trước cửa. Ông Tư được hai người con trai khiêng lên cái tắc xi màu đỏ. Cậu ba làu nhàu:
- Tệ thiệt! Ba vừa mới hưu, đã hắt ngay nhỡn tiền. Chẳng có ma nào dòm, chết bỏ luôn!
Cậu hai dằn mặt:
- Im đi!
Những người đàn bà lục tục leo lên hai chiếc xe màu trắng còn lại, miệng nheo nhéo giục tài xế:
- Cứ theo xe đỏ mà chạy!
Cậu út ấm đầu nhướng mắt về phía anh hai, hất hàm:
- Chở ba tới Thống Nhất, phải không?
Hai người anh cùng gật đầu. Thế là anh lái xe rồ máy, cho xe vọt đi.
Cậu út trở vô phòng. Một lát sau, cậu quay ra, tay cắp tấm bảng đen ba cậu vẫn dùng để ghi lịch công tác hoặc những lời dặn dò đại loại “ Ba ăn tiệc ở nhà hàng”, “ Không phải chờ cơm”, hoặc “ Tiền cho út để ở chỗ cũ”, “ Khuya ba mới về”. Treo tấm bảng ở góc phòng khách xong, út lục tìm được cây bút lông màu đen, vẽ nguệch ngoạc vô giữa bảng một dòng chữ. Lướt nhìn cái sáng kiến độc đáo của mình, út dậm dậm chân xuống nền nhà, miệng huýt sáo, óc nghĩ thầm: “ Độc thiệt! Không rõ vì can cớ gì mà những kẻ độc mồm độc miệng cứ biểu ta là hâm nhỉ?” .
Nghe tiếng bước chân người, út quay trở ra. Một ông lão hom hem vừa bước từ xích lô xuống đã hỏi ngay:
- Ba con bịnh đang nằm đâu?
- Ở kia kìa!
Nhìn tay út chỉ, vị khách ngớ người:
- Thế này là thế nào?
- Ông không nhìn thấy sao?
- Ta...ta thật không ngờ...
- Điều gì?
- Lẽ ra ta đã không trả lời con nữa. Nhưng vì anh Tư, ta yêu cầu con bỏ tấm bảng kia xuống. Và nên học ăn học nói cho đúng cách...
- Xin lỗi, ba tui có ở nhà thì cỡ ông cũng chỉ đáng được nhìn dòng chữ “ Đi công tác vắng” mà thôi. Chẳng lẽ tôi đã không lịch sự khi cho ông hay ổng đang nằm viện?
Lão Vận mở to mắt. Đúng là nó đã viết dòng chữ “ Ông Tư hiện đang nằm tại Thống Nhât” trên bảng! Tuy nhiên, lão đã không nổi giận vì chợt nhớ ra rằng thằng út còn có biệt hiệu là út ấm đầu. Và chỉ ít phút sau đó, lão Vận đã thấy ngay được giá trị của hành hành vi hâm hấp kia. Nhờ nó mà lão đã kịp tới bệnh viện Thống Nhất để nắm lấy bàn tay đang lạnh giá dần của ông bạn già. May mắn nhất là trong phút lâm chung của ông Tư, lão đã nhận được cái gật đầu đầy ẩn ý của bạn và cảm thấy hơi bị sốc khi buộc phải xác nhận cái chuyện nghe như đùa năm xưa là chuyện thiệt trăm phần trăm. Là cán bộ lâu năm, bụng chứa cả một kho luật pháp, chẳng lẽ ông làm ẩu đến cỡ ấy? Trước đây, do không được hay những chuyện riêng của bạn, có lúc lão Vận cũng đã nghĩ: “ Người ta bịa chuyện bậy bạ để kiếm cớ hạ bệ ông Tư đấy thôi”. Nghe nói thì ngoài bà vợ cơ quan cưới cho hồi tập kết ngoài bắc, sau giải phóng, ông Tư còn có tới hai bà vợ bí mật nữa. Một bà vốn là vợ goá của một công chức cũ. Bà có với ông một đứa con trai. Sợ ông bị liên lụy, bà bồng con xuất cảnh theo gia đình. Nghe nói ông có trao cho bà một kỉ vật. Một viên ngọc qúy lắm thì phải. Một bà nữa buôn bán ở chợ Cầu Muối. Bà này cũng có hai mặt con với ông Tư. Khác chăng, tiếng là già nhân ngãi non vợ chồng thật đấy, nhưng kể từ sau lần sinh thứ hai, năm thì mười hoạ bà mới cho người nhắn ông Tư tới thăm con một bận. Người ta đồn rằng hai đứa trẻ kia cũng được ông Tư trao cho một kỉ vật. Vẫn là những viên ngọc qúy. “Chắc ông phải còn nhiều ngọc nữa”, ai cũng biểu thế. Họ cho rằng, hồi tiếp quản, ông Tư ở cả tháng ròng trong tòa biệt thự của một viên chức cao cấp của chế độ cũ vốn nổi tiếng là kẻ tham những; ở đấy chắc chẳng thiếu gì ngọc?
Trong đám tang, chỉ có bà Tư là người đàn bà duy nhất khóc ông Tư. Nhưng bà cũng chỉ hờ. Hờ cho mọi người hay rằng ông đã sống một cuộc đời thủy chung như nhất với bà. Đi sau quan tài ông Tư còn có hai người đàn bà nữa; nhưng họ không khóc. Không phải vì họ không muốn khóc mà là không dám khóc. Bởi họ sẽ khóc ông theo quan hệ nào? Nếu vì nước mắt của những người đàn bà mà thanh danh ông bị hư hoại thì họ cũng chẳng nên khóc? Bởi vậy, lão Vận chỉ nghe được những tiếng hự hự ấm ức. Mấy người trai trẻ ăn mặc lịch sự đi sau những người mẹ của họ cũng không khóc, chỉ lấy khăn mù soa che lấy miệng.
Cậu hai ghé miệng sát tai cậu ba nói thầm:
- Bữa nay má mình là người sung sướng nhứt. Bả được khóc thiệt đã!
- Ừ, nhưng mà tội cho những người khác quá, họ sẽ chết vì không chảy được nước mắt!
Cậu út từ phía dưới vượt lên, cấu vô tay anh hai:
- Vì sao mấy ảnh ai cũng mang một cái nhẫn đuôi các tút súng trường nhỉ? Họ có phải là anh em của chúng ta không?
Cậu ba quay sang phía thằng em, lừ mắt:
- Không! Đấy không phải là bằng chứng để họ đến đây nhận một phần tài sản của chú mày! Nghe rõ chưa, đồ mát?
Cậu ba định nói nữa. Nhưng bắt gặp ánh mắt sắc như dao của người vợ, cậu nín thinh ngay. Cậu rùng mình tưởng tượng ra cảnh ba mươi năm sau. Ngày ấy, vợ cậu sẽ xử trí như thế nào khi cô ta rơi vô hoàn cảnh y hệt của má cậu hôm nay?