LÝ CÔNG UẨN (a)
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
- Khá, nhưng chưa được kín lắm.
- Xuống tấn thấp quá.
- Hay, miếng thoát bào nhượng vị.
Một cậu bé độ 8, 9 tuổi, nhưng to lớn bằng đứa trẻ 14, 15. Nước da đen sạm, mắt to, bận quần áo chẽn màu da cam, đang dạo mấy đường quyền ở sân chùa. Xung quanh bốn năm cậu bé cũng trạc tuổi ấy, đang chăm chú nhìn hai cánh tay cứng như thép vung lên hạ xuống mềm mại, dẻo dang. Vương Trọng Lâm đứng bên cạnh chỉ bảo những chỗ sai lầm. Cậu bé nhẩy thoăn thoắt, tiến lui có phương pháp, lúc sang hữu, đánh trên gạt dưới, giữa những tiếng xì xào khen ngợi của mấy vị tăng ngồi cạnh chậu lan, trước nhà tạo soạn. Bỗng cậu hét lên một tiếng, phi bộ tới cạnh một phiến đá kê ở góc sân dùng để đập lúa, to bằng một phần tư chiếc chiếu và nặng độ vài ba tạ. Cậu xuống tấn vững chắc, hai tay ôm lấy phiến đá nhấc bỗng lên chạy hết một vòng sân rồi đặt lại ở chỗ cũ.
- Hảo thần lực.
Mọi người vỗ tay ầm lên. Trọng Lâm gật gù nói :
- Đào Thiên Tường quả có sức mạnh vô địch.
Rồi chàng quay lại phía sau, lên tiếng gọi :
- Đào Tiến Thành ra biểu diễn một bài côn.
Một cậu bé mình bận bộ quần áo màu trắng, mặt đẹp như ngọc, trạc độ 11, 12 tuổi “dạ” một tiếng rồi nhẩy vọt ra giữa sân, vung côn múa một hồi. Mọi người thì thào khen đường côn mạnh và kín đáo. Đi hết bài cậu thu côn lại, về đứng chỗ cũ, sắc mặt không hề biến đổi.
Trọng Lâm vui vẻ gọi to :
- Lý Công Uẩn.
Một cậu bé thân hình nhỏ nhắn trạc độ 8, 9 tuổi, lụng thụng trong bộ nâu sồng đã bạc màu, tay cầm một thanh kiếm tiến ra giữa sân. Cậu hướng mặt về phía mặt trời, đôi mắt đen lay láy nhìn thẳng vầng thái dương, một nụ cười xinh xắn nở trên cặp môi đỏ. Rồi vụt một cái, nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, cậu nhẩy ba bước, chém dứ ba nhát, rồi vung gươm đi một bài. Trước còn chậm, sau dần dần nhanh, rồi thì chỉ còn trông thấy một đường ánh sáng bao bọc lấy mình. Sư Trưởng gật gù khen :
- Thật là tuyệt diệu !
Lý Công Uẩn đi hết bài, lui về chỗ cũ. Lần lượt đến các cậu kia, mỗi cậu biễu diễn một tài nghệ. Xong giờ diễn võ, mọi người đều giải tán. Trọng Lâm mặc áo, rồi bảo tên gia nhân đứng bên cạnh :
- Nhà ngươi đã sửa soạn xong chưa ?
- Bẩm xong rồi.
Vạn Hạnh cầm tay Trọng Lâm nói :
- Hiền đệ nhất định về thật à ?
- Vâng.
- Sang tháng, độ ngoài mồng mười, hiền đệ nhớ sang ăn giỗ sư huynh Lý Khánh Vân.
- Nếu không việc gì ngăn trở thì xin y hẹn.
- Hiền đệ gặp Kim Chung thì nói ta gửi lời hỏi thăm. Đứa cháu ngoại của hắn đã được Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi Khánh Vân lâm chung có giao cho ta trông nom, dạy bảo, sau này ta sẽ gây dựng cho.
- Sư phụ xem Lý Công Uẩn thế nào ?
- Sự nghiệp của hắn về sau rực rỡ vô cùng. Đến như Tiến Thành kia tương lai dẫu có khá thật nhưng so với hắn chỉ như gà con đứng bên con phượng.
- Đào Thiên Tường con ai ?
- Là con Tư Chiềng. Nguyên Đào Cam Mộc yêu tài, chuộng nết Tư Chiềng, nên cưới vợ cho. Lúc vợ đẻ con đầu lòng, thì đổi họ và đặt tên là Đào Thiên Tường. Cách đây 3 tháng, Tư Chiềng được triệu về kinh, xung vào đạo quân túc vệ của Đại Hành Hoàng Đế.
- Đào Cam Mộc giữ chức gì trong triều ?
- Thấy nói hắn được đức Kim Thượng phong cho chức Cửu Môn Đề Đốc thống lĩnh cả một đạo quân túc vệ.
- Đào Cam Mộc là người thế nào ?
- Hắn có tài nguyên nhung, nhưng nếu cho thống lĩnh cả binh quyền thì có thể làm loạn được.
- Tôi xem Kim Chung văn chương lỗi lạc, tính tình hào sảng, đáng được phú quý, sao sự nghiệp lại chẳng có gì ?
- Kim Chung không phải là người có thể giao phó cho những công việc to tát được. Hắn không biết quyền biến, cương nhu không phải lúc. Chỉ có thể làm anh đồ ngâm thơ, tán láo thì được.
- Hắn còn thắc mắc về đứa cháu ngoại, hay ta đem trả hắn đứa cháu, cho ông cháu gặp nhau.
- Số kiếp của hắn cũng sắp hết rồi, dẫu có muốn gặp cũng không được.
Bấy giờ đã quá ngọ. Trọng Lâm sợ muộn vội lên ngựa từ tạ ra đi. Vạn Hạnh nhìn mãi đến khi thấy bóng ngựa khuất sau luỹ tre mới quay trở vào.
Lại nói bọn Lý Công Uẩn tập võ nghệ xong, rủ nhau ra hồ tắm. Cái hồ này rộng ước độ một mẫu, cách chùa Tiên Du độ vài dặm đường, vốn là một nguồn lợi cho bọn thuyền chài.
Trên bờ cỏ mọc um tùm, những túp lều đánh cá thấp lụp xụp như cố muốn vượt khỏi đám lau sậy để phô trương những mái tranh xam xám, tiều tuỵ dưới ánh nắng mặt trời. Mặt hồ phẳng lặng, lác đác mấy con thuyền nửa ẩn nửa hiện sau vòm lá rũ trên bờ. Trên chiếc cầu tre rung rinh dưới mỗi bước chân, một bọn đàn bà đang giặt quần áo, tiếng cười nói ầm ĩ, giữa cái cảnh tịch mịch của cây cỏ.
Đào Thiên Tường đi đầu, tay cầm một cái rổ đựng quần áo. Cậu bé trông thấy bọn đàn bà đang đùa nghịch, liền quắc mắt nói :
- Tránh xa ra, không biết xấu.
Có tiếng đáp lại :
- Thằng bé con cái nhà ai mà mất dạy quá như vậy.
Thiên Tường nổi giận quát to :
- Cụ tổ mày mà mày không nhận ra à ?
Bọn đàn bà cũng tức giận quát lại :
- Ranh con chưa ráo máu đầu mà hỗn như gấu. Coi chừng bị xẻo lưỡi bây giờ.
Quách Chí vốn tính ngỗ nghịch, bèn nhặt hòn đá ném thẳng xuống cầu, trúng vào cánh tay một cô con gái. Bọn đàn bà cũng không vừa, hè nhau nhẩy lên bờ xông vào đánh. Nguyên bọn này là vợ con thuyền chài. người nào cũng khoẻ mạnh và biết võ nghệ, khét tiếng là đáo để, ai cũng phải sợ. Chúng cậy đông người, gây sự với dân chúng trong làng, sinh ra những cuộc ấu đả đổ máu là thường.
Nếu có sự xích mích với dân, chúng kéo nhau lên huyện, khóc lóc kêu là bị bắt nạt, và viện cớ này cớ khác đổ lỗi cho mọi người. Huyện quan thấy chúng quần áo rách rưới, mặt mũi lem luốc, tình cảnh có vẻ đáng thương thì tin là chúng nói thực; lại trách mắng các xã trưởng không khuyên răn con em và an ủi chúng.
Bọn thuyền chài được thể, càng lên mặt, trực tiếp ngăn trở dân làng không cho đánh cá ở hồ bằng cách cho đàn bà, con trẻ ra gây sự với bất cứ người nào lảng vảng quanh đó. Dân chúng bị uy hiếp nhưng không dám nói, sợ bị huyện quan quở mắng, nên đành để mặc bọn thuyền chài độc quyền hưởng mối lợi. Nhất là từ khi viên Huyện Lệnh mới về nhậm chức, chúng cho người lên đút lót lấy lòng, rồi ngang nhiên hoành hành không còn kiêng nể gì cả. Những trận ấu đả kịch liệt xảy ra hằng ngày, mà phần thắng lợi bao giờ cũng về tay bọn thuyền chài, vì chúng toàn là những tay dũng cảm.
Một sự ngẫu nhiên, chúng chạm trán với bọn tiểu anh hùng, để nhận lấy một bài học đích đáng về cách xử thế.
Lâm Đồng thấy bọn đàn bà hăm hở kéo lên bờ, vỗ tay cười ầm lên nói :
- Anh em ơi ! Chúng ta lại có dịp ôn lại mấy đường quyền.
Chỉ có Tiến Thành, Công Uẩn là đứng ngoài vòng chiến. Còn Thiên Tường, Quách Chí, Lâm Đồng, Hoàng Công Nghĩa đều một loạt xông vào, cử quyền đánh tới tấp. Bọn đàn bà tuy đông và khoẻ, nhưng địch sao nổi bốn chú hổ con, cho nên mới chỉ có vài hiệp mà đã bị đả thương, kêu la ầm ĩ.
Tiến Thành trông thấy ái ngại, vội hô anh em dừng tay. Ngay lúc ấy, bỗng đâu nhô ra một bọn độ hai ba chục đàn ông lực lưỡng, người nào cũng đóng khố, cởi trần, rồi những tiếng quát như lệnh vỡ vang dội cả một vùng.
- Tụi ôn con dám vuốt râu hùm !
Công Uẩn thấy viện binh của địch đã tới, liền hô Tiến Thành xông vào ứng chiến. Mới đầu bọn đàn ông còn khinh thường các cậu nhỏ, chúng tưởng mười phần ăn chắc cả mười, nên chỉ đánh cầm chừng, không nở dùng độc thủ. Nào ngờ, đánh đã lâu mà vẫn không hạ nổi. Dùng hết tài nghệ mà tụi ôn con không nao núng. Những cánh tay thép đánh tả, gạt hữu, tiến lui có quy cũ, chân bước thoăn thoắt, nhanh nhẹn dị thường.
Bọn đàn ông mồ hôi toát ra bóng nhoáng như mỡ, mồm thở hồng hộc, đường quyền rời rạc, tiến lui mất cả trật tự.
Tiến Thành thấy địch thủ núng thế, cả mừng gọi :
- Anh em đừng để tên nào chạy thoát.
Vừa dứt lời, cậu phi chân đá trúng một tên ngã chúi vào một bụi cây.
Huỵch…huỵch…huỵch…
Tiếp theo những tiếng kêu rống lên như lợn bị chọc tiết, bốn năm tên đã nằm sóng soài trên mặt đất. Năm sáu tên ù té chạy, nhẩy ùm xuống nước trốn mất. Những tên còn lại cố dùng tàn lực đở gạt qua loa, nhưng rút cuộc đều bị đánh ngã lăn lông lốc như khúc gỗ.
Dân làng kéo đến xem đông như kiến cỏ. Ai nấy đều vỗ tay, nhẩy nhót hoan hô ầm ĩ. Xã trưởng rẻ đám đông ra, đứng nói phân bua :
- Việc này rất can hệ, tôi không dám dấu huyện quan. Xin các người làm chứng để tôi lập biên bản.
Ai nấy đều giơ tay biểu đồng tình.
Xã trưởng lên tiếng :
- Hương dũng đâu ?
- Có chúng tôi.
Hơn mười người trai tráng chạy lại, khoanh tay đứng.
Xã trưởng truyền lệnh :
- Các chú xem ai bị thương nặng thì cáng lên huyện. Còn nhẹ thì dẫn đi sau. Kẻ nào cưỡng mệnh thì cứ trói lại bắt đi.
Đoạn quay lại tủm tỉm cười hỏi Công Uẩn :
- Còn các cậu này, xin các cậu cho biết nguyên nhân cuộc xung đột để tôi bẩm chuyện.
Thiên Tường không đợi Công Uẩn trả lời, quắc mắt nói :
- Các anh tưởng ta sợ quan huyện của các anh lắm sao ? Bọn kia lếu láo thì đánh cho biết tay, dẫu đi đến đâu ta cũng có cách nói.
Xã trưởng nhũn nhặn đáp :
- Bọn thuyền chài xưa nay vẫn ỷ thế ức hiếp người. Các cậu giàu lòng nghĩa hiệp, trị kẻ cường bạo, chúng tôi cảm tạ vô cùng. Việc trình quan là trách nhiệm của dân xã, các cậu có tội gì mà sợ .
Tiến Thành tiếp lời :
- Chúng tôi là học trò của sư trưởng Vạn Hạnh, các ông có hỏi điều gì thì xin đến chùa Tiêu Sơn.
Xã trưởng nhìn Tiến Thành ngờ ngợ một lúc rồi nói :
- Cậu này có phải là lệnh lang của Đào ân nhân không ?
- Phải.
- Thảo nào, mà võ nghệ giỏi thế.
Tiến Thành lại chỉ Thiên Tường nói :
- Cậu này là con của hổ tướng Tư Chiềng.
Ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi thì thào với nhau : “Trêu vào bọn này thì tù mọt gông”. Mặc cho dân làng bàn tán, Lý Công Uẩn bấm các anh em ra một chỗ, rồi nói :
- Dù sao chúng ta cũng có lỗi, tính thế nào bây giờ ?
Tiến Thành đáp :
- Không ngại, Huyện Lệnh còn phải nể mặt thân phụ tôi, không dám bắt tội chúng ta đâu.
- Còn sư phụ ?
- Sư phụ ắt phải bênh chúng ta. Bất quá một trận đòn là xong hết.
Quách Chí thêm một câu :
- Nếu Huyện Lệnh trở mặt bắt ta. Chúng ta nện cho một trận, rồi kéo nhau về Hoa Lư tìm Đào bá phụ giải cứu.
Công Uẩn gạt đi, nói :
- Lỗ mãng thế không được. Huyện Lệnh là mệnh quan của triều đình, ta làm thế có lỗi với Đức Kim Thượng, và liên luỵ đến Đào bá phụ. Thôi về chùa đã rồi sẽ liệu.
Bọn anh hùng rủ nhau về. Dân làng cũng giải tán. Trên con đường lên huyện, 5, 6 cái cáng nối đuôi nhau thong dong đi dưới ánh nắng nhạt của chiều tà.
*
Sáng hôm sau, nhằm lúc Vạn Hạnh đang dạy học, bỗng thấy một công sai cưỡi ngựa đi thẳng vào sân chùa. Tiếng vó ngựa lộp cộp trên nền gạch làm mọi người ngẩng đầu lên. Thoáng thấy tên lính bọn Lý Công Uẩn tái mặt nhìn nhau, yên lặng. Người lính nhẩy xuống buộc ngựa vào gốc cau, giơ cao thẻ bài, gọi :
- Lệnh đòi sư trưởng Vạn Hạnh lên huyện có việc cơ mật.
Nguyên từ khi vua Lê Đại Hành lên ngôi, sửa đổi việc cai trị, ấn định quyền hạn của cơ quan hành chính và bắt buộc các công sai mang mệnh lệnh của triều đình phải có thẻ bài làm tin. Thẻ bài to độ bằng hai bàn tay sơn đỏ có khắc hai chữ “thiên phúc”. Chỉ trừ có những trường hợp đặc biệt, huyện quan mới dùng đến thẻ bài. Công sai đi bắt tội nhân phải giơ thẻ bài, tượng trưng uy quyền của triều đình; kẻ nào cưỡng lệnh có thể bị đánh chết ngay tại chỗ, bất phân phải trái. Đó là trường hợp các trọng phạm có thể coi như rất nguy hiểm cho sự an ninh. Còn như đối với các thường phạm thì huyện quan chỉ cần sắc cho xã trưởng thân dẫn lên huyện là đủ.
Nhưng tại sao đối với một vị đạo đức cao tăng như Vạn Hạnh mà huyện quan lại phải dùng đến thẻ bài để bắt ? Thật là một việc khó hiểu.
Hãy nói chiều hôm trước, khi 6 cái cáng lên tới huyện An Phong thì trời đã tối mịt. Hạt An Phong từ triều vua Lê Đại Hành đã có một vị Huyện Lệnh riêng. Huyện quan tên là Thi Tất Long vốn là nho sĩ xuất thân, tánh nhút nhát, và không quả quyết, chỉ dựa vào dư luận của nha thuộc mà làm việc. Thấy lính vào báo có vụ đánh nhau đổ máu rất quan trọng, Huyện Lệnh vội sai thắp đèn và thăng đường. Lính dẫn ba người đàn bà mặt mũi thâm tím vào quỳ trước công đường. Còn 6 người đàn ông bị thương không dậy được thì tạm để nằm trong nhà giam. Thi Tất Long tự hỏi cung :
- Sự thể ra sao, các người khai cho thực.
Một người đàn bà sụt sùi khóc, thưa rằng :
-Trình quan, chúng con là thuyền chài sinh sống ở ven hồ. Thường bị dân làng chung quanh của ba xã Vân Lang, Kim Động, Lạc Thành bắt nạt. Chúng con thân phận kém hèn, chỉ biết an phận thủ thường, không dám tranh dành hơn kém với ai cả. Không ngờ buổi trưa hôm nay, dân làng ba xã đem người ở chùa Tiêu Sơn bắt chúng con phải di cư đi nơi khác, và đánh đập chúng con rất tàn nhẫn. Xin thượng quan minh xét cho.
- Xã trưởng Kim Động đâu ?
- Dạ.
- Sao các người cậy đông bắt nạt bọn thuyền chài ?
- Trình quan, bọn thuyền chài gây sự đánh nhau với mấy cậu bé học trò của sư trưởng Vạn Hạnh, chúng con thật quả không biết một tí gì.
Thi Tất Long đập bàn quát :
- Nhà ngươi nói vô lý, mấy tên học trò ranh con mà áp đảo được tụi thuyền chài sao ?
- Quả như vậy, chúng con không dám khai man.
- Chúng bay kéo bè đảng ức hiếp kẻ thế cô, không dùng đến hình phạt không được. Quân bay đét cho nó hai chục roi.
Quân lính dạ ran, vật cổ xã trưởng xuống, lấy roi song quất một chập, bật máu tươi hai mông ra mới thôi, rồi khiêng xuống để ở nhà giam. Đến lượt hai xã trưởng Vân Lang và Lạc Thành cũng chung số phận.
Xong việc hình phạt, Huyện Lệnh tống cả xuống đề lao, rồi nghĩ kế với nha lại.
Một người nói :
- Việc này tôi đã hiểu đôi chút. Đã gọi là đánh nhau thì hai bên đều phải xây xát mới phải. Có lý nào chỉ có một bên bị thương, còn bên kia không ai việc gì, thì lạ quá! Xét cho đúng ra thì cuộc xung đột này có lẻ không phải xẩy ra giữa bọn thuyền chài với dân làng, mà giữa bọn thuyền chài với bọn đồ đệ của Vạn Hạnh. Nhưng Vạn Hạnh xưa nay chỉ giảng kinh sách, chuyên về văn chương chứ có dạy võ ai bao giờ đâu. Vậy thì một bọn người ở Tiêu Sơn đó rất có thể là những khách thương quen biết với Vạn Hạnh, họ vẫn dùng chùa làm nơi tạm trú. Dân làng của ba xã, xưa nay có hiềm khích với bọn thuyền chài, lợi dụng đoàn khách thương kia để kiềm chế thù nhân.
Thi Tất Long gật đầu cho lời bàn là phải. Người đó tiếp luôn :
- Nếu phải là khách thương thì ta không đáng quan tâm lắm, nhưng tôi ngờ là đồng đảng của Đinh Diên, Nguyễn Bặc, đi các noi ngấm ngầm hoạt động chống lại họ Lê, để báo thù cho chủ và nếu thời cơ cho phép, cướp lại chính quyền cho họ Đinh. Một bằng chứng đã tố cáo hình tích của họ là cuộc xung đột vừa rồi với bọn thuyền chài. Tuy bọn này dũng cảm có thừa mà còn bị họ đánh chạy thất điên, bát đảo, thì đủ biết bọn họ không phải là những khách thương chuyên nghiệp, mà là những chiến sĩ tài nghệ siêu phàm.
Huyện Lệnh ngồi thừ mặt ra một lúc, rồi mới cất tiếng hỏi :
- Vậy ở trong trường hợp này, ta phải đối phó bằng cách nào ?
- Sáng mai, một mặt ta huy động quân sĩ vây chùa Tiêu Sơn, không cho một ai ra thoát. Một mặt cho công sai mang thẻ bài về bắt Vạn Hạnh, và các người trong chùa. Nếu kẻ nào kháng cự thì cho phép dùng tên nỏ bắn chết.
Thi Tất Long là người nhu nhược, lại không có định kiến rõ ràng gì về việc này, nên lập tức cho thi hành theo mưu kế.
Lại nói Vạn Hạnh thấy công sai mang thẻ bài bắt mình, sắc mặt không hề thay đổi, ung dung ra sân quỳ xuống đón thẻ bài, rồi hỏi :
- Bần tăng một đời người chỉ biết tụng kinh niệm Phật. Không biết phạm tội gì để phiền các hạ phải vất vả đến chùa ? Tên công sai không nói, thổi hiệu còi. Một toán nấp sau chùa kéo vào trói nghiến Vạn Hạnh rồi đi lục soát khắp nơi. Ngoài mấy cậu nhỏ ê…a…học bài và bà hộ thổi cơm dưới bếp, thì không còn người nào lạ mặt cả.
Thiên Tường thấy sư phụ bị trói, nổi giận, toan chạy ra làm dữ, nhưng Tiến Thành là người tinh tế, vội ngăn lại khẻ nói :
- Nếu anh hành hung tên công sai thì có lỗi. Ta hãy nhẫn nại chờ xem kết quả ra sao.
Toán lính thấy không có gì đáng khả nghi, liền dẫn Vạn Hạnh đi. Bọn Lý Công Uẩn bảo nhau cùng theo lên huyện. Tên công sai vẫy tay bảo :
- Không việc gì đến các chú nhỏ. Thôi cho ở lại.
Công Uẩn ung dung trả lời :
- Thầy trò ở với nhau bao lâu, tình thân như ruột thịt. Nay thầy lâm nạn, bọn chúng tôi nguyện chung số phận cùng thầy, sống chết có nhau, sướng khổ cùng chịu, há như ai mà bội nghĩa quên ơn sao được.
Vừa tới huyện đã có lệnh truyền giải cả vào công đường để đối chất. Thoạt thấy một vị sư và năm sáu đứa con trai trạc độ 9, 10 tuổi, Thi Tất Long ngạc nhiên hỏi công sai :
- Trong chùa không còn người đàn ông nào nữa à ?
- Bẩm không.
- Có lẻ chúng chạy thoát mất rồi.
- Bẩm, chúng tôi đã hỏi các điếm canh, thảy đều trả lời không có một người đàn ông nào đi qua cả.
Huyện Lệnh hỏi mấy người đàn bà :
- Các người có nhận được mặt những tên đã hành hung hôm qua không ?
Một người chỉ tay thưa :
- Chính các cậu bé này đã đánh chúng con.
Thi Tất Long ngạc nhiên trố mắt nhìn bọn Công Uẩn, rồi đập bàn quát :
- Con mụ này miệng lưỡi đảo điên thật ! Dám khinh nhờn pháp luật, cả gan trêu ghẹo cả bản chức. Quân bay đâu, mang hình cụ ra đây.
Bọn đàn bà quỳ xuống khóc ầm lên rồi nói :
- Chúng con không dám khai man, mấy cậu nhỏ này trông thế mà khoẻ mạnh vô cùng. Chúng con may chạy thoát được thiếu chút nữa thì mạng vong.
Huyện Lệnh hỏi Vạn Hạnh :
- Việc này rất hồ đồ. Bản chức khó tin quá. Không lẻ mấy tên tiểu đồng kia sức không trói nổi con gà, mà đánh bại được tụi thuyền chài đông gấp bội. Sự thể ra sao, nhờ thầy khai rõ cho bản chức được tường.
Vạn Hạnh thực thà thưa rằng :
- Bẩm quan, bần tăng quả không biết gì về việc đồ đệ đã hành hung bọn thuyền chài. Tụi nhỏ này vốn tính ngỗ nghịch hay gây sự đánh nhau. Bần tăng đã nhiều lần răn bảo, nhưng chúng vẫn không chừa. Xin thượng quan lấy quyền pháp luật trừng phạt chúng thật nặng để làm gương cho kẻ khác.
- Sư trưởng đã biết chúng ngỗ nghịch, sao lại truyền võ nghệ cho chúng làm gì ?
- Bẩm đó là lỗi của Đào Huyện Lệnh.
Thi Tất Long ngạc nhiên hỏi luôn :
- Đào Huyện Lệnh nào ?
- Thưa, mấy tên nhỏ này là con cháu của Đề Đốc Đào Cam Mộc theo bần tăng học được vài năm nay. Chúng đều là những tay võ nghệ siêu quần, không nói gì đến mấy tên thuyền chài vô dụng, ngay cả một đội quân cũng chưa chắc áp đảo nổi chúng.
Thi Tất Long tự nghĩ : “Đào Cam Mộc hiện nay đang được Kim Thượng sũng ái, lại là bạn đồng liêu của ta. Nếu ta thẳng tay trị tội con cháu hắn, thì sợ gây ác cảm với hắn mà có khi liên luỵ vào thân. Tội phạm đã rõ rệt mà ngơ đi, làm dân chúng ta thán là ta thiên vị. Thật là tiến thoái lưỡng nan; không biết dùng cách gì để thu xếp việc này cho ổn thoả”.
Đang lúc phân vân thì chợt nghĩ được một mẹo, cất tiếng hỏi :
- Trong bọn ấu sinh, tên nào là con của Đào Đề Đốc ?
Tiến Thành “dạ” một tiếng rồi bước ra quỳ giữa công đường.
Thi Tất Long đổi nét mặt nghiêm nghị nói :
- Mày đã đọc sách, hà không hiểu đánh người là có lỗi hay sao ?
Tiến Thành cúi đầu đáp :
- Chúng con ít tuổi, nông nổi trót làm liều. Xin lượng trên tha thứ cho.
Huyện Lệnh có vẻ hài lòng, gật đầu nói :
- Ta xét hai bên đều có lỗi cả. Bọn ngươi là con cháu quý gia, thế tộc, đã từng đọc sách mà không biết giữ lễ, ra đường gây sự đánh người bị thương, lẻ phải phạt đòn và bắt tội thân nhân. Nhưng ta thương vì trẻ người non dạ, không nở ra hình, chỉ phạt Vạn hạnh bồi thường cho nguyên đơn 5 lượng bạc, để thêm vào tiền thuốc men cho những người bị thương. Bọn thuyền chài cậy bè đảng quen thói ức hiếp dân làng, kể tội thì phải thích chữ vào mặt, phát phối xung quân. Hiện nay đa số đã bị thương, ta không nở làm vậy, nhưng giao cho các xã trưởng của ba làng phải xem xét đến hành vi của chúng, và ngăn cản những kẻ ngoan cố khỏi làm bậy. Lần sau tái phạm ta sẽ nghiêm trị.
Mọi người đều cúi đầu vâng lệnh.
Đoạn Tất Long gọi bọn Tiến Thành ra khuyên nhủ :
- Các con nên chăm chỉ học hành, chớ ỷ thế ông cha mà làm điều càn dỡ. Pháp luật của triều đình đặt ra là cốt để trị tội những kẻ xằng bậy. Các con dẫu là dòng dõi quý tộc, nhưng làm trái cũng không thể tha thứ được. Lần này ta nể Đào Đề Đốc, không nở làm tội. Nếu các con biết nghĩ đến tương lai, hãy trau dồi đức hạnh, thì thật là hạnh phúc cho nhà, cho nước. Bằng cứ giữ thói xưa, đàn đúm chơi bời, làm điếm nhục đến gia phong, lại coi thường đến pháp luật, ta sẽ làm sớ về triều, hạch tội Đào Đề Đốc, đã dung túng con cháu làm bậy, lúc đó chớ có trách ta là không bảo trước.
Bọn Tiến Thành lạy tạ rồi lui ra.
Thầy trò Vạn Hạnh lủi thủi dắt nhau về. Đến chùa thì trời đã sâm sẫm tối. Các cậu biết thân phận, bảo nhau vào buồng học nằm sấp xuống đất như đợi hình phạt của thầy.
Vạn Hạnh nghĩ chỉ vì bọn học trò mà mình bị nhục ở huyện, nên giận không thèm hỏi han gì cả. Tụng kinh xong, sư trưởng đi qua buồng học, đẩy cửa vào thấy năm cậu học trò nằm sấp mặt xuống đất, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu để trên giường. Sư trưởng nghĩ ái ngại, toan lên tiếng tha tội, nhưng chợt thấy trong bọn học sinh có một chú nhỏ nằm hai chân chổng lên trời như trêu ghẹo mình. Sư trưởng lại nhìn mặt thì ra là Lý Công Uẩn, ngài liền quát to :
- Công Uẩn, mày rủ rê chúng bạn ra ngoài gây vụ ấu đả, làm nhục cả đến thầy, không đáng tội hay sao mà còn làm trò thế kia ?
Công Uẩn điềm nhiên thưa rằng :
- Con phạm tội được thầy khoan dung không nở trách phạt, nhưng tự mình hổ thẹn, nên đầy đoạ tấm thân để sám hối tội lỗi. Con không dám ruỗi hai chân thẳng ra vì con sợ…
- Mày sợ gì ?
- Hiện nay thiên hạ mới tạm yên, giang sơn chưa nhạt mùi khói lửa, bá tính còn đang rên siết trong cảnh tàn phá của chiến tranh. Người ẩn sĩ như rồng thiêng cuộn khúc, không dám vươn mình nhô khỏi đám mây vàng sợ trời đất lại ngửa nghiêng phen nữa. Vì thế cho nên con sợ…
Đêm khuya không dám dang chân ruỗi
Vì ngại non sông xã tắc xiêu .
Vạn Hạnh nghe Lý Công Uẩn ứng khẩu đọc hai câu thơ có khí phách anh hùng, trong lòng rất vui mừng liền tha tội cho cả bọn.
Anh em mừng rỡ ngồi nhỏm dậy, tạ ơn thầy.
*
Năm Ứng Thiên thứ nhất (niên hiệu vua Lê Đại Hành), Lý Công Uẩn vừa 20 tuổi .
Đã 4 năm nay, các bạn hữu mỗi người một nơi, không có tin tức gì cả. Tiến Thành và Thiên Tường về Hoa Lư đã lâu. Quách Chí, Lâm Đồng là con nhà giàu, nên trở về quê hương trông nom ruộng nương. Còn lại Hoàng Công Nghĩa nấn ná ở chùa được thêm hai năm, rồi bỗng một hôm, xin phép thầy ra đi trên đường gió bụi.
Lý Công Uẩn một mình không ai bầu bạn, sớm chiều tiếng mỏ câu kinh, lắm lúc nghĩ đến tương lai mà chán ngán. Nhiều lúc, chàng năn nỉ xin với sư trưởng thế phát cho mình, để yên tâm nương bóng Phật đài tới khi đầu bạc. Nhưng sư trưởng chỉ gạt đi, không nói gì. Một tối nhân lúc sư trưởng đi vắng, chàng một mình ngồi đọc sách dưới ngọn bạch lạp, thấy người mỏi mệt, liền ra sân dạo mấy đường quyền.
Mặt trăng đã lên cao, những cành tre dưới luồng gió, lả lướt in bóng đen trên nền trời trong xanh. Thỉnh thoảng giữa cảnh đêm khuya tịch mịch, tiếng giun dế bỗng vang lên, đều đặn và nhịp nhàng, rồi vụt im lặng làm cho cảnh vật lại rơi vào trong khoảng không âm thầm.
Chàng luyện tập một lúc, rồi ngửa mặt nhìn hai con quạ bay lượn dưới ánh trăng kêu “quàng quạc”, lẩm bẩm nói :
- Giống quạ kia có hai cánh vùng vẫy trong bầu trời. Sung sướng thay ! Cuộc đời của chúng so với ta khác nhau nhiều. Ước gì ta cũng được tự do phiêu lưu trong bốn bể, làm nên sự nghiệp lừng lẫy chứ giam mình ở dưới mái chùa chẳng mai một mất tuổi niên thiếu lắm ru ! Sư trưởng thường bảo ta không có căn tu, khó thành một vị cao tăng đạo đức được, chỉ nên tìm đưòong tiến thân trong bể hoạn, sẽ có công danh hiển hách một thời. Nhưng ngẫm thân ta mồ côi từ thuở nhỏ, anh em quyến thuộc không ai, một mình vùng vẫy trong trường đời , cạnh tranh thì khó nắm được phần thắng. Không lẽ thân nam nhi như ta mà lại chịu an phận cho đến già trong bốn bức tường thì nhục nhã quá.
Nói đoạn, chàng thấy cõi lòng xao xuyến rồi như say sưa với chí hoài bảo cao cả, cất tiếng hát vang :
- Bốn bể là nhà ta chừ….lẻ loi không bạn
Đàn chim cao trên trời xanh chừ…tự do bay lượn
Đời thiếu niên chí tang bồng chừ….sống trong kềm toả
Tấm thân nam nhi vẫy vùng chừ…công danh đợi thời.
Nguồn cảm hứng đang bộc phát, chàng ứng khẩu ngâm một bài thơ :
-Thiên phú ngô hề đại tái ngô
Sinh ngô tất hữu đại hồng đồ
Hiếu trung hoàn nguyện tư từ lực
Thạc phú do thời hiến đế đô
Dịch nôm :
Xoay vần tạo hoá thử xem sao ?
Giáng xuống trần gian định thế nào ?
Trọn chữ hiếu trung nhà phật lực
Cánh hồng có lúc bỗng bay cao.
Tiếng hát vang dội trong cảnh tịch liêu, hàm súc mối buồn man mác, như oán, như than, khiến cho trái tim chàng héo lại.
Bỗng một bàn tay đặt nhẹ lên vai. Chàng quay lại, rồi một tiếng thốt ra dịu dàng, âu yếm :
- Con oán thầy lắm sao ?
Công Uẩn giật mình khi nhìn thấy sư trưởng đứng trước mặt. Chàng còn lúng túng chưa biết trả lời ra sao, thì sư trưởng tiếp luôn :
- Tâm sự của con thầy đã hiểu rõ rồi. Thầy không cản trở bước đường công danh của con đâu. Chẳng qua vận con chưa đến, nên thầy tạm giữ con ở chùa để rèn luyện tài nghệ cho tinh thục, ngỏ hầu có đủ năng lực đối phó với đời. Con chớ vội trách thầy không sửa soạn tương lai cho con. Thầy lúc nào cũng cầu Phật tổ ban phát cho con nhiều tài đức để chăn dắt muôn dân và gây dựng cơ nghiệp lâu dài.
Lý Công Uẩn thở dài :
- Con mong sao được cầm kiếm đứng hầu bệ ngọc cũng mãn nguyện rồi.
Sư trưởng mỉm cười đáp :
- Không những thế. Ngôi cao đã dành sẵn cho người có tài đức, vì thời cơ chưa đến, nên phượng hoàng phải ở lẫn với đàn gà. Con hãy nán chờ ít lâu nữa, thầy sẽ có cách cho con tiến thân.
Hai thầy trò nói chuyện một lúc rồi đi nghỉ.
Sáng hôm sau, Vạn Hạnh đang ngồi ở tăng phòng, thấy báo có Trọng Lâm sang chơi cùng đi với người lạ mặt. Vạn Hạnh mời vào, Trọng Lâm giới thiệu trước :
- Đây là Trẩm huynh ở xóm “Lòng Lợn”, sang hầu sư trưởng.
Vạn Hạnh nhìn Trẩm Tam thấy trạc độ ngoài năm mươi, tinh thần quắc thước lắm, thì gật đầu nói :
- Trẩm huynh biết cải tà quy chánh, thật là hạnh phúc cho quốc gia. Còn Kim Chung độ này có mạnh không ?
Trẩm Tam buồn rầu đáp :
- Chủ nhân tôi mất đã gần một năm nay rồi.
Vạn Hạnh chép miệng than rằng :
- Tiếc thay, tài học như thế mà để mai một, âu cũng là số trời. Lúc lâm chung, Phạm huynh có dặn dò gì không ?
Trọng Lâm đỡ lời :
- Phạm huynh có nhắc đến đứa ngoại tôn.
- Hắn nói thế nào ?
- Nhờ tôi trình với sư trưởng sau này gây dựng cho cháu nên người, và dặn Trẩm Tam sang đây trông nom giúp.
Vạn Hạnh mừng rỡ nói :
- Bần tăng định đưa Công Uẩn về Hoa Lư, nhưng còn e đường xá xa xôi, sợ có điều bất trắc. Nếu có Trẩm huynh đi kèm bên cạnh thì không còn lo gì nữa.
Trọng Lâm hỏi :
- Công Uẩn đã được gặp ngoại tổ hắn lần nào chưa ?
Vạn Hạnh lắc đầu đáp :
- Nếu cho gặp cháu, ắt phải giữ luôn bên mình, không cho về bên này nữa. Bần tăng theo lời di chúc của sư huynh Khánh Vân, muốn giúp Công Uẩn xây đắp một tương lai rực rỡ, đâu lại để cho hắn nối nghiệp ngoại tổ mà làm chủ quán hay sao ? Vương hiền đệ hãy đợi mười năm sau, sẽ biết lời nói của bần tăng không phải là vu khoát.
Mùa thu năm sau, Vạn Hạnh dự định cho Công Uẩn đi Hoa Lư, bèn dặn Trẩm Tam rằng :
- Đây về kinh đô, đường xa dặm thẳng, Công Uẩn tuy vũ dũng nhưng chưa có kinh nghiệm về nhân tình thế thái. Đại huynh việc đời từng trải, liệu tuỳ cơ ứng biến, đừng để cho hắn bạo động mà gây sự chẳng lành. Đợi khi nào hắn lập được công danh, bần tăng sẽ tìm sau.
Đoạn sư trưởng gọi Công Uẩn giao cho phong thư mà bảo :
- Con đến kinh đô tìm Đào đại nhân, đưa phong thư này thì sẽ được trọng dụng. Con đi đường nhất nhất phải vâng lời Trẩm lão, chớ có cậy khoẻ mà mang vạ vào thân.
Trẩm Tam nghe nói đến Đào Cam Mộc có ý ngần ngại không dám nhận lời. Vạn Hạnh biết ý vổ vai Trẩm Tam vừa cười, vừa nói :
- Đừng lo ngại, Đào Cam Mộc đã có lời giới thiệu của bần tăng, ắt phải quên hết dĩ vãng của đại huynh. Bần tăng chúc cho hai người gặp nhiều sự may mắn.
Hôm sau Lý Công Uẩn và Trẩm Tam từ gĩa Vạn Hạnh đem hành lý lên đường.
Tiết trời tháng chín hơi lành lạnh, nước hồ trong vắt còn lác đác vài lá sen khô. Ngày đi đêm nghỉ, thấm thoát đã đến thành Đại La. Công Uẩn thấy một thị trấn dân cư đông đúc, buôn bán phồn thịnh khác hẳn các nơi khác, trong lòng vui vẻ lắm, thủng thỉnh vừa đi vừa ngắm phong cảnh.
Trẩm Tam hỏi :
- Hiền điệt có biết thành này xây tự đời nào không ?
- Như lời sư phụ tôi thường nói, thì thành này do Cao Biền xây, tính ra đến bây giờ có tới hơn trăm năm. Trong thành đường lối ngang dọc như bàn cờ, có thể chứa được hàng vạn nóc nhà.
- Ở đây cảnh tượng sầm uất thật, nhưng còn kém Hoa Lư xa.
- Trẩm lão đã đến Hoa Lư chưa ?
- Hồi niên thiếu, tôi có đến vài lần. Bốn bề núi non xây bọc, cảnh tượng hùng vĩ, dinh trại san sát , người ngựa tấp nập suốt ngày.
- Hoa Lư là nơi phát tích của nhà Đinh, chắc hẳn phải là đẹp đẽ kín đáo. Nhưng thành Đại La này cũng chẳng kém phần lịch sự. Một nơi đất cát phì nhiêu, trai thanh gái lịch, hồ rộng sông dài khiến cho du khách say mến chẳng nở dời chân.
Hai người vừa đi vừa nhìn bên đường thấy hàng quán la liệt, người ra vào ăn uống tấp nập. Tiếng chào mời rộn rịp, như trong đám hội. Trẩm Tam nhìn thấy một tửu điếm rộng rãi và sạch sẽ, lại ở ngay trên bờ sông Tô Lịch, liền kéo Công Uẩn vào.
Chủ quán chạy ra vồn vả hỏi :
- Quý vị dùng gì ?
- Cho một bình rượu cúc thượng hảo hạng, một cân thịt trâu tái, một chân giò luộc, và ít rau sống.
Công Uẩn xưa nay ở chùa cơm muối rau dưa, ít khi dùng đến thịt cá, thấy Trẩm Tam gọi những món kinh người, liền xua tay nói :
- Thôi, lấy cơm và vài món rau, đừng bầy vẽ nữa.
Chủ quán vốn là người tinh tế, muốn chiều lòng cả đôi bên, liền thưa rằng :
- Bẩm, hôm nay là ngày hội, hàng cháu chỉ làm cỗ, chứ không có thịt trâu bán lẻ.
Công Uẩn ngạc nhiên hỏi :
- Hôm nay có hội gì ?
- Ồ, thế ra quý khách không biết à ? Nguyên do thế này : Cách đây hơn độ nửa dặm đường, về phía tây, có đền thờ của Cao Vương, là người đã có công xây thành Đại La. Kể từ trước đến nay, có tới hơn 100 năm rồi. Cứ mỗi giáp đến mùa thu lại mở hội để kỷ niệm công đức ngài. Nhưng từ khi Đức Đương Kim Hoàng Đế khai sáng cơ nghiệp nhà Lê, đánh Tống, bình Chiêm, duy trì nền an ninh và độc lập cho nước, thì ngài có giáng chiếu bãi bỏ ngày lễ kỷ niệm đó và thay vào ngày hội mừng chiến thắng của Đại Cồ Việt. Quan tổng trấn cho phép nhân dân ăn mừng ba hôm, và chiều hôm nay ở sông Tô Lịch có cuộc đua thuyền rất vui. Quý khách dùng cơm xong, đi bộ vài bước ra chỗ ngã ba cây, thì đứng xem rõ lắm.
- Thế còn cỗ bàn của bác ra sao ?
- Bẩm, ngày hội, chúng cháu có sửa soạn dăm mâm cỗ, toàn sơn hào hải vị, để các thượng khách dùng. Kể nấu nướng thì thật công phu lắm. Đầu bếp đón ở kinh đô ra, đều là những tay lành nghề. Chính quan tổng trấn đã dùng qua và tỏ lời ban khen đấy ạ !
- Mỗi mâm cỗ trị giá bao nhiêu ?
- Bẩm, 20 lượng bạc, không kể tiền rượu.
Lý Công Uẩn le lưỡi nói :
- Sao đắt quá như vậy ?
- Đó là gồm cả các khoản chi phí ngoại phụ nữa.
- Còn các khoản chi nào ?
- Bẩm, khách dùng cổ được tiếp đãi trên lầu có đào nương chuốc rượu, đàn ngọt hát hay. Suốt đêm thâu, các tửu bảo ăn mặc lịch sự thay phiên nhau hầu hạ. Chúng tôi thiển nghĩ chỉ mất có 20 lượng bạc mà được hưởng một lạc thú độc nhất trên đời, cũng không phải là đắt.
Trẩm Tam cười nói :
- Được rồi, người đi sửa soạn lầu để chúng tôi nghỉ một đêm. Sâm sẫm tối ta xem đua thuyền xong sẽ dùng cơm cũng được. Còn đào nương thì thôi, đừng gọi làm gì.
Chủ quán vâng lời lui ra. Hai người xách hành lý lên lầu, sai tửu bảo pha trà, vừa uống vừa ngắm phong cảnh.
Thành cao hơn hai trượng và dài non hai nghìn trượng, ngoài đắp một con đê rất dầy trông kiên cố và hùng dũng lắm. Dưới chân đê, con sông Tô Lịch lờ đờ chảy, thuyền bè đậu như lá tre. Người đi lại như mắc cửi. Công Uẩn chỉ tay bảo Trẩm Tam :
- Thành Đại La không những là một thắng cảnh của nước nhà, mà lại là một địa điểm rất tốt về quân sự nữa. Phía bắc có hồ rộng để tập thuỷ quân, gần đấy mấy ngọn núi đứng làm bức bình phong, chỉ cần một toán quân nhỏ đóng trên núi cũng giữ nổi thành. Nếu giặc Bắc tràn sang, quân đội đóng ở đây có thể ngăn giữ được mấy mặt, nhờ có con sông Hồng hà.
- Giặc có thể dùng thuyền cho quân sang sông được.
- Trên bờ sông cho đắp nhũng ụ đất để ngăn phòng, chọn những quân thiện xạ ngày đêm thay phiên nhau để ứng chiến. Sự chuyển vận quân đội sẽ do các đường hầm đào sẵn ăn thông vào các nơi tập trung của binh lính. Ta tuy không kềm chế nổi lực lượng rất hùng hậu của địch, nhưng cũng cầm cự được trong một thời gian, để chờ cho viện binh các nơi đến.
- Một cái thành xoàng xỉnh này thì cần gì phải phòng thủ cẩn thận thế ?
- Lão trượng có lẻ không nhận thấy rằng thành Đại La này là nơi trung tâm điểm của sự giao thông trong nước. Để cho giặc chiếm mất Đại La, và do đấy tung quân đi chiếm các nơi khác, thì khó lòng ngăn cản được sức tiến như vũ bão của địch quân.
Trẩm Tam mỉm cười đáp :
- Nếu mai sau hiền điệt được cầm quân chống cự giặc Bắc, thì chắc hẳn phải nghĩ ngay đến sự tổ chức một hệ thống phòng thủ cực kỳ chu đáo ở thành Đại La. Có lẽ hiền điệt là hậu thân của Cao Vương cũng nên.
Lý Công Uẩn cũng cười nói :
- Làm tướng phải thông hiểu thiên văn địa lý. Chỗ nào nên giữ, chỗ nào nên bỏ. Tiến lui nhanh chậm phải tuỳ cơ mà ứng biến. Nếu được như lời của lão trượng mong cho tôi, thì nhất định thành Đại La phải được mở mang và phòng thủ như một đô thị quan trọng bậc nhất vậy.
Hai người đang mãi nói chuyện, bỗng một tiếng pháo lệnh nổ vang trời. Trông về phía đền thờ Cao Vương, đoàn thuyền đang đậu yên lặng cạnh đám lau sậy, tự nhiên chuyển mình, cựa quậy chớp mắt đã tản ra tứ phía, lượn lờ một lúc, rồi xếp hàng ba trước đền. Tiếng pháo nổ lần thứ hai, ba chiếc đều vùn vụt lướt trên mặt nước. Rồi đến ba chiếc sau, tiếp đến ba chiếc nữa, rồi cả đoàn thuyền chuyển động rất đều. Hàng nọ cách hàng kia độ vài ba trượng, nhẹ nhàng tiến thẳng, giữa những tiếng reo hò ầm ĩ của dân chúng. Tiếng mái chèo đập xuống nước làm nổi những đợt sóng, hết lớp nọ đến lớp kia, toả rộng ra, và đẩy những đám bọt trắng xoá lên bờ.
Tiếp theo là chiếc hoa thuyền của quan tổng đốc trên mui treo đèn kết hoa, bốn mặt mành buông kín mít. Sau nữa là những thuyền của nha lại và quân lính đi hộ vệ.
Đang lúc ấy, chợt thấy một luồng gió lốc cuộn từ mặt sông bốc lên, thổi dạt đoàn thuyền vào bờ. Rồi một tiếng sấm nổ chuyển động cả đất, lưng trời bỗng hiện ra một đám mây ngũ sắc, hào quang sáng rực át cả ánh nắng của mặt trời.
Giữa đám mây một con rồng vàng năm móng quẩy khúc phun ra những làn khói hồng bả lả bay về phương đông. Một lát sau, con rồng biến mất, đám mây ngũ sắc cũng dần dần trôi theo chiều gió, tản mác trong không trung.
Dân chúng xôn xao bàn tán cho là một sự lạ. Hai người ở trên lầu được nhìn rõ hơn ai hết, vì con rồng bay cách mái nhà độ mười trượng lại lượn một vòng rồi mới biến đi.
Trẩm Tam xoa tay cười :
- Rồng là một con vật đứng đầu tứ linh, tượng trưng uy quyền của thiên tử. Thành Đại La cũng là một quý địa nên linh vật mới xuất hiện. Chúng ta lần đầu đi cầu công danh, gặp điềm tốt chắc không đến nổi phải về tay không.
Công Uẩn cũng hưởng ứng nói :
- Sư phụ tôi thường nói khí thiêng của đất nước đều tụ cả ở đây. Thành Đại La dẫu được một vị đế vương chọn làm kinh đô cũng xứng đáng.
Đến tối, cơm nước xong, hai người đi dạo chơi một lúc, rồi đi ngủ để lấy sức hôm sau đi.
Ròng rả hơn nửa tháng trèo đèo lặn suối, hai người đã tới Hoa Lư. Trẩm Tam bàn rằng :
- Chúng ta tìm chỗ nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi quần áo cho tề chỉnh, rồi hãy ra mắt Đào Đề Đốc. Nếu ta lôi thôi, lam lũ quá, vừa mất giá trị với kẻ hầu người hạ, vừa bị họ khinh rẻ.
Công Uẩn ngẩn người đáp :
- Có ít tiền ăn đường thì vừa đủ, còn đâu mà sắm sửa y phục nữa.
Trẩm Tam vỗ vào hành lý nói :
- Trong này còn một nén vàng cũng thừa, chỉ dụng ở đất đế kinh này.
- Trẩm lão lấy ở đâu thế ?
- Tiền của ta buôn bán, dành dùm được hơn chục năm.
- Định trọ ở đâu ?
- Hàng quán đông người ra vào, nhỡ có kẻ gian phi, dò biết ta lắm vàng bạc, sẽ tìm cách chiếm đoạt thì phiền cho ta phải canh giữ đêm ngày. Hơn hết là tìm xem có ngôi chùa nào sạch sẽ ở tạm ít lâu, rồi sẽ liệu.
Hai người hỏi dò dân cư mới biết cách kinh thành độ nửa dặm đường, về phía nam có chùa Cảnh Tỉnh rộng rãi, mát mẻ. Đi khỏi ngã ba đường thì tới một dãy đồi trồng toàn thông. Dưới chân đồi, hiện ra giữa rặng cây một ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, có khắc ba chữ : “Cảnh Tỉnh Tự” ở cổng. Hai người bước vào chùa, vừa đến sân thì gặp một sư già chóng gậy trúc đi ra.
- A di đà phật, bạch cụ.
- A di đà phật.
Trẩm Tam thưa :
- Bạch cụ, chúng tôi ở An Phong về kinh đô có chút việc, nhân qua đây thấy phong cảnh u nhã, ưa nhìn, ý muốn ở nhờ cảnh phật trong ít lâu. Ngày hai bữa cơm nhờ nhà chùa chu tất và dành cho một căn phòng tỉnh mịch. Ngoài ra, tiền dầu đèn, xin tính toán phân minh, không dám để nhà chùa thiệt thòi.
Sư già nhìn hai người một lúc rồi hỏi :
- Khách ở An Phong có quen sư đệ Vạn Hạnh không ?
Lý Công Uẩn cúi đầu thưa :
- Bạch cụ, con là đệ tử của người.
- Bần tăng thấy Vạn Hạnh nói có tên cao đồ là Lý Công Uẩn, phải chăng là quý danh của công tử ?
- Bạch cụ, chính là đệ tử.
Sư già cầm tay Công Uẩn, cười nói :
- Đã là bạn đồng đạo, thì nhà chùa tất phải tiếp đãi chu đáo. Xin mời hai vị lên phòng khách nói chuyện.
Hai người theo lên nhà trên. Sư già mới uống nước rồi hỏi Công Uẩn :
- Sư đệ Vạn Hạnh độ này có mạnh giỏi không ?
- Bạch cụ, sư phụ của đệ tử nhờ Phật tổ vẫn được bình an.
- Công tử về đây có việc gì ?
Công Uẩn cứ thật thà bày tỏ với sư già ý muốn của mình đi cầu công danh.
Sư già gật đầu nói :
- Đề Đốc Đào Cam Mộc đang được hoàng đế tin dùng. Công tử đã có lời giới thiệu của Vạn Hạnh ắt được trọng dụng. Bần tăng xem tướng công tử, thấy hồng phúc vượng lắm, sau này danh giá trùm cả thiên hạ sự nghiệp lừng lẫy không biết thế nào mà nói được.
- Nếu được như vậy, cũng là nhờ ở công lao trời bể của sư phụ đệ tử.
- Công tử đã không quên gốc, xin hứa cho một điều.
- Bạch cụ, xin chỉ giáo.
- Mai hậu khi công tử được dự vào quyền chính trong triều thì nên tìm trong Thiền môn những nhân vật siêu phàm bạt tuỵ để giúp việc cai trị thần dân. Ngoài ra lại cho lập thêm nhiều chùa, tô tượng đúc chuông, chọn các vị đạo đức cao tăng đi khai trường thuyết pháp để hoằng dương đạo Phật. Nếu biết lấy tôn giáo làm hậu thuẫn cho chính quyền, thì chính quyền mới vững vàng được. Và cũng nhờ có chính quyền mà tôn giáo được củng cố vững chắc và có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
Lý Công Uẩn cúi đầu tạ ơn.
Hôm sau Trẩm Tam ra chợ mua vài bộ quần áo, giầy mũ rất lịch sự. Bấy giờ đang tiết mùa đông, mưa phùn rơi rả rích lạnh buốt thấu xương. Trong chùa sư già sai đốt lửa sưởi, ngày ngày uống trà đàm luận với Công Uẩn. Vừa nửa tháng mưa mới ngớt hạt. Một buổi sáng nhìn về phương đông thấy vầng mây hồng rồi dần dần ánh nắng toả ra ấm áp và dễ chịu.
Sư già xoa tay mừng rỡ nói :
- Hôm nay trời tạnh ráo, nhị vị có thể đi được rồi.
Trẩm Tam ăn vận như một viên ngoại. Công Uẩn thì mặc binh phục lưng đeo bảo đao, lộ ra một khí phách anh hùng.
Hai người về Hoa Lư hỏi thăm nhà quan Cửu Môn Đề Đốc. Lính canh thấy ăn mặc lịch sự, có ý nể liền hồi trống báo hiệu. Một lúc có quân ra nói :
- Quan đề đốc bận việc không tiếp khách hôm nay. Xin quý vị để danh thiếp lại.
Trẩm Tam lấy phong thư đưa cho tên quân và nói :
- Chúng tôi là người nhà quan đề đốc, phiền chú đưa giúp lá thư này.
Tên lính cầm lấy đi vào, đưa cho viên quản gia để chuyển lên phòng thư lại. Nguyên trong phủ Đề Đốc vẫn có riêng một phòng để nhận các thư từ ở các nơi đưa về, nhất là về dạo này, dân Mường ở 49 động Hà Man nổi loạn, nên ở biên thuỳ, các công văn cấp báo về như bươm bướm, công việc bận rộn suốt ngày đêm. Vua Đại Hành uỷ cho Cam Mộc việc sửa soạn lương thực, may sắm các chinh y để đợi ngày xuất quân. Ngày ngày các tướng sĩ phải ra giáo trường luyện tập các trận đồ. Ở các châu, huyện đều yết bảng chiêu mộ hiền tài, người, ngựa tấp nập về Hoa Lư đông như hội. Hôm ấy, Cam Mộc đang ngồi ở tư thất xem xét các giấy tờ, bỗng thấy lính vào trình phong thư. Vị lão tướng xem xong sai người gọi Đào Tiến Thành lên hỏi :
- Hồi con học ở chùa Tiêu Sơn có quen biết người nào tên Lý Công Uẩn không ?
- Thưa cha, hắn là bạn học của con.
- Lý Công Uẩn là người thế nào ?
- Thưa, hắn ở với ai cũng lấy tín nghĩa làm đầu. Cư xử với thầy, với bạn thuỷ chung rất mực. Tuy hắn ít tuổi hơn con, nhưng tài nghệ thì gấp mười con.
Cam Mộc cả mừng nói :
- Nếu quả như lời con nói thì quốc gia lại thêm một vị trung thần lương tướng nữa. Cha sẽ thu nạp hắn ở dưới trướng để cho đi lập chiến công.
Tiến Thành cũng hớn hở nói :
- Thưa cha, hiện nay Công Uẩn ở đâu ?
- Hắn được Vạn Hạnh cho đi đầu quân hiện đang đợi ngoài dinh.
Tiến Thành reo lên một tiếng toan chạy ra thì Cam Mộc đã ngăn lại nói :
- Nhưng cha khó nghĩ quá.
Tiến Thành ngạc nhiên hỏi :
- Cha có việc gì khó nghĩ ?
- Hắn cùng đi với một tên tướng giặc là Trẩm Tam. Trước kia, hồi cha còn là Huyện Lệnh ở Đông Ngàn thì Trẩm Tam đang hoành hành ở vùng núi Tiên Du, gây nhiều vụ án mạng kinh khủng, cha cho quân đi truy tầm nhưng không sao bắt được. Ngày nay theo như lời Vạn Hạnh thì Trẩm Tam đã bỏ nghề lạc thảo mà trở về cuộc đời lương thiện. Dùng Trẩm Tam sợ có sự lo ngại về sau, đuổi hắn đi e mất lòng sư trưởng, con nghĩ thế nào ?
- Sư trưởng đã xét người tất không sai bao giờ. Trong bọn lục lâm có nhiều tay tài giỏi, nếu đã quy thuận triều đình mà không được trọng dụng, có thể phẩn chí làm liều, lại càng đáng sợ lắm. Cha nên lấy nhân nghĩa mà xử với thiên hạ thì bốn phương nhân tài mới chịu xuất đầu lộ diện. Nếu họ có bụng dạ phản trắc thì thân cô, thế cô, liệu làm gì nỗi mà sợ !
Cam Mộc gật đầu đáp :
- Con ra gọi họ vào cho cha xem mặt.
Tiến Thành mừng rỡ ra tìm Thiên Tường rủ đi đón Công Uẩn. Hai người ra ngoài dinh thấy Công Uẩn và Trẩm Tam đang chờ tin tức, mừng nhẩy lên chạy lại ôm lấy Công Uẩn. Anh em gặp nhau tưởng như giấc chiêm bao. Tiến Thành chảy nước mắt nói :
- Anh em xa cách, chốc đã 10 năm trời. Chúng em tuy vui cảnh gia đình, nhưng lòng vẫn canh cánh mong biết tin anh. Nay gặp nhau thật là lòng trời.
Công Uẩn ngậm ngùi nói :
- Chốc đã 10 năm, biết bao sự biến cải trong đời. Các anh đã lập gia đình chưa ?
Thiên Tường vừa cười vừa nói :
- Anh Thành đã lấy vợ rồi, còn tôi thì chẳng có ma nào nó thèm hỏi đến.
Mọi người đều cười ầm lên. Tiến Thành chợt nhớ ra vội hỏi :
- À, còn Quách Chí, Lâm Đồng, và Hoàng Công Nghĩa đâu ?
Công Uẩn thở dài đáp :
- Công Nghĩa đi không biết tin tức gì cả. Còn Lâm Đồng và Quách Chí thì về quê trông nom vường ruộng.
Thiên Tường cầm tay Công Uẩn nói :
- Anh và Trẩm lão hãy vào chào Đào bá phụ đã, sau sẽ nói chuyện nhiều.
Công Uẩn theo mọi người vào dinh trong, giữ lễ, quỳ xuống lạy chào. Cam Mộc nhìn thấy Công Uẩn trạng mạo khôi ngô, đi đứng uy nghiêm đường bệ, trong bụng rất vui vẻ, gật đầu đáp lễ, rồi hỏi :
- Cháu đến kinh đô trọ ở đâu ?
- Thưa bá phụ, cháu trọ ở chùa Cảnh Tỉnh.
- Sao cháu không đến tìm ta ngay, lại đến chùa làm gì ?
- Cháu đi đường ròng rả nửa tháng trời, người thấy mỏi mệt, nên phải đến chùa để tỉnh dưỡng ít lâu cho lại sức khoẻ, rồi mới dám đến hầu bá phụ.
Cam Mộc gọi Trẩm Tam uỷ lạo vài câu :
- Nhà ngươi có thiện chí phụng sự chính nghĩa, đáng khen lắm thay ! Sau này nếu nhà ngươi lập được chiến công, ta sẽ dành cho một địa vị xứng đáng với tài năng. Nhưng chớ có hai lòng để khỏi phụ tấm lòng tốt của ta đối với ngươi.
Trẩm Tam cúi đầu vâng lời.
Tiến Thành chạy lại ghé vào tai cha nói nhỏ mấy câu. Cam Mộc gật đầu mỉm cười nói :
- Ta xem cháu ở chùa cũng không được tiện lắm. Thỉnh thoảng có việc cần, lại phải cho người đi gọi. Thật là phiền phức và mất thời giờ ! Cháu và Trẩm lão vào ở trong này cho vui, bạn bè sớm tối hàn huyên, ôn nhuần võ nghệ chả bổ ích lắm sao ?
Công Uẩn lạy tạ ơn.
Hôm ấy, Tiến Thành giữ Công Uẩn ở dinh, sai một tên lính đi với Trẩm Tam về chùa lấy hành lý, và cho gia nhân cầm thiệp mời các bạn lại chơi.
Buổi tối, chung quanh bàn tiệc ở hậu dinh quan Đề Đốc, có tới hơn hai mươi vị anh hùng hội họp. Hàng trăm ngọn bạch lạp đốt cháy sáng rực như ban ngày. Những người dự tiệc phần nhiều là con cháu các quan đại thần trong triều như Phạm Thiên Long, con trai của Thái sư Phạm Cự Lượng. Ngô Tử Hàn, con Ngô Tử An, Thượng thư lệnh. Từ Thạch, con Từ Mục, sau đến Nguyễn Diệu Thành, Phạm Hạc, Lê Nhân, vân…vân…
Tiến Thành đứng lên giới thiệu Lý Công Uẩn với mọi người rồi nói :
- Chúng ta cùng là anh em, tình thân thiết như ruột thịt, xin lấy sự chân thành đối đãi với nhau. Nếu ta căn cứ ở chức tước của ông cha, để ấn định sự tôn ti trật tự trong buổi hội họp thì thật là một sự nhầm lẫn vô cùng. Trừ Lý huynh là tân khách, và tôi là chủ nhân, còn các vị đều xếp theo niên canh cả. Các bạn nghĩ sao ?
Mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Gia nhân rót rượu. Tiến Thành nâng cốc rượu mời. Đang lúc chuyện trò thân mật, bỗng thấy một tên lính bưng một cái khay trên có một bình rượu trắng và con dao, đặt ở giữa bàn. Trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, Tiến Thành đứng lên vòng tay nói :
- Chúng ta kết bạn, hàng ngày lui tới bàn chuyện cổ kim đã hiểu rõ hành vi, tư tưởng của nhau, và dẹp tan được hết mối ngờ vực từ trước đến nay. Cổ nhân có người coi trọng tình bằng hữu như bỏ cả chức tước, hy sinh cả thân thế và gia đình, lăn lưng vào vòng nguy hiểm để cứu bạn. Chúng ta ngày nay cũng nên noi gương tiền bối, gạt bỏ hết tính đố kỵ. Không vì những quyền lợi nhỏ nhen mà chia rẻ nhau. Một sự phản bội bất cứ ở trong trường hợp nào cũng không thể tha thứ được. Tôi xin bày một cái lễ “trích máu” cho mọi người cùng dự. Chúng tôi không bắt buộc một ai, nhưng kẻ nào đã uống máu ăn thề mà còn tráo trở hai lòng thì nguyện có thần linh chứng giám.
Đoạn chàng vén tay áo, cầm dao sẽ thích vào cánh tay làm chảy mấy giọt máu vào bình rượu. Rồi lần lượt đến các người khác, không một ai từ chối.
Tiến Thành cầm bình rượu lúc bấy giờ đã ra màu đỏ nhạt, thân hành đi rót cho mỗi người một cốc.
Bữa tiệc kéo dài mãi đến khuya mới tan.