THẢM KỊCH
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Lưu Tấn Đường nghe thấy Kim Chung bị tội, mừng reo lên, vội chạy sang tìm Hoàng Phủ Nhâm báo tin cho biết. Phủ Nhâm thản nhiên nói :
- Lão bị giam hay không thì có can hệ gì đến mình.
Tấn Đường trố mắt nhìn :
- Không can hệ à? Lão ta cậy mình biết võ vẽ dăm ba chữ, khinh miệt mọi người. Đã từ lâu, chúng ta chỉ mong có dịp trả thù cho bỏ ghét. Đến nay, hắn tự mình gây vạ, âu cũng là trời xui nên,chúng ta há không đáng mừng vì bớt được một tay kình địch hay sao?
- Cái đó đã hẳn, nhưng mục đích chính của ta vẫn không đạt được thì có gì là đáng mừng.Đệ thật không hiểu?!
- Anh này si tình thật! Đã vô hy vọng lại còn theo đuổi mãi. Nhưng này, đệ có một kế mọn khã dĩ dùng được, đại huynh có nghe không?
- Xin đại huynh cho biết.
- Hôm nào chúng ta đến hỏi thăm gia đình Phạm Thị, đại huynh giả vờ xót xa an ủi hai mẹ con cô ả, rồi lân la bàn đến chuyện tìm cách cứu Kim Chung.
- Cứu thế nào?
- Thì đại huynh cứ nói khoác là quen thân với Huyện Lệnh.
- Thế rồi sao nữa?
Tấn Đường ghé tai nói nhỏ một lúc.
Phủ Nhâm gật đầu, cười vang :
- Vâng, đệ xin theo kế của đại huynh.
*
* *
Lại nói chuyện Phạm Thị, từ khi được tin chồng bị giam giữ, cũng tưởng chỉ vài ba hôm là được tha, ai ngờ đợi hết ngày này sang ngày khác cũng chẳng thấy gì. Bà con đến hỏi thăm, người thì nói Kim Chung bị giải về kinh, kẻ nói bị phát phối xung quân. Lại có tin Kim Chung, vì không chịu đựng ngục hình nên thắt cổ tự tử chết, thật miệng lưỡi người đời đảo điên, trăm dọng. Phạm Thị ruột nóng như cào, suốt ngày ngồi đứng không yên.
Những kẻ ghen ghét lại thêu dệt nhiều chuyện vu vơ, nào bị tịch biên gia sản, nào vợ con sẽ liệt vào hạng tì thiếp, đem bán vào các nhà quyền quý, nào họ hàng nội ngoại đều bị án đày ra xa nghìn dặm. Hồng Thanh cứ mỗi lần nghe thấy mọi người xì xào bàn tán, lại nức nở khóc thầm, phần thương cha bị oan hình, phần lo cho thân phận mẹ con, không biết sau này sẽ lưu lạc nơi đâu. Cũng có nhiều người từ tâm, thấy gia đình Phạm Thị bỗng nhiên mắc phải oan khiên, hằng ngày lui tới, tìm lời an ủi, nhưng càng nhắc đến câu chuyện bao nhiêu, thì lại càng làm cho hai mẹ con khổ tâm bấy nhiêu.
Trong họ, có Phạm Tất là em thúc bá (chú bác) của Kim Chung, vốn là kẻ vô lại, tính tình biển lận, quen thói xu phụ, nên Kim Chung vẫn ghét căm, không cho lai vãng trong cổng. Phạm Tất mon men làm quen với gia nhân họ Hoàng, rồi dần dà xin vào làm thuộc hạ cho Phủ Nhâm. Nhờ được tài nịnh hót khéo léo, Phạm Tất rất được lòng Hoàng công tử. Ở bên họ Phạm có một tí gì là Phạm Tất sang kể cho Phủ Nhâm nghe hết, từ kẽ tóc chân tơ không sót mảy may. Một hôm Phạm Tất hấp tấp chạy đến nhà chị dâu, đứng giữa cửa, phùng má trợn mép mà nói :
- Chết chửa, em nghe thấy nói đã có trát sắc về cho xã trưởng trong ba hôm nữa lính huyện sẽ về tịch biên gia sản. Công việc to tày trời như thế, mà chị không biết gì à ?
Phạm Thị ngẩn người, lắp bắp nói :
- Có…có thật chứ?
- Ai dám nói dối chị.
- Thế…còn…còn…anh chú thì sao?
- Chết rồi.
Phạm Thị nghe tin như sét đánh ngang tai : chân tay bủn rủn, ngã gục xuống bất tỉnh nhân sự. Hồng Thanh ở dưới bếp chạy lên, vừa khóc vừa lay gọi mẹ. Hàng xóm cũng đổ sang, người rứt tóc, kẻ xoa rượu, một lúc lâu Phạm Thị mới dần dần hồi tỉnh. Phạm Tất thì vò đầu, vò tai kêu khổ luôn miệng, ra vẻ thương xót vô cùng.
Đang lúc ấy, Phủ Nhâm cùng Trần Hoà và Lưu Tấn Đường đến. Hồng Thanh thấy có khách lạ, vôi lui vào buồng. Phạm Thị gượng dậy vái chào ba người và sai gia nhân bưng ghế mời ngồi.
Phủ Nhâm chắp tay nói :
- Thưa bá mẫu, chúng cháu được tin bên nhà có việc không may, tự thẹn không giúp được gì, trong lòng lấy làm áy náy lắm.
Phạm Thị ứa nước mắt đáp :
- Chúng tôi bạc phúc, gặp cơn gia biến, nghĩ cay đắng vô cùng. Ba công tử dòng dõi quý tộc, cao hạ phân biệt, lại thêm giàu lòng bác ái, vì tình lân bang sang hỏi thăm, chúng tôi cảm tạ vô cùng.
- Thưa bá mẫu, cháu có mấy lời muốn bày tỏ, chẳng hay bá mẫu có sẵn sàng nghe không?
- Xin công tử cứ dạy.
- Viên Huyện Lệnh hạt này đối với cháu là chỗ quen biết, cháu muốn thân hành lên huyện minh oan cho lão bá, trước là tỏ tình đoàn kết trong hương thôn, sau nâng cao phẩm giá của bậc hiền sĩ, bá mẫu có cho phép không?
- Công tử dẫu có lòng tốt, nhưng muộn mất rồi.
- Sao vậy? Thưa bá mẫu.
Phạm Thị rầu rĩ đáp :
- Phu quân tôi đã bị tử hình rồi còn đâu nữa.
Phủ Nhâm giả vờ ngạc nhiên hỏi :
- Có lẽ nào, dư luận sai lầm, bá mẫu tin làm sao được. Để cháu lên huyện về sẽ rõ.
Ba người đứng dậy xin cáo từ. Trước khi ra về, Phủ Nhâm còn căn dặn Phạm Thị :
- Bá mẫu cứ yên tâm, đừng tin lời nói viễn vong của người đời. Phạm bá phụ là tay cự phách trong làng nho, tiếng tăm lừng lẫy, lại thêm tính hào hiệp, khắp vùng ai cũng kính phục. Viên Huyện Lệnh vón có con mắt tinh đời ưu đãi kẻ sĩ, chắc không nỡ làm hại người ngay đâu. Cháu tài hèn, tuy chẳng dám ví với những bậc cao sĩ nhưng cũng chưa đến nỗi mất hết lương tâm, giữa đường thấy chuyện bất bình mà lại nhắm mắt làm ngơ sao được. Nay mai, cháu lên huyện lấy lời lẽ thành thực phân trần, nếu huyện quan quả là người có tâm huyết ắt hẳn nghe theo mà phóng thích lão bá; nếu hắn cố tình gây ác, kết tội dân lành, cháu sẽ không quản đường xa, về kinh đô, tìm người có thế lực đưa vào triều kiến Thánh Hoàng, nhất định minh oan bằng được cho lão bá mới thôi. Không có lẽ nào, một người suốt đời chỉ làm việc thiện, cứu khốn phò nguy, lại phải ngậm oan nơi ngục tối.
Ba người đi khỏi đã lâu mà mọi người vẫn trầm trồ khen ngợi lòng hào hiệp của Hoàng Phủ Nhâm.
Phạm Thị nói :
- Tôi vẫn thấy nói hắn hung ác như hổ lang, ngờ đâu tâm địa lại khá như thế. Chẳng qua những kẻ ghen ghét bôi nhọ thanh danh người ta, chứ dòng dõi lá ngọc cành vàng đâu lại có thái độ bỉ ổi như họ tưởng tượng.
Một người khác tiếp lời :
- Trong cơn hiểm nghèo, mới rõ kẻ hay người dở. Hoàng công tử mặt đẹp như ngọc, ăn nói dịu dàng, lại có tấm lòng vị tha khiến cho ai cũng phải kính phục.
Phạm Tất lúc đó mới xem một câu :
- Đáng tiếc quá! Trước kia họ Hoàng muốn kết thông gia với ta, thì Phạm huynh lại từ chối, thật là hụt mất chàng rễ hiền.
Phạm Thị chép miệng thở dài.
Phạm Tất thừa cơ nói luôn :
- Tôi xét tâm lý Hoàng công tử thì hình như vẫn luyến ái con cháu, nên mới giơ tay hứng lấy công việc nhà mình. Công tử đã có lần nói với tôi rằng : “Phạm bá phụ (chõ Kim Chung) tài học uyên thâm, công minh chánh trực, thật đáng làm nhạc phụ của tôi, Phạm tiểu thư tài sắc vẹn toàn trong đời ít có, không may lạc vào tay kẻ phàm phu thì thật đáng tiếc hòn ngọc liên thành. Nếu tiểu thư không chê tôi là vô tài, thì hai họ sẽ kết nghĩa thông gia, tình thân mật lâu bền mãi mãi”. Hôm nay Hoàng công tử nhận lấy trách nhiệm khó khăn, cũng không ngoài ý muốn gây cảm tình với họ Phạm. Bất nhược ta gả quách con Hồng Thanh cho hắn, để cho hắn vui lòng mà lo liệu công việc.
Phạm Thị lắc đầu nói :
- Không được, nhà ta đang bối rối thế này, sao lại nghĩ đến chuyện vui mừng.
- Cứ bảo hắn nhờ mối nhân đến nói, ước định ngày đưa sính lễ, rồi bao giờ cưới thì cưới.
Một người trong họ gạt đi :
- Đợi Phạm huynh về sẽ hay.
Phạm Tất trề môi cướp lời :
- Cứ làm cái lối “ăn chặt” như thế thì đừng hòng…đừng hòng. Cho cưới ngay đi là khôn… Khi người ta đã là rễ của mình thì tha hồ, bảo gì mà chả phải nghe. Vừa được chỗ xứng đáng, vừa trôi chảy công việc, lại muốn gì nữa ?
Lại mỗi người thêm một câu, gian nhà phút chốc biến thành một nơi tranh luận ồn ào, người bảo “nên”, kẻ bảo “không nên”, làm cho Phạm Thị càng nghĩ đến gia cảnh, càng chua xót, phân vân chưa biết nên ngã về phía nào.
Hồng Thanh bước ở trong buồng ra, nét mặt buồn rười rượi, lại gần mẹ ôm mắt khóc oà.
Phạm Tất gắt ầm lên :
- Định thế nào thì nói phắt đi. Liệu có đem nước mắt ra mà giải quyết được công việc không?
Hồng Thanh gạt nước mắt nói với mẹ :
- Thưa mẹ, chú bàn thế cũng phải.
Phạm Thị ngẩn người hỏi luôn :
- Phải thế nào, hả con ?
- Muốn cứu cha con thì chỉ có cách hy sinh thân con mà thôi.
Phạm Tất vui mừng nhẩy lên, tíu tít nói :
- Đấy nhé! Chị có nghe cháu nó nói không. Phải lắm, cháu nghĩ thế là chu tất lắm. Úi chà những người thông minh cũng có khác. Thôi thế là được, chú sẽ đứng lên làm chủ hôn trong khi cha cháu vắng nhà. Chú cũng như cha mà….
Hồng Thanh nghiêm mặt đáp :
- Một lời hứa, bốn ngựa khó đuổi. Nếu Hoàng công tử gỡ được tội cho cha cháu, thì cháu nguyện đem thân hầu hạ công tử để báo đáp ơn sâu. Bắt đầu từ hôm nay, cháu là dâu con họ Hoàng rồi. Còn ngày đuốc hoa xin đợi để cha cháu về sẽ hay.
Phạm Tất đờ người ra, chép miệng nói :
- Đằng nào cũng một lần, trước sau khác gì, được ngày vui ta không nên trì hoãn.
- Hôn nhân là việc lớn, không thể vội vàng được. Cha mẹ nuôi con chỉ mong sao lúc khôn lớn gả được nơi tử tế vừa đẹp mặt mình, vừa hài lòng con trẻ. Làm thân con gái lúc vu quy, được trông thấy hai thân còn khang kiện, anh em quấn quít vui vầy, cõi lòng cũng tràn ngập một mối hoan lạc vô biên, tự cho mình đã làm được một phần đạo hiếu.
Hiện nay cha cháu đang bị tù tội, sống chết chưa hay, cháu hổ thân là phận gái đào tơ, chẳng dám một mình mạo hiểm vượt núi băng ngàn, đi kêu oan cho cha; đành phải ỷ lại vào thế lực của kẻ khác để cầu lấy cha con được đoàn tụ, gia đình được yên ổn. Mẹ cháu thì ngày đêm khóc than vật vã, vạch đất kêu trời, lo nghĩ quá mà thành bệnh. Còn mình cháu, tuy thương nhớ cha mẹ, nhưng cũng gượng sầu, làm vui khuyên giải ẹm cháu, và trông nom công việc tề gia. Chú thử xem, trong cơn gia biến, phận làm gái có đôi chút học thức đã không bắt chước được nàng Đề Oanh, dâng thơ cứu cha; lại còn ham mùi phú quý, vui chữ xướng tuỳ, trước vổ ơn cha mẹ, sau để xấu cho họ hàng. Vả lại, trước kia cha cháu đã đính ước với họ Lê, tuy sính lễ chưa có, nhưng không nên bội ước. Xét tình trạng gia đình của cháu hiện tại, cháu phải để “hiếu” lên trên “tình”, không thể vì lời hứa hẹn mà quên công sinh dưỡng được. Nếu quả Hoàng công tử là trang hiệp sĩ thì không cứ vì sắc đẹp của người đàn bà mới chịu dúng tay làm việc nghĩa. Chú làm ơn đem lời của cháu thưa lại với Hoàng công tử, để xem ý kiến của họ ra sao?
Phạm Tất bị Hồng Thanh thuyết phục, ngồi yên chẳng nói chẳng rằng, nghĩ thầm :
- Con này có học, nên tư tưởng cũng khác người. Ta còn nấn ná ở đây, có khi bị nhục với nó. Thôi, bước đi là hơn.
Phạm Tất về một lúc, thì Lê Phùng là vị hôn phu của Hồng Thanh sang chơi. Phạm Thị sai pha nước uống rồi lấy tình mẹ vợ con rễ, thực thà kể cho nghe câu chuyện của Phủ Nhâm. Lê Phùng không bàn thêm điều gì chỉ vấn an qua loa, rồi đứng dậy cáo từ ra về.
*
* *
Thấm thoát đã tới 20 tháng chạp.
Cảnh tượng ở thôn quê gần Tết, phút chốc trở nên nhộn nhịp. Người ta đã nghỉ hết công việc đồng áng, để thì giờ sửa sang nhà cửa, sắp lá gói bánh, tái tảo phần mộ, lau chùi đèn nến, bàn thờ, với cả một tấm lòng thành kính đối với những người đã khuất.
Những căn nhà lụp xụp, bẩn thỉu đã được quét dọn cẩn thận, và trang hoàng bằng những tờ giấy hồng điều, những tờ tranh màu sắc chói lọi.
Mọi người đều sẵn sàng đón tiếp một ngày xuân tươi sáng, và hy vọng một năm sắp tới đầy hứa hẹn tốt đẹp cho đời sống cần cù, lao khổ.
Bình minh vừa hé mở trên nền trời hồng hồng… Trên những mái tranh, từng làn khói đen toả bốc bị gió cuốn lên không trung, oằn oại mềm mại như tấm the mỏng. Sương mù tan dần dưới tia náng mỗi lúc một nhiều. Từ các thôn lạc hẻo lánh, từng đoàn người đổ ra, men qua bờ ruộng, bờ cỏ hay bụi cây rậm rạp, kéo nhau lủ lượt đến chợ Đồng.
Chợ hôm nay tấp nập khác thường.
Thôi thì thượng vàng, hạ cám, không thiếu thức gì. Những miếng thịt lợn, thịt trâu bầy trên phản bóng lộn vì mỡ, được người ta mà cả nhiều nhất. Những trái cam, quít đỏ trông mòng mọng như chứa chấp một nước ngọt êm dịu và thơm tho.
Một vài chậu cúc xoè bông vàng bên cạnh một cụm hải đường còn lóng lánh trên cánh những hạt sương trắng bạc. Thỉnh thoảng giữa màu trắng nỏn của hồng bạch, màu sặc sỡ của cẩm chướng, nhũng bông mào gà đỏ sẫm nghển cổ nhìn cành đào khẳng khiu lốm đốm những nụ hoa phơn phớt hồng.
Đặc biệt là chỗ bày các tranh ảnh. Người ta phải choáng mắt vì màu xanh, đỏ chói lọi, tô điểm một cách vụng về. Nào bức “Chiêu Quân hoà Phiên” với bộ y phục cung phi sặc sỡ như cánh hồ điệp, nào bức “Bái Công chém rắn ở núi Mang Đường”, “Chu Du đốt quân Tàu ở khẩu Tam Giang”, “Quan Vân Trường đọc binh thư:, những bức hoạ mấy nơi thắng cảnh ở Trung Nguyên như “Bến Vũ Hồ” san sát thuyền nan nhô mủi, “Chùa Thiên Phú”, “Đồng Tước Đài” với mái ngói đỏ cong cong, cột xanh xanh chạm rồng, liễu rũ trước song , bóng in mặt nước.
Non trưa thì hàng hoá trong chợ đã bán gần hết. Bây giờ người ta mới để ý đến bàn sóc đĩa lập ngay giữa chợ.
Trên bốn chiếc chiếu trải ghép vào nhau, những thỏi bạc trắng xoá nằm rải rác dưới con mắt thèm muốn của mọi người. Đàn ông, đàn bà xúm đen, xúm đỏ chung quanh chú khách già, chăm chú nhìn chiếc bát bằng đồng úp trên một cái đĩa cũng bằng đồng đặt ở chiếu.
Chú khách lúc nào cũng giữ một bộ mặt lạnh lùng, đôi lông mày rậm rì nằm ngang trên cặp mắt sâu hoắm chưa hề nhíu lại, khi chú phải xỉa tiền ra cho con bạc, và khi chú dơ hai bàn tay gầy gò ra vơ đồng tiền của làng thì người ta cũng thấy chú nhếch mép lên cười bao giờ. Trái lại, các con bạc lúc cau có, lúc xuýt xoa. cười cợt chớt nhã xô đẩy nhau chen chúc nhau, ai cũng gò lưng cố tìm một chỗ gần sát cái bát để nhìn cho rõ bốn đồng tiền đã làm tiêu tán hết lưng vốn mà họ đã phải đổ bao nhiêu bát mồ hôi để thu nhập trong một năm lao lực nhọc nhằn.
Chú khách hai tay cầm bát lắc lắc mấy cái, tiếng lóc…cóc…của bốn đồng tiền nhảy múa trong bát nghe ròn rã và làm bao trái tim hồi hộp. Những thỏi bạc ném ra va chạm vào nhau kêu loảng xoảng.
Nhà cái lẩm bẩm tính rồi hô to :
- Bán sạch chẳn.
Những tiếng cười ròn rã tiếp theo.
- Cái sợ rồi.
Một phút im lặng, nghiêm trọng như sắp định đoạt số mệnh của mọi người.
Họ nóng nảy giục nhà cái :
- Thôi cái đắt đi.
Chú khách giương cặp mắt vọ nhìn thẳng vào mặt chàng thiếu niên ăn mặc rất lịch sự đứng trước mặt hắn, rồi ném ra một câu :
- Hoàng công tử ?
Phủ Nhâm lắc đầu.
Cái toan thò tay mở, thì bỗng một tiếng gọi giật lại :
- Để đấy !
Một người đàn ông ném gói bạc to bằng cái nồi đất xuống chiếu, tiện tay lật tung cái bát ra :
- Sấp một.
Mọi người reo lên một tiếng, rồi xuýt xoa như phải bỏng. Họ nhìn người đàn ông đang vơ tiền một cách thèm thuồng và ghen tức.
Người ấy trạc độ ngoài 30 tuổi, cao lớn lực lưỡng. Da ngăm ngăm đen, mắt xếch, cầm bạnh ra, nom dữ tợn. Hắn bận y phục rất lịch sự, nom ra phết là tay phú gia công tử.
Lưu Tấn Đường sẽ thích tay Phủ Nhâm thì thầm :
- Tưởng ai, té ra Trẩm Tam.
- Đại huynh có quen hắn không ?
- Có, không ngờ bây giờ hắn sang trọng thế.
Trời đã quá ngọ, mọi người lục tục kéo nhau về.
Tấn Đường gọi to :
- Trẩm huynh! Trẩm huynh!
Trẩm Tam nhìn lại thấy Tấn Đường vòng tay xá tươi cười đáp lại :
- Kìa, Lưu huynh.
Tấn Đường giới thiệu Trẩm Tam với Phủ Nhâm và Trần Hoà, ba người vòng tay thi lễ nhau.
Tấn Đường vổ vai Trẩm Tam nói :
- Cách biệt mấy năm nay, không ngờ bây giờ lại được hội diện. Đại huynh buôn bán chắc gặp thời, nên có vẻ sang trọng lắm.
Trẩm Tam tủm tỉm cười, đáp :
- Thưa vâng. May gặp lúc phục trạch dồi dào, nên thương mại phát đạt lắm. Đệ thường đi các vùng mua ngựa về Hoa Lư bán.
- Ồ! Thảo nào, đại huynh hiện nay ở đâu ?
- Đệ ở Phù Đổng cùng với lão mẫu.
- Đại huynh sang đây chơi phiếm hay có việc gì ?
- Đệ nghe nói vùng này có nhiều ngựa, định sang mua, để Tết xong thì cho lái đánh về Hoa Lư.
- Mỗi chuyến độ bao nhiêu ngựa đi?
- Cách vài tháng lại có một chuyến độ trăm con. Phụ áp tải cũng phải dùng tới năm chục người, tiền ăn đường có khi tốn tới nghìn lượng bạc.
- Úi chà! Nếu vậy thì vốn bỏ ra có tới mười vạn lượng.
- Đệ cùng với mấy người bạn chung vốn kinh doanh, thủ hạ ném đi các nơi để mua ngựa, có tới vài trăm tên. Sự tiêu pha trong nhà tốn kém vô kể.
Mọi người lắc đầu le lưỡi có vẻ khâm phục lắm.
Phủ Nhâm tiếp lời :
- Bây giờ đã quá ngọ, Trẩm huynh về Phù Đổng chắc cũng không kịp. Để kỷ niệm cuộc hội diện lần đầu của chúng ta đệ thành thực mời ba đại huynh lại đằng nhà uống rượu, xem hoa. Các đại huynh nghĩ sao?
Hai người kia đều tán thành, riêng có Trẩm Tam ngần ngừ chưa nhận.
Phủ Nhâm biết ý nói luôn :
- Anh em bốn bể cũng như một nhà, người đời như cánh bèo trên mặt nước, gặp được người tri kỷ chuyện trò ý hợp tâm đầu, thì đáng quý biết bao. Đại huynh giàu sang tột bực, đối với chúng tôi khác nào như núi Thái Sơn với hạt cát. Xin chớ cười chúng tôi đũa mốc lại đòi kề mâm son, thì thật hân hạnh quá.
Tấn Đường cũng hùa thêm vào. Thấy mọi người khẩn khoản mời, Trẩm Tam đành phải nhận lời.
Buổi tối hôm ấy, bốn người chén tạc chén thù, hết chuyện nọ đến chuyện kia, lân la hỏi thăm thân thế và sự nghiệp của nhau. Trẩm Tam thuật cho các bạn nghe cuộc đời luân lạc của mình nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương, phong trần dầy dạn đủ mùi.
Ai ai cũng ngậm ngùi thương cảm. Tiệc rượu đã gần tàn, Trẩm Tam liền hỏi đến thân thế của Phủ Nhâm, Tấn Đường đỡ lời :
- Hoàng huynh đang có một mối ưu phiền, nói ra sợ rởm tai quý khách.
Trẩm Tam nói :
- Nếu đã cho là bạn tâm giao, xin chớ dấu nhau điều gì. May ra đệ giúp ích được phần nào chăng ?
Tấn Đường kể lại câu chuyện của họ Phạm, cùng là mưu mẹo của mình cho Phạm Tất sang đưa tin, lời lẻ của Hồng Thanh nhất nhất thuật lại, không sai mảy may.
Trần Hoà cũng thêm một câu :
- Làm thế nào cho Kim Chung được về thì việc hôn nhân của Hoàng huynh tất xong.
Trẩm Tam gật gù nói :
- Viên Huyện Lệnh Đào Cam Mộc vốn là tay công minh chính trực, xứng đáng là một phúc tinh ở hạt này, trên Hoàng Thượng cũng vị nể, dưới dân sự được hài lòng. Kim Chung cậy biết mình dăm ba chữ, dám khua môi, múa mép, công kích triều đình may mà gặp được vị minh quan thì chỉ tù tội qua loa, chứ gặp phải tay khác thì chả còn đời.
- Trẩm huynh có cách gì để cứu thoát được Kim Chung không?
- Tôi có một người bạn võ nghệ rất giỏi, lại thạo về môn phi thiềm tẩu bích (khoét vách trèo tường). Tôi sẽ bảo hắn nửa đêm, lén vào tư thất Huyện Lệnh dâng thơ minh oan. Đào Cam Mộc vốn người nhân từ bác ái, tất phải xét lại việc của Kim Chung, rồi tha cũng chưa biết chừng.
Tấn Đường vỗ tay nói :
- Kế ấy hay lắm!
Phủ Nhâm rót chén rượu đầy, hai tay nâng đưa cho Trẩm Tam, nói :
- Đệ xin cảm tạ đại huynh trước.
Trẩm Tam đỡ lấy chén rượu đáp :
- Chỗ bạn bè giúp nhau là thường, bất tất phải nói đến ơn với huệ làm gì?
Đêm đã khuya, Phủ Nhâm sợ mọi người say quá, sai dẹp tiệc rượu rồi đi nghỉ.
Sáng hôm sau, Trẩm Tam trước khi đi, căn dặn ba người :
- Đệ cần phải mua vài chục ngựa để kịp đi chuyến sau, phiền các vị cho người hỏi ở vùng này, xem có ai bán thì đúng trưa ngày 28 mang lại nhà Hoàng huynh buộc ở vườn. Hôm ấy đệ sẽ đem người nhà đến mua. Còn việc kia đệ xin tận tâm giúp.
Ba người gật đầu ưng thuận. Trẩm Tam từ ta ra đi, ba người còn đi tiễn một quãng xa mới trở lại.
*
* *
Trẩm Tam về An Phong không phải để tìm ngựa mua mà có một mục đích khác.
Nguyên ở dãy núi Tiên Du vẫn có một bọn vài chục tên cướp ẩn núp trong rừng. Thỉnh thoảng lại ra chận đường bốc lột các khách thương qua lại. Quan quân đi tiêu trừ mãi cũng không hết được. Chúng lẩn lút rât tài tình, nhiều khi lại ăn mặc trá hình thành những dân quê ngớ ngẩn, chất phác, để trà trộn với các khách thương rồi thừa cơ ám hiệu cho đồng đảng ra đánh chận. Dần dần thế lực đầy đủ, chúng cả gan ra đánh phá các làng lân cận, rồi bí mật lập đồn trại trong các hang núi. Chúng có hai tên thủ lãnh rất cừ khôi, là Thắng Bảo và Trẩm Tam.
Trẩm Tam vốn dòng dõi thế gia, nhưng phải tính tình du đãng, thua bạc, bán hết cả sản nghiệp, tính toán công nợ xong, còn bao nhiêu mang đi buôn. Bất đồ gặp cơn đen, vốn liếng thua lỗ hết sạch. Đang lúc ba đào, gặp Thắng Bảo rủ nhập bọn, Trẩm Tam nghĩ mình tiền lưng đã cạn, bạn bè thân thích không ai đành nhắm mắt theo liều.
Từ khi có Trẩm Tam, bọn cướp như hổ thêm cánh, tha hồ hoành hành, Trẩm Tam cậy khoẻ thường một mình một ngựa với dăm bảy tên lâu la, vào các làng giữa ban ngày để cướp phá. Các hương dũng thì nhát như cáy, thấy bóng hắn là hò nhau chạy. Trẩm Tam tự phụ là anh hùng vô địch.
Một hôm giữa ban ngày, Trẩm Tam đem vài chục lâu la đến cướp một trại nhỏ ở Dưỡng Mong. Bất đồ gần đến nơi, thì gặp Tư Chiềng vâng lệnh Đào Cam Mộc mang lính đi tuần qua đấy. Trẩm Tam khinh thường hô lâu la vào giáp chiến. Tư Chiềng cũng quát lính xông vào. Trẩm Tam thấy Tư Chiềng hai tay cầm hai chiếc búa lớn, giật mình nghĩ thầm : “Úi chà! Thằng này có lẻ là Hạng Võ tái sanh”. Hai đầu ngựa vừa chạm nhau, Tư Chiềng quát lên một tiếng thẳng tay bổ xuống một búa. Trẩm Tam cả kinh giữ vững chuôi gươm giơ lên đỡ. Sức búa giáng xuống nặng có tới vài ba trăm cân khí lực. Trẩm Tam đỡ không nổi, tay đau ê ẩm, buông rơi thanh gươm, rồi phóng ngựa chạy mất.
Quân lâu la cũng hò nhau ù té chạy. Tư Chiềng vì chưa thuộc đường nên không dám đuổi.
Trẩm Tam thoát được dưới lưỡi búa, về đến trại kể chuyện cho Thắng Bảo nghe. Thắng Bảo giật mình nói :
- Hiền đệ cả gan dám đọ sức với con hổ đen ấy thì gớm thực. Đối với hắn chỉ nên dùng mưu, chớ cậy khoẻ mà toi mạng.
Từ đấy Trẩm Tam không dám khinh xuất nữa. Đào Cam Mộc cũng biết qua loa về tình hình của bọn giặc cỏ, cử binh đi đánh mấy lần, nhưng chúng rất khôn ngoan. Khi thấy quan quân tới, chúng tản mát mỗi đứa một nơi, trá hình là dân quê, khách thương hay tiều phu. Cam Mộc tới nơi chả thấy dinh trại đâu cả, chỉ thấy một vùng núi non hùng vĩ, cây cỏ âm u, tịnh không thấy bóng người nào khả nghi cả. Thỉnh thoảng lại gặp dăm ba người lom khom với con trâu dưới ruộng, mấy chú tiều đốn củi, cất tiếng hát vang, một bọn bảy tám người Tàu gánh thuốc đi bán. Cam Mộc đành phải kéo quân về. Mấy hôm sau, lại có tin cướp đánh phá một làng, đốt phá vài trang trại. Cam Mộc là người lắm mưu nhiều trí mà cũng đành khoanh tay bó gối.
Bọn cướp vì thế mà được yên ổn ở sào huyệt, ngấm ngầm gây thế lực, đào hầm để tích trữ lương thảo, chiêu dụ các tay hào kiệt, định kế lâu dài. Được ít lâu có ba người nữa đến nhập bọn là Cẩm Thái Hoà, Phương Dịên Tư, và Lương Công Xuý, đều là dư đãng của các sứ quân. Năm vị đầu lĩnh chia nhau đi các vùng, dò la các nhà giàu có định làm một mẻ to vao dịp Tết Nguyên Đán này.
Trẩm Tam đi về hạt An Phong, tình cờ lại gặp Lưu Tấn Đường. Mấy chàng công tử bột thấy Trẩm Tam nói khoác lác, tưởng là thực, hy vọng chứa chan, mong cho chóng đến ngày 28. Ai ngờ chỉ vì cặp mắt xanh mà mang hoạ vào thân, làm cho bao gia đình phải tan nát, bao nhân mạng bị chết oan, gây nên một tấn kịch vô cùng thảm khốc.
Lại nói Trẩm Tam cuốc bộ một mạch gần trưa thì về tới Tiên Du, hội kiến với các đầu lĩnh và thuật lại câu chuyện của Hoàng Phủ Nhâm cho mọi người nghe.
Thắng Bảo mỉm cười nói :
- Hiền đệ định đóng vai hiệp sĩ và nhờ chúng ta giúp một tay chắc?
Trẩm Tam cười đáp lại :
- Tôi định lợi dụng cơ hội, vét một mẻ lớn.
- Xin cho biết ý kiến.
- Hôm nay tôi mang một ít quân giả vờ mua ngựa, rồi đến đem khuya thừa cơ quét sạch thôn Liễu Trang.
Mọi người đều khen là diệu kế, riêng có Phương Diện Tư chỉ ngồi cười nhạt không nói gì.
Thắng Bảo biết ý hỏi luôn :
- Phương huynh có tán thành không?
- Các anh làm như thế chỉ mua lấy cái chết, rút cuộc chẳng ăn thua gì đâu.
- Sao vậy?
- Trẩm huynh mang một nắm quân về định chẹt thôn Liễu Trang, chắc chắn tráng đinh phải chống cự lại, rồi nổi trống báo hiệu. Các làng lân cận sẽ đốt đình liệu truyền tin cho huyện, rồi mang hương dũng, đi chặn đánh các ngả, cứ thoát được khỏi toán quân đó cũng không phải là việc dễ; huống hồ lại phải đương đầu với toán quân tiếp viện của huyện nữa thì dẫu khởi hết quân trên sơn trại đi cũng chẳng làm gì nổi. Đến cả năm chúng ta hợp sức lại cũng chưa chắc đở nỗi ngọn búa của Tư Chiềng, lại thêm ngọn sà mâu thần xuất quỷ nhập của Đào Cam Mộc nữa thì đánh với chác thế nào được.
Mọi người bấy giờ mới nghĩ ra ngồi yên lặng đờ mặt. Thắng Bảo chép miệng :
- Hoài của, cơ hội tốt quá mà bỏ qua mất.
Phương Diện Tư tiếp lời :
- Ta phải dùng mẹo mới được. Các anh có bằng lòng để tôi điều khiển cuộc hành binh này không?
Bốn người kia đều giơ tay hô to :
- Xin bằng lòng.
Phương Diện Tư thì thầm với các đồng chí một lúc, ai nấy gật đầu tỏ ý vui mừng.
Thấm thoát đã đến ngày 28, Trẩm Tam nhận tướng lệnh cưỡi ngựa mang ba chục lâu la về Liễu Trang. Vừa đến chợ đã thấy Phủ Nhâm, Trần Hoà, và Tấn Đường đợi từ lâu. Trẩm Tam xuống ngựa vòng tay thi lễ rồi giao ngựa cho một tên lâu la giữ, đi bộ với ba người về nhà Phủ Nhâm. Đến nơi đã thấy hơn hai chục con ngựa sẵn sàng đợi lấy tiền, Trẩm Tam giả vờ xem qua loa rồi nói :
- Sớm mai, các người đến đây nhận tiền. Hôm nay tôi còn bận đàm đạo với Hoàng công tử.
Mọi người đều ra về.
Bọn lâu la lấy gạo thổi cơm, mổ lợn, chè chén say sưa, rồi dắt ngựa đi rong khắp xóm, thừa cơ dò xét các đường ngang ngỏ tắt cùng là các nhà giàu nghèo để hành sự.
Hoàng hôn đã nhuộm một màu tím sẩm cảnh vật thôn quê. Bầu trời dần dần bị màn đen phủ kín. Một tiếng chim kêu rùng rợn như báo hiệu một sự nguy hiểm sắp xảy ra. Gió lạnh rít qua những cành lá, não nùng như tiếng rên siết của tử thần.
Trẩm Tam ngồi uống rượu chỉ chuyện trò ba hoa đâu đâu, không hề đả động đến công việc của Phủ Nhâm, rồi thoái thoát đau bụng xin đi nghỉ sớm. Mọi người cũng giải tán. Các lâu la đề phòng cẩn thận, chỉ đợi hiệu lệnh là ra tay…
Chợt một tiếng pháo nổ vang trời, làm mọi người thức dậy; rồi tiếp đến ánh lửa bốc cháy ngùn ngụt ở mấy nếp nhà tranh. Chó trong xóm đua nhau sủa ran. Trẩm Tam rút dao hô quân phá tan cổng lớn. Quân tiếp viện ở ngoài kéo vào, reo hò ầm ỉ, đuốc cháy sáng rực như ban ngày. Cẩm Thái Hoà đi đầu, tay cầm đại đao đánh thóc vào nhà giữa, Hoàng Phủ Cân cũng chưa ngủ, thấy có biến vội với lấy thanh gươm chạy ra ngoài. Vừa hay Thái Hoà vào tới nơi.
Phủ Cân quát to :
- Quân cướp dám trêu vào tay ta.
Thái Hoà không nói vung đao lên chém. Một già một trẻ đánh nhau được mấy hiệp, thì lâu la kéo vào đầy nhà, xúm vào đâm chết Phủ Cân, rồi hò nhau phá tủ, vơ vét hết vàng bạc châu báu. Phủ Nhâm may chạy thoát được. Trẩm Tam và Thái Hoà sai chất thóc lúa, vàng bạc, quần áo, lên lưng ngựa rồi phóng hoả đốt nhà. Chúng lại kéo nhau sang nhà Trần Hoà và Tấn Đường, vơ vét một mẽ nữa. Tấn Đường chạy lớ ngớ thế nào lại bị Trẩm Tam tóm được.
Trẩm Tam quát hỏi :
- Nhà Phạm Thị ở đâu ?
Tấn Đường run lập cập…lắp bắp nói :
- Bẩm…bẩm…à, đệ…đệ…vâng, tôi xin đưa đi.
Lúc ấy Hồng Thanh cũng chưa đi ngủ, đang ngồi khâu, chợt thấy tiếng quát tháo, giật mình chưa hiểu ra sao thì đã thấy bọn đầu trâu, mặt ngựa ầm ầm phá cửa kéo vào. Trẩm Tam sồng sộc tiến vào giữa nhà, tay cầm đuốc. Hồng Thanh sợ quá, nép sau cái bồ thóc để ở góc nhà.
Trẩm Tam lôi nàng ra, soi đuốc nhìn mặt, tấm tắc khen :
- Rõ là một trang tuyệt sắc.
Hồng Thanh khóc ầm lên xin cứu mạng. Trẩm Tam dỗ dành :
- Nàng chớ sợ. Ta không có ý hại nàng đâu. Đi với ta sẽ được một đời sung sướng.
Thái Hoà sai lâu la phá tủ lấy hết vàng bạc, quần áo, xếp lên lưng ngựa rồi phóng hoả đốt nhà. Phạm Thị chết thiêu trong đống lửa. Bấy giờ tiếng trống báo hiệu vang dội khắp nơi. Những cây đình liệu ở ngoài đồng đốt cháy ngùn ngụt. Các tráng đinh chia nhau một nửa đi chữa cháy, một nửa chống cự với giặc. Nhưng một nhóm người đánh sao nổi? Bọn lâu la hung dữ như hùm beo, gặp người là giết, gặp nhà là đốt, làm cho thôn Liễu Trang phút chốc biến thành một bể lửa.
Thấy dân chúng chết nhiều, Thái Hoà động lòng thương, hạ lệnh dừng tay tàn sát, và sai đánh ngựa ra về. Trẩm Tam xốc Hồng Thanh lên lưng ngựa ra roi phóng đi.
Hương dũng ở các làng lân cận, rúc tù và liên hồi, nhưng chỉ chia nhau canh giữ làng chứ không dám ra ngoài.
Dưới ánh lửa, Lê Phùng thấy tên tướng cướp mang Hồng Thanh đi, nghĩ được một mẹo, quay về nhà lấy chiếc nỏ, rồi đi tắt cánh đồng đến chợ, nấp vào gốc cây chờ. Quả nhiên, Trẩm Tam bắt được Hồng Thanh mừng quá, định phóng ngựa về trước, nhưng bị hương dũng đón đánh phải dừng lại chống cự, gìn giữ cho lâu la.
Đánh nhau một lúc lâu; hương dũng không thấy quân ở huyện về tiếp viện, lại phải rút lui. Trẩm Tam để Thái Hoà đi chận, còn mình phóng ngựa đi trước. Lê Phùng đợi cho Trẩm Tam đi qua, bắn một phát tên trúng tay, tướng giặc kêu to lên một tiếng, rời đuốc, ngã ngựa. Hồng Thanh lúng túng suýt nữa cũng ngã nốt, nhưng may bám được cổ ngựa. Lê Phùng vội chạy ra đỡ lấy Hồng Thanh khẽ nói :
- Tôi Lê Phùng đến cứu cô, chạy mau kẻo giặc đến thì nguy.
Nói đoạn, chàng dắt tay Hồng Thanh giục đi mau; hai người rẽ xuống ruộng, rồi cứ men bờ chạy bạt mạng trong bóng tối.
Cẩm Thái Hoà đi đằng sau thấy tiếng Trẩm Tam kêu, tưởng có quân địch đánh úp, vội phóng ngựa lên, cầm đuốc soi, thấy Trẩm Tam nằm ở dưới đất, vội nhảy xuống ôm xốc lên quát gọi lâu la lên cứu ứng. Trẩm Tam ngã đau, cánh tay bị thương máu chảy thấm qua mấy lần áo, gượng ngồi lên ngựa, nghĩ đến Hồng Thanh tiếc ngơ ngẩn cả người, nhưng không biết làm thế nào, đành nuốt giận về trại.
Lại nói Thắng Bảo lãnh mật kế của Phương Diện Tư cho quân ăn mặc giả làm dân quê đi chợ, tản mác về phía Đại Thượng. Đến tối quân sĩ tập trung ở cánh đồng, rồi nổi tiếng reo hò, phóng hoả đốt mấy túp lều ở ven đồi, đốt đuốc sáng rực. Hôm ấy Đào Cam Mộc vừa ăn cơm xong, thấy lính vào báo có động, vội ra ngoài sân trèo lên chòi nhìn. Đồng thời trống ở các làng cũng nổi lên, tiếng tù và rúc liên hồi. Cam Mộc gọi Tư Chiềng truyền lệnh :
- Tráng sĩ đem năm chục lính chia hai đường tiến đánh. Ta sẽ tiếp ứng sau.
Tư Chiềng vâng lịnh đem quân đốt đuốc đi. Quân lính vừa đi khỏi thì chợt lại thấy về phía Cẩm Giang, ánh sáng rực trời, trống kêu inh ỏi, tiếng hò reo ầm ỉ, Cam Mộc giật mình nghĩ bụng :
- Có lẽ chúng định cướp huyện chắc.
Cam Mộc nai nịt cẩn thận, cầm mâu lên ngựa, truyền cho quân lính canh phòng cẩn mật.
Chợt thám tử về báo :
- Bẩm, giặc từ Cẩm Giang lại đông lắm.
Cam Mộc gọi vợ dặn dò :
- Phu nhân thay tôi giữ gìn huyện, tôi phải ra cự địch với giặc.
Lê Vân vâng lời. Cam Mộc vừa mang quân đi khỏi được ít lâu, thì đằng sau ngọn lửa ở trại lính bốc lên ngùn ngụt, tiếng người reo hò ầm ỉ, nhìn đằng trước tối bưng không một ánh lửa.
Cam Mộc không hiểu thế nào, đành kéo quân trở lại. Về đến huyện thấy Lê Vân cầm gươm đang thúc quân lính cứu hoả. Cam Mộc vội hỏi :
- Giặc đâu ?
Lê Vân ngạc nhiên đáp :
- Không biết, chỉ thấy gian bếp bốc lửa, thiếp vội thúc quân cứu hoả chứ giặc thì tịnh không thấy một tên.
Đang lúc nghi hoặc thì Tư Chiềng kéo quân về thưa :
- Trình thượng quan, chúng tôi đến nơi thì giặc đã rút lui rồi. Xin về phục mệnh.
Cam Mộc truyền quân sĩ phải đề phòng cẩn thận, rồi về nghỉ.
Sáng hôm sau, Cam Mộc đăng đường, cho gọi mấy người dân làng lên hỏi thì ai cũng trả lời rằng giặc chỉ đánh trống reo hò, rồi rút lui chứ không cướp phá làng nào cả. Các nha lại đang bàn tán về cách hành động kỳ quặc của giặc, thì bỗng thấy tiếng người kêu khóc, rồi thấy lính đưa vào một bọn vừa đàn ông đàn bà ước độ ba, bốn chục người đi đầu là một thanh niên tiến lên thềm quỳ xuống, nước mắt chảy ròng ròng.
- Nhà ngươi là ai ?
- Bẩm, con là Hoàng Phủ Nhâm, quán xã Liễu Trang, huyện An Phong. Đêm hôm qua, làng chúng con bị giặc cướp phá, nhà con bị thiêu huỷ, tiền bạc hết sạch. Giặc lại hạ sát thân phụ con, xin trình thượng quan soi xét.
- Còn những người kia?
- Chúng con là chủ nhân các gia đình bị giặc đốt phá.
Cam Mộc bảo nha lại biên cung rồi hỏi :
- Xã trưởng đâu?
- Dạ.
- Làng bị cướp sao không đốt đình liệu để báo huyện?
- Bẩm, có nhưng không thấy huyện về tiếp ứng.
Cam Mộc đờ người một lúc, rồi chợt nghĩ ra, vỗ tay xuống sập quát to :
- Thôi, ta bị quân giặc đánh lừa rồi.
Nói đoạn, Cam Mộc vẫy tay cho mọi người lui r và gọi một mình Phủ Nhâm lên hỏi :
- Tình hình đêm qua thế nào, nói ta hay. Cứ thực thà kể lại.
- Ai cầm đầu hương dũng ?
- Bẩm, Lê Phùng.
- Hương dũng có chống cự với giặc không?
- Bẩm có, nhưng quả bất địch chúng nên bị chết rất nhiều.
- Lê Phùng đâu?
- Bẩm, hắn đi mất tích không thấy về.
- Hay bị giặc giết ?
- Bẩm, không chắc, vì sáng ngày chúng con đổ đi tìm, nhưng không thấy xác.
- Lê Phùng có ác cảm gì với nhà người không?
Phủ Nhâm thuật lại câu chuyện hôn nhân, cùng là lời hứa hẹn của Hồng Thanh.
Cam Mộc gật đầu hỏi :
- Ngươi có tin Lê Phùng làm nội ứng cho giặc không?
- Bẩm, có lẽ hắn mượn tay giặc để cướp Hồng Thanh nên mới có cử chỉ khả nghi như vậy.
Cam Mộc truyền dẫn Kim Chung lên hầu. Kim Chung tuy bị giam, nhưng được đối đãi tử tế, cơm nước, quần áo thay đổi đều đủ dùng. Mấy tháng trời ở trong ngục, ông hối vì đã làm liều, cũng định nếu có dịp gặp Huyện Lệnh sẽ tạ lỗi. Nghĩ đến vợ con, ông chỉ gạt nước mắt khóc thầm, vẩn vơ trăm mối bên lòng, phần lo cho thân mình, phần lo cho HồngThanh không khéo sợ quá mà thành bệnh. Thấy có lệnh đòi, ông phân vân chưa biết hay dở ra sao, cũng liều nhắm mắt bước đi, sống chết nhờ trời. Tới công đường, Kim Chung thoáng trông thấy Phủ Nhâm cũng đứng ở đấy, nhưng làm lơ không biết quỳ xuống làm lễ.
Đào Cam Mộc lặng yên một lúc, rồi cất tiếng hỏi :
- Nhà người đã biết tội chưa ?
- Bẩm thượng quan, chúng con đã biết tội rồi.
- Bản chức thấy nhà ngươi có tài, nên không nỡ ra hình, ý muốn để cho hối lỗi, rồi sẽ phóng thích. Ngươi nên nhớ mấy lời ta khuyên : phàm ở đời, kẻ có tài phải biết dùng cái tài của mình để giúp ích cho quốc gia, xã hội. Nước ta hiện nay đang trông cậy vào sự cộng tác thành thực của các bậc anh tài. Nhà ngươi có chút học thức, lẽ phải đem khả năng của mình để phụng sự Hoàng Thượng, lại bắt chước mấy tay hủ nho, khư khư ôm lấy cái tư tưởng yếm thế, tiêu dao ngày tháng bên cạnh khóm trúc cụm hoa, khinh mạn người trên. Rồi lại lớn tiếng công kích những công việc ích nước lợi dân, và gieo một mối hoài nghi vào tâm hồn chất phác của mọi người. Nhà ngươi đã khổ tâm đọc sách, mà không biết đem cái học sở đắc để nâng cao phẩm giá của mình, để giúp ích cho những kẻ hậu tiến thì thật đáng tiếc quá ! Ta thường nghe nói nhà ngươi vẫn tự phụ là cao sĩ, ngồi trong nhà mà tính việc ngoài nghìn dặm, vậy nhà ngươi đã biết việc xảy ra trong phạm vi gia đình của ngươi chưa?
Kim Chung đoán có lẻ Phủ Nhâm thù mình vì từ hôn, nên kiếm chuyện, mới lựa lời thưa :
- Gia đình chúng con xưa nay, vẫn làm ăn lương thiện, thực không gây oán thù với ai cả. Tiện nội ngu dốt, cư xử với mọi người rất vụng về, hoặc có điều gì sơ sót mà mang tội với pháp luật chăng?
Cam Mộc mỉm cười nói :
- Rồi sẽ biết. Nay nhà ngươi đã biết hối cải thì ta cũng rộng lòng tha cho về.
Kim Chung mừng rỡ lạy tạ ơn.
Cam Mộc ngoảnh lại, bảo nha lại :
- Cắt người phi ngựa về triều dâng sớ xin viện binh mới có thể đánh được.
- Bẩm, còn Lê Phùng?
- Sắc giấy tróc nã, vì tư thông với giặc.
Chỉ trong vài hôm mà cái tin triều đình sẽ cử đại binh đi tiểu trừ bọn giặc ở rừng ngang, đã lọt vào tai bọn thám tử của Thắng Bảo. Ở các làng, giấy sắc về cho hương dũng phải chuẩn bị cấp tốc để tiếp ứng cho quân triều đình. Những tờ giấy vàng to bằng nửa chiếc chiếu dán la liệt ở trên mặt tường, báo cáo cho dân chúng phải tìm mọi biện pháp đề phòng cuộc tấn công bất thần của giặc. Dưới là một tờ giấy khổ hẹp hơn có vẽ chân dung của Lê Phùng với mấy hàng chữ sau đây :
“Huyện Lệnh….
Sắc cho các xã trưởng, trại chủ, hương dũng, tróc nã tên Lê Phùng, quán xã Liễu Trang, đã tư thông với bọn giặc rừng ngang. Kẻ nào manh tâm che đậy dấu diếm… Lê Phùng ở trong nhà sẽ bị kết tội đồng loã với giặc . – Nay sắc…. ”
Nhiều người cũng biết Lê Phùng bị ngờ oan, nhưng không dám nói, chỉ thở dài, ái ngại hộ. Các hương chức khi nhận được giấy sắc của huyện cấp tốc tổ chức những cuộc canh phòng cẩn mật, khám xét kẻ qua người lại rất ngặt; phàm những chợ búa, bến đò, đình chùa đều có hương dũng canh gác, lính huyện đi tuần sầm sập suốt ngày.
Bọn lâu la thám thính đem tin đó về trình báo cho các thủ lĩnh biết. Thắng Bảo hội họp các đồng chí lại bàn.
Trẩm Tam và Lương Công Xuý quyết ở lại chống cự với quân triều đình. Cẩm Thái Hoà ngồi yên không nói gì. Chỉ có Phương Diện Tư tiếp lời :
- Quân ta ít, phải lén trong rừng giữ nhau với huyện còn khó, huống hồ lại phải đương đầu với hai đạo quân khác. Bất nhược ta chia tay nhau một ít vàng bạc, rồi hãy giải tán để tránh một cuộc đổ máu, Các đại huynh nghĩ thế nào ?
Mọi người đều tán thành. Ngay hôm ấy bọn giặc thu thập vàng bạc châu báu ăn mặc trá hình là dân quê rồi bí mật rút đi hết. Kim Chung được tha, cùng với Phủ Nhâm dắt díu nhau về An Phong. Đi đường, Phủ Nhâm thuật lại cho Kim Chung biết tình hình ở nhà, Kim Chung oà lên khóc lóc rất thảm thiết.
Khi về trông đến nhà thì chỉ còn là đống tro tàn, xóm làng đến hỏi thăm, Kim Chung gạt nước mắt nói :
- Tiện nội bạc phúc bị táng mình trong đống lửa, thôi cũng là yên phận. Tôi chỉ thương hại cho con bé cháu không biết sống chết thế nào. Thân gái liễu yếu đào tơ mà sa vào tay quân cường bạo thì tránh sao khỏi bị nhục.
Mọi người đều hết lời khuyên giải.
Phủ Nhâm bấy giờ cũng lâm vào cảnh khổ. Nhà cửa bị thiêu huỷ, tiền bạc mất hết. Trần Hoà và Lưu Tấn Đường thì cũng sống dở, chết dở. Đương lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, phút chốc thành kẻ cùng đinh, hai bàn tay trắng. Ba người nhìn nhau tủi thân khóc lóc, tự nghĩ xưa nay mình làm nhiều điều ác, nên quả báo nhãn tiền. Quanh quẩn nơi chỗ họ hàng mấy hôm, ba người bàn nhau đi kiếm ăn nơi khác.
Kim Chung thì vợ chết, con mất tích, nghĩ cũng chán cảnh đời. Chợt nhớ đến người em họ ở Siêu Loại, ông nhất quyết sang đó để nương tựa em; và để khỏi trông thấy mảnh đất quê hương, nơi vừa diễn xong tấm thảm kịch và đã chôn vùi cả hạnh phúc của một đời người lương thiện .