watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Giải đáp một số thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ-Chương 2: Bắt đầu cho trẻ bú mẹ - tác giả Nguyễn Thị Kim Hưng Nguyễn Thị Kim Hưng

Nguyễn Thị Kim Hưng

Chương 2: Bắt đầu cho trẻ bú mẹ

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hưng

6. Bữa bú đầu tiên của bé nên bắt đầu từ lúc nào?
Thời gian quan trọng nhất cho việc bú sữa mẹ là những ngày đầu tiên tại bệnh viện, lần bú đầu tiên của trẻ nên thực hiện trên bàn sinh:
- Đắp ấm mẹ và con.
- Mẹ để con nằm trên ngực và cho bú. Đó là thời gian tốt nhất tập cho trẻ bú.
Cho trẻ bú sớm sau sinh rất quan trọng vì điều đó sẽ gắn bó mẹ và con, giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi và kéo dài.
7. Làm thế nào để mau xuống sữa?
Sau khi sinh, cố gắng cho con gần mẹ càng sớm càng tốt. Con cần nằm chung giường với mẹ hoặc nằm trong nôi cạnh mẹ. Sự tiếp xúc giữa mẹ và con qua cái nhìn trìu mến, sự đụng chạm, ôm ấp, vuốt ve... và đặc biệt là việc cho bú sữa non sớm sẽ giúp mẹ mau xuống sữa. Khi sữa đã bắt đầu xuống, việc cho bú thường xuyên sẽ giúp sữa xuống nhiều và nhanh hơn.
8. Ngay sau khi sinh, có cần cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo không?
Sau khi sinh, trẻ cần được cho bú sữa non ngay trong 1-2 giờ đầu. Ngoài sữa non, không nên cho trẻ uống bất kỳ một loại thức uống nào khác.
Trước đây, vì nhiều lý do, một số bà mẹ thường cho trẻ uống nước cam thảo, nước chanh, nước lọc, mật ong pha loãng hoặc sữa bột trước khi cho con bú sữa non. Thật ra, chỉ cần một ít sữa non cũng đã đủ cho trẻ trong khoảng thời gian đầu và việc cho uống các loại nước khác có thể gây hại như sau:
* Ảnh hưởng đối với trẻ
- Trẻ không được bú sữa non sẽ dễ mắc bệnh vì các loại đồ uống nhân tạo rất dễ nhiễm khuẩn, khiến trẻ bị dị ứng, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy... Nước cam thảo gây tiết đàm nhớt, làm trẻ nghẹt thở.
- Trẻ có thể không chịu bú mẹ vì không còn cảm thấy đói.
* Ảnh hưởng đối với mẹ
- Sữa chậm xuống vì trẻ mút ít.
- Sau khi xuống sữa, trẻ mút ít sẽ làm vú bị căng tức và dễ dẫn đến viêm vú.
- Mẹ cảm thấy khó khăn khi cho trẻ bú và không muốn cho trẻ tiếp tục bú mẹ.
Chỉ cần hai lần bú bình cũng có thể làm thất bại việc cho con bú sữa mẹ.
9. Cho bú như thế nào để mẹ có nhiều sữa và bé bú tốt?
- Mẹ nên thường xuyên bế con và cho bú khi nào bé đòi bú. Lúc đầu bé có thể bú thất thường; sau khoảng hai tuần lễ, cữ bú sẽ ổn định hơn.
- Không nên quy định số bữa bú và khoảng cách giữa hai lần bú cho mọi trẻ, vì mỗi trẻ có nhu cầu bú khác nhau. Việc mút vú thường xuyên sẽ kích thích sản xuất prolactin, giúp xuống sữa sớm hơn.
- Cho bú theo nhu cầu sẽ tránh được hiện tượng ứ sữa. Ngay sau khi lọt lòng mẹ, trẻ phải được cho bú bất cứ lúc nào trẻ đòi bú.
- Nếu trẻ không đòi bú thường xuyên (có nhiều trẻ rất yên lặng và không khóc khi đói), cần theo dõi. Nếu thấy trẻ không tăng cân đều, cần cho bú nhiều hơn mà không cần đợi trẻ đòi bú.
- Nếu trẻ đòi bú liên tục (chưa đến một giờ lại đòi bú), có thể do mẹ bế không đúng cách nên trẻ không nhận đủ sữa; điều này sẽ làm cho mẹ kiệt sức. Do vậy, cần cho trẻ bú đúng tư thế.
- Nếu mẹ có nhiều sữa, nên cho bú hết một bên vú này (để lấy được sữa cuối nhiều chất bổ) rồi hãy cho bú vú bên kia nếu bé còn muốn bú. Không được cho bú một nửa bên vú này rồi một nửa bên vú kia, vì bé sẽ không nhận được sữa cuối, chậm tăng cân và có thể bị đau bụng. Bà mẹ cũng có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi cho uống phần sữa trong ly sau (bằng muỗng) nếu bé còn uống thêm được.
* Thời gian cho bú
- Nhiều trẻ chỉ bú trong vòng 5-10 phút, nhưng có một số trẻ bú lâu tới nửa giờ cũng không sao.
- Với những trẻ bú chậm, nếu cho ngừng bú trước khi trẻ muốn ngừng thì trẻ sẽ không nhận được đủ sữa. Điều này rất không có lợi vì sữa cuối cữ bú rất giàu chất béo, giúp cho trẻ mau lớn. Hãy cho bú bất cứ khi nào trẻ muốn và cho bú bao lâu tùy thích.
* Cho bú hai bên vú như thế nào?
- Trẻ khỏe thường bú cả hai bên vú cho mỗi cứ bú.
- Nhiều bà mẹ cho bú thuận một bên, bên ít cho bú sẽ giảm và ngừng tiết sữa.
- Hãy cho trẻ bú hết một bên vú để bảo đảm cho trẻ được bú sữa cuối. Sau đó cho bú tiếp vú bên kia nếu trẻ còn muốn bú.
* Cho bú đêm
- Nên cho bú đêm nếu trẻ muốn bú.
- Bú đêm sẽ tạo nhiều sữa vì trẻ mút nhiều.
- Bú đêm rất cần cho trẻ khi mẹ đi làm.
10. Vì sao bé sụt cân trong những ngày đầu?
Mấy ngày đầu, bé sẽ bị sụt cân, có khi sụt tới 10% số cân sau khi sinh. Đó là do cơ thể trẻ phải tập thích nghi với môi trường bên ngoài và có sự thay đổi về dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau khi được bú sữa mẹ, trẻ bắt đầu lên cân trở lại và sau 10 ngày phải đạt số cân lúc mới sinh. Trẻ được bú ngay sau khi sinh sẽ lấy lại số cân nhanh hơn những trẻ không được bú ngay.
11. Có nên lau vú trước khi cho bé bú không?
Vệ sinh vú trước mỗi lần cho bú là không cần thiết, nhất là việc dùng xà phòng sẽ làm mất chất nhờn tự nhiên của núm vú, da vú sẽ khô và dễ bị tổn thương, nứt núm vú. Mỗi ngày chỉ cần rửa núm vú một lần khi tắm.
Giải đáp một số thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ
Chương 1: Những điều cần biết khi nuôi con bằng sữa mẹ
Chương 2: Bắt đầu cho trẻ bú mẹ
Chương 3: Nuôi con bằng sữa mẹ và một số vấn đề liên quan
Chương 4: Những khó khăn thường gặp khi cho con bú
Chương 5 - Ăn dặm và sữa mẹ
Chương 6: Một số tình huống đặc biệt