Chương 5 - Ăn dặm và sữa mẹ
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hưng
29. Vì sao cần tập cho trẻ ăn dặm sau 4-6 tháng tuổi?
Bé được bú mẹ hoàn toàn ít nhất cho đến khi tròn 4 tháng tuổi mà không cần cho uống thêm nước hay bất kỳ một loại thức ăn nào khác trong thời gian này. Sau đó, trẻ lớn nhanh hơn và sữa mẹ thường không đủ cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi.
Tuy đã ăn dặm, trẻ vẫn rất cần sữa mẹ để tiếp tục lớn. Do đó, nên cho bú mẹ tiếp tục cho đến khi trẻ được 2 tuổi (trong suốt năm thứ hai, sữa mẹ cung cấp được một phần ba số năng lượng và chất đạm mà trẻ cần). Trẻ không thể lớn và có sức khỏe tốt nếu chỉ ăn thức ăn khác mà không có sữa mẹ hoặc chỉ bú mẹ mà không ăn dặm.
30. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm lúc nào là tốt nhất?
Không thể quy định cụ thể một thời điểm cố định để cho trẻ bắt đầu tập ăn những thức ăn mới (hay còn gọi là ăn dặm hoặc ăn sam), vì mỗi cơ thể trẻ đều khác nhau và các bà mẹ cũng khác nhau. Nhiều bà mẹ có đủ sữa cho con bú tới 6 tháng tuổi hoặc hơn nữa (có thể đến 9, 10 tháng), nhưng cũng có trẻ cần phải bổ sung thức ăn khác ngoài sữa mẹ khi được 4 đến 5 tháng tuổi. Tuy vậy, phần lớn trẻ em cần được tập cho ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ là khi trẻ tròn 4 đến 6 tháng tuổi.
Bà mẹ bắt đầu nghĩ đến việc cho con ăn dặm khi trẻ được 4 tháng tuổi. Nếu trẻ bú mẹ và tăng cân tốt thì có thể chưa cần tập ăn dặm, cho đến khi nào thấy trẻ có dấu hiệu không tăng cân hoặc chậm tăng cân, thì dù đang bú mẹ tốt vẫn phải bắt đầu cho ăn dặm. Việc này là để giúp cho trẻ luôn nhận đủ thức ăn.
* Làm thế nào để biết trẻ đang nhận đủ thức ăn?
Nên cân và đánh dấu vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ thường xuyên mỗi tháng, nối các điểm lại tạo thành "đường biểu diễn cân nặng" để đánh giá sự phát triển của trẻ:
- Trẻ tăng cân tốt: đường biểu diễn cân nặng của trẻ chạy chếch lên và song song với đường cong tăng trưởng in trong biểu đồ (xem câu 40), chứng tỏ trẻ đang nhận đủ thức ăn so với tuổi của trẻ.
- Trẻ chậm tăng cân hoặc không tăng cân: Đường tăng trưởng đi lên rất ít, nằm ngang hoặc đi xuống cho thấy trẻ phải cần nhiều thức ăn hơn:
+ Nếu trẻ dưới 4 tháng tuổi: Cần cho bú mẹ thường xuyên hơn và kéo dài thời gian, cữ bú.
+ Trẻ trên 4 tháng tuổi: Vẫn cho trẻ bú mẹ và cần tập cho trẻ ăn dặm ngay.
Tuy vậy, mặc dù trẻ 4-6 tháng tuổi đang tăng cân tốt với sữa mẹ, vẫn nên tập cho trẻ ăn dặm cho quen bằng một ít bột dinh dưỡng ngọt nấu loãng. Trẻ vẫn phát triển chủ yếu nhờ sữa mẹ, còn ăn dặm chỉ là tập thêm cho quen.
* Những dấu hiệu cho thấy trẻ đã có thể bắt đầu ăn dặm:
- Trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi.
- Bắt đầu mọc răng.
- Có thể ngồi dựa vào chỗ tựa.
- Bốc đồ vật trước mặt đưa vào miệng ngậm.
- Trẻ vươn tay tới đĩa thức ăn của mẹ đang ăn...
Ở trẻ 6 tháng tuổi, cơ thể đủ men tiêu hóa cho phép trẻ ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
31. Tập cho trẻ ăn dặm với những thức ăn nào?
Bột loãng là loại thức ăn mềm nhất mà trẻ có thể nuốt. Trẻ càng lớn thì làm bột đặc dần, sau đó dần dần cho thêm dầu, thịt, cá, rau... với nguyên tắc từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, từ một loại đến nhiều loại.
- Khẩu phần ăn của trẻ phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, rau củ và dầu mỡ) với sự thay đổi món đa dạng, đủ lượng và đủ chất. Nếu trẻ ăn thiếu một trong 4 loại thực phẩm này đều làm cho trẻ không phát triển tốt được.
+ Chất bột đường: có trong các loại gạo, bột mì, khoai mì, khoai lang, bắp, đường ăn các loại...
+ Chất đạm: nhiều trong các loại thịt động vật, cá, tôm, cua, gan, trứng, các loại đậu như đậu nành (đậu hũ), đậu phộng, đậu xanh, đậu đen...
+ Chất béo: các loại dầu ăn, mỡ động vật, trong đậu phộng, mè...
+ Vitamin: các loại rau có lá màu xanh, trái cây tươi. Mặt khác, rau quả còn có chất xơ giúp trẻ không bị táo bón.
- Cần ghi nhớ là trẻ chỉ nhận được chất bổ dưỡng trong miếng thịt, lá rau... khi trẻ ăn cả phần cái (phần xác), còn nước hầm xương, luộc thịt, luộc rau thì có rất ít chất bổ dưỡng.
- Vào khoảng 8 đến 12 tháng tuổi, trẻ có thể ăn cháo và một số loại thức ăn mềm của người lớn. Đến khi trẻ mọc đủ răng hàm (khoảng 2 tuổi) thì có thể ăn cơm được.
Lượng thức ăn cần thiết của trẻ:
+ Trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi: Tập dần từ vài muỗng một ngày, chia làm 2 lần rồi tăng dần dần 6 tháng thì đạt 2 chén bột loãng 5% một ngày (kèm bú mẹ).
+ Trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi: ăn 3 chén bột đặc 10-15% một ngày. Trẻ 8 tháng tuổi có thể cho ăn cháo (thay món với bột). Bé bú mẹ và cho ăn thêm trái cây, yaourt...
+ Trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: Ăn 3 đến 4 chén bột, cháo mỗi ngày (kèm bú mẹ). Có thể cho ăn những loại thức ăn mềm khác như phở, bún, nui, mì... để đổi món cho trẻ (kèm bú mẹ).
+ Trẻ khoảng 24 tháng thì có thể cho ăn cơm nát rồi cơm hạt như người lớn và 2-3 bữa phụ (1 ly sữa, hũ yaourt, trái chuối, trái bắp...).
- Trẻ nhỏ thì dạ dày trẻ cũng nhỏ. Vì vậy, cần chia nhỏ các bữa ăn của trẻ, hay nói cách khác trẻ cần ăn nhiều bữa hơn (khoảng 5 đến 6 bữa trong một ngày). Nếu bà mẹ không đủ thời gian, phải chuẩn bị sẵn tại nhà những thứ có thể làm nhanh như sữa, bột...
- Nếu trẻ ăn ít thì phải chú ý cung cấp các bữa ăn có chất lượng. Dầu mỡ, margarin, đậu phộng, các loại đậu khác, đường, thịt, cá, trứng, sữa, gan... rất giàu năng lượng.
32. Bé chưa được 4 tháng tuổi, nhưng khi mẹ thử cho ăn bột thì bé có vẻ thích và ăn nhiều, như vậy có tốt không?
Khi mẹ cho ăn bột hoặc các thức ăn khác trước khi trẻ tròn 4 đến 6 tháng tuổi, điều này đưa đến hai nguy cơ:
- Trẻ dễ bị tiêu chảy vì không thể tiêu hóa được thức ăn, hoặc bị đưa vi trùng từ ngoài vào qua nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn.
- Bé bú mẹ giảm và kéo theo lượng sữa mẹ giảm.
Khi cho trẻ uống nước hoặc ăn thức ăn khác sẽ làm trẻ không cảm thấy đói hoặc khát, làm trẻ không muốn bú mẹ nữa. Trẻ cũng dễ bỏ bú mẹ vì bú sữa ngoài thường ngọt hơn, bú bình thì dễ hơn và không phải mút mạnh, hoặc do thức ăn không tiêu nằm lâu trong dạ dày trẻ... Tuy nhiên, điều đó rất nguy hiểm và làm cho trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Trẻ đã không được nhận các chất chống bệnh từ sữa mẹ mà còn phải nhận thêm nhiều vi trùng khác từ thức ăn đưa vào.
Do đó, không nên cho bé ăn hoặc uống bất kỳ một thức ăn, thức uống nào khác sữa mẹ trước 4 tháng tuổi.
Mẹ cảm thấy cần cho trẻ uống thêm nước vì:
- Sợ trẻ khát: Điều này là không cần thiết vì trong sữa mẹ đã có đủ lượng nước cần thiết cho trẻ. Nếu thấy trẻ có vẻ khát thì hãy cho bú, trẻ vừa hết khát lại vừa được cung cấp thêm chất dinh dưỡng để phát triển.
- Để làm mềm phân và dễ đi tiêu: Sữa mẹ là loại thức ăn dễ tiêu hóa nhất, có tác dụng nhuận trường và cho ra phân mềm nhất.
Khi nào trẻ cần cho uống thêm nước?
- Khi nuôi trẻ nhân tạo (nuôi bằng sữa khác sữa mẹ) thì cần cho trẻ uống thêm nước vì sữa bò có rất nhiều muối Natri.
Đặc biệt, không nên pha sữa bằng nước khoáng, nước suối vì trong sữa đã có nhiều chất khoáng. Trẻ dùng nhiều khoáng chất sẽ dễ bị mắc một số bệnh lý sau này.
- Khi trẻ bị tiêu chảy: cần tăng cường bú mẹ và bù nước bằng dung dịch Oresol. Khi trẻ ngưng tiêu chảy thì cũng ngưng cho uống Oresol, bú mẹ tiếp tục.
Mẹ cho trẻ uống nước trái cây để cung cấp thêm vitamin:
Trẻ bú mẹ hoàn toàn thì không cần thêm nước trái cây vì trong sữa mẹ đã có đủ lượng vitamin cần thiết cho nhu cầu của trẻ cho đến 6 tháng tuổi. Nuôi trẻ nhân tạo thì cần thêm nước cam, nước chanh...
Cho trẻ uống thêm một ít sữa ngoài:
Mẹ cho trẻ uống dặm sữa ngoài sớm khi:
- Khi mẹ cảm thấy mình không đủ sữa.
- Trẻ hay khóc hay đòi bú nhiều.
Tuy nhiên, cho trẻ uống dặm quá sớm sẽ dễ dẫn đến:
- Trẻ từ chối bú mẹ, bị dị ứng (chàm, suyễn...) ói và tiêu chảy do kém hấp thu hoặc bị nhiễm trùng từ sữa, dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Hoặc do trẻ nhận quá nhiều sữa làm cho trẻ bị béo phì sớm.
Do đó, một cách theo dõi đơn giản là cân trẻ đều đặn để xem trẻ có nhận đủ lượng sữa so với nhu cầu của trẻ chưa, để biết là mình có bị thiếu sữa thật sự hay không. Nếu trẻ vẫn tăng cân tốt thì không cần bú thêm sữa ngoài.
Nếu trẻ khóc hoặc đòi bú nhiều thì chưa chắc là do trẻ đói, hãy tìm nguyên nhân và giải quyết (xem câu 25).
- Mẹ đi làm:
+ Nếu chỗ làm gần nhà: Vẫn cho bú mẹ bình thường, tăng cường bú đêm. Bú đêm giúp cơ thể mẹ tạo ra nhiều chất Prolactin vừa có tác dụng sinh sữa vừa có tác dụng an thần giúp mẹ ngủ lại nhanh. Mẹ cho bú trước khi đi làm rồi vắt sữa để lại nhà cho con uống vào cữ kế, buổi trưa có thể về cho con bú hoặc sữa căng nhiều thì vắt sữa vào ly hoặc bình nhờ người khác đem về nhà cho trẻ uống.
+ Nếu đi làm xa: Cho bú nhiều những khi ở gần con, vắt sữa để lại... Nếu phải dặm thêm sữa ngoài, nên cho trẻ uống bằng ly hoặc muỗng, không nên bú bệnh vì khó vệ sinh hơn và để cho trẻ không bỏ bú mẹ. Chỉ cần tập uống sữa ngoài trong vòng một tuần lễ trước khi mẹ đi làm là đủ. Lúc này trẻ cũng vào khoảng 4 tháng tuổi có thể tập ăn dặm được.
33. Sữa mẹ nhiều mà bé vẫn lên cân tốt, thì có nên cho trẻ ăn dặm muộn không?
Nếu sau 6 - 7 tháng tuổi, trẻ chỉ bú mẹ mà chưa ăn dặm thì chất dinh dưỡng sẽ không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và rất khó tập cho trẻ ăn thức ăn khác. (Lúc trẻ 5 đến 6 tháng, thường là trẻ rất đói và dễ ăn những cái gì bà mẹ cho ăn).
34. Khi nào thì cai sữa mẹ?
Không cần phải ngưng sữa mẹ khi trẻ còn muốn bú mẹ, ngay cả khi trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ tự động cai sữa trong khoảng 1 đến 3 tuổi. Đây là sự cai sữa tự nhiên.
Khi mẹ quyết định ngưng cho bú mẹ thì phải giảm từ từ. Nết dứt sữa đột ngột có thể làm không vừa ý và sẽ từ chối ăn những thứ khác và dễ bị bệnh. Đây cũng là một nguyên nhân làm trẻ suy dinh dưỡng.
* Ngưng bú sữa mẹ như thế nào?
- Tăng dần số bữa ăn của trẻ thay cho số cữ bú mẹ giảm đi. Mỗi bữa ăn thay thế phải kéo dài trong vòng 1 đến 2 tuần, cho nên thời gian cai sữa phải kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
- Cữ bú đêm là cữ bú được giảm cuối cùng.
- Chú ý theo dõi phát triển cân nặng của trẻ trong thời gian cai sữa. Nếu thấy trẻ chậm tăng cân thì phải chú ý đến các yếu tố như số bữa ăn trong ngày, lượng thức ăn trẻ nhận được, các món ăn đủ chất bổ dưỡng... Nếu cần, phải cho trẻ bú mẹ thêm hoặc uống thêm sữa bò.