watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thành Cát Tư Hãn-Chương II - tác giả Nguyễn Trọng Khanh Nguyễn Trọng Khanh

Nguyễn Trọng Khanh

Chương II

Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh

Thân phụ của Thành-Cát-Tư-Hãn là Dũng sĩ Dã-Tốc-Cai. Theo truyền thuyết thì Bu-đăng Sa có bảy người cháu nội đều bị kẻ thù giết sạch luôn cả vợ con. Dòng Sói Xám của Bật-Tê-Si-Nô đến đây tưởng đã tuyệt diệt, nhưng may thay có một người trong số con của họ trốn thoát được, đó là Cai Đô. Ông này chiến thắng được bộ lạc Djélair, quy tụ được một số đông bộ tộc Mông Cổ sống rải rác ở khắp nơi. Người Mông Cổ cho đó là vị Khả hãn thứ nhất của họ và tôn là anh hùng Cai Đô. Cháu nội của Cai Đô là Ka Buôn nối ngôi Khả hãn, cũng là một tay vũ dũng nhiều phen chiến thắng quân Kim, khiến cho nước Kim nể mặt phải phong chức tước. Tuy nhiên, Mông Cổ vẫn phải giữ lệ triều cống. Có lần Ka Buôn xuống Yên kinh chầu vua Kim, được nhà vua mở tiệc khoản đãi; lúc ngà say, Ka Buôn nắm vuốt bộ râu của vị Hoàng đế, chẳng những không bị bắt tội, lúc về xứ còn được nhà vua ban tặng cho nhiều bảo vật (1147). Nhưng sau đó Kim lại liên kết với Thát Đát đánh Mông Cổ. Ka Buôn thắng mấy trận lớn, giết hại quân Kim và Thát Đát rất nhiều, nhưng cuối cùng ông lại bị bắt sống. Dọc đường ông giết được bọn quân áp giải, trốn thoát về Mông Cổ. Sau truyền ngôi lại cho Ka Tuôn. Người con thứ tư Ka Tuôn cũng là một vị anh hùng lừng danh “giọng nói như sét đánh trong núi, tay như gấu, bẻ gãy xương sống một người dễ dàng như bẻ mũi tên. Đêm đông đánh trần nằm bên cạnh đống lửa, than đỏ văng khắp mình mà ông vẫn ngủ say, đến lúc tỉnh dậy ngỡ là bị kiến cắn…” Em của ông là Ô Kinh và người anh họ là Am-Ba-Cai bị quân Thát Đát bắt đem nạp cho vua Kim. Cả hai người bị quân Kim đóng đinh trên lưng con lừa gỗ, một hình phạt “dành riêng cho bọn Rợ nổi loạn”. Ka Tuôn liền dẫn quân đi đánh phá nước Kim báo thù (1161), lúc đầu thắng nhiều trận vẻ vang. Kim lại liên kết với Thát Đát, quân quá đông “như cát sa mạc”, Ka Tuôn thảm bại phải lẩn trốn. Đó là vị Khả hãn cuối cùng của thời suy vong.


Dân Thát Đát hưng khởi, lôi cuốn được tất cả những bộ lạc lân cận về qui phục, tên bộ lạc Mông Cổ từ đó chìm trong quên lãng.


Về sau Dũng sĩ Dã-Tốc-Cai, cháu nội của Khả hãn Ka Buôn, được người trong họ cử lên làm Tộc trưởng tộc Ki Dát, ông qui tụ được bốn vạn lều dưới quyền chỉ huy của mình. Ngay lúc đó Kim lại sai sứ giả đến kêu gọi ông liên minh đánh quân Thát Đát, bấy giờ đã trở thành một mối đe dọa. Ông đại thắng, bắt được tù trưởng Thiết mộc Chân và vô số chiến lợi phẩm đem về đoàn trại ở thượng lưu sông Onon. Về tới lều mới hay bà U Luân, vợ ông, vừa mới sinh hạ một đứa bé trai. Theo tục lệ cổ truyền, người Mông Cổ thường lựa cho con một tên có ý nghĩa nhắc nhở một việc quan trọng xảy ra lúc nó mới ra đời, nên Dã tốc Cai đặt cho đứa con đầu lòng của mình cái tên Thiết mộc Chân (theo sử M.C. năm 1155, sử T.H. 1162).


Lúc mới lọt lòng mẹ, đứa bé nắm trong tay một hòn máu giống như hòn hồng thạch nên có vị pháp sư đoán rằng về sau Thiết mộc Chân sẽ trở nên một chiến tướng lừng danh. Năm chín tuổi, Thiết mộc Chân đã phải theo cha lên đường đi hỏi vợ và theo tục lệ người vợ ấy phải ở một bộ lạc thật xa. Chưa có dịp nào cậu bé được đi xa như vậy. Những chuyến lùa súc vật đi đây đó để tránh mùa đông bất quá chỉ quanh quẩn trong vùng quê cha đất tổ, giữa hai con sông Onon và Kéroulène. Giờ đây cậu vượt qua nhiều thung lũng bao la giữa những dãy núi cao sừng sững phủ một lớp rừng cây sầm uất. Đây đó những dòng nước chảy xiết, hai bên bờ vô số những con sếu đang đi nghễu nghện. Trên những cù lao nhỏ thì rợp loài thiên nga, giữa không trung hàng vạn con chim âu xám đang vỗ cánh vun vút. Thật là một dịp tốt cho cậu sử dụng cây cung của mình. Nhưng càng đi xa thì những vùng cây cỏ xanh tươi càng thưa thớt dần, núi đá đen lởm chởm, tảng nào cũng đóng một thứ rêu vàng, rồi tới núi trọc càng ngày càng nhiều. Qua những đường hang gió thổi hun hút gào âm ỉ như tiếng thác đổ liên hồi, họ phi ngựa bên cạnh dãy núi Darchan, một vùng nhấp nhô những đồi đá đen, ngày nay dân chúng còn gọi là “LÒ LUYỆN THÀNH CÁT TƯ HÃN”. Đất càng ngày càng lên cao, cây không có nữa mà tòan loại dây leo hoặc loại cỏ ngắn. Đêm tới họ thường phải dừng lại bên bờ một cái hồ, thả ngựa cho ăn cỏ và săn một vài con thú.


Một chiều, cha con Dã tốc Cai tình cờ gặp Đài xếch Sên, Khả hãn bộ lạc Sung Di Rát (Chungirates). Dã tốc Cai cho biết ông đang đi tìm vợ cho Thiết mộc Chân. Nghe qua, Đài xếch Sên hớn hở bảo ông mới vừa nằm mộng thấy một con chim ưng trắng đang cắp một con quạ dưới móng. Hai người đều hiểu đó là điềm trời: hai con chim ấy là biểu tượng trên lá cờ của dân Ki dát, thấy như thế là hai họ sẽ gặp nhau nối lại thân tình. Họ cùng phi ngựa về mục trường của bộ lạc Sung Di Rát. Hết vùng đồng cỏ tới sa mạc Gobi, một vùng cát trắng phau mênh mông vô tận, thỉnh thoảng mới gặp một đồi đá nhỏ, đỏ như nung, còn thì toàn là đồi cát chuyển động như sóng. Gió lồng lộng tung cát vào mặt nóng như châm lửa, đến những con thiên lý mã cũng phải chồn chân. Rồi tới những vùng núi trọc, núi đỏ và cứ xuống thấp dần đến một thung lũng bao la, đồng cỏ xanh rờn. Cũng có rừng cây nhưng thưa thớt, không được sầm uất như rừng ở bên sông Onon. Đây là đất của bộ lạc Sung Di Rát, một bộ lạc lớn và giàu. Người Trung Quốc gọi dân Ong-gút (Ongoutes) và Sung Di Rát là Thát Đát trắng, đối với Thát Đát đen là tất cả những giống dân khác ở Mông Cổ. Lều của người Sung Di Rát đều bằng len, trang hoàng lộng lẫy; quần áo của họ đều bằng thứ lụa mịn rất quí giá; khí giới thì chạm trổ rất mỹ thuật. Nhưng với Thiết mộc Chân, đáng lưu ý hơn hết là nàng Bật Tê, con gái của Khả hãn. Tuy mới mười một tuổi, nàng đã có vóc mình nở nang đầy đặn, vẻ sắc sảo mặn mà. Sau một lúc nhìn mải mê, Thiết mộc Chân đột ngột đòi cha hỏi cưới nàng cho mình.


Đài xếch Sên cũng rất hài lòng về cậu trai Thiết mộc Chân. Cậu phi ngựa như một người lớn, không bao giờ biết mệt. Với tuổi đó mà sức vóc cậu đã to lớn lực lưỡng, trí rất mẫn tiệp, nhất là cặp mắt của cậu: một kiểu mắt mèo, có cái nhìn nhanh nhẹn, sắc sảo khác thường, chừng như không có cái gì thoát khỏi tầm mắt cậu được.


Dã tốc Cai tặng cho Đài xếch Sên một con tuấn mã sắc đen huyền và nhận trở lại nhiều món quà quí. Hai ông bố thỏa thuận để Thiết mộc Chân ở lại đây làm rể tới khi nào đoàn trại của hai ông đã lùa gia súc cho ăn chung một mục trường, bây giờ hai họ kể như đã thông gia.


Nhờ những ngày làm rể ở đây, Thiết mộc Chân mới nhận thấy ở lân cận một nước như nước Kim thật vô cùng ích lợi. Bọn thương nhân Trung Quốc gần như thường xuyên có mặt thường xuyên ở nơi đây; họ có nhiều loại tơ lụa tuyệt đẹp, nhiều thứ mộc thật chắc sơn màu sặc sỡ, túi đựng tên bằng ngà và vô số những đồ trang trí mỹ thuật. Họ đem đổi với sản vật của dân bộ lạc như da và lông thú, ngựa, trừu, lạc đà, trâu yak hoặc có khi chỉ đổi lấy muối mà dân Sung Di Rát đã lấy ở các biển hồ trong xứ Mông Cổ. Mỗi lần tới bộ lạc, họ đều mang theo nhiều thứ quà tặng riêng cho người nào giao dịch với họ: vài bộ quần áo, vài món đồ trang sức của phụ nữ, kẹo bánh cho trẻ con. Trong lều của người Sung Di Rát nào cũng chứa đầy những của báu. Không hiểu sao dân nước Kim có thể cho mãi những vật quí như vậy mà không nghèo?


Từ đó Thiết mộc Chân hết sức lưu ý tìm hiểu cái nước Kim có lắm điều kỳ lạ này. Cậu không bỏ lỡ dịp gần gũi với những đoàn buôn từ xa tới. Họ có đầu óc thực tế, khéo léo và rất sành sỏi trong việc chọn lựa súc vật cũng như da thú. Họ cho biết nước Kim giàu mạnh hơn một bộ lạc lớn nhất ở đây hàng trăm lần; dân chúng đều sống trong những đô thị có thành cao bao bọc, phòng thủ rất kiên cố, của chất chứa nhiều không kể xiết. Nhưng điều làm cho cậu bé ngạc nhiên hơn cả là bọn thương nhân lại chịu đổi đồ quí giá như thế với những tấm da xấu xí và súc vật tầm thường. Sao họ không đem chiến sĩ tới đoạt lấy tất cả có phải giản tiện hơn không? Nhạc phụ có cho biết dân ở đô thị không phải là chiến sĩ, họ không biết cỡi ngựa đi săn, bắn cung và phóng lao. Trong đầu cậu bé nảy ra ý khinh miệt thứ dân đô thị này. Tại sao nhạc phụ mình lại chịu buôn bán với họ mà không kéo binh vào nước họ lấy hết của cải cho rồi? Nhưng sau đó cũng nhờ bọn thương nhân, Thiết mộc Chân mới được biết nước Kim có một Hoàng đế cai trị, nuôi hằng trăm ngàn chiến sĩ để giữ thành trì, từng đánh đuổi dân du mục đến cướp phá. Cậu cũng được nghe ít nhiều về thuật dụng binh của người Trung Quốc, những chiến xa, những bộ binh cầm dáo dài khi chiến đấu hợp thành nhiều hàng phá vỡ kỵ binh của địch. Tất cả những câu chuyện lạ ấy đều in sâu đậm trong tâm hồn cậu bé chín tuổi. Nhưng biết đâu người ta không bịa đặt ra những chuyện ấy để che đậy chỗ yếu của họ vì họ không biết cách chiến đấu như cha mình và nhạc phụ? Trong đầu Thiết mộc Chân lúc ấy đã manh nha cái ý nghĩ: tại sao không lập một đế quốc gồm toàn những chiến sĩ và có một hoàng đế cai trị? Cha của cậu có thể quy tụ tất cả người Mông Cổ dưới một lá cờ và nhạc phụ cũng làm như thế với người Sung Di Rát. Còn cậu sẽ nối nghiệp hai người ấy… Nhưng Thiết mộc Chân không đem ý nghĩ ấy ra nói với ai cả. Cậu thấy tốt hơn hết là cứ nín lặng và cứ tiếp tục cư xử cho khả ái, trầm tĩnh, chăm chỉ, cho mọi người có thiện cảm với mình để đợi đúng mười bốn tuổi thì cưới Bật Tê.


Không ai biết đích xác Thiết mộc Chân ở với người Sung Di Rát trong bao lâu. Nhiều quyển sử ghi rằng trên đường về bận ấy Dã tốc Cai bị người Thát Đát đầu độc; nhưng ngược lại có chỗ chép lúc Dã Tốc Cai chết thì Thiết mộc Chân đã được mười ba tuổi. Theo thuyết sau, Thiết mộc Chân ở với Đài xếch Sên được hơn ba năm thì bỗng một hôm, có người bà con tên Muôn Lịch phi ngựa tới cho hay thân phụ cậu gọi phải gấp trở về đoàn trại. Đài xếch Sên rất ngạc nhiên, vì như thế là trái với tục lệ gởi rể, nhưng vì lòng yêu mến Thiết mộc Chân, ông đành để cho cậu trai trở về bộ lạc với lời cam kết phải trở lại.


Ngựa miền đồng cỏ phi rất nhanh, nhưng tin tức về những biến cố quan trọng loan ra còn nhanh hơn nữa: tất cả các bộ lạc đều hay tin Dã tốc Cai đã chết. Trên đường về bận đó, ông phải đi ngang qua xứ Thát Đát, gặp ngay lúc các bộ lạc đang tụ họp ăn lễ. Ông cùng với đoàn tùy tùng đựơc mời vào tiệc, ngồi chỗ danh dự và đựơc thết nhiều món thịt ngon. Nhưng ông quên những trường hợp như thế này, khách không nên ăn hoặc uống thức gì mà chủ chưa nếm trước ngay trong tiệc. Còn người Thát Đát thì làm sao quên được chuyện mười ba năm trước Tù trưởng của họ bị ông bắt giết? Lúc tiếp tục đường về, Dã tốc Cai đã mang trong mình một thứ thuốc độc hại ngấm ngầm. Nên khi Thiết mộc Chân về đến trại nhà thì gặp ngay đám tang cha đang cử hành.
Thành Cát Tư Hãn
Tựa
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
Chương XIX
Chương XX
Chương XXI
Chương XXII
Hình ảnh