Chương XVII
Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh
Trước lúc chết Mohammed lập hoàng tử Djélal-Ed-Din lên kế vị. Ông này là người cương quyết, can trường lại được cảm tình của dân chúng, liền trở về Kharesm bắt tay vào cuộc chiến đấu chống quân Mông-cổ.
Nhưng bọn tướng lĩnh lại ủng hộ U-Xơ-Lắc (Ouslag), một hoàng tử nhu nhược, vì với ông này họ tự do thao túng được. Họ âm mưu với nhau để giết Djélal, khiến ông ta phải dẫn đám quân trung thành chạy xuống Khoressan. Nửa đường gặp đạo binh Mông-cổ đang kéo đi diệt trừ ông, Djélal liền giao chiến gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Sau trận này đột nhiên không ai biết tông tích ông ta nữa, nhưng khắp bốn phương người ta không ngớt bàn tán về trận đại thắng Mông cổ, về những đạo binh kháng chiến hùng hậu mới thành lập...
U-Xơ-Lắc và bọn hoàng thân hễ nghe binh Mông-cổ tới là chạy trốn như chuột và sau rốt họ đều bị giặc giết.
Binh Mông-cổ tiến xuống vùng hạ lưu sông Amou-Daria thế như sóng tràn, họ cướp phá tiêu điều những làng mạc, những thị trấn ở dọc theo bờ sông và chiếm lần lượt các đô thị phồn thịnh.
Nhưng đến Gourgandj (bây giờ là Ourgendj, gần Khiva) một đô thị lớn, quân Mông-cổ phải một phen lao đao vì gặp sức kháng cự mãnh liệt. Vùng phụ cận thành này toàn là đồng lầy, không tìm đâu ra được một tảng đá, những máy công thành đều hóa ra vô dụng. Binh Mông-cổ phải đốn cây ở chung quanh cưa khúc ra rồi dầm nước cho nặng thay thế đá, nhưng rốt cuộc vẫn không hiệu quả. Họ đành liều lĩnh trèo lên mặt thành nhưng bị đẩy lui ra, nhiều đợt thiệt hại rất nặng nề.
Trong lúc đó Truật-Xích và Sát-Hợp-Đài lại xung đột với nhau gay gắt. Truật-Xích cho rằng thành Gourgandj thuộc vùng thống trị của mình phải do mình chỉ huy; Sát-Hợp-Đài lại bảo trọn miền này cho chí biển Aral là thuộc quyền của vương tử theo như phụ vương đã hứa, cho nên vương tử cứ ra lệnh ngược trở lại...
Nghe qua báo cáo mật Thành-Cát-Tư-Hãn giận tím mặt, tức tốc sai hai tên mã khoái “Tên bay” phi ra mặt trận truyền lệnh cho hai vương tử: phải trao quyền chỉ huy lại cho Oa-Khoát-Đài.
Đệ tam vương tử xử sự thật khéo léo, lúc khuyên nhủ người này, lúc khuyên nhủ người kia, tìm cách hòa giải giữa hai người, nhờ vậy việc chỉ huy mới nhất trí trở lại…
Một tên mã khoái khác phi ra biển Caspienne gọi Tốc-Bất-Đài về. Trong lúc hai vương tử lo tranh chấp đất đai và các tướng lĩnh đang say sưa trong giấc mộng chiến thắng, riêng Thành-Cát-Tư-Hãn rất lo âu về tình hình biến chuyển nguy ngập, quân viễn chinh gồm 250.000 người đã phân tán khắp nơi, 30 ngàn đánh ở miền Tây, 50 ngàn đánh ở miền Bắc. Đột nhiên chúa Thổ- phồn và khả hãn Almaltk muốn rút 70 ngàn quân của họ về nước. Đại-hãn đã chấp thuận vì đám quân này thiếu tinh thần chiến đấu lại không thể tin cậy. Kế đó là cuộc tấn công thành Gourgandj thất bại, quân số hao bớt quá nhiều. Đại quân Mông-cổ hiện chỉ còn 100.000 người ở giữa lòng một đế quốc rộng lớn bao la không biết đâu là biên giới. Trong hai năm qua từ khi Truật-Xích và Triết-Biệt đổ xuống thung lũng Đại uyển, quân Mông-cổ đã đảo lộn thế giới Hồi giáo bằng một chuỗi chiến thắng, nhưng thật sự họ vẫn chưa chiếm được miền Transoxiane, miền cực Tây của đế quốc Kharesm. Chỉ có Oa-Khoát-Đài hiện đang tìm cách trấn áp miền Bắc, là chính quốc Kharesm; còn ở miền Nam xứ A-phú-hãn, núi non trùng điệp, người dân nói chung chưa ai thấy bóng dáng một kỵ binh Mông-cổ. Xứ Khoressan thì chỉ thấy người Mông-cổ trẩy ngang qua lúc đuổi theo Mohammed. Phần lớn những đô thị có đông dân Ba-tư đều đã quy hàng, tuân lệnh những tổng trấn do người Mông-cổ đặt lên, nhưng chẳng biết họ có thành thật không; hay chỉ là một quỷ kế để khỏi bị giết chóc cướp đoạt, rồi chờ cơ hội thuận tiện sẽ trỗi dậy! Giờ đây Djélal lại công khai kêu gọi kháng chiến là triệu chứng của một cuộc phản loạn toàn quốc. Họ có thể quy tụ hàng triệu chiến sĩ phản công lại thì làm thế nào? Một cuộc thảm bại sẽ làm sụp đổ 20 năm danh vọng chiến thắng của ông và hủy diệt luôn đế quốc Mông-cổ. Sự thực thì Mông-cổ không có một tiềm lực chiến tranh hùng hậu, cũng không có một nước đồng minh nào liên kết lâu dài. Toàn bộ lực lượng chiến đấu đều mang đến xứ này, nếu bị tiêu diệt thì chắc chắn các bộ lạc, các dân tộc sẽ dấy lên khắp nơi trong đế quốc.
Đại hãn nóng lòng chờ đợi viên cận tướng về để hỏi cho biết rõ khả năng chiến tranh của đối phương, vì khi đuổi theo Mohammed, Tốc-Bất-Đài đã rong ruổi gần khắp đế quốc Kharesm.
Được lệnh, Tốc-Bất-Đài liền lên ngựa phi bất kể đêm ngày. Mỗi khoảng năm hay sáu chục dặm, đại tướng dừng lại ở một cái trạm đổi lấy ngựa khỏe đã sẵn yên cương, rồi hấp tấp lên đường. Suốt một tuần ngựa phi ngày đêm qua hơn 2.000 dặm mới tới Đại bản doanh.
Viên đại tướng liền trình bày mọi khía cạnh về địa lý: trước hết là xứ Khoressan giầu có, nhiều thành lũy kiên cố, nhiều đô thị vĩ đại có tường cao, hào sâu bao bọc; xứ này giăng dài từ Herát đến Merv và từ Merv đến Nichapour. Đi tới nữa là miền đồng cỏ nước mặn, hoang vắng gần như không thể vượt qua được; rồi tới một đường hẻm ở giữa hai dãy núi trọc, ngựa phi trong nhiều ngày mới ra tới một vùng sầm uất, dân cư đông đảo, đó là Irak Persan, Irak Adchemi…
Đại Hãn hỏi:
- Binh Hồi giáo phải mất bao nhiêu ngày mới có thể tới Khoressan?
Tốc-Bất-Đài đáp:
- Mùa hạ họ không thể tới đó được vì nắng đốt cháy rụi đồng cỏ và rút cạn hết nước sông. Qua mùa đông thì ngựa xứ Hồi đâu biết cào tuyết lên tìm thức ăn. Vậy chỉ có mùa xuân và mùa thu họ mới trẩy quân được mà phải lùa súc vật theo thật nhiều và mang đầy đủ hành trang. Nhưng ở Irak Adchemi không thấy một đạo quân nào có đủ điều kiện như thế…
Báo cáo của Tốc-Bất-Đài đã giúp cho đại hãn quyết định một chiến lược mới. Như vậy thì hai mặt Đông và Tây của đế quốc Kharesm không thể trợ giúp nhau được, và Tốc-Bất-Đài cũng không thấy có triệu chứng đóng binh ở phía Tây, điều đó cho biết Djélal đang ở đâu đó về phía Đông; nếu có khởi loạn thì chỉ có thể ở A-phú-hãn và Khoressan. Những xứ này dù có quân lực hùng hậu thế nào đi nữa cũng không đáng ngại vì họ còn ở trong tầm 1.000 c.s, mà với quân Mông-cổ 1.000 c.s chẳng là bao, có thể kịp thời đối phó và tiếp viện cho nhau.
Như thế con số 100.000 quân dưới tay đại hãn và 30.000 dưới quyền Tốc-Bất-Đài, Triết-Biệt không phải là con số quá ít...
Hậu quả của quyết định trên là dân Nga phải mang cái ách thống trị nặng nề hàng mấy thế kỷ, Đông-Nam Âu-châu bị tàn phá khủng khiếp và khắp Tây phương đều sống trong nỗi lo âu hãi hùng.
Suốt mùa đông Tốc-Bất-Đài án binh ở miền Tây để dòm dỏ chung quanh và thỉnh thoảng mở một cuộc hành binh thám thính ở Azerbeidjan, Kirdistan, Géorgie.
Bên kia biển Caspienne là những dẫy núi cao chọc trời, vượt qua bức tường đá ấy thì tới xứ của giống người “tóc vàng mắt xanh”. Những xứ này lại tiếp giáp với hãn địa của Truật-Xích cho nên cần phải biết rõ họ. Đại hãn cho Tốc-Bất-Đài vượt qua dẫy núi cao để tìm hiểu coi dân tộc bên kia là dân tộc nào, quân đội của họ ra sao… Thời hạn hoàn thành công tác đó là ba năm, xong rồi trở về Mông-cổ bằng con đường phía Bắc biển Caspienne.
Quả lúc đó Djélal đang ở phía Tây (Đông?) đế quốc Kharesm trong một vùng núi non hiểm trở của A-phú-hãn và đang chiêu binh mãi mã để chống lại Mông-cổ. Đúng như Thành-Cát-Tư-Hãn đã tiên liệu, cuộc vùng dậy bùng nổ ở khắp nơi trong đế quốc.
Lâu nay những tù trưởng, giáo chủ, thầy cả không thích xen vào các cuộc tranh chấp của bọn cầm quyền, hễ ai chiến thắng thì họ theo người đó. Dưới chế độ của Mohammed họ đều ngất ngư trong cảnh lầm than nên lúc đầu sẵn sàng quy phục Mông-cổ. Nhưng từ khi đại hãn cho tự do tín ngưỡng, phe Hồi giáo hết sức bất mãn vì điều đó chạm vào cuồng tín của họ, lại thêm sự cướp bóc, tàn sát quá khủng khiếp của binh Mông-cổ, đâu đâu máu căm thù cũng sôi lên sùng sục. Cho nên khi nghe một vị quốc vương trẻ tuổi và hùng lược hô hào một cuộc thánh chiến, họ rùng rùng chạy theo, toàn khối Hồi giáo nổi dậy chiến đấu.
Tin ở khắp nơi đưa về dồn dập. Bọn tổng trấn và quan lại của người Mông-cổ đưa lên lần lượt bị ám sát, bọn thân binh bị đột kích, những đồn lẻ tẻ bị tấn công, nhiều cuộc nổi loạn ở các đô thị…
Đà-Lôi liền thống lĩnh một nửa đại quân trẩy đi Khoressan, không phải để tảo trừ quân phiến loạn, không phải để bình định những vùng quật khởi, mà để thi hành một nghiêm lệnh của đại hãn: HỦY DIỆT TẤT CẢ!
Cuộc ác chiến diễn ra khốc liệt chưa từng có: một bên là 100.000 quân Mông-cổ thiện chiến, vũ trang cực kỳ chu đáo, quen kỷ luật thép; một bên là một biển người hỗn tạp thiếu kỷ luật, tuy không phối hợp được chặt chẽ nhưng cuồng nhiệt, táo bạo và tàn nhẫn không kém; một cuộc chiến đấu để sống còn hoặc bị tiêu diệt nên không bên nào nương tay, không bên nào ngán cảnh núi thây sông máu.
Binh đoàn Đà-Lôi lần lượt chiếm lại những chỗ đã mất. Lần này họ không tổ chức thân binh bỏ lại trấn giữ vì chỗ nào họ đã đi qua thì phía sau chỉ còn gạch vụn tro tàn, không tìm đâu ra một bóng sinh vật. Nhiều đô thị có từ 70 đến 100.000 dân không còn “một con mèo hoặc con chó sống sót”. Bọn nghệ sỹ, thợ giỏi và phụ nữ bị cột xâu lại giải về Đại bản doanh. Trai tráng còn cầm được khí giới bị lùa đi đầu làm bia đỡ tên cho binh Mông-cổ hãm thành, nếu thoái lui thì bị họ bắn tức khắc.
Chủ trương “hủy diệt tất cả” của Mông-cổ đã bẻ gẫy cuộc kháng chiến của dân Hồi giáo.
Thành Merv chiến đấu tuyệt vọng trong 3 tuần (cuối tháng 2-1221). Đà-Lôi ngồi trên một cái ghế khảm vàng chứng kiến cuộc chặt đầu toàn thể dân chúng. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, sắp riêng biệt giao cho từng tiểu đoàn hành quyết. Chỉ có 400 người thợ được tha mạng. Lăng vua Sandjar bị thiêu hủy, mộ bia bị quật lên.
Thành Nichapour cầm cự được 3 ngày trước sức tấn công vũ bão. Đà-Lôi sử dụng 300 máy phóng đá, 3.000 máy phóng tên lửa, 700 máy phóng thạch não, 4.000 thang dây, và 2.500 bao cát lấp chiến hào. Vương tử chém phăng tất cả các đoàn đại biểu của dân chúng gửi tới xin quy hàng. Chính ở đây hồi tháng 11 năm ngoái phò mã Tô-Gu-Sa đã tử trận khi xung phong hãm thành, cho nên công chúa ngồi chứng kiến cuộc trảm thủ. Họ sắp đầu người thành những kim tự tháp, đàn ông, đàn bà, trẻ con riêng biệt. Chẳng phải người mà thôi, họ giết cả mèo và chó không sót một con nào. Xong rồi lại đập nát lăng tẩm của vua Hareun-Er-Rachid là công trình kiến trúc cực kỳ tráng lệ làm hãnh diện nền văn minh Ba-tư.
Chỉ một lần, chừng như đã mệt mỏi sau mấy tháng chém giết, Đà-Lôi tha chết cho dân chúng thành Hérat, thành cuối cùng của xứ Khoressan. Tất cả trong thành đều được để yên chỉ trừ 12 ngàn người đã chống đối phe quy hàng. Nhưng lúc Đà-Lôi về tới Đại bản doanh thì tin cũng vừa tới cho hay dân Hérat lại nổi loạn, giết chết viên tổng trấn. Thành-Cát-Tư-Hãn khiển trách nặng nề: “Cuộc nổi loạn do đâu mà ra mày có biết không? Lưỡi gươm của mày không còn hiệu nghiệm đối với dân Hérat nữa!”
Đại hãn liền sai một tướng khác dẫn một binh đoàn hỏa tốc đến Hérat thi hành lệnh sau đây: “Bọn đó là bọn chết rồi mà còn ngóc cổ dậy, ngươi phải làm cho đầu chúng nó lìa khỏi cổ cho ta”.
Lệnh nói trên được thi hành triệt để. Sau khi chiếm thành và giết sạch, viên tướng kéo quân trở về. Nhưng đi một đoạn đường ông ta sai 2.000 quân quay trở lại coi còn cái xác nào “ngóc cổ dậy” trong đống gạch vụn không. Họ bắt gặp giữa cảnh điêu tàn 3.000 người vừa từ dưới hầm hố chui lên, liền bao vây giết không còn một mống nào. Lúc họ rút về lần thứ 2 thì dưới những đống tàn vụn còn được 16 người sống sót; đám này lại gặp thêm 24 người nữa ở ngoại ô, tất cả là 40 người trong cái đô thị hết sức đông đúc, riêng quân trú phòng có đến 100.000 người.
Chủ trương hủy diệt toàn diện ấy được áp dụng triệt để ở khắp các mặt trận. Ở Kharesm, Oa-Khoát-Đài cho đào kênh tháo nước sông Daria ra ngõ khác cho dân thành Gourgandj chết khát nhưng không hiệu nghiệm, vì dân chúng có đủ thì giờ đào giếng. Vương tử đành xua quân hãm thành. Cả hai bên, bên công và bên thủ đều tử chiến với lòng căm thù tột độ. Có một trận quân Kharesm đánh bật quân Mông-cổ ra xa, bắt được 3.000 binh địch đem chặt đầu tới tên cuối cùng. Oa-Khoát-Đài cho hạ cây cối ở chung quanh đem lấp hào, đồng thời bắn thạch não vào thành lửa bốc cháy rực trời rồi thúc quân ồ ạt trèo vào thành. Quân Kharesm chống giữ từ đường phố, từ nhà. Cuộc hỗn chiến đẫm máu diễn ra liên tiếp 7 ngày trong khắp các ngõ đường chật hẹp. Sau cùng lực lượng kháng chiến bị đập tan.
Tất cả những người sống sót đều bị lùa ra cánh đồng, rồi như thường lệ, thợ giỏi, nghệ sỹ, phụ nữ được để riêng ra, còn bao nhiêu đều bị chặt đầu hết. Các sử gia ghi rằng mỗi người lính Mông-cổ phải chặt 24 người mới hoàn tất cuộc hủy diệt. Xong rồi họ gom hết bảo vật trong thành tải đi và nổi lửa đốt rụi nhà cửa còn lại. Chưa đủ họ khơi nước sông cho tràn vào thành mới có thể tận diệt được những người, những sinh vật còn chui rúc dưới hầm hố.
Bị khơi đào nhiều lần, điệu nước sông Amou-Daria thay đổi hẳn, cho tới ngày nay các nhà bác học còn bất đồng ý kiến nhau về hiện tượng: một nhánh sông không đổ ra biển Caspienne nữa và dòng Amou-Daria nay đã khô cạn, đùn lên dải Ousboj, một giải đất kỳ lạ dài hàng mấy trăm cây số. Chưa kể việc nước khô cạn đã biến trọn vùng bình nguyên giữa Caspienne và Aral thành sa mạc.
Trong lúc Oa-Khoát-Đài hủy diệt miền Bắc, Thành-Cát-Tư-Hãn đích thân chỉ huy cuộc càn quét ở miền núi Hindolu-Kouch. Ông chiếm Balk, Telekan, Kerdouane. Nhưng đến trận tấn công thành Baminan, Mô-Tu-Găng con của Sát-Hợp-Đài tử trận. Đại hãn nổi cơn sấm sét lôi đình trước cái chết của đứa cháu yêu quý. Ông ra lệnh phải triệt hạ lập tức thành này, giết tất cả người lẫn súc vật, tất cả những thứ gì có sự sống! Trọn một miền rộng lớn sinh hoạt đang phồn thịnh bỗng trở thành bình địa, cho đến mấy thế kỷ sau vẫn còn là sa mạc không có bóng người. Dân ở chung quanh gọi là Mobalig - có nghĩa là “chốn quỷ khóc thần kinh”.
Lúc đang phá hủy thành Baminan, bỗng Oa-Khoát-Đài và Sát-Hợp- Đài bỏ Kharesm về báo cho phụ vương hay, Truật-Xích hết sức bất bình việc bị đặt dưới quyền chỉ huy của hai người em và đã rút về hãn địa.
Thành-Cát-Tư-Hãn nhìn thẳng vào mặt Sát-Hợp-Đài quát lên:
-Ta đã phí bao nhiêu công lao để chinh phục các dân tộc, mở rộng đế quốc ra cho chúng bay mà chúng bay như thế ấy! Chúng bay chẳng biết gì hơn là bất tuân thượng lệnh và cãi vã nhau.
Sat-Hợp-Đài biết phụ vương đã quy lỗi về cho mình, liền quỳ xuống tạ tội và thề “thà chết chứ không dám cãi lệnh”. Đại hãn lặp lại hai lần một câu hỏi: “Mày có chịu tuân lệnh của tao không?”. Sát-Hợp-Đài phải hai lần thề xin tuân lệnh.
Đến lúc vào bàn ăn đại hãn mới nói: “Thằng Mô-Tu-Găng đã tử trận! Tao cấm mày khóc hoặc kêu than!”.
Sát-Hợp-Đài nghe như sét đánh bên tai nhưng không dám lộ một chút thay đổi sắc diện.
Bây giờ hầu hết những đô thị lớn trên đế quốc Kharesm đều trở thành cảnh điêu tàn hoang lạnh. Nhiều thành phố có cả triệu dân chỉ còn gạch vụn với cỏ dại. Không có nơi nào ở Mông-cổ cũng như là ở nước Kim quân đội Mông-cổ lại sát phạt với lòng thù hận đằng đằng như vậy. Từ biển Aral cho tới sa mạc Ba-tư ai còn sống sót cũng đều vỡ mật kinh hồn. Họ thì thầm với nhau gọi quân Mông-cổ là “Quỷ sứ ở địa ngục”. Thường khi chỉ một tên lính Mông-cổ cưỡi ngựa vào làng lôi hàng chục người ra chặt đầu rồi lùa hết súc vật trước mặt hàng ngàn người, ai cũng cúi đầu xuống không dám hó hé một lời.
Tới đây mới thấy Thành-Cát-Tư-Hãn tự vấn về cái lối chiến tranh của ông. Có lần ông hỏi một ông hoàng A-phú-hãn đang bị giữ làm tù binh:
- Theo ngươi, cảnh núi xương sông máu này có thể in mãi trong lòng người không?
- Nói sự thật ra chỉ sợ Ngài giết mất, nếu Ngài tha thứ cho tôi mới dám nói.
Rồi sau đó ông hoàng đáp:
- Đại hãn cứ cho giết nữa, giết mãi thì chắc chắn có còn ai đâu để mà nhớ cảnh gan óc lầy đất này!
Nghe viên thông ngôn dịch xong, đại hãn giận xanh mặt, liền bẻ gẫy mũi tên đang cầm trên tay; nhưng một lát sau ông lấy lại bình tĩnh và nói một cách khinh miệt:
- Mạng sống của con người đối với ta có nghĩa gì? Còn nhiều dân tộc khác, nhiều xứ khác nữa, danh vọng của ta sẽ tồn tại ở những nơi đó. Còn ở đây có giết sạch sanh bọn phản loạn Mohammed cũng chẳng thiệt gì…
Tàn sát khủng khiếp như vậy mà binh Mông-cổ vẫn chưa dập tắt được ngòi lửa kháng chiến. Ở Ghasni giữa vùng núi non hiểm trở của A-phú-hãn, Djélal đang nằm gai nếm mật mưu đồ cuộc phục quốc. Ông quy tụ tất cả những bộ lạc vùng sơn cước lại lo thao luyện đêm ngày…
Hay tin, Thành-Cát-Tư-Hãn liền sai Cô-Tô-Cô thống lĩnh 30 ngàn quân đi tảo trừ. Djélal chẳng chút sợ hãi xua quân ra giao chiến. Trong trận này Cô-Tô-Cô dùng một kế nghi binh: cho làm hình nộm bằng rơm khoác bên ngoài rồi đặt lên lưng ngựa cho địch lầm tưởng quân số đông đảo. Mưu kế này suýt chút nữa đã giúp tướng Mông-cổ thành công. Bọn tướng của Djélal đã hoảng sợ toan tháo lui nhưng vị quốc vương trẻ tuổi không chút hoang mang, thét quân tràn tới huyết chiến. Cô-Tô-Cô thất trận, binh Mông-cổ chạy tán loạn. Nghe tin cấp báo Thành-Cát-Tư-Hãn thản nhiên nói: “Cô-Tô-Cô chỉ quen chiến thắng. Cần có một lần thảm bại như thế cho hắn nếm mùi cay đắng như người ta!”
Rồi không để cho địch kịp loan tin chiến thắng ra, đại hãn khởi đại binh đem Oa-Khoát-Đài, Sát-Hợp-Đài, và Đà-Lôi theo ruỗi như gió cuốn qua suốt cõi đất A-phú-hãn không phút nào nghỉ. Đến Pirvan, chỗ Cô-Tô-Cô bị đánh bại, dù hết sức gấp rút, ông cũng dừng lại quan sát chiến địa rồi giảng giải cho viên tướng trẻ tuổi thấy lỗi lầm về chiến thuật của ông ta.
Djélal quả là tay dũng lược, một địch thủ xứng đáng của Thành-Cát-Tư-Hãn, nhưng tiếc thay ông ta chỉ biết thắng một trận mà không biết lợi dụng sự chiến thắng. Trong lúc đại binh Mông-cổ một ngày một tới gần, ông ta chỉ lo yến ẩm mừng cuộc khải hoàn và đem hành hạ bọn tù binh Mông-cổ: cho đóng đinh vào lỗ tai họ đến chết sạch. Rồi bọn thân vương theo ông lại lo giành nhau một con ngựa Arập cướp được ở mặt trận. Một người trong cơn tức giận đã lấy roi ngựa quất lên đầu người kia. Djélal lại đứng về phe kẻ bạo hành vì dưới tay người này có nhiều bộ lạc đang theo. Ông hoàng kia bất bình việc xử đoán không công bằng, nửa đêm khuya kéo binh ra đi. Nội bộ tan vỡ, Djélal cũng chỉ còn cách là đào tẩu.
Đại quân của Thành-Cát-Tư-Hãn tiến tới nhanh chóng và dữ dội như sóng tràn bão táp, không có một nơi nào dám kháng cự. Tất cả thành thị làng mạc đều răm rắp quy hàng, chẳng bao lâu quân Mông-cổ đã đuổi kịp Djélal ở bờ sông Indus. Đây là lần thứ nhất trong đời trận mạc, Thành-Cát-Tư-Hãn chiến đấu với kẻ địch bằng quân số trội hơn.
Nhưng trận này chỉ giúp cho Djélal viết đưọc một trang sử oai hùng. Cho tới ngày nay, kỷ niệm trận đánh này vẫn chưa phai mờ trong lòng dân A-phú-hãn. Họ quên mất Mohammed mà vẫn nhớ rõ ông hoàng trẻ tuổi anh dũng của họ đã làm cho vị Chúa chiến thắng phải nể mặt.
Trước khi mở màn trận đánh, đại hãn đã ra lệnh bắt sống Djélal. Vì cầm tù được ông ta thì cuộc kháng chiến của dân Hồi sẽ tan rã, cuộc bình định đế quốc Kharesm kể như đã hoàn tất.
Nhưng Djélal đâu phải là hạng người để cho địch quân tóm được dễ dàng. Bị một vòng vây trùng điệp mà Djélal vẫn không chút nao núng: ông dẫn đầu 700 quân vệ lăn xả vào quân Mông-cổ chém giết tơi bời, đoạt lấy cây đại kỳ đã bị địch cướp rồi quay trở lại mở một huyết lộ ra khỏi trùng vây chạy đến bờ sông Indus, vẫn ngồi trên con chiến mã từ trên vách núi cao 7 thước lao xuống dòng sông lội qua bờ bên kia, tay vẫn nắm chặt cây đại kỳ.
Đại hãn đứng quan sát mặt trận lấy làm kinh ngạc trước những hành động hùng dũng phi thường của vị quốc vương, phải buột miệng khen: “Hổ phụ sinh hổ tử”.
Đại hãn không cho bắn theo, bảo các vương tử hãy xem đó là một tấm gương tuyệt vời về lòng can đảm và tài ứng biến.
Tuy thầm phục như vậy, Thành-Cát-Tư-Hãn vẫn sai một đạo binh vượt qua sông Indus đuổi theo Djélal. Đạo binh nầy chỉ cướp phá những vùng Peschavar, Lahore và Moultan mà không tìm ra tông tích quốc vương. Đầu mùa xuân họ rút trở về A-phú-hãn vì chịu không nổi thời tiết ở đây. Oa-Khoát-Đài tiếp tục bình định vùng cao nguyên A-phú-hãn còn Sát-Hợp-Đài thì bình định Kirman và Beloutchistan.
Djélal-Ed-Din còn được 50 tàn binh, sau khi qua sông Indus liền đi thuyết phục một số bộ lạc ở miền Bắc Ấn Độ rồi tổ chức một đạo binh kéo đi bao vây thành Delhi. Không chống nổi áp lực, vị quốc vương ở đây phải tiếp đón ông trọng thể rồi gả công chúa cho ông. Mấy năm sau, chờ cho quân Mông Cổ rút đi ông mới trở về A-phú-hãn, và sau khi Thành Cát Tư Hãn chết mới về Ba Tư, nhưng rồi bị một đạo binh Mông Cổ khác đuổi chạy qua Trung Đông và chết trong một trận đánh cướp lương thực.
Trận đánh bên bờ sông Indus là một trận kết thúc chiến cuộc Kharesm. Bấy giờ còn một vài thái ấp tự trị như Farsistan, Louristan, Kurdistan… chỉ cần vài cánh quân nhỏ trẩy đi thị uy là đâu đó đều xếp giáp. Đế quốc Kharesm bị xoá hẳn trên bản đồ từ đó.
Trong lúc chờ đợi Tốc Bất Đài thám sát các xứ phía Tây, Thành Cát Tư Hãn định trở về Mông Cổ theo ngả đường Tây Tạng để sát nhập xứ này vào đế quốc luôn. Ông liền sai một số tướng lãnh đang đóng ở Pamir đi dọ dẫm đường trẩy quân, nhưng họ đều báo cáo không thể đi được, nhất là pháo binh Mông Cổ có mang theo nhiều loại máy nặng nề.
Đại hãn lại định chinh phục luôn xứ Ấn Độ, nhưng khí hậu ở đó quá nóng, binh sĩ Mông Cổ không thể nào chịu nổi. Bịnh dịch lại phát ra dữ dội trong đạo binh đuổi Djélal ở Ấn Độ về, giống y như hồi kết thúc trận đánh nước Kim.
Theo truyền thuyết thì lúc đi tới rặng núi Hindou-Kouch, Thành Cát Tư Hãn có gặp một con vật lạ hình vóc cỡ con nai, lông màu xanh lá cây, đuôi như đuôi ngựa và ngay giữa trán có một cái sừng. Đại hãn hỏi Chu Thai. Quân sư tâu bày như sau: “Con vật ấy xuất hiện chính là Trời sai đến báo cho Ngài biết không nên làm cho đổ máu vô cớ. Đại hãn đã chiến thắng đế quốc Kharesm ở phương Tây, còn Ấn Độ ở phương Nam không hề gây hấn. Ngài là con của Trời và những dân tộc khác cũng đều là con của Trời, hãy thương yêu họ như đàn em. Muốn được Trời ban cho mãi đặc ân, hãy để cho dân xứ ấy sống yên lành…”
Thành Cát Tư Hãn không bao giờ hành động trái ý Trời. Lần này ông cũng cúi đầu vâng mệnh; rồi dẫn quân về Mông Cổ theo con đường cũ….