watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hoàng Đế Cuối Cùng-Chương 16 - tác giả Nguyễn Vạn Lý Nguyễn Vạn Lý

Nguyễn Vạn Lý

Chương 16

Tác giả: Nguyễn Vạn Lý

Trong bữa tiệc do Itagaki khoản đãi, Phổ Nghi không biết nên buồn hay nên vui cho số phận tương lai của mình. Tại bàn tiệc, Itagaki cho đặt bên cạnh mỗi thực khách một cô gái làng chơi để cho bữa tiệc thêm phần hào hứng vui nhộn. Riêng Itagaki có hai cô gái buôn hương bán phấn ngồi hai bên, hắn hết ôm cô bên trái thì lại lả lơi với cô bên phải, không còn sự trang trọng đối với khách dự tiệc là những nhân vật lịch sử của Trung Hoa. Itagaki uống rất nhiều rượu và nói cười lớn tiếng, không giấu được sự hoan hỉ đã thành công bắt ép được ông vua cuối cùng nhà Thanh phải nhượng bộ. Phe quân sự Nhật theo truyền thống võ sĩ đạo cho rằng chỉ có một Thiên Tử là Nhật Hoàng mà thôi, nên Quân Đoàn Quan Đông không có ý muốn lập một Thiên Tử thứ hai là Phổ Nghi nữa. Người Nhật vẫn chưa quên người Trung Hoa vốn khinh thường họ, gọi họ là một giống mọi rợ bán khai. Đối với các quân nhân trong Quân Đoàn Quan Đông thì nhà Đại Thanh đã chết hẳn rồi, và Phổ Nghi bây giờ không khác gì một người tù trong tay họ. Phổ Nghi không phải là không biết thế, nhưng biết quá muộn, và cũng không dám trái ý người Nhật. Phổ Nghi vẫn còn nhớ cái gương của Trương Tác Lâm bị Nhật gài mìn ám sát, chỉ vì họ Trương dám trái ý người Nhật.



Thoạt đầu Itagaki chưa say và còn kiềm chế được. Hắn trịnh trọng nâng ly mừng Phổ Nghi, và mỉm cười bầy tỏ lời chúc mừng cho Phổ Nghi, "Ước mong tương lai của Ngài được tốt đẹp và mọi điều mong ước của Ngài được toại nguyện." Lời cầu chúc này làm Phổ Nghi hài lòng; nhưng càng uống rượu, mặt Itagaki càng tái đi và không khí bữa tiệc thay đổi hẳn. Khi một gái làng chơi hỏi Phổ Nghi, "Có phải ông sinh nhai bằng nghề thương mại không?" thì Itagaki cười rống lên. Thực ra sự kính trọng Phổ Nghi của người Nhật chỉ là bề ngoài, và Phổ Nghi có lẽ cũng nhận biết điều ấy. Tuy nhiên chỉ khi đã mắc kẹt trong vòng tay của người Nhật rồi Phổ Nghi mới nhận thức được như thế. Ngay cho phép gái làng chơi được dự tiệc với Phổ Nghi cũng là một hành động thiếu phần tôn kính của Itagaki.



Sau bữa tiệc, thái độ của Phổ Nghi rất đỗi bâng khuâng trong mấy ngày liền, cho tới khi một số cựu thần nhà Mãn Thanh được phép của Quân Đoàn Quan Đông đến thăm Phổ Nghi. Các cựu thần này rất là hoan hỷ. Mặc dù họ bầy tỏ sự bất như ý khi Phổ Nghi bị hạ xuống chức quốc trưởng chứ không phải là hoàng đế, nhưng họ trưng ra rất nhiều các cố sự trong lịch sử, nhiều triều đại mới thường phải dựa vào sự giúp đỡ của ngoại bang lúc ban đầu. Những lời khuyên giải của họ đã làm dịu nỗi thất vọng của Phổ Nghi một phần nào.



Ngày 28 tháng 2 năm 1932, Đại Hội Đồng của người Mãn Châu họp tại Mukden dưới sự chỉ đạo của Quân Đoàn Quan Đông, đã tuyên cáo một nước Mãn Châu độc lập và thỉnh cầu Phổ Nghi nhận chức quốc trưởng. Người Nhật và Trịnh Thiếu Tự báo trước cho Phổ Nghi biết, các đại diện của Hội Đồng Mãn Châu sẽ tới Lữ Thuận để thỉnh cầu Phổ Nghi nhận chức vụ. Các đại diện sẽ mời Phổ Nghi hai lần, lần đầu Phổ Nghi phải từ chối, và đến lần thỉnh cầu lần thứ hai thì Phổ Nghi hãy chấp nhận.



Ngày 1 tháng 3, chín đại diện của Hội Đồng Mãn Châu tới Lữ Thuận. Trịnh Thiếu Tự thay mặt Phổ Nghi chào mừng họ. Sau đó Phổ Nghi đích thân hội kiến với họ trong hai mươi phút. Họ thỉnh cầu Phổ Nghi nhận chức quốc trưởng, nhưng Phổ Nghi từ chối như đã được dặn trước. Ngày 5 tháng 3, số đại diện tăng lên 29 người, và tới gặp Phổ Nghi để thỉnh cầu một lần nữa, và lần này họ hoàn thành nhiệm vụ. Trong bài diễn văn chấp nhận chức quốc trưởng, Phổ Nghi nói:

"Quý vi đã tin tưởng và giao phó trọng trách này cho tôi, có lý nào tôi dám từ chối để tìm sự an nhàn cho bản thân? Tuy nhiên tôi chỉ tạm nhận chức này, và trong một năm, nếu hiến pháp Mãn Châu không sửa đổi cho phù hợp với ý nguyện đầu tiên của tôi, thì tôi sẽ tái xét tài đức của tôi."



Ngày hôm sau Phổ Nghi và bà vợ cùng Trịnh Thiếu Tự trở lại Trường Châu, và tới nơi vào lúc ba giờ chiều ngày 8 tháng 3. Ngay khi xe lửa chưa ngừng, Phổ Nghi đã nghe thấy ban quân nhạc cử hành các hành khúc và tiếng hoan hô của dân chúng tại sân ga. Khi bước xuống xe lửa, Phổ Nghi rất hài lòng trông thấy đông đảo hiến binh Nhật cùng binh sĩ và quần chúng Trung Hoa. Mọi người đều vẫy cờ khiến Phổ Nghi rất cảm động. Cuộc đón tiếp lần này khác hẳn tại Dương Khẩu khi Phổ Nghi mới tới Mãn Châu. Phổ Nghi trông thấy lẫn trong những lá cờ Nhật là một số cờ rồng vàng của tám đạo quân Mãn Thanh ngày xưa. Những người này chờ đợi Phổ Nghi đã từ hai mươi năm qua. Những đai diện của tám đạo quân Mãn Châu thành lập từ ngày sáng lập nhà Đại Thanh, ăn mặc theo đúng phẩm phục cũ, cưỡi ngựa Mông Cổ, và tám ngọn cờ lồng lộng tung bay trong gió. Hình ảnh này đối với Phổ Nghi thực là một cảnh nức lòng cảm khái, khó có thể cầm được nước mắt.

Khi ngồi trong xe hơi để trở về dinh quốc trưởng, Phổ Nghi không thể không nhớ tới lúc bị Phùng Ngọc Tường đuổi khỏi Cấm Thành ở Bắc Kinh, và sự khai quật lăng tẩm của quân đội Quốc Dân Đảng, cũng như lời thề trả thù của Phổ Nghi. Tâm hồn Phổ Nghi bừng lên những cảm xúc của lòng thù hận và những ước vọng đến nỗi Phổ Nghi không để ý đến khuôn mặt sợ sệt của đám quần chúng phải đứng đón chào hai bên đường.

Dinh quốc trưởng vốn là tòa nhà hành chánh cũ của quan tổng đốc, và bây giờ đã cũ kỹ và xiêu vẹo rồi, nhưng đây chỉ là nơi ở tạm của Phổ Nghi thôi. Ngày hôm sau là nghi lễ nhận chức với sự hiện diện của Tướng Honjo, tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, tham mưu trưởng Itagaki và các nhân vật chính trị quan trọng Nhật và Trung Hoa cũng như Mông Cổ. Phổ Nghi mặc âu phục. Tất cả quan khách hiện diện phải vái chào Phố Nghi ba lần, và Phổ Nghi chỉ vái trả lại một lần. Trương Thanh Hải, đại diện người Mãn Châu, dâng cho Phổ Nghi chiếc ấn của quốc trưởng bọc trong lụa màu vàng. Trịnh Thiếu Tự đứng lên đọc bản tuyên cáo của tân quốc trưởng:

"Nhân loại phải chú trọng tới đạo đức. Nhưng nếu có thành kiên về chủng tộc và một giống dân này áp bức một giống dân khác để tìm vinh quang thì đạo đức sẽ mất. Nhân loại phải trân quý sự nhân từ. Nhưng nếu có những mối xung đột quốc tế và một nước này tàn phá một nước khác vì lợi ích riêng thì sự nhân từ sẽ mất đi.

"Ta thiết lập một tân quốc gia đặt căn bản trên đạo đức và lòng nhân. Chúng ta phải từ bỏ thành kiên về nòi giống và sự xung đột giữa các quốc gia. Vương Đạo và Thiên Đường phải thực hiện được trên Trái Đất này. Ta hy vọng đồng bào sẽ hiểu."

Cuộc lễ nhậm chức rất ngắn ngủi. Tờ báo Times của Luân Đôn loan tin: "Như vậy ông Phổ Nghi đã trải qua một cuộc thăng trầm vô tiền khoáng hậu, để trở thành người cai trị quốc gia non yểu này, sau khi ông đã từng là một ông vua non yểu của một đế quốc lâu đời nhất." Tưởng Giới Thạch lên án Phổ Nghi là một kẻ phản quốc và thề không bao giờ công nhận cái gọi là Mãn Châu Quốc. Tại Đại Hội Đồng của Hội Quốc Liên, đại diện Trung Hoa tố cáo Mãn Châu Quốc chỉ là bù nhìn của Nhật Bản, và đây không phải là sự tranh chấp giữa Trung Hoa và Nhật Bản, mà là cả thế giới văn minh chống lại Nhật Bản. Trước sự lên án của Hội Quốc Liên, Nhật Bản rút ra khỏi Hội Quốc Liên.

Có thực Phổ Nghi là một người phản quốc không? Dĩ nhiên phần lớn người Trung Hoa đều nghĩ vậy. Nhưng cũng có những ý kiến trái ngược hẳn. George Bronson Rea, sáng lập viên của tờ Far Eastern Review và là cố vấn của Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên, đã hết mình bênh vực Phổ Nghi. Theo ông thì Phổ Nghi không phải là người Trung Hoa và do đó không cần phải trung thành với Trung Hoa. Hơn nữa, chính phủ cộng hòa đã long trọng ký kết một thỏa ước với nhà Thanh, coi Phổ Nghi là một ông vua ngoại quốc. Chính người Trung Hoa sau này đã phản bội lại thỏa ước ấy, và đẩy Phổ Nghi phải sáp lại gần người Nhật.

Một nhà báo Anh là Woodhead đã tới tận Tân Kinh phỏng vấn Phổ Nghi, và hỏi tại sao Phổ Nghi đi Mãn Châu và tại sao chấp nhận đứng đầu chính phủ Mãn Châu. Phổ Nghi thẳng thắn trả lời, "Tôi có hai lý do. Trước hết nhà Đại Thanh thoái vị với ý định trả lại quyền tối thượng quốc gia cho nhân dân, nhưng quyền của nhà Thanh lại lọt vào tay một số sứ quân và đẩy Trung Hoa vào vòng nội chiến. Phúc lợi của dân chúng bị coi rẻ. Lý do thứ hai là hoàn toàn cá nhân. Các Đặc Ân của tôi đã bị vi phạm, tài sản của tôi bị tước đoạt và chính phủ cộng hòa không trả trợ cấp đã định cho tôi. Chính phủ cộng hòa đã coi thường tôi và làm ô uế các lăng tẩm của các tiên đế của tôi. Do đó khi có những rắc rối xẩy ra tại Mãn Châu, tôi phải đứng ra để cải thiện vùng đất tổ của tôi."

Khi phái đoàn điều tra của Hội Quốc Liên do Lytton cầm đầu tới gặp Phổ Nghi, thì Phổ Nghi cũng trả lời, "Tôi tới Mãn Châu và nhận chức lãnh đạo tân chính phủ là do ý nguyện của toàn thể người Mãn Châu. Bây giờ nước của tôi hoàn toàn độc lập rồi." Itagaki cũng hiện diện trong cuộc phỏng vấn của Lytton, và sau đó nức nở khen Phổ Nghi trả lời rất khôn ngoan.

Trong mấy tháng đầu, tân quốc gia Mãn Châu không được nước nào công nhận. Ngay Nhật Bản mãi bảy tháng sau mới công nhận Mãn Châu Quốc. Lý do chính là vì các chính phủ tại Đông Kinh cho rằng Quân Đoàn Quan Đông mới thực là một chính phủ tại Mãn Châu, và Đông Kinh không biết Quân Đoàn Quan Đông sẽ làm gì, và lúc đầu chính phủ Đông Kinh định phong cho Phổ Nghi là Thống Đốc Mãn Châu thôi. Nhưng Quân Đoàn Quan Đông hăm dọa sẽ tách rời khỏi Nhật Bản.

Ngay buổi chiều ngày nhậm chức, Phổ Nghi ký đạo dụ đầu tiên bổ nhiệm Trịnh Thiếu Tự vào chức thủ tướng, và được quyền thành lập nội các. Tướng Honjo cũng đồng ý lệnh bổ nhiệm này. Khi Phổ Nghi bước ra ngoài thì gặp hai vị quan hầu thân tín và mặt họ hết sức buồn vì họ biết họ không có tên trong danh sách nội các hoặc đại sứ. Phổ Nghi phải an ủi họ bằng cách nói muốn họ ở gần mình. Nhưng một người xin phép được trở về Thiên Tân, còn một người thì miễn cưỡng ở lại. Ngày hôm sau Lỗ Chấn Du gặp Phổ Nghi và đệ đơn từ chức. Họ Lỗ bất mãn chỉ được bổ nhiệm chức cố vấn. Mặc dầu Phổ Nghi tỏ ý muốn lưu giữ nhưng họ Lỗ nhất định ra đi, và trở về Đại Liên làm nghề buôn bán đồ cổ.

Phổ Nghi rất hài lòng những lễ nghi trang trọng chào đón khi tiếp nhận chức quốc trưởng, cũng như những lời chào mừng của quan khách ngoại quốc. Phổ Nghi cảm thấy không thể lùi được nữa, vì đã công khai xuất hiện trước quần chúng và tin rằng có thể lợi dụng được người Nhật. Phổ Nghi bây giờ coi chức quốc trưởng như là một cái cầu để dẫn tới ngai vàng. Vấn đề chính là làm thế nào lợi dụng được tối đa cây cầu chuyển tiếp này. Phổ Nghi gọi Trinh Thiếu Tự và Hồ Tế Nguyên vào và bảo hai người:

"Ta đã lập ba lời thề. Trước hết ta sẽ thay đổi thói quen hàng ngày. Mười năm trước, sư phụ Trần Bảo Châu chê ta lười biếng và không tự trọng. Vì thế ta thề sẽ không bao giờ như thế nữa. Lời thề thứ hai của ta là ta sẽ không trốn tránh khó khăn và quyết tâm khôi phục lại di sản của tổ tiên. Lời thề thứ ba là ta sẽ thừa kế được nhà Đại Thanh. Nếu ta thực hiện được ba lời thề này thì ta chết mới nhắm mắt được."

Một tháng sau, dinh quốc trưởng được chuyển tới một tòa nhà khang trang hơn mới được sửa chữa lại và trang hoàng đầy đủ. Để tỏ sự quyết tâm của mình, Phổ Nghi đặt tên cho tòa nhà mới là "Dinh Thự Trọng Dân" và văn phòng của Phổ Nghi cũng được gọi là "Dinh Thự Siêng Năng Vì Dân:" Kể từ đó hàng ngày Phổ Nghi dậy sớm, tới văn phòng làm việc tới tối: Phổ Nghi tuân theo mọi quyết đinh của Quân Đoàn Quan Đông với hy vọng dùng được người Nhật cho tương lai. Nhưng ý muốn làm việc chăm chỉ của Phổ Nghi từ sáng sớm đến tối không tiếp tục được lâu, vì Phổ Nghi chẳng có gì để làm cả, và Phổ Nghi nhận thấy chức quốc trưởng của mình chỉ là hư vị mà thôi.

Một hôm Phổ Nghi định dẫn bà vợ Uyển Dung đi dạo trong công viên Đại Đông cùng với hai người em gái. Ngay lúc Phổ Nghi vừa bước vào công viên, một toán xe chở đầy hiến binh Nhật Bản ào tới, và yêu cầu Phổ Nghi phải trở về dinh quốc trưởng ngay. Một lát sau, viên cố vấn Nhật tới giải thích rằng để bảo vệ danh giá và phẩm cách cũng như sự an toàn cho Phổ Nghi, từ nay Phổ Nghi không nên tự ý ra ngoài dinh quốc trưởng một mình. Trước kia Phổ Nghi là người tù trong Cấm Thành thì nay là người tù trong dinh quốc trưởng Mãn Châu.

Phổ Nghi bắt đầu hoài nghi về danh giá và phẩm cách quốc trưởng của mình sau một vài ngày chăm chỉ làm việc. Suốt ngày Phổ Nghi chỉ ngồi tiếp chuyện với các bộ trưởng và cố vấn người Mãn Châu của mình. Phổ Nghi lấy làm lạ là các bộ trưởng không hề nói tới công việc của họ. Khi được hỏi về công việc của họ, thì họ thường trả lời là công việc của họ đã có các thứ trưởng người Nhật giải quyết rồi, hoặc để họ hỏi lại các thứ trưởng về việc đó. Trong nội các Mãn Châu Quốc, mỗi bộ trưởng người Mãn Châu đều có một thứ trưởng người Nhật, và chính các thứ trưởng người Nhật mới là những người nắm thực quyền. Các thứ trưởng người Nhật không bao giờ tới gặp Phổ Nghi.

Hồ Tế Nguyên là người đầu tiên chính thức than phiền về hoàn cảnh đó. Họ Hồ cho rằng quyền hạn trong mỗi bộ phải thuộc về bộ trưởng và những vấn đề quan trọng phải để quốc trưởng quyết định, và thứ trưởng không có quyền quyết định tối hậu như hiện nay. Trinh Thiếu Tự trả lời rằng vì đây là chính phủ theo nội các chế nên tất cả các vấn đề chính trị phải do Hội Đồng Chính Phủ quyết định hàng tuần, và mỗi tuần thủ tướng phải chuyển tất cả những trường hợp mà Hội Đồng Chính Phủ đã thông qua cho Quốc Trưởng chấp thuận. Họ Trịnh nói rằng đây là phương thức áp dụng tại Nhật Bản và đồng ý rằng thứ trưởng không được toàn quyền như hiện nay, và sẽ bàn luận vấn đề này với tư lệnh của Quân Đoàn Quan Đông.

Hồ Tế Nguyên mô tả một cuộc họp của Hội Đồng Chính Phủ cho Phổ Nghi biết sự liên bệ giữa bộ trưởng và thứ trưởng. Trong buổi họp đặt biệt đó, vấn đề lương bổng của bộ trưởng và thứ trưởng được đem ra thảo luận. Như thường lệ thì cuộc bàn thảo căn cứ vào các văn kiện của Quân Đoàn Quan Đông gửi đến, và các bộ trưởng thường đồng ý toàn bộ. Nhưng lần họp này, các bộ trưởng rất quan tâm đến đề tài của buổi họp, và bầy tỏ sự bất đồng ý của mình. Điểm chính yếu là lương của các thứ trưởng người Nhật cao hơn lương của các bộ trưởng người Trung Hoa bốn mươi phần trăm. Bộ trưởng tài chính lý luận rằng đây là một vấn đề liên quan tới chủng tộc, và mọi chủng tộc phải được coi là bình đẳng với nhau, vậy thì tại sao người Nhật được lĩnh lương cao hơn.

Nhưng viên giám đốc sở nhân viên trả lời, "Nếu người ta muốn nói đến bình đẳng thì người ta phải xét xem khả năng có bình đẳng không. Vì người Nhật có khả năng hơn nên dĩ nhiên họ phải được hưởng lương cao hơn. Ngoài ra mức sống của người Nhật cao hơn, họ sinh ra để ăn cơm gạo trắng chứ không ăn bo bo như người Mãn Cháu. "

Nghe đến đó các bộ trưởng Mãn Châu đều bất bình và cuộc họp gián đoạn. Ngày hôm sau khi tái họp lại, giám đốc sở nhân viên trình bầy rằng ông ta đã phân tích vấn đề và được Quân Đoàn Quan Đông chấp thuận, lương bổng của bộ trưởng được nâng lên bằng với lương thứ trưởng người Nhật. Nhưng vì người Nhật phải sống xa quê hương đến tận đây để xây dựng một Thiên Đường theo Vương Đạo cho người Mãn Châu, nên người Mãn Châu cũng nên biết ơn mà trả cho họ thêm trợ cấp sinh hoạt đặc biệt. Quyết định này được coi là chung quyết và không cần bàn cãi thêm nữa.

Các bộ trởng nghe thế và thấy rằng bàn cãi nữa cũng không có lợi gì; hơn nữa họ cũng đã được tăng lương. Nhưng vụ này cho Phổ Nghi thấy rằng tất cả mọi quyết định đã được các thứ trưởng thông qua trước khi tới Hội Đồng Chính Phủ. Thủ tướng và bộ trưởng cũng như Hội Đồng Chính Phủ chỉ là những hư danh không có thực quyền. Phổ Nghi tỉnh hẳn giấc mộng hoàng đế, nhưng các quan hầu vẫn nhắc nhở rằng Phổ Nghi là một người quan trọng nhất Mãn Châu. Phổ Nghi nhớ lại lúc ở Lữ Thuận, Trịnh Thiếu Tự thay mặt thương thuyết với Tướng Honjo cho các điều kiện Phổ Nghi làm Quốc Trưởng và họ Trịnh làm Thủ Tướng. Những điều kiện ấy Phổ Nghi không được biết cho mãi tới khi Honjo bị đổi về Nhật Bản. Ngày 18 tháng 8 năm 1932, Trịnh Thiếu Tự đem một chồng hồ sơ đến cho Phổ Nghi và nói, "Đây là những thỏa hiệp mà kẻ nô tài này đã ký với Honjo. Xin Hoàng Thợng hãy chấp thuận." Các văn kiện này xác nhận Nhật Bản hoàn toàn nắm quyền an ninh và quốc phòng cho Mãn Châu. Nhật Bản củng có quyền kiểm soát các đường xe lửa, hải cảng, hải phận, không phận và được quyền xây cất các cơ sở trong tương lai, người Mãn Châu phải cung cấp cho quân đội Nhật những đồ tiếp liệu và Nhật Bản có quyền khai thác hầm mỏ và người Nhật được quyền di dân sang Mãn Châu.

Ngay khi đọc các văn kiện, Phổ Nghi vô cùng tức giận và hỏi, "Ai bảo ngươi thương thuyết thỏa hiệp này?"

"Đây là những điều kiện mà Itagaki đã nhắc đến tại Lữ Thuận. Itagaki đã thông báo cho Hoàng Thượng những điều kiện này từ lâu rồi."

"Phi lý! Ta chưa bao giờ nghe nói về các điều kiện này. Ngay cả khi hắn nói đến rồi thì ngươi củng phải báo cho ta trước khi ký."

"Kẻ nô tài làm theo lệnh của Itagaki. Itagaki sợ rằng các cố vấn khác không hiểu hoàn cảnh và chỉ gây khó khăn cho Hoàng Thượng nếu họ biết."

"Ai là người nắm quyền ở đây - ngươi hay là ta?"

"Kẻ nô tài không dám phạm thượng. Thỏa hiệp này chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng ta có thể thương lượng cho những thỏa hiệp khác khi có thể, và sau đó chúng ta sẽ nắm lại hết quyền lợi và thực quyền.” Lời nhận xét của Trinh Thiếu Tự không phải không đúng, tất cả các đặc quyền mà người Nhật đòi hỏi trong các thỏa hiệp đã thực sự nằm trong tay họ trước khi ký thỏa hiệp. Dù sao việc cũng đã lỡ rồi nên Phổ Nghi đành ký vào các thỏa hiệp ấy và Trịnh Thiếu Tự đem đi ngay.

Khi Hồ Tế Nguyên biết chuyện, họ Hồ rất căm phẫn và nói, "Trịnh Thiếu Tự quả thực là một sự sỉ nhục."

Phổ Nghi chán nản trả lời, "Thôi ván đã đóng thuyền rồi, chúng ta cũng chẳng làm gì được nữa. Dù sao hãy chờ đợi những tin tức mới từ Đông Kinh xem sao. Dẫu sao ta cũng chẳng biết làm gì trong lúc này."



Sở dĩ Phổ Nghi nói vậy là vì từ vài ngày trước, Phổ Nghi đã được tin tướng Honjo bị thay thế trong chức vụ tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, và hy vọng rằng tướng tư lệnh mới của Quân Đoàn Quan Đông có thể có thái độ mới, phù hợp với nguyện vọng của Phổ Nghi.
Hoàng Đế Cuối Cùng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương Kết