watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hoàng Đế Cuối Cùng-Chương 18 - tác giả Nguyễn Vạn Lý Nguyễn Vạn Lý

Nguyễn Vạn Lý

Chương 18

Tác giả: Nguyễn Vạn Lý

Phổ Nghi không có một chút uy quyền gì bên ngoài bức tường bao quanh tòa nhà Sở Thuế Muối, nay được dùng làm Hoàng Cung cho hoàng đế Mãn Châu tại Tân Kinh....Người Nhật làm mọi quyết định, dù lớn hay nhỏ, và Phổ Nghi chỉ biết ký các văn kiện do người Nhật đã thảo sẵn. Nhưng bên trong Hoàng Cung thì Phổ Nghi có uy quyền tuyệt đối. Không có việc gì để làm và cũng không được tự do đi ra ngoài để giải khuây, Phổ Nghi đã sống một cuộc đời thật là buồn tẻ và lười biếng. Dần dần Phổ Nghi mắc phải thói quen thức rất khuya, đôi khi đến ba giờ sang, và sáng ra thì ngủ đến gần trưa mới thức giấc. Thường Phổ Nghi ăn sáng vào lúc trưa và ăn bữa tối vào lúc mười giờ khuya. Khoảng năm giờ chiều là giấc ngủ trưa của Phổ Nghi. Phổ Nghi thiết lập lại chế độ thái giám và cho người về Bắc Kinh tìm những thái giám cũ.



Vào một ngày đẹp trời trong năm 1935, Johnston đến thăm Phổ Nghi tại Tân Kinh và được Yoshioka dẫn vào phòng khách. Lúc đó đã quá mười một giờ sáng, nhưng các màn cửa vẫn chưa kéo lên và không khí trong căn phòng khách tối tăm đó sặc mùi thuốc lá. Trong lúc Johnston đang cúi xuống xem một cuốn sách đặt trên bàn thì Phổ Nghi bước vào. Phổ Nghi mặc âu phục, túi trên cắm một bông hoa và tay cầm một điếu thuốc lá. Người thày cũ cúi đầu chào, và Phổ Nghi mời Johnston ngồi xuống ghế sô pha. Hai người cùng có vẻ ngỡ ngàng, như hai người bạn cũ lâu ngày không gặp nhau, và bây giờ không biết tình thân mật trước kia có còn không.

Phổ Nghi hỏi Johnston để mở đầu câu chuyện:

“Ngài có biết quân Ý đã tiến vào Ethiopia không?”

“Có, tôi mới nghe tin đó.”

“Người Ý bây giờ là đồng minh của Mãn Châu, chắc ngài đã biết. Vua Ý là người đầu tiên công nhận Mãn Châu Quốc, và bây giờ Hitler của Đức cũng đã công nhận bản quốc.”

“Tôi biết. Thưa Hoàng Thượng, tôi vẫn chú ý theo dõi số phận của tân quốc gia Mãn Châu.” Johnston trả lời một cách lạnh lùng.

Đúng lúc đó Yoshioka bước vào với một chồng hồ sơ và nói với Johnston rằng Phổ Nghi phải đọc một số văn kiện đặc biệt, và đề nghị Johnston đi dạo quanh vườn cho tới giờ ăn trưa. Johnston bước ra sân quần vợt của Phổ Nghi thì thấy sân rất tiêu điều, lưới đã rách nát, dường như lâu ngày không có người sử dụng. Johnston không thể không buồn nhớ lại những ngày ở trong Cấm thành, ông đã cố công thúc đẩy Phổ Nghi sống một cuộc đời hoạt động thể thao ngoài trời. Ông cũng nhớ lại chiếc quạt với hai câu thơ Phổ Nghi tặng ông:

Ôi nếu chúng ta là đôi chim diệc
Thì sẽ bay về chốn cũ cùng nhau.



Nay cả hai đều xa chốn cũ là Cấm Thành, nơi hai người cùng sống với nhau một thời thân mật như hai cha con. Sau thời gian làm sư phụ cho Phổ Nghi, cuộc đời của Johnston cũng có nhiều sự bất như ý. Năm 1931, khi Phổ Nghi trốn sang Mãn Châu thì Johnston xin về hưu khỏi ngành thuộc địa, và được Anh Hoàng ban tước hiệp sĩ. Tuy vậy Johnston vẫn hy vọng được bổ nhiệm làm thống đốc Hồng Kông, hoặc làm phó viện trưởng đại học Hồng Kông. Nhưng đúng lúc ấy một học giả công bố cuốn sách chỉ trích các nhóm truyền giáo tại Trung Hoa xuất bản năm 1911 dưới bút hiệu Lưu Thiếu Giang chính là của Johnston viết. Sự khám phá này đã lấy đi khỏi Johnston mọi cơ hội được bổ nhậm một chức vụ quan trong tại Trung Hoa.



Cùng năm đó Johnston được bổ nhiệm làm trưởng ban Trung Hoa tại Viện Nghiên Cứu Đông Phương tại Luân Đôn. Các học viên của ông nhận thấy rằng bất cứ khi nào ông bàn tới các Kinh Sách của Khổng Tử hoặc Thơ Đường, thì dường như ông sống lại với những ký ức trong Cấm Thành. Mắt ông bừng sáng khi kể lại những nghi lễ huy hoàng trong điện Thái Hòa, hoặc những toán lính mặc áo vàng khiêng kiệu trong điện Dưỡng Tâm. Đôi khi ông bỗng im lặng, mắt mơ màng như xuất thần.



Năm 1934, ông xuất bản cuốn sách “Hoàng Hôn Trong Cấm thành,” một tập hồi ký về thời kỳ ông làm sư phụ cho Phổ Nghi. Ông viết cuốn sách này cho Phổ Nghi với hy vọng tha thiết rằng, sau khi trải qua một buổi hoàng hôn và một đêm dài, bình minh của một ngày mới hạnh phúc hơn sẽ đến với Phổ Nghi và cho cả dân chúng bên trong và bên ngoài Vạn Lý Trường Thành. Phải chăng giấc mơ đó của Johnston bây giờ đã hoàn toàn tan vỡ?



Từ nhiều năm, Johnston vẫn mong đợi một ngày gặp lại Phổ Nghi, với viễn ảnh một không khí huy hoàng của một lâu đài trên đồi, và kẻ hầu người hạ tấp nập trong hoàng gia, và có những người thuộc giới quý tộc tinh anh thông thái. Trái lại bữa ăn trưa trong buổi tương ngộ hiếm hoi này chỉ có mấy người hầu nam cùng với Trịnh Thiếu Tự chỉ biết im lặng, và người cố vấn Nhật quá ồn ào, trong khi đó đầu bàn đối diện là khuôn mặt dài ngoằng của Phổ Nghi bị cặp kiếng đen che khuất gần hết.



Sau bữa ăn trưa, Johnston từ biệt Phổ Nghi ngay tại cửa, sau khi nhờ Phổ Nghi chuyển lời thăm Thuần Thân Vương và Phổ Kiệt. Tuy không thấy Uyển Dung nhưng Johnston không nhắc gì tới bà hoàng hậu trẻ này. Khi bước lên xe, Johnston quay lại vẫy tay chào Phổ Nghi. Phổ Nghi vẫn đứng tựa cửa nhìn theo. Khi tới ngoài cổng và quay lại, Johnston vẫn thấy Phổ Nghi vẫy tay, đằng sau Phổ Nghi thấp thoàng khuôn mặt một thái giám. Johnston nhớ lại lần chia tay với Phổ Nghi tại bến tàu Thiên Tân, và hai câu thơ trên chiếc quạt. Buổi bình minh mà Johnston vẫn mong đợi cho Phổ Nghi không bao giờ tới. Viễn ảnh của Phổ Nghi chỉ là một buổi chiều tà hiu hắt ảm đạm trước khi chìm vào đêm tối vô định.



Năm 1937, Johnston từ chức tại Viện Nghiên Cứu Đông Phương, và trở về quê tại Tô Cách Lan. Ông không bao giờ lấy vợ và sống cô đơn trên một hòn đảo nhỏ. Bên cạnh ông lúc nào cũng có những kỷ vật của Phổ Nghi tặng và nhiều tài liệu về Trung Hoa. Ngày 6 tháng 3 năm 1938 ông từ trần và để lại một chúc thư yêu cầu phải đốt hết mọi giấy tờ riêng, cũng như thư tín và nhật ký của ông.

*

Mùa đông năm 1936, Phổ Kiệt tốt nghiệp trường Võ Bị Nhật Bản và trở về Tân Kinh. Phổ Kiệt được phong chức trung úy trong đội cấm vệ, và sống trong một căn nhà ở cạnh Hoàng Cung của Phổ Nghi. Biết Phổ Nghi rất thích về hoàng gia Anh, Phổ Kiệt đem về tặng Phổ Nghi một tờ tạp chí viết về những cố sự trong hoàng gia Anh. Phổ Nghi vô cùng sửng sốt khi đọc đến trường hợp Anh Hoàng Edward VIII thoái vị để được kết hôn với bà Simpson, một phụ nữ Hoa Kỳ đã ly dị chồng. Em trai của Edward VIII lên ngôi kế vị lấy niên hiệu là George VI. Phổ Nghi không thể ngờ có một ông vua bỏ ngai vàng chỉ vì một người đàn bà đã từng ly dị chồng. Hơn nữa Phổ Nghi thấy nhan sắc người đàn bà đáng giá ngai vàng của Anh Quốc không bằng sắc đẹp của hoàng hậu Đoan Dung của mình. Phổ Nghi chợt nhớ đến người em trai có thể lên ngôi thay mình như trường hợp Anh Hoàng George VI là Phổ Kiệt. Phổ Nghi cau mày suy nghĩ, và ngẩng nhìn người em uy nghi mạnh mẽ trong bộ quân phục, trong khi Phổ Nghi lúc nào cũng suy yếu bạc nhược. Phổ Nghi nhớ lại mọi người trong Hoàng Cung đều hân hoan khi Phổ Kiệt từ Nhật Bản trở về. Phổ Nghi cảm thấy lo ngại người em, cũng như trước kia có lần Phổ Nghi rất giận dữ khi bắt gặp Phổ Kiệt mặc áo màu vàng dành riêng cho hoàng đế nhà Thanh.



Phổ Nghi lo sợ có ngày sẽ bị bắt buộc thoái vị nhường chức cho Phổ Kiệt. Mối lo ngại ấy càng gia tăng khi năm sau Phổ Kiệt sang Nhật để kiếm vợ. Phổ Kiệt may mắn được nàng Hiro, con gái của Huân tước Saga trong hoàng gia Nhật, chấp nhận lời cầu hôn. Hôn lễ cử hành ngày 3 tháng 4 năm 1937 tại một hội quán sĩ quan gần nhà ga Tân Kinh, vì Phổ Nghi từ chối không cho phép làm lễ cưới trong Hoàng Cung. Ngay sau đám cưới, Phổ Kiệt đưa Hiro trở về Nhật để theo học khóa tham mưu cao cấp. Trong lúc Phổ Kiệt đi vắng, hội đồng chính phủ Mãn Châu theo lệnh của Quân Đoàn Quan Đông, thảo ra các điều lệ thừa kế ngai vàng Mãn Châu. Theo luật này thì trong trường hợp Phổ Nghi chết mà không có con thì Phổ Kiệt sẽ được lên ngôi, và con trai của Phổ Kiệt sẽ được thừa kế ngai vàng Mãn Châu. Phổ Nghi cảm thấy rằng mọi người đang âm mưu phản bội lại mình.



Tháng 10 năm 1937, Phổ Kiệt và Hiro trở về Tân Kinh. Hiro vô cùng thất vọng trước căn nhà tồi tàn dành cho Phổ Kiệt. Các quà cưới của nàng bị xếp xuống đất trong một căn phòng nhỏ. Trong nhà không có cả điện thoại, và không có những tiện nghi mà nàng vẫn được hưởng tại Nhật. Tệ nhất là không có ai biết đặt lấy một bình hoa để chào đón nàng trong căn nhà lạnh lẽo ấy.



Phổ Nghi bất đắc dĩ phải mời vợ chồng Phổ Kiệt vào Hoàng Cung ăn trưa như là một sự chào đón chính thức cho người em. Hoàng hậu Uyển Dung cũng được tham dự bữa ăn trưa này. Đây là lần đầu tiên Uyển Dung có mặt bên Phổ Nghi kể từ ngày Thuần Thân Vương đến thăm. Mặc dầu Uyển Dung rất gầy, hai vai nhô lên, nét mặt buồn u uẩn lặng lẽ, nhưng nàng vẫn còn đẹp một cách man dại. Lần đầu gặp Uyển Dung, Hiro phải công nhận bà hoàng hậu trẻ này rất là xinh đẹp và duyên dáng.



Món ăn đầu tiên là một con gà tây quay đặt trên một chiếc đĩa lớn, và đặt ngay trước mặt Phổ Nghi, và Phổ Nghi có bổn phận cắt thịt mời khách theo lễ nghi Tây Phương. Mọi người còn đang mải nói chuyện và có ý chờ Phổ Nghi cắt thịt thì chợt Uyển Dung nhoài người lên bàn, dùng những chiếc móng tay dài của nàng vồ lấy con gà tây, xé thịt ra và đưa vào miệng nhai ngấu nghiến như một con thú. Mọi người sửng sờ và ngồi bất động sợ hãi trong lúc Uyển Dung vẫn tiếp tục gầm gừ vồ thêm thịt. Rồi nàng hét lên một cách man dại khi vặn được một chân của con gà tây. Hiro cảm thấy rằng Uyển Dung quá đói khát, có thể bị đói nhiều ngày.



Phổ Nghi đứng dậy, rón rén bước ra khỏi phòng. Mọi người đều rút lui theo Phổ Nghi. Hiro là người cuối cùng bước ra. Nàng ngoái lại nhìn bà hoàng hậu trẻ đẹp, chiếc áo choàng của Uyển Dung có đầy hoa và ngọc ngà châu báu phủ trên sàn nhà, trong lúc nàng vừa rên rỉ vừa gặm một khúc xương.



Trong bữa ăn trưa đó, Hiro nhận thấy trong số các người hầu nam, có một người được đối xử khác với những người khác. Người đó chỉ đứng sau ghế của Phổ Nghi và mỉm cười trong khi các người hầu khác trông rất ủ rũ và làm tất cả mọi công việc. Trong mấy tuần lễ sau đó, nhờ nói chuyện với chồng và nhiều người khác, Hiro biết rằng người hầu đó là cục cưng của Phổ Nghi, một thứ hầu thiếp, đúng hơn là một “nam thứ phi” của ông vua có bệnh đồng tính luyến ái. Hiro còn biết Phổ Nghi có bạn tình là con trai từ ngày còn ở Trương Gia Viên tại Thiên Tân, và có lẽ từ ngày còn ở trong Cấm Thành nữa. Phổ Nghi không thích cung tần mỹ nữ, mà chỉ tìm thỏa mãn dục tình bằng thân thể và bàn tay của những thái giám hoặc các người con trai xinh đẹp.



Hàng ngày Hiro trông thấy “nam thứ phi” của Phổ Nghi đi vào căn nhà gần nhà của vợ chồng Phổ Kiệt, theo sau là một người hầu khác bưng một khay đồ ăn. Đôi khi từ trong căn nhà đó có một thiếu nữ nhỏ tuổi đi ra có hai thái giám to lớn đi kèm hai bên. Không ai được vào căn nhà bí mật ấy, ngoại trừ hai người thái giám và “nam thứ phi” của Phổ Nghi. Rồi một hôm Phổ Nghi cho Phổ Kiệt biết người con gái đó là một thứ phi mới của Phổ Nghi, con của một gia đình Mãn Châu. Tên người con gái ấy là Ðàm Ngọc Linh và mới có mười sáu tuổi. Ðàm Ngọc Linh được phong chức Tường Quý Nhân.



Một hôm các thái giám báo cáo cho Phổ Nghi biết Hiro hàng ngày đều viết nhật ký. Phổ Nghi rất hoảng hốt vì cho rằng Hiro là gián điệp dò la nội tình trong hoàng cung Mãn Châu cho Nhật Bản. Yoshioka trấn an Phổ Nghi rằng địa vị của Hiro rất cao quý, có họ với Nhật Hoàng, không thể làm công việc thầm lén dò xét Phổ Nghi như thế. Phổ Nghi cũng vẫn không tin và sai thái giám phải tận lực canh chừng người em dâu này. Bản báo cáo thứ hai của các thái giám còn làm Phổ Nghi kinh hoàng hơn nữa: Hiro trông có vẻ mập hơn trước, dường như nàng có thai. Đây là một tin đáng lo sợ cho Phổ Nghi. Một đứa con trai! Một người thừa kế ngai vàng của Phổ Nghi! Phổ Nghi sợ rằng sẽ bị người Nhật ám sát nếu Phổ Kiệt sinh con trai và ngai vàng Mãn Châu sẽ thuộc về con của Phổ Kiệt, một người mang dòng máu Nhật.

Nhưng cuối cùng Hiro sinh được một đứa con gái. Sau mấy tháng người ta mới thấy Phổ Nghi nở một nụ cười. Phổ Nghi gửi lời mừng tới Phổ Kiệt, và lập tức tới thăm Hiro, mục đích là để chứng kiến tận mắt con trai hay con gái. Hiro lúc đầu rất ghê sợ Phổ Nghi, vì thấy Phổ Nghi đối xử quá tàn nhẫn với Uyển Dung, nhưng dần dần Hiro cảm thấy tội nghiệp hoàn cảnh của Phổ Nghi, phải đóng vai trò một hoàng đế bù nhìn, nhất nhất mọi việc phải vâng lời người Nhật.

Hiro nhận được rất nhiều quà tặng cho con gái, trong đó có rất nhiều đồ chơi. Khi trông thấy những đồ chơi này, Phổ Nghi tỏ ra một sự ham thích lạ lùng. Hàng ngày Phổ Nghi sang thăm Hiro, với mục đích được ngồi xuống chơi các đồ chơi hàng giờ không chán. Khi Phổ Nghi không chơi các đồ chơi của con gái Hiro thì có một thú tiêu khiển nữa là đánh các người hầu. Tòa Hoàng Cung kín cổng cao tường rất ít khách đến thăm viếng, là nơi thích hợp cho Phổ Nghi lập lại trò tiêu khiển tàn nhẫn đánh người. Hồi ở Cấm Thành thì Phổ Nghi sai đánh những thái giám, còn bây giờ thì nạn nhân là những người hầu con trai còn rất trẻ. Người Nhật đã giết một số người Mãn Châu, và vì sợ rằng con cái của những người này lớn lên sẽ nuôi lòng thù hận và tìm cách trả thù người Nhật, nên người Nhật yêu cầu chính phủ Mãn Châu mở một nhà nuôi trẻ mồ côi từ thiện. Phổ Nghi cũng cần một số người hầu để làm việc vặt trong hoàng cung. Các trẻ mồ côi này nghe nói được vào sống trong hoàng cung thì mừng lắm, tưởng sẽ được ăn no mặc ấm và an nhàn hơn là trong viện mồ côi, nên phần đông tranh nhau xin đi vào hoàng cung. Nhưng cuộc đời của những trẻ mồ côi này trong hoàng cung của Phổ Nghi là một cảnh địa ngục. Chúng không bao giờ được ăn no, dù chỉ là ăn thứ bo bo rẻ tiền nhất, và quần áo thì tả tơi rách rưới, và phải làm việc mười sáu giờ một ngày, và đôi khi phải thức suốt đêm nếu phận sự đòi hỏi. Chúng lúc nào cũng bị đánh đập, vì ngủ gật trong lúc làm việc, vì quét nhà không sạch, hoặc vì nói chuyện to quá. Vì bị hành hạ và sống đói khổ như thế nên có những đứa trẻ mười bảy, mười tám tuổi mà trông tưởng như mới có mười hoặc mười hai tuổi.

Với sự trợ giúp của “nam thứ phi,” Phổ Nghi lập ra được một bản điều lệ trừng phạt thái giám và người hầu như sau:

1. Cấm nói chuyện không cần thiết, để tránh hối lộ và tham nhũng.

2. Không được che giấu lỗi lầm của người khác.

3. Cấm biển thủ và mưu lợi cá nhân.

4. Phải báo cáo lỗi của người khác ngay tức khắc.

5. Cấp trên phải đánh cấp dưới ngay khi thấy cấp dưới phạm lỗi.

6. Sự trừng phạt gia tăng thêm một bậc nếu không áp dụng đúng điều luật trên đây.

Phổ Nghi bắt mọi người phải tuyên thệ rằng: “Nếu tôi vi phạm luật thì tôi sẽ vui lòng chấp nhận hình phạt của trời bằng sét đánh.”

Bất cứ người nào cũng phải báo cáo ngay bất cứ một sự vi phạm nào, dù là một vi phạm nhỏ. Phổ Nghi thường ngồi xét tội và tuyên án. Khi Phổ Nghi chỉ tay xuống đất hoặc nói “Đem xuống dưới nhà” thì nạn nhân bị dẫn xuống nhà hầm để bị đánh bằng roi. Nếu tội nặng thì nạn nhân bị tra tấn dã man và sau đó nạn nhân bị giam một mình dưới nhà hầm. Đôi khi Phổ Nghi và “nam thứ phi” đứng quan sát việc trừng phạt. Tội nặng nhất là tội tìm cách trốn ra khỏi hoàng cung. Một người hầu tên là Tôn Phổ Nguyên trốn thoát ra khỏi hoàng cung, nhưng khi đang lang thang ngoài phố thì bị bắt lại, rồi bị tra tấn và giam lại. Tôn Phổ Nguyên tìm cách trốn lần thứ hai thì bị bắt trong lúc đang trèo tường. Lần này cậu bé tội nghiệp đó bị đánh quá tay và chết ngay. Cái chết của Tôn Phổ Nguyên làm Phổ Nghi hoảng sợ hồn ma của nạn nhân sẽ trở về báo oán. Phổ Nghi phải đứng trước tượng Phật hàng giờ để cầu nguyện cho linh hồn cậu bé được mau qua thế giới khác.

Mỗi khi Hiro vào hoàng cung, nàng cố gắng tìm ra chỗ ở của Uyển Dung. Hiro rất lo lắng cho Uyển Dung. Nàng nghe đồn rằng Uyển Dung bị nhốt trong nhà hầm. Phổ Nghi rất thù hận Uyển Dung vì nghĩ rằng Văn Tú phải ly dị là tại Uyển Dung chèn ép nàng. Sau khi Văn Tú ra đi rồi, Phổ Nghi không bao giờ nói chuyện với Uyển Dung nữa. Phải chi Uyển Dung cũng theo gương Văn Tú ly dị với Phổ Nghi, và với nhan sắc lộng lẫy của nàng, nàng có thể làm lại cuộc đời và số phận nàng sẽ khá hơn. Nhưng chỉ vì mê chức hoàng hậu mà nàng đành chôn lấp cuộc đời trong chiếc lồng son tù đày, đẹp đẽ nhưng không đáng sống. Tuổi trẻ đầy những khao khát ham muốn xác thịt bên cạnh một người chồng hờ, đã khiến Uyển Dung liều lĩnh tìm thỏa mãn với một người lính hầu. Khi chuyện vỡ lỡ, Phổ Nghi rất tức giận và nghiêm khắc trừng phạt Uyển Dung. Uyển Dung bị nhốt kín trong một căn phòng dưới hầm trong hoàng cung. Trong hoàn cảnh ấy, thuốc phiện là nguồn giải sầu duy nhất cho bà hoàng hậu trẻ đẹp nhưng thiếu may mắn. Suốt ngày Uyển Dung chỉ nằm hút thuốc phiện để cố quên cuộc đời. Thuốc phiện đã tàn phá nhan sắc và sức mạnh tinh thần của nàng. Sau đó Phổ Nghi đem Ngọc Linh về làm thứ phi, như một cách trừng phạt làm cho Uyển Dung phải thêm nhục nhã và đau đớn.

Hình như những người đàn bà đi qua đời Phổ Nghi đều gặp những sự không may. Văn Tú và Uyển Dung chỉ làm vợ hờ mà đã phải trả cái giá một đời người. Ngọc Linh cũng không may mắn gì hơn. Khi được hai mươi mốt tuổi, Ngọc Linh mắc bịnh và chết một cách rất bí mật. Năm 1945, sau này khi Nhật Bản đã đầu hàng rồi, chính Phổ Nghi tố cáo người Nhật chủ mưu giết Ngọc Linh để ép Phổ Nghi phải lấy một người vợ Nhật Bản.

Ngọc Linh thuộc gia tộc Tatala tại Mãn Châu. Phổ Nghi lấy nàng làm thứ phi cũng chỉ là để làm cảnh, như một con chim trong lồng son. Năm 1942 Ngọc Linh từ trần. Cái chết của Ngọc Linh có nhiều điểm khó hiểu đối với Phổ Nghi. Thoạt đầu Ngọc Linh bị sốt và rất khát nước. Một y sĩ Trung Hoa chẩn bệnh và cho rằng nàng bị bệnh đau màng óc và cho chích chất glucose cho nàng, nhưng bệnh tình của Ngọc Linh không thuyên giảm. Yoshioka đòi giao nàng cho một bác sĩ Nhật Bản.

Thoạt đầu viên bác sĩ Nhật rất tận tâm săn sóc Ngọc Linh và nàng đã có vẻ thuyên giảm. Nhưng sau một buổi đàm luận rất lâu với Yoshioka, vị bác sĩ trở nên thờ ơ, im lặng và không tiếp tục chích thuốc cho Ngọc Linh nữa. Yoshioka bắt hiến binh Nhật gọi điện thoại cho y tá trong phòng bệnh của Ngọc Linh suốt đêm để lấy tin tức. Sáng ngày hôm sau thì Ngọc Linh chết, lúc đó nàng mới hai mươi hai tuổi. Phổ Nghi nghĩ rằng Yoshioka chủ trương giết chết Ngọc Linh. Phổ Nghi rất thương Ngọc Linh và yêu cầu đem chôn nàng trong lăng tẩm nhà Thanh tại Thẩm Dương, nhưng Yoshioka bác bỏ lời yêu cầu này ngay tức khắc. Yoshioka rất ghét Ngọc Linh vì nàng hay than phiền sự lộng quyền của người Nhật tại Mãn Châu. Phổ Nghi cất giữ một lọn tóc của Ngọc Linh và cái kéo cắt móng tay của nàng. Hai kỷ vật này đi theo Phổ Nghi trong suốt cuộc tù đày tại Nga Sô và Trung Hoa.

Ngay buổi sáng khi Phổ Nghi vừa nhận được tin Ngọc Linh chết, thì Yoshioka mang vòng hoa tới chia buồn với Phổ Nghi. Sự mau lẹ mang hoa đến chia buồn khiến Phổ Nghi rất đỗi nghi ngờ, nhưng hành động của Yoshioka sau đó đã làm Phổ Nghi tin chắc người Nhật đã chủ mưu giết Ngọc Linh. Ngay sau đám tang Ngọc Linh, Yoshioka đem đến một xấp hình con gái Nhật và yêu cầu Phổ Nghi chọn một người làm vợ. Phổ Nghi từ chối một hành động vô ý thức như vậy trong lúc những vòng hoa tang trên mộ của Ngọc Linh chưa tàn. Tuy nhiên Yoshioka nhấn mạnh rằng y muốn sắp xếp một cuộc hôn nhân mới để giúp Phổ Nghi bớt cô đơn. Phổ Nghi bác bỏ với lý lẽ rằng việc hôn nhân không nên làm hấp tấp vì là một vấn đề quan trọng, và hơn nữa còn có trở ngại về ngôn ngữ nữa.

Yoshioka ha hả cười, “Hoàng Thượng và người con gái có thể hiểu được nhau mà. Các người con gái Nhật này đều biết nói tiếng Mãn Châu.”

Phổ Nghi vội vàng giải thích rằng đây không phải là vấn đề chủng tộc, mà chỉ vì Phổ Nghi muốn tìm một người thích hợp về thói quen và sở thích thôi. Thực ra Phổ Nghi quyết tâm không chịu lấy vợ Nhật vì sợ rằng người vợ ấy sẽ là tai mắt dò thám cho người Nhật. Tuy vậy Phổ Nghi cũng không dám dùng nhiều lời để từ chối ngay. Yoshioka tiếp tục quấy rầy Phổ Nghi một thời gian. Phổ Nghi liền tìm được một cô gái Mãn Châu mới có mười hai tuổi về làm vợ. Một cô gái tóc còn túm tòong teng hai bên thái dương, hàng ngày đi giữa hai người thái giám to lớn đi ra đi vào trong hoàng cung. Nhưng chỉ ba ngày sau cô bé đó trốn mất và Phổ Nghi cũng không muốn cho tìm bắt lại cô gái ấy. Hiro rất mừng cho cô gái nhỏ đó thoát được thảm cảnh làm vợ Phổ Nghi.

Yoshioka lại tiếp tục thúc đẩy Phổ Nghi lấy vợ mới. Bây giờ thay vì ép Phổ Nghi lấy vợ Nhật, Yoshioka đưa cho Phổ Nghi một xấp hình các cô gái Trung Hoa đang theo học một trường Nhật Bản tại Lữ Thuận. Em gái của Phổ Nghi cảnh cáo Phổ Nghi rằng các cô gái Trung Hoa này được giáo dục để trở thành người Nhật, nhưng Phổ Nghi không dám cưỡng lệnh của Quân Đoàn Quan Đông mãi, nên chọn một cô gái trẻ nhất và học thấp nhất tên là Lý Ngọc Cầm, mười sáu tuổi, con gái của một người hầu bàn trong một nhà hàng ăn. Phổ Nghi nghĩ rằng một cô gái ít học sẽ dễ điều khiển kiềm chế. Thế là một hôn lễ được cử hành và cô gái mười sáu tuổi chính thức trở thành nạn nhân thứ tư của Phổ Nghi.

Lý Ngọc Cầm không đẹp, nhưng mặt mũi sáng sủa mạnh khỏe giống như một người con trai. Lý Ngọc Cầm được phong chức Phúc Quý Nhân, nhưng Phổ Nghi đối xử với Ngọc Cầm như là một người hầu hơn là một thứ phi. Khi làm nhân chứng tại tòa án chiến tranh Đông Kinh, Phổ Nghi giải thích, “Lý do tôi kết hôn với người con gái Trung Hoa còn trẻ này là nàng còn trẻ và có thể giáo dục nàng theo ý muốn, chứ không muốn nàng được giáo dục như một người Nhật.“ Phổ Nghi bắt nàng phải tự viết ra những luật lệ và hình phạt áp dụng cho nàng, và nàng phải ký tên dưới các luật lệ và hình phạt này. Khi Ngọc Cầm vi phạm điều luật gì thì Phổ Nghi đưa cho nàng coi mảnh giấy nàng đã ký, và tự tay thi hành hình phạt với Ngọc Cầm. Phổ Nghi thường lột mông Ngọc Cầm ra và đánh bằng roi. Sự trừng phạt này có lẽ là một hình thức thỏa mãn tình dục bệnh hoạn của Phổ Nghi.

Tuy nhiên Lý Ngọc Cầm là người tương đối may mắn nhất trong số các người đàn bà đi qua đời Phổ Nghi. Chỉ sau hai năm nàng về sống với Phổ Nghi, người Nhật bại trận, Phổ Nghi bị bắt cầm tù và nàng được trở về đoàn tụ với cha mẹ.

*

Không lúc nào Phổ Nghi từ bỏ giấc mơ được trở về ngự trị lại trong Cấm Thành. Khi cuộc Trung-Nhật chiến ranh bùng nổ tại Lư Cầu Kiều năm 1937, và quân Nhật mau lẹ chiếm Bắc Kinh và tràn xuống miền Nam Trung Hoa thì Phổ nghi rất hy vọng được người Nhật cho trở lại Cấm Thành. Nhưng người Nhật chỉ cho Phổ Nghi làm hoàng đế Mãn Châu, chứ không phải là hoàng đế nhà Thanh, nên người Nhật chọn một người Trung Hoa khác làm bù nhìn tại Bắc Kinh. Người đó là Uông Tinh Vệ. Đến đây thì Phổ Nghi đã tỉnh mộng một phần nào.

Quân Nhật đã chiến thắng mau lẹ, chiếm Thượng Hải rồi tới Nam Kinh. Tháng 12 năm 1937, quân Nhật chiếm được Nam Kinh. Lúc đó tướng Matsui là tư lệnh quân Nhật tại Nam Kinh. Ông là một Phật Tử sùng đạo và đã từng là bạn của Tôn Dật Tiên, nhưng ông đã không kiểm soát được tình hình Nam Kinh khi thủ đô của Quốc Dân Đảng lọt vào tay quân Nhật. Matsui ra lệnh cho quân sĩ tiến vào Nam Kinh phải giữ vững tư cách để cho người Trung Hoa tin tưởng người Nhật. Nhưng khi các trận đánh tại Nam Kinh chấm dứt thì Nhật Hoàng phái hoàng thúc Asaka sang giám sát mặt trận, và lệnh của hoàng thân Asaka là “phải giết hết tù binh.”

Trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 15 tháng 12 năm 1937, quân Nhật tại Nam Kinh hành động như điên khùng, đặc biệt là các sư đoàn 6 và 16 nằm dưới quyền của Tướng Nakajima, nguyên tư lệnh mật vụ Nhật. Nhiều binh sĩ Trung Hoa không còn đường trốn, liền vất bỏ quân phục súng ống và trốn vào khu vực của người ngoại quốc. Quân Nhật yêu cầu người Âu Châu trao lại các quân sĩ Trung Hoa này, và hứa sẽ đối xử với họ một cách tử tế. Người Âu và người Mỹ tại Nam Kinh liền trao các binh sĩ Trung Hoa cho người Nhật. Tất cả các binh sĩ này bị quân Nhật dùng lưỡi lê đâm chết, hoặc bị tưới xăng đốt chết, hoặc làm mục tiêu cho người Nhật tập bắn súng máy.

Trong một vụ hãm hiếp vô tiền khoáng hậu, quân Nhật không tha cả các bà cụ già, các người đàn bà chửa và cả con nít. Chính các sĩ quan khuyến khích thúc dục quân sĩ của mình phải bắt tất cả mọi người đàn bà tại Nam Kinh. Hàng ngàn nguời bị trói vào giường và bị hãm hiếp cho đến chết hoặc cuối cùng cũng bị đâm chết. Từng đàn nữ sinh Trung Hoa con nhà giầu có từ 12 tới 16 tuổi tại các trường do người ngoại quốc thành lập, bị lùa vào các trại lính Nhật, và sau đó không ai còn gặp những nạn nhân nhỏ tuổi này nữa. Sau khi cướp bóc các đồ quý, binh sĩ Nhật nổi lửa đốt cháy nhà và phá hủy một phần ba thành phố.

Tại tòa án Tội Ác Chiến Tranh năm 1946 tại Đông Kinh, người ta được biết ít nhất hai trăm ngàn người Trung Hoa bị giết tại Nam Kinh, hai chục ngàn đàn bà bị hiếp và trong nhiều trường hợp là bị hiếp rất nhiều lần, một vụ hãm hiếp kéo dài từ ngày 15 tháng 12 năm 1937 đến ngày 12 tháng 2 năm 1938, khi nạn nhân cuối cùng là một bé gái mới có mười hai tuổi. Ngay sau vụ hãm hiếp tại Nam Kinh, tướng Matsui bị thuyên chuyển khỏi Thượng Hải. Ông là người ra công ngăn cấm quân sĩ Nhật không được nhũng nhiễu người Trung Hoa, và bây giờ ông lại trở thành vật tế thần cho tội ác này. Về sau ông từ chức và giải ngũ, trở về Nhật và cạo đầu lên núi đi tu. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, ông vẫn bị đưa ra tòa án của đồng minh và bị tuyên án tử hình. Ông bị treo vổ vì một tội mà ông kinh tởm và cố hết sức ngăn cản. Trái lại viên tướng chủ trương phải tàn bạo là Nakajima cũng như hoàng thân Asaka thì lại không sao. Năm 1939 Nakajima giải ngũ vì đã rất giàu nhờ cho binh sĩ đi cướp bóc vơ vét tài sản của các nhà giàu tại Nam Kinh. Cả Asaka và Nakajima được hưởng một cái chết già trên giường bệnh.

Các cuộc xâm lăng Trung Hoa thường đến từ phương Bắc do những giống dân nhỏ hơn so với người Trung Hoa. Các giống dân xâm lăng khi vào Trung Hoa đều mang một tâm trạng sợ hãi biển người Trung Hoa. Từ các rợ Kim, rợ Hồ, đến người Mông Cổ và Mãn Thanh và ngay cả người Nhật, đều mang cùng một mặc cảm bất ổn trước khối người Trung Hoa đông đảo, và tất cả đều dùng phương pháp khủng bố để tạo sự kinh hoàng thần phục của người Trung Hoa. Do đó lý do chính của vụ hãm hiếp có tổ chức của người Nhật tại Nam Kinh cũng không ngoài mục đích tạo sự khủng khíếp cho người Trung Hoa trước người Nhật, để không dám kháng cự lại, và để người Nhật có thể lật đổ Tưởng Giới Thạch và đưa lên một lãnh tụ bù nhìn khác sẵn sang chấp nhận sự chiếm đóng của quân Nhật. Tuy nhiên kết quả không như ý người Nhật muốn. Trái lại vụ hãm hiếp và tàn sát tại Nam Kinh bỗng trở thành một luồng sóng căm thù sôi sục dâng lên tràn khắp Trung Hoa, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, dù phần lớn Trung Hoa đã nằm dưới sự thống trị của người Nhật. Chưa bao giờ người Trung Hoa quyết tâm giải phóng đất nước khỏi tay người Nhật, kẻ tử thù bất cộng đái thiên, như là sau vụ tàn sát và hãm hiếp tại Nam Kinh.

Phổ Nghi không hề nghe biết gì về vụ hãm hiếp và tàn sát tại Nam Kinh. Mối bất mãn quan trọng đầu tiên của Phổ Nghi với người Nhật là việc bổ nhiệm tân thủ tướng thay thế Trịnh Thiếu Tự, nhưng vụ giết Linh Thắng là biến cố đầu tiên khiến Phổ Nghi tỉnh giấc mộng hoàng đế. Linh Thắng là con của một cựu thần nhà Thanh làm đốc quân tại Mông Cổ. Linh Thắng cũng từng là cố vấn cho Trương Tác Lâm, và trở thành tỉnh trưởng một tỉnh tại Mãn Châu. Mùa xuân năm 1936 Linh Thắng bị quân Nhật bắt giam.

Theo Yoshioka thì Linh Thắng bị bắt vì đã tham gia vào các phong trào chống Nhật và chống Mãn Châu Quốc. Nhưng thực ra Linh Thắng bị bắt là vì trong một phiên họp của các tỉnh trưởng Mãn Châu, Linh Thắng đã than phiền Quân Đoàn Quan Đông và Itagaki không thực hiện những lời hứa tại Lữ Thuận sẽ công nhận Mãn Châu Quốc như là một quốc gia độc lập. Linh Thắng còn nói các tỉnh trưởng người Mãn Châu không có một chút quyền hành gì cả.

Phổ Nghi rất lấy làm khó xử. Em gái của Phổ Nghi vừa mới hứa hôn với con trai Linh Thắng. Phổ Nghi đang định thảo luận với Quân Đoàn Quan Đông về nội vụ thì tư lệnh Quân Đoàn tới gặp Phổ Nghi, và nói với Phổ Nghi, “Chúng tôi mới khám phá được một vụ phạm pháp của một người quen biết với Hoàng Thượng. Đó là tỉnh trưởng Tân An, Linh Thắng. Hắn đã liên kết với ngoại bang để tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại Nhật Bản. Tòa án quân sự đã xác nhận tội trạng của hắn chống lại Nhật Bản và Mãn Châu Quốc, và đã tuyên án tử hình.”

Phổ Nghi kinh ngạc nhắc lại, “Tử hình?”

“Phải, tử hình. Đây là một sự cảnh cáo. Giết một người chúng tôi sẽ cảnh cáo được hàng trăm người khác.”

Sau khi viên tư lệnh ra về rồi, Yoshioka khuyên Phổ Nghi nên hủy bỏ hôn nhân của em gái với con trai của Linh Thắng, và Phổ Nghi phải nghe theo ngay. Linh Thắng bị chặt đầu cùng với một số thân quyến. Đây là lần đầu tiên người Nhật xử tử một viên chức Mãn Châu cao cấp. Phổ Nghi không tin Linh Thắng phản bội lại Mãn Châu và nhận thức rằng người Nhật cũng có thể đối xử với mình như đã đối xử với Linh Thắng, nhất là lời nói của viên tự lệnh: “sát nhất nhân vạn nhân cụ” càng khiến Phổ Nghi biết rõ thân phận của mình hơn. Người Nhật chỉ muốn những người tuyệt đối trung thành như tân thủ tướng Trương Thanh Hải. Trong một buổi họp chính phủ, Trương Thanh Hải đã tuyên bố, “Nhật Bản và Mãn Châu giống như hai con chuồn chuồn buộc chung vào cùng một sợi giây. Mãn Châu rộng hàng ngàn dặm vuông, nhưng người Mãn Châu vô học và ngu dốt. Nếu người Nhật đến vùng đất hoang vu này và dạy người Mãn Châu các phương pháp tối tân thì cả hai bên đều có lợi.”

Khi người Nhật đòi hỏi Mãn Châu cung cấp lúa gạo với giá rẻ, Trương Thanh Hải bào chữa cho người Nhật: “Các binh sĩ của hoàng gia Nhật đã phải hy sinh mạng sống, còn người Mãn Châu chúng ta chỉ phải trả bằng lúa gạo thôi thì thực là công bằng quá.” Tư lệnh Nhật luôn luôn khen ngợi Trươnh Thanh Hải là một thủ tướng tốt và là người biết làm tăng tình thân hữu Nhật và Mãn Châu.

Sau vụ Linh Thắng, Phổ Nghi còn buồn phiền về hoàng thân Đức. Hoàng thân Đức là một hoàng thân Mông Cổ và điều hành chính quyền Nội Mông Tự Trị. Khi Phổ Nghi còn sống tại Thiên Tân, hoàng thân Đức thường gửi tặng Phổ Nghi những con ngựa Mông Cổ rất quý, và bày tỏ lòng trung thành với Phổ Nghi bằng nhiều cách khác. Khi đến thăm Phổ Nghi tại Tân Kinh, hoàng thân Đức đã than phiền rằng người Nhật quá mạnh và quá nhiều tham vọng. Phổ Nghi cố gắng an ủi ông ta. Nhưng ngày hôm sau, Đại Tá Yoshioka đến thăm Phổ Nghi với bộ mặt nghiêm trọng và hỏi Phổ Nghi, “Hôm qua Hoàng thượng bàn luận gì với hoàng thân Đức?”

Nhận thấy có điều không hay, Phổ Nghi cho biết chỉ nói những chuyện không quan trọng. Yoshioka nghiêm mặt nói, “Những điều Hoàng Thượng nói hôm qua chứng tỏ Hoàng Thượng bất mãn với người Nhật, phải không?”

Phổ Nghi hoảng hốt và chỉ biết phủ nhận, “Đó chỉ là những điều bịa đặt của hoàng thân Đức.” Tuy Yoshioka bỏ qua không nhắc tới chuyện ấy nữa, nhưng Phổ Nghi cũng rất lo ngại và thường tự hỏi làm sao người Nhật biết được những gì Phổ Nghi nói với hoàng thân Đức. Phổ Nghi cho rằng chỉ có hai lý do, hoặc người Nhật đặt những dụng cụ nghe lén trong nhà, hoặc chính hoàng thân Đức phản bội làm tai mắt cho người Nhật. Phổ Nghi dùng nhiều thời giờ lục soát tìm kiếm trong hoàng cung xem có dụng cụ nghe lén của người Nhật không, nhưng chẳng tìm thấy gì cả và kết luận rằng chính hoàng thân Đức đã làm tay sai cho Nhật phản bội lại mình. Từ biến cố này và vụ giết Linh Thắng, Phổ Nghi biết rằng không nên thảo luận thành thực về các vấn đề chính trị với bất cứ ai ngoài gia đình. Từ đó Phổ Nghi rất dè dặt nói chuyện với những người đến thăm hoàng cung. Quân Đoàn Quan Đông cũng ra lệnh cho Yoshioka phải hiện diện trong các buổi tiếp khách của Phổ Nghi.

Quân Đoàn Quan Đông đưa ra một văn kiện mới, đòi hỏi rằng nếu Phổ Nghi có con trai thì đứa con đó phải đưa sang Nhật để nuôi dưỡng và huấn luyện, khi đứa nhỏ ấy được năm tuổi. Khi cuộc Trung Nhật chiến tranh xảy ra và quân Nhật chiếm được Bắc Kinh rồi thì nhiều cựu thần nhà Thanh hy vọng Phổ Nghi sẽ được trở lại Cấm Thành, nhưng Phổ Nghi bây giờ đã biết rõ thân phận mình. Phổ Nghi biết rằng người Nhật chỉ lợi dụng mình trong một thời gian. Bây giờ mối quan tâm của Phổ Nghi không còn là ngai vàng nhà Thanh nữa, mà chỉ lo lắng tránh không bị người Nhật giết. Bây giờ Phồ Nghi rất nghi ngại Yasunori Yoshioka, người cố vấn Nhật Bản có nhiệm vụ theo dõi mọi hành động của Phổ Nghi.

Yoshioka là một người thấp lùn để ria mép. Trên danh nghĩa, Yoshioka là cố vấn cho Phổ Nghi, nhưng thực ra hắn là người truyền cho Phổ Nghi những mệnh lệnh từ Quân Đoàn Quan Đông, bắt Phổ Nghi phải thi hành. Kể từ năm 1935 cho tới lúc Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Yoshioka lúc nào cũng ở bên cạnh Phổ Nghi. Trong thời gian này Yoshioka quyết định cho Phổ Nghi được tiếp kiến ai, phải nói gì, ngay cả những nụ cười hoặc gật đầu của Phổ Nghi cũng phải được Yoshioka chấp thuận trước. Theo lệnh của Yoshioka, Phổ Nghi đã phải ký các văn kiện chấp nhận tiếng Nhật là quốc ngữ tại Mãn Châu.

Khi quân Nhật mở cuộc chiến đại quy mô tại Trung Hoa năm 1937 và đòi Mãn Châu phải cung cấp gạo cho binh sĩ Nhật, thì Phổ Nghi phải đọc một lời kêu gọi do Yoshioka đã viết sẵn, thúc giục dân chúng Mãn Châu phải “phải chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cuộc thánh chiến” của người Nhật, và yêu cầu người Mãn Châu tham chiến bên cạnh người Nhật, và phải “sống chết với Nhật và đoàn kết để đập tan sức mạnh của Anh và Mỹ.” Bất cứ khi nào quân Nhật chiếm được một thành phố lớn của Trung Hoa, Yoshioka thường bắt Phổ Nghi đứng dậy cùng hắn, hướng về phía thành phố ấy, và kính cẩn cúi đầu xuống để tỏ lòng thành kính với những binh sĩ Nhật đã bỏ mình trong trận đánh ấy. Người Nhật xây một Đền Lập Quốc và hàng tháng Phổ Nghi phải ra đài này châm hương, vái lạy và cầu nguyện cho chiến thắng của người Nhật.

Trước cuộc Trung-Nhật chiến tranh, người Nhật không để tâm kiểm soát các vấn đề cá nhân hoặc trong gia đình của Phổ Nghi. Trước đó gia quyến của Phổ Nghi được tự do từ Trung Hoa lên Mãn Châu tham dự sinh nhật của Phổ Nghi, nhưng sau năm 1937, người Nhật chỉ hạn chế một số người được tới Tân Kinh. Hơn thế nữa, các thân bằng quyến thuộc khi gặp Phổ Nghi chỉ được cúi đầu chào chứ không được phép nói chuyện với Phổ Nghi. Tất cả những thư từ gửi tới cho Phổ Nghi đều bị văn phòng của Yoshioka đọc trước, và quyết định thư nào Phổ Nghi được đọc. Quân Đoàn Quan Đông biết rằng Phổ Nghi không chống lại người Nhật hoặc Mãn Châu Quốc, nhưng lại sợ rằng Phổ Nghi có thể liên lạc với các cựu thần bên trong Vạn Lý Trường Thành để phục hồi lại nhà Thanh, và đó là điều người Nhật phản đối.

Năm 1935 Phổ Nghi viếng thăm Nhật Bản và được bà thái hậu Nhật tặng cho vài bài thơ. Yoshioka nói với Phổ Nghi, “Thái hậu Nhật Bản tương đương với mẫu hậu của Hoàng thượng, và tôi rất lấy làm vinh dự vì tôi coi tôi như là người thân của Hoàng Thượng.” Nhưng đến năm 1936, Yoshioka nói với Phổ Nghi, “Nhật Bản tương đương với thân phụ của Hoàng Thượng, Quân Đoàn Quan Đông đại diện Nhật Bản, và như vậy tư lệnh quân đoàn là thân phụ của Hoàng Thượng, và tôi là đại diện của Quân Đoàn Quan Đông.” Phổ Nghi vẫn nhẫn nhục trước những lời hỗn xược của Yoshioka.

Không những Quân Đoàn Quan Đông đè nén Phổ Nghi về chính trị, mà còn cưỡng ép Phổ Nghi phải theo tôn giáo Shinto của người Nhật nữa. Năm 1940, Phổ Nghi đến viếng thăm Nhật lần thứ hai và đã đến viếng các đền thờ Shinto của người Nhật như là một tín đồ Nhật Bản nhiệt thành nhất. Theo lệnh của Quân Đoàn Quan Đông, Phổ Nghi đã nói với Nhật Hoàng ước muốn được thờ Thái Dương Thần Nữ để thắt chặt sự thống nhất tâm trí và đạo đức giữa Nhật Bản và Mãn Châu Quốc. Hirohito giật mình trước lời yêu cầu của Phổ Nghi và nói, “Nếu đó là ý muốn của Hoàng Thượng thì tôi xin lĩnh ý.”

Sau đó Hirohito đưa cho Phổ Nghi ba bảo vật của đạo, tượng trưng cho Thái Dương Thần Nữ: một cây kiếm, một chiếc gương bằng đồng và một tấm ngọc cong. Sáu năm sau khi bị Đồng Minh thẩm vấn, Phổ Nghi đã khai, “Khi Nhật Hoàng giải thích cho tôi, tôi tưởng tôi đang ở trong một tiệm bán đồ cổ. Các vật này có thực là linh thiêng không? Có phải ba vật này biểu tượng cho tổ tiên mới của tôi không? Trên đường trở về tôi đã ôm mặt khóc.”

Phổ Nghi bao giờ cũng coi việc tàn phá lăng tẩm của các tiên đế nhà Thanh là một kinh nghiệm đau đớn nhất trong đời. Phổ Nghi vốn rất sùng đạo Phật, nay phải theo đạo Shinto nên lúc nào cũng mang mặc cảm phản bội tổ tiên, dù rằng Phổ Nghi phải làm những việc bất như ý chỉ vì mục đích khôi phục lại nhà Thanh. Phổ Nghi hy vọng linh hồn của tổ tiên hiểu ý định kín đáo của Phổ Nghi, và tha thứ và bảo vệ cho Phổ Nghi. Phổ Nghi vẫn âm thầm thờ phụng tổ tiên một cách bí mât và chỉ công nhận tổ tiên Nhật Bản mới tại nơi công cộng thôi.

Quân Đoàn Quan Đông xây một đền thờ Thái Dương Thần Nữ ngay trong sân của hoàng cung và Phổ Nghi hàng ngày cầu nguyện tại đền này cho phúc lợi của cả hai dân tộc Nhật Bản và Mãn Châu. Ðền thờ Thái Dương Thần Nữ xuất hiện khắp nơi tại Mãn Châu, và bất cứ người Mãn Châu nào đi ngang qua đền thờ cũng phải cúi gập người và vái lậy, nếu không sẽ bị hiến binh Nhật đánh đập. Bị thất bại mọi mặt và thế giới thần linh sụp đổ, Phổ Nghi chỉ còn một con đường trốn tránh duy nhất là quay vào đời sống nội tâm. Càng ngày Phổ Nghi càng tin theo đạo Phật, học thuộc kinh sách và cung kính lễ Phật hàng ngày trong hoàng cung. Bây giờ Phổ Nghi không ăn thịt nữa vì Ðức Phật cấm sát sinh. Phổ Nghi tuân theo lời dạy của Ðức Phật một cách quá đáng khi ra lệnh cho quân hầu không được đánh chết ruồi mà chỉ xua đuổi đi thôi, nhưng trái lại mỗi khi Phổ Nghi thấy ruồi trong đồ ăn thì lập tức trừng phạt đầu bếp. Khi trông thấy một con mèo bắt được một con chuột, Phổ Nghi vội vàng sai quân hầu phải xua đuổi làm sao cho con mèo phải nhả con chuột ra cho được mới thôi.

Phổ Nghi trở nên dị đoan và tìm người giảng các lời sấm, lời tiên tri. Bây giờ Phổ Nghi không còn tin ai nữa và sợ chết hơn bao giờ hết. Người Nhật đã làm Phổ Nghi hoảng kinh đến mất tinh thần. Các thuộc hạ lo sợ rằng khi bị áp chế quá đáng, Phổ Nghi có thể đi đến tự tử hoặc nổi khùng chống lại người Nhật. Nhưng Phổ Nghi không đủ can đảm tự tử mà cũng không chống lại người Nhật, trái lại càng ngày Phổ Nghi càng thu gọn người lại, và các cơn ác mộng đến với Phổ Nghi nhiều hơn. Một hôm Phổ Nghi bước ra ngoài vườn và trông thấy một hàng chữ bằng phấn: “Hoàng Thượng đã đủ nhục chưa?” Phổ Nghi kinh sợ người Nhật trông thấy hàng chữ này nên vội lấy khăn lau đi ngay.

Hàng ngày Yoshioka thường vào Hoàng cung của Phổ Nghi. Ðôi khi hắn ở lâu hơn, nhưng nhiều khi hắn chỉ ở lại chừng mười phút rồi ra về, và chỉ năm phút sau hắn lại quay trở lại, lấy cớ quên nói với Phổ Nghi điều này điều nọ. Thực ra Yoshioka dùng những chuyến viếng thăm chớp nhoáng và có thể xẩy ra bất cứ lúc nào để dễ dò xét Phổ Nghi. Lâu dần Phổ Nghi phải cố tránh những trường hợp có thể khiến Yoshioka nghi ngờ. Ngay khi nghe tin Yoshioka tới, bao giờ Phổ Nghi cũng lập tức chạy ra gặp Yoshioka ngay, không dám để Yoshioka chờ đợi và nghi ngờ đang làm điều gì bí mật, dù lúc đó Phổ Nghi đang dùng cơm cũng phải bỏ chén đũa bước ra ngay. Chưa có một ông vua bù nhìn nào tủi nhục bằng Phổ Nghi của Mãn Châu Quốc. Càng ngày Phổ Nghi càng tỉnh hẳn giấc mộng làm hoàng đế trong tay người Nhật. Mối lo lắng chính yếu của Phổ Nghi bây giờ là làm sao không để bị người Nhật nghi ngờ, vì nếu bị người Nhật nghi ngờ thì không thể nào tránh khỏi cái chết. Cũng vì thế, mỗi khi nhận được đồ ăn do người Nhật tặng, Phổ Nghi bao giờ cũng cho người khác ăn trước xem có bị bỏ thuốc độc hay không.

Khi cuộc chiến có vẻ bất lợi cho người Nhật thì Tưởng Giới Thạch nghĩ rằng Phổ Nghi có thể đóng một vai trò có lợi cho Trung Hoa, giúp Trung Hoa đoạt được chủ quyền trên lãnh thổ Mãn Châu nên Tưởng kêu gọi Phổ Nghi và Uông Tinh Vệ trên báo chí hãy quay về với tổ quốc:

“Nếu những kẻ phản quốc quay trở về với tổ quốc thì chúng ta sẽ tha thứ cho quá khứ của họ và cho phép họ được cải tạo. Nếu Phổ Nghi và Uông Tinh Vệ từ bỏ người Nhật và phục vụ tổ quốc sau này, thì chúng ta lại cho phép họ được là công dân Trung Hoa, và còn cho họ được tự do hoạt động chính trị.”

Phổ Nghi là một người ốm yếu bạc nhược, nhưng trong suốt cuộc đời, bao giờ Phổ Nghi cũng được coi là một công dụng chính trị nhờ sinh vào một hoàn cảnh đặc biệt. Thân phận Phổ Nghi như một cánh bèo trôi trên dòng nước xoáy của thời cuộc và lúc nào cũng có một cánh tay vươn ra vớt lấy để lợi dụng cho quyền lợi chính trị của họ. Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch đều nhận thấy sự ích lợi của con bài Phổ Nghi nếu muốn chiếm được Mãn Châu. Sau này lá bài Phổ Nghi lại một lần nữa sáng giá và được cả Nga Sô và Trung Cộng chiếu cố. Người Mãn Châu là một giống dân miền núi, rất khó nắm được lòng trung thành của họ. Nếu Trung Hoa làm phiền họ, thì chỉ lẩn vào núi là họ có thể nghiêng về Nga sô. Sau này chính Chu Ân Lai là người đã trông thấy giá trị của Phổ Nghi với chính sách “Người Mãn Châu Cuối Cùng.”
Hoàng Đế Cuối Cùng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương Kết