watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình ca cho Huế đổ nát-Chương 3 - tác giả Nhã Ca Nhã Ca

Nhã Ca

Chương 3

Tác giả: Nhã Ca

Sáng ngày thứ mười mấy rồi, không ai nhớ nổi, tỉnh dậy là Tâm bò ra miệng hầm liền. Tâm phải bò ngang trên mình nhiều người mới ló đầu ra khỏi miệng hầm được. Bên ngoài trời đã sáng, nhưng trong nhà ánh sáng lờ mờ vì nhiều cửa sổ đã đóng kín mít. Ngọn đèn dầu vặn nhỏ đặt trong góc hầm như sắp hết dầu, màu vàng ửng đỏ một cách kỳ cục. Có một bàn tay của người nào nằm đó vẫy lên, ngọn đèn tắt ngấm. Trong hầm tối um, Tâm nghe tiếng bà chị cằn nhằn:

"Không chịu ngủ ra ngoài mần chi mà bò lên mình người ta rứa".

Có lẽ đêm qua chị ngủ không được, nằm thao thức, lo sợ quá rồi bây giờ cáu kỉnh. Tâm làm thinh. Mấy ngày hôm nay Tâm đã làm thinh nhiều lần. Nhiều lần Tâm muốn cất tiếng hét, Tâm nghĩ lại kịp: đừng để cáu kỉnh, đừng để khổ thêm nữa.

Tâm lắng tai nghe, sao hoàn toàn yên tĩnh thế này. Đêm qua tiếng súng lớn nhỏ bắn suốt đêm, mọi người nằm sát nhau trong hầm, bịt tai, co quắp cả người lại vì những tiếng nổ lớn dội người. Tiếng súng tắt từ lúc nào trong giấc ngủ mệt mỏi về sáng Tâm không biết nữa. Giọng ông anh nói thì thầm:

"Đứa mô ở miệng hầm đó, ra ngoài coi thử, răng súng đạn êm rơ rồi".

Giọng anh tỉnh không. Tâm tưởng tượng ra được khuôn mặt anh lúc đó. Mới mấy ngày mà mắt anh sâu hút, môi tái, mặt xanh và tay chân gầy tọp như que củi. Anh ôm chặt mấy đứa con, không rời chúng nửa bước. Hình như mạng sống của anh phải dính liền với mấy đứa trẻ nhỏ. Tiếng bà Xếp run run:

"Ni, đứa mô nơi miệng hầm đó. Ra coi thử, răng êm ru bà rù rứa".

Nhưng chị dâu Tâm thận trọng:

"Đừng, đừng mở cửa. Họ ở ngoài vườn đó. Họ bắn chết chừ".

"Để con ra cho".

Tiếng con Thầm nói, rồi có tiếng rột rẹt. Chắc nó ngồi dậy.

Tâm quay đầu lại giơ tay ra hiệu. Tâm chợt nhớ lúc đó trong hầm tối thui, Tâm lên tiếng:

"Đừng, đừng. Để tao ra cho".

Tâm bò ra khỏi miệng hầm. Người anh nói nhỏ theo, cẩn thận nghe. Tâm phải khó khăn lắm mới đứng thẳng người trên miệng hầm được. Cả một đêm nằm bẹp một chiều, tay chân cơ hồ như rã rời, tê cứng. Căn nhà vắng lặng một cách ghê rợn. Tâm đi từng bước ngắn, cẩn thận, lúc nào cũng cẩn thận, chực chờ để chạy lui trở lại, chui tọt vào miệng hầm. Tâm đi lần ra tới cửa, áp tai vào cánh cửa để nghe ngóng. Bên ngoài cũng yên tĩnh đe doạ, bồn chồn, thứ yên tĩnh làm bóp thóp tim người ta. Không, không có gì hết. Chắc cũng không có ai ở ngoài vườn nữa. Chắc đêm qua họ rút lui cả rồi. Tâm nhớ tới khuôn mặt trẻ măng của anh bộ đội chính quy Bắc Việt. Chiều qua, anh còn đứng gác trước cổng, tay cầm súng AK, bên cạnh xác một anh đồng đội nằm chết co quắp chưa được mang đi. Con Thầm, con Bông sợ quá không dám ló mặt ra khỏi miệng hầm, sợ phải khiêng xác người. Không biết bây giờ anh còn gác ở đó không? Tâm mở nhẹ cánh cửa, đứng thập thò đầu nhìn ra sân. Cây mai vàng trông đến tả tơi, tội nghiệp, nó bị trúng một quả mọt chê, mấy cành trĩu bông bị gãy, xác mai vàng rụng tràn dưới gốc đã úa màu. Nhưng trời ơi, trong bầu trời lam chì như sắm rớm trăm ngàn giọt lệ, trong sự tiêu điều tê tái của cỏ cây, sao những búp xanh vẫn còn may mắn đâm chồi, những nụ chồi mơn mởn mọc mạnh mẽ tự nhiên hết sức. Nhưng Tâm, Tâm không còn chút hy vọng nào. Người Tâm cứng chắc vì đã thường trực sợ hãi, tuyệt vọng cùng cực. Có tiếng chân người bước ra khỏi miệng hầm, Tâm quay lại. Hầm phía bên trái của một gia đình khác tản cư tới đây cũng đã dậy hết và vừa chui hết ra khỏi hầm. Mấy khuôn mặt lấm lét nhìn Tâm. Tâm đưa tay ra dấu bảo họ đừng khua động. Họ ngồi bệt trên nền nhà, Tâm mở lớn cửa, đi thẳng ra sân.

Ngoài đường không có một bóng người. Đêm qua cả nhà bàn với nhau nếu sáng ra nhìn thấy có người đi trên đường thì tản cư theo họ ngay. Không biết đi lên phía Tây Thiên hay đi xuống cầu. Tình hình hoàn toàn mù tịt, từ nhà này còn không liên lạc được với nhà bên cạnh, nói chi tới tin tức xa gần nào khác. Có cái máy radio thì bị họ lấy từ hôm đầu rồi. "Chúng tôi cần có ra-dô để nghe đài giải phóng, đợi đón ngày Bác Hồ đi máy bay vô Sài Gòn, thế nào Bác cũng ghé Huế". Tâm nhớ lại câu đầu tiên nghe đạo đức vào hôm mồng Hai của họ: "Ba hôm nữa là hoà bình. Đã lấy xong Sài Gòn rồi. Bác Hồ cũng sắp vô". Họ nói một cách chắc chắn. Nhưng tới hôm nay là ngày thứ mười rồi. Mỗi ngày đạn bắn càng rát, mọt chê câu càng nhiều, và phía họ, Tâm thấy khiêng người bị thương đi ngang qua nhà vô kể.

Tâm đi tới bên lu nước mưa đặt dưới gốc cây xoài, nhướng cổ nhìn ra ngõ. Tâm vừa ngóc đầu lên thì cắc, một tiếng đạn bay trong veo như xuyên qua tim phổi một cách êm ái. Tâm giật mình, tính ngã người ra phía sau. Rồi một tiếng hô lớn:

"Đứng lại".

Tâm đứng lại cũng không vững nữa, tay Tâm bám chặt vào miệng lu nước. Mắt Tâm hoa lên vì sợ. Anh lính Bắc Việt đã đứng trước mặt Tâm, và hạ súng xuống:

"Chị mà tôi tưởng ai. Sao ra vườn chi sớm vậy?"

Tâm lắp bắp mãi mà không nói thêm được câu nào. Hắn nhìn Tâm trân trân, rồi miệng hơi mỉm cười:

"Vào nhà đi. Tụi Mỹ nguỵ sắp pháo kích. Chúng nó sắp đánh tới dưới cầu rồi".

Tâm nhìn ra cổng. Ngay trước cổng nhà, hai ba người bị thương hay chết không biết nữa, thấy nằm ngay đơ. Tâm lùi một bước:

"Trời ơi".

Tâm đưa tay lên che mặt. Hắn nhìn Tâm vẻ hơi ngạc nhiên, rồi vác súng lên vai, trở ra cổng.

Tâm đứng nhìn theo hắn một lúc, rồi nghĩ tới những tiếng đạn mọt chê nổ bất chừng. Tâm đi vội vào nhà. Mọi người đã ra khỏi hầm và đang ngồi trên nền nhà. Mấy đứa trẻ tay cầm bánh tét ăn ngon lành. Tâm mủi lòng cho mấy đứa cháu quá, mặt mày đứa nào cũng hốc hác, xanh xám lại vì sợ, vì nằm dưới hầm đất ẩm thấp.

Thấy Tâm trở vào, ông anh hỏi:

"Răng, có người ngoài đường không?"

Cả nhà đã bàn nếu thấy có người đi ngoài đường là theo họ tản cư ngay. Mấy hôm nay đạn mọt chê câu lên rất nhiều, chỉ có buổi sáng là hơi ngớt. Chị dâu Tâm chán nản:

"Thôi, đi mô cũng rứa thôi. Đi cũng chết, ở cũng chết".

Người anh gắt:

"Chết răng được. Có số mạng cả chớ".

Chị dâu Tâm lặng im. Nhưng nước mắt chị đã rưng rưng. Anh Tâm thương chị lắm. Phải gắt gỏng với chị như thế là chuyện bất đắc dĩ. Bà Xếp mà mấy ngày nay được các cán bộ Việt cộng gọi là Mẹ Giải phóng đã đứng lên cắt đặt cho mọi người công việc:

"Thôi, lo cơm nước đi. Con Tâm ra ngoài không được. Để tao ra tao hỏi dò xem.

Một lát, những nhà bên cạnh đã có tiếng nói. Tâm đứng trước hiên nhìn ra đường. Mấy anh Việt cộng vác súng đi ngờ ngờ ngoài đường. Bà Xếp đã ra hỏi chuyện anh lính Việt cộng gác ngoài cổng. Tội nghiệp bà. Hôm mồng Hai, họ tràn vào nhà, họ gọi bà là Mẹ Giải phóng, bà sợ quá líu lưỡi. Dạ, mạ giải phóng, tui là mạ giải phóng… rồi bà ngã lăn quay ra đất. Mấy ngày sau, mỗi lần thấy họ vào nhà định lục soát bắt thanh niên là bà giả vờ cầm đòn bánh tét hay chai dầu Nhị Thiên Đường ra níu níu kéo kéo họ lại. Nì anh ơi, ăn miếng bánh tét. Ngon lắm. Xức chút dầu. Mạ giải phóng mời mà. Đi, xức chút dầu cho ấm.

Bà cứ cuống quít lên, vậy mà mấy anh thanh niên nhờ đó đã đủ thì giờ trốn dần được hết. Thỉnh thoảng trong nhà quen miệng gọi bà là mạ giải phóng thì bà xua tay, lắc đầu: "Đừng, đừng, ai mà ưa làm thứ mạ ác ôn đó".

Nấu xong nồi cơm, ăn vội mỗi người một chén thì đạn mọt chê đã câu tới. Mọi người hốt hoảng chui vào hầm. Tâm chui vào sau cùng. Nhưng không ai nằm xuống mà ngồi khom người, bàn chuyện. Ông anh nói nhất định phải trốn đi nội ngày hôm nay mới thoát được. Chị dâu Tâm sợ quá nói không ra tiếng. Rồi chị ngồi ôm đứa con nhỏ nhất khóc âm thầm. Tội nghiệp, chị khóc hoài huỷ đến nỗi khi lên khỏi miệng hầm Tâm thấy mắt chị sưng húp. Bà Xếp giọng run run, kể:

"Khi hồi tau ra đường thấy người chết nằm đầy ở ngoài. Nì, tụi nó đào hầm hố cá nhân hết. Trước cửa chùa đó, có cái hầm cá nhân tau thấy có thằng chết nát bấy, cái đầu văng ra ngoài thấy tởm quá.

Tâm ôm mặt:

"Thôi đừng kể nữa, mạ ơi".

"Tau run quá".

Bà Xếp nói xong thì run thật. Tâm thấy khối thịt của bà rung rung bên vai. Người bà nóng như cái lò sưởi. Kê vào thịt bà Tâm thấy đỡ lạnh. Bà lại nói:

"Răng tau thấy cái thằng gác trước cửa mình nhất định không chịu đi theo bộ đội của nó. Lớp mới không mà".

Chị dâu Tâm nói góp:

"Lạ hỉ. Nó bắt các cô đi khiêng đạn, khiêng xác chết mà nó không bắt con Tâm đi".

Ông anh thắc mắc:

"Ừ, lạ hỉ. Nó lầm lầm lì lì, rứa mà tui thấy nó nhìn con Tâm với đôi mắt khác hẳn. Thấy con Tâm mắt nó vui lên".

"Việt cộng mà cũng đa tình hỉ".

Con Thầm nói theo. Tâm tát nhẹ một cái vào má nó. Nó đưa tay xoa xuýt. Mấy đứa nhỏ mệt mỏi nằm bẹp xuống chiếu. Tiếng mọt chê bên ngoài vẫn rơi đều đều. Một tiếng nổ thật gần. Mọi người ôm chầm lấy nhau. Bà Xếp vừa run run vừa lạy Phật. Tâm ôm chặt đứa cháu. Dù trong cơn lo sợ, câu chuyện về anh lính trẻ Việt cộng vẫn làm Tâm bận tâm.

Buổi chiều hôm đó, khi cả nhà đang ăn cơm dưới hầm thì có tiếng gọi nhỏ: "Mẹ Giải phóng, mẹ Giải phóng!" Bà Xếp lạch bạch chui lên. Một lát sau bà Xếp gọi:

"Con Tâm mô rồi. Lên đây nghe nì".

Tâm đi lên. Hắn ngồi trên sập gụ. Tâm đứng trước mặt hắn:

"Dạ có chuyện chi?"

"Cô à. Tôi định nói với cô chuyện này…"

Bà Xếp đã đi xuống. Hắn nói to như để mọi người trong hầm cùng nghe".

"Ngày mai ráng thu xếp mà đi tản cư. Đừng ở lại nữa".

Hắn cho biết có lệnh chuẩn bị để rút lui. Và cũng có lệnh không cho một gia đình nào trốn đi khỏi vùng hết. Tâm hỏi:

"Rứa răng anh cho chúng tôi đi".

Hắn làm thinh không trả lời. Hắn nhìn lơ ra sân. Cây mai vàng ngoài sân ngả nghiêng thật tiêu điều. Tâm nghĩ là hắn cũng như ta, vẫn còn trông thấy những đọt lá xanh, những mầm non đang nhú ra mạnh mẽ. Tâm khó đoán được hắn đang nghĩ gì khi quay lại nhìn mình với ánh mắt vui tươi.



*


Một buổi sáng, trong lúc chúng tôi đã tuyệt vọng về gia đình anh chị tôi và con Tâm bị kẹt lại Từ Đàm, má tôi đang ngồi khóc tỉ tê nơi miệng hầm thì nghe tiếng gọi:

"Mạ ơi, mạ ơi".

Tiếng gọi ở ngoài sân. Rồi tiếng xe đạp ngã cái rầm. Cả nhà chạy ra. Con Tâm mặc áo quần trắng tơi tả, đang cố dựng chiếc xe đạp lên mà không dựng được. Bên cạnh nó, một ông già vừa dựng xong xe, quay lại, kêu:

"À, cả nhà còn đây nì".

Con Tâm lại vất xe đạp xuống, chạy ào lại phía mạ tôi. Nó ôm chầm lấy bà.

"Mạ, mạ…"

Hai mẹ con ôm nhau như khóc. Chúng tôi vây chung quanh hỏi han ríu rít. Một lát sau mọi người đã trở vào nhà. Tôi têm cho ông già một miếng trầu. Tâm chỉ tay, nói:

"Ông Võ Thành Minh đó chị".

Nào tôi có biết ông Võ Thành Minh là ai. Tâm nói tiếp:

"Ông Minh là người nhà của cụ Phan đó chị. Làm cách mạng đó. Hồi trước ông thổi sáo phản đối hiệp định Genève đó chị".

Tôi bồi hồi cả người. Đây là một đồng chí của cụ Phan sao? Tôi nhìn lên, bắt gặp đôi mắt ông đang nhìn tôi dịu dàng. Cái nhìn của ông như phảng phất sắc khí cách mạng năm nào, cuốn hút nhanh chóng cảm tình đặc biệt của người khác. Hai vạt áo dài của ông buộc chéo phía trước, đầu đội mũ bê rê đỏ. Trong tuổi tác già nua của ông như vẫn còn bùng lên một sự trẻ trung, một sức lực mạnh mẽ. Tâm nói:

"Ông khoẻ lắm chị. Ông rủ em lên lầu Dua-ra coi đánh nhau. Hai ông cháu lăn trên núi Ngự bình, chút nữa chết. Ông đi phát gạo, tải thương suốt ngày. Mấy hôm nay hai ông cháu tìm đường về mà bị đuổi lui hoài".

Tôi hỏi:

"Ông lấy chi mà đi tải thương rứa ông?"

Ông chỉ chiếc xe đạp. Ông nói ông để người nằm dài trên xe, rồi đẩy đi. Đôi khi người ngồi trên yên, gục mặt lên ghi-đông, ông đẩy.

"Việt cộng để yên cho ông đi rứa à?"

Tâm nói chen:

"Răng không. Họ mời ông đi gặp chỉ huy, ông nói cụ Hồ tụi bay mời tao chưa đi huống hồ gì tụi bay. Ông đi luôn, tụi nó bắt giữ rồi thả, bắt rồi thả".

"Ông sợ tụi nó không ông?"

Ông Minh cười. Tôi không làm sao hiểu được ý nghĩa nụ cười đó.

Chúng tôi cố giữ ông lại ăn cơm chiều. Khu vực chúng tôi đã yên ổn. Phía cầu An Cựu, Mỹ đã lên kiểm soát được. Nhưng ông nhất định đi ngay. Má tôi khẩn khoản nhờ ông đưa gia đình về giùm. Ông hứa sẽ liên lạc và đưa gia đình anh tôi về dưới này. Xong ông dắt xe đạp ra ngõ.

Má tôi ôm chặt lấy Tâm. Hai mẹ con cùng khóc, phần sung sướng được trông thấy nhau, phần lo cho người còn kẹt lại. Tối hôm đó Tâm kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Còn phần còn lại, nó như xúc động quá, không kể tiếp được. Tôi hỏi chiếc đồng hồ đeo tay đâu rồi. Nó nói không biết. Tôi hỏi tên bộ đội chính quy Bắc Việt nọ có còn không? Nó nói, chắc chết rồi. Con Tâm nói trước khi chết, hắn ra dấu cho con Tâm nên trốn ra khỏi vùng này. Nó bị thương khá nặng, và còn cố gắng ngồi cạnh cho con Tâm và ông Minh đi khuất vào đường quẹo, hết khu vực Việt cộng kiểm soát.

Con Tâm nói xong lặng lẽ nằm xuống chiếu. Nó quay mặt vào vách hầm. Tôi lay vai nó. Nó nói: Để em ngủ, mai em kể tiếp cho mà nghe. Rồi nó nói: Về đây yên ổn quá, chắc ngủ được. Có tiếng đại bác bắn đi, và cũng có tiếng bắn tới, nổ thật gần. Ngọn đèn cầy đặt tận trong góc hầm như lung lay, muốn tắt. Tôi nghĩ tới những xác chết chưa chôn ở nhà bên cạnh, những xác chết mở mắt trừng trừng, chờ mà không biết có còn ai về để vuốt mắt. Hôm nay, mười mấy ta rồi, tôi cũng không nhớ nữa.
Tình ca cho Huế đổ nát
Chương I
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8