watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tình ca cho Huế đổ nát-Chương 7 - tác giả Nhã Ca Nhã Ca

Nhã Ca

Chương 7

Tác giả: Nhã Ca

Năm nay, nhờ có thêm một tháng nhuận, năm dài thêm một chút, thành thử tháng Chạp giỗ đầu ba tôi lại trở thành tháng giỗ đầu cho cả chục ngàn người chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế.

Chúng tôi về tới Huế vào những ngày cuối cùng của tháng Mười một. Năm ngoái khi cúng ông táo xong, buổi tối, tôi nhận được điện tín từ Huế đánh vào báo tin ba tôi đã yếu. Ngày hôm sau, khi tôi về tới thì chỉ còn đủ giờ cho ba tôi nhìn thấy khuôn mặt con gái lần cuối cùng để khép mắt. Rồi sau đó biến cố xảy ra, chạy loạn, sống sót trở vào Sài Gòn yên lành, tôi không hình dung được Huế đã tan nát như thế.

Những ngày chạy loạn, những chi tiết, những chuyện kể, bao nhiêu đó tôi vẫn chưa hình dung được vẻ tang thương của Huế, thành thử giải khăn sô cho Huế tôi đã viết gần một năm, xoá đi sửa lại mà vẫn chưa hài lòng.

Lần này chúng tôi về Huế với tất cả sự nô nức chờ đợi. Từ gần một năm qua vợ chồng con cái đã đứng ở sân bay Phú Bài, giữa sân bay cũng đầy bụi cát. Nơi này, năm ngoái tôi về để thắt chiếc khăn tang riêng rồi khi đi, cùng thắt tang chung với thành phố. Nơi này những năm về trước chồng tôi đã đi về, tôi đã cắn răng để lên máy bay, cố tình bỏ Huế, ghét Huế. Và đây là lần đầu tiên, từ ngày bỏ Huế, vợ chồng tôi mới cùng chung một chuyến về, và cảm động thay, trên tay chúng tôi, còn con bồng con mang nữa.

Ba tôi khi sống không được may mắn, quả khi chết đã được đền bù. Nếu ông nhắm mắt chỉ lùi lại vài ngày nữa thì chắc gì chúng tôi có đủ thời giờ để chôn cất tử tế, có đủ vải để thắt một giải khăn sô. Đến ngày giỗ cũng vậy, mấy hôm trước, nghe tin khí tượng tôi biết thời tiết ở Huế lạnh ghê lắm, lạnh và mưa dầm. Chúng tôi đã chuẩn bị như những người đi tới xứ tuyết. Nhưng khi đến nơi, trời nắng khô. Thời tiết không khác gì ở Sài Gòn. Từ Phú Bài chúng tôi lên xe ca vào thành phố. Xe chạy qua những cánh đồng láng nước, những làng xóm nghèo nàn rồi vào An Cựu. Những căn nhà đổ nát đã bắt đầu hiện ra, gần tới nghẹo, tôi cố tìm căn nhà thờ của gia đình tôi ở An Cựu nhưng tôi không nhận ra nổi. Xe chạy quá, tôi cũng chỉ kịp nhìn lên phía núi Tam Thái mà chưa hình dung ra được nấm mộ nhấp nhô trên sườn núi.

Thành phố đã đầy hơi thở nhọc nhằn đang gượng bò dậy. Xe qua chợ An Cựu, nơi đây ngày trước là mục tiêu của đại bác, của rốc kết, nay đã được dựng lại sơ sài bằng những mái tôn còn mới tinh, vừa gội một mùa đông đầu tiên.

Trên những nền nhà, bên cạnh những đống gạch khổng lồ, những mái tôn đã được dựng lên, hoặc những mái che sơ sài bằng những miếng vải dầu có dằn bằng bao cát. Những con đường, ngoài những ổ gà cũ kỹ vẫn còn sạch sẽ.

Xe qua Dòng Chúa Cứu Thế, ngôi nhà thờ sừng sững kiên bền vẫn còn thách thức, vậy mà những ngày đầu xuân vừa rồi, chỉ mấy tấm kiếng rơi xuống, vài viên đạn xuyên qua cửa sổ, bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu máu đã chảy, khiến chúng tôi xô đạp lên nhau, kêu khóc như ri, chạy bất kể chết ra ngoài để tìm sự sống.

Tôi chỉ cho chồng tôi khu Dòng Chúa Cứu Thế này và nói những ngày đầu tiên tôi đã chạy tới đây. Chồng tôi nhìn ngôi nhà kiên cố với vẻ ngạc nhiên:

"Đâu nào, anh thấy hư hại chi đâu mấy".

Tôi không trả lời, chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao những viên đạn đã lọt vào bên trong những tấm kiếng rơi xuống mỏng manh thế mà có thể cắt xẻ thịt người. Tôi cũng không thể nào hiểu nổi sự sợ hãi đến tê điếng, chết lịm khi nghe một âm thanh xé vèo, ngọt lịm băng qua khoảng không. Cảm giác đó làm sao tôi còn tìm thấy lại một lần nữa trong đời sống?

Xe chạy vòng quanh phía hữu ngạn rồi lên đậu ở sân ga xe lửa. Cũng như mọi nơi khác, đường xe lửa đã tê liệt rồi. Tôi không nhìn thấy phía sau nhà ga nhưng cũng hình dung được những cỏ lùn đang mọc kín những khoảng đường rầy rỉ sét cũ kỹ và những toa tàu bỏ trống. Ở đây, cũng như Sài Gòn, khoảng sân ga thơ mộng của những lần hẹn hò, chia tay, của những tối đi hóng mát, ăn chè ga, ăn nem chả, bún bò đã trở thành trạm hành lý của Hàng không Việt Nam mất rồi.

Những hàng quán vẫn chưa mở lại, và trước thềm ga hình như tất cả những chiếc xích lô còn được nguyên vẹn sau Tết Mậu Thân đã tập trung hết nơi đây, mời mọc, níu kéo khó chịu.

Chúng tôi đi bộ lên dốc Nam Giao để tới Từ Đàm, hai đứa con tôi vừa nắm tay nhau đi dung dăng đằng trước, vừa chỉ những ngôi nhà đổ nát vừa cười khúc khích, hay reo lớn như trông thấy một vật quá lạ mắt. Chúng tôi nhìn nhau. Từ cầm chặt tay tôi, trong tiếng cười của con thơ, tôi nghe chừng lòng lắng lại, và bỗng muốn ứa lệ.

Trên những đống gạch vụn còn ngổn ngang giữa những nền nhà bỏ không, những giọt nắng vàng vẫn tung tăng nhảy múa. Lòng tôi cũng lung linh một giọt nắng của ba tôi đã về trời, và bao nhiêu giọt nắng khác đã về trời sau biến cố Mậu Thân. Nhưng cứ hy vọng đi, bao nhiêu giọt nắng khác đang còn nhảy nhót trên những đổ vỡ. Ba ơi, ba ơi. Tôi gọi thầm những tiếng nhỏ, những tiếng nhỏ nuốt gọn vào lòng tôi như những giọt lệ không cách nào chảy ra được lúc đó.

Chúng tôi đi về ngôi nhà của gần mười năm xa Huế.


* * *


Ngay buổi chiều hôm đó, vợ chồng con cái chúng tôi đã vội vã về An Cựu, nơi căn nhà thờ họ ba tôi đã gây dựng, đã chết ở đó.

Ngôi chùa Từ Đàm đã được quét dọn và đang sửa chữa lại, nhưng khi xe xuống dốc Bến Ngự, những căn nhà đổ nát vẫn còn nguyên vẹn. Tuy gạch ngói đã được dọn bớt, nhưng vẻ tiêu điều thê lương vẫn đeo cứng trên những bức tường đổ loang lổ vết đạn, trên những thân cây trơ trụi cành đang mọc lên những cành mới, nhỏ, không đủ sức vươn lên.

Gia đình tôi đã về hết ở An Cựu để lo việc giỗ đầu. Tôi không gặp má tôi, bà bận việc đi chợ. Ông anh cả, bà chị dâu, cô em gái và mấy đứa cháu chạy ùa ra khi xe xích lô vừa đỗ ở cổng sắt. Mấy đứa cháu nhỏ quấn quít hai đứa con tôi, còn chúng tôi thì ríu rít trả lời không kịp những câu thăm hỏi.

Vào sân, tôi nhìn quanh khu vườn, dù căn nhà đã được sửa sang lại, và hôm nay dọn dẹp tươm tất, che rạp ở sân, nhưng khu vườn vẫn mang vẻ thê lương khó tả. Cây cối như đã chết khô gần hết, sân trước, nơi khoảng đất rộng năm xưa trồng toàn cam và ổi nay mọc đầy cỏ, mà thứ cỏ vàng úa. Đứa em gái của tôi phàn nàn:

"Bột khai quang làm chết hết cây cối chị ơi".

Nó chỉ lên mấy đọt dừa:

"Chị coi mấy cây dừa năm rồi chạy loạn về còn hái được vài trái uống nước, năm ni thì không ra trái được nữa".

Mấy cây dừa không đủ sức đâm thêm những tàu lá non và những trái dừa non chưa kịp lớn đã khô quắt lại, như những chùm cau héo. Tôi nhìn ra bể cạn trước sân, cây mai vàng Tết Mậu Thân vừa rồi, dù đặc hơi súng đạn tanh máu người vẫn còn nở hết mình và vàng rực cả khoảng bể nước lớn, năm nay chỉ còn lá vàng khô và vài đọt lá non thưa thớt, chưa có một nụ hoa nào.

Cô em gái kéo hai vợ chồng tôi lại một góc vườn, chỉ xuống phía dưới cây cỏ xơ xác hỏi:

"Anh chị có thấy gì lạ không?"

Chúng tôi cùng nhìn xuống. Không có gì lạ. Trên một vùng đất chỉ có cỏ mọc lởm chởm vàng úa. Thấy chúng tôi sững sờ, cô em giải thích:

"Đây này, anh chị thấy, quanh đây chỗ nào cũng có cỏ, chỉ có khoảng này làm cỏ không mọc nổi. Tại hôm tết, ông Ba bên hàng bún bò đầu ngõ bị bắn chết, người ta chôn dưới đây không hòm không chiếu. Uất khí của ông làm cỏ không mọc được".

Câu chuyện của cô em làm tôi nắm chặt tay chồng tôi hơn. Quả nhiên, theo ngón tay chỉ của cô em, tôi đã nhận ra một vồng đất vừa bằng cỡ người nằm, trên đó không có ngọn cỏ mọc.

Xế chiều tối, khi ánh nắng ma quái của mùa cuối đông đã tắt lịm trên những lá cây héo mòn tàn tạ vì thuốc khai quang, các thầy ở chùa Từ Đàm về. Toàn là những khuôn mặt của Tết Mậu Thân cũ cả.

Tôi nhớ lại ngày chạy loạn mới về An Cựu được một hôm, buổi sáng hôm sau thấy ngoài đường xôn xao và nghe tiếng thầy về. Tôi chạy ra. Thầy Thiện Siêu, một vị thượng toạ của chùa Từ Đàm, nơi mục tiêu tập trung của đại bác câu ngày câu đêm, đã thoát được khu hiểm nghèo và về tới được. Bây giờ Từ Đàm đang ra sao? Chỉ mấy phút ghé qua nhà rồi đi, tôi chưa nhìn thấy gì hết, bây giờ nhìn lại khuôn mặt thầy trang nghiêm trước bàn thờ Phật, đang cầu siêu cho ba, lòng tôi không khỏi xúc động.

Nơi bàn Phật này ngày trước là nơi đặt quan tài của ba, cầu cho ba siêu thoát.

Tiếng cầu kinh đã đều, nhịp nhàng như ru bao giọt nắng của bao linh hồn đã mất vào không gian. Má tôi bắt đầu khóc, chị dâu tôi khóc, rồi tiếng sụt sịt của mấy đứa cháu năm ngoái không về dự đám tang được. Tôi cũng muốn khóc lắm, muốn sụt sùi lắm, nhưng ba ơi, con chỉ có thể nặn ra được hai giọt lệ mà không thể thoát ra một tiếng nấc nào. Sự thương nhớ ba đã dìm con trong suốt gần một năm nay, và bây giờ, không lý gì, con còn không biết con đã mất ba vĩnh viễn. Thôi, chỉ cầu mong linh hồn ba bình yên, linh hồn ba, một trong những giọt nắng vừa còn vương vấn ở ngoài vườn kia, bay trước về cõi siêu thoát. Còn lại bao nhiêu giọt nắng của Tết Mậu Thân, bao nhiêu oan hồn vất vưởng đó, Huế sẽ phải làm gì cho họ? Ba tôi đã có ba ngày cúng chay, cầu siêu, tế lễ, nhưng tháng Mười một của năm nhuận sắp hết rồi, ngày mồng Một tháng Chạp sẽ là ngày giỗ đầu của cả chục ngàn người ngã xuống ngày đầu tiên trong biến cố đầu năm Mậu Thân. Phải làm gì cho họ? Huế ơi.

Từ mười một giờ trưa ngày thứ Hai cho tới xế chiều hôm đó, căn nhà thờ họ của gia đình chúng tôi không ngớt người đến thăm và nhớ tưởng người chết.

Buổi trưa khi trở về, ngồi trong mâm cơm chay, nhiều người khách đã hỏi thăm tôi về Sài Gòn trong những ngày đầu xuân. Hỏi thì hỏi để biết rằng sự tang thương không chỉ có Huế gánh chịu, nhưng trong đôi mắt đang tràn đầy bóng tối u buồn, tôi biết họ đang nghĩ gì. Má tôi nhìn thấy nhiều người đến thăm viếng mà lại là đồng sở của ba tôi, bà lại khóc. Nhiều tiếng phân ưu, an ủi, không khí chỉ buồn lúc đầu, rồi tôi lại thấy vài nụ cười nở trên môi họ. Nhưng nụ cười lại tắt ngay khi những câu chuyện về biến cố Mậu Thân được khơi dậy. Chồng tôi đã mượn được bộ tang phục của đứa em bận công tác không về giỗ đầu ông bác kịp. Anh đứng khoanh tay nghe chuyện mọi người. Tôi đang buồn cũng không nhịn cười được khi có nhiều người gọi chồng tôi là ông nhà báo.

"Ông nhà báo ni, ông ở xa lắm răng biết được bữa Mậu Thân dễ sợ ra răng. Có người chết mà chó nhai hết tay chân, ăn hết mắt. Nơi nhà tôi chứ ở trong vườn còn mấy cái mả mà không biết của ai cũng không dám đào lên chôn chỗ khác, ma hiền không nói chi chớ ma dữ nó phá có mà chết cả nhà".

Khi chết rồi còn hận thù chăng? Câu chuyện của người khách làm tôi thắc mắc. Chồng tôi cười hiền lành và tiếp tục nghe chuyện về Tết Mậu Thân. Thì cũng đại để như những chuyện tôi đã nghe, đã biết. Một bà mẹ bế đứa con nhỏ đã chết chạy loạn, cứ sợ người ta chôn con mình, cứ bọc chặt trong áo và vừa đi vừa ru, vừa khóc vừa cười. Một bà già gánh một thúng đựng gạo, một thúng đựng xác cháu, chạy đi tìm chỗ nào ngớt bom đạn để chôn, cuối cùng chết dọc đường mặt úp trên chiếc thúng còn xác đứa cháu đã sình thúi. Một bà mẹ lạc con cứ chạy kiếm những xác trẻ, gặp xác nào cũng lật lên nhìn, kêu khóc, cuối cùng lượm được một khúc chân mà bà tin chắc là chân con mình. Đến khi bị thương gần chết không chôn được chân con, chị ngậm cả bàn chân vào miệng, ngậm cứng mà chết.

Dù những chuyện này tôi đã được nhìn thấy, đã chứng kiến có khi còn nhiều chuyện thê thảm hơn, nhưng khi nghe lại tôi không khỏi rùng mình nổi gai ốc. Tôi còn chứng kiến cảnh hàng trăm người đàn bà trẻ con, sư có cha có, cầm cờ trắng để chạy ùa qua một cây cầu ngắn có bốn năm thước từ vùng Việt Cộng chiếm đóng về, qua tới cầu An Cựu, ở đây đã bị lính Mỹ gác cầu bắn đùa một con chó xuống nước. Mỗi lần con chó lội được gần bờ thì những loạt đạn làm con chó dang ra xa, và đồng bào ở trên bờ la khóc như ri chạy vứt cả thúng cả gióng, rớt cả con thơ xuống đường. Lần đó tôi đã cầm chặt hòn đá trong tay, nhưng hòn đá mà ra gì? Cả thân phận đất nước chúng tôi không hơn gì một con chó bị thương đang cố bơi vào bờ, dưới những lằn đạn bắn như mưa đó. Hòn đá mà làm được gì?

Hòn đá đã rời khỏi tay tôi, hòn đá to nặng mà nhẹ bấc trong khối tủi nhục. Bên tai tôi, giọng một bà già lạc đi như sắp khóc:

"Mấy bác biết không, tui lượm được chiếc xe ba bánh chở xác ông với thằng con trai. Tui sức già kéo mô có mau, rứa mà cũng kéo được xuống cầu. Mấy thằng Việt cộng nó nói chết rồi mà ra gì, đem đi mần chi. Nó xô cả cái xe và cái xác xuống sông. Tui khóc tui lạy như tế sao mà tụi nó cứ tỉnh bơ nói đồng bào phải giúp quân giải phóng Huế, rồi Bác Hồ vào ai cũng sung sướng. Tui chạy được qua bên quốc gia thì họ nghi tui theo Việt cộng, đi liên lạc. Tui kể chuyện cho họ nghe Việt cộng xô xác chồng tui con tui xuống sông, họ nói chuyện khó tin. Về sau tui khóc quá họ mới tin rồi cho tui gạo cơm, đem tui về trường kiểu mẫu tui mới sống đó chớ".

"Rứa bữa cúng giỗ đầu chị cúng mô. Một ông già hỏi".

"Thì bưng cơm, vàng bạc ra cầu mà cúng chứ biết ông tui con tui ở mô chừ".

"Rứa chừ chị vẫn ở nhà cũ".

"Thì tui che cái mái. Thằng rể của tui đi lính trong Quảng ra mần cho đó. Nó đón tui đi vô Quảng mà tui không đi. Ở đây bao nhiêu ràng buộc mà đi răng cho đành. Tui phải cúng giỗ cho ông tui với con tui chớ. Ở cái nhà cũng sợ quá, nghe nói Việt cộng bữa đó chết trong nhà tui nhiều lắm, chôn ngoài mương cũng nhiều. Có đêm tui nằm chợt thấy đông lắm, mặc áo quần giải phóng, đeo băng đỏ bằng vàng, cứ kêu đói xin ăn. Tui kệ, nhớ lần nó xô xác chồng con xuống sông, tui không cúng".

Kể chuyện người chết xong kể chuyện ma. Cứ hết lớp này đến lớp khác, tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện. Cho tới chiều, tôi nhìn thấy một cụ già có khuôn mặt hết sức quen. Nhớ ra là ông Lý Biện, người đánh kiềng hôm đưa đám ba tôi. Ông này có bà vợ chết vì mọt chê mười mấy ngày sau khi Huế xảy ra biến cố. Thấy tôi, ông cười: "Ba cháu rứa mà phước đức sung sướng. Cháu đừng có buồn mà phải mừng. Chết trước được cúng trước, được mồ mả đẹp con cháu đông nhà". Ông không nói thêm nhưng tôi biết là ông đang nghĩ tới bà vợ. Tôi cũng không dám nói lời an ủi nữa, tôi sợ nụ cười gượng trên môi ông sẽ tắt mất.

"Răng, ở lại vài ba bữa nữa coi cúng giỗ đầu. Tháng Chạp năm ni cả thành phố cúng. Ở lại chia buồn với quê nghe cháu".

Rồi ông quay sang mọi người đang ngồi đầy bàn:

"Răng, năm ni các ông các bà có nghe chính phủ đoái hoài chi tới Huế không?"

"Không biết. Nhưng chùa sẽ tổ chức một buổi tuần hành lặng lẽ để nhớ tới người đã khuất. Còn nghe nói thành phố sẽ tổ chức một ngày đi tảo mộ, nhổ cỏ, thăm người chết".

"Rứa cho con vợ tui nó mát mặt. Con vợ tui chết mà nó chết đói chết khát. Trời ơi là trời, đất ơi là đất".

Buổi chiều hôm trước khi nói chuyện với mấy thầy trên chùa Từ Đàm về, tôi cũng nghe các thầy nói về ngày giỗ đầu của Huế trong biến cố Mậu Thân. Anh tôi nói rằng: Dù sao cũng đỡ. Năm nay là năm nhuận, giỗ đầu sẽ vào tháng chạp, và những ngày đầu năm sẽ đỡ tang thương hơn.

Nhưng tôi lại nghĩ khác. Cái tang chung của thành phố sẽ vô cùng bền bỉ. Nó còn to tát, buồn thảm hơn ngày 23 tháng 5 cúng cô hồn, nó còn ngậm ngùi hơn ngày rằm tháng Bảy cúng chiến sĩ trận vong. Mấy trăm người chết ngày tháng Năm của Huế thất thủ đã thành một cái tang thương lớn rồi. Cứ mỗi năm, ngày này của Huế đi đâu nghe tiếng chiêng trống, tiếng kinh kệ cầu nguyện. Huống hồ cái biến cố vừa qua gần mười nghìn người đã chết.

Đám giỗ ba tôi linh đình trong ba ngày liền. Trong ba ngày tôi đã được nghe bao nhiêu mẩu chuyện, về biến cố Mậu Thân, bao nhiêu dự định cho người đã chết. Trong một buổi sáng đi ra đường vội vàng tôi đã nhìn thấy những hàng vàng hương. Đó, cả thành phố đang thành một đám giỗ vĩ đại.

Sau mấy ngày bận việc cúng giỗ, khách khứa, sáng ngày thứ ba, sau khi cúng đốt tang năm đầu cho một vài đứa cháu, chúng tôi lên núi Tam Thái thăm mộ ba tôi. Mộ ba tôi chôn trên cao, sườn núi đá ít cỏ mọc nên trông vẫn còn có vẻ mới. Nghĩa địa vẫn lặng lẽ như cũ. Hình như những người chết trong biến cố Mậu Thân không được lên đây là mấy, chỉ vài nấm mộ mọc thêm, thưa thớt. Vợ chồng tôi đốt nhang và cúi lạy trước mộ ba tôi. Bảy tám năm khi chúng con cùng trở về thì ba không còn nữa, Huế cũng đã đổi khác. Nhưng chúng con còn trở về, còn đứng trước mộ ba, chắc ba vui.

Chúng tôi đứng trên mộ cao nhìn xuống núi. Cảnh vật ở đây thật thơ mộng. Từ nói với tôi thế. Ba nằm đây chắc ba thích, cảnh ở đây hợp với tâm hồn ba lắm rồi. Tôi nhớ tới cái mũ trắng treo cùng với cây đàn bầu, cây đàn Banjo, cây Mandoline, những vật bất ly thân của ba tôi thời còn sống. Ba ơi, chắc nằm ở đây ba không có nhiều bạn bè để ngắm trăng, để làm thơ, để dạo đàn. Vài ngày nữa, ngày giỗ đầu của Huế, ba sẽ gặp nhiều người quen lắm. Ba gặp một số bạn bè cùng xóm này, ba sẽ gặp cậu Đội Hoà. Cậu đã coi dàn nhạc Đại Nội, cậu đã bị một mảnh đạn nơi thái dương và chết trong biến cố, những cây đàn của cậu cũng đã cháy chắc sẽ về theo với cậu. Con cũng mong ba gặp được cậu, ba sẽ nghe cậu đàn, sẽ hoà đàn với cậu. Ba vui nghe ba.

Vài ngày nữa ba cũng có thể gặp được em Trọng, em Trọng chết trong biến cố Mậu Thân ở Sàigòn, em con đi lính mũ đỏ và chết khi về "giải phóng" thủ đô, cạnh khu nhà chúng con ở Sàigòn đó. Khu nhà chúng con vẫn yên lành, ba ơi, thương em Trọng giùm con với. Ba cũng có thể gặp Tâm Tuý, cô bạn nhỏ của con ngày xưa đã có lần ba cho con với nó đi ăn phở đi uống nước ngọt. Nó bị chôn sống ở Gia Hội. Gặp nó ba thương nó như đã thương con ba nhé. Ba đi trước ba được yên, ba không nhìn thấy không chứng kiến đó. Nhưng ba sẽ gặp những người sắp về sau ngày giỗ đầu, rồi ba cũng sẽ biết. Ba cám ơn hết nghe ba, họ đã đi để cho lịch sử biết tủi nhục.

Ngày giỗ đầu sẽ đến, và tháng chạp đã đến, Huế ơi thắt trắng khăn sô, đốt đầy vàng hương để nhủ hồn về, những linh hồn lưu lạc từ ngày Tết Mậu Thân chết đói khát, chết mở mắt trong hầm, bên lạch nước, trong gạch vụn, ngoài cầu, trên đường, chết chôn sống. Một ngày giỗ đầu đầy vàng hương, đầy tiếng khóc đã lảng vảng tới gần với Huế.

Tôi nhặt những viên đá tím bên mộ mân mê trong lòng bàn tay, chiếc hòm sơn xám của ba tôi chắc đã trở màu. Ngày biến cố Mậu Thân, bao nhiêu người đã lấy hòm xẻ ván ra làm hầm núp bom đạn, để sau đó khi quật bao hầm xác lên không có tấc ván để chôn cất lại. Người sống đã hưởng hết phần của kẻ chết.

Ba ngày giỗ đầu ba tôi đã tàn, nhường cho thành phố chuẩn bị một giỗ đầu lớn hơn.

Buổi tối ngày thứ ba, theo lời mời của anh Vĩnh Phối và anh Thành, hai anh Giám đốc của hai trường Mỹ thuật và Âm nhạc, vợ chồng chúng tôi mượn được chiếc xe Suzuki của ông anh họ, đi sang khu Đại Nội dự buổi tiệc đầy tháng của cháu nhỏ con anh Thành.

Đi ban đêm chúng tôi mới thấy cảnh thê lương tăm tối của Huế. Thành phố hết bảy phần mười chưa có điện. Cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ vẫn còn nguyên vẻ sụp đổ. Chúng tôi phải qua hai ba trạm kiểm soát mới vào được khu vực thành nội.

Đường vắng vẻ tối om, chúng tôi lái xe như mò mẫm theo Hiền, một cậu em hoạ sĩ trẻ ở Huế. Những hàng cây mù u còn sót lại sau biến cố in những bóng đậm, đầy vẻ rình rập như lúc nào cũng chực phát ra những tiếng rên khóc của bóng ma. Tôi nép mặt vào lưng chồng, không dám nhìn quanh cảm thấy sau lưng rờn rợn như có tay ai với theo. Cho tới khi nghe tiếng xe dừng lại, tôi mới mở bừng mắt.

Tôi hơi hốt hoảng vì thấy trước mắt mình một ánh nến lung linh, nhưng tôi cũng trầm tĩnh ngay được vì có tiếng chào hỏi reo mừng và vài người bước xuống bực thềm. Chúng tôi đi vào nhà. Căn phòng rộng kê một dãy bàn trắng với một hàng nến lung linh, cắm trên những miếng ngói vỡ. Trên cửa ra vào tôi đọc hàng chữ đề: Phòng giám đốc. Hai hàng ghế đã đầy người, đông lắm. Tôi đứng nghe anh Thành giới thiệu nhưng không nhớ hết. Câu chuyện bắt đầu vui, hết chuyện thời sự rồi bàn qua văn nghệ.

Những người bạn trẻ ở Huế đang thảo luận với chồng tôi về việc trùng tu xứ Huế. Hai trường Mỹ thuật và Âm nhạc đã được sửa chữa lại, tuy nhiên vẫn chưa có điện. Sinh viên thường học ban đêm, phải học dưới ánh đèn cầy và vì lý do giữ gìn an ninh cho thành phố nên việc học hành của các sinh viên rất cực khổ.

Sự trùng tu vật chất là vậy, ít ỏi nhưng cũng có. Trên những nền nhà đổ còn có dăm miếng tôn che tạm. Nhưng còn tinh thần thì sao nhỉ? Có ai nghĩ đến chuyện trùng tu tinh thần cho Huế không, sao bao nhiêu đau thương tang tóc, nghi ngại? Trong lúc chồng tôi ngồi bàn chuyện trùng tu tinh thần cho xứ Huế với những bạn trẻ ở đây, tôi tới dãy ghế cạnh ngồi nói chuyện với một vài bà vợ trẻ. Chuyện đàn bà có nói gì đi nữa rồi cũng xoay quanh chuyện ma chuyện quỷ. Chị Tuấn cho biết trong khuôn viên hai trường này có rất nhiều mồ chôn Việt cộng.

Chị kể lại những điều gia đình chị đã chịu đựng trong Tết Mậu Thân, chuyện anh Thành, giám đốc trường Âm nhạc đã mất bốn tiếng đồng hồ để bò qua một khoảng sân ngắn. Chuyện một người lính đậu xe dưới gốc cây, gió mát anh ngủ gà ngủ gật thì nghe tiếng gọi nhỏ bên tai: Đem tôi về với các anh với, tôi lạnh lắm. Tỉnh dậy, anh nhìn dưới bánh xe, sát đường có dấu đất lồi lên, anh về gọi lính ở đồn đến đào đất bắt gặp bộ xương người. Chị Thành cười:

"Đó, chị Nhã thấy không, Việt cộng khi chết rồi cũng muốn về hồi chánh đó".

Giọng cười của chị giúp chúng tôi cười theo, nhưng tiếng cười vẫn không vui, mà ngậm ngùi, gượng gạo.

Câu chuyện về phía đàn ông đã bàn tới ngày giỗ đầu. Đàn bà ngừng chuyện ma và nép vào nhau, như câu chuyện vừa rồi còn làm cho cả bọn lạnh xương sống.

"Tôi sẽ đi dự với họ, nếu có tổ chức gì cho những người chết trong biến cố".

Tôi nghe một người nói, nhưng không nhớ tên.

Vì giờ giới nghiêm ở Huế ấn định 10 giờ, khoảng gần 9 giờ chúng tôi đứng dậy từ giã ra về. Nhà chúng tôi ở tận An Cựu, quá 10 giờ không một ai được qua cầu. Nhưng khi ra khỏi khu trường Mỹ thuật, mấy anh bạn lại rủ chúng tôi đi chơi. Đi chơi ở Huế trong hoàn cảnh này là đi lông bông ngoài đường. Tôi nhớ tới những quán cà phê như cà phê Dung, cà phê Phấn, nhưng không dám hỏi. Chúng tôi vào một ngôi nhà cổ, nơi trọ của anh Mai. Nhà không đủ ghế, chúng tôi đứng dựa vào tường, nghe anh Mai thổi Harmonica và anh Lê Gia Phàm hát, chị Tuấn hát. Từ đọc một bài thơ trong loạt thơ mới nhất. Sau khi từ giã nhau, ra tới sân, trời đen thui đến nỗi Từ mò mẫm mãi mới mở được công tắc xe.

Trời bắt đầu xuống lạnh, trên đường về, ngoại trừ những nhân viên đứng gác ra, chúng tôi ít thấy bóng xe đạp xe Honda như những ngày Huế còn phong độ. Tôi úp mặt vào lưng chồng, nghĩ thương cha thương mẹ, thương thành phố mình đã bỏ đi, thương những con đường đầy kỷ niệm thơ mộng ngày nào đã kéo đầy máu và nước mắt. Chắc còn lâu lắm chúng tôi mới đi lại được trên những con đường đó và cảm thấy ít nhiều yên ổn.

Đêm đó chúng tôi còn ở lại An Cựu. Căn nhà ngay đầu ngõ vào vườn tôi cũng có mộ chôn. Nhiều nhà ở Huế đều có mộ chôn, mộ còn có người nhận, mộ vô thừa nhận, mộ của kẻ sinh Bắc tử Nam. Nhưng dù sinh ở đâu, vì lý tưởng chủ nghĩa nào, các anh đã nằm xuống với sự khổ đau của Huế, cùng chịu với Huế, trong ngày giỗ đầu tháng Chạp năm nay, các anh cũng sẽ có phần, mồ mả các anh cũng sẽ được thu dọn sạch sẽ. Khi chết phải hết hận thù. Ba ơi, nếu ba có gặp được họ, có thể ba sẽ hỏi được chuyện ngoài Bắc, chuyện Thanh Hoá, nơi ông nội đã sinh ra, đã bỏ đi, nơi mà ba chưa trở về lần nào, và vẫn ao ước khi hoà bình về quê một chuyến.

Suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt được. Gần về sáng, tôi nằm thật tỉnh táo và nghe tiếng lao xao và còn có thêm tiếng chân người nữa. Đêm nay, những chân người ngày cũ có còn đi lại trong những ngôi vườn đổ nát không, có còn lướt trên những đống gạch khổng lồ, có nương kịp bước chân trong gió và lá cành xao xuyến?

Không, đêm nay hoàn toàn yên tĩnh. Ánh nến ngoài bàn thờ ba tôi lung linh. Tôi nằm trên chiếc giường ba tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi thao thức, trăn trở mong bắt gặp một hơi hướm, dù trong sự tưởng tượng để được cảm thấy gần gũi ba. Nhưng ba xa cách thật rồi, bên tôi chỉ còn hơi hướm đứa con trai nhỏ, đang rúc đầu vào cánh tay tôi ngủ giấc yên lành.

Trong đêm tối gió ngoài vườn dào dạt, tôi bỗng nghe thấy có điềm gì rạo rực, như là cỏ đang cựa mình mọc lên khỏi vầng đất hoang phế sau vườn, nơi ông bà Bún bò bị vùi nông hồi tết.
Tình ca cho Huế đổ nát
Chương I
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8