Phần 11
Tác giả: Nhật Vũ
11. Đà-Lạt
Đây là lần đầu tiên tôi ghé thăm Đà-Lạt, và đây cũng là địa điểm tham quan cuối cùng trong chuyến đi này của chúng tôi. Mới 4 giờ sáng chúng tôi đã đánh thức nhau dậy để sửa soạn lên đường. Xe khởi hành lúc 5 giờ sáng, tới Đà Lạt khoảng giữa trưa. Tính ra phải mất gần 7, 8 tiếng đồng mới chạy hết quãng đường dài 360 Km. Lâu lắm tôi mới lại có dịp đi ngang qua Hố Nai, Giốc Mơ, Gia Kiệm, Phương Lâm, Định Quán. Nơi nào cũng đông đúc sầm uất. Dọc đường chúng tôi dừng lại tượng đài Đức Mẹ, nằm trên đèo Bảo Lộc, để nghỉ giải lao. Sau đó, chúng tôi ghé thị trấn Bảo Lộc ăn trưa. Thổ sản của Bảo Lộc là trà và café. Người ta phá rừng để trồng trà và café. Những đồi trà xanh um, những rừng café bát ngát. Suốt chặng đường dài, từ Bảo lộc về Di Linh, có khoảng hơn trăm cây số, toàn là đồi trà và đồi café, không còn cây cối. Những nông trường được khai khẩn xa tận vào trong rừng sâu, có nhiều gia đình phải thay phiên nhau, cơm nắm cơm gói, ăn ngủ tại nông trường của mình để vừa làm vừa trông vườn. Khi toán du lịch của chúng tôi vừa tới đầu thành phố Đà Lạt thì trời đổ mưa lất phất. Lúc đó nhìn phố núi mờ nhạt như sương khói. Trước khi vào trung tâm thành phố, chúng tôi ghé tham quan Thiền Viện Trúc Lâm, nằm trên ngọn đồi thật cao, có thể nhìn xuống thung lũng xung quanh và đập nước Trúc Lâm. Du khách tới đây tấp nập. Có thể nói Thiền Viện Trúc Lâm là một trong những thắng cảnh đẹp của Đà-Lạt.
Chúng tôi rời Thiền Viện Trúc Lâm để đi sâu vào thành phố. Đường đi quanh co, xuyên qua những hàng cây thưa bên đường, chúng tôi thấy Đà Lạt thấp thoáng trên những triền đồi thoai thoải, những biệt thự với mái đỏ tường trắng, to nhỏ khác nhau , và lối kiến trúc cũng khác nhau, trông rất đẹp mắt. Vì ngưỡng mộ cảnh đẹp trước mắt, tôi yêu cầu bác tài dừng xe lại trong chốc lát để thâu hình và chụp ảnh. Đó là cái ấn tượng đẹp tôi có ở giây phút đầu tiên về Đà Lạt. Trên đường đi, tôi đã được nghe bác tài nói về ngôi chùa Tầu và pho tượng Phật cổ 300 năm; Thế nên chúng tôi tò mò muốn ghé coi thử cho biết. Khi xe đậu lại trước cổng chùa, chúng tôi thấy có nhiều người chen lấn nhau vào một ngôi nhà nhỏ ngay bên lề đường, chúng tôi cũng tò mò theo vào xem thử. Thấy bốn năm người để tay trên một cái bàn tròn và một người đàn ông đứng ngoài hô lơn': "Bên phải .. bên phải .. bên trái .. bên trái ..", hoá ra họ đang thử chiếc "Bàn Thần". Nghe nói nó có thể đọc được ý ngươì ta; theo như lơì giải thích của ông chủ nhà, và cũng là ông chủ của chiếc bàn đó. Khi ta đặt tay lên bàn, nếu bạn muốn chiếc bàn quay theo bên phải, thì nó sẽ quay phải theo ý bạn, và ngược lạị Nghe thế chúng tôi cũng muốn thử xem sao. Nhưng không may, chiếc bàn đã không quay theo ý của chúng tôi. Ông chủ chiếc bàn giải thích rằng viá của chúng tôi nặng quá. Sau đó ông ta yêu cầu chỉ một mình bác tài xế để tay lên bàn và tôi thấy chiếc bàn quay chầm chậm. Thấy vậy, tin hay không tin, tôi chẳng hiểu ra sao nữa.
Sau khi thâu hình ngôi chùa Tầu thì trời mưa nặng hạt. Chúng tôi phải chạy mua mấy cái áo mưa mỏng che đỡ để ra xe. Vì trơì mưa, bác tài đề nghị với chúng tôi ghé lại nhà thủy tạ nằm trên hồ Xuân Hương trú mưa và luôn tiện ngồi uống café ngắm cảnh xung quanh hồ này. Kể cũng vui, tại đây chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là kể cho nhau nghe những mẩu chuyện khôi hài, và trong khi đó, tôi vẫn tiếp tục thâu hình. Cảnh Đà Lạt ẩn hiện trong màn mưa mỏng mờ mờ ảo ảo. Trơì Đà Lạt vẫn mưa bay lất phất. Chúng tôi không thể kiên nhẫn ngồi chờ nơi đây lâu thêm nữa, nên tôi đã yêu cầu bác tài tiếp tục cho chúng tôi tham quan thành phố trong mưa bay. Bác tài cho xe chạy một vòng quanh hồ Xuân Hương, ngang qua chợ Đà Lạt, rồi vòng về nhà thờ chính tòa Đà Lạt. Tại đây mọi ngươì vô viếng nhà thờ, còn tôi lo quay phim cùng chụp ảnh cả bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ. Kế đến, chúng tôi đến tham quan ngôi nhà thờ Mary Domain . Lấy ảnh xong, chúng tôi được bác tài cho đi quan sát một vòng thành phố trước khi đi thuê khách sạn để nghỉ đêm tại Đà Lạt trong đêm đó. Trong khi đi lòng vòng, bác tài nói đùa rằng xe đạp ở Đà Lạt không cần đến giây sên, vì lên dốc đã không cần, mà xuống dốc cũng không. Ngẫm nghĩ cho cùng.. bác tài nói có lý..
Đêm đó chúng tôi thuê Mini Hotel, cạnh khu chợ Đà Lạt để nghỉ đêm. Phòng ngủ ở Đà Lạt tương đối rẻ hơn ở Hạ Long. Toán du lịch của chúng tôi gồm 7 người, thuê một phòng lớn, với 4 giường đôi, với giá 300 ngàn VN (tương đương 20 Mỹ kim), tính ra chưa đầy 3 Mỹ kim một người. Sang ngày hôm sau, theo lịch trình hoạch định sẵn, chúng tôi sẽ tham quan Hồ Than Thở, Thác Cam Ly, dinh nghỉ mát của Bảo Đại và Thung Lũng Tình Yêu. Sau khi ăn sáng, chúng tôi hồ hởi tiến về Hồ Than Thở. Cũng may, trơì có mây u ám nhưng được cái không mưa. Tuy nhiên, đất vẫn còn trơn nhầy nhụa xung quanh hồ bởi cơn mưa phùn ngày hôm qua. Vừa tới hồ, chúng tôi được một ông cụ già, khoảng 70 tuổi, mời vô quán Tâm dùng nước trà. Tại đây ông cụ thao thao bất tận, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình buồn dang dở của hai người trẻ yêu nhau, tức câu chuyện tình của ngươì con gái tên Tâm và chàng con trai tên Dũng. Kể ra ông cụ cũng giỏi thật. Du khách có vẻ thích thú nghe câu chuyện huyền thoại của ông kể và đã dễ dãi mua cho ông vài gói trà Artichaud và không quên để lại trên bàn vài đồng tiền tip sau khi nhấp chén trà thơm phức nóng hổi của quán Tâm.
Rời quán Tâm, chúng tôi theo lối mòn đi về phiá bên kia hồ. Hồ Than Thở nhỏ hơn hồ Xuân Hương nhiều, nhưng nó lại nổi tiếng vì những câu chuyện huyền thoại được thêu dệt xung quanh nó, khiến ai cũng muốn đến xem cho biết. Khi đến đây, du khách cũng được dịp tham quan Đồi Thông Hai Mộ cũng như khu Rừng Ái Ân. Chỉ nghe thôi, cũng đã thấy hấp dẫn rồi. Đấy là lý do du khách khắp nơi đã lũ lượt đổ xô về thắng cảnh này. Rời Hồ Than Thở, chúng tới tham quan Thác Cam Ly, trong cảnh trời mưa lâm râm. Sau khi mua vé, chúng tôi vô thâu hình cũng như chụp ảnh kỷ niệm. Tại đây có người cho thuê ngựa để cỡi dạo chơi và chụp hình. Tôi cũng bắt chước mọi ngươì làm theo. Nhưng không may cuốn phim đó khi lấy ra bị xổ tung, hỏng hết. Thế là công cốc, mất tiền mà chẳng có hình để khoe với bà con. Kế đến, chúng tôi tham quan dinh nghỉ mát Bảo Đại. Vào đây ai cũng phải cởi giầy vác vai (họ sợ dơ sàn nhà). Mọi ngươì ai cũng chen lấn để chụp hình, quay phim hoạc coi những tranh ảnh, đồ đạc quí giá được trưng bầy trong đó. Vì địa điểm này quá nhỏ, mà du khách lại quá đông, nên việc qua lại thật chậm. Thung Lũng Tình Yêu là địa điểm tham quan cuối cùng tại Đà Lạt của chúng tôi trong chuyến đi này. Vừa tới nơi, chúng tôi đã thấy xe khách du lịch đậu hàng hàng lớp lớp trươc cổng mua vé. Mặc dù trời vẫn còn mưa lất phất, chúng tôi vẫn phải chen lấn vào mua vé vô cửa. Dọc đường tôi đã nói đùa với mọi người rằng khi tới Thung LũngTình Yêu, mọi ngươì phải lấy mắt, chứ không phải bằng tay, đong cho thật đầy tình yêu ở thung lũng này, để một mai, lỡ khi tình yêu hao hụt hoạc bay xa, thì chúng ta không phải lo lắng thái quá, vì hôm nay, chúng ta đã đong đầy tình yêu bằng mắt nơi Thung Lũng Tình Yêu này rồi.
Chúng tôi rơì Đà Lạt vào giữa trưa và về đến Saigon khi phố đã lên đèn. Lần đầu tiên , suốt mấy tuần nay, chúng tôi mới có dịp thấy Sài Gòn về đêm. Các loại xe nối đuôi nhau vào thành phố. So với Hà Nội, xe cộ lưu thông tại thành phố Sài Gòn nhiều gấp mấy trăm lần. Thật vậy, xe cô chen chúc nhau mà chạy, chẳng kém gì bên Mỹ. Đèn đuốc sáng trưng, nhất là khi ngang qua xa lộ Biên Hoà, Thủ Đức và các khu xí nghiệp nằm dọc theo trục lộ giao thông.
13. Tam Biệt Sài-gòn
Hôm nay chúng tôi mua sắm lần cuối trước khi rời Sài Gòn. Uyển Quân, cháu gái tôi 11 tuổi, nhờ mua dùm chiếc áo dài Việt Nam và dặn lên chợ An Đông mua thì có. Nghe theo lời dặn của cháu, chúng tôi ghé chợ An Đông tìm hoài chẳng mua được. Cuối cùng chúng phải đi taxi về chợ Bến Thành hy vọng rằng sẽ mua được. Nhưng trước khi ghé chợ Bến Thành, chúng tôi yêu cầu bác tài chạy một vòng quanh các đường phố để chúng tôi có dịp tham quan thành phố Sài Gòn, vì hôm tới Sài Gòn đến nay, chúng tôi chưa có thì giờ dạo thành phố Sài Gòn, nên sẵn dịp này, chúng tôi muốn coi xem Sài Gòn bây giờ ra sao, cái gì còn, cái gì mất.
Thành phố Sài Gòn thay đổi rất nhiều. Nhiều cao ốc mơí được xây cất. Những cao ốc cũ phần lớn được tân trang lại như nhà hàng Majestic, Rex, và cả Nhà Hát Lớn, nằm trên đường Nguyễn Huệ, cũng được phục hồi lại. Sau khi đi hết một vòng thành phố, qua những con đường chính trong thành phố Sai Gòn như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Thống Nhất, Dinh Độc Lập cũ, Nhà Thờ Đức Bà và Bến Bạch Đằng, chúng tôi dừng lại chợ Bến Thành để mua áo dài cho Uyển Quân. Ngày hôm sau, chúng tôi bắt tay tạm biệt người nhà tại phi trường Tân Sơn Nhứt để trở về Hoa Kỳ. Trong giây phút ấy, ai cũng bịn rịn không đành lòng xa nhau. Tôi liên tưởng đến bài hát " Ngươì Yêu Sài Gòn" do tôi cảm tác, có những câu: .............
"Biết nói câu chi trong giờ phút cuối ..
"Người biết.. người xa người..
"Thế gian buồn.. trong mắt, trên môi..
............ Bây giờ ngồi đây ghi lại những giòng này, tôi vẫn còn hình dung rất rõ từng khuôn mặt của từng người tôi đã gặp trên đường quê hương, với những nụ cười nắng ấm, những ánh thân thiện, với những câu chuyện trao đổi thật chân tình. Những hình ảnh của quê hương, từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến thôn quê, nơi nào cũng đẹp.
Tôi đã chụp ảnh và quay phim, nhưng vẫn tiếc rằng tài nghệ của mình chỉ ở mức tài tử, đã thâu không hết, ghi chưa đủ. Vì vậy, tôi đã mang cả hồn quê theo để mãi nhớ, hoài thương.
Nhật Vũ
11-14-00