Phần mười
Tác giả: nhiều tác giả
MẸ
VÕ THỊ THƠM
Thuở lên bảy, nhà nghèo, con đông, mẹ phải chật vật lo bữa trước, bữa sau, con thiếu sự âu yếm của mẹ. Một buổi xế chiều ngủ dậy muộn, nóng hâm hấp, mẹ lo cuống cuồng chạy mua thuốc, ôm con vào lòng dỗ dành, van vái cho con. Thấy vậy, càng thích ngủ xế chiều để được bệnh. Khi 20, học xa, mẹ mất. Nhìn ráng chiều là tim nhoi nhói đau, hối hận làm khổ mẹ. Con hư quá mẹ ơi! .
MẤT NGỦ
NGUYỄN THỊ MAI THU
Nhà chật, chỉ có một cái giường duy nhất, con tôi lại có thói quen chòi, đạp lung tung khi ngủ nên vợ chồng tôi ít khi nào được yên giấc. Nửa đêm, thường phải dậy ẵm con nằm cho ngay ngắn lại. Nhưng sau đó tôi chẳng thể nào ngủ lại được nữa. Vì mất giấc. Tôi thường ước ao một cái giường rộng hơn để dễ ngủ.
Một ngày, cơ quan cử tôi đi công tác xa. Ở lại một mình trong nhà nghỉ với chiếc giường to, nệm êm, ra sạch. Tôi cũng không ngủ được, vì nhớ những cái đạp, chòi của con.
ĐỔI THAY
NGỌC THU
Hồi nhỏ ba mẹ ở quê, chị đi làm cho em học. Sinh nhật chị, em nối chỉ vỏ xe dành dụm tiền tặng chị cái nón. Chị rất vui, cảm động ôm hôn em.
Thời kinh tế thị trường, em giàu lên. Mua gì cho chị cũng chê. Sinh nhật chị, nhớ ngày xưa em lại tặng nón.
- Xì… giàu thấy mồ mà tặng nón!
Chị kể lể công lao, giận dỗi... Em tiếc ngày xưa, giấu mặt vào tường lặng lẽ khóc.
BÊN MÌNH
TRUNG THU
Bà không ngủ nổi. Chúng nó mới phone về xong ''Đã tới Úc bình an, nhưng chà bông họ quẳng rồi''. Nhói cả tim già! Bà không tiếc của, chỉ tiếc công. Tám mươi tuổi rồi, lọm khọm ngồi xé được cả ký như thế, vậy mà... Thương hai đứa cháu nhỏ, cha nhận được quà. Giọng con dâu còn nhấm nhẳn: ''Con bảo rồi! Đồ ăn bên mình mất vệ sinh lắm! Ai họ nhận!''. Mà bà nuôi sáu đứa thành tài cũng ''bên mình'' chứ đâu!
VÔ TƯ
ANH THƯ
Thằng nhỏ 5 tuổi gần như chiều nào cũng phải nghe vở cải lương được người hàng xóm phát đi phát lại. Hôm nay trời mưa, nó cứ bi bô lặp lại lời bài hát trong vở cải lương: “Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa...”. Người mẹ trẻ nghe con hát, quay mặt đi, rớm nước mắt.
CHỊ HÀ
LÊ KIM THÚY
Chị rất thích nhũng bông hoa ngày 11 tháng 4. Một lần vừa nhận được hoa, chị hôn mẹ và đặt vào tay bà: “người ta bận tâm nhiều cho ngày sinh nhật mà quên đi, dù chỉ một bong hoa dành tặng mẹ mình. Tụi nhỏ vừa tặng hoa cho má nó, còn con thì tặng lại cho má của con...”.
... Chị vẫn nhận được mỗi năm, những bông hoa xinh đẹp của con mình. Có điều, những bông hoa không còn vui vẻ nữa mà bình hoa đã lặng lẽ trước bình hương. Sinh nhật đã đổi ngày!
ĐƯỢC VÀ MẤT
L.K.THUÝ
Kính tặng Má
Ba thế hệ tiếp nối nhau dưới một mái nhà. Nắng hun hút nóng, mưa dội tứ giăng... Bữa cơm không đủ chỗ ngồi, giấc ngủ nằm co chen chúc. Nhà tuy ổ chuột, nhưng hạnh phúc là ổ voi! Rồi xây lại nhà. Dành riêng cho má một phòng, nhưng má vẫn thường ''di trú'' theo lũ con. Hỏi, má cười ''Ngủ với bây quen rồi!...''. Bao lần về thăm, thường thấy má một mình, khi với mấy tờ báo cũ, lúc lặng lẽ trước mâm cơm. Hỏi, má buồn: ''Tụi nó trong phòng. Con ăn với má cho vui!''.
ẤM TÌNH
ĐẶNG QUANG TIẾN
Ngày nào, ông già sửa giày cũng ngồi trên vỉa phố. Mùa này, trời lạnh căm. Chỉ một tấm áo mỏng che thân. Bạn tôi se lòng: ''Nhìn ông già lạnh, mình cũng lạnh''.
Tìm được chiếc áo len cũ, bạn tôi tặng ông. Ông mừng rối rít, cám ơn...
Mấy ngày sau. Ông già ngồi đó vẫn run rẩy, co ro... Bạn tôi nghĩ: ''Có lẽ ông nghèo quá, nên bán áo ấm để mua gạo chăng?''.
Hỏi thăm ông, ông trả lời: ''Cô ơi, vợ tôi không có áo ấm, nên tôi đã nhường cho bà ấy mặc rồi!''.
NÉT CHỮ NGOẠI XƯA . . .
ĐOÀN NGỌC TOẠI
Năm tôi lên 6, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 li đến 4 li, các kiểu chữ hoa... Từ cái bút chì Gilbert luôn được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xe rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết. Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả.
Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu.
BA
TRẦN THỊ MAI TRANG
Chị Hai về nhà chồng được mấy ngày, ba đã đòi đi thăm. Anh Ba càu nhàu, nhà người ta xa lắm chứ có gần đâu mà muốn đi thì đi. Ba vẫn đi. Ba sợ con gái mình khi rời khỏi nhà sẽ bị người khác bắt nạt.
Mấy hôm, đã thấy ba về. Anh Ba lại cằn nhằn, đi đi lại lại mãi, ốm rồi khổ. Ba cười, tao sợ cơn Út không ai gọi dậy đi học nên phải về sớm.
CHỈ TAY
THU TRANG
Cô có thói quen xòe bàn tay trái, ái ngại nhìn đường chỉ kẻ ngang tay mình. Có người nói: ''Nếu tìm được người có đường chỉ tay như vậy, em sẽ giàu sang''. Nghe cô kể, anh cười: ''Tay anh không có đường chỉ ấy. Em ra chợ xem mấy ông ăn xin, chắc sẽ tìm thấy''. Cô cười như nắc nẻ. Rồi cuộc sống cuốn anh xa cô. Giờ đây, cô không cần bàn tay có đường chỉ ngang. Cô chỉ cần đôi tay chai sần với những ngón gầy để dìu cô đi suốt con đường này. Chỉ tay nào là hạnh phúc, chỉ tay nào là khổ đau, làm sao cô biết được!
CÁI ĐƯỢC CÁI MẤT
NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH
Năng l985, mẹ sanh con đầu. Không có quạt máy, mẹ vừa quạt vừa ru con suốt: ''Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...''.
Năm l991, mẹ sanh con thứ nhì. Nhà có quạt máy, mẹ chỉ ru: ''Gió mùa thu...''.
Năm 1998, mẹ sanh con thứ ba. Hai mẹ con nằm phòng máy lạnh. Đồ chơi treo quanh nôi, có cả nhạc điện tử. Sáng nay đứa con thứ nhì vào lay:
- Mẹ giảng bài cho con. ''... Lời ru có giờ mùa thu'' là sao hở mẹ?
Giảng bài, mẹ say sưa hát: ''Gió mùa thu...''. Bé nằm bên nhoẻn miệng cười.
LỜI MÁ DẶN
TẤN TRUNG
Năm đầu lên Thành phố học đại học, bạn rủ đi uống cà phê, nhớ lời má: - Nhà nghèo, lên trển học, đừng mê chơi, ráng học thành tài nhe con!
Tôi từ chối lời mời của bạn.
Được một năm, lời má dặn tôi dần quên bởi những lời gọi ngọt tai của đám bạn. Cứ một – hai đêm, tôi cùng chúng đi ngồi quán, thả hồn theo điệu nhạc.
Hôm nghỉ hè, về quê, ngồi ăn cơm, má nói:
- Ăn nhiều vô! Trông con ốm quá! Dưới này, mỗi lần tới tháng, gửi tiền không kịp, má sợ con ở trển đói.
Nghe má nói, tôi nhói ở tim.
THỊT GÀ
NGUYỄN TUẤN
Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đang ăn trước cửa. Tý khoe: ''Nhà Tý ăn thịt gà''.
Đêm đó, bà Tám chửi: ''Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc''.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, đột ngột qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn: ''Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi!''. Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.
ÔNG TÔI
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
Trong chiến tranh, một qua trái phá đã giết chết cha mẹ tôi, khi tôi còn ẵm ngửa. Ông nội phải nuôi tôi. Ngày ngày, ông cần mẫn bón từng thìa nước cơm, nước cháo nuôi tôi. Mỗi khi tôi khóc đòi mẹ, ông ẵm lên cho tôi bú vào đôi vú khô đét của ông. Mỗi tiếng khóc nấc lên là mỗi cái nhay kéo vú ông để tìm sữa...
Ngày tôi bỏ bú, đôi vú ông đã thành hai túm da bùng nhùng, chảy dài.
ĐẾN VỚI RỪNG
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
Quê tôi là vùng bán sơn địa, đất rừng ít. Ông nội tôi thường mang rựa vào rừng đốn củi gánh ra chợ bán. Đến đời cha tôi, người lại cùng bạn thợ vác rìu vào rừng sâu, hạ cây xẻ gỗ bán cho hàng mộc.
Còn tôi, nay vào Tây Nguyên sinh sống, lại cũng đến với rừng! Tôi làm ở xí nghiệp khai thác gỗ. Không còn phải dùng rìu rựa, mà hạ cây đã có cưa máy, vận chuyển có xe be. Không biết đến đời con tôi có còn rừng đề nối nghiệp cha ông không nữa...
NÉN HƯƠNG LÒNG
NGUYỄN THỊ TUYẾT
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Ngày thi đậu vào trường sư phạm Qui Nhơn, mẹ tôi tiễn tôi đi. Rồi ngày ra trường, tôi chọn nhiệm sở ở miền Nam. Mỗi lần hè, về thăm mẹ, khi đi mẹ hay nói: ''Mỗi lần con về rồi lải đi, nhà vắng lắm''. 32 năm trôi qua. Vẫn vậy.
Ngày mẹ mất, tôi về thì mẹ đã nhắm mắt. Tôi khóc: “Mạ ơi! Sao mạ bỏ con mà đi?”. Nhưng tôi chợt thấy lòng quặn thắt: Trong một ý nghĩa nào đó, tôi bỏ mẹ tôi mà đi đã 32 năm nay! Sao ngày mẹ còn sống, tôi không nghĩ ra. Giá mà ngày đó tôi chọn nhiệm sở ở Huế.
Mạ ơi, tha thứ cho con.
NHÀ CÓ HAI ANH EM
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Nhà có hai anh em, anh Hưng và thằng Cún suốt ngày cãi nhau từ chuyện ăn uống đến chuyện học hành. Anh Hưng hay la thằng Cún về nó ham chơi hơn ham học. Thằng Cún rất ghét anh Hưng.
Anh Hưng thi đậu vào đại học, đi học xa, thằng Cún thấy nhà cửa sao mà vắng về quá. Bây giờ nó chẳng buồn đi chơi, suốt ngày ngồi vào bàn học của anh Hưng lục lọi, ghi ghi, chép chép.
Hôm nay sinh nhật thằng Cún. Cả ngày nó chẳng đi đâu dù mẹ đã cho phép nó đi chơi theo ý thích. Nó cứ quanh quẩn ở phòng khách nơi có đặt cái điện thoại. Đến tối khi chuẩn bị đi ngủ, nó chợt òa khóc tấm tức nói với mẹ: “Hôm nay sinh nhật con mà chẳng thấy anh Hưng gọi điện thoại về nhà...”.
MÙA HÈ CỦA AN
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thế là hết mùa hè, mùa hè của An suốt ngày ở trong nhà với cái tivi,cái máy tính, và... uống sữa...
Chiều nay, mẹ chở hai chị em An đi chơi lòng vòng, mẹ giảng giải cho nó thế nào là màu hoa phượng và mùa hè. An nghe mẹ kể những điều sao thấy lạ quá: mùa hè của mẹ có hoa phượng, có trò chơi rải gianh, có tắm sông, hái hoa, bắt bướm mùa hè của ba còn lạ hơn: suốt ngày chạy nhảy trong rừng hái sim, bắt chim, đào dế, thả
diều, đạp xe đạp...
An ngơ ngác nghe mẹ kể chuyện mùa hè của mẹ và ba như nghe kể một câu chuyện cổ tích nào đó.
CHỊ TÔI
TRÂN THỊ ÚT
18 tuổi chị đẹp như hoa phù dung, nhiều nơi hỏi cưới không thèm.
26 tuổi, mẹ sợ chị ''ế chồng'' gả vội vàng cho anh bán củi tận Vành Hưng.
30 tuổi, má hóp, da đen, tay xách, nách mang ba đứa nhỏ về quê, mắt chị buồn xa vắng. Ba không chứa vì cái câu ''Trong nhờ đục chịu'', ''xuất giá tùng phu''.
42 tuổi, chị từ giã cõi đời với căn bệnh ung thư, mang vào lòng đất lạnh xa xôi lời ru của mẹ: ''Má ơi đừng gả con xa...''.
LÁ CỎ IM LÌM
PHẠM THỊ HỒNG VÂN
Đến thăm nhà người quen ở Sài Gòn, chị bất ngờ khi được đưa vào khu vườn đầy cây cối và xác lá. Lá của bao mùa dồn lại thành lớp dày, thì thầm với chị lời đất đai, nguồn cội. Đã bao năm từ lúc tha hương, chị quên mình còn có một chốn về nơi dải đất miền Trung gió Lào cát trắng. Chị nhặt một chiếc lá, đời lá nơi nào chẳng giống nhau... lá rụng thì về cội... Chút lòng quê thoáng qua, chị nghe lòng mình vỡ vụn...