Phần năm
Tác giả: nhiều tác giả
BÁNH PHU THÊ
T.T.A.H
Hai bữa nữa đám cưới. Cô gái lặng nhìn những cặp bánh phu thê mình mới làm xong, nước mắt thầm rơi.
Họ là bạn láng giềng từ ngày để chỏm. Lớn, tim không cùng nhịp đập. Người yêu của chàng trai đi lấy chồng. Thất tình, chàng đi xa để tìm quên. Mấy xuân qua rồi, cô gái vẫn đợi.
Rồi chàng trai cũng tìm được nửa kia của mình. Xuân này, họ đưa nhau về quê. Chàng trai nhờ cô bạn láng giềng đảm đang khéo léo sửa soạn cỗ bàn bánh trái cho đám cưới tại nhà.
QUÀ TẶNG CỦA THƯỢNG ĐẾ
T.H.
Tặng Thomas
Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ “Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con”, lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười. Cô đã yêu - yêu bằng tất cả những gì mà cô có được. Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống. Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.
Rồi một ngày kia. Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.
Đêm nào cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao...
Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.
VÔ TÂM
VĂN THỊ HỒNG HÀ
Tháng đầu tiên lãnh lương dạy kèm. Nó hí hửng rủ nhỏ Trâm đi chợ. Loanh quanh một hồi, nó sắm đủ cả quần Jeans, áo pull, kẹp, nơ... Trâm đắn đo mãi, chẳng chịu mua gì. Ngang hàng vải, nhỏ kéo nó vào, chọn mua một xấp vải lụa sẫm màu.
Nó nhăn mặt:
- Màu này già lắm!
Trâm rụt rè:
- Tao mua cho mẹ tao đó. Lần đầu làm ra tiền mới hiểu cái vất vả của mẹ bao nhiêu năm qua.
Nó giật mình, lặng thinh. Giỏ đồ trên tay bỗng dưng nặngn trịch.
ĐỒNG LƯƠNG ĐẦU TIÊN
THU HÀ
Hai năm trước, người yêu của bạn gái tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Tháng lương đầu tiên anh ấy dồn hết mua tặng bạn tôi chiếc nhẫn mặt ngọc tuyệt đẹp. Bạn tôi rất hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè. Năm nay, người yêu tôi cũng ra trường. Tháng lương đầu tiên anh ấy chẳng mua tặng tôi gì cả, mà tranh thủ về quê, đưa hết cho má. Sợ tôi không vui, ảnh an ủi: “Má vất vả nhiều nên rất cần những món quà tinh thần, những niềm vui như thế từ con cái!”. Lúc đầu tôi hơi giận và buồn, nhưng hiểu ra, tôi càng quí anh hơn
THƯƠNG BA
YÊN HÀ
Hồi nhỏ, ba có khiếu văn chương, tập viết thơ theo thời thượng, lắm khi toàn ca tụng người yêu. Nhờ vậy mà ngon ơ “cưa đổ” mẹ.
Con gái lớn lên vừa đẹp vừa ngoan. Đậu học sinh giỏi văn, rồi lo thi học kỳ, tốt nghiệp đại học... Cô giáo bắt nộp báo tường, sợ không kịp bài, con gái khóc. Ba tiếp tục thức đêm, thơ đủ cả áo trắng, mây trời mà lòng canh cánh tiền thuốc thang cho mẹ.
Về hưu, hỏi sao không làm thi sĩ, ba chỉ lặng lẽ cười, mắt ưu tư
CHỊ EM
NGUYỄN THỊ MINH HẢI
Bố mẹ đi làm cả ngày, nhà chỉ có hai chị em nên phải phân công nhau làm việc nhà. Chị nấu cơm thì em nấu cám heo, chị lau nhà thì em giặt đồ, chị làm cái này thì em phải làm cái kia, vậy mà vẫn so đo, tỵ nạnh nhau.
Năm nay chị lên tỉnh học, thương em bận rộn việc học việc nhà, mong có dịp về nhà giúp em.
Em ở nhà nhớ chị, mong chị về nấu món chị thích ăn nhất.
SAU TRẬN CHIẾN
TRẦN THANH HẢI
Trong buổi cứu trợ lũ lụt, họ chợt nhận ra nhau. Ký ức xưa ùa về. Ngày đó, sau trận giao tranh khốc liệt, anh bị thương khá nặng. Bên một con rạch nhỏ, anh đã gặp người sĩ quan khác chiến tuyến ấy nằm thoi thóp. Căm hờn sôi sục, anh nghiến chặt răng, đặt tay lên cò súng. Thế nhưng...
“Tỉnh lại, thấy anh ngất lịm cạnh tôi với hai khẩu súng đều tháo đạn, tôi chợt hiểu. Tôi đã nợ anh, nợ mảnh đất này một tấm lòng!”
Hai người lính già ôm chầm lấy nhau, cười vang cả bến sông.
HẠT CÁT
TRẦN THANH HẢI
Hạt cát được gió nâng lên và đưa đi khắp nơi. Từ trên cao, nó ngạo nghễ nhìn vạn vật. Tia nắng xuyên qua nó và phản chiếu rạng rỡ. “Nhờ mình nắng mới lung linh thế”, cát nghĩ. Đêm về, gió ngủ, hạt cát rơi xuống một công trường. Ê ẩm, xây xát khi bị nhồi trộn cùng vôi, vữa, sỏi, đá..., nó thiếp đi.
Sáng ra, nó thấy mình đang kết chặt với muôn triệu bạn bè, những hạt cát khác - trên một thân cầu. Chợt hiểu rõ mình, hạt cát vươn vai, mỉm cười đón nắng, gió vừa lên.
EM GÁI TÔI
NGUYỄN TRƯỜNG HẢI
Tôi vào đại học. Em gái tôi bỏ học, tảo tần nương rẫy nuôi tôi, bỏ quên mộng mơ thời con gái.
Em đi làm hãng chuối. Lương tháng 120.000 đồng. Tôi về thăm, em cho 60.000 đồng. Một nửa. Thầm nhủ sẽ đền đáp thiệt thòi cho em.
Em lấy chồng, sinh con, nghèo. Tôi lận đận, chải bươn. Chưa kịp đỡ đần cho em, em đổ bệnh: u não. Bác sĩ lắc đầu, em tôi nằm chờ chết.
Muốn đổi lại “một nửa” đời mình cho em. Nhưng không được. Thương quá!
ĐÀN ÔNG
NGỌC BÍCH HẠNH
Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mới tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
- Viết thật hay hư cấu?
- Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!
TẾ NHỊ
NGỌC BÍCH HẠNH
Bạn tôi mới lấy vợ, ở chung với ông bà. Mỗi lần hai vợ chồng trẻ có chuyện cơm không lành, canh không ngọt, ông bà thường nhắc phải đóng cửa bảo nhau, chớ nên để người khác phải nghe. Mỗi khi giữa ông và bà có chuyện, ông thường bảo: “Bà vào đây tôi nhờ chút...”.
Một lần ông bảo: “Bà vào đây...”. Hai vợ chồng hắn vội lảng lên trên lầu. Chợt nghe tiếng loang xoang. Hóa ra ông nhờ bà khiêng hộ chậu ly chén, cả ông bà đều yếu nên trượt tay, rõ khổ!
VỊ PHỞ NGÀY XƯA
NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Ngày bé, anh học trung cấp về nghỉ hè, đưa em lên thị trấn huyện chơi. Anh mua một tô phở mậu dịch ba hào hai, em ăn sao mà ngon thế. Hỏi anh sao không ăn, anh bảo không đói, thật ra anh không còn tiền.
Anh không thi vào đại học mà học trung cấp để nhanh đi làm giúp em ăn học. Sau đó em được đi du học. Em đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món đặc sản, nhưng không có món nào ngon bằng tô phở mậu dịch năm ấy.
CHẬU MAI MỚI
BẢO HÂN
Trên mười năm chăm sóc, cây mai mới đã nên dáng rồng bay, sai nụ. “Quà cuối năm này nên dành cho ai nhỉ… Giám đốc? Trưởng phòng?...” Trọn một ngày phân vân, Phong quyết định: “Thôi thì trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn sếp xa”...
Một tuần sau, giám đốc gọi Phong đến nhà riêng:
- Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại sân kiểng này. Số kiểng dạt ra kia tôi biếu cậu.
Bắt gặp chậu mai mới thân quen nằm trong đám kiểng bị loại, Phong vừa mừng vừa tủi.
MẸ TÔI
CHÍ HƯƠNG
Ba mất. Mẹ tảo tần, lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học.
Xóm giềng dèm pha nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn!
Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không có gì để lại, các con ráng học sau này mưu sinh.
Anh em tôi đã đứng được trong đời.
Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
Mẹ mỉm cười, hằn sâu những nếp nhăn.
CHIM HÓT. . . NGHE BUỒN
QUẾ HƯƠNG
Nhà bên cạnh nuôi con khướu hay hót.
Buổi sáng, tiếng hót lảnh lót của nó đánh thức cả xóm dậy.
Thằng cu con ngó sang dịch:
- Ngộ Không! Ngộ Không!
Má nó nhìn con chim xơ xác, cô đơn trong lồng, thở dài:
- Khổ chưa! Khổ chưa!
Bà Tư bán xôi trước cũng lại nghe:
- Chi khổ! Chi khổ... Không đầu tắt mặt tối mà có ăn như mày tao cũng hót!
Con chim vẫn ra rả hót. Nó muốn nói gì trong chuỗi âm thanh trong ngần khắc khoải kia?
Có điều... cứ nghe nó hót tôi buồn!
DẤU LẶNG
QUẾ HƯƠNG
Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẳm đứa trẻ gầy nhom:
- Mẹ đây hở bà?
- Bà đấy. Mẹ đây nè! - Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
- Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
- Lớn mới làm mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
- Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm lại ăn trầu xay không ăn được kẹo.
- Làm mẹ vậy - Mẹ cười.
- Hông... Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày.
Im lặng. Rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi.
KHI BA MẸ RUN TAY...
QUẾ HƯONG
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Để cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn. Mẹ mắng: - Cứ đành hanh!
Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài...
Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
- Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ. Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai!
EM GÁI
VÕ THU HƯONG
Như không ít đứa sinh viên xa nhà khác, hắn bận bịu với học hành, làm thêm và... yêu. Mai - người yêu hắn, nhỏ nhắn dễ thương như một cô em gái. Thỉnh thoảng nhận lương, hắn thường mua tặng Mai, khi là cuốn sách, khi là món quà nhỏ...
Kỳ nghỉ, hắn về quê, mẹ đang ra đồng, hắn ngồi nói chuyện với đứa em đang hí hoáy bọc sách vở. Hắn ngỡ ngàng... cuốn vật lý lớp tám đã cũ nát của hắn ngày nào.
Trước tới giờ hắn không hề nghĩ tới một món quà cho em, dẫu chỉ là cuốn sách giáo khoa!
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
NGUYỄN THỊ HOA HIÊN
Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Toi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ: “Mình sẽ không trượt ngã”. Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: “Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn”.
Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.
LÁT NỮA VỀ
PHẠM THU HIỀN
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành:
- Nín đi con! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ:
- Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba, lát con về.
CHA TÔI
NGUYỄN MINH HIẾU
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”.
MẸ!
PHÙNG HIẾU
Con hai mươi tuổi. Mẹ hai mươi lăm năm xa quê. Ngày mẹ bỏ quê để lánh nạn, chiến tranh bom đạn cày xéo làng quê.
Chiều - khi hoàng hôn, mẹ thường đứng lặng, đau đáu nhìn về miền xa xăm.
“Tội, không biết mộ ông ngoại con giờ ra sao”. Mẹ nói: “Chừng nào mẹ để dành đủ tiền mẹ sẽ về quê xây mộ lại cho ông ngoại”.
Mẹ để dành đủ tiền. Con vào đại học. Mẹ dốc hết tiền lo cho con...
Chiều.
Chiều... lại chiều!