Khoa Yoga Thắng Đoạt Tử Thần
Tác giả: Paul Brunton
B rama mời tôi lại nhà y chơi. Y ở riêng một cái chòi tranh mà y tự cất lấy ở một góc cuối vườn nhà của bà lão già để được tự do hơn. Tôi đ ến chơi vào một buổi chiều. Nhà này ở chỗ tận cùng của một con đường đầy bụi bặm và có vẻ nghèo nàn. Tôi ngừng một lúc trước cửa, tường nhà cũ kỹ quét vôi trắng, với một cái gác bằng cây có cửa sổ. Tôi đẩy cánh cửa lớn, tiếng động làm vang khắp nhà. Một bà già vẻ mặt hiền lành vui vẻ bước ra và nghiêng đầu chào tôi nhiều lần. Bà ấy dắt tôi đi qua một hành lang tối tăm đưa đến nhà bếp, thông ra sau vườn.
Trong vườn có một cây cổ thụ cành lá xum xuê, che dưới bóng mát của nó một cái giếng cũ. Phía bên kia giếng có một chòi tranh, một phần ẩn khuất dưới bóng cây mát rượi. Chòi này làm bằng vật liệu nhẹ, cột tre, lợp tranh.
Bà lão chủ nhà da mặt cũng sậm đen như màu da của Brama, có vẻ bận rộn nói một tràng dài tiếng Tamoul với người trong chòi. Một tiếng nói thanh như chuông mà tôi đã quen tai từ bên trong vọng ra, cánh cửa chòi từ từ hé mở, người đạo sĩ hiện ra trước cửa và vui vẻ mời tôi bước vào. Y vẫn để cửa mở, bà già đứng trước cửa độ vài phút, mắt nhìn tôi một cách chăm chú và nét mặt lộ vẻ hân hoan sung sướng.
Trong chòi không có bàn ghế chi cả, ngoại trừ một chiếc giường thấp không có nệm, đặt sát vào vách phía trong, và một tấm gỗ lớn đặt trong góc, trên đó có bày sách vở và giấy tờ. Một bình đựng nước bằng đồng treo bằng một sợi dây từ trên trần nhà thòng xuống, và một chiếc chiếu lớn trải dưới đất.
Brama chỉ chiếc chiếu mời tôi ngồi, và xin lỗi vì nhà không có ghế. Chúng tôi cả ba người đều ngồi xếp bằng, Brama, tôi và một thanh niên Ấn đi theo tôi để làm thông ngôn. Trong vài phút, bà lão bước ra ngoài và trở lại với một bình trà nóng mà bà ấy đặt trên một tấm khăn trắng trải trên chiếc chiếu, cùng với bánh ngọt, cam, chuối đựng trên những chiếc mâm nhỏ bằng đồng. Trước khi mời tôi dùng trà, người đạo sĩ hai tay cầm một tràng hoa kết thành vòng đặt lên cổ tôi. Tôi tỏ ý khiêm nhường, tôi biết rằng phong tục Ấn Độ dành cái danh dự này cho những vị quý khách, mà tôi thì không dám tự liệt mình vào hạng khách đặc biệt đó. Brama mỉm cười và nói:
- Bạn ơi! Bạn là người Âu đầu tiên đến nhà tôi và cũng là người Âu đầu tiên làm bạn với tôi. Bà dì tôi với tôi cùng lấy làm vui mừng mà đón tiếp cái danh dự này.
Tôi đành phải nhận lấy vòng hoa trên cổ. Cũng may mà các bạn tôi ở Âu Châu không nhìn thấy tôi ăn vận lố lăng như hôm ấy.
Chúng tôi vừa uống trà, ăn bánh trái và vừa nói chuyện. Brama cho biết rằng chòi tranh và đồ vật dụng bằng gỗ trong nhà đều do tự tay y cất lên và đóng lấy.
Những giấy tờ để trên chiếc ghế dài bằng gỗ khêu gợi sự tò mò của tôi. Đó là những tờ giấy màu hường, trên đó có viết chữ bằng mực xanh. Brama đưa cho tôi xem vài tờ và giải thích rằng đó là thứ chữ Tamoul cổ xưa, thông dụng trong văn chương cách đây đã nhiều thế kỷ nhưng ngày nay ít có người hiểu, trừ ra một vài người học giả lỗi lạc. Brama nói thêm:
- Tôi viết cái này đêm hôm qua. Đó là những câu tóm tắt những kinh nghiệm của tôi về pháp môn Yoga, hoặc những bài thơ của tôi làm trong những lúc cảm hứng tâm linh. Một vài thanh niên trẻ tuổi tự cho là những đệ tử của tôi, thường đến đây để xem những bài thi đó.
Nói xong, Brama lấy một bản văn kiện tô điểm một cách ngây thơ, gồm có vài tờ giấy màu hường, viết chữ bằng mực đỏ và xanh, và cột chung lại bằng một sợi chỉ màu xanh. Y vừa mỉm cười vừa đưa cho tôi và nói:
- Tôi viết cái này để tặng riêng cho bạn.
Người thông ngôn cho biết rằng đó là một bài thi trường thiên dài tám mươi bốn câu, nhưng vì viết bằng chữ cổ tự nên y không thể dịch được. Dầu sao, món quà này cũng làm tôi vui lòng, vì nó tiêu biểu cho cái cảm tình đặc biệt của một người Yogi chân chính đối với tôi.
Sau những câu chào hỏi đầu tiên, bà lão lui ra ngoài và chúng tôi mới bước qua những câu chuyện sâu xa hơn. Tôi trở lại vấn đề luyện phép khí công, tức phép luyện hơi thở, mà những nhà đạo sĩ coi như là một điều rất quan trọng và giữ gìn rất bí mật. Brama liền chận tôi lại và nói rằng y không được phép tiết lộ cho tôi biết nhiều hơn những điều y đã nói, nhưng y có thể nói vài chi tiết về phần lý thuyết của pháp môn Yoga về điểm này.
- Luật tự nhiên đã định cho con người thở với một số nhịp độ là 21, 600 lần trong một ngày và đêm. Một sự hô hấp quá mau và hấp tấp làm tăng cái nhịp độ nói trên và thâu ngắn sự sống. Một sự hô hấp chậm rãi, dài và đều đặn làm tiết kiệm số nhịp độ đó và kéo dài sự sống. Mỗi hơi thở tiết kiệm được sẽ tích tụ lại thành một số dự trữ để giúp cho con người có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm. Bởi đó, người Yogi thở chậm hơn người thường và vẫn khỏe mạnh. Nhưng tôi không thể nói nhiều hơn, vì tôi đã có lời thệ nguyện.
Sự dè dặt này làm tôi thất vọng. Một khoa pháp môn mà người ta giữ bí mật một cách chặt chẽ như vậy hẳn là phải có một giá trị rất lớn. Và người ta sẽ hiểu rằng tại sao những nhà đạo sĩ gìn giữ cái kho tàng quý báu đó mà không chịu tiết lộ cho những kẻ phàm tục tò mò, và những người không xứng đáng, hoặc chưa chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng nếu tôi cũng bị liệt vào hạng người này thì, thôi hỏi nữa làm gì tốn công vô ích?
Brama nói tiếp:
- Những bậc danh sư của chúng tôi nắm được cái chìa khóa của phép hô hấp này. Họ biết rằng hai bộ máy hô hấp và tuần hoàn đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Họ cũng biết rằng tinh thần có liên hệ trực tiếp đến hai bộ máy nói trên, và nắm được cái bí quyết làm kích động ý thức tâm linh bằng cách kiểm soát hơi thở. Ta nên biết rằng hơi thở chỉ là sự biểu lộ trên địa hạt vật chất của một sức mạnh tế nhị hơn, sức mạnh này mới là cái trụ cột sinh hoạt của xác thể: Chính cái sức mạnh đó ẩn tàng, vô hình, vô ảnh, trong tất cả những bộ phận cơ thể của chúng ta. Khi nó rời khỏi xác thân, thì hơi thở sẽ ngưng lại, và đó là điều mà ta gọi là sự chết. Sự kiểm soát hơi thở sẽ giúp cho ta làm chủ được phần nào cái luồng sinh lực đó. Và khi mà sự chủ trị xác thân được thực hiện đến mức triệt để, để có thể kiểm soát được cả sự vận động của quả tim, thì bạn đừng tưởng rằng những nhà hiền triết thời cổ của chúng tôi chỉ nghĩ đến phần hình hài thể xác mà thôi khi các Ngài bắt đầu truyền thụ pháp môn Hatha Yoga này!
Các nhà Hiền Triết thời xưa có muốn gì thì muốn, trong lúc hiện tại, tôi chỉ nghĩ đến câu y vừa nói; tôi liền hỏi:
- Phải chăng bạn vừa nói rằng người ta có thể làm chủ được sự vận động của quả tim?
- Thật vậy, những bộ phận chánh, tức ngũ tạng trong châu thân là tim, gan, bao tử, phổi, thận, chúng tôi đều có thể chế ngự được một phần nào tùy theo ý muốn.
- Bằng cách nào?
- Bằng sức mạnh của ý chí phối hợp với những phép luyện thích nghi. Phép luyện này tự nhiên là thuộc về trình độ cao đẳng của pháp môn Yoga. Phép ấy rất khó và ít người hành giả có thể luyện đúng phép. Nhờ nó mà tôi có thể chủ trị được phần nào những thớ thịt của quả tim, và nhờ sai khiến được quả tim nên tôi có thể chế ngự được những bộ phận khác.
- Điều ấy thật lạ lùng.
- Vậy sao? Đây này, bạn hãy để bàn tay trên ngực tôi, ở ngay chỗ quả tim.
Brama vừa nói vừa giữ một thế ngồi lạ lùng và nhắm mắt lại. Tôi làm theo và đợi thử vài phút, trong khi đó tôi không thấy có điều gì lạ. Lần lần, tôi nhận thấy quả tim đập chậm lại. Những tiếng đập mỗi lúc càng đập chậm thêm, chậm thêm nữa, và tôi bỗng rùng mình kinh ngạc khi tôi nhận thấy tiếng đập của quả tim ngưng lại. Tôi đếm: Hiện tượng đó kéo dài trên bảy giây đồng hồ. Phải chăng đây là một ảo tưởng? Nhưng không, tôi thử sờ mó, bóp nắn da thịt tôi, tôi vẫn tỉnh táo chứ không mê sảng. Tôi cảm thấy đỡ lo khi quả tim y bắt đầu đập trở lại, dường như nó ðã sống lại, đập mau hơn và trở lại bình thường. Vài phút sau, người Yogi mới tỉnh lại và mở mắt ra. Y hỏi:
- Bạn có nhận thấy gì không? .
- Có, tôi nhận thấy rõ lắm.
Y lại sắp phát minh thêm điều gì lạ nữa chăng? Dường như y ðọc được tư tưởng tôi, và y lại nói tiếp:
- Đó là chưa thấm vào đâu so với những điều mà thầy tôi làm. Người có thể cô lập một huyết quản, và điều hành hoặc ngăn chận sự lưu thông máy huyết trong đó. Tôi cũng làm như vậy được một phần nào, nhưng không bằng Thầy tôi.
- Bạn làm thử tôi xem.
Brama đưa cườm tay cho tôi và bảo tôi bắt mạch. Tôi nhận thấy mạch máu đập chậm lại rõ rệt, rồi ngưng hẳn. Tôi băn khoăn ngồi đợi. Một phút, hai phút ... Trôi qua trong khi đó tôi đếm được từng giây đồng hồ. Ba phút ... đến ba phút rưỡi, tôi thấy mạch máu lại bắt đầu chuyển động, lúc đầu còn hơi chậm, kế đó nó đập lại như thường. Tôi bất giác nói:
- Thật lạ quá!
- Ấy là chưa có gì! Y đáp một cách tự nhiên.
- Bạn muốn cho tôi xem điều gì nữa chăng?
Lần này, Brama hơi do dự:
- Được, nhưng đây là lần cuối cùng, và bạn hãy bằng lòng với bấy nhiêu đó. Bây giờ tôi sẽ ngưng hơi thở.
- Nhưng bạn có thể chết! Tôi nói một cách băn khoăn lo lắng, nhưng câu nói của tôi không làm cho y nản lòng. Y bèn bảo tôi:
- Bạn hãy để bàn tay dưới hai lỗ mũi của tôi thử xem.
Tôi làm y theo lời. Tôi cảm thấy rõ rệt trên bàn tay hơi thở ấm của y. Brama nhắm mắt lại và ngồi yên không cử động như một pho tượng đá. Y sắp nhập định chăng? Tôi không dám nhúc nhích bàn tay, lần lần hơi thở của y chậm lại rồi ngưng hẳn. Tôi nhìn kỹ hai lỗ mũi, cặp môi, hai vai, bộ ngực của y, nhưng không có gì cử động, không có dấu hiệu gì chỉ rằng có hơi thở. Nhưng đó không phải là những bằng chứng tuyệt đối, tôi cũng biết như vậy, nên tôi tìm những bằng chứng khác. Trong nhà không có một mảnh gương nào, nhưng tôi thấy một bên có một cái dĩa đựng tro thuốc lá bằng đồng đánh bóng. Tôi bèn dùng thử, và đặt nó dưới hai lỗ mũi và trước miệng của người Yogi. Không có một hơi thở nào làm mờ cái mặt dĩa bằng đồng bóng loáng. Thật là kỳ lạ! Trong cái chòi tranh này, hiện giờ tôi đang chứng kiến một sự kiện lạ lùng, một hiện tượng mà ngày kia các nhà bác học Âu Tây phải tìm tòi khảo cứu! Sự thật rõ ràng ngay trước mắt tôi, với một bằng chứng hiển nhiên: Pháp môn Yoga không phải là điều mộng ảo!
Khi Brama tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường, y có vẻ mệt mỏi. Y hỏi, nhưng lần này với một nụ cười hơi mệt nhọc:
- Bạn có hài lòng chăng?
- Rất hài lòng, nhưng tôi chẳng hiểu chi cả.
- Tôi không có quyền giải thích cho bạn nghe. Phép ngưng thở này chỉ dành cho những bậc hành giả đã tiến nhiều trên đường tu luyện về pháp môn Yoga. Đối với một người Âu, nó có thể là một sự điên rồ, nhưng đối với người phương Ðông chúng tôi, nó có một tầm quan trọng rất lớn.
- Tuy thế, khi chúng ta học ở trường thì vẫn nghe thấy dạy rằng người ta không thể sống được nếu không có sự hô hấp. Điều đó không phải là điên rồ, phải chăng?
- Không, nhưng nói như thế không đúng. Tôi có thể ngưng hơi thở suốt hai giờ đồng hồ nếu tôi muốn. Tôi vẫn thường làm như thế, nhưng tôi vẫn chưa chết, như bạn đã thấy. Y vừa nói vừa mỉm cười.
- Tôi không muốn hỏi nhiều vì bạn phải giữ bí mật, nhưng bạn có thể nói cho biết sõ qua vài điều về phần lý thuyết chứ?
- Điều đó thì được. Chúng ta có thể lấy vài thí dụ trong loài cầm thú. Đó là một phương pháp giảng dạy đặc biệt của thầy tôi, con voi thở chậm hơn con khỉ rất nhiều, bởi đó nó cũng sống lâu hơn. Một thí dụ khác là vài loại bò sát như con trăn chẳng hạn so với con chó. Bạn sẽ thấy cách thở của hai giống này mau chậm khác nhau rất xa, và tự nhiên là con trăn sống lâu hơn. Như vậy, chúng ta thấy hình như có một sự tương quan giữa sự hô hấp và sự sống lâu.
Bây giờ, chúng ta hãy đi xa hơn. Người ta thấy trên núi Hi Mã Lạp Sơn có những con dơi nằm ngủ suốt mùa đông. Những con dơi đó tự treo cẳng suốt nhiều tháng trên vách những hang núi và ngưng thở hoàn toàn cho đến khi chúng tỉnh giấc vào mùa xuân. Loài gấu trên dãy Hi Mã Lạp Sơn có đôi khi nằm cứng đơ cả thân mình trọn suốt mùa đông giá lạnh, coi dường như không còn sinh hoạt gì nữa. Cũng trên dãy Hi Mã Lạp Sơn là nơi khó tìm ra vật thực vào những tháng mùa Đông đầy tuyết phủ, người ta thấy trong những hang hố dưới đất có những con nhím ngủ một giấc dài nhiều tháng, và mọi sự hô hấp đều ngưng bặt. Như vậy, tại sao con người lại không thể làm được điều mà loài vật vẫn thường làm một cách tự nhiên?
Những điều kể trên cũng thật là lạ lùng, nhưng ít làm cho tôi tin tưởng bằng những sự biễu diễn của y hồi lúc nãy. Chúng ta vẫn quen cho rằng hơi thở là cần thiết cho sự sống, đến nỗi không dễ gì mà bỏ hẳn cái quan niệm đó. Tôi nói:
- Người Âu chúng tôi chắc không bao giờ nhìn nhận rằng sự sống có thể tiếp tục nếu người ta ngừng thở.
- Nhưng sự sống vẫn tiếp tục luôn luôn. Sự chết chẳng qua chỉ là một hình thức sinh hoạt khác thường mà thôi.
- Bạn có cho rằng người Yogi tu luyện theo pháp môn này hẳn có thể thắng được Tử Thần hay chăng?
- Hẳn là như vậy rồi.
Brama nhìn tôi một cách lạ lùng và nói tiếp theo:
- Tôi thấy bạn có nhiều triển vọng, vì thế nên tôi chịu tiết lộ cho bạn một điều bí mật, nhưng với điều kiện là ...
- Bạn hãy nói luôn.
- Bạn hứa sẽ không tập luyện những gì khác hơn là những điều tôi có thể nói bạn biết.
- Tôi xin hứa.
- Phải chăng từ trước đến giờ, bạn vẫn tưởng rằng nếu ta cầm lại hơi thở trong mình, thì ta cũng bảo tồn được sự sống trong cơ thể?