Một Cuộc Gặp Gỡ Lạ Lùng
Tác giả: Paul Brunton
T ôi đã trở lại miền Tây một lần nữa, nhưng không có một chương trình nhất định. Tôi đã quá mệt mỏi vì những chuyến xe lửa nhiều bụi bặm và những cỗ xe bò thiếu tiện nghi nên tôi thuê một chiếc xe hơi cũ và một người Ấn vừa làm tài xế vừa là người bạn đường vừa là người chân tay bộ hạ. Phong cảnh thay đổi liền liền. Khi xe đi qua một khu rừng, người tài xế phải ngừng xe khi trời tối, nếu không thấy có làng mạc nào ở gần bên, thì y đốt một ngọn lửa lớn để làm cho thú dữ tránh xa. Dường như trong rừng có rất nhiều beo và mèo rừng, nhưng ánh lửa sáng cũng đủ làm cho chúng không dám lại gần. Ngoài ra còn có loài sơn cẩu, phát ra những tiếng sủa rùng rợn trong cụm rừng gần bên. Ban ngày, loài kêu bay lượn trên không, dưới một vòm trời nắng gắt.
Một buổi chiều đẹp trời, trong khi ngồi trên xe nhẹ lướt trên đường bộ, tôi nhìn thấy bên vệ đường có hai người lạ lùng. Một người mặc áo tu sĩ ngồi tĩnh tọa dưới bóng cây, còn người kia là một thanh niên, dường như là đệ tử của người tu sĩ. Người tu sĩ già dặn hơn vẫn ngồi điềm nhiên bất động, và có lẽ đang ngồi thiền định, vì y không buồn chú ý đến chiếc xe vừa đi qua, mặc dầu người thanh niên đã nhìn thấy tôi, nhưng có một cái gì nó hấp dẫn tôi đến gần người tu sĩ và tôi quyết định ngừng xe. Tôi bảo người tài xế hãy trở lại để hỏi thăm vài điều về hai người lạ mặt, và trong một lát tôi đã thấy người tài xế đang nói chuyện một cách sôi nổi với người thanh niên.
Khi người tài xế trở lại xe, thì y cho biết rằng hai người lạ mặt quả là thầy trò. Người thầy tên là Chandi Das, là một tu sĩ Yogi có những quyền năng lạ lùng. Họ đi ta bà từ làng này sang làng khác, và đã vượt qua rất nhiều dặm đường, có khi đi bộ, có khi đi xe lửa. Họ khởi hành từ tỉnh Bengale là nơi quê hương của họ, đã từ hai năm về trước.
Tôi mời họ lên xe, và người tu sĩ nhận lời với một thái độ thản nhiên còn người thanh niên thì lộ một tia mừng rỡ trong cặp mắt. Chiếc xe ngừng lại một làng kế cận và chúng tôi định ngủ đêm tại đây. Đường sá vắng tanh không có một bóng người, trừ một tên mục đồng coi giữ một đàn bò gầy ốm ở bên cổng làng. Ngày đã hầu tàn nhưng trời còn nóng bức, chúng tôi đến gần một cái giếng để uống nước, nước có vẻ khả nghi nhưng uống rất mát. Làng này không có vẻ gì hấp dẫn, và chỉ có độ năm mươi gian nhà tranh dọc theo hai bên một con đường lộ duy nhất. Nóc nhà lợp bằng rơm, tường nhà đắp bằng đất với hàng rào tre tối, trước cửa nhà của họ, một bà già bước gần giếng, nhìn chúng tôi với cặp mắt khô khan, múc đầy nước vào cái bình đồng và lẳng lặng bước đi.
Người tài xế sau khi đã pha trà xong, liền đi kiếm nhà người thôn trưởng trong làng. Hai thầy trò người Yogi vẫn im lặng ngồi nghỉ ngơi trên bãi cỏ. Người Yogi chỉ biết có vài tiếng Anh, không đủ để nói chuyện, tôi định phỏng vấn y và sẽ nhờ người tài xế làm thông ngôn khi mọi người đã an nơi an chỗ.
Dần dần, một nhóm nhỏ gồm có đàn ông, đàn bà và trẻ con đã vây quanh chúng tôi. Dân chúng ở vùng nội địa ít khi thấy được người Âu, nói chuyện với họ không phải là một điều vô ích, họ rất hồn nhiên và có những ý kiến bất ngờ và chân thật đối với cuộc đời. Đối với trẻ con, tôi là một vật lạ, nhưng tôi chinh phục chúng dễ dàng bằng vài đồng xu. Chúng cũng tỏ ra hâm mộ cái đồng hồ reo của tôi, và lấy làm ngạc nhiên khi tôi vặn cho nó reo vang để làm vui tai chúng. Một người đàn bà đến gần và rạp người lạy người Yogi ở ngay giữa đường, bà ta lấy tay đụng vào chân người Yogi rồi để lên trán mình để tỏ dấu cung kính. Người tài xế trở lại với người thôn trưởng và cho hay trà đã sẵn sàng. Y đã tốt nghiệp ban Trung học, nhưng y vẫn làm đủ mọi nghề: Phu khuân vác, tài xế, thông ngôn. Y tọc mạch muốn biết về mọi sự việc của Tây phương, và hy vọng rằng có ngày tôi sẽ đem y sang Âu Châu. Tôi đối xử với y như bạn, vì y thông minh và có nhiều thiện chí.
Trong khi chờ đợi, chắc có ai mời mọc hai thầy trò người Yogi, vì họ đã biến mất. Người dân làng thường hiếu khách hơn là người ở tỉnh thành. Chúng tôi bèn lên đường về nhà người thôn trưởng, mặt trời đã ngả về Tây, và sa xuống đỉnh các ngọn đồi ở tận chân trời màu đỏ thắm. Chúng tôi dừng chân trước một nhà tranh cao ráo sạch sẽ hơn những nhà khác. Tôi ngỏ lời cảm ơn chủ nhà. Người này đáp:
- Sự hạ cố của quý vị là một điều hân hạnh cho tôi.
Sau khi dùng trà, mọi người còn ngồi lại một lát. Bóng hoàng hôn đã ngã xuống khắp cánh đồng, những người mục đồng đã đủng đỉnh dắt trâu về chuồng. Tôi nhờ tài xế đi tìm người Yogi và xin y dành cho tôi một cuộc hội kiến. Một lát người tài xế trở về và đưa tôi đến một nhà nhỏ và thấp, vẻ nghèo nàn. Tại đây chỉ có người đệ tử trẻ tuổi đón tiếp tôi, còn người Yogi thì vắng mặt, vì ông ta được mời đi chữa cho một người bịnh nặng và tôi phải đợi chờ người Yogi trở về. Một chập sau, y trở về và vừa gặp tôi, y liền ra bộ và nói một câu mà người tài xế dịch lại rằng:
- Xin chào Tiên sinh, và cầu xin Thánh Thần phù hộ ông.
Nói xong, y liền ngồi bệt xuống đất, hai chân xếp bằng sau khi từ chối một tấm mền vải của tôi đưa ra để làm nệm lót cho y. Vì y ngồi đối diện ngay trước mặt, nên tôi có thể quan sát y tỉ mỉ, bộ râu không chải chuốt làm cho y già đi, tuy thế y có vẻ không hơn năm mươi tuổi. Y để tóc dài chí cổ, vành môi nghiêm khắc hình như không bao giờ cười. Điều đáng chú ý nhứt là cặp mắt sáng quắc. Cái nhìn đó không phải là của trần gian, tôi cảm thấy rằng nó sẽ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày. Người Yogi mở lời trước:
- Ông từ phương xa đến đây?
Tôi gật đầu. Y hỏi tiếp:
- Ông nghĩ sao về đại đức Mahasaya?
Tôi giật mình vì ngạc nhiên! Làm sao y biết được rằng tôi vừa đến viếng tỉnh Bengale và gặp Đại đức Mahasaya ở Calcutta? Tôi lặng thinh một hồi và đáp:
- Đại đức đã chinh phục được tấm lòng tôi. Nhưng tại sao ông lại hỏi như vậy?
Người tu sĩ làm như không nghe câu hỏi của tôi, và tôi phải nói tiếp để phá tan sự im lặng:
- Tôi định sẽ gặp lại Đại đức khi tôi trở về Calcutta. Đại đức có biết ông không, và ông có muốn gởi lời chào Đại đức chăng?
- Không. Ông sẽ không gặp lại Đại đức Mahasaya. Vào lúc này, Tử Thần Yama đang gọi Đại đức về cõi giới bên kia!
Sau một lúc im lặng, tôi nói tiếp:
- Tôi rất thích thú về pháp môn Yoga và đời sống của các tu sĩ. Ông có thể nói cho tôi biết nhân duyên gì đã khiến cho ông trở nên một người Yogi, và nhờ đó ông đã thâu hoạch được những kết quả gì chăng?
Nhưng Chandi Das không có vẻ muốn nói nhiều. Y đáp:
- Dĩ vãng là một đống tro tàn. Tôi không muốn bươi móc dĩ vãng để tìm lại những sự việc nay đã không còn nữa. Tôi không sống trong dĩ vãng, cũng không sống trong tương lai. Những điều đó chỉ là hư ảo, như những cái bóng chập chờn vô định. Đó là cái minh triết mà pháp môn Yoga đã đem đến cho tôi.
Điều này làm tôi ngạc nhiên. Tôi bèn phản đối:
- Nhưng chúng ta là những kẻ sống trong thời gian, làm sao mà không biết đến thời gian được?
Y bèn hỏi ngược lại tôi:
- Trong thời gian? Ông có chắc rằng có cái gì gọi là thời gian hay không?
Coi chừng sa lầy, vì đó là một cuộc tranh luận không có lối thoát. Người tu sĩ này quả thật có khả khiếu lạ lùng như người đệ tử của y đã tuyên bố chăng? Tôi đánh bạo hỏi:
- Nếu thời gian không có, thì dĩ vãng và tương lai đều hiện ra cùng một lúc ngay trong hiện tại. Nhưng kinh nghiệm chỉ cho ta thấy trái ngược lại.
- Ông muốn nói rằng kinh nghiệm của ông, kinh nghiệm của thế gian dạy cho ông biết như thế?
- Lẽ tự nhiên, nhưng phải chăng ông muốn nói rằng ông có một kinh nghiệm khác hẳn về vấn đề này?
- Đúng vậy.
- Phải chăng tôi nên kết luận rằng tương lai cũng là hiện tại đối với ông?
Chandi Das đáp:
- Tôi sống trong cõi vô cùng. Tôi không tìm biết trước những sự việc sẽ đến với tôi trong tương lai.
- Nhưng phải chăng ông có thể biết trước những điều sẽ xảy đến trong tương lai của người khác?
- Phải, nếu tôi muốn.
Tôi quyết định hỏi cho thật rõ:
- Xin ông nói rõ thêm. Phải chăng ông có thể tiên đoán việc tương lai?
- Một phần nào thôi, vì đời người không phải được sắp đặt trước một cách tỉ mỉ từng chi tiết.
- Nhưng ông có thể đoán biết một phần cái tương lai của tôi và nói cho tôi biết chăng?
- Ông muốn biết để làm gì? Nếu Thượng Đế đắp một tấm màn bí mật lên tương lai của con người, ông tưởng rằng không có lý do hay sao?
- Tôi bị ám ảnh dày dò bởi nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vì muốn soi sáng phần nào những vấn đề đó, mà tôi đi, hoặc nó cũng có thể cho tôi biết rằng bao nhiêu công lao khó nhọc của tôi đều là vô ích.
Người Yogi ngước lên nhìn tôi với cặp mắt đen láy. Tôi bị hấp dẫn bởi cái nhìn phong độ ung dung tự tại và sự minh triết của người đạo sĩ dường như chiếu hào quang sáng rỡ vào cái chòi tranh nghèo nàn ẩn náu trong rừng thẳm. Sau cùng, Chandi Das cất tiếng nói:
- Tôi không được biết nhiều về khoa học Âu Tây, nhưng nếu ông sẵn lòng nghe tôi, thì cuộc hành trình của ông sẽ không phải là vô ích. Ông hãy trở lại thành phố đầu tiên khi ông bước vào Ấn Độ, và trong tháng sau ông sẽ được như ý nguyện.
- Trở lại Bombay?
- Phải.
Tôi không hiểu gì cả. Bombay, một thành phố đã bị Âu hóa hết ba phần tư. Tôi còn thâu thập được gì ở Bombay nữa bây giờ? Tôi nói:
- Tôi xin thú thật là ở Bombay tôi chưa tìm được ai để dẫn dắt tôi hết cả.
- Tuy nhiên, đó là con đường của ông. Ông hãy đi cho mau đừng để mất thời giờ, ông hãy đi vào ngày mai.
- Đó là tất cả những gì ông muốn nói với tôi sao?
- Tôi có thể nói nhiều hơn nhưng tôi chưa suy nghĩ kịp.
Người Yogi lại đắm chìm trong sự im lặng. Cặp mắt y giống như mặt nước hồ trong vắt trong một lúc xuất thần, và sau cơn nhập định y cho biết:
- Ông sẽ từ giã Ấn Độ để trở về phương Tây trước mùa thu tới đây. Ông sẽ bị đau nặng vào lúc ông sắp sửa rời khỏi xứ này. Tinh thần ông còn chiến đấu trong trong một xác thể tàn tạ nhưng ngày giờ giải thoát của nó chưa đến. Ông sẽ được thấy cái ý muốn ẩn dấu của định mệnh vì nó sẽ làm cho ông trở lại đất Ấn Độ tất cả là ba lần. Một vị Tôn Sư mà ông có nhân duyên trong quá khứ hiện nay đang chờ đợi ông, và sau cùng ông sẽ trở lại với chúng tôi.
Người Yogi lại im lặng một lúc, đôi mí mắt y dường như hơi cử động. Kế đó, y nhìn thẳng vào cặp mắt tôi và nói:
- Ông đã nghe chưa? Ðó là tất cả những gì tôi muốn nói với ông.
Chandi Das từ chối không chịu nói gì về cuộc đời cá nhân của y, làm cho tôi không biết nghĩ sao về những lời tiên tri lạ lùng đó, và tôi cảm thấy rằng còn có nhiều điều khác nữa mà y không chịu nói. Trong khi câu chuyện đang tiếp diễn, tôi phải bật cười mà nghe người đệ tử hỏi tôi với một vẻ mặt trịnh trọng, hình như y cũng tự hào về cái bản lĩnh cao cường của thầy y:
- Những người Yogi của Anh Quốc có thể nói tiên tri được như vậy chăng?
Tôi phải khó nhọc một lúc mới làm cho y hiểu rằng ở Anh Quốc không có đạo sĩ Yogi. Trong buổi tối diễn ra với những cơn im lặng kéo dài, và khi người Yogi cho tôi biết rằng y không còn điều gì muốn nói nữa, thì người nông phu tiến tới và mời tôi hãy ở lại dùng bữa cơm đạm bạc với y. Tôi đáp rằng tôi đã có sắm sửa đủ mọi thứ mang theo trong xe, và sẽ làm cơm tại nhà người thôn trưởng rồi ở lại ngủ đêm tại đó. Người nông dân trả lời rằng y phải tuân theo những bổn phận cổ truyền của người chủ nhà là phải tiếp khách ở phương xa đến, và khẩn khoản mời mọc hết lời, làm cho tôi không còn cách nào từ chối. Người nông dân bèn đặt trước mặt tôi một đĩa cơm rang nóng sốt. Một vầng trăng khuyết lu mờ hiện ra trong khung cửa sổ nhỏ hẹp. Tôi nghĩ rằng không có một sự học vấn hay một trí óc siêu việt nào của những người ở tỉnh thành có thể bù trừ được với tấm lòng tốt đơn giản của những người thất học ở chốn đồng quê. Khi tôi từ giã hai thầy trò đạo sĩ Chandi Das, người nông dân gỡ lấy cái đèn lồng treo trên trần nhà và tiễn đưa tôi ra tận đường cái. Y đưa bàn tay lên trán để chào và đứng một lúc nhìn khách lên xe. Kế đó, tôi trở về nhà người thôn trưởng dưới ánh đuốc lập lòe do người tài xế cầm nơi tay. Tôi trằn trọc ngủ không yên giấc, và nghĩ đến những lời tiên tri của người đạo sĩ. Giấc ngủ của tôi bị quấy rối bởi những tiếng kêu rùng rợn của con sơn cẩu trong rừng kế bên, và những tiếng sủa không dứt ở đằng xa của một con chó sủa trăng.
Tuy không có ý định nghe theo lời khuyên của người đạo sĩ, nhưng tôi vẫn đi Bombay. Vừa yên nơi yên chỗ xong thì tôi đau nặng. Nằm trong bốn vách tường của một căn phòng khác sạn, mệt mỏi cả tâm hồn lẫn thể xác, tôi đã phải vất vả chiến đấu với sự ngã lòng. Tôi đã bắt đầu cảm thấy chán nản xứ Ấn Độ. Tôi đã vượt qua hàng ngàn dặm đường, dưới những điều kiện thật khó khăn, để rốt cuộc nằm ụ một nơi trong khu sang trọng của một thành phố lớn. Không phải giữa những nơi tửu điếm, những khiêu vũ trường, những sòng bài bạc và những cốc rượu mạnh pha soda sủi bọt mà tôi sẽ khám phá ra cái Ấn Độ huyền bí của tôi đang đi tìm. Sự la cà của tôi ở những khu bình dân bổn xứ chắc chắn đã giúp đỡ tôi trong sự sưu tầm, nhưng điều đó lại có ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của tôi. Còn nói về những cuộc phiêu lưu ở những chốn non cao động cả, hay những vùng làng mạc xa xôi trong rừng thẳm, thì tôi đã phải trả một cái giá rất đắt là ăn uống thất thường, thiếu bổ dưỡng, thiếu vệ sinh, những cuộc hành trình vất vả mệt nhọc lúc ban ngày và những đêm mất ngủ vì tiết trời nóng nực. Kết quả là nay tôi đang mang cái thể xác của tôi như một cái gánh nặng.
Tôi sẽ chịu đựng được một đời sống như thế này trong bao lâu nữa? Đôi mắt tôi đã nặng trĩu vì mất ngủ, một cơn mất ngủ nó bám víu tôi một cách chặt chẽ như một con mực khổng lồ bám lấy mồi, kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình.
Sự bắt buộc phải sống chung đụng với những người thuộc một nòi giống khác, phải luôn luôn giữ thế quân bình giữa một bộ óc xét đoán khoa học và một sự thụ cảm tâm linh, làm cho thần kinh hệ của tôi bị căng thẳng đến cực độ. Tôi đã phải tập phân biệt những nhà đạo sĩ hiền triết chân tu với những kẻ điên rồ, lầm lạc những điều ảo vọng với những cảm hứng thiêng liêng. Tôi cũng phải biết phân biệt những tu sĩ thần bí với những kẻ buôn thần bán thánh, những điều đó trong một thời gian tối thiểu, vì dầu sao tôi cũng không thể bỏ phí nhiều năm của một đời người để chạy theo một sự tìm tòi như thế.
Nếu thể xác tôi đã kiệt quệ, thì tâm hồn tôi cũng không hơn gì: Tôi có cảm giác như bị hoàn toàn thất bại cả vật chất lẫn tinh thần. Dĩ nhiên là tôi đã gặp những người chân tu có một giá trị tâm linh cao khiết, tôi cũng đã gặp những người thực hiện được những điều lạ lùng, nhưng tôi chưa gặp được bậc siêu nhân mà tôi tìm kiếm, bậc danh sư có thể làm thỏa mãn cả lý trí lẫn tình cảm của tôi. Những vị đệ tử quá sốt sắng đã cố gắng lôi cuốn tôi theo về môn phái của họ. Tôi đã thừa hiểu rằng cũng ví như trong thời niên thiếu người ta lầm tưởng một chuyện ái tình vụn vặt là một mối tình lớn của cả một đời, thì những người trẻ tuổi này đã lầm tưởng cái kinh nghiệm đầu tiên của họ là một sự khám phá tuyệt diệu, nó ngăn trở không cho họ tiến tới nữa. Có ích lợi gì mà nhồi vào bộ óc của tôi thêm một giả thuyết hư vô, thần bí, nếu đồng thời tự trong tâm tôi không có xuất hiện một cái gì sống động, độc đáo, đặc biệt là của riêng tôi, một sự giác ngộ thiêng liêng nó là của tôi chứ không phải là một thứ ánh sáng mượn tạm từ bên ngoài? Nhưng nghĩ lại, tôi là ai mà dám mơ ước những triển vọng cao cả như thế. Tôi có quyền lực gì mà dám ước mong đến những ân huệ cao sang của định mệnh như thế. Nhìn về khía cạnh nào của vấn đề, tôi cũng chỉ thấy có những lý do chán nản, tuyệt vọng.
Khi tôi đã thấy hơi khỏe để có thể bước xuống phòng ăn, tôi thấy ở bàn kế bên có một người sĩ quan. Người này mới nói chuyện với tôi về bà vợ của y đang đau ốm trầm trọng chạy chữa thuốc thang không hết, về đơn xin nghỉ phép của y bị từ chối, ... Điều này càng làm cho tôi chán nản hơn nữa. Bữa cơm xong, vị sĩ quan vừa châm một điều xì gà lớn vừa nói:
- Đời người phải chăng là một tấn hài kịch? Hả ông bạn?
Tôi cũng đáp buông xuôi lấy lệ:
- Ừ! Hài kịch!
Nửa giờ sau, tôi gọi xe taxi đi đến đường Hornby Road và bước vào văn phòng một công ty hàng hải. Tôi mua vé tàu với ý nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện thời không còn có giải pháp nào khác hơn là lên đường càng sớm càng hay. Và tôi liền trở về khách sạn mà không màng để ý đến những tòa lâu đài, dinh thự đồ sộ nguy nga của thành phố Bombay.
Chiều đến, người bồi đặt trên bàn tôi một dĩa cari ngon lành và thơm phức, nhưng tôi không thấy đói. Tôi chỉ uống một ly nước đá lạnh và gọi taxi ra đi. Xe ngừng trước một rạp chớp bóng, đèn ống chiếu sáng lòa cả vùng chung quanh: đó là một món quà của phương Tây nhập cảng sang Ấn Độ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi xem chớp bóng, và đó là một nguồn lãng quên, ví như nước sông Léthé ở cảng âm ti. Người ta không còn thấy cô đơn khi mà trong bất cứ một thành phố nào của thế giới, người ta cũng có thể thuê một chiếc ghế bành êm dịu trong gian phòng ấm cúng để xem hát trong vài giờ. Tôi bước vào và liền thấy trên màn bạc người vợ ngoại tình và người chồng chơi bời phóng túng trong một khung cảnh sang trọng quý phái. Nhưng cốt chuyện trên màn bạc làm tôi chán nản, tôi đã mất cái thích thú đi xem chớp bóng. Tấn bi hài kịch trên màn bạc không còn có thể làm cho tôi cười hay khóc được nữa. Trong khi đó, cảnh vật chung quanh tôi, cả gian phòng lẫn màn bạc, đều như xóa mờ trong một thế giới huyền ảo và tâm trí của tôi lại quay về cái vấn đề nó vẫn ám ảnh tôi từ trước.
Bỗng nhiên, thần kinh và cân não tôi bị căng thẳng mãnh liệt, tôi cảm thấy dường như có một luồng điện chạy qua trong bầu không khí chung quanh và một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong người của tôi. Một tiếng nói từ trong nội tâm phát ra và bắt buộc tôi phải chú ý:
- Cuộc đời chẳng khác nào như một cuốn phim chiếu bóng, một ảo ảnh di động luôn, nó diễn ra từ cái nôi đến nấm mồ. Những sự vật trong dĩ vãng nay còn đâu: Ngươi có thể kêu gọi nó ra được chăng? Thay vì tiếp tục thẳng tiến đến cái chân thật, bền bỉ, trường tồn, ngược lại dừng chân ở nơi đây và lãng phí thời giờ với một cái hình ảnh còn phỉnh lừa hơn là cuộc đời, với một câu chuyện tưởng tượng, một ảo ảnh trong cái ảo ảnh.
Thật vậy, tôi đã chán nản những tấn bi kịch về tình ái của người đời. Tôi bèn đứng dậy đi ra để thở cái không khí mát mẻ ở bên ngoài, đi thơ thẩn vô định dọc theo các đường phố dưới ánh trăng êm dịu. Đến một góc đường, một người hành khất đến gần tôi và thốt ra một tiếng kêu lạ lùng, nó làm cho tôi ngẩng mặt lên: Tôi thụt lùi lại trong sự khủng khiếp, vì gương mặt của người ấy bị một chứng bệnh quỷ quái gì nó ăn lở loét đến tận xương. Nhưng lòng trắc ẩn mạnh hơn sự ghê tởm, tôi bèn ném hết tất cả những đồng tiền lẻ vào bàn tay lật ngửa của y. Tôi đi đến bờ biển để tìm một nơi hẻo lánh và tránh chỗ đông người, dưới vòm trời đầy sao, tôi nghĩ đến cơn khủng hoảng vừa rồi trong rạp hát, và tự thả trôi theo những ý nghĩ triền miên không dứt.
Chỉ còn vài ngày nữa là tôi sẽ xuống tàu vượt biển trở về Châu Âu. Thôi, hãy tạm ngưng việc học Đạo. Tôi tự nghĩ tất cả những gì mà tôi có thể hiến dâng như thời giờ, tiền bạc, trí não, công lao, tôi không hy sinh nữa để chạy theo những giả thuyết vu vơ. Khi ngồi trên tàu, có lẽ tôi sẽ nghĩ như vậy, nhưng trong khi chờ đợi, tiếng nói của nội tâm lại dằn vặt tôi một cách ráo riết, không dung tha:
"Đồ điên! Thì ra kết quả của bao nhiêu nguyện vọng thiết tha, của bao nhiêu năm tầm Đạo, nay chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao? Ngươi sẽ trở lại với cuộc đời tầm thường, noi theo con đường bằng phẳng của thế nhân, quên hết tất cả những gì ngược đã học và nhận chìm viên ngọc tâm linh quý báu của ngươi xuống chỗ bùn nhơ của thất tình nhục dục. Nhưng này, ngươi hãy coi chừng! Cuộc đời học Đạo của người có thể thoát khỏi một cách dễ dàng những đòi hỏi của một nguyện vọng như thế hay sao? Ngươi đừng hy vọng thoát khỏi, vì đó là những sợi dây trói buộc người đã từ lâu."
Một mình đứng dưới vòm trời đầy sao, tôi không thể cưỡng lại được cái tiếng nói nội tâm nó dằn vặt tôi một cách thẳng tay không chút tội nghiệp, làm cho tôi trở nên bất lực trước sự khủng hoảng. Và tiếng nói vô âm thinh kia lại tiếp tục:
"Ngươi có chắc rằng trong những người mà ngươi đã gặp, không có ai đáng mặt là vị danh sư mà ngươi tìm kiếm hay chăng?"
Tôi hồi tưởng lại tất cả những người tu sĩ và đạo sĩ Yogi mà tôi đã gặp ở dọc đường. Tất cả những gương mặt rám nắng hoặc đen xạm diễn lại trong trí tôi, từ những nét mặt nhanh nhẹn vui tươi của người miền Bắc, thản nhiên của người miền Nam, linh hoạt và dễ xúc cảm của người miền Đông và im lặng trầm tĩnh của người miền Tây. Những gương mặt đó tuy khác nhau về sự thiện cảm hay thù nghịch, khôn ngoan hay đần độn, có hảo ý hay có ác ý, nhưng tất cả đều có một điểm chung là bí hiểm, khôn dò. Tuy nhiên có một gương mặt tách riêng ra khỏi những gương mặt khác, mà đôi mắt không rời khỏi đôi mắt của tôi. Tôi đã nhìn ra rồi: đó là đức Maharichi, vị Tôn Sư ẩn dật trên ngọn Đồi Thiêng ở dưới tận miền Nam xa xôi của Ấn Độ. Không bao giờ tôi có thể quên Ngài và thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến Ngài nhưng những sự biến thiên, thay đổi của cuộc đời, cùng những điều lo nghĩ dồn dập đã xóa mờ dần cái kỷ niệm êm đềm cùng những ngày ngắn ngủi mà tôi đã sống ở đạo viện. Tôi phải nhìn nhận rằng không có một người nào ở trần gian đã từng hấp dẫn tôi một cách lạ kỳ như thế. Nhưng Ngài dường như quá ẩn dật, quá cách biệt đối với một người Âu như tôi, và quá thản nhiên đối với những mục đích khiêm tốn của tôi. Tuy nhiên, cái tiếng nói của nội tâm lại vang lên:
- Thản nhiên ư! Ngươi có chắc không? Phải chăng ngươi đã bỏ ra đi quá sớm?
Và lý trí của tôi cũng đáp lại để tự bào chữa:
- Phải, có lẽ tôi đã quá vội vàng ra đi, vì tôi nghĩ đến chương trình của tôi. Tôi có thể nào làm khác được chăng?
- Ít nhất có một điều mà ngươi có thể làm: Hãy trở lại đạo viện.
- Như vậy, phải chăng là tôi làm một điều miễn cưỡng, gượng gạo?
- Cái đó không quan hệ, điều quan hệ là sự thành công. Ngươi hãy trở lại với đức Maharichi.
- Nhưng Ngài ở tận dưới miền Nam xa xôi, ở nơi tận cùng của xứ Ấn Độ, mà tôi thì đã quá mệt mỏi và đau ốm để có thể lên đường.
- Điều đó cũng không quan hệ. Nếu ngươi muốn gặp Tôn Sư thì ngươi đừng quản công lao khó nhọc.
- Tôi đã quá mệt mỏi và chán nản nên không còn thiết đến điều gì nữa, và cũng không chắc rằng tôi còn có ý muốn đi tìm Thầy. Tôi đã giữ chỗ trên tàu và sẽ khởi hành trong ba ngày. Muốn đổi ý kiến thì cũng đã trễ rồi.
- Không bao giờ là quá trễ. Ngươi hãy xét đoán sự vật theo đúng giá trị của nó. Ngươi nói rằng đức Maharichi là người siêu việt nhất mà ngươi đã gặp, vậy mà ngươi bỏ ra đi khi ngươi mới vừa được biết Ngài. Hãy trở lại cho mau!
Cái lý trí đã chịu khuất phục và vâng theo tiếng nói của nội tâm, nhưng cái thể xác đau yếu còn chống cự lại. Tiếng nói bí mật kia lại tiếp tục:
- Ngươi hãy hủy bỏ chương trình đã định, và hãy trở lại với đức Tôn Sư.
Tiếng nói đó phát ra như một cái lịnh và vang lừng trong tâm giới của tôi. Sự biện luận của lý trí và sự chống đối của cái xác thể mỏi mệt cũng trở nên vô hiệu quả. Tôi cũng như một đứa trẻ nhỏ yếu đuối bất lực, không còn sức tự chủ. Vào lúc mà tiếng nói kia kêu gọi một cách mãnh liệt nhất, réo rắt thâm trầm nhất, thì hình ảnh của đức Maharichi hiện ra trước mắt tôi, một hình ảnh sống động và hấp dẫn, không thể nào kháng cự lại được nữa. Tôi đành chịu thua và bỏ cuộc, như một kẻ chiến bại đành buông khí giới và rời khỏi chiến trường. Tôi sẽ trở lại đạo viện, và nếu Tôn Sư bằng lòng, tôi sẽ giao phó vận mạng tôi cho Ngài định đoạt. Thế là xong, tôi đã bị chinh phục, mặc dầu tôi vẫn còn hoang mang chưa hiểu ra sao cả, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trở về khách sạn, uống một chén trà nóng, tôi đã hoàn toàn thay đổi, và cảm thấy nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng.
Sáng ngày hôm sau, tôi thấy trong lòng vui vẻ và khỏe khoắn lạ thường, đó là lần đầu tiên từ khi trở lại Bombay. Người bồi bàn của tôi trong bộ áo đồng phục trắng tinh, nịt thắt lưng vàng, khi vừa thấy tôi bước vào phòng ăn liền vui vẻ cười và nói:
- Có thư của ông đây.
Tôi mở thư ra xem thì lấy làm ngạc nhiên mà thấy thư gửi từ đạo viện Arunachala, trên ngọn Đồi Thiêng. Thư ấy là của một vị Thẩm phán trong Hội Đồng Lập Pháp tỉnh Madras, người này vì một tấn thảm kịch gia đình, đã quyết định đi tu và trở nên một vị đệ tử của đức Maharichi. Tôi đã từng làm quen với y và thỉnh thoảng có trao đổi thư từ qua lại. Trong thư, y nói rằng tôi sẽ được hoan nghinh nếu tôi trở lại đạo viện. Câu cuối cùng trong thư lại nói: "Ông rất may mắn được gặp vị Tôn Sư mà ông vẫn tìm kiếm." Bức thư này đến với tôi như một điềm lành, tôi liền đến văn phòng Công ty hàng hải để xin hủy bỏ vé tàu về Anh Quốc.
Một lần nữa tôi lại từ giã thành phố Bombay và vượt qua vùng cao nguyên Décan để trực chỉ miền Nam. Lần này tôi có cảm tưởng như đi đến ánh sáng và an lạc. Qua ngày hôm sau, tôi lấy làm sung sướng mà nhìn thấy lại những phong cảnh êm đềm và những ngọn đồi đất đỏ của miền Nam. Tôi càng phấn khởi hơn khi chuyến xe lửa đã qua khỏi vùng đồng nội khô khan và tôi bắt đầu thở cái không khí mùi gió biển của thành phố Madras, chấm dứt chặng đầu của cuộc hành trình.
Tại Madras, tôi phải đổi qua chuyến xe lửa khác và trong khi chờ đợi, tôi đến viếng thăm nhà văn hào Mani, người bạn đồng nghiệp đã giới thiệu tôi với đức Tăng Thống Shri Shankara độ nọ. Nhà văn hào tiếp đón tôi một cách nồng nhiệt và khi được biết rằng tôi trở lại đạo viện của đức Maharichi thì y nói rằng:
- Tôi không ngạc nhiên, vì tôi đã biết trước.
Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn cứ hỏi:
- Vì đâu mà anh lại nói như vậy?
Y mỉm cười đáp:
- Bạn ơi, bạn có nhớ chăng, khi chúng ta từ giã đức Tăng Thống ở Chingleput, khi ra tới hành lang, Ngài có day lại nói nhỏ với tôi vài điều.
- À! Bây giờ anh nhắc lại, tôi mới nhớ. Vậy đức Tăng Thống nói những gì?
- Ngài nói với tôi như vầy: "Người bạn anh sẽ đi châu du khắp xứ Ấn Độ để tìm Thầy. Y sẽ gặp nhiều vị đạo sĩ, nhưng sau cùng y sẽ trở lại với đức Maharichi, vì đó là vị Tôn Sư duy nhất sẽ thích hợp với y."
Thật là lạ lùng! Phải chăng đức Tăng Thống Shri Shankara quả thật là một nhà tiên tri. Dầu sao, những lời này cũng xác nhận và củng cố thêm cho quyết định của tôi, rằng tôi đã tìm thấy đúng con đường của tôi đi.