Chương 29- 33
Tác giả: PAULO COELHO
29
“Cớ sao mà mọi thứ viết ra khó hiểu thế?” Một tối kia cậu hỏi chàng người Anh để rồi thấy anh ta có vẻ bực bội và muốn lấy lại sách.
“Để chỉ những ai thật nghiêm chỉnh nghiền ngẫm mới hiểu được thôi”, anh ta đáp. “Cậu thử nghĩ mà xem, nếu ai cũng biến chỉ thành vàng được thì vàng còn gì là giá trị. Chỉ những ai kiên tâm trì chí, chỉ những ai nghiên cứu nhiều mới đạt được “Đại công trình” một cách trọn vẹn. Chính vì thế mà tôi đến tận giữa sa mạc này để tìm gặp một nhà luyện kim đan chính cống giúp tôi giải mã cái ngôn ngữ bí mật kia”.
“Những sách này được viết hồi nào?” Cậu hỏi
“Từ nhiều thế kỉ trước”
“Hồi đó làm gì đã có sách in”, cậu khăng khăng cãi. “Thành ra không phải bất kì ai cũng biết đến thuật luyện kim đan. Vậy thì việc gì phải dùng đến thứ ngôn ngữ kì quặc kia và những đồ họa?”
Anh kia không trả lời câu hỏi của cậu mà nói rằng đã quan sát đoàn lữ hành mấy ngày nay song chẳng phát hiện gì mới. Điều duy nhất anh ta cảm thấy là tin đồn về đánh nhau cứ dồn dập thêm.
30
Một ngày nọ cậu đưa trả sách cho anh ta
“Sao, cậu học hỏi được nhiều chứ?” Anh ta háo hức, vì cần có người trò chuyện để quên đi nỗi lo sợ sắp xảy ra đánh nhau
“Tôi học được rằng thế giới có tâm linh và ai hiểu được tâm linh ấy sẽ hiểu được ngôn ngữ của sự vật. Tôi cũng được biết rằng nhiều nhà luyện kim đan đã sống theo con đường mình vạch và như thế đã phát hiện ra tâm linh vũ trụ, “Đá tạo vàng” và “Thuốc trường sinh. Nhưng điều cốt yếu tôi học được là những chuyện đó đơn giản đến nỗi ghi vừa trên một phiến ngọc lục bảo.”
Anh chàng kia thất vọng quá. Bao nhiêu năm nghiên cứu của mình, những kí hiệu thần diệu, những từ bí hiểm, những dụng cụ thí nghiệm … chẳng gây được ấn tượng gì nơi gã này cả.
“Tâm hồn gã quá chất phác nên không thể hiểu chuyện này được”, anh ta ngẫm nghĩ. Rồi anh ta đón lấy sách, nhét vào túi cho lạc đà thồ.
“Thôi cậu hãy quay về với đoàn lữ hành của cậu đi vậy. Tôi cũng chẳng học được gì từ nó cả”
Cậu tận hưởng sự yên ắng của sa mạc, quan sát bụi cát tung lên dưới bước chân lũ vật.
“Người nào có cách học hỏi của người nấy”, cậu tự nhủ. “Cách của anh ta không phải cách của mình, còn cách của mình không giống cách anh ta. Song cả hai đều đang đi tìm con đường sống cho mình, nên mình coi trọng anh ta”.
31
Trong thời gian này đoàn đi cả ngày lẫn đêm. Những người Beduin ăn mặc kín từ đầu đến chân thường xuyên xuất hiện đưa tin tức mới, và người phu lạc đà quen cậu cho biết các bột lạc đã bắt đầu đánh nhau rồi. May mắn lắm đoàn mới có thể an toàn đến được ốc đảo. Lũ vật kiệt sức còn người càng lặng lẽ hơn. Đêm khuya thanh vắng là đáng sợ nhất vì chỉ một tiếng kêu của lạc đà - trước đây vốn là chuyện bình thường – cũng khiến tất cả hoảng sợ, bởi đó có thể là dấu hiệu tập kích Người phu nọ có vẻ như chẳng bận tâm gì lắm trước sự đe doạ của chiến tranh.
“Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ”, ông ta nói với cậu trong lúc thưởng thức một đĩa chà là vào một đêm không đốt lửa và không trăng. “Nghĩa là khi ăn tôi không làm gì khác hơn là ăn. Khi chạy tôi không làm gì khác ngoài chạy. Rồi nếu có phải đánh nhau thì cái ngày tôi chết cũng đẹp như mọi ngày khác. Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ có hiện tại và chỉ quan tâm tới hiện tại. Nếu ta lúc nào cũng ở trong hiện tại được thì ta là người hạnh phúc. Như thế ta sẽ thấy rằng sa mạc này vẫn đang sống, rằng bầu trời vẫn đầy sao và người ta đánh nhau vì đó là đặc trưng của con người. Như thế cuộc đời sẽ thành một ngày hội lớn, một buổi lễ lớn vì đời bao giờ cũng chỉ là khoảng khắc ta hiện đang sống”.
Hai đêm sau, khi họ dọn chỗ ngủ thì cậu nhìn lên ngôi sao đã dẫn đường họ. Cậu ngạc nhiên thấy chân trời có vẻ thấp hơn trước vì trên bầu trời có tới hàng trăm vì sao
“Phía đó là ốc đảo đấy”, người phu nói
“Thế sao mình không đi ngay lại đó?”
“Vì mình cần phải ngủ”.
32
Cậu mở mắt khi mặt trời ló dạng ở chân trời. Đêm trước nơi đó còn lấp lánh ánh sao, giờ đây là một hàng cây chà là dài ngút mắt
“Chúng ta đến nơi rồi”, chàng người Anh nói và thấy nhẹ cả người.
Anh ta cũng mới vừa thức giấc. Cậu không nói gì. Cậu đã học được sự nín lặng của sa mạc và hài lòng với việc ngắm hàng chà là nơi chân trời kia. Cậu còn phải đi xa nữa mới tới được Kim Tự Tháp và một ngày nào đó buổi sáng hôm nay sẽ chỉ còn là kỉ niệm. Nhưng lúc này đây nó là khoảnh khắc của hiện tại, là ngày hội mà người phu lạc đà đã nói. Cậu thưởng thức nó, nhớ lại những bài học của quá khứ và những ước mơ cho tương lai. Một ngày kia cả nghìn cây chà là này sẽ chỉ là kỉ niệm, nhưng giờ đây, với cậu, chúng là bóng mát, là nước và nơi tránh chiến tranh. Hôm qua, tiếng kêu của con lạc đà có thể gây nguy hiểm, thì giờ đây rừng chà là có thể báo hiệu sự kì diệu.
“Thế giới nói bằng nhiều thứ ngôn ngữ”, cậu nghĩ.
33
“Đoàn lữ hành tới cũng hối hả như thời gian trôi”, nhà luyện kim đan thầm nghĩ khi nhìn cả trăm người và thú vật tới được ốc đảo.
Dân chúng lớn tiếng hò reo chạy về phía đoàn người mới tới. Bụi bay mù trời. Lũ trẻ reo hò, nhảy như choi choi khi thấy đoàn người lạ. Nhà luyện kim đan thấy tù trưởng ốc đảo lại chào trưởng đoàn lữ hành và hai người trò chuyện hồi lâu. Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy. Ông đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là cái biển cát mà ông đã biết từ khi còn nhỏ. Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể nào không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lũ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trờ xanh nay đuợc thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt.
“Có thể Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quí trọng cây chà là”, ông nghĩ.
Rồi ông quyết định tập trung vào những chuyện cụ thể hơn. Ông biết trong đoàn này có một người mà ông cần truyền lại một phần bí mật của ông. Đã có điềm báo cho ông biết trước. Ông chưa biết người ấy nhưng đôi mắt già dặn của ông sẽ nhận ra ngay một khi ông nhìn thấy tận mặt. Ông mong rằng người này cũng sẽ ham học hỏi như người học trò trước của ông.
“Ta không biết tại sao cứ phải mật truyền những điều này”, ông ngẫm nghĩ, “khi mà chúng chẳng bí mật gì lắm, vì chính Thượng đế đã phơi bày mọi bí mật của Người một cách hào phóng cho mọi tạo vật”. Ông chỉ có một lí giải duy nhất: những điều này cân phải truyền miệng vì chúng hình thành từ cuộc sống trong sạch, tích cực và lối sống như thế khó diễn đạt qua hình ảnh hoặc chữ viết. Con người vốn quá dễ bị lôi cuốn bình hình ảnh và sách vở mà sao nhãng ngôn ngữ của thế giới