watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Muốn nên người-Chương 2 - tác giả Phạm Cao Tùng Phạm Cao Tùng

Phạm Cao Tùng

Chương 2

Tác giả: Phạm Cao Tùng

Người ta dạy chúng ta sống khi đời sống đã đi qua.

Montaigne





Sức khỏe của chúng ta ở trong tay chúng ta.

Cái gia tài mà mỗi người trong chúng ta đều chắc chắn có thọ lãnh của cha mẹ là: Di truyền. Khi lọt lòng chúng ta đã mang sẵn thiên tính về thể chất hoặc tinh thần, nghĩa là chúng ta được cấp một số vốn. Số vốn này nhiều hay ít không tùy ở chúng ta. Người may mắn được hưởng một di truyền tinh khiết trọn đời không mấy khi đau ốm. Người xấu số mang lấy thân bệnh tật ngay trong bào thai. Số mạng? Tình cờ? Nghiệp chướng? Không biết! Điều nên biết hơn là do sự khôn khéo hay vụng về, chúng ta có thể làm gia tăng số vốn đầu tiên ấy hoặc đi đến phá sản.



“Sức khỏe của chúng ta ở trong tay chúng ta” đúng như lời ông Gandhi nói. Đây là một người thọ lãnh của công cha di truyền bất hảo, khó nuôi từ thuở bé, lớn lên làm mồi cho nhiều bệnh tật, song với chí khí đáng kính, họ chịu khó luyện tập sống theo một lối sống hợp vệ sinh: tập thể dục, làm việc có điều độ, dưỡng sức, ăn uống có tiết độ; sau một thời gian, tuy bước những bước chậm nhưng chắc chắn, lần hồi họ cũng lần mò đến sức khỏe.

Lại có người hừa hưởng của cha mẹ một sinh lực dồi dào, một thân hình cường tráng, song họ lại phung phí di sản quý báu ấy trong những cuộc truy hoan rồ dại để vài năm sau sức khỏe tiêu ma, sinh lực kiệt quệ, đến khi họ sực tỉnh lại thì đã muộn. Phải chăng sức khỏe là một của báu mà người ta chỉ nhận thấy giá trị một khi đã mất nó đi.

Thật thế, mỗi người khỏe mạnh không bệnh tật đều mang trong người họ một số vốn to tát mà chính họ không dè. “Muốn thành công ở đời này, điều kiện trước tiên là biết làm một con vật tốt”. Nhà triết học H. Spencer đã nói. Cùng một ý ấy, ông J. Payot nói: “Mọi sự ở đời là những con số dê rô, nếu không có sức khỏe đứng đầu thì chẳng có giá trị gì cả”. Người đau yếu là sâu mọt trong xã hội, đã không tự giúp ích mình được còn mong gì họ giúp ích được ai.

Đã có một số vốn to tát ta phải biết quản trị một cách khôn khéo. Hãy xem cách nhà buôn quản trị tài sản của họ ra sao: luôn luôn họ nghĩ đến cách sinh phương làm lợi, tiền xuất ra bao giờ cũng được thu vén cho kém hơn số thu vào. Thường lệ, khi cuối năm, họ tính sổ kỹ càng để xem biết lời lỗ mà trù liệu chương trình doanh thương trong năm tới.

Tại sao tiền bạc người ta chu đáo đến thế? Còn về sức khỏe thì ít ai ngó ngàng đến, lời lỗ không hay, suy thịnh không biết, cứ nhắm mắt đánh liều đến khi sức khỏe tiêu tan bị vật ngã trên giường bệnh.

Một nhà buôn bị khánh kiệt thì người ta chê bất tài. Nhưng một người mà sức khỏe bị phá sản thì không bị ai chê. Người ấy luôn luôn đổ lỗi cho “số mạng”, cho hoàn cảnh gia đình hay xã hội, song họ quên nghĩ đến những lỗi lầm của họ.

Tại sao người ta rất chú trọng đến việc đào luyện trí não, tranh đua nhau sức học, tài cao mà bỏ quên thân thể. Nhưng thử hỏi một ông bác sĩ hay thạc sĩ sau mấy chục năm đèn sách ở hải ngoại về nước với một lá phổi bị vi trùng lao đục khoét thì sở học ấy có giúp ích gì cho ông ta chăng? Đừng nói đến việc ông ta sẽ giúp ích cho ai. Nếu có người ngu dốt về chữa nghĩa thì cũng có những người ngu dốt về sức khỏe, đó là những người bệnh, những người yếu đuối.

Một hôm, gặp một nhà doanh nghiệp đã từng lặn lội làm ăn bên Lào, tôi hỏi thăm ông ta về phong thổ xứ ấy và xin cho biết có quả thật như tiếng đồn, người mình sang bên ấy thường bị da vàng bụng trướng chăng? Ông ấy phì cười đáp: “Ma thiêng, nước độc thì có, nhưng làm trai thì phải biết phòng thân chứ. Người để cho ma bệnh vật ngã thì sao gọi là tài”. Ông ta kể luôn chuyện ông Nguyễn Văn Vĩnh mà ông ta được biết lúc ở Lào và ông ta kết luận: “Ông Vĩnh là nhà văn có tài và cũng là người có chí mạo hiểm, nhưng theo tôi, ông phải gửi xác bên Lào thì ông chưa phải là người tài”. Lời bình phẩm này hơi gắt gao, nhưng không phải là không đúng.



Người ta không chết, người ta tự sát.

Y học vẫn tiến bộ, song bệnh vẫn nhiều. Đó là một hiện trạng dị thường oái oăm. Trước sự tiến bộ không ngừng của y học, người ta tưởng chừng con người ở thế kỷ 20 này phải khỏe mạnh hơn con người thời xưa, nhưng sự thật khác hẳn.

Cứ đi rảo qua phòng bệnh một y sĩ, cứ xem những quảng cáo thuốc trên mặt báo, cứ quan sát những người chung quanh, chúng ta sẽ thấy tình trạng dị thường này. Y học bất lực? Không, y học vẫn tiến. Y học mang lại cho người ta những khí giới mới để đánh trả lại với bệnh tật, để chống lại với tử thần. Nhưng các con bệnh vẫn nhiều. Bệnh tật không buông tha một hạng người nào. Nói rằng nghèo thường đau yếu vì thiếu ăn thiếu mặc, nhưng các nhà giàu lại thường là thân chủ trung thành nhất của các thầy thuốc; nói rằng hạng dốt nát thiếu sức khỏe vì không hiểu biết vệ sinh, song những người có ăn học vẫn không thoát khỏi con ma bệnh, có những ông bác sĩ da mặt xanh mét, có những ông kỹ sư mặt luôn luôn nhăn nhó vì ăn không tiêu hóa.

Vậy bảo rằng vấn đề sức khỏe là vấn đề tiền bạc không đúng, là vấn đề hiểu biết cũng chưa đúng. Phải nói đó là vấn đề ý chí. Muốn khỏe mạnh, ít ra ta phải có ý chí muốn sống khỏe mạnh. Chúng ta có thể nâng hoặc đỡ một người leo lên cái thang, nhưng nếu người ấy không ra sức nắm giữ lấy cái thang, không kíp thì chầy họ cũng tuột và ngã xuống đất. Về sức khỏe cũng thế, không thể nói: “Tôi muốn khỏe mạnh” rồi ngồi khoanh tay mong người khác làm lại sức khỏe cho mình. Lắm người hiện giờ có thái độ của người leo thang nói trên, họ muốn khỏe mạnh song họ chỉ ngồi chờ một bí thuật trường sinh, mong tìm sức khỏe ở các lọ thuốc hoặc nhờ tay người thầy thuốc, còn tự họ không biết ra sức riêng, cố gắng để chinh phục sức khỏe.

Bởi thế, tuy ai cũng “ham sống sợ chết” song có rất nhiều người tự sát một cách vô ý thức. Một bác sĩ đã phải lên tiếng: “Người ta không chết, người ta tự sát”.

Họ tự sát bằng cách nào?

1) Bằng cách mê tín ở thuốc men, ở thầy thuốc mà không tin ở sức riêng của mình.

2) Bằng cách sống một lối sống giả dối không thích hợp với lề luật của thiên nhiên, tức là lề luật của sức khỏe.



Vấn đề sức khỏe là vấn đề ý chí.

Một nguyên do chính làm cho người ta hiện thiếu sức khỏe là sự tin tưởng cách mù quáng ở thuốc men và quá ỷ lại nơi người thầy thuốc.

Họ làm như sức khỏe có thể mua bằng giấy bạc. Người lao tâm nhọc sức thái quá trong cuộc làm ăn lý luận: “Lo cho đầy bóp phơi trước đã, nhỡ có bệnh đã có sẵn ông bác sĩ, lo chi?”. Người phung phí sức khỏe trong những cuộc hành lạc tự nhủ: “Có hề gì, chích vài ống thuốc Huê Kỳ là khỏe ngay”. Khốn nạn hơn là có những thầy thuốc cũng lợi dụng sự “mê tín” của hạng người này để có can đảm làm quảng cáo trên mặt báo: “Chữa bệnh lậu trong ba hôm có bảo đảm”,…

Thói “mê tín” nơi ống chích, ở lọ thuộc ăn sâu vào các hạng người: hạng trưởng giả đua nhau chích thuốc bổ B12, B13; hạng thợ thuyền không đủ tiền tẩm bổ bằng các thứ thuốc đắt tiền hoặc máu bò, cũng nhịn ăn, mua rượu sâm nhung bổ thận.

Sự mê tín ở thuốc men đi đôi với sự mê tín nơi thầy thuốc. Có người tưởng chừng các thầy thuốc là những vị tiên có phép màu, nhỡ có đau ốm chạy đến nhờ họ chích vài xê ri thuốc hoặc ra toa mua vài lọ thuốc xanh đỏ tự nhiên sức khỏe trở về với họ ngay. Nếu có người đã dốt nát mê tín nơi lá bùa của ông thầy pháp thì cũng có những người có ăn học mê tín nơi toa thuốc của ông bác sĩ.

Họ quên rằng bệnh tật không phải do sự rủi may đến một cách bất ngờ, song chính là kết quả của những lỗi lầm về lối sống, về cách ăn uống, là kết quả của những thói quen, tật xấu. Tình trạng cơ thể bị suy yếu mà chúng ta gọi là “bệnh” là cái “quả” của những nguyên nhân xa gần. Có những cái “nhân” hư đốn sao đó mới gây ra cái “quả” tai hại này. Uống rượu nhiều thì hư gan, biếng vận động thì bụng đóng mỡ, tráng tác quá độ thì bại thận, luật nhân quả rất ứng nghiệm ở đây. Chúng tôi muốn biết có những phương thuốc nào chữa hết những căn bệnh nói trên một khi người bệnh không tự ra sức diệt trừ những nguyên do làm nên căn bệnh. Muốn khỏi hư gan, người bệnh ít ra cũng phải cai rượu; muốn thận khỏi suy, phải tránh những trác táng. Đó là lối chữa bệnh tích cực. Thuốc men và thầy thuốc giỏi lắm chỉ có thể tạm chữa cái “quả”, mà chữa bệnh ở ngọn không thể là thượng sách.

Muốn chữa bệnh phải ra sức chữa lấy cái “nhân”. Nói đến việc tu thân sửa mình tức là nói đến sự cố gắng. Con đường sức khỏe là con đường dốc, đầy cam go, cần nhiều ý chí mới có thể theo đuổi. Vì thế người ta thường chọn con đường trơn tru hơ là chữa bệnh theo lối thụ động, hoàn toàn giao phó sức khỏe của mình cho thầy thuốc và không cần một sự gắng sức riêng gì của mình cả.

Thật là một lầm lạc lớn, tin tưởng như thế chẳng khác một mụ cho vay ăn lời cắt cổ đến ngày rằm bố thí để chuộc phước! Có thể như vậy chăng?

Chính vì thấu hiểu tâm lý ỷ lại của số đông con bệnh mà có những thầy thuốc hiện nay chỉ chữa bệnh ở ngọn, chữa sao cho có kết quả mau lẹ, chữa ở ngọn của bệnh tức là những hiện trạng của bệnh chứ không truy tầm nguyên do, tìm hiểu nguồn gốc để trừ căn. Anh đến khám bệnh, ông bác sĩ chỉ hỏi sơ qua chứng bệnh, gõ ngực, gõ lưng, bắt mạch trong năm phút, đoạn ra toa mua thuốc hoặc lụi cho anh vài mũi thuốc.

Anh đau rét? Đến thầy thuốc họ cho một liều thuốc chận rét. Anh đi kiết? Họ sẽ tiêm cho anh một mũi thuốc chận lại. Mặc dầu ông thầy ấy hiểu rằng: nhiều khi chứng rét không cần phải chận lại vì đó là một phương tiện mà cơ thể dùng để chống lại với vi trùng toan đột nhập cơ thể, nhiệt độ trong người lên cao thì vi trùng yếu đi. Cũng như đi kiết, thường khi đó là những phương tiện để cơ thể đẩy chất độc ra ngoài, không có ích gì mà chận nó lại cách đột ngột. Tuy người thầy thuốc hiểu thế song người bệnh lại hiểu khác. Họ cần thấy cơn bệnh dứt ngay, cho nên ông thầy thuốc muốn vừa lòng thân chủ (vì thân chủ sẵn sàng trả tiền) cũng chích cho họ một mũi chận lại. Người bệnh hết đi ngoài thật song chất độc vẫn còn thì cơ thể tìm cách tống nó ra ngõ khác. Hiện trạng của bệnh hết, song căn bệnh vẫn còn (vì người ta có lo trừ căn đâu). Ông Mono nói: “Người thầy thuốc chữa bệnh theo lối này chỉ làm công việc dời chứng bệnh đóng căn cứ ở nơi này sang một nơi khác”.

Xin các bạn chớ hiểu lầm chúng tôi bài xích các thầy thuốc, các nhà bào chế, họ là những người đóng vai tuồng quan trọng và cao quý trong xã hội, đáng cho ta kính nể. Chúng tôi chỉ muốn nhắc: Tin nơi thầy thuốc song đừng mê tín nơi họ. Tin nơi thuốc men song đừng mê tín nơi nó. Vì một khi đã quá tin tưởng nơi thuốc men, ở thầy thuốc, các bạn sẽ không tin tưởng ở yếu tố cá nhân của bạn là một yếu tố quan tọng trong việc chinh phục sức khỏe.

Nếu bạn bị té lọi tay hoặc nửa đêm bị thổ tả, lẽ dĩ nhiên bạn phải đi ngay đến thầy thuốc, nhờ đến tài nghệ của họ.

Song nếu bạn lầm tưởng rằng uống hai viên “maxiton” rồi có thể ngồi đánh bài suốt đêm, hoặc cứ đi lại với gái giang hồ, lỡ vướng bệnh lậu thì đã có ông bác sĩ chữa bao trong ba hôm, thì rõ ràng bạn đã mê tín nơi thuốc men và ở người thầy thuốc.

Sức khỏe không thể mua bằng tiền bạc. Có bao nhiêu nhà giàu tiền chất đầy tủ mà đau lên đau xuống, mặt mày xanh mét, người như tăm nhang. Bởi thế vua ô tô Henry Ford nói một câu chí lý: “Đời tôi chỉ chịu thua một điều: bệnh tật”.

Vấn đề sức khỏe trước hết là vấn đề ý chí, nghĩa là sức khỏe của ta phải tự ta vun vén, săn sóc lấy.

Vấn đề sức khỏe hiểu biết mà không thực hành thì không ích gì cả.

Chúng ta thường thấy sách vở hoặc báo chí truyền bá vệ sinh, phổ thông y học, nhưng ít thấy ai nhấn mạnh ở chỗ làm thế nào để thực hành những kiến thức ấy, mà đó mới là điều kiện cốt yếu trong việc làm lại sức khỏe cho dân chúng.

Bác sĩ P. Delore viết: “Vệ sinh là vấn đề giáo dục, nó cần sự hiểu biết và cũng cần sự biết thực hành những điều kiện để sống khỏe”.

Thiếu gì người có học thức, biết rõ phép vệ sinh, thiếu gì thầy thuốc biết rõ căn bệnh, cách chữa bệnh song họ vẫn bệnh, vẫn yếu.

Năm xưa, trong một bài diễn thuyết về vấn đề vệ sinh, bác sĩ Trương Văn Quế có một câu nói chí lý: “Xưa không có vệ sinh mà có, nay có vệ sinh mà không” . Ông đã nhận thấy: Hiện nay nhiều người đã hiểu những cương yếu vệ sinh nhưng biết mà không tuân giữ thì cũng bằng không. Ngày xưa, tuy ông bà ta chưa hiểu thế nào là vi trùng, thế nào vi khuẩn, nhưng biết tuân theo luật thiên nhiên, ngày làm lụng, tối nghỉ ngơi, đói mới ăn, khát mới uống, không như người “văn minh” hiện đại lấy đêm làm ngày, không đói không khát cũng ăn nhậu cho “đã miệng”.

Hiện nay người ta hiểu nhiều về vệ sinh, về y học, nhưng quá ỷ lại vào khoa học, không còn dùng đến sức riêng, nên tuy hiểu biết mà lại không đủ nghị lực để tuân giữ thì cũng bằng không.

Thêm vào đó lối phổ thông khoa học giả dối làm cho nhiều người hiểu biết nửa chừng những điều mà nếu có dạy phải dạy một cách cặn kẽ, bằng không thì thôi; thí dụ có những ông “phạm nhe” đọc đôi ba chục quyển sách thuốc, tưởng mình đã thấu hiểu cách chữa bệnh, lại viết báo cắt nghĩa bệnh và ra toa bệnh trên báo.

Được dẫn đạo bởi những ông thầy như thế thảo nào hiện giờ có nhiều người bất luận bệnh gì cũng muốn chích Vitamine B12, B13.

Không phải vô cớ mà ngày xưa người ta rất dè dặt trong việc truyền dạy nghề thuốc.

Cơ thể con người có thể so sánh tạm thời với bộ máy ô tô nhưng nó không đơn giản như bộ máy ô tô. Vì chiếc ô tô chỉ là một vật mà con người là con người, có thể chất mà cũng có tinh thần. Cho nên chữa bệnh cho một người như chữa máy chiếc ô tô là bất hợp lý. Tệ hại của một số thầy thuốc hiện nay là chữa bệnh, săn sóc người bệnh một cách máy móc, đau đâu trị đó.



Lề luật của sức khỏe tức là lề luật của thiên nhiên.

Có thể nói: Một người sống khỏe mạnh là một người biết sống theo đường đức hạnh. Muốn được khỏe mạnh ta không thể sống bừa bãi theo sở thích, theo dục vọng, theo thói quen. Ta chỉ được sức khỏe là khi ta biết ép mình sống theo một quy phạm, biết tuân giữ những lề luật nhất định không thay đổi: lề luật của thiên nhiên. Thiên nhiên là một người mẹ rất nhân từ nhưng cũng rất đanh thép. Một khi ta phạm luật là trừng phạt ngay không kíp thì chày.

Lề luật của thiên nhiên là lề luật sức khỏe, không có một bí quyết để tìm sức khỏe cũng như không có bí quyết để làm giàu. Chỉ cần chút quan sát để thấu hiểu và nhiều nghị lực để tuân giữ luật lệ của thiên nhiên.

Tạo vật đã cấp cho ta những thuốc bổ thiên nhiên: nước lã, ánh sáng mặt trời, thanh khí là cốt bảo chúng ta phải sống giữa thoáng khí, sống ngoài trời, đừng sợ rét mướt, đừng sợ nắng. Nhưng nếu đời sống “văn minh” tạo cho chúng ta một lối sống “êm ái” gần như bạc nhược, ra ngoài thì sợ nắng, nằm ngủ thì đệm êm chăn ấm, ở thì chui rúc trong những thành phố chật hẹp thì lẽ cố nhiên nước da ta phải mét, lá phổi phải teo, sức chịu đựng với thời tiết phải giảm đi, “nắng không ưa, mưa không chịu”.

Tạo vật đã cấp cho ta cặp chân khỏe, lồng ngực rộng là để ta leo trèo, chạy nhảy, nhưng bác sĩ G. Durville đã nói: “Hiện giờ có nhiều người không biết đi” . Có thể nói họ không muốn đi vì bước ra đường đã có ô tô, xích lô đón họ; nhưng không vận động lâu ngày, cặp chân teo lại, lồng ngực xẹp xuống, hơi thở kém sút, thét rồi họ chạy bộ trăm thước không nổi.

Tạo vật chỉ cho ta biết luật tuần hoàn: trăng khuyết lại tròn, ngày sáng thay đêm tối, quả tim giãn ra rồi co lại. Thể chất cũng như tinh thần của ta điều phải tuận theo luật tuần hoàn, sau hồi nổ lực làm việc phải có thời gian nghỉ ngơi. Đêm đến phải ngủ để dưỡng sức và tinh thần, nếu ta ngồi sòng đánh tứ sắc suốt đêm thì dần dần cơ thể bị suy nhược, không món thuốc bổ nào có thể làm cho nó thịnh vượng nổi.

Bệnh tật không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do tà khí hay hung thần mang đến như người xưa chưa biết khoa học đã tin tưởng.

Nó cũng không phải chi do những yếu tố mang bệnh, vi trùng, mầm độc như nhiều người hiện nay có chút kiến thức khoa học tin sai.

Nó là chung quy của một lối sống, của những thói quen, những tật xấu. Nó là kết quả của những lỗi lầm ta đã phạm luật thiên nhiên. Nó là một bằng chứng của luật nhân quả.

Nói theo bác sĩ P. Carton, người chủ trương phái thiên nhiên: “Sức khỏe là kết quả của một đời sống tuân theo luật sinh lý. Tình trạng đau yếu là kết quả của lối sống bất hợp lý, nói cách khác là những thói quen xấu”.

Kết quả trước tiên của một lối sống không hợp luật sinh lý là cơ thể bị suy yếu, miếng đất sinh lý trở nên nghèo nàn, dễ sụp đổ, không còn đủ sức để chống lại những vi trùng, những mầm bệnh khi chúng nó đột nhật vào cơ thể.

Sau các cuộc nghiên cứu, thí nghiệm của các nhà y sĩ và tinh vật học, hiện nay người ta đã chứng minh phần quan trọng của miếng đất sinh lý trong việc chống với bệnh tật. Họ kết luận: nguồn gốc của bệnh tật không phải chỉ có những yếu tố sinh bệnh như vi trùng, mầm bệnh mang đến mà cũng do tình trạng miếng đất sinh lý có thuận tiện để cho mầm bệnh phát triển chăng, do cơ thể suy hay thịnh. Một người cơ thể sung mãn có thể bị vi trùng đột nhập vào mình, nhưng chúng nó không thể hoành hành và sẽ bị tiêu diệt. Vậy ngừa bệnh, chữa bệnh mà chỉ nhắm đích bài trừ vi trùng, mầm bệnh không chưa đủ, phải biết lo củng cố làm cho miếng đất sinh lý trở nên thịnh vượng, cơ thể mới đủ sức chống trả với mọi cuộc tấn công của những yếu tố mang bệnh.



Sáu quy tắc để giữ gìn sức khỏe rẻ tiền, không cần thuốc.

Bí quyết của sức khỏe là tìm hiểu và tuân theo lề luật thiên nhiên, tức là lề luật của sức khỏe. Thiên nhiên là quan tòa rất chánh trực và cũng rất thanh liêm, chúng ta không thể “hối lộ” đút nhét tiền bạc để làm sai luật lệ mà vẫn hưởng được ân huệ.

Đã nhận thấy rằng sức khỏe không thể dùng tiền bạc để mua lấy, cũng không thể ỷ lại vào nghệ thuật, tài năng của người thầy thuốc để giữ gìn sức khỏe cho mình, thì chúng ta hãy tự lo làm lại sức khỏe mình, giúp mình trước… các thầy thuốc sẽ giúp sau.

Chúng tôi đã nói: không có một bí quyết để tìm sức khỏe, chỉ có những quy tắc rất giản dị, bất luận ai cũng có thể tuân giữ nếu có một chút ý chí. Chúng ta có thể gom lại sáu quy tắc:

Biết ăn.

Biết thở.

Biết tống độc.

Biết dùng những món thuốc bổ thiên nhiên

Biết vận động.

Biết giữ vệ sinh tinh thần.

Biết ăn. Thân thể con người là một xưởng máy. Nó cần nhiều nguyên liệu: thức ăn, nước uống, không khí để bồi bổ cơ thể và để tạo ra tinh lực.

Vấn đề ăn uống đóng vai tuồng quan trọng trong lịch sử nhân loại. Hai phần ba hoạt động của loài người đều hướng vào một việc: ăn. Lo làm ăn, làm để ăn, ai cũng lo ăn, sợ thiếu ăn, nhưng ít ai lo nghĩ đến việc ăn thế nào cho đúng phép vệ sinh vì nhiều người tưởng rằng ăn thế nào cũng được miễn dạ dày đừng kêu đói là được. Họ cho rằng con người ăn thức gì cũng được. Họ có biết đâu chính những thức ăn tạp nhạp, những thức ăn “nhân tạo” do óc tưởng tượng loài người chế biến ra mà họ dồn nhét vào dạ dày và họ cho là bổ dưỡng thật ra là những chất độc có thể gây ra nhiều căn bệnh. Một danh y thời xưa, ông Galien đã lên tiếng: “Con người dùng bộ răng mà đào lấy huyệt tự chôn mình” . Người ta thuật chuyện:

Một bác sĩ hiện đại, ông Héquet thường khi đến thăm bệnh (những thân chủ trưởng giả của ông), ông không quên đi ra sau bếp nhắn xéo với các ông bếp: “Thật chúng tôi, các thầy thuốc phải mang ơn các anh nhiều vì nếu không có nghệ thuật “thuốc người” của các anh thì chúng tôi phải thất nghiệp ráo”.

Chúng ta hãy nhìn chung quanh ta những người bụng phệ, mặt tía đỏ, những người ốm như cây sậy, bộ mặt nhăn nheo đó là hai hạng người lậm độc vì ăn uống, những căn bệnh phong thấp, ung thư, lao phổi cũng do nguồn gốc xa gần ở sự tiếp dưỡng bất hợp lý.

Trong động vật, người ta thấy những thú hoang ăn uống theo bản năng thiên nhiên không bao giờ đau ốm; trái lại, con người và súc vật nhà ăn uống theo lối “nhân tạo” thường bị nhiều bệnh tật.

Đến đây chúng ta đã bước vào một vấn đề mà hiện nay những bác sĩ, những nhà chuyên về khoa tiếp dưỡng vẫn chưa đồng ý: Vấn đề ăn uống. Nên ăn những thức gì? Thịt thức ăn nào bổ, thức ăn nào có hại?

Phái thiên nhiên cho rằng ăn thịt cá đã không cần thiết lại thêm hại, chỉ nên ăn rau đậu, hoa quả. Phái y học chính thức trái lại cho rằng ăn có nhiều chất bổ.

Về phép ăn uống, đừng quá câu nệ ở chi tiết. Có người xem xét từng món ăn: ăn món “bít tết” này sẽ bổ máu, ăn chén yến này sẽ bổ thận, có người gần như muốn xách cân tiểu ly lại bàn ăn đo lường cho biết miếng này nặng được mấy “ca lô ri”, làm như cơ thể con người là phòng thí nghiệm hóa học và nhiệt độ của các thức ăn. Nhưng, cùng một món ăn, người này có thể dung nạp mà người khác lại không. Bằng chứng: người mình ăn gạo cơm, người Ấn Độ dùng nhiều sữa, người Pháp ăn nhiều thịt.

Chỉ nên biết đại khái cơ thể cần dùng những chất gì, rồi do theo đó mà chọn thức ăn vừa có thể tiếp dưỡng đầy đủ cơ thể vừa hạp với mình.

Một điểm mà các nhà vệ sinh, các y sĩ gần đồng ý là những thứ cơ thể cần dùng. Có thể kể:

1) Thức ăn có đạm chất , là những vật liệu để tài bồi những tế bào bi hao mòn, để giúp sự nở nang. Có thể tìm thấy chất này ở thịt, cá, trứng, sữa, vài thứ đậu.

2) Thức ăn có chất đường và bột, là những vật liệu đem lại sức nóng cho cơ thể, tạo ra năng lực giúp sự vận dụng các thớ thịt. Những chất này thường gặp ở các mễ cốc, khoai, đậu, trái cây có chất ngọt, đường.

3) Thức ăn có chất béo, cũng là những vật liệu đem lại sức nóng cho cơ thể để gìn giữ nhiệt độ trong mình chống lại với sức lạnh bên ngoài.

Có thể gặp những chất này ở các thứ mỡ thịt, phó mát, bơ, dầu olive, dầu phộng, dầu cá.

Ngoài ba loại thức ăn chính này có thể kể:

4) Thức ăn có khoáng chất : sodium, calcium, potassium, sắt, lân, đồng, lưu hoàng, v.v… Những chất cơ thể không thể thiếu, ngoài ra những chất này có tính cách sát trùng, làm trung hòa những a xít, giúp sự trao đổi bên trong của máu.

Người ta gặp những chất này trong: thịt, cá, trứng, phó mát, bột mì, đậu haricot, rau cải, trái cây.

5) Thức ăn có sinh tố, là vật liệu sinh sống cần thiết cho sự vận dụng, sự nở nang, sự giữ gìn cơ thể. Người ta nghiệm thấy những người đi tàu thủy lâu ngày chỉ dùng toàn đồ hộp bị bệnh bại huyết, nhưng khi cho họ ăn trái cây tươi vào là khỏi ngay, những người bị bệnh thũng khi cho họ ăn cơm gạo lức còn chất cám, có sinh tố B là khỏi.

Có nhiều thứ sinh tố A, B, C v.v… Người ta thường gặp những chất này trong rau, cải, trái cây tươi. Nhưng nếu bị nấu chín, những chất sinh tố sẽ bị tan đi, vì thế nên dùng trái cây tươi, rau quả sống. Xứ ta không thiếu những thức ăn bổ dưỡng này: chuối, xoài, cam, quýt v.v…

6) Thức ăn sinh cặn bã , không bổ dưỡng vì cơ thể không thâu dụng nhưng có ích vì sinh ra cặn bã, làm kích thích bộ ruột, giúp sự tiêu hóa và nhuận trường.

7) Chất nước, là chất quan trọng trong thân thể, có thể nói nó chiếm ¾ sức nặng thân thể. Mỗi ngày chất nước trong thân thể bị tiêu hao độ hai, ba lít do mồ hôi, do hơi thở, do nước tiểu bài tiết.

Người ta có thể nhịn ăn trong một tháng nhưng nhịn uống trong một tuần là đã thấy nguy. Chất nước mà cơ thể cần dùng là chất nước lã trong sạch, hoặc chất nước trái cây. Rượu mạnh, rượu nho hay bia cũng không thể thay nước lã.

Cách tiếp dưỡng hợp lý là độ thế nào để những thức ăn này cung cấp cho cơ thể đủ những vật liệu nói trên. Đó là về “phẩm”.

Vấn đề “lượng” cũng đáng kể. Phải ước lượng sao cho số “chi thu” của cơ thể được quân bình, nghĩa là ăn nhiều ít tùy theo lối sống, theo tuổi tác, theo thời tiết. Người trai tráng làm việc tháo vác phải ăn nhiều hơn người có tuổi, người chỉ ngồi bàn giấy làm việc bằng trí não.

Và đây là một vài quy tắc về vệ sinh ăn uống:

- Ăn nhiều quá cũng có hại như thiếu ăn.

- Điều cốt yếu không phải là ăn được nhiều mà làm sao đồng hóa được những thức ăn.

- Nhai thật kỹ vì sự tiêu hóa bắt đầu ở nơi miệng. Nhai kỹ để nghiền nát thức ăn và cũng để miếng ăn được nhuần nước miếng.

- Đợi khi tinh thần và thân thể khỏe khoắn hãy ngồi vào bàn ăn.

- Rượu mạnh có thể dùng làm thuốc trừ bệnh, không thể dùng làm nước uống hằng ngày. Rượu mạnh làm yếu người.

- Nên dè dặt trong việc dùng thức ăn kích thích.

Biết tống cặn bã. Bỏ than củi vào lò máy tàu sau khi than cháy đi còn để lại tro bụi. Bình xăng ô tô lâu ngày cũng đóng cặn bã.

Bộ máy người cũng thế, sau khi cơ thể đã dùng những vật liệu là thức ăn, nước uống để hoạt động còn chừa lại những chất không được đồng hóa, đó là những cặn bã, thường là những chất độc, cần phải tống ra khỏi cơ thể kịp thời. Nếu vì lẽ gì mà không được bài tiết ra khỏi cơ thể thì lần hồi tích tụ lại và sinh độc.

Trong bộ máy tinh vi của con người đã có những cơ quan để lọc hoặc bài tiết những chất độc ấy như lá phổi, da, bộ ruột, thận.

Mỗi cơ quan lãnh một phận sự. Phổi bài tiết hơi cặn. Da bài tiết mồ hôi. Ruột bài tiết phân. Thận bài tiết nước tiểu. Riêng bộ ruột và cặp thận là hai cơ quan làm việc nhiều nhất. Tác động hai cơ quan này vượt ra ngoài ý chí ta, chúng ta không thể bắt buộc nó làm việc theo ý muốn, nhưng ít ra chúng ta cũng đừng ngăn cản công việc làm của nó, hoặc gây thêm công việc cho nó.

Ta cản trở bằng cách gò ép mình, giữa bữa ăn ta muốn đi ngoài nhưng vì xã giao lại ráng nhịn đi, tức là ta cản trở công việc bài tiết của bộ ruột.

Ta gây thêm công việc cho nó bằng cách đem nhiều chất độc vào mình, thí dụ uống nhiều rượu, thận phải làm việc nhiều.

Biết thở. Thanh khí là món thuốc bổ vô cùng quý. Sở dĩ người ta không chịu dùng đến nó bởi đó là món thuốc không mất tiền mua. Nếu có ai ra lệnh thâu tiền mỗi hơi thì ắt có nhiều người dám tốn cả sự nghiệp để mua thanh khí.

Con người cần thanh khí như cá cần nước. Nín thở trong năm phút chúng ta sẽ chết ngạt.

Hàng năm không biết có bao nhiêu người chết vì lao phổi. Những người bị lao phổi thường là những người có cặp phổi suy yếu vì thiếu vận động, tức là thiếu hô hấp. Thường người ta chỉ hoi hóp: thở ra hít vào chút hơi cho khỏi chết ngạt, ít có người biết thở một cách đầy đủ và càng hiếm người biết luyện tập cho cặp phổi nở nang.

Thanh khí vào cơ thể lọc rửa máu huyết, có nhiều thanh khí. Nơi làm việc phải để các cánh cửa mở rộng. Nơi phòng ngủ cũng thế, song đừng nằm ngay đầu luồng gió. Sau buổi làm việc, nếu có thể đi bách bộ ở nơi đồng trống, theo bờ sông, đừng giam mình trong những quán rượu, đầy khói thuốc. Những ngày nghỉ, thay vì chen vào những rạp hát kín hơi hoặc cong lưng ngồi sòng bạc nên đi khỏi thành phố, cắm trại, bơi lội.

Biết dùng những thuốc bổ thiên nhiên, ánh nắng, nước lã, không khí. Có những món thuốc bổ thiên nhiên không mất tiền mua, ai cũng có thể dùng được: ánh nắng, nước lã, không khí.

Ánh nắng mặt trời là phương thuốc sát trùng. Nên để ánh nắng tràn ngập vào nhà ở. Một nhà vệ sinh nói: “Ở đâu ánh nắng mặt trời không lọt vào thì thầy thuốc sẽ đi vào”.

Nhiều người lại sơ ánh nắng làm nám da, sợ cả không khí, nên luôn luôn bọc kín người họ dưới lớp quần áo dày. Phải tập quen chịu đựng với “gió sương”, đó cũng là một cách làm kiên cố miếng đất sinh lý, để ngừa phòng sự tấn công của các mầm bệnh và vi trùng độc.

Ông bà ta ngày xưa không biết vệ sinh, không có những thuốc bổ hóa học như Campollon hay Vitamine B12 nhưng vẫn tráng kiện, phải chăng họ biết dùng một cách đầy đủ những thuốc bổ thiên nhiên ấy.

Biết vận động. Muốn cho bắp thịt nở nang, dẻo dai, muốn cho các quan năng hô hấp, tiêu hóa tuần hoàn làm việc điều hòa, thân thể phải được vận động hằng ngày.

Nếu vì lối sống hoặc điều kiện riêng thân thể thiếu vận động thì ta phải tìm cách vận động lối nhân tạo, tức là tập thể dục. Đừng nhầm lẫn thể thao với thể dục. Thể thao là những trò chơi, một lối tiêu khiển thanh tao, đó cũng là một cách để làm vận động thân thể, nhưng không thể xem như một lối luyện tập thân thể hoàn bị. Người đá bóng chỉ làm nở nang hai chân, người chơi tơ nít chỉ làm nở nang hai tay.

Chơi thể thao theo quan niệm phần đông người ta hiện giờ là chơi thể thao tranh đấu, thường làm hại sức khỏe bởi sự chuyên môn và sự quá sức.

Thể thao không phải lúc nào cũng mang lại cho ta sức khỏe, nhất là đối với những người có thể chất tương đối kém. Phải là người khỏe mạnh mới có thể chơi thể thao. Lắm tay vô địch chiến thắng các địch thủ trên bãi cỏ, trên võ trường lại bị vật ngã trên giường bệnh một cách đau thương…

Tóm luận: Thể thao là những trò chơi vận động nhiều, không phải là những phương tiện để luyện tập thân thể đầy đủ. Nên chơi thể thao nếu anh thích, song chơi thể thao có điều đồ.

Trái lại, anh phải tập thể dục dầu anh không ham thích vì đó là bổn phận đối với thân thể.

Biết giữ vệ sinh tinh thần. Biết giữ vệ sinh thể chất chưa đủ để giữ gìn sức khỏe, cần phải thêm biết giữ vệ sinh tinh thần. Vì tinh thần và thể chất liên quan mật thiết với nhau.

Có người bị đau yếu chỉ vì tinh thần suy kém. Người ta nghiệm thấy: trong lúc có bệnh truyền nhiễm tràn lan thì người yếu tinh thần là người dễ bị lây nhất.

Vệ sinh tinh thần cũng có những định luật: luật cố gắng và ngơi nghỉ. Phải biết tập trung tinh thần để làm việc mà cũng phải biết dưỡng tinh thần, để nó nghỉ ngơi.

Muốn tập trung tinh thần để làm việc cho đắc lực phải biết tập tính chú ý. Có biết chú ý mới có thể luyện tập trí nhớ, trí phán đoán và ý chí.

Trong chúng ta có hai con người: con người có ý thức và con người vô thức. Lắm khi chúng ta bị con người vô thức xỏ mũi tức là lúc phần ý thức chúng ta bị vô thức lấn át.

Trí óc chúng ta biết rượu là độc, nhưng tay chúng ta vẫn nâng cốc rượu lên uống. Gặp việc kinh sợ tâm trí chúng ta muốn bình thản, nhưng mặt chúng ta vẫn xám, tay chúng ta vẫn run.

Tuy thế, không phải luôn luôn chúng ta bất lực, chúng ta có thể huấn luyện phần vô thức, chúng ta có thể điều khiển nó. Bằng cách nào? Bằng cách tự dẫn dụ, đã có nói ở phần trước.

Có những món ăn độc hại thân thể thì cũng có những tư tưởng hắc ám làm lụi tinh thần. Thân thể cần cơm ngon, gạo tốt thì tinh thần cũng cần những tư tưởng thanh cao, tích cực. Phải tránh những tư tưởng đê hèn, tiêu cực. Luôn luôn giữ thái độ lạc quan: yêu đời, yêu người, thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Có ánh sáng mặt trời thì có bóng tối, có mối lo buồn thì cũng có lẽ vui sống. Bỏ thái độ bi quan: tính chỉ trích, ngạo đời, lo âu, sợ hãi vẩn vơ.

Điều chúng ta cho là rủi biết đâu là cái may và chúng ta không biết. Truyện Tái Ông mất ngựa là một bài học thâm thúy về tính yêu đời. Thái độ tiêu cực làm hại cho cơ thể ta trước nhất.

Phải có một tinh thần sống khỏe mạnh, đừng quá khiếp sợ vi trùng hay bệnh tật.

Phải tin rằng khi mình biết giữ vệ sinh cơ thể sẽ khỏe mạnh. Cơ thể đã mạnh, nó sẽ đủ sức chống chọi bệnh tật.

Sức khỏe là sự điều hòa. Mục đích cuối cùng trong công cuộc đi tìm sức khỏe là đạt đến sự điều hòa về ba mặt: Thể Chất – Tinh Thần – Tâm Thần.

Đạt đến sự điều hòa của ba phần này là đạt đến sức khỏe.

Mỗi khi một trong những phần này bị gián đoạn, mất thăng bằng thì ta bị đau yếu. Nếu một trong những phần này bị khủng hoảng thì những phần khác cũng bị ảnh hưởng lây.

Mỗi khi cơ thể bị bệnh thì tinh thần cũng suy kém, và trái lại khi tinh thần suy kém thì thân thể cũng bị lây truyền.

Mỗi khi tâm hồn bị rối loạn, thì thân thể và tinh thần cũng bị rúng động nay.
Muốn nên người
LỜI NÓI ĐẦU
Phân I - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Phần II - Chương 1
Chương 1 ( TT)
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7