Xót Xa ... Chuyện Chúng Mình
Tác giả: Phạm Lệ An
Thời tiết năm nay thật lạ, giữa mùa xuân mà trời mưa lê thê không dứt từ hơn một tuần lễ nay. Mỗi sáng thức giấc không nhìn thấy ánh mặt trời, tôi cảm thấy như thiếu thốn một chút gì đó để bắt đầu một ngày mới. Bầu trời xám ngắt, những chiếc lá non xanh mơn mởn trên cây như cũng rũ xuống vì buồn bã. Lòng tôi chùng thấp, không hiểu tại sao mỗi lần nhìn trời mưa tôi đều cảm thấy buồn, có lẽ vì con người tôi vốn lãng mạn. Đọc một câu truyện hoặc một bài thơ hay cũng khiến tâm hồn tôi rung động, nhìn mưa rơi hay những hạt tuyết lất phất bay ngoài trời cũng khiến tôi ngơ ngẩn cả người. Và những lúc thơ thẩn ấy, dù không có lý do, tôi vẫn cảm thấy buồn. Có lẽ cái buồn của tôi cũng giống như cái buồn đã được thi sĩ Xuân Diệu diễn tả trong câu thơ "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn".
Bây giờ là tháng Năm, lẽ ra phải có những ngày nắng ấm, cho cây lá đâm chồi, cho những bãi cỏ non xanh tươi tốt trở lại sau một mùa đông dài lạnh giá. Vậy mà... tôi thở dài, có lẽ trái đất đang ở trong một thời kỳ thay đổi lớn như những nhà khí tượng học đã cảnh báo. Và sự xáo trộn này mỗi ngày sẽ một nghiêm trọng hơn nếu con người không ngừng phá hoại môi sinh. Hôm nay là thứ Bẩy mà trời lại mưa như thế này, cũng may không có việc gì quan trọng để phải đi ra ngoài.
Tôi ngồi xuống bàn viết, mở computer lướt vào mấy trang web của những tờ báo Việt ngữ. Dạo sau này tôi thường hay vào đọc những trang báo này, chỉ cần một buổi là tôi có thể biết rõ tin tức khắp nơi trên thế giới. Thời đại "hi-tech" có khác, đúng là chỉ cần... bấm nút là sẽ có tất cả.
Thông thường, sau khi đọc những tin tức quan trọng, tôi hay đọc những mục nhắn tin hoặc tìm người. Có lẽ chỉ vì tò mò chứ thật sự thì tôi chẳng chờ đợi ai mà mong muốn họ tìm mình. Một mẫu nhắn tin ngắn gọn trên một trang báo làm tôi chú ý. Tôi chăm chú đọc đi đọc lại: "Muốn tìm các bạn cùng khóa X trường võ bị Đà Lạt. Nếu có bạn nào đọc được nhắn tin này, xin hãy liên lạc với Hồ Đình Khiêm qua địa chỉ email hodinhkhiem@yahoo.com. Rất mong tin các bạn để cùng ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa thân ái...".
Tim tôi chợt nhói buốt, mẫu nhắn tin và cái tên kia làm lòng tôi như dậy sóng. Và nó cũng khiến tôi hồi tưởng lại những con sóng tàn nhẫn của dòng đời, đã xô đẩy tôi vào vòng nghiệt ngã, đau thương cách đây hơn ba mươi năm...
***
Câu chuyện bắt đầu vào mùa xuân năm 73, khi tôi đang là một nữ sinh lớp mười hai của một trường trung học tại Đà Lạt. Vào dịp Tết Nguyên Đán, trường chúng tôi tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ để góp phần an ủi và ủy lạo những anh quân nhân đang phải chiến đấu xa nhà, mang trọng trách giữ gìn an ninh cho mọi người đón Tết. Như các nữ sinh khác, tôi trổ tài nữ công để thêu một chiếc khăn tay thật đẹp. Và với danh nghĩa một em gái hậu phương, tôi cũng viết thêm một bức thư để tỏ lòng biết ơn các anh chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc gửi thư và quà đi, tôi nói đùa với mấy nhỏ bạn, anh nào may mắn lắm mới lấy được quà của tao đó. Chúng nó phá ra cười. Phải rồi, lười như mày mà chịu khó thêu hết cành hoa trên cái khăn thì dù cho xấu cũng thật là... quí hóa.
Rồi Tết đến, nhờ các anh, mà miền Nam đã được hưởng một cái Tết yên lành. Sau Tết, chuyện tặng quà cũng đi vào quên lãng. Cho dù có không muốn quên cũng không được vì năm nay là năm thi, chúng tôi phải lo dùi mài kinh sử nếu không muốn cuối năm thi rớt. Khoảng giữa tháng Ba, tôi ngạc nhiên xiết bao, khi có một ngày bà giám thị khó tánh nhất của trường gọi tôi lên văn phòng để nhận thư. Và tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy trên phong bì với cái tên người gửi mà tôi không hề quen biết. Lẽ ra tôi định nói với bà giám thị là tôi không quen biết người gửi lá thư này, và không nhận thư. Nhưng phần vì tò mò, phần vì đã lỡ bị bà giám thị giảng moral một buổi thật là oan uổng cho nên tôi... đổ lì, im lặng nhận lá thư, trong bụng nhủ thầm sẽ... xài xể lại cái người gửi thư vô duyên kia một trận cho đỡ tức.
Giờ ra chơi, tôi mở lá thư trước mặt lũ bạn nghịch ngợm, thì ra người gửi thư chính là cái người "may mắn" đã nhận được cái khăn thêu và lá thư của tôi hôm Tết. Nội dung lá thư chỉ là cám ơn tôi đã có lòng nghĩ đến người ngoài tiền tuyến, và xin được xem tôi như một cô em gái hậu phương để tiếp tục trao đổi thư từ, mong có thể xoa dịu phần nào tâm hồn trống trải trong những buổi dừng quân.
Mấy nhỏ bạn tôi chia làm hai phe, một bên thì khuyến khích tôi viết thư cho Khiêm, bên kia thì khuyên tôi chớ có dây vào những quan hệ "anh tiền tuyến, em hậu phương" muôn phần rắc rối. Riêng tôi, thật sự tôi cảm thấy thông cảm với nỗi cô đơn của những người lính xa nhà, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Và tôi đã quyết định trả lời thư cho Khiêm, mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến bắt đầu từ đó.
Sau ba tháng thư từ qua lại, Khiêm ngỏ ý muốn gặp mặt tôi trong một lần về phép. Đám bạn nghịch ngợm của tôi bắt được tin này và nhất định bày trò phá Khiêm. Tôi mỉm cười nhớ lại những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Và cho mãi đến bây giờ tôi vẫn còn phục sự nhạy bén và nhanh trí của Khiêm. chẳng những đã giúp chàng thoát khỏi sự tấn công, mà còn thu phục được mấy nhỏ bạn phá phách của tôi.
Ngày hẹn với Khiêm, chúng nó nhất định đi theo tôi ra gặp chàng. Chúng tôi hẹn gặp nhau bên bờ hồ Xuân Hương gần nhà Thủy Tạ. Khiêm có vẻ hơi bất ngờ khi thấy cả đám con gái ùa tới vây lấy chàng. Nhỏ Phượng liến thoắng đánh phủ đầu:
- Anh có hẹn với nhỏ Hạnh phải không? Tụi em đều là bạn... rất thân của Hạnh. Nếu anh có thể đoán đúng trong sáu nhỏ này, nhỏ nào là Hạnh thì tụi em sẽ... vui lòng tác hợp cho đôi trẻ...
Cả bọn phá ra cười sau câu nói đùa của Phượng, tôi cũng cố giữ thái độ tự nhiên như mọi người để xem Khiêm có thể đoán ra không. Sau giây phút bất ngờ, Khiêm như đã lấy lại bình tĩnh. Chàng đảo mắt nhìn từng đứa, rồi bằng một thái độ tự tin Khiêm chỉ ngay tôi.
Cả bọn nhao nhao nhìn sang tôi phản đối. Nhỏ Dung nói:
- Có phải mày đá lông nheo ra hiệu cho hắn không?
Nhỏ Ngọc bồi tiếp:
- Hay mày cười mỉm chi với hắn?
Nhỏ Nga nhìn Hạnh:
- Ừ, tao cũng nghi nhỏ Hạnh về phe hắn chứ làm thế nào mà đoán tài thế...
Nhỏ Liên xỉ trán tôi:
- Chết mày nhé, mê trai phản bạn...
Tôi bị chúng nó mỗi đứa một câu tấn công tới tấp, thật là oan nhưng tôi biết mình chẳng thể nào cãi lại với mấy nhỏ mồm mép này. Nỗi uất ức khiến tôi nghẹn lời muốn khóc. Nhỏ Thanh vội ôm lấy vai tôi:
- Tụi mày chỉ giỏi đoán bừa, tao thấy nhỏ Hạnh không có làm gì hết...
Mấy nhỏ bạn tôi tuy nghịch ngợm nhưng lại rất sợ nước mắt, chúng nó thấy tôi sắp khóc nên không tiếp tục tấn công tôi mà lại quay sang Khiêm. Nhỏ Phượng nói hùng hồn như một luật sư đang biện hộ trước tòa:
- Để rửa sạch tội oan cho nhỏ Hạnh, anh Khiêm phải giải thích cho tụi này biết, vì đâu trong một thời gian ngắn mà anh đoán ra được Hạnh...
Khiêm cười, nụ cười làm gương mặt rắn rỏi của chàng trở nên thật quyến rũ, khiến cho đám con gái chúng tôi như ngơ ngẩn. Khiêm nhìn tôi và nói bằng một giọng trầm ấm:
- Không phải Hạnh giúp tôi đâu, các cô đừng nghi oan cho cô ấy, là tôi tự đoán ra thôi...
Nhỏ Nga thắc mắc:
- Nhưng anh đoán bằng cách nào?
Khiêm để ngón tay trỏ lên môi:
- Bí mật quân sự...
Mỗi đứa một câu xoay quanh Khiêm phản đối, cuối cùng Khiêm phải đãi cả bọn một chầu kem mới yên với chúng nó.
Trong một lần gặp nhau về sau tôi có hỏi Khiêm sao lại nhận ra được tôi thì Khiêm cười:
- Nhờ Hạnh đó...
Tôi mở to mắt:
- Hạnh đâu có làm gì mà nói nhờ Hạnh?
Khiêm nhìn tôi:
- Hạnh nói Hạnh ghét nhất màu đỏ, đúng không?
Tôi gật đầu, Khiêm nói tiếp:
- Hạnh còn nói Hạnh để tóc dài, phải không?
Tôi vẫn chưa hiểu:
- Như vậy thì có liên quan gì?
- Sao lại không? Chỉ cần hai chi tiết đó là anh đã tìm ra được Hạnh trong sáu cô rồi...
- Nhưng trong bọn có đến hai đứa tóc dài mà...
Khiêm gật đầu:
- Nhờ chi tiết thứ hai...
Tôi suy nghĩ:
- Nhưng nhỏ Thanh đâu có mặc màu đỏ...
Khiêm nheo mắt:
- Hạnh quên là cô ấy cài một cái kẹp màu đỏ trên tóc sao?
Tuy không nói ra nhưng tôi thầm phục nhận xét và phán đoán nhạy bén của Khiêm. Sau này quen chàng lâu tôi còn biết Khiêm chẳng những thông minh mà còn rất dịu dàng và tế nhị. Hình như tôi chẳng tìm ra một khuyết điểm nào của chàng. Chưa kể Khiêm còn có rất nhiều tài vặt, chẳng hạn như tài coi bói. Có một buổi chiều sau khi chúng tôi quen nhau nửa năm. Khiêm về phép, chúng tôi cùng đi dạo trên đồi, tôi loay hoay tìm nhặt những quả thông khô. Khi quay lại tôi thấy Khiêm đang ngồi trên băng đá nhìn mình chăm chú. Mang theo những quả thông vừa nhặt được, bước lại gần chàng, tôi bắt bẻ:
- Ai cho anh nhìn lén Hạnh đó...
Khiêm cười:
- Anh nhìn thẳng chứ nhìn lén hồi nào, mà cũng không phải nhìn, anh đang... xem tướng cho Hạnh...
Như đa số phụ nữ mê bói toán trên trái đất này, tôi ngồi nhanh xuống bên cạnh Khiêm, hỏi dồn:
- Anh biết xem tướng sao? Vậy anh thấy tướng Hạnh ra sao? Có tốt không?
Khiêm lắc đầu:
- Anh chỉ biết chút ít qua sách vở thôi, nhưng nếu anh có thể kết hợp với chỉ tay của Hạnh, có lẽ sẽ đoán chính xác hơn...
Tôi mê coi bói đến nỗi quên cả giữ gìn ý tứ, buông luôn mấy quả thông khô xuống đất, xoè ngay bàn tay trước mặt Khiêm, giọng háo hức:
- Nè, anh coi chỉ tay dùm Hạnh đi...
Đến khi bàn tay của tôi đã bị Khiêm nắm lấy, tôi mới như sực tỉnh, xấu hổ định rút tay về nhưng thấy Khiêm vẫn tỉnh bơ chăm chú nhìn vào lòng bàn tay mình nên tôi đành ngồi im.
Khiêm khẽ nhíu mày như suy nghĩ, một lúc sau chàng ngẩng lên nhìn tôi hỏi:
- Hạnh muốn hỏi về chuyện gì?
Tôi ngập ngừng:
- Thì... tình duyên, gia đạo, học vấn... anh nhìn thấy cái gì thì nói cái đó...
Khiêm rào đón:
- Anh sẽ nói những gì anh biết được qua sách vở, có thể không đúng đâu. Hạnh nghe cho vui thôi, đừng quá tin nghe...
Tôi nóng nảy:
- Được mà, Hạnh biết rồi...
Giọng Khiêm chậm rãi:
- Theo tướng mệnh học, thì Hạnh có tướng mệnh phụ. Sau này Hạnh sẽ lập gia đình với một người có địa vị, tiếng tăm trong xã hội...
Khiêm hơi ngập ngừng rồi nói tiếp:
- ... Nhưng theo chỉ tay thì đường tình duyên của Hạnh không được suông sẻ lắm, có thể phải gẫy đổ hay dang dở một lần rồi mới yên ổn được...
Tôi lo lắng:
- Như vậy là không tốt hở anh?
Khiêm vỗ nhẹ vào tay tôi, bàn tay mà không biết vô tình hay cố ý chàng vẫn nắm chặt tự nãy giờ, giọng trấn an:
- Theo anh thì tướng mệnh quan trọng hơn chỉ tay. Chỉ tay thì sáu tháng sẽ thay đổi một lần. Bây giờ Hạnh còn trẻ chưa đến tuổi lập gia đình, sau này biết đâu nó sẽ thay đổi tốt hơn...
Rồi như thấy tôi vẫn còn lo lắng, Khiêm xiết nhẹ tay tôi:
- Đã bảo nghe chơi cho vui rồi bỏ qua mà, anh đâu phải thầy bói thật sự đâu mà Hạnh lo. Mà dẫu có là thầy bói đi nữa thì bói toán cũng vẫn là dị đoan, không có căn cứ khoa học, dùng để giải trí thì được chứ tin tưởng quá thì không nên...
Nắng tắt dần, trời về chiều đã trở nên hơi lạnh. Bàn tay Khiêm thật ấm, cảm giác đến từ bàn tay khiến tôi chợt giật mình. Nỗi lo sợ vu vơ về tương lai bay mất, thay vào đó là sự xấu hổ vì mãi mê nghe bói toán mà tôi gần như đang tựa sát vào người Khiêm. Bàn tay của tôi thì vẫn đang nằm ngoan ngoãn trong bàn tay chàng. Tôi khẽ nhích người ra, muốn rút tay về nhưng Khiêm đã giữ chặt lại. Cánh tay kia Khiêm đã choàng qua vai tôi từ lúc nào, bây giờ đang từ từ khép lại. Tim tôi đập mạnh, tai tôi lùng bùng nhưng tôi vẫn nghe giọng Khiêm thì thầm:
- Hạnh định trả công thầy bói như thế nào đây?
Tôi ngước nhìn Khiêm xem chàng nói thật hay đùa. Gương mặt Khiêm đang kề sát tôi cho đến nỗi khi tôi ngẩng lên, đầu mũi tôi gần chạm vào mũi chàng, tôi vội cúi mặt tránh. Khiêm khẽ nâng cằm tôi, nhìn vào đôi mắt bối rối của tôi bằng ánh mắt đắm đuối của chàng. Khiêm lại hỏi:
- Sao không trả lời anh?
Như hụt hơi trong ánh mắt Khiêm, tôi đáp yếu ớt:
- Em... không biết...
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao trong giây phút bối rối đó tôi lại xưng em với Khiêm. Điều này khiến Khiêm hình như cảm động, giọng chàng hơi run:
- Chỉ cần em hứa với anh...
Quả nhiên Khiêm không bỏ lỡ cơ hội, tiếng em chàng gọi tôi nghe sao mà ngọt ngào, âu yếm. Tôi như mất hết cảm giác, định hỏi Khiêm muốn tôi hứa gì mà hình như các dây thần kinh trong tôi đã bị tê liệt hết nên mãi cũng không nói nên lời. Ánh mắt thăm thẳm của chàng như muốn thôi miên tôi. Như một phản xạ, tôi khép nhẹ mắt lại để trốn ánh mắt chàng. Bàn tay Khiêm vẫn còn giữ nhẹ cằm tôi, tôi cảm nhận được hơi thở của chàng đang từ từ kề sát vào mặt mình. Trước khi tôi kịp nghĩ mình phải làm gì thì môi chàng đã đặt lên môi tôi. Khiêm hôn tôi bằng một nụ hôn thật nhẹ, giọng chàng như gió thoảng, chàng nói tiếp câu nói đang nói dở:
- Hứa... suốt đời làm bà mệnh phụ của anh... làm hoàng hậu của lòng anh...
Khiêm lại cúi xuống, nụ hôn đầu làm cả người tôi như lên cơn sốt. Môi chàng mềm, hơi thở chàng thơm nồng mùi thuốc lá. Không biết bao lâu sau Khiêm mới rời khỏi tôi, biết chàng đang nhìn, tôi xấu hổ không mở mắt. Khiêm dùng ngón tay xoa nhẹ đầu mũi tôi, giọng trêu chọc:
- Mở mắt ra đi chứ bé, định ăn vạ anh sao?
Tôi giấu mặt vào ngực chàng, nũng nịu:
- Anh xấu...
Vòng tay Khiêm choàng ra sau lưng tôi, chàng hỏi qua nụ hôn nhẹ trên tóc:
- Anh làm gì mà em nói anh xấu?
Tôi ấm ức:
- Anh giả vờ làm thầy bói, lợi dụng thời cơ...
Khiêm cười nhẹ:
- Anh đâu có giả vờ, nghề tay trái của anh là nghề coi bói thật mà. Nhưng mà từ nay anh sẽ giải nghệ, tại anh đã tìm ra rồi...
Tôi rời khỏi ngực Khiêm, ngước mắt nhìn chàng:
- Anh tìm ra cái gì?
Khiêm lại cười, nụ cười của chàng vẫn làm tôi say đắm:
- Thì tìm ra... vợ chứ tìm ra gì...
Tôi đỏ mặt, biết ngay mình mắc bẫy Khiêm, tôi nguýt nhẹ:
- Ham lắm, ai thèm làm vợ anh, người ta còn đi học mà...
Khiêm nắm ngay cơ hội:
- Như vậy là em hứa sau khi học xong sẽ lấy anh phải không?
Tôi đấm nhẹ lên ngực chàng:
- Nói sao cũng không lại anh, nếu biết anh ba hoa thế này, hồi đó em... không thèm cho anh làm quen...
Và như những chuyện tình chớp nhoáng thời chinh chiến, từ đó chúng tôi bắt đầu yêu nhau. Đối với Khiêm, có lẽ tôi không phải là người tình đầu của chàng. Riêng tôi, tôi yêu Khiêm bằng một tình yêu nồng nàn và đam mê của tuổi vừa mới lớn.
Thời gian đầu, Khiêm gửi thư về địa chỉ nhà của tôi. Nhưng sau đó, bố mẹ tôi biết được, mắng tôi một trận và cấm tuyệt tôi quen biết với bạn trai trong thời gian còn đi học. Tôi phải mượn địa chỉ của nhỏ Thanh để tiếp tục liên lạc với chàng.
Cuối niên khóa đó, không hiểu có phải đúng như lời bố tôi mắng là tôi chỉ lo yêu đương vớ vẩn không lo học hành hay không mà tôi đã thi rớt tú tài hai. Không đi học, tôi giống như một tù nhân bị giam lỏng. Bố mẹ tôi để ý và kiểm soát giờ giấc đi về của tôi nhằm ngăn chặn tôi tiếp tục liên lạc với Khiêm. Bố tôi nói nếu tôi muốn lấy chồng thì bố mẹ sẽ chọn nơi xứng đáng để gả tôi chứ hai người không bao giờ chấp nhận cho tôi lấy chồng lính, dù rằng Khiêm lúc đó đã là sĩ quan tốt nghiệp trường võ bị Đà Lạt, tương lai có rất nhiều triển vọng. Bố mẹ tôi cho rằng lấy chồng lính không biết ngày nào sẽ trở thành góa phụ. Tôi đã khóc hết nước mắt và xử dụng tất cả những biện pháp mà tôi có thể xử dụng được để phản đối ý của bố mẹ, nhưng không thể lay chuyển được.
Tưởng rằng người lớn chỉ hăm dọa cho tôi sợ thôi, nào ngờ có một ngày người ta đem trầu cau đến dạm hỏi tôi thật, và bố mẹ tôi độc đoán đã thay thế tôi nhận lời. Tôi nhắn tin cho Khiêm xin về phép để xem chàng tính sao.
Hôm đó là một buổi chiều Chúa nhật giữa năm 74, trời cũng mưa nhè nhẹ lất phất như hôm nay nhưng không gian là khung trời thơ mộng ở Đà Lạt. Khiêm dìu tôi đi bộ dưới cơn mưa nhẹ, hai chúng tôi cùng che chung một chiếc áo. Khiêm choàng tay qua ôm chặt lấy vai tôi. Tôi dịu dàng nép sát vào người chàng. Người ta nói Đà Lạt là thành phố dành cho những đôi tình nhân cũng đúng. Ở đây người ta có thể ôm nhau thân mật ngoài đường mà không phải sợ những ánh mắt tò mò, dò xét của những người xung quanh. Có lẽ vì khí hậu lạnh lẽo, những người đi một mình thì lo vội vã cắm cúi đi cho mau về nhà để trốn lạnh, còn những người có đôi thì đâu còn ai trong mắt họ ngoài tình nhân của mình. Không khí lành lạnh, mưa bụi lất phất bay, khung cảnh thật thơ mộng và trữ tình. Nhưng cả tôi lẫn Khiêm hình như không ai còn tâm trí đâu để mà cảm nhận được cái đẹp lãng mạn của thiên nhiên lúc đó. Chúng tôi đang buồn, cái tin bố mẹ ép tôi lấy chồng làm Khiêm như hụt hẩng. Bởi vì trớ trêu thay người chồng đó lại không phải là chàng, dù bố mẹ biết rằng tôi và Khiêm lén lút yêu nhau cả năm nay.
Khiêm xoa nhẹ vai tôi, hỏi nhỏ:
- Em đã nghĩ ra cách gì chưa?
Tôi đáp chậm rãi:
- Theo em thì không còn cách nào khác ngoài cách anh phải đến gặp bố mẹ em và trình bày việc của chúng mình, biết đâu hai người gặp anh sẽ thích và không ép em phải lấy chồng liền...
Khiêm trầm ngâm:
- Có lẽ em nói đúng, anh đành phải liều một phen vậy...
Tôi gượng cười:
- Thật ra bố mẹ em cũng là những người nói lý lẽ, không phải họ thật dữ dằn và vô lý như anh tưởng tượng đâu...
Khiêm im lặng, tôi biết chàng đang lo. Thật ra tôi nói vậy để trấn an Khiêm, chứ tôi biết rằng rất khó có thể làm bố mẹ tôi thay đổi khi hai người đã quyết định một việc gì.
Rồi cái ngày quan trọng đó cũng đến. Khiêm quần áo chỉnh tề đến gặp bố mẹ tôi. Biết hai người không thích lính nên chàng mặc đồ civil, quần tây áo chemise thật chững chạc. Thái độ của bố mẹ tôi khi đón tiếp Khiêm cũng không đến nỗi quá lạnh nhạt, hy vọng chớm lên trong lòng tôi. Sau khi hỏi Khiêm những câu hỏi theo thủ tục thông thường, bố tôi đứng dậy gọi Khiêm theo ông vào phòng sách nói chuyện. Tôi cũng đứng dậy dợm đi theo định làm hậu thuẩn cho Khiêm khi cần, nhưng mẹ tôi đã giữ tôi lại, bà bảo để cho đàn ông họ nói chuyện với nhau. Tôi đành ngồi lại phòng khách mà trong lòng thật không yên.
Khoảng nửa giờ sau, Khiêm rời phòng sách và chào mẹ tôi ra về. Tôi theo tiễn chàng ra cửa, nhìn nét mặt Khiêm tôi không đoán được điều gì, chỉ thấy chàng có vẻ tư lự như đang suy nghĩ về một vấn đề gì đó. Khiêm chỉ nói vắn tắt là sẽ kể cho tôi nghe sau rồi ra về. Điều mà tôi không bao giờ có thể ngờ là chàng đã chẳng bao giờ kể cho tôi nghe. Bởi vì từ sau hôm đó cho đến lúc tức tưởi gạt lệ đi lấy chồng, tôi không hề gặp lại Khiêm. Và mãi đến bây giờ, hơn ba mươi năm sau cũng không nghe tin tức gì về chàng cả.
Sau đó tôi hỏi là có phải bố tôi đã nặng lời mắng chửi Khiêm khiến chàng tự ái hay không. Nhưng bố tôi bảo rằng ông chỉ nói lý lẽ với Khiêm thôi và ông cho rằng Khiêm quyết định xa tôi, vì chàng biết nghe theo lẽ phải. Phần tôi, tôi rất giận chàng. Theo tôi nghĩ thì cho dù có quyết định xa tôi đi nữa, Khiêm cũng nên gặp tôi một lần và nói thẳng với tôi. Tại sao phải cố tình im lặng và trốn tránh tôi như thế. Lý trí bảo tôi đừng yêu Khiêm nữa nhưng tôi lại chẳng tài nào điều khiển nổi con tim mình. Càng muốn quên Khiêm tôi lại càng cảm thấy nhớ chàng day dứt.
Cuối năm 74, nghe theo lời khuyên của bố mẹ và cũng muốn thật lòng dứt khoát tình cảm với Khiêm, tôi đồng ý đám cưới. Chồng tôi là một thương gia, xuất thân từ một gia đình khá giả và được miễn dịch vì lý do gia cảnh, đó là lý do chính khiến bố mẹ tôi đã chọn Cường làm rể. Tôi nghĩ là sau khi lấy chồng tôi sẽ dần dần quên Khiêm và mối tình đầu, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nỗi nhớ thương Khiêm vẫn âm ỷ trong lòng tôi.
Quan hệ giữa tôi và Cường trở nên phức tạp hơn, khi Cường tình cờ đọc được nhật ký của tôi, và biết được rằng trong tim tôi lúc nào cũng ấp ủ một hình bóng khác.
Câu chuyện cũng chưa ngã ngũ đến đâu thì xảy ra biến cố tháng Tư đen. Cường tạm thời gác lại mọi chuyện và đưa tôi lên tàu rời Việt Nam vào ngày 29/4. Sau một thời gian sống tạm ở đảo Guam, gia đình tôi được nhận định cư tại Canada . Khi đặt chân đến Canada tôi mới biết mình mang thai ba tháng.
Đối với người khác như thế nào tôi không biết, nhưng riêng với tôi, những ngày đầu tiên sống ở xứ người thật là một chuỗi ngày dài khổ sở. Từ sau khi biết tôi còn yêu người khác, Cường đối với tôi thật lạnh nhạt, ngay cả sau khi biết tôi mang thai, Cường cũng chẳng có vẻ vui mừng của một người sắp được làm cha. Tinh thần tôi trở nên thật căng thẳng, phần vì cái thai hành, phần vì có tâm sự mà không biết thổ lộ cùng ai. Cùng đi với chúng tôi chỉ có gia đình bên Cường, bố mẹ tôi nhất định không chịu rời bỏ quê hương cho nên tôi cảm thấy thật cô đơn. Ở Việt Nam dù gì ngoài bố mẹ, tôi cũng còn có một số bạn bè, có chuyện gì tôi cũng chia xẻ với chúng nó. Nhất là nhỏ Thanh, nhiều khi tôi cảm thấy nó hiểu tôi còn hơn chính tôi hiểu mình. Bây giờ có muốn tâm sự với nó thì phải viết thư, bưu điện Việt Nam dưới thời cộng sản chậm như rùa bò. Thư đi qua đi về mất gần hai tháng, chuyện quan trọng gì thì cũng trở thành nguội lạnh hết trơn. Cho nên sau mấy lá thư tôi không viết nữa, không nên làm cho những người còn ở lại vì tôi mà lo lắng.
Và như vậy, tôi giấu kín bao tâm sự xuống tận đáy lòng, cố gượng vui chờ ngày sinh nở. Cường đã xin được việc làm trong một hãng thực phẩm. Tôi biết Cường cũng chẳng hài lòng với cuộc sống ở xứ người, nhưng hình như chúng tôi không còn chọn lựa nào khác.
Rồi con trai tôi ra đời, đứa con chẳng thể làm một nhịp cầu để kéo chúng tôi lại gần nhau hơn như tôi đã thật lòng mong mỏi. Hạnh phúc của chúng tôi mong manh như sương khói, chẳng biết sẽ tan biến lúc nào. Có lẽ người ta nói đúng, một cuộc hôn nhân không xây dựng trên nền tảng của tình yêu sẽ rất dễ dàng sụp đổ, nhất là khi có kẻ thứ ba xen vào thì cái ngày mà chúng tôi xa nhau chỉ là vấn đề thời gian.
Khi bé Minh được một tuổi, Cường quyết định ly dị với tôi để cưới một người đàn bà thật sự yêu mình. Phải nói là lúc đó tôi không buồn mà lại cảm thấy trong lòng có phần nhẹ nhỏm. Tôi thật lòng cầu chúc cho Cường tìm được hạnh phúc. Bởi vì tôi biết nếu còn tiếp tục sống với tôi, cả hai chúng tôi sẽ chỉ kéo dài thêm đau khổ cho nhau.
Chỉ tội nghiệp cho bé Minh, không được sống với cha từ khi còn quá nhỏ. Nhưng cũng may là nó chưa đủ trí khôn để cảm thấy buồn và mất mát khi Cường dọn ra khỏi nhà. Cường đi rồi, tôi kiêm luôn trách nhiệm của người cha, cố gắng lo lắng chăm sóc cho bé Minh đầy đủ. Dù rằng khi ấy tôi còn rất trẻ, có nhiều người muốn tiến tới với tôi, nhưng lòng tôi dường như đã nguội lạnh. Tình yêu trong tôi như đã chết, tôi cố gắng nhưng không thể yêu ai được nữa. Tâm hồn tôi cằn cỗi, trái tim tôi chai lì và trống rỗng.
Thời gian lặng lẽ trôi, cuộc sống cứ đều đặn tiếp diễn, bé Minh lớn dần và rất ngoan. Tôi vẫn sống một mình với con. Cuộc sống của một gia đình đơn chiếc thật chẳng dễ dàng gì. Đã mấy lần tôi định bước thêm bước nữa nhưng khi nghĩ đến con, và nhớ lại sự khủng hoảng tinh thần trong khoảng thời gian làm vợ Cường, tôi đã bỏ ý định lấy chồng thêm lần nữa.
Trong số những người theo đuổi tôi, có Lâm là người bền bỉ nhất. Từ khi quen tôi tại nhà một người bạn cách đây gần mười năm, Lâm không hề nản chí dù đã nhiều lần bị tôi lạnh lùng từ chối. Thật ra Lâm không tệ, mà ngược lại Lâm lại là một người đàn ông được rất nhiều phụ nữ để ý. Với tướng tá cao ráo, tuy không đẹp trai lắm nhưng nói chuyện rất có duyên và lại có địa vị trong xã hội. Vậy mà không hiểu tại sao Lâm lại không chọn một trong những người đàn bà đang vây quanh chàng, mà lại chỉ một lòng chờ đợi tôi. Có lẽ Lâm là loại người thích chinh phục, càng khó khăn Lâm càng kiên trì muốn chiếm hữu cho bằng được.
Riêng tôi, sau hơn ba mươi năm tôi vẫn không quên được Khiêm và mối tình đầu. Đôi lúc tôi nghĩ có lẽ nguyên nhân khiến tôi không thể quên Khiêm chỉ là tự ái vì bị chàng bỏ rơi chứ không còn là tình yêu nữa. Sự theo đuổi bền bỉ và kiên trì, cộng thêm tính tình tế nhị và dịu dàng của Lâm khiến lòng tôi nhiều khi cũng cảm thấy xao xuyến.
Minh bây giờ đã lớn, nó học xong đại học, đã ra trường đi làm mấy năm nay và cũng sắp lấy vợ. Nỗi lo lắng cho con không còn, nhiều khi tôi chạnh nghĩ đến tuổi già của mình cô đơn vò võ, ra vào một mình cũng muốn nhận lời lấy Lâm cho có nơi nương tựa lúc về chiều. Nhưng khi nghĩ đến Khiêm tôi lại đổi ý, tôi không thể yên lòng làm vợ Lâm khi mà cái thắc mắc trong tôi chưa được giải tỏa. Tại sao khi xưa Khiêm lại rời khỏi tôi không một lời giải thích nào cả? Tôi không tin là Khiêm chỉ gạt chứ không hề yêu tôi. Và bao nhiêu năm nay tôi vẫn muốn biết rõ bố tôi đã nói gì với chàng, để chàng đi đến quyết định phải lặng lẽ xa tôi như thế. Sự thật này chỉ có hai người có thể nói với tôi. Bố tôi thì dù cho bao nhiêu lần tôi gạn hỏi, ông vẫn một mực trả lời là họ chỉ bàn về lý lẽ của tình yêu chứ không có gì khác. Như vậy có lẽ chỉ có Khiêm mới có thể cho tôi câu trả lời thỏa đáng. Một ý tưởng thoáng qua trong đầu, tôi sẽ hỏi thẳng Khiêm. Đã bao nhiêu năm qua rồi, chắc Khiêm cũng chẳng giấu giếm làm gì.
Nghĩ là làm, tôi ghi lại cái địa chỉ email của Khiêm rồi viết thư cho chàng. Dĩ nhiên vì tự ái tôi không thể nào dùng thân phận thật của mình để viết thư cho Khiêm. Tôi suy nghĩ một chút rồi quyết định dùng tên của Thanh để viết thư cho chàng. Thanh bây giờ cũng đang định cư ở Canada , cách nơi tôi sống không xa lắm. Và ngay chiều hôm đó tôi đã viết xong lá thư cho Khiêm. Trong thư tôi hỏi thăm cuộc sống hiện tại của chàng, nói một ít về gia đình của Thanh và nhắc đến tôi. Vì giận Khiêm nên tôi quyết định "khai tử" mình. Đoạn thư đó dù tôi đã cố gắng đứng ở vị trí của Thanh để viết, vậy mà nó vẫn mang một chút gì như trách móc, giận hờn:
"... anh còn nhớ Hạnh chứ? Dù cho vô tình cách mấy đi nữa Thanh nghĩ là anh cũng không thể quên cô em gái hậu phương của anh ngày nào đâu nhỉ? Nhưng điều mà chắc chắn anh không thể nào ngờ được là Hạnh đã mất rồi anh ạ. Sau khi theo chồng sang sống ở nước ngoài một thời gian thì hai người ly dị, Hạnh sống một mình nuôi con. Cách đây ba năm Hạnh mất vì bệnh ung thư, và điều khiến Hạnh không thanh thản lúc ra đi là cái thắc mắc trong lòng chưa được giải đáp thỏa đáng. Hạnh đã tâm sự với Thanh rất nhiều trong những ngày cuối đời, hai đứa đã cố gắng phân tích nhưng vẫn không thể hiểu được lý do tại sao anh xa Hạnh không một lời giải thích? Thật ra, trong phòng sách hôm ấy, bố Hạnh đã nói gì với anh?..."
Tôi gửi lá thư đi rồi hồi hộp chờ Khiêm hồi âm, và tôi đã không phải chờ đợi lâu. Chỉ hai ngày sau tôi đã nhận được của Khiêm một lá thư khá dài. Lá thư đã giải tỏa mọi thắc mắc cho tôi. Theo như Khiêm kể trong thư thì chàng sang Mỹ đã được mười năm, lập gia đình cách đây năm năm và hiện sống ở Houston với vợ và hai đứa con bốn tuổi và hai tuổi. Chàng viết:
"... thật ra hôm đó bố Hạnh chỉ hỏi tôi rằng, tôi có nghĩ là mình đủ sức đem lại hạnh phúc cho Hạnh không? Câu hỏi thật đơn giản nhưng tôi lại không đủ tự tin để trả lời. Tôi biết gia đình Hạnh rất giàu, từ nhỏ nàng đã quen sống trong nhung lụa. Phần tôi lúc đó mới ra trường Võ Bị chưa được bao lâu, đời lính rày đây mai đó, sống hôm nay nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao. Yêu Hạnh thì thú thật tôi rất yêu, có thể nói tôi yêu nàng còn hơn yêu chính bản thân mình. Tôi không hiểu tại sao, tuy thời gian quen biết Hạnh không lâu lắm nhưng tình cảm tôi dành cho nàng lại vô cùng sâu đậm. Cho đến bây giờ đã trải qua hơn nửa đời người, mối tình với Hạnh vẫn là mối tình mà tôi trân quí nhất. Bởi vậy khi nghe bố Hạnh hỏi như thế, tôi mới nhận ra rằng nếu mình cứ một mực bắt Hạnh chờ đợi để lấy mình rồi cuộc sống của Hạnh sẽ ra sao? Nàng không thể theo tôi sống đời vợ lính khổ cực, mà bỏ nàng ở lại thành phố một mình cô đơn thì càng tội cho nàng hơn. Vả lại, lương sĩ quan tuy nhiều hơn lính thật, nhưng để tiếp tục duy trì cuộc sống nhung lụa, có người hầu hạ đưa đón như trước nay nàng vẫn sống thì e rằng tôi không đủ sức. Vì vậy câu hỏi của bố Hạnh như một thau nước lạnh tạt vào mặt, làm tôi thức tỉnh. Sau khi về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi quyết định chọn biện pháp lẳng lặng xa Hạnh, để nàng ghét và quên tôi đi mà yên tâm lấy chồng. Người chồng mà cha mẹ đã chọn cho nàng, người mà tôi biết có thừa khả năng để đem đến cho Hạnh một cuộc sống giàu sang, phú quí. Tuy nhiên, điều mà tôi không bao giờ ngờ, là chỉ hơn nửa năm sau khi tôi quyết định xa Hạnh thì miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Nếu tôi biết trước cuộc diện sẽ biến chuyển như vậy thì không đời nào tôi chọn giải pháp xa nàng.
Sau năm 75, tôi bị đi "cải tạo" hết tám năm. Lúc được thả ra tôi đã năm lần bảy lượt tìm cách vượt biên, vì tôi biết nếu còn ở lại tiếp tục sống với cộng sản thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ bi đưa đi "cải tạo" nữa. Bởi tính tôi khi gặp chuyện bất bình thì hay nói thẳng mà dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì lại có quá nhiều điều bất công.
Cuối cùng rồi tôi cũng đến được Mã Lai, và được nhận định cư ở Mỹ. Lúc qua Mỹ tôi đã khá lớn tuổi, lại không có nghề nghiệp chuyên môn nên rất khó tìm việc. Có một lúc tôi đâm ra chán nản cùng cực, cũng may là tôi gặp được Trang (người vợ tôi bây giờ). Trang đã lo lắng, chăm sóc cho tôi và khuyến khích tôi đi học nghề. Khi tôi lấy được cái bằng thợ điện là lúc tôi kết hôn với Trang. Có thể nói, tôi lấy Trang vì nghĩa chứ không hẳn vì tình. Nhưng bây giờ, sau khi có với nhau hai đứa con, tôi cảm thấy hình như mình đã nắm giữ được trong tay cái gọi là hạnh phúc. Không biết tình cảm của tôi dành cho Trang bây giờ có phải là tình yêu hay không, nhưng thật sự tôi cảm thấy khá đầy đủ trong đời sống gia đình, bên cạnh Trang cùng hai đứa con. Quả thật tôi không dám mơ ước và mong mỏi được nhiều hơn thế nữa.
Khi đi "cải tạo" về tôi có trở lại Đà Lạt hỏi thăm tin tức của Hạnh, và biết được rằng nàng đã cùng gia đình chồng rời Việt Nam trước ngày 30/4, còn nàng định cư ở nước nào thì người ta cũng không biết. Tôi cũng có tìm đến nhà bố mẹ của Hạnh nhưng họ đã dọn đi cho nên tôi không biết được chút tin tức nào của nàng. Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng thầm cầu nguyện cho Hạnh bình an và hạnh phúc.
Lá thư của Thanh đã làm tôi thật sự choáng váng. Không ngờ Hạnh chẳng những không tìm thấy hạnh phúc gia đình mà lại còn vắn số như vậy. Tôi đã đọc đi đọc lại lá thư bao nhiêu lần rồi mà vẫn không thể nào tin đó là sự thật. Nỗi hối hận day dứt tôi từ hai ngày nay. Tôi tự hỏi mình nếu ngày đó đừng quyết định lặng lẽ xa Hạnh để nàng phải tức tưởi đi lấy chồng thì ngày nay mọi chuyện có sẽ khác đi không? Dĩ nhiên là chẳng ai có khả năng trả lời cho tôi câu hỏi này hầu có thể giải toả bớt nỗi niềm bức rức trong tôi.
Việc duy nhất mà tôi nghĩ là tôi có thể làm bây giờ là mong Thanh hãy cho phép tôi đến viếng Hạnh ở nơi an nghỉ cuối cùng của nàng. Tôi mong là trước mộ Hạnh tôi có thể gửi tới nàng lời tạ tội của tôi. Và mong Hạnh hiểu cho rằng ngày xưa tôi làm như vậy cũng vì quá yêu nàng..."
Lá thư dài của Khiêm đã khiến tôi nghẹn ngào xúc động. Từng dòng nước mắt rơi xuống như cuốn trôi đi tất cả những uất ức từ bao nhiêu năm qua đè nặng trong lòng. Nỗi giận hờn cũng theo đó trôi đi. Và khi tôi ngừng khóc thì tình yêu dành cho Khiêm ngày nào cũng lặng lẽ trở về. Tôi biết mình chẳng hề hết yêu Khiêm như mình đã tưởng. Bây giờ khi biết rằng ngày xưa Khiêm quyết định xa tôi là vì nghĩ dến tương lai của tôi, lại càng khiến tình yêu trong tôi trào dâng mãnh liệt.
Nhưng dù có yêu Khiêm như thế nào đi nữa, tôi biết rằng rồi kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Chàng đã có gia đình, và lại đang sống thật êm ấm trong hạnh phúc bên cạnh vợ con. Nếu ngày xưa Khiêm vì tương lai và hạnh phúc của tôi mà hy sinh tình yêu của chàng, thì bây giờ tại sao tôi không thể vì hạnh phúc của chàng mà hy sinh đi cái tình yêu vô vọng của mình?
Qua lá thư của Thanh do tôi viết, Khiêm đã tin rằng tôi không còn hiện diện trên đời này nữa. Chàng có đau buồn và ray rứt thật, nhưng rồi tất cả sẽ qua đi. Hãy để Khiêm tin rằng tôi đã chết, như vậy có lẽ dễ xử hơn cho chàng. Còn hơn để cho Khiêm biết sự thật, chàng sẽ không tránh khỏi đau khổ khi biết tôi đã vì quyết định của chàng mà sống cô đơn hơn nửa đời người.
Nếu Khiêm vì tôi mà bỏ bê gia đình thì lại càng khiến cho nhiều nguời đau khổ hơn nữa. Thà là một mình tôi đau khổ. Tôi nghĩ đến hai đứa con của chàng. Chúng vẫn còn rất nhỏ, quá nhỏ để chứng kiến sự đổ vỡ gia đình. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ nỗi khổ của những đứa con trưởng thành trong sự thiếu thốn tình thương của nguời cha. Liệu tôi có nỡ lòng cướp đi người cha của hai đứa trẻ thơ vô tội hay không? Và liệu tôi sẽ tìm được hạnh phúc hay không khi Khiêm sống bên tôi nhưng luôn ray rức vì không làm tròn bổn phận của mình? Bao nhiêu năm qua tôi đã quen sống một mình. Trong những ngày tháng tới, cho dẫu có phải tiếp tục sống một mình thì cuộc sống của tôi cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều. Huống hồ bây giờ tôi đã biết lý do khiến Khiêm phải lặng lẽ rời xa tôi. Tâm trạng tôi đã không còn bức rức nữa thì tinh thần của tôi phải nhẹ nhàng hơn ngày xưa nhiều lắm. Cuộc sống của tôi chắc chắn phải tốt đẹp hơn mới phải.
Nghĩ được như vậy tôi thấy thật yên ổn trong lòng. Có lẽ càng sống nhiều tôi càng nhận chân được cái ý nghĩa thật sự của tình yêu. Tình yêu chân chính là trao ra chứ không phải là nhận lại. Khi yêu ai với một tình yêu đúng nghĩa của nó, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc với hạnh phúc của người mình yêu và đau khổ khi người mình yêu đau khổ.
Ngày còn trẻ, tôi vẫn thường cười chế giễu khi nghe những câu thơ hay lời nhạc như vậy. Tôi nghĩ rằng những người thi sĩ hay nhạc sĩ họ đã không thực tế khi cố tình thi vị hóa hoặc lý tưởng hoá tình yêu. Nhưng bây giờ, sau khi đã sống qua hơn nửa đời người, tôi mới chợt nhận ra cái triết lý sâu sắc về tình yêu đó chẳng sai chút nào. Trong khi Khiêm đã nhận thức được điều này từ hơn ba mươi năm trước.
Vấn đề còn lại bây giờ là phải trả lời làm sao với Khiêm về việc chàng đòi đi thăm mộ của Hạnh? Nói thật không được mà nói dối cũng không xong. Lấy đâu ra mộ của tôi cho chàng viếng khi mà tôi còn sống sờ sờ như thế này? Có lẽ phải tìm Thanh nhờ nó giúp tôi tìm cách giải quyết, Thanh luôn luôn có những cách giải quyết vấn đề rất hợp lý và thỏa đáng.
***
Tôi bước từng bước chậm qua cổng nghĩa trang. Mặt trời trên đầu đang chiếu xuống những tia nắng gay gắt. Bây giờ là cuối tháng Bảy, là khoảng thời gian nóng nhất trong năm của Canada . Nếu có ai đó đặt chân đến đây trong những ngày mùa đông, những ngày mà hàn thử biểu không bao giờ nhích lên nổi đến -15 độ C, thì người ta sẽ không bao giờ tin rằng vào mùa hè ở đây lại có thể có những ngày trời nóng đổ lửa như thế này. Bởi vậy ở đây mỗi năm người ta chọn hai tuần lễ nóng nhất vào cuối tháng Bảy để làm thời gian nghỉ hè cho hầu hết mọi người. Và Khiêm cũng nhân dịp nghỉ hai tuần này để hẹn với Thanh qua đây thăm mộ Hạnh.
Nhỏ Thanh sau khi nghe tôi kể hết mọi chuyện đã không tán thành ý kiến của tôi. Nó không muốn tôi cứ để cho Khiêm ngỡ rằng Hạnh đã chết. Thanh nói Khiêm đã rất hối hận khi nghe tin Hạnh chết thì đừng tàn nhẫn bắt chàng phải sống với nỗi hối hận này suốt đời. Nó còn nói nếu tôi đã thấu hiểu thế nào là tình yêu chân chính thì không việc gì phải ngại khi gặp lại Khiêm để nói cho rõ mọi việc. Rồi nó hẹn tôi hôm nay đến nghĩa trang để chờ, nó sẽ đưa Khiêm đến gặp tôi. Tôi hỏi tại sao không chọn một nơi nào khác để gặp nhau mà lại phải đến nghĩa trang. Thanh đã trả lời một câu thật chí lý, rằng mày và Khiêm gặp nhau để cùng chôn đi một mối tình, nếu không đến nghĩa trang thì đi đâu?
Tôi ngồi ghé xuống chiếc ghế gỗ dưới một tàn cây rợp mát, lơ đãng nhìn ra xa. Con người khi sống bon chen, giành giựt. Lúc chết đi ai cũng giống nhau, chỉ được một vuông đất nhỏ để gửi hộp tro tàn, có ai đem được theo mình nhiều hơn đâu. Tôi mỉm cười với mớ triết lý vụn của mình. Nếu ai cũng thấu hiểu cái triết lý này giống như tôi, thì thế giới này có lẽ chẳng có chiến tranh và thù hận.
Có tiếng bước chân lao xao đến gần, tôi chậm rãi quay người lại. Từ hôm biết là mình sắp gặp lại Khiêm, có một điều lạ là tôi cảm thấy lòng mình thật bình thản, tuy không tránh khỏi xúc động. Hình như tình cảm trong tôi đã trở nên rất chính chắn, trái tim tôi đã biết bây giờ Khiêm không còn là của tôi cho nên nó cũng không khiến tôi hồi hộp.
Khiêm đứng đó, im lặng nhìn tôi. Chàng đã già đi rất nhiều. Có lẽ cuộc sống khổ cực trong thời gian bị giam giữ nơi nhà tù cộng sản đã làm chàng già trước tuổi, cũng giống như bao nhiêu tù nhân chính trị của chế độ cộng sản mà tôi đã gặp trước đây. Tôi lên tiếng trước:
- Chào anh Khiêm, anh có khỏe không? Anh không nhận ra Hạnh sao mà nhìn sững vậy?
Khiêm bước tới một bước, chàng có vẻ xúc động hơn tôi. Cũng phải, Thanh chỉ mới vừa cho Khiêm biết tin tức của tôi trên đường từ phi trường đến đây thôi, làm sao chàng ngăn được xúc động. Giọng Khiêm hơi run:
- Hạnh vẫn còn sống thật chứ? Vậy mà cô Thanh nỡ gạt anh từ hôm nọ đến giờ...
Tôi lắc đầu:
- Anh đừng trách Thanh, là ý của Hạnh thôi. Cái thư hôm đó là của Hạnh viết cho anh, không phải là Thanh viết...
Tôi hơi ngạc nhiên với chính mình, dù không cố tình nhưng tôi đã trở lại xưng tên với Khiêm như ngày mới quen nhau. Cuộc gặp gỡ diễn ra khá tự nhiên, không gượng gạo như tôi đã từng tưởng tượng. Khiêm hình như đã lấy lại bình tĩnh, chàng ngồi xuống cạnh tôi. Nhìn tôi, Khiêm hỏi:
- Cuộc sống của Hạnh bây giờ ra sao?
Tôi đáp nhỏ:
- Tất cả giống như trong thư Hạnh gửi anh hôm nọ, chỉ khác một điều là Hạnh vẫn còn sống...
Mắt Khiêm như phủ một lớp sương mờ:
- Nghĩa là Hạnh đã ly dị lâu lắm rồi, và vẫn sống một mình nuôi con?
Tôi cười nhẹ:
- Bây giờ thì con nuôi Hạnh chứ không phải Hạnh nuôi con nữa. Minh đã hơn ba mươi rồi, năm sau nó sẽ cưới vợ...
Giọng Khiêm có vẻ bức rức:
- Như vậy về sau Hạnh sẽ phải sống một mình?
Tôi nhìn Khiêm:
- Hạnh cũng sắp... bước thêm bước nữa rồi anh ạ. Tuổi về chiều ở xứ này mà sống một mình thì buồn chết...
Tôi nghĩ đến Lâm khi nói như vậy với Khiêm. Ý nghĩ này không phải tôi cũng đã từng có trước khi liên lạc lại với Khiêm sao? Ngày xưa còn trẻ, tôi còn nông nổi nên không tạo dựng được hạnh phúc với Cường. Nhưng bây giờ đã khác, tôi tin rằng với ý chí và lòng quyết tâm của mình tôi sẽ tìm được hạnh phúc bên cạnh Lâm. Cũng như Khiêm, chàng đến với Trang không phải vì tình yêu, vậy mà bây giờ chàng vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc có rất nhiều mặt và tùy theo quan niệm của mỗi người. Mang đến niềm vui cho người khác cũng là một niềm hạnh phúc. Lâm đã kiên trì theo đuổi tôi mười năm nay, thì Lâm rất xứng đáng được tôi mang lại hạnh phúc. Khiêm nhỏ giọng:
- Nếu như vậy thì anh cũng yên lòng. Hạnh biết không, hôm đó nghe tin Hạnh mất anh thật đau khổ. Bây giờ nhìn thấy Hạnh mạnh khỏe và vẫn còn trẻ đẹp như thế này anh cảm thấy thật mừng.
Tôi hơi đỏ mặt:
- Anh vẫn... ba hoa như ngày xưa. Hạnh già rồi mà làm sao trẻ đẹp như anh nói được...
Khiêm cười, tôi nhìn Khiêm, nụ cười của chàng vẫn còn rất quyến rũ. Hình ảnh hôm nào ngồi trên ghế đá bên cạnh chàng trên đồi cho chàng coi bói trở về trong trí tôi. Tôi cúi mặt, không muốn Khiêm đọc được cảm nghĩ của mình. Khiêm cũng im lặng. Một lúc sau, Khiêm lên tiếng:
- Nếu anh đoán không lầm thì Hạnh cũng đang có một hoài niệm giống anh...
Tôi ngước nhìn vào mắt Khiêm, ánh mắt thăm thẳm của chàng như chất chứa rất nhiều điều muốn nói. Và rồi tôi hiểu, tôi hiểu tất cả những gì chàng muốn nói mà không tiện nói thành lời. Cũng giống như tôi, tình yêu của chàng dành cho tôi ngày nào vẫn không hề thay đổi. Nhưng giữa chúng tôi bây giờ là gia đình của chàng. Trách nhiệm và bổn phận là cái hàng rào vô hình nhưng khá kiên cố đã ngăn chận chúng tôi đến với nhau. Dù không nói ra nhưng như vậy cũng đã quá đủ cho tôi. Khiêm vẫn còn yêu tôi như tôi vẫn yêu chàng. Bao nhiêu đó cũng khiến cho tôi cảm thấy sự hy sinh của mình có ý nghĩa và đã đủ cho tôi mang theo làm hành trang để dấn thân tiếp tục đi hết quãng đường còn lại.
Khiêm vẫn nhìn tôi, và tôi nhận ra được rằng chàng cũng đã đọc được tất cả những gì tôi muốn nói với chàng qua ánh mắt. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cảm thấy thật gần nhau. Khiêm chợt cười nhẹ:
- Coi bộ nghề thầy bói của anh không khá, Hạnh nhỉ?
Tôi cười:
- Anh đoán đúng đó chứ, anh nói Hạnh tình duyên trắc trở đã đúng rồi, còn Hạnh có tướng mệnh phụ chắc cũng sắp đúng...
Khiêm nhìn tôi không hiểu, tôi cười:
- Người đàn ông đang theo đuổi Hạnh là một dân biểu. Biết đâu mai mốt ông ta ra ứng cử rồi trở thành ông lớn thì Hạnh sẽ trở thành mệnh phụ mấy hồi...
Khiêm cũng cười:
- Nếu đúng vậy chắc anh phải đổi sang nghề coi bói quá. Nghề này coi bộ dễ kiếm tiền hơn nghề thợ điện...
Chúng tôi cùng cười. Một cơn gió nhẹ thoảng qua mang theo hương thơm của cây cỏ. Tôi hít vào một hơi dài, cảm thấy trong lòng thật nhẹ nhàng và thoải mái. Tôi nhìn sang Khiêm, trong ánh mắt chàng bây giờ tôi đọc được một lời giao ước, rằng kể từ bây giờ chúng tôi sẽ cùng vun xới hạnh phúc cho chính mình để cùng đem đến hạnh phúc cho đối phương. Không gian xung quanh thật yên tĩnh. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy tâm hồn mình thanh thản lạ thường. Tất cả đều là phù du, chỉ có tình yêu chân chính mới tồn tại mãi mãi...
Montreal, mùa Hè 2006,
Phạm Lệ An