Say hoa
Tác giả: Phan Hồng Trung
Vào đời vua Nhân Tôn nhà Tống, tại thôn Trường Lạc thuộc huyện Bình Giang, có người họ Thu, tên Tiên là một nhà ẩn dật, tánh ưa sống trong cảnh an nhàn, cô tịch, không màng đến công danh phú quý. Người người đều gọi chàng ẩn sĩ này là Thu Công.
Thu Công vợ chết sớm, không con, gia tài gồm có mấy mẫu đất cha mẹ để lại, nếu chàng chịu khó chăm sóc ruộng vườn thì cũng đủ một cuộc sống phong lưu, đàng này Thu Công tánh lại thích trồng các thứ hoa, và suốt đời cũng chỉ thích có hoa mà thôi.
Do đó bao nhiêu vườn đất, chàng ta trồng hoa cả. Giữa vườn cất một cái trại khá lớn, năm tháng một mình thơ thẩn vào ra, lo việc trồng tỉa. Nếu kiếm đâu được một vài thứ hoa nào lạ thì chàng còn quý hơn làm tìm được châu báu.
Lúc nào rảnh rỗi, dạo chơi các miền lân cận, nếu gặp nhà ai có vườn hoa thì chàng nhứt định xin vào xem cho kỳ được. Nếu người chủ vườn không bằng lòng, chàng ta cũng ở đó nài nỉ mãi, lúc nào được xem mới chịu đi.
Gặp những giống hoa bình thường, đương tuần hoa nở thì chàng say sưa thưởng thức, còn gặp cái thứ danh hoa, thôi thì không thể nào mà tả nổi cái cảm khoái của chàng được. Chàng nhứt thiết hỏi mua, dù bằng giá nào. Nếu không tiền thì chàng cởi áo thế.
Bọn lái hoa biết tánh Thu Công như vậy, cho nên lúc nào chàng ta hỏi mua thì đòi giá rất cao. Tuy nhiên cái con người sai hoa ấy chẳng bao giờ chịu bỏ qua.
Lại một bọn lưu manh tinh quái, biết Thu Công là người mến hoa, nên đi tìm nhiều thứ hoa rất lạ đem về bán với giấ rất đắt, làm cho nhiều lúc vì mê hoa mà Thu Công bỏ cả tiền bạc để mua, không còn một đồng trong nhà, phải nhịn ăn nhịn mặc.
Tháng ngày trôi qua, trong vườn Thu Công góp nhặt đầy các thứ hoa rất lạ và rất quý, nổi tiếng tại đất Giang Nam.
Quanh vườn một dậu trúc dày, chính giữ nào là trà mi, mộc hương, tảo mai, mộc cẩn, tường vi... Trong đó có xen lẫn các thứ hoa thục quỳ, phượng tiên, oanh trúc, kim quang... Thật không làm sao mà kể hết được.
Bốn mùa, tám tiết, lúc nào cũng có hoa nở, hoa, đứng ngoài trông vào như một tấm đệm gấm thêu đủ màu. Cứ mỗi lúc trăng lên, mùi hương xông lên ngào ngạt. Dù người ta đi cách đó hai dặm cũng còn nghe thoảng mùi hương.
Hai bên ngõ, những cây tòng, cây bá, sắp theo hai hàng lắc lư trước gió, thỉnh thoảng những cánh lá vàng lác đác bay như những cánh bướm, trông rất ngoạn mục.
Bên trong vút tận xa mờ, lấp sau ngõ trúc quanh co, một ngôi nhà lá ba gian, tuy là thô sơ, nhưng rất sạch sẽ. Đó là nhà của Thu Công vậy.
Trong nhà không có trưng bày gì lộng lẫy cả.
Giữa thảo đường có treo một bức họa “Khổng Tử vấn lễ Lão Đam”, một bên có một bộ tràng kỷ để một bộ đồ trà, một bên có một cái bàn để một chiếc đỉnh đồng to lớn, cắm đủ các thứ hoa, bên đó là một chồng sách cổ.
Trước mặt nhà, trong góc vườn, chúng ta còn thấy một hồ nước xanh dờn, những cành liễu tha thướt rũ xuống. Đẹp nhất là những đêm xuân, ánh trăng lả lướt rắc màu vàng nhạt trên mặt hồ, lăn tăn nhảy múa, trông rất ngoạn mục.
Còn về mùa thu, những ngọn gió vàng hiu hắc, các cành hoa là đà chen chúc nhau, phô muôn màu vạn sắc, xinh đẹp vô cùng. Nếu gặp tiết đông, khí trời ẩm thấp, mưa phùn lã tã, thì những cành liễu buông mành, như những bức rèm màu sữa, lồng bên trong muôn hồng ngàn tía, như một tấm đệm kim cương.
Cái cảnh tươi đẹp bốn mùa của vườn hoa chàng Thu Công kể sao cho xiết.
Thời đó người ta có làm rất nhiều bài thơ ca tặng, và đây là một trong những bài ấy :
Hồ trung nhất sắc, thủy liên thiên
Bất xướng ngư ca, tức thái liên
Tiểu tiểu mao đường, hoa vạn chủng
Tà dương nhựt nhựt đối hoa miên
Dịch :
Mặt hồ trong vắc, nước im trời
Mấy lá thuyền rơi, lác đác trôi
Lều cỏ thơ thơ, hoa vạn gốc
Bóng chiều soi dấu bóng hoa rơi
Cứ mỗi sáng, Thu Công dậy sớm quét dọn trong vườn rất sạch sẽ, nhặt những cánh hoa rơi bỏ vào một cái hộp riêng, cất trong phòng rất cẩn thận, xong xách nước tưới cây.
Nếu có cụm hoa nào mới nở, chàng ta mừng rỡ nưng niu, đứng hàng giờ nơi đó để ngắm nghía, có khi chàng lại đem cả bầu rượu, nhắc ghế đến ngồi bên gốc cây uống say mèm cả ngày như đứng trước một người bạn tri âm vậy.
Từ lúc hoa hé nở đến lúc hoa nở đều không khi nào Thu Công rời đi đâu nửa bước. Nếu gặp lúc trời nắng, thì chàng đem nước phun cho cánh hoa tươi. Nếu gặp lúc trời mưa thì chàng kiếm đồ che đậy cho hoa khỏi đọng nước. Nhất là những lúc gặp gió lớn, Thu Công ngồi đứng không yên, chạy từ nơi này sang nơi khác, tìm những đồ chống đỡ. Nếu gặp cành hoa nào yếu kiềm không chịu nổi với gió, gãy đi, thì chàng thương tiếc, hái đem vào cắm ở lọ hoa nơi đầu giường.
Lúc hoa tàn là lúc làm cho Thu Công đau đớn nhất.
Cứ mỗi cành hoa sắp tàn, Thu Công bắc ghế ngồi một bên nhìn hoa than thở cho đến khi hoa héo, rơi xuống đất, chàng lượm lên đem rửa sạch, cất vào hộp.
Thu Công rất phản đối hành động bẻ hoa cắm vào lọ. Lọ hoa của chàng chỉ dùng cắm những cành hoa rủi ro bị gãy mà thôi; ngoài ra, những nhánh tươi trên cành không bao giờ bẻ cả.
Chàng nói :
— Kiếp hoa mỗi năm chỉ nở một lần, trong bốn mùa chỉ chiếm được một, và mỗi mùa chỉ nở trong mấy ngày mà thôi. Đời hoa đã mong manh như thế, mà khi hoa nở ta lại nỡ đang tay bẻ đi để làm cho hoa kia chóng tàn thì lòng ta độc ác biết bao !
Vì vậy chàng không bao giờ bẻ hoa, và cũng rất ghét những kẻ bẻ hoa.
Chẳng những vườn hoa của chàng, chàng không muốn cho ai động đến, mà cả những lúc chàng đi đâu, gặp ai bẻ hoa, chàng cũng phàn nàn, giải thích. Nếu người ấy không nghe thì chàng năn nỉ, cốt làm sao trước mắt chàng đừng trông thấy cái cảnh mà chàng cho là tàn nhẫn ấy.
Khu vườn của chàng lúc bấy giờ nổi tiếng là đẹp nhất ở Giang Nam.
Nhiều người làm thơ khen tặng :
Tiên quyền viên hề mộ quyền viên
Quyền thành viên thượng bách hoa tiên
Hoa phai mỗi nhật khan bất túc
Vị ái khan niên, bất khẳng niên
Dịch :
Vườn hoa sớm tối chăm nom
Trăm màu khoe sắc một chòm nước mây
Xem hoa chưa thỏa lòng say
Đêm đêm còn đợi nguyệt lay trước thềm
Thời đó, trong thành Bình Giang có một anh chàng họ Trương tên Uỷ vốn con nhà quyền thế, tánh khí lại ngang tàn, độc ác, dâm đãng.
Suốt năm tháng chỉ cậy vào thế lực mình để hiếp đáp dân lành. Hễ ai có cái gì đẹp thì nhứt định chiếp đoạt cho được, bất kỳ là vật gì. Cả đến vợ người ta nữa, nếu kẻ nào có chút nhan sắc mà vô phước lọt vào đôi mắt vọ ấy thì coi như khó thoát.
Dân chúng khắp vùng đều than oán hành động của Trương Uỷ, nhưng biết làm sao. Dân chúng là những người ngắn cổ, bé miệng đâu dễ gì kêu thấu đến cửa quan, mà có đến chăng nữa cũng chỉ chuốc lấy phần thiệt thòi vào mình, vì Trương Uỷ là kẻ có thế lực, rất đỗi các quan phủ huyện còn sợ chàng thay, huống hồ là dân !
Quen thói bạo ngược, Trương Uỷ bao giờ cũng nghinh ngang, dưới mắt không coi ai ra gì nữa. Trong nhà chàng có nuôi một số thủ hạ, hễ ra đâu gặp kẻ nào can thiệp vào hành động mình, thì Trương Uỷ lập tức hô bọn thủ hạ kia xúm lại đánh.
Một buổi sớm, Trương Uỷ dắt bọn thủ hạ kia đi qua vùng Trường Lạc, vào quán uống rượu la cà đến say mèm.
Khi đi ngang qua vườn hoa của Thu Công, Trương Uỷ liếc mắt vào trong, thấy vườn hoa rực rỡ phô đủ trăm hồng ngàn tía, ý muốn vào tìm, nhưng ngõ trúc then gài kín mít, không biết phải làm sao. Giữa lúc ấy có một người dân làng đi qua, Trương Uỷ gọi lại hỏi :
— Đây là vườn nhà ai mà quan cảnh tươi đẹp như thế ?
Người dân làng nghe hỏi khiếp sợ kính cẩn đáp :
— Thưa công tử đó là vườn hoa của Thu Công, một người suốt đời chỉ biết yêu hoa và vun xới cho hoa mà thôi.
Trương Uỷ cau mày hỏi :
— Thu Công trước kia có làm chức tước gì không ?
— Thưa không. Chàng ta lâu nay chỉ là một nhà ẩn sĩ.
Trương Uỷ nghe nói cười híp mắt lẩm bẩm :
— Tưởng là một vị quan gia gì ton lớn, chứ một thằng dân quèn như vậy thì khó gì mà ta không vào đó để thưởng ngoạn.
Nói xong đưa tay vẫy bọn thủ hạ theo mình, thẳng đến cửa vườn hoa của Thu Công. Bọn thủ hạ chạy đến đập cửa ầm ĩ.
Thu Công đang ngồi trong vườn ngắm các cánh mẫu đơn đang hé nhụy, bỗng nghe bên ngoài có tiếng đập cửa, vội vàng bước ra xem, thấy năm sáu người lực lưỡng, mặt mày đỏ gay, nồng nặc mùi rượu.
Thu Công bước đến hỏi :
— Các anh có điều gì gấp rút, muốn hỏi đến tôi ?
Bọn thủ hạ trợn mắt hét :
— Mày là một người dân ở đây mà không biết chúng tao là thủ hạ của Trương công tử hay sao mà hỏi ngớ ngẩn như thế chứ ? Nay Trương công tử nghe đồn trong vườn của mi có nhiều hoa đẹp nên muốn vào trong vườn đó để thưởng thức.
Thu Công nói :
— Trong vườn của tôi không có trồng được cây hoa nào quý lạ, đáng để cho công tử phải nhọc lòng đến, ở đây chỉ có mấy gốc cây mận, cây đào đều đã cằn cỗi.
Trương Uỷ bước tới chỉ vào mặt Thu Công nói :
— Nhân dịp ta đi ngang qua đây, muốn ghé vào vườn của mi, đó cũng là một vinh dự cho mi, sao mi lại dám kiếm cớ từ chối như vậy. Để ta xem thử trong vườn mi có những thứ hoa gì cho biết.
Nói xong, Trương Uỷ hạ lệnh cho bọn thủ hạ phá ngõ mà vào.
Thu Công giận đỏ mặt, nhưng không làm sao ngăn cản bọn người đầu trâu mặt ngựa ấy được. Chúng hò nhau đập phá một hồi, xô Thu Công té vào dậu trúc, rồi rước Trương Uỷ vào trong.
Trong vườn lúc đó các thứ hoa tuy nhiều, nhưng chỉ có hoa mẫu đơn đang nở thịnh hơn cả. Giống mẫu đơn này là chúa của muôn hoa, sản xuất tại Lạc Dương, một giống danh hoa quý nhất trong thiên hạ.
Tục truyền rằng, trước kia Vũ Tắc Thiên hoàng đế (tức là Võ Hậu) nhà Đường, hoang dâm vô đạo, rất yêu hai tên cận thần : Trương Dịch Chi và Trương Xương Tôn. Một chiều đông lạnh lẽo, mưa lác đác rơi, Võ Hậu ngự giá, xuất du nơi vườn thượng uyển, thấy cây cỏ xác xơ, trăm hoa ủ rũ, trong lòng hằn học đề bốn câu thơ :
Lai triều du Thượng uyển
Hỏa tốc báo xuân tư
Bách hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong suy
Dịch :
Bãi triều dạo Thượng uyển
Gấp rút báo xuân hay
Trăm hoa đêm nay nơ?
Không đợi gió xuân lay
Trăm hoa chẳng dám trái mạng chỉ trong một đêm mà đua nhau nở khoe đủ muôn màu, ngàn sắc trong khu vườn bát ngát giữa bầu trời đông giá lạnh mưa phùn.
Sáng hôm sau Võ Hậu dắt hai tên cận thần ra vườn ngắm cảnh, trông thấy các hoa đua nhau hớn hở đón chào, chỉ riêng có hoa mẫu đơn bướng bỉnh không chịu phụng mệnh gian thần, bạo chúa, nên lá cành đều khô khan, không nứt ra một chiếc lá non nào. Võ Hậu nổi giận, giáng chiếu đày hoa mẫu đơn xuống Giang Nam.
Vì thế mà hoa mẫu đơn tại xứ Lạc Dương đẹp nổi tiếng trong thiên hạ. Người đương thời có làm khúc ca “Ngọc Lâu xuân từ” để ca tụng chí khí khẳn khái, và tán dương vẻ đẹp yêu kiều của hoa mẫu đơn bị luân lạc rời khỏi mảnh vườn vương giả của đất Thần kinh :
Danh hoa sước ước đông phong là
Chiếm đoạn thiều hoa đô lại thư?
Lao tâm nhất phiến nhả nhân lân
Xuân sắc tam phân sầu vũ tẩy
Ngọc nhân tận nhật yêm yêm địa
Phước lị Ong ca kinh phá trụy
Sạ lâm trang kính tự kiền tu
Cận nhật thương xuân thâu dữ nhĩ
Dịch :
Mẫu đơn say cả đông phong
Cành hoa mơn mỡn màu hồng đẹp xinh
Yêu hoa giữ tấm lòng trinh
Gió mưa vùi dập xuân tình phôi pha
Sớm hôm nét ngọc không nhòa
Sinh ca khắc khoải đời hoa bẽ bàng
Dáng kiều ấp ủ đãi trang
Thương xuân bỡ ngỡ bóng vàng hắt hiu
Khóm mẫu đơn trong vườn Thu Công rất tươi tốt, mỗi cây có trồng một cột gỗ để chống đỡ, bên trên có dăng một mành vải thưa để che nắng. Mỗi cây cao chừng một trượng, hoa nở to như những chiếc mâm ngọc, đủ năm sắc.
Trương Uỷ thấy đẹp mắt, vội chạy đến níu một cành hoa để vào mũi ngửi. Trước cử chỉ sỗ sàng ấy làm cho Thu Công áy náy, chàng chạy đến bên Trương Uỷ nói :
— Xin công tử đứng xa mà ngắm, đừng động đến nó e bất tiện.
Trương Uỷ nổi giận mắng :
— Ta hạ cố đến đây là một điều vinh dự cho nhà ngươi. Ngươi đã không đón tiếp lại còn kiếp cớ để chối từ. Bây giờ ngươi lại còn khinh ta như thế sao ? Khóm mẫu đơn trong vườn hoa của ngươi giá đáng bao nhiêu mà ngươi dám buông lời lỗ mãng như vậy ?
Nói xong, Trương Uỷ bẻ một cành hoa mẫu đơn để vào mũi ngửi...
Thu Công giận đỏ mặt, nhưng biết Trương Uỷ là tay quyền thế, động đến hắn là có chuyện nên chẳng dám làm phật lòng, một mặt năn nỉ, nói :
— Trong vườn tôi chỉ có mấy cành mẫu đơn, công phu tôi vun trồng hàng mấy năm mới có, xin công tử để nó ở trên cành mà ngắm cho đẹp mắt.
Trương Uỷ chẳng trả lời, quay lại gọi mấy tên thủ hạ bảo :
— Hoa nở đẹp thế này, thực ít khi được gặp, vậy chúng bay ra quán mua vài hồ rượu đem vào đây khề khà cho vui để thưởng ngoạn.
Được lệnh, bọn thủ hạ dạ vang.
Thu Công lòng đau nhói, cúi đầu lễ mễ, nói :
— Thưa công tử nơi đây chật hẹp, nghèo nàn, không có chỗ nơi xứng đáng, xin công tử thưởng hoa xong trở về phủ yến ẩm cho thuận tiện.
Trương Uỷ nhe răng cười, nhìn xuống đất nói :
— Trong vườn rộng và mát mẻ thế này lại không đủ chỗ để ta ngồi uống rượu sao ?
— Mặt đất gồ ghề làm sao công tử ngồi cho được.
— Cái đó không hề gì. Ta sẽ truyền bọn thủ hạ của ta đem đệm đến mà trải.
Một lúc sau, bọn thủ hạ mang đủ cả rượu thịt và đệp gấm đến. Chúng ngồi chung quanh, vừa rót rượu uống vừa nói chuyện với nhau toàn là những lời lẽ tục tằn, thô bỉ.
Thu Công ngồi một bên không biết làm sao, phải bịt tai lại.
Du cho Trương Uỷ là kẻ tham tàn, tục tánh, nhưng đứng trước một vườn hoa lộng lẫy muôn màu, mùi hương bát ngát, chàng không thể không xúc động được. Chàng đưa đôi mắt nhìn quanh bốn phía thấy đâu đâu cũng phưởng phất như chốn tiên bồng, bèn hỏi Thu Công :
— Nhà ngươi là kẻ quê mùa, đần độn, dẫu ngươi có công phu trồng tỉa, song ta nhắm ngươi không có tâm hồn để thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, vậy ngươi hãy bán khu vườn cho ta.
Câu nói ấy làm cho Thu Công chạm lòng tự ái, không nhịn được nữa, chàng nói :
— Khu vườn này là tánh mạng, là đời sống của tôi, chỉ khi nào tôi chết đi thì nó mới thuộc về kẻ khác.
Trương Uỷ trợn đôi mắt tròn vo nhìn Thu Công nói :
— Nếu mi đã không muốn bán thì ta sẽ chiếm không cho mi xem. Xưa nay có vật gì ta muốn mà không được đâu.
Thu Công mặt giận xám ngắt, chưa nói ra lời thì bọn thủ hạ của Trương Uỷ đã hùa vào nói rối rít :
— Ngươi không nghe tiếng Trương công tử quyền thế như thế nào sao ? Nếu khôn thì bán đi, kiếm chút ít tiền mà độ nhựt kẻo bị mất toi, mà lại bị ngồi tù nữa đấy.
Trương Uỷ cười gằn hỏi tiếp :
— Sao có bán hay không, cứ nói một lời cho ta biết là đủ.
Thu Công không biết làm sao đành phải nói xuôi cho qua chuyện :
— Nếu công tử muốn mua cũng thư thả để tôi suy nghĩ đã chớ.
Bọn thủ hạ cười vang nói :
— ý ! như thế mới là khôn chứ. Thôi, hắn đã hứa bán rồi thì trước sau cũng về tay công tử, vậy công tử an lòng, để thư thẻ vài hôm, bây giờ thì cứ uống cho say cái đã.
Nói xong cả bọn thi nhau rót rượu uống vùi. Một lúc sau chúng đã say mèm, không còn uống nổi nữa, Trương Uỷ mới truyền lệnh :
— Thôi, dẹp đồ đạc mà về. Nhưng trước khi về ta muốn bẻ vài cành hoa mẫu đơn đem hteo để ngửi cho thỏa thích.
Trong lúc ấy bọn thủ hạ cuốn đệm, dọn cả ly chén đem đi, còn Trương Uỷ thì sấn đến khóm mẫu đơn loạng choạng đưa tay bẻ hoa.
Thu Công vội vã chạy đến, xô Trương Uỷ té nhào và nói :
— Đừng bẻ hoa của tôi.
Trương Uỷ té ngửa muốn le lưỡi, thở hò he như muốn chết giấc, trong lòng tức giận, hô bọn thủ hạ :
— A ! thằng khốn kiếp này nó dám vô lễ với ta đến thế. Bây áp lại bẻ hết các cành mẫu đơn cho ta.
Bọn thủ hạ chạy lại, đứa thì đỡ Trương Uỷ dậy, đứa thì áp vào bẻ hoa. Thu Công một mình làm sao ngăn cản được năm bảy đứa, chúng xô Thu Công té nằm dài xuống đất rồi áp lại bẻ sạch mấy cành mẫu đơn.
Tiếc thay ! những cành hoa quý giá kia, chỉ một phút đã tan tác trong bàn của kẻ độc ác, vùi dập trong cát bụi.
Cảm cảnh ấy, người đương thời có đề một bài thơ như vầy :
Lão quyền, độc thủ gia giao ha.
Thúy diệp, kiều hoa nhứt nhật hưu
Hảo tự nhất ban phong vũ ác
Loạn hồng linh lạc một nhân thu
Dịch :
Bàn tay độc ác buông lơi
Hoa tươi lá biếc rã rời kiếp hoa
Khác chi một trận phong ba
Lòng người thương tiếc lòng hoa tủi hờn
Thu Công nằm lăn lộn trên mặt đất, không ngớt lời chửi rủa. Những người láng giềng nghe tiếng chạy đến, thấy hoa mẫu đơn tan nát trên mảnh đất, còn Thu Công ôm bụng nằm rên la. Lại thấy Trương Uỷ cùng bọn tùy tùng mặt giận hầm hầm kéo nhau ra ngõ.
Dẫu lòng họ có biết Thu Công bị áp bức đi nữa, trước mặt Trương Uỷ cũng không một ai dám nói. Họ đợi cho bè lũ Trương Uỷ đi rồi mới bước đến đỡ Thu Công dậy, khiêng vào trại, rồi kiếm lời an ủi :
— Tên quỷ sứ ấy đến đâu mà chẳng sanh chuyện lôi thôi. May chỉ có mấy cụm mẫu đơn chứ không nguy hại đến bản thân cũng là điều tốt đó.
Thu Công mếu máo nói :
— Mẫu đơn tôi trồng đã bao năm mới nẩy chồi đâm hoa, ấy thế mà vô cớ, chúng lại đến đây đập phá, thực là ngang ngược.
Các người lân cận nói :
— Ai chẳng biết Trương Uỷ là tên ngang ngược. Nhưng nếu không nhịn hắn thì rồi lại mang tai. Thà chịu mất khóm mẫu đơn sau này có thể trồng lại được.
Ôm lòng hậm hực, Thu Công chẳng biết nói sao, đành bước liểng xiểng ra gốc hoa, nhìn những cánh hoa tan nát, rồi vừa sụt sùi khóc, vừa nhặt những cành mẫu đơn rơi dưới đất đem rửa thật sạch, định phơi khô để cất vào hộp.
Mọi người thấy vậy, nhìn Thu Công mỉm cười rồi ra về.
Thu Công ngồi lại một mình lẩm bẩm :
— Hoa ơi ! đời ta chưa hề nhẫn tâm để mi phải chịu một phút phủ phàng. Nay vì bàn tay của quân độc ác đến đây phá phách làm cho mi phải rời rã, thật lòng ta đau đớn lắm.
Đương than vãn, bỗng chàng giật mình vì đàng sau có tiếng thỏ thẻ :
— Việc gì mà Thu Công lại thở than, phiền não như thế ?
Thu Công quay lại, thấy sau lưng mình, một thiếu nữ kiều diễm ăn mặt lộng lẫy, môi hé nụ cười, hai hàm răng ngọc chói ngời, khuôn mặt như trăng rằm tháng tám.
Thu Công hỏi :
— Tiểu thư ở nơi nào, chẳng hay đến tệ xá có điều gì chỉ bảo chăng ?
Thiếu nữ đáp :
— Tiện nữ ở cách đây không xa, vì nghe công tử than khóc nên đến đây để hỏi thăm nỗi buồn của công tử.
Thu Công sụt sùi đem chuyện vừa rồi kể lại cho thiếu nữ nghe.
Thiếu nữ thản nhiên, mỉm cười nói :
— Hoa đã rụng rồi, song nếu công tử muốn hoa rơi được chấp lại đầu cành cũng không khó khăn gì.
Thu Công nghe nói trợn đôi mắt nhìn thiếu nữ với vẻ ngạc nhiên, hỏi :
— Tôi đang buồn vì những cánh hoa rơi này, sao cô nương lại đến đây để trêu cợt với tôi làm vậy ? Có bao giờ hoa rơi mà có thể chắp lại.
Thiếu nữ nói :
— Tôi có học phép chắp hoa, và tôi đã có nhiều lần thực nghiệm.
Lấy làm lạ, Thu Công ngơ ngẩn nhìn thiếu nữ hồi lâu. Tuy trong lòng nghi ngại, song đang buồn bã vì tiếc mấy đóa hoa rơi, nay lại được người ta nói là có thể chắp lại đầu cành được, trong lòng bừng lên một tia hy vọng, hỏi :
— Cô nương không nói đùa đấy chứ ?
Vẫn với nụ cười tươi thắm, thiếu nữ nói :
— Tôi nói đùa với công tử làm gì. Nếu tôi không chắp lại được, quyết không đời nào thấy mặt công tử nữa.
Thu Công mừng quýnh, hỏi :
— Thế thì bây giờ xin cô nương ra ơn cho.
Thiếu nữ bảo Thu Công đi múc cho mình một bát nước trong.
Thu Công y lịnh lểnh mểnh ra đi.
Khi đã múc nước xong, Thu Công bưng bát nước đến gần khóm mẫu đơn thì thấy khóm mẫu đơn kia đã nở đầy hoa, đóa nào đóa nấy tươi tốt phô đủ màu sắc như cũ. Các mảnh hoa rơi biến đi đâu mất hết.
Thu Công lấy làm lạ, chẳng biết thiếu nữ kia đã có phép gì thần thông thế, nên vội tìm thiếu nữ để tạ Ơn, nhưng thiếu nữ lại cũng đi đâu mất, chàng tìm mãi khắp vườn hoa mà không thấy đâu cả.
Sau cùng, Thu Công đoán chừng thiếu nữ kia chắc là ra ngoài phía cổng vườn nên vội vã chạy theo. Nhưng khi ra đến cổng, thì cổng vẫn còn đóng.
Thu Công mở cổng nhìn ra, thấy hai lão già hàng xóm, Ngu Công và Đơn Lão đang ngồi trước bờ sông xem các người chài đang phơi lưới.
Thấy Thu Công, hai ông già bước đến chào và hỏi :
— Nghe nói công tử bị Trương Uỷ đến nhà hiếp, phá phách vườn tược, nhưng chúng tôi đang ở ngoài đồng chưa đến thăm kịp, xin công tử miễn thứ.
Thu Công cảm tạ và hỏi :
— Chẳng hay hai ngài có thấy cô thiếu nữ mặc đầo trắng vừa mới ở trong vườn tôi bước ra đây không ?
Hai ông già ngơ ngác đáp :
— Chúng tôi ngồi đây từ sớm đến giờ nào có thấy ai đi ra đâu ?
Thu Công lấy làm lạ, bấm trán suy nghĩ một hồi lâu, không nói. Hai ông già hỏi :
— Chẳng hay người thiếu nữ ấy là ai, đã làm gì mà công tử lo lắng đến thế.
Thở ra một hơi dài, Thu Công đưa mắt ngơ ngàng nhìn trời nói :
— Nếu thế thì nàng này không phải là người phàm, mà là một vị thần thánh gì đây.
Thu Công đem đầu đuôi câu chuyện mình gặp người thiếu nữ ráp hoa đầu cành kể lại cho hai ông lão láng giềng nghe.
Hai ông lão nghe xong cũng lấy làm lạ, yêu cầu Thu Công cho phép vào vườn hoa để xem hư thật. Thu Công dẫn hai ông già vào.
Quả nhiên, trên cành hoa mẫu đơn nở dầy đặc, mỗi đóa hoa to bằng chiếc mâm lớn, rực rỡ màu tươi. Hai ông lão luôn mồm khen ngợi và nói :
— Nếu vậy thì đúng là thần thánh đã cảm lòng chân thành của công tử nên hiện đến để làm phép lạ đó.
Thu Công cảm động, vào nhà lấy ra mấy nén hương đốt lên và van vái, cảm tạ thần linh đã chiếu cố đến mình.
Hai ông lão nói :
— Sáng mai tin cho Trương Uỷ để chúng nó đến đây mà xem, cho nó xấu hổ chết đi cho rồi.
Thu Công xua tay nói :
— ấy chết ! Cái giống sài lang ấy chúng ta cần phải tránh xa nó đi. Vì khiêu khích với nó chẳng ích lợi gì đâu.
Hai ông già nghĩ một lúc rồi khen phải. Thu Công rất vui mừng, vào nhà xách bình rượu ra, mời hai ông già lân cận cùng với mình ngồi dưới gốc mẫu đơn uống vùi cho đến tối, trao đổi nhau câu chuyện tâm tình.
Khi bầu rượu đã cạn, câu chuyện đã tàn, hai ông lão mới từ giã Thu Công ra về. Lúc ra đường, hai ông lão này gặp ai cũng vui vẻ kể lại câu chuyện trong vườn hoa của Thu Công. Vì vậy chẳng mấy chốc, khắp trong vùng đều rõ câu chuyện kỳ lạ ấy...
Sáng hôm sau, mọi người trong thôn xóm hay được tin đều kéo nhau đến xem. Họ sợ Thu Công không chịu mở cửa vườn. Nhưng không, lần này Thu Công rất niềm nở, không khó tánh như trước kia nữa.
Chàng ta tự nghĩ rằng việc đời nên hư do trời định, không phải ai muốn làm hại mà được. Đến như bọn Trương Uỷ, độc ác như thế mà vẫn chưa làm tan nát được vườn hoa chàng thay.
Do đó, lúc dân làng đến xin vào xem, Thu Công tiếp đón mời vào rất nồng hậu. Ông ta nói :
— Xin mời các ngài nếu muốn vào xem hoa thì cứ tự tiện, miễn đừng bẻ hoa là được.
Trong lúc đó, Trương Uỷ vì bữa trước uống rượu say, lại bị Thu Công xô té, nên trong mình đau đớn như dần. Đêm ấy chàng ngủ say mèm không hay biết gì hết.
Sáng ra, lúc tỉnh rượu Trương Uỷ trong lòng căm tức, kêu bọn thủ hạ nói :
— Ta từ lớn đến bây giờ chưa một ai dám trái ý ta. Nay thằng Thu Công, một đứa hư danh lại dám vô lễ như vậy, nếu ta không trừ được nó thì bao nhiêu oai quyền của ta từ trước đến nay đều mất hết.
Bọn thủ hạ nịnh dọc :
— Lệnh công tử xưa nay có đâu dám chẳng tuân. Nếu hôm qua công tử ra lệnh thì chúng tôi đã đánh chết nó mất rồi.
Trương Uỷ nói :
— Hôm nay chúng ta đến nữa để hỏi mua khu vườn, nếu nó bằng lòng bán thì thôi, bằng không chúng bay phá cho tan hoang hết đi, thử xem nó làm gì cho biết.
Bọn thủ hạ reo lên một lượt, kéo nhau ra cửa.
Trương Uỷ lểnh mểnh theo sau. Khi gần đến nơi, bọn thủ hạ nghe người ta kể lại câu chuyện thần tiên giáng hạ trong đêm vừa rồi, làm cho hoa bị phá hủy trở lại liền cành như cũ. Chúng thất kinh báo lại với Trương Uỷ.
Trương Uỷ nói :
— Khéo đặt chuyện. Rõ là một âm mưu của Thu Công rồi. Vì nó sợ ta đến đó phá phách cho nên nó đặt điều nói như thế để ta không dám đến đó thôi. Chúng bay cứ đi, không hề gì hết cả.
Khi đến cổng vườn hoa, bọn Trương Uỷ thấy cửa vườn mở rộng, dân chúng tấp nập ra vào, ai ai cũng đều nói y như vậy.
Bọn thủ hạ đứa nào đứa nấy rởn tóc gáy. Trương Uỷ trong lòng cũng sợ sệt, nhưng chẳng lẽ lui bước để cho thiên hạ cười chê, bèn làm gan xốc tới, hô kẻ thủ hạ theo mình :
— Hèn nhát như chúng bây thì làm gì được việc. Dẫu cho có thần tiên ngồi trong vườn ta há sợ sao !
Đi vòng quanh mấy luống hoa, Trương Uỷ quả thấy mấy khóm mẫu đơn bị phá hủy hôm trước nay lại hoàn như cũ. Các đóa hoa tươi tốt khoe màu dưới nắng xuân, như đang mỉm cười ngạo nghễ trước mắt bọn dã tâm ấy.
Tuy trong lòng sợ sệt, song vẫn làm ra vẻ thản nhiên, Trương Uỷ nhìn ngắm một hồi rồi loay hoay ra một ác ý. Kẻ có lòng gian ác bao giờ cũng chực sẵn những âm mưu sâu độc trong lòng.
Trương Uỷ kêu bọn tùy tùng nói :
— Thôi, chúng ta đi hè !
Bọn thủ hạ ngạc nhiên không rõ ý định của Trương Uỷ như thế nào, trố mắt hỏi lại :
— Đi sao ?
— ừ, đi.
— Thế công tử không chất vấn hắn về việc bán vườn nà ?
Một nụ cười đanh ác nở trên môi, Trương Uỷ nhìn bọn thủ hạ nói :
— Không cần phải hỏi đến hắn làm gì... Khu vườn này sớm muộn cũng về ta.
Vốn biết Trương Uỷ là đứa gian ác, đa mưu túc kế, bọn thủ hạ không lấy làm lạ trước thái độ thay đổi bất ngờ của chàng, song muốn biết chủ mình sẽ thực hiện âm mưu nào, nên vội hỏi :
— Công tử sẽ thực hành diệu kế nào vậy ?
Trương Uỷ vừa kéo bọn chúng ra ngõ, vừa nói :
— Hiện nay Vương Tắc ở Bối Châu mưu phản triều đình, chuyên dùng tà thuật để mê hoặc lòng dân, kết bè kết cánh. Khắp các châu, quận đang có lệnh nã tróc yêu nhân rất gấp. Người nào bắt được yêu thuật thì được thưởng ba ngàn. Ngày mai, ta sẽ đem việc “hoa rụng về cành” báo cho phủ đường, trong tờ tố cáo thêm vài chi tiết quan trọng thì thế nào hắn cũng bị bắt.
Một tên bộ hạ vỗ tay khen hay, và nói tiếp :
— ít ra công tử cũng phải tố giác hắn về tội mưu loạn thì hắn mới bị tội nặng chứ.
— Dĩ nhiên như vậy rồi. Mà một khi hắn đã bị tội thì khu vườn của hắn phải bị tịch thu đem ra phát mãi. Chừng đó ai dám tranh với ta. Chỉ nội ba ngàn đồng bạc thưởng, ta cũng đủ mua lấy khu vườn kia rồi.
Bọn thủ hạ đồng reo lên :
— Thật là diệu kế. Thế thì ngày mai công tử phải thi hành gấp việc này mới được chứ.
Trương Uỷ suy tính rồi nói :
— Mưu tính ấy rất hay, song ta muốn tránh tiếng đừng để người ngoài biết. Vậy thì ta làm đơn, để một người trong chúng bay đứng tên đưa đến phủ đường. Phần ta, ta sẽ vận động bên trong.
Trương Bá một tên thủ hạ, nghe nói ứng lên :
— Thưa công tử, xin công tử để tôi đứng tên tố cáo cho.
— Được, nếu mày làm việc đó thành công ta sẽ trọng thưởng.
Sáng hôm sau, Trương Uỷ thảo đơn, đưa cho Trương Bá đem nạp vào phủ đường.
Gặp lúc quan phủ được lệnh trên nã trác những người tà thuật thi đua với các quận huyện khác để đoạt tiền thưởng. Khi gặp lá đơn của Trương Bá đút vào, quan phủ vội vàng ra lệnh phái bọn hộ dịch đi bắt Thu Công lập tức.
Trương Uỷ lại đi tay trong, đón bọn hộ dịch dặn dò to nhỏ và cho thêm tiền bạc để bọn này đến đó hoành hành ; một mặt, Trương Uỷ dẫn bọn thủ hạ của mình hùa theo.
Bọn hộ dịch đi thẳng đến vườn Thu Công. Lúc đó Thu Công đang săn sóc mấy khóm hoa trong vườn, thấy trước cổng tụ tập đông người, tưởng dân chúng đến xem hoa, không để ý. Mãi đến khi chúng hò hét, xô ngõ vào, áp đến thộp cổ, Thu Công mới ngạc nhiên đứng sững sờ, hỏi :
— Tôi có tội gì mà các người lại đến bắt tôi ,
Khi ấy một bầy quỷ sứ, bọn hộ dịch xỉ vào mặt Thu Công mắng nhiếc :
— Mày là một yêu nhân phản tặc toan mê hoặc lòng dân để gây loạn triều đình. Nay có lệnh trên nã tróc mi về trị tội, mi chưa biết thân còn làm ra kẻ ngớ ngẩn ý ?
Chúng không để cho Thu Công phân trần một lời nào hết, đứa trói tay, đứa trói chân, đứa nắm đầu lôi ra khỏi cổng.
Xóm giềng thấy thế thất kinh, bu quanh để hỏi thăm sự việc. Bọn công sai hò hét :
— Các người muốn liên can với tên bạo loạn này hay sao mà xúm nhau đông đảo như vậy.
Ai nấy nghe nói đều sợ sệt cho thân phận mình, vội lảng tránh ra nơi khác. Duy chỉ có hai ông già Ngu Công và Đơn Lão xưa nay vốn ái mộ Thu Công, nay thấy Thu Công bị áp bức trong lòng như dao cắt không nỡ bỏ đi.
Bọn công sai thấy thế chỉ vào mặt hét :
— Hai lão già này muốn bắt về nha một thể ý ?
Ngu Công và Đơn Lão nghe nói hoảng sợ, bỏ đi.
Lúc bọn công sai giải Thu Công đi rồi, Trương Uỷ và những đứa tùy tùng nhân cơ hội ấy vào trại Thu Công lục lạo, vơ vét hết cả đồ đạc. Lấy xong khóa cửa vườn rồi trở về. Thật là một bọn tham tàn vô đạo.
Bọn công sai dẫn Thu Công về đến phủ đường giao cho giám ngục. Tên giám ngục này vì có ăn tiền của Trương Uỷ nên hành hạ một cách tàn nhẫn.
Đêm ấy, quan phủ bận việc chưa tra hỏi được, nên giám ngục tống cổ Thu Công vào phòng giam, cùm cả hai tay hai chân không cho nhúc nhích. Lại còn dùng roi đánh cho mấy cái vào mặt. Thu Công chân tay đau nhức cả đêm rên siết không ngủ được tí nào.
Trời lờ mờ sáng... Tiếng trống vừa điểm. Quan phủ thăng đường truyền dẫn Thu Công đến. Thu Công mặt mày sưng húp, lễ mễ đứng trước viên quan phủ, định dùng lời để kêu oan, nhưng viên quan phủ đã vỗ bàn hét to :
— Mi là yêu tinh xứ nào lại dám đến đây mê hoặc lòng dân để mưu tạo loạn ?
Câu nói ấy làm cho Thu Công choáng váng, không biết tội lỗi ấy do đâu mà có, vội vã tường trình :
— Thưa, tôi là người dân thôn Trường Lạc, lâu nay vẫn ở đây, đâu phải yêu tinh ở xứ nào ? Khắp trong vùng ai ai cũng biết tôi là kẻ lương thiện làm ăn, xin ơn trên suy xét.
Quan phủ vỗ bàn hét :
— Hôm trước mi dùng tà thuật, ráp hoa rơi trở lại liền cành khắp vùng ai ai cũng biết, chứng cớ ấy đã hiển nhiên rằng mi muốn gây loạn, phá rối an ninh, mi còn dám chối nữa sao ?
Thu Công ngạc nhiên đoán biết Trương Uỷ tố cáo, vu oan để muốn hại mình, vội vàng ứng khẩu kể lể tất cả các hành động phá phách của Trương Uỷ nơi vườn hoa mình. Song Thu Công kể chưa được mấy câu, viên quan phủ đã đập bàn hét lớn, làm cho Thu Công phải im bặt.
Thì ra quan phủ cũng đã được Trương Uỷ bẩm trước, và ông này cũng thuộc vào hạng người ô trọc tham lam vàng bạc không kể đến công là.
Quan phủ nói :
— Mi đừng chối cãi nữa. Đúng mi là một yêu nhân làm loạn. Nếu mi không chịu cung khai hành động phá rối của mi, mi sẽ tan xác tức thì.
Thu Công mới ú ớ, thì quan phủ đã vỗ bàn, hô lính đến bắt Thu Công đem tra khảo. Bọn công lại dạ vang, áp đến vật Thu Công xuống, đứa dằn đầu đứa dằn chân, trông rất khủng khiếp.
Quan phủ mặt hầm hầm, vừa bước tới cầm trượng, toan đánh Thu Công thì bỗng ông ta mặt mày choáng váng, té xỉu xuống đất. Tất cả công lại trong phủ đều thất kinh, xúm đến đỡ quan phủ dậy, lay gọi một hồi lâu, ông ta mới tỉnh.
Lúc tỉnh lại, mặt mày quan phủ còn lơ láo, nhìn chung quanh như kẻ mất hồn. Một tên công sai vào bẩm :
— Bẩm quan lớn, bây giờ tên Thu Công phải làm thế nào ?
Nhìn tên công sai một lúc, quan phủ mới mở miệng nói được một câu :
— Đem nó nhốt vào ngục, ngày mai sẽ xét xử.
Nói xong quan phủ vào phòng riêng, nằm vật trên giường. Bên ngoài, bọn công sai lôi Thu Công đi xền xệt.
Thu Công mặt buồn rười rượi. Ra đến cổng phủ đường, Thu Công thấy Trương Uỷ và bọn thủ hạ tụ tập nơi đố để nghe ngóng. Thu Công tức giận, nhìn vào mặt Trương Uỷ mắng:
— Trương Uỷ, ta với mi lâu nay không thù oán, sao mi nỡ nào vu oan cho ta để ta phải chịu cảnh cực hình này.
Trương Uỷ nhìn thẳng vào mặt Thu Công khúc khích cười. Một giọng cười đầy nham hiểm, đanh ác.
Thu Công quá tức giận, nhưng không biết làm sao, nói rằng :
— Mi cố làm cho ta chết để mi chiếm đoạt vườn hoa của ta phải không ?
Trương Uỷ bĩu môi rồi lặng lẽ dắt bọn thủ hạ ra đi, không đáp. Giữa lúc đó có hai ông già, Ngu Công và Đơn Lão thấy bọn công sai dẫn Thu Công ra vội chạy đến hỏi thăm.
Thu Công kể lại đầu đuôi sự việc của mình. Hai ông già xít xoa nói :
— Công tử đừng lo. Công tử bị hàm oan như vậy, ngày mai thế nào chúng tôi cũng rủ nhau đến công đường để kêu oan cho công tử.
Thấy tấm lòng chân thật của hai ông lão, Thu Công cảm động khóc sướt mướt, nói :
— Cảm ơn hai ngài có lòng tốt nghĩ đến tôi, ơn ấy tôi không lấy gì đền đáp được. Song đây là tai vạ đến với tôi, xin các ngài chớ có vì thương tôi mà mang họa vào thân. Bọn Trương Uỷ nay rất thân thế, khó mà kêu oan lắm.
Thu Công nói vừa dứt lời thì bọn công sai đã kéo cổ đi, không cho nói nữa. Hai ông lão thấy vậy rơi lụy dầm dề, nhìn Thu Công từ từ bước đi vào ngục.
Khi Thu Công đã khuất bóng, hai ông già vội vàng chạy ra chợ mua bánh trái, rượu thịt đưa vào ngục để tặng Thu Công. Bọn công sai trông thấy rượu thịt cười híp mắt, tiếp lấy và nói rối rít. Chúng chờ cho hai ông già ra về, chia nhau ăn uống chứ không đưa cho Thu Công.
Thu Công đêm ấy nằm đói trong ngục, chân tay bị cùm cứng ngắt, không cựa quậy được chút nào. Dần dần, vì quá mỏi mệt, ông ta thiếp đi.
Trong cái giấc ngủ nặng nề ấy, Thu Công nằm mộng thấy mình nhẹ nhàng tung tăng chạy nhảy trong khung trời rộng bao la, gió núi mây ngàn.
Bỗng dưng chàng thấy nàng thiếu nữ hôm nọ, nàng thiếu nữ đã gặp chàng nơi vườn hoa, và chắp những cánh hoa rơi liền lại nơi đầu cành.
Thu Công mừng rỡ gọi to :
— Xin cô nương cho biết cô nương là ai ? ở đâu vậy ?
Thiếu nữ mỉm cười, bước tới nói :
— Chẳng hay công tử có muốn thoát khỏi cảnh gông cùm cả tinh thần lẫn thể xác không ?
Câu nói ấy làm cho Thu Công cảm thấy mơ màng nhớ lại mình đang mắc một tai nạn gì đây, vội quỳ xuống hỏi :
— Chẳng hay nương tử có phải là một vị tiên giáng trần để ban ơn cho tôi hay không ?
Thiếu nữ se sẽ đáp :
— Thiếp không phải là tiên, phật, thần thánh gì cả, thiếp chỉ là tinh anh của muôn hoa kết thành, và ở ngay trong vườn hoa của công tử. Thấy công tử quý trọng bạn bè của thiếp, nên thiếp đền ơn đó thôi.
Thiếu nữ vừa nói đến đó vụt biến mất. Thu Công thất kinh, toan chạy theo, bỗng lúc đó tiếng kiểng tù khua vang làm cho Thu Công giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm. Thu Công thấy tay chân mình vẫn còn cùm chặt cứng. Chàng mới biết mình vừa nằm mộng, nên buông tiếng thở dài buồn bã.
Chàng nằm lẳng lặng nghe từng hơi thở của mình. Bên ngoài bọn quân canh ăn nhậu say sưa ngủ khì, tiếng ngáy vo vo.
Mãi cho đến khi mặt trời mọc lên cao, Thu Công mới thấy một vài thằng hé cửa ngục bước vào ném cho Thu Công một vắt cơm và một hũ nước, nhướng mắt nhìn chiếc cùm một lúc rồi lặng lẽ bước ra không nói gì cả.
Thu Công cũng cứ nằm ì ở đấy, không thèm hỏi han gì. Lúc này chỉ có thầy trò Trương Uỷ là vui vẻ nhất vì chúng hay được tin Thu Công bị ghép vào tội yêu nhân phiến loạn.
Trương Uỷ nói với bọn thủ hạ :
— Thằng giặc ấy đã bị ghép vào tội phiến loạn thì sớm tối nó cũng phải chết. Vườn hoa kia thế nào cũng phải về tay ta.
Bọn thủ hạ nói :
— Chỉ tiếc là chẳng biết bao giờ quan phủ mới cho đấu giá để thầy trò mình sớm được thưởng ngoạn.
Trương Uỷ mỉm cười nói :
— Cần gì. Hiện nay nó đã nằm trong ngục rồi, nếu chúng ta muốn vào vườn thưởng ngoạn lúc nào mà chẳng được.
Bọn thủ hạ reo lên :
— Như thế thì sung sướng biết bao ! Hôm trước vì thái độ cổ quái của tên giặc ấy làm cho chúng tôi cụt hứng. Nay nếu công tử chịu dắt chúng tôi đến đó để tự do dạo trong vườn thì còn gì thú hơn.
Làm ra vẻ đắc ý, Trương Uỷ truyền cho bọn thủ hạ đem rượu thịt cùng các vật dụng thẳng đến vườn hoa Thu Công.
Những người lân cận trông thấy bọn Trương Uỷ đến đều sợ sệt, bỏ đi nơi khác. Khu vườn vắng tanh, không một tiếng động.
Trương Uỷ dắt bọn tùy tùng ồ ạt kéo vào. Lạ thay, lúc ấy hoa mẫu đơn trong vườn đều khô héo, rụng bừa bãi, cành lá khô đét, không còn lấy một đóa hoa nào.
Trương Uỷ lấy làm lạ, nói với bọn tùy tùng :
— Mẫu đơn hôm nọ đã trổ lại đầu cành, nở sum sê, đủ màu tươi thắm, thế mà hôm nay lại tàn tạ ! Như vậy quả Thu Công dùng tà thuật chi đây rồi.
Bọn thủ hạ nghe nói, đứa nào đứa nấy xanh mặt, hỏi :
— Thế thì thầy trò chúng ta nên trở về đi là hơn.
Trương Uỷ lắc đầu :
— Đã đem rượu thịt đến đây dầu không có hoa, chúng ta cũng cứ ăn uống cho vui, tội gì mà mang trở về.
Nói xong truyền bọn thủ hạ trãi đệm ngồi dưới gốc hoa chè chén. Tuy mẫu đơn khô héo, rơi rụng đầy đất, song nhờ khu vườn cây cối rậm rạp, gió hiu hiu thổi nên Trương Uỷ thấy tâm hồn mình cũng khoan khoái.
Chàng ta rót một ly rượu đầy bưng cho tên thủ hạ Trương Bá và nói :
— Thu Công bị hạ ngục, ấy là công của mi đã cố gắng tận tâm giúp sức ta, vậy ta thưởng cho ngươi một chén đây.
Trương Bá nâng ly rượu nốc một hơi, thở khà ra, nói :
— Nếu phải vì công tử mà thác thì bọn tôi cũng vui lòng huống chi một chút việc như vậy có đáng vào đâu. Song công tử đã ban ơn, tôi không dám từ chối.
Nói xong, Trương Bá lại nốc một hơi nữa cho đến cạn chén. Sau đó, cả bọn xúm nhau ăn uống vui cười mãi cho đến lúc mặt trời chen lặn, đứa nào đứa nấy say tít.
Trương Uỷ muốn ra về thì bỗng một luồng gió thổi đến nghe lành lạnh, làm cho tất cả các bông hoa rơi trên mặt đất bay đi đâu mất.
Tiếp đó một đoàn thiếu nữ cao độ một thước, chẳng biết từ đâu hiện đến đứng bao quanh bọn Trương Uỷ, mắt nhìn chúng chòng chọc. Thầy trò Trương Uỷ thất kinh, hoảng vía, run cầm cập. Có đứa líu lưỡi không nói được, rét lên như tiếng kêu của loài ác thú.
Một luồng gió thứ hai thổi đến, đoàn thiếu nữ kia bỗng cao lớn như người thường, mặt mày sáng rỡ nước da mịn màng, ăn mặc lả lướt, cô nào trông cũng xinh đẹp bội phần.
Nếu trong trường hợp thường, thì trước những cặp má đào mơn mởn ấy, Trương Uỷ làm sao khỏi động lòng ham muốn, nhưng ở đây, chàng ta run như một con thằn lằn đứt đuôi, đứng trân trân không nói ra lời.
Một cô thiếu nữ trong bọn, nhìn các cô kia nói :
— Chị em chúng ta sống nơi đây bao năm rồi, nhờ Thu Công thăm nom săn sóc, che chở cho. Nay bỗng nhiên tên vô loại này đến phá phách chúng ta, lại còn vu oan Thu Công để chiếm vườn hoa này. Thế thì hôm nay chị em chúng ta đã gặp được kẻ thù trước mắt, chúng ta phải rửa hận, trước là trả nghĩa cho Thu Công, sau là phải tự bảo vệ lấy mình chứ !
Các thiếu nữ kia đồng reo lên một lượt, tỏ ý tán thưởng lời đề nghị ấy. Chỉ trong nháy mắt, đoàn thiếu nữ vây phủ chung quanh bọn Trương Uỷ, xiêm áo tha thướt, dáng điệu mềm mại, múa tưng bừng.
Nhưng lạ thay ! Những tà áo lướt thướt kia vung vút tung ra những luồng gió lạnh buốt, quất vào bọn Trương Uỷ như những luồng điện đánh vào người, đau thấu xương.
Bọn thủ hạ của Trương Uỷ hét lên, run cầm cập, mạnh đứa nào đứa nấy tìm đường mà chạy. Mặt mày tối sầm, chúng va vào những gốc cây, té liểng xiểng.
Sau trận gió, các thiếu nữ đã biến đi đâu mất. Bọn thủ hạ của Trương Uỷ mới lòm còm bò ra khỏi cổng vườn kiểm điểm lại thì không thấy Trương Uỷ và Trương Bá đâu cả.
Chúng hoảng kinh, song không dám trở vô vườn hoa nữa, nên tri hô với hàng xóm. Lúc đó trời đã bắt đầu tối, khu vườn tỉnh mịch ấy lại lặng ngắt, trong cảnh hoang vu ấy ai cũng phải khiếp vía.
Các người hàng xóm nghe tiếng la cầu cứu vội chạy đến. Bọn thủ hạ của Trương Uỷ rối rít kể lại câu chuyện đầu đuôi gốc ngọn. Mọi người thắp đuốc vào vườn.
Sau khi tìm khắp nơi, đến bên hồ nước họ nghe tiếng người rên rỉ, nhưng hình như đã kiệt sức. Hai ông già Ngu Công và Đơn Lão lúc đó cũng có mặt trong đám hàng xóm, thấy thế trong lòng thích thú lắm.
Ngu Công nói nhỏ với Đơn Lão :
— Cái bọn ác quỷ này ngày đêm cứ lo việc vu oan, giá họa cho dân lành để mong chiếm đoạt tiền của, sắc đẹp. Nay chúng phải cái tai nạn này kể ra cũng đáng tội. Chúng ta tội gì mà tìm kiếm cho mệt.
Đơn Lão đáp :
— Đành vậy, nhưng chúng ta hẳn tìm xem chúng nó bị tai nạn gì cho biết.
Hai người nói đến đây thì thấy hai tên thủ hạ của Trương Uỷ theo sau rụt rè bước đến. Ngu Công chỉ tay ra đàng trước nói :
— Kìa, trước mặt chúng ta có tiếng ai rên rĩ đó. Vậy hai ngươi hãy bước đến đó xem sao.
Hai tên kia rụt đầu, le lưỡi nói :
— Nhờ các ngài đến xem chứ chúng tôi vừa bị một trận đến bây giờ chưa hết sợ.
Đơn Lão cười thầm :
— A ! té ra mấy chú được cái mạnh dạn là lúc bình thường, đi phá phách thiên hạ, còn lúc nguy biến lại co đầu rút cổ !
Nói xong ông ta bước đến chỗ có tiếng rên, tìm kiếm một lúc mới bắt gặp một người máu me ràng rụa, quần áo dính đầy đất cát, đang nằm bên gốc cây dương thở thoi thóp.
Lật mặt người ấy lên, Đơn Lão nhận ra là Trương Bá, bèn hô to :
— Trương Bá đây rồi bà con ơi !
Mọi người chạy đến đỡ Trương Bá dậy, xét thấy thương tích khá nặng, liệu bề khó mà cứu chữa, nên giao cho hai tên thủ hạ của Trương Uỷ khiêng Trương Bá về nhà.
Tiếp đó mọi người lại lục soát khắp khu vườn để tìm Trương Uỷ. Tìm khắp nơi không nghe tăm hơi gì nữa cả, mọi người muốn ra về, bỗng Ngu Công chạm phải một vật gì mềm nhũn, giật nẩy người, hét to :
— Cái gì thế ?
Đơn Lão vội chạy lại, cầm đuốc soi, thì ra một người đang cắm đầu vào vũng bùn, dưới gốc cây đào. áo quần người ấy tuy sang trọng, song lấm đầy đất cát.
Mọi người xúm nhau vực xác lên thì mặt mày không ai còn nhận định được nữa. Cái xác ấy đã chết đờ tự bao giờ rồi.
Ngu Công lấy tấm khăn vấn cổ của mình lau cho nạn nhân, bỗng ông ta hốt hoảng la to :
— Công tử đây rồi !
Thật thế, cái xác chết ấy đúng là Trương Uỷ.
Hàng xóm xúm lại bàn tán rất xôn xao.
— Tại sao Trương Uỷ lại cắm đầu trong vũng bùn mà chết như vậy ?
Có kẻ thì thầm :
— ác nhơn ác báo. Sống ở đời tàn ác thì lúc chết như vậy.
Có người nói :
— Có lẽ khu vườn này linh thiêng lắm nên mới có sự báo oán ghê gớm như vậy. Thôi chúng ta hãy trở về kêu vợ con của hắn đếnđ ây mà nhận xác đem về chôn cất, còn chúng ta đi báo cho quan trên biết.
Mọi người nghe lời, xúm nhau ra về, làm đơn tả tự sự, và nói rõ hành động của thầy trò Trương Uỷ từ trước đến nay để minh oan cho Thu Công.
Vợ con Trương Uỷ hai được tin chạy đến khóc sướt mướt, rồi lo y quan tẩm liệm cho chồng. Còn Trương Bá, vì vết thương quá nặng, rạng ngày hôm sau tắt thở. Hai đám táng của hai kẻ vô lương cùng chung một lúc. Thiên hạ được dịp nguyền rũa không tiếc lời.
Lúc này bọn thủ hạ của Trương Uỷ như rắn mất đầu, không còn chỗ nương tựa, sợ khiếp vía, không dám ra khỏi nhà.
Hôm sau, viên tri phủ khỏi bịnh thì ông ta vừa tiếp được lá đơn của hàng xóm hạch tội Trương Uỷ để minh oan cho Thu Công. Cả bọn công sai cũng tường trình lại cho viên tri phủ nghe cái chết ly kỳ của Trương Uỷ và Trương Bá.
Bây giờ quan phủ mới thức tỉnh, liền hạ lệnh tha cho Thu Công khỏi tội, lại ra cáo thị cấm mọi người không được vào vườn hoa của Thu Công, nếu không được Thu Công đồng ý.
Thu Công tạ Ơn tri phủ, và cảm kích mối tình nồng thắm của lâng bàng, nhứt là hai ông già Ngu Công và Đơn Lão.
Thu Công cùng mọi người ra về.
Khi về đến vườn hoa, thì lạ thay, hoa mẫu đơn đua nở muôn màu, mười phần tươi tốt, hương xông ngào ngạt, cành lán xanh dờn, lắc lư trước gió như hớn hở đón chào người bạn cũ.
Thu Công mời tất cả lâng bàng đến, bày tiệc rượu đãi đằng, để đền đáp ơn sâu.
Từ đó, Thu Công đêm ngày đóng cửa vườn tu luyện phép “thổ nạp dưỡng sinh” của người luyện khí.
Rồi một sớm, ông ta bỏ nhà đi mất, không bao giờ còn thấy trở về nữa.