NHậT Ký
Tác giả: Phan thị vàng Anh
1. Cả lớp uể oải buông bút xuống. Thầy hỏi: "Các anh, chị có thắc mắc gì không?" Hoàn toàn trống rỗng trong đầu, tôi không thấy nẩy ra câu hỏi hào, băn khoăn nào về bài học. Thầy cười buồn bã: "Thụ động quá! Cách học này sẽ giết các anh, chị!", rồi thu vở đi ra. Tôi cũng vội vàng thu vở về nhà. ở bãi xe sinh viên, những chị giữ xe đã cau mày đứng đợi. Tôi nhìn đồng hồ, mười một giờ ba mươi, một nửa ngày sắp trôi qua, không có gì vui, không có gì mới lạ.
2. Nguyện hỏi: "Uống gì đây Khanh?" - "Gì cũng được!" Nguyện có vẻ không hài lòng: "Lúc nào cũng vậy!". Tôi ngồi im rất lâu, trong quán, nhìn người qua lại, rồi bỗng nhận ra, nãy giờ chẳng lưu lại hình ảnh nào trong đầu. Nguyện đã nói rất nhiều, rồi bảo tôi: "Nói gì đi chứ Khanh, sao Khanh có vẻ buồn vậy!" Tôi cười: "Có buồn gì đâu!" "Thôi! Khanh đừng giấu, Khanh đang nghĩ gì trong đầu?" Tôi thật thà "Chẳng nghĩ cái gì cụ thể cả!" - Nguyện dựa phịch xuống ghế, bất mãn: "Vì sao Khanh không bao giờ nói cho Nguyện nghe, Khanh đang vui cái gì, buồn cái gì?" Tôi cười: "Vì Khanh không rõ mình đang vui hay đang buồn!". Rồi tôi cũng chán nản ngả lưng vào ghế, tôi chợt căm ghét cảm giác lửng lơ này, cảm giác mà hàng ngày tôi trải qua, từ sáng sớm đến chiều tối, không màu sắc, không xao động...
Tôi nhớ đến trưa nay, khi Loan hốt hoảng báo: "Con Thùy đụng xe ngoài ngã ba, gãy chân rồi!" Tôi vừa mở cửa, hỏi: "Hồi nào? Xe gì đụng! Nặng không?" vừa tự phân tích cảm giác thật sự của mình. Tôi hơi ngượng, vì đằng sau những lời dồn dập đó, tôi hoàn toàn dửng dưng, sự dửng dưng mà tôi cố đẩy ra mà không được... vừa lúc đó, Thùy chui từ một bụi cây ra, cười khà khà; tôi trách: "Con quỷ, làm tao hết hồn!" cũng vẫn không thấy có thêm một thay đổi nào về cảm xúc.
Tôi đã kể với Nguyện chuyện này. Nguyện nhìn tôi, lo âu: "Không hay tí nào, như vậy là mất tính người, là đang chết đấy!"
3. Có nhiều người đang chết như tôi. Chúng tôi hàng ngày vào quán café, thờ ơ uống những thứ nước ở đâu pha cũng giống nhau, bàn những chuyện không đi quá xa tường trường và ra về trong cảm giác mệt mệt. Buổi chiều, nhạc các quán café quanh ký túc xá giống lẫn nhau, nam sinh ăn cơm chiều xong, đầu gội còn ướt dấu lược chải, lững thững bước vào, kéo ghế và ngắm cô gái nhỏ phấn son bưng nước; vài nữ sinh viên cặp tay nhau đi qua, nhìn vào bất lực rồi quay mặt bước đi, trong vài giây, thấy oán cái gánh nặng kiến thức đang đè oằn trên sắc đẹp.
... Sáng qua, thầy Thống bảo: "Các em nên ghi nhật ký công việc hàng ngày!". Cả lớp mỉm cười, thầy bảo: "Đừng cười, mỗi ngày ít nhất đều có một cái gì đấy đáng ghi, nếu không ghi được cái gì, các em phải coi chừng!". Tôi đã phải coi chừng, bởi đêm qua, sau khi ghi ngày tháng vào trang đầu của sổ nhật ký, tôi đã không biết phải viết gì thêm. Hôm qua, ở giảng đường, tôi đến và chép bài, rồi ra chơi, rồi chép, rồi café, chiều lại café, tối về học một chút, học thuộc lòng, có gì đáng ghi nhận vào đây? Và tôi xé trang đầu, lên giường ngủ.
4. Năm giờ. Nguyện uống hớp nước cuối cùng rồi cương quyết đứng lên, nhìn tôi: "Về đi Khanh, Khanh đi học đi!".
Nguyện đưa tôi đến cửa tu viện, hẹn: "Thứ năm tuần sau!". Tôi không quan tâm đến lời hẹn ấy, tôi thì thào với Nguyện: "Lâu lắm Khanh mới đi học lại ở đây!". Nguyện quay xe: "Thôi vào đi, có cần Nguyện đón về không?" - "Không! Để Khanh về một mình!". Tôi không muốn trong một ngày phải thấy Nguyện hai lần!
... Ma soeur bảo: "Các con phải nói chuyện bằng tiếng Anh, cố gắng đừng nói tiếng Việt. Nhớ đấy! Bây giờ thì tự giới thiệu với nhau đi!", rồi soeur cười hiền lành, đầy khích lệ. Anh bạn cùng lớp tôi, to lớn, hồng hào, nói thật lưu loát, thật hùng hồn, tôi chỉ kịp nghe ít chữ, và hoang mang, tôi mỉm cười, tay mân mê cái tai, ấp úng giới thiệu: "Tôi tên Khanh, sinh viên năm thứ... tôi là học trò cũ của Ma soeur cách đây năm năm. Tôi học ngoại ngữ không đều nên nói và nghe kém!" Soeur cười, bảo Luân, tên anh bạn - "Con bắt đầu đi, nói về bất cứ đề tài gì con thích!". Và anh ta nói, lưu loát, nhưng hai bàn tay xoắn chặt nhau như giữ hết nguồn gốc của lời nói trong đó. Soeur hỏi tôi: "Con có hiểu không?" - "Chút chút!", và từ đầu đến cuối tôi chỉ biết nói vài chữ đại loại vậy, tôi hoang mang vì sự dốt nát của mình và sự giỏi giang của Luân. Soeur lại cười: "Con có hỏi gì không? Cứ tự nhiên đi!" Tôi nói: "Xin lỗi, nãy tôi nghe không kịp, anh làm nghề gì?" Luân cười, độ lượng: "Tôi là lái xe cho công ty Y..." Soeur hỏi: "Con làm có bận không?" - "Dạ, bận", rồi anh cười, khoe, dễ thương như một đứa trẻ: "Con bận nhưng vẫn cố gắng đi học, con còn một lớp tiếng Pháp nữa, ngay sau buổi học này!", anh vẫn nói bằng tiếng Anh và tôi vẫn luôn phải cười, ngượng nghịu: "Xin anh nói chậm lại!". Soeur an ủi tôi: "Rồi con sẽ quen, nghe riết rồi sẽ quen!". Luân cũng an ủi: "Đừng lo, những người mới bắt đầu bao giờ cũng thế!"
5. "Những người mới bắt đầu!"... thật là nhục nhã! Và tôi đi dọc theo con đường vắng, trong trời tối, mặt lem nhem nước mắt vì hổ thẹn. Một năm nữa tôi sẽ ra trường và vốn ngoại ngữ bao nhiêu năm được một người lái xe tóm tắt bằng mấy chữ. Và tôi đã khóc, nhớ rằng lâu lắm rồi không khóc cũng như lâu lắm rồi không học cho ra học. Rồi tôi mỉm cười như một người điên, trong chiều tối, ít ra thì cũng phải như thế chứ, thỉnh thoảng cũng phải có chuyện để mà khóc hay cười chứ, lặng lẽ mãi sao được! Một cuộc sống lặng lờ cũng như một vở kịch không cao trào, người ta muốn khép màn lúc nào cũng được, như tôi hằng đêm, nằm lơ mơ nghĩ, "Bây giờ mà chết cũng không có gì để tiếc!" Vậy thôi! Hôm nay, Nguyện đã gay gắt bảo tôi: "Một đất nước với những thanh niên như Khanh sẽ không bao giờ làm nên chuyện gì; những người không muốn điều gì và cũng không biết mình phải ham muốn điều gì!" Và lúc này, tôi hiểu phần đuôi mà Nguyện đã không dám nói thẳng vào mặt tôi: "Những người ngu dốt mà không biết mình ngu dốt". Nguyện không dám nói, và anh Luân lái xe, trong một lớp học thêm vắng người đã hồn nhiên nói hộ.
Trời chiều sụp tối và tôi lau nước mắt, cúi mặt để không ai thấy mình đang cười và khẽ nói: "Cảm ơn!"
1. Cả lớp uể oải buông bút xuống. Thầy hỏi: "Các anh, chị có thắc mắc gì không?" Hoàn toàn trống rỗng trong đầu, tôi không thấy nẩy ra câu hỏi hào, băn khoăn nào về bài học. Thầy cười buồn bã: "Thụ động quá! Cách học này sẽ giết các anh, chị!", rồi thu vở đi ra. Tôi cũng vội vàng thu vở về nhà. ở bãi xe sinh viên, những chị giữ xe đã cau mày đứng đợi. Tôi nhìn đồng hồ, mười một giờ ba mươi, một nửa ngày sắp trôi qua, không có gì vui, không có gì mới lạ.
2. Nguyện hỏi: "Uống gì đây Khanh?" - "Gì cũng được!" Nguyện có vẻ không hài lòng: "Lúc nào cũng vậy!". Tôi ngồi im rất lâu, trong quán, nhìn người qua lại, rồi bỗng nhận ra, nãy giờ chẳng lưu lại hình ảnh nào trong đầu. Nguyện đã nói rất nhiều, rồi bảo tôi: "Nói gì đi chứ Khanh, sao Khanh có vẻ buồn vậy!" Tôi cười: "Có buồn gì đâu!" "Thôi! Khanh đừng giấu, Khanh đang nghĩ gì trong đầu?" Tôi thật thà "Chẳng nghĩ cái gì cụ thể cả!" - Nguyện dựa phịch xuống ghế, bất mãn: "Vì sao Khanh không bao giờ nói cho Nguyện nghe, Khanh đang vui cái gì, buồn cái gì?" Tôi cười: "Vì Khanh không rõ mình đang vui hay đang buồn!". Rồi tôi cũng chán nản ngả lưng vào ghế, tôi chợt căm ghét cảm giác lửng lơ này, cảm giác mà hàng ngày tôi trải qua, từ sáng sớm đến chiều tối, không màu sắc, không xao động...
Tôi nhớ đến trưa nay, khi Loan hốt hoảng báo: "Con Thùy đụng xe ngoài ngã ba, gãy chân rồi!" Tôi vừa mở cửa, hỏi: "Hồi nào? Xe gì đụng! Nặng không?" vừa tự phân tích cảm giác thật sự của mình. Tôi hơi ngượng, vì đằng sau những lời dồn dập đó, tôi hoàn toàn dửng dưng, sự dửng dưng mà tôi cố đẩy ra mà không được... vừa lúc đó, Thùy chui từ một bụi cây ra, cười khà khà; tôi trách: "Con quỷ, làm tao hết hồn!" cũng vẫn không thấy có thêm một thay đổi nào về cảm xúc.
Tôi đã kể với Nguyện chuyện này. Nguyện nhìn tôi, lo âu: "Không hay tí nào, như vậy là mất tính người, là đang chết đấy!"
3. Có nhiều người đang chết như tôi. Chúng tôi hàng ngày vào quán café, thờ ơ uống những thứ nước ở đâu pha cũng giống nhau, bàn những chuyện không đi quá xa tường trường và ra về trong cảm giác mệt mệt. Buổi chiều, nhạc các quán café quanh ký túc xá giống lẫn nhau, nam sinh ăn cơm chiều xong, đầu gội còn ướt dấu lược chải, lững thững bước vào, kéo ghế và ngắm cô gái nhỏ phấn son bưng nước; vài nữ sinh viên cặp tay nhau đi qua, nhìn vào bất lực rồi quay mặt bước đi, trong vài giây, thấy oán cái gánh nặng kiến thức đang đè oằn trên sắc đẹp.
... Sáng qua, thầy Thống bảo: "Các em nên ghi nhật ký công việc hàng ngày!". Cả lớp mỉm cười, thầy bảo: "Đừng cười, mỗi ngày ít nhất đều có một cái gì đấy đáng ghi, nếu không ghi được cái gì, các em phải coi chừng!". Tôi đã phải coi chừng, bởi đêm qua, sau khi ghi ngày tháng vào trang đầu của sổ nhật ký, tôi đã không biết phải viết gì thêm. Hôm qua, ở giảng đường, tôi đến và chép bài, rồi ra chơi, rồi chép, rồi café, chiều lại café, tối về học một chút, học thuộc lòng, có gì đáng ghi nhận vào đây? Và tôi xé trang đầu, lên giường ngủ.
4. Năm giờ. Nguyện uống hớp nước cuối cùng rồi cương quyết đứng lên, nhìn tôi: "Về đi Khanh, Khanh đi học đi!".
Nguyện đưa tôi đến cửa tu viện, hẹn: "Thứ năm tuần sau!". Tôi không quan tâm đến lời hẹn ấy, tôi thì thào với Nguyện: "Lâu lắm Khanh mới đi học lại ở đây!". Nguyện quay xe: "Thôi vào đi, có cần Nguyện đón về không?" - "Không! Để Khanh về một mình!". Tôi không muốn trong một ngày phải thấy Nguyện hai lần!
... Ma soeur bảo: "Các con phải nói chuyện bằng tiếng Anh, cố gắng đừng nói tiếng Việt. Nhớ đấy! Bây giờ thì tự giới thiệu với nhau đi!", rồi soeur cười hiền lành, đầy khích lệ. Anh bạn cùng lớp tôi, to lớn, hồng hào, nói thật lưu loát, thật hùng hồn, tôi chỉ kịp nghe ít chữ, và hoang mang, tôi mỉm cười, tay mân mê cái tai, ấp úng giới thiệu: "Tôi tên Khanh, sinh viên năm thứ... tôi là học trò cũ của Ma soeur cách đây năm năm. Tôi học ngoại ngữ không đều nên nói và nghe kém!" Soeur cười, bảo Luân, tên anh bạn - "Con bắt đầu đi, nói về bất cứ đề tài gì con thích!". Và anh ta nói, lưu loát, nhưng hai bàn tay xoắn chặt nhau như giữ hết nguồn gốc của lời nói trong đó. Soeur hỏi tôi: "Con có hiểu không?" - "Chút chút!", và từ đầu đến cuối tôi chỉ biết nói vài chữ đại loại vậy, tôi hoang mang vì sự dốt nát của mình và sự giỏi giang của Luân. Soeur lại cười: "Con có hỏi gì không? Cứ tự nhiên đi!" Tôi nói: "Xin lỗi, nãy tôi nghe không kịp, anh làm nghề gì?" Luân cười, độ lượng: "Tôi là lái xe cho công ty Y..." Soeur hỏi: "Con làm có bận không?" - "Dạ, bận", rồi anh cười, khoe, dễ thương như một đứa trẻ: "Con bận nhưng vẫn cố gắng đi học, con còn một lớp tiếng Pháp nữa, ngay sau buổi học này!", anh vẫn nói bằng tiếng Anh và tôi vẫn luôn phải cười, ngượng nghịu: "Xin anh nói chậm lại!". Soeur an ủi tôi: "Rồi con sẽ quen, nghe riết rồi sẽ quen!". Luân cũng an ủi: "Đừng lo, những người mới bắt đầu bao giờ cũng thế!"
5. "Những người mới bắt đầu!"... thật là nhục nhã! Và tôi đi dọc theo con đường vắng, trong trời tối, mặt lem nhem nước mắt vì hổ thẹn. Một năm nữa tôi sẽ ra trường và vốn ngoại ngữ bao nhiêu năm được một người lái xe tóm tắt bằng mấy chữ. Và tôi đã khóc, nhớ rằng lâu lắm rồi không khóc cũng như lâu lắm rồi không học cho ra học. Rồi tôi mỉm cười như một người điên, trong chiều tối, ít ra thì cũng phải như thế chứ, thỉnh thoảng cũng phải có chuyện để mà khóc hay cười chứ, lặng lẽ mãi sao được! Một cuộc sống lặng lờ cũng như một vở kịch không cao trào, người ta muốn khép màn lúc nào cũng được, như tôi hằng đêm, nằm lơ mơ nghĩ, "Bây giờ mà chết cũng không có gì để tiếc!" Vậy thôi! Hôm nay, Nguyện đã gay gắt bảo tôi: "Một đất nước với những thanh niên như Khanh sẽ không bao giờ làm nên chuyện gì; những người không muốn điều gì và cũng không biết mình phải ham muốn điều gì!" Và lúc này, tôi hiểu phần đuôi mà Nguyện đã không dám nói thẳng vào mặt tôi: "Những người ngu dốt mà không biết mình ngu dốt". Nguyện không dám nói, và anh Luân lái xe, trong một lớp học thêm vắng người đã hồn nhiên nói hộ.
Trời chiều sụp tối và tôi lau nước mắt, cúi mặt để không ai thấy mình đang cười và khẽ nói: "Cảm ơn!"